top of page

Hăm Tư Có Gì Lạ Không Ta?

  • LVMỹ-K24
  • Sep 23, 2023
  • 20 min read


Niên trưởng Đệ Nhị Dương Cưu Nguyễn Dinh có một nhận xét rất hay về đàn em Song Ngư 2, đại ý cho rằng đây là 1 khóa khác thường nhất trong các khóa SVSQ HQ Nha Trang mà ông được biết. Tuy nhiên, Cựu/Cố Liên Đoàn Trưởng SVSQ các khóa 23 +24 + 25 này không nói rõ điều gì tạo nên sự khác thường hay đặc biệt đó.

Vậy thì, hãy tự mình thử rà lại ký ức, để lược kê và tạm đánh số một vài điểm riêng biệt đặc thù đó xem sao (mà cũng rất mong được các bạn hưởng ứng hiệu đính hay bổ sung)…


1- Ra trường thiếu úy - Cả đời thiếu úy:

Quân chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, từ lính tới tướng, vẫn tự hào có một cuộc sống kiêu hùng suốt đời: “Once a Marine, Always a Marine”. Tuy cùng một ý niệm chung cuộc, nhưng nghe chừng nó ít bi lụy đau thương (“cho niềm kiêu hãnh vươn lên”) so với dòng nhạc “Một lần là trăm năm!”.

Không khác TQLC Mỹ, Đệ Nhị Song Ngư, từ SV vĩ khoa tới thủ khoa, cũng (cắn răng cười mỉm mà) tự hào về một dòng thô ráp mô tả đời lính: “Ra trường thiếu úy – Cả đời thiếu úy”. Tuyệt đại đa số là vậy. Chẳng nghe nói có ai hài lòng về điều trắc trở (bất như ý) này, nhưng, niềm kiêu hãnh từng-là-một-SQ- HQ đó, cho dù chỉ là ở cấp thiếu úy (muôn đời), vẫn là nền tảng sống hùng sống đẹp, sống bất khuất, sống cầu toàn lẫn cầu tiến để vươn lên, và để thích ứng với mọi hoàn cảnh, theo đúng phương châm trui rèn cái cốt cách “chỉ tinh thần mới là quan trọng”, cả trong trại tù hay ra khỏi nước.


2- “Thực Tập” lâu nhất:

Có (nhiều) bạn ghi danh gia nhập HQ từ thời Đệ Nhị Nam Dương (K22), nhưng, vì danh sách tình nguyện quá dài, quá đông, nên sau mấy tháng căn bản quân sự Quang Trung, cứ bị (hay được) đưa lên tàu “thực tập” (nhiều loại việc thập cẩm) trong thời gian chờ đợi đến phiên nhập khóa 24 Nha Trang. Hệ quả là cho tới lúc đứt phim gãy gánh tháng Tư 1975, tính ra đã gần trọn 6 năm rề rà chưa có thêm 1 vạch mỏng trên vai.

Tiếng là học khóa 2 năm, mà bị treo lon trung úy chậm hơn cả các bạn đồng lứa vào Võ Bị học khóa 4 năm! Ngược lại, chính nhờ thời gian thực tập triền miên này mà phần lớn các bạn 24 đã quen sóng, quen gió, quen việc, quen tàu, quen thả neo, quen cặp cầu, quen cả bao nhiêu thuyền tình bến nước… trước khi chính thức vào trường.


3- Khóa đầu tiên thao dượt căn bản quân sự ở Cam Ranh:

Hăm bốn có tổng cộng trên dưới 280 sinh viên lúc nhập khóa, trong đó có khoảng đâu đó 80 người là những SVSQ HQ đầu tiên được học 3 tháng căn bản quân sự ở Cam Ranh (biển xanh cát trắng), thay vì Quang Trung (nắng cháy da người). Chương trình căn bản quân sự này phần nào tách rời khỏi chương trình huấn luyện nặng tính lục quân tổng quát. Trám vào đó là những bài học quân phong quân cách đặc thù HQ, kể cả hướng đào tạo một nếp sống lịch lãm chứ không chỉ hào hoa, hào phóng, hay hào hùng, (và lắm khi …hào sảng) của người SQ HQ VNCH.

Ở đây, những sinh viên dân sự vừa mới bắt đầu làm quen đời sống quân sự, lại được ưu đãi bằng phương tiện sẵn có của những căn cứ quân đội Hoa Kỳ để lại, nên có phần nào thoải mái hòa nhập vào đời lính qua ngả …vườn thượng uyển (hoàng gia ngự yến): Tự điều hành sinh hoạt trại (trong tinh thần tự chủ, tự do và tự giác). Ra sân tập hay ra trường bắn bằng xe buýt có máy lạnh. Hưởng quy chế ẩm thực tự lập, tự kê, tự kiểm, tự kết toán. Qua Mỹ Ca uống cà phê hay ăn mì bò tái kèm bia 33, nghe nhạc bằng máy Akai/Sansui. Làm quen với các bạn người nhái đang được huấn luyện bên trường hàng xóm v.v…


4- Khóa nổi tiếng có Ban Văn Nghệ hay nhất Nha Trang:

Không phải là niềm tự hào suông của khóa. Đây chỉ là nhận xét hay đánh giá (hoàn toàn khách quan?) của tập thể các nữ sinh Nha Trang (niên khóa 71-72 và 72-73), kể cả nữ sinh trường dòng Thánh Tâm có các dì Soeur nghiêm hơn quân cảnh. Cũng có thể kể thêm nhận xét tương tự của các nữ sinh viên Văn khoa và Dược khoa từ Sài Gòn ra Nha Trang (hay chính SV SQ các trường Không Quân và Đồng Đế được mời) tham dự các đêm dạ vũ ra khơi của SVSQ HQ Nha Trang.

Có được cái nhận xét dễ thương vừa nói đó cũng chẳng phải dễ dàng gì. Ban Văn nghệ Đệ Nhị Song Ngư may mắn có được người trưởng ban là anh Lương Ngọc Tâm, vốn là nhạc trưởng Ban tam ca Ba Con Mèo (The Cat-Trio) nổi tiếng các phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn. Dày nhạc lý, dày kinh nghiệm huấn luyện, và dày cả số tuổi lẫn cung cách ứng xử truyền nghề, anh Tâm đã khảy Bass hướng dẫn toàn ban văn nghệ của khóa đi vào nền nếp (nghệ thuật có kỷ luật). Nhạc chọn lọc. Chơi điêu luyện. Điệu luân phiên. Từ Paso Doble khai vị tới Valse xoay vòng, không thiếu món chi. Đặc biệt, anh Tâm có giọng hát tuyệt vời khi trình bày những bài nhạc Anh ngữ (Only You, Yellow Bird, Greenfield v.v…) chẳng khác gì những ca sĩ nguyên gốc (là tác giả) của những bài hát đó. Không mê sao được?

Thêm một điểm son khác, là anh Lương Ngọc Tâm đã sáng tác bài nhạc hào hùng SVSQ HQ Hành Khúc, một niềm hứng khởi chưa thấy ở các khóa trước hay sau 24.


5- Khóa duy nhất khởi xướng xây dựng công viên tượng đài Thánh Tổ HQ ngay trước cổng trường:

Đệ Nhị Song Ngư, trước khi ra khơi, đã để lại cho mái nhà Nha Trang thân yêu một dấu ấn sâu đậm: Công viên Tượng đài Thánh Tổ Hải Quân, ngay trước cổng quân trường. Các ban ngành của khóa đã phối hợp nhịp nhàng cùng nhau đánh vật với gió, với cát, với nắng biển chói chang, với mưa dầm thúi đất, (và lắm khi là cả …với nhau), trong gần suốt hai năm thụ huấn ở đây, để hoàn thành một công tác lớn trước giờ chưa từng có, và trở thành một điểm son còn mãi của Nha Trang cho đến nay, 2023.

Ban Trang Trí chủ xị phần thiết lập bản vẽ và trình tự xây dựng, cả tượng đài lẫn công viên. Niên trưởng Trung tá Hiệu phó Trần Văn Nhựt duyệt kế hoạch, cung cấp vật liệu và theo dõi, đôn đốc. Các ban Tu Trang, Điện Khí, và cả Ban 1 điều động luân phiên cả khóa 24, cộng thêm dàn SV Cán bộ đàn em đã huy động các Alpha 25 thời mới vào trường góp sức lao động ngoài giờ lên lớp. Không có sĩ quan cán bộ nào của Liên đoàn SVSQ (24+25) dự phần ở đây, một khi 24 bảo đảm hoàn thành công tác trước khi rời trường. Và đã giữ đúng lời hứa.


6- Khóa đầu tiên học đủ 24 tháng và có 6 tháng không đàn anh không đàn em:

Tháng 9-1971, Song Ngư II bì bõm lội nước từ bãi đổ bộ lên bờ cát trước cổng trường và được các “đao phủ thủ” 23 tận tình hét hò chào đón.

Tháng 3-1972, 24 tiễn đàn anh 23 mãn khóa.

Tháng 9-1972, lặp lại truyền thống hét hò chào đón đàn em 25 vào trường.

Tháng 9-1973, Song Ngư II từng cặp vẫy đuôi ra biển.

Tức là, từ tháng 3 đến tháng 9-1972, Song Ngư II có nguyên cả mùa Hè lẫn mùa Thu được “làm vua một cõi” quân trường: Không còn đàn anh, cũng chưa có đàn em.

Có lẽ mỗi bạn 24 đều có một cách riêng để trả lời câu hỏi “làm vua là làm gì” trong 6 tháng “hoàng kim” đó.

Tuy nhiên, nhìn bao quát chung chung, thì rõ ràng đó là thời điểm mà cả SV 24 (nhảy rào) lẫn sĩ quan cán bộ (đường hoàng) vào rạp coi chung với nhau những bộ phim (nức tiếng cả thế giới) vừa mới ráp xong phần phụ đề Việt ngữ thời đó, như: Doctor Zhivago, Love Story, Romeo & Juliette…

Hoặc giả, tận dụng thời “quân nhàn”, các bạn trong ban Văn Nghệ tăng cường tập dợt những bài hát mới. Các bạn trong ban Trang Trí vẽ thêm tranh tự do, hay chuẩn bị phác thảo hình thức/nội dung quyển Kỷ Yếu của khóa….

Đó là thời yên bình vắng tiếng đàn anh sang phạt vạ tập thể (có tính văn nghệ), kiểu “phòng này, móc giò” hay “tập họp sân cát, giày 10 giờ 10”… chẳng hạn. Cũng không còn bóng dáng đàn anh lảng vảng trong phạn xá, hét tướng “lua thêm chén nữa đi anh” v.v…

Nhưng, có lẽ đáng nhớ nhất là những chuyến đi bờ chính thức không bị SV cán bộ đàn anh thanh tra hạnh họe từng ly từng tý, hoặc điêu ngoa mắng mỏ bọn đàn em đi bờ về lại trường là vi phạm thế này thế khác (toàn những điều đã căn dặn trước) về quân phong quân kỷ…

Nhìn ở một góc khác rộng hơn, thì đây là thời điểm chấm dứt tình trạng tổng động viên và đào tạo sĩ quan khẩn cấp theo nhu cầu chiến trường, đặc biệt là chiến trường sông rạch. Tức là không còn những khóa OCS cấp tốc học tập 6 tháng ở Hoa Kỳ, hay các khóa Nha Trang 12 tháng (chia đôi Chỉ Huy/Cơ Khí), từ khóa 19 đến khóa 23.

Chương trình huấn luyện 24 tháng, kể từ khóa 24, do vậy, cũng thay đổi: SV học gộp cả hai phần Chỉ Huy lẫn Cơ Khí. SV được thực tập vận hành LCVP ở Cầu Đá. SV có 1 tháng thực tập trực tiếp và quy củ (theo đúng vị trí vai trò SVSQ) trên các dương vận hạm hay hải vận hạm, theo 2 trục rời Bắc-Nam. SV được tham gia khảo sát hoạt động của các Hải đội, Duyên đoàn, Đài kiểm báo v.v…

Nghĩa là SV được trang bị thực tiễn mó tay vào một mớ kiến thức hàng hải và cả tổ chức phòng vệ duyên hải tương đối đầy đủ hơn. Phần nào giúp cho SV thêm tự tin và có sẵn trong đầu những ưu tiên chọn lựa lúc ra trường.


7- Khóa đầu tiên chưa kịp gắn alpha đã có các đại úy giang cảnh đến học “quá giang”:

Từ những ngày đầu huấn nhục, SV 24 đã được giới thiệu những học viên bổ túc/tu nghiệp được gửi đến từ các cơ quan giang cảnh (của Bộ Nội Vụ?), để học cùng, trong khoảng nửa năm. Phần lớn các bạn này đã mang lon Biên tập viên Cảnh sát (tương đương đại úy bên quân đội), và được miễn phần huấn nhục, chỉ đứng thao diễn nghỉ bên cạnh thao diễn trường để theo dõi cảnh K23 (cầu vai Alpha Omega) quay K24 (chưa gắn Alpha), trước khi cả 3 bên vào lớp.

Nói chung là tiến triển tốt, phòng ai nấy ở, phần ai nấy học. Không va chạm gì nhau, bởi đều cùng trang lứa và cùng hoàn cảnh xa gia đình trong thời chiến.


8- Khóa duy nhất về Sài Gòn diễn hành Ngày Quân Lực:

Giữa tháng 6-1973, Song Ngư II cùng các bạn SVSQ bên trường Không Quân và Đồng Đế cùng đi trong một đoàn Convoy GMC, có hộ tống vũ trang trên bộ lẫn trên không, từ Nha Trang về Sài Gòn tham dự diễn hành nhân Ngày Quân Lực 19 tháng 6. Đến Phan Rang, đoàn xe dừng lại. SV được phát những bịch cơm sấy, tự rót nước vào và nấu bằng sức nóng nhựa đường, để ăn tạm, trong lúc chờ một đoàn xe khác của trường Võ Bị Liên Quân và trường Chiến Tranh Chính Trị từ Đà Lạt đổ đèo Ngoạn Mục xuống dải đồng bằng giáp biển.

Vui mừng và cảm động biết bao, khi các bạn (khắp nơi) từng học cùng lớp thời trung học hay đại học, từng chia tay tứ tán vào các quân trường, nay có dịp í ới gọi tìm nhau ngay giữa những đồi cát bỏng nắng Phan Rang. Rồi thì lại í ới hẹn nhau, cả trước lẫn sau diễn hành, ở những quán cà phê “huyền thoại” như Lú (Thị Nghè), Hồng (Pasteur), Thu Hương (đường Hai Bà Trưng), Hân (Đa Kao), Hầm Gió (đường Võ Tánh)…; thời thượng là các quán Hạ Trắng, Diễm Xưa, Lệ Đá, Hương Xưa, Da Vàng…; bình dân là cà phê vớ Năm Dưỡng (ngả sáu Cộng Hòa); hay quý phái là Thanh Bạch, La Pagode, Givral, Brodard… Sau diễn hành là mấy ngày phép thưởng, dại gì không hưởng?

Nhiều bạn có nhà ở Sài Gòn lại tự động rủ rê các bạn khác ở tỉnh về ở chung chỗ với nhau, cho vui, cho tiện. Chẳng biết sau những dịp rủ rê nhau bất chợt thế này có ai thống kê được bao nhiêu trường hợp các bạn đồng khóa trở thành anh vợ-em rể không?


9- Khóa duy nhất có 2 thiếu úy hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974:

Đó là hai bạn Vũ Đình Huân (HQ10) & Nguyễn PhúcXá (HQ04).

Chẳng nghe ai nói là bạn Vũ Đình Huân có họ hàng gần xa gì với Phó đề đốc Tư lệnh Vùng III Duyên hải Vũ Đình Đào hay không. Có lẽ chỉ là 1 trùng hợp phần đầu danh tánh. Lúc ở trường, bạn Huân giỏi Anh văn, được xếp vào Đại đội 1. Ít nói, không thích đùa. Ra trường đậu hạng cao, chọn ngay đơn vị đã tính trước (nhiều phần đã từng thực tập từ trước) là HQ10.

Bạn Nguyễn Phúc Xá được anh em biết nhiều từ thời quân trường, do trách vụ Trưởng ban Ẩm thực (Tư lệnh Phạn xá). Tính tình vui vẻ, sởi lởi, nhưng rất nghiêm túc trong công việc. Tinh thần phục vụ không nệ hà, và cũng chẳng cần phân bua điều gì, với ai.

Đã có nhiều bài viết về trận hải chiến hào hùng mà HQ VNCH đã chủ động bắn trước này. Và cho dù là từ phía nào, các bài viết đó đều công nhận đây là một trận hải chiến thực sự, với những đặc tính chiến đấu anh dũng, nếu phải so cùng trận thảm sát Gạc Ma vào tháng 3-1988 sau đó.

Trong tinh thần chiến đấu anh dũng vừa nói, hai bạn Vũ Đình Huân và Nguyễn Phúc Xá, vừa mới rời trường chưa đầy 4 tháng, đã được vinh thăng Trung úy (với nhành dương liễu).


10- Khóa duy nhất có 1 thiếu úy dám đóng bè vượt biển:

Trung đội 8/Đại đội 3 có 2 bạn được xếp tên vào danh sách khít nhau là Nguyễn Hữu Ba (Kỹ thuật Quy Nhơn) và Nguyễn Văn Bôn (Kỹ thuật Vĩnh Long). Nó vận vào tương lai Bôn-Ba hết cả trung đội (và có khi là cả khóa, không chừng).

Sau thời gian tù cải tạo (thực chất là lao cải, đọa đày tới chết), K24 (không khác gì các khóa khác, đều) tan tác thời hậu cải tạo. Có người về ghi danh lại đại học và ra trường bác sĩ. Có người về điều hành cơ ngơi kinh doanh của gia đình ở Chợ Lớn. Có người về quê làm ruộng. Có (nhiều) người tìm 1 công việc tạm bợ nào đó (không cần nhiều vốn) để sống qua ngày mà chờ thời, như chạy thuốc tây hay đạp xích lô, chẳng hạn…

Hầu hết, bằng cách này hay cách khác, đều tìm đường vượt biên vượt biển. Trong đó, SQ HQ được các chủ ghe tin tưởng hơn cả, vì biết rằng họ ít nhiều có sẵn những kiến thức hải hành căn bản. Nhưng không phải ai cũng có may mắn bắt đúng tần số liên lạc, hay có chút vốn vàng thỏi để nói chuyện hợp đồng với các chủ ghe.

Nguyễn Hữu Ba là 1 trong những người thuộc dạng kém may đó. Rồi, tự tin vào vốn liếng kỹ thuật lẫn hải quân, bạn ta lên kế hoạch kết bè bằng 7 ruột xe hơi, tính đường vượt biển đi tìm tự do. Chi tiết cuộc chơi (gộp đủ tính chất lãng mạn thì ít mà liều mạng hơi nhiều) này được chính tác giả ghi lại trong nhiều bài ký, có đăng trên trang mạng K24.

Dù gì đi nữa, bất kể thành công hay không, đây cũng là một kiểu đột phá hiếm có ở các khóa trước và sau 24. Và, mới thấy, hai chữ Tự Do nó lớn hơn sinh mạng con người biết bao!


11- Khóa duy nhất có 1 thiếu úy HQ VN trở thành đại tá HQ Canada:

Chính thức vượt ra khỏi vòng đai “Muôn đời Thiếu úy” của K24, có lẽ chỉ có bạn Nguyễn Ngọc Cảnh.

Bạn Cảnh giỏi Anh ngữ, định cư ở Canada, học lại Hàng Hải, gia nhập HQ Gia Nã Đại. Mấy thập niên sau, đã thăng cấp đóng lon đại tá. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong gia đình SQ của tất cả các khóa Nha Trang.

Bạn Cảnh có một trang Facebook cá nhân, với nhiều chi tiết hơn cho các bạn nào cần liên lạc/tham khảo:


12- Khóa duy nhất có 1 thiếu úy hy sinh trên chiến trường rừng núi sau năm 1975:

Bạn Trần Thiện Khải sinh năm 1949, gốc gác Phan Thiết, vai chú của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Năm 1975, bạn Khải di tản sang Mỹ, gặp gỡ rồi chia tay các bạn khác cùng ở chung trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas. Khải về bang Rode Island, học lại chương trình Kỹ sư.

Năm 1982, bạn Khải gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, về vùng tam-biên-ngoài Thái-Miên-Lào, lập chiến khu, dựng đài phát thanh Việt Nam Kháng Chiến, dự trù trở về đất mẹ qua ngả tam-biên-trong Việt-Miên-Lào, để thành lập các Ủy Ban Kháng Quản cấp tỉnh.

Năm 1987, trên đường thâm nhập, còn cách Kon Tum khoảng 20 cây số, đoàn bị CSVN tấn công biển người, bạn Khải tuẫn tiết trên chiến trường rừng núi Nam Lào, vào ngày 28-8-1987. Vẫn còn là thiếu úy.

Trần Thiện Khải để lại cho đời rất nhiều bài nhạc đấu tranh của một giai đoạn chuyển đổi tâm lý người Việt từ buông xuôi sang quật khởi. Tiêu biểu là tập nhạc Trăng Chiến Khu, với bài nhạc cùng tên đã được một vị giáo sư Nhật Bản dựng nên một vở nhạc kịch, bằng tiếng Nhật.

Trần Thiện Khải để lại cho 24 một lời nhắn ân cần: Đừng quên Việt Nam. Đừng quên Sài Gòn đã bị xóa tên. Làm gì cũng phải nhớ đến lần cả bọn trôi ra biển…”.

Mời các bạn ghé mắt đọc qua một bài ký, có nhiều chi tiết hơn về bạn Khải, được ghi lại trên trang web dưới đây:

Bạn Nguyễn Hòa Nguyên (Houston) cũng có một bài ký viết về bạn Trần Thiện Khải. Hy vọng là nếu bạn Nguyên còn giữ bản electronic, sẽ chịu khó chia sẻ lên trang 24 cho anh em cùng đọc.


13- Khóa duy nhất có 2 thiếu úy làm chủ nhiệm/chủ bút 3 tờ báo lớn sau 1975:

Đó là các tờ báo Việt Luận (Bùi Kế Giản), và Kháng Chiến-Canh Tân (Lương Văn Mỹ).

Bạn Bùi Kế Giản, cùng với bạn Ngô Phúc, là 2 người viết chữ đẹp nhất nhì cả khóa (chứng cứ còn nằm trên mỗi trang Kỷ Yếu 24). Bạn Giản định cư ở Úc, có được cơ duyên cộng tác với một số bằng hữu văn nghệ để cùng điều hành tờ Việt Luận (báo in giấy), phục vụ cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở Sydney từ những năm 1980s của thế kỷ trước. Có lúc tờ Việt Luận được phổ biến như một nhật báo nổi tiếng (không chỉ ở Úc).

Bạn Bùi Kế Giản còn nổi tiếng hơn nữa, là viết báo …bằng viết Bic. Tức là không dùng máy đánh chữ hay computer (hình như cho tới giờ này cũng vẫn chưa đổi ý). Chỉ thoăn thoắt tuồn những điều suy nghĩ sắp sẵn trong đầu chạy ra ngón tay thành chữ, thành câu, thành đoạn, thành bài, mà không cần bôi xóa hay sửa đổi gì cả. Rồi thì, tất nhiên phải có ai đó chịu khó gõ lại trước khi lên bản kẽm đi in.

Có người bảo đó là thiên tài. Cũng có người lý giải rằng đó chỉ là thói quen từ dạo thi sĩ Gia Du - Bùi Kế Giản làm thơ tình (theo trường phái Phạm Thiên Thư) lúc mới quen tiểu thư (Ngày Xưa) Hoàng Thị (Như Ái?) ở Huế. Gì thì gì, Giản 24 vẫn là trụ cột của Việt Luận, và là trụ cột cho cả hội trường Đồng Tâm của nhà thơ Hoàng Phong Linh – Võ Đại Tôn ở Úc.

Còn báo Kháng Chiến (San Jose, California, Hoa Kỳ) là một nguyệt san, phục vụ độc giả dài hạn lẫn trên đường phố, chủ yếu ở Mỹ và ở một số nước ở Âu và Úc châu.

Thời đó, báo Kháng Chiến còn sử dụng hệ thống cơ học & quang học của các máy Typeset to bằng 2 cái bàn làm việc. Chữ tiếng Việt được gõ theo kiểu máy đánh chữ thời xưa (dấu trước chữ sau), máy sẽ xoay 1 vòng đĩa nhựa (mỗi đĩa chứa một co chữ và một cỡ chữ) để chọn đúng mẫu tự vừa gõ, xong rọi ánh sáng qua khung chữ cái vừa chọn trên đĩa đó lên phim. Sau đó, phim được rửa ra giấy Kodak trong phòng tối như bên nhiếp ảnh. Kế nữa là công đoạn cắt dán mớ giấy đó, sắp xếp thành từng cột lên khung báo, cộng thêm hình ảnh đã chạy Halftone đen trắng, trước khi đưa đi chụp bản kẽm rồi lên máy in.

Công việc đầu tiên của thiếu úy Mỹ khi về tòa soạn này làm việc toàn thời, tháng 9 năm 1988, là chuyển đổi hệ thống quang-cơ nhiêu khê đó sang hệ thống Desktop Publishing đơn giản, sử dụng IBM PC, các ổ đĩa mềm Floppy 5.5 inch, HP laser printer, và các software gõ chữ có dấu tiếng Việt (thông dụng nhất là VNI của VNI Software Company, và VPSkeys của Hội Chuyên Gia VN sau này). Đây là một chuyện rất bình thường thời nay, thậm chí còn là tụt hậu, nhưng ở vào thời điểm 35 năm trước, đó là chuyện lớn. Lớn nhất là phần vận động và huấn luyện nhân sự. Phải mất 3 tháng mới hoàn tất được giai đoạn chuyển tiếp, cả vật lý máy móc lẫn tâm lý quen tay quen việc của nhân viên tòa soạn. Một hiệu ứng phụ do hệ quả chuyển đổi đó mà báo Kháng Chiến cũng biến dạng từ khổ tabloid to bản sang khổ magazine nhỏ gọn. Cũng trong thời gian chăm sóc hình thức và nội dung báo Kháng Chiến này, thiếu úy Mỹ được gặp thiếu úy Phạm Trọng Phúc làm việc toàn thời trong một bộ phận khác của cùng tổ chức.

Đến năm 1990, Lương Văn Mỹ lãnh nhiệm vụ mới là gầy dựng nguyệt san Canh Tân.

Về mặt ngoại hình, đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở hải ngoại được in offset 6 màu trên giấy mỏng theo kiểu báo Time hay The Economist Magazine, với tranh ảnh đi bìa của các họa sĩ Nguyên Khai, Hồ Thành Đức, Bé Ký, Lê Quang Xuân, Nguyễn Ngọc Hạnh...

Về mặt văn thơ lẫn chính luận, Canh Tân là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở hải ngoại quy tụ được trên 100 cây bút nổi tiếng cộng tác đều đặn, kể cả Hoàng Hải Thủy cập nhật thời sự từ trong nước; Cao Tần-Lê Tất Điều-Kiều Phong (Chân Dung Bác Hồ) ở San Diego; Nguyễn Hữu Nhật (Tù Phụ/Nghe Tiếng Người Ta Khóc) ở Na Uy; Bắc Phong (Gặp nhau từ phá núi khai sông) ở Canada; hay Nguyễn Đức Lập (Phong Vũ Tiêu Tiêu, Lôi Vũ Động) ở Santa Anna v.v...

Canh Tân có một góc phiếm luận gai góc mang tên là “Vườn Xương Rồng”, do chủ biên/chủ bút Lương Văn Mỹ (dưới bút hiệu Lê Khuyết Danh) kiêm nhiệm quán xuyến, cả 2 tiểu mục trong đó là “Canh Chua”, và “Khổng Tước Phủ” (tức là Phủ Con Công, nhưng làm ơn đừng nói láy), kéo dài cho đến năm 1992 thì chấm dứt, để về nước làm việc.

Lần về nước đầu tiên năm 1992 còn được gặp các bạn Lê Văn Đại, Nguyễn Văn Chuộng… cùng một số bạn bấy giờ đang chờ đợi những đợt HO cuối, như Nguyễn Văn Bôn, Trần Thanh Vân, Bùi Văn Rê, Phạm Hùng Dũng, Nguyễn Ngọc Toàn… Đó cũng là một chuyến công tác nối kết nhân sĩ đầy cảm xúc, khi được (lần đầu tiên trong đời) vượt sông Bến Hải ra tận Hà Nội/Hà Đông, và được gặp gỡ những người trước đó chỉ từng biết tên qua sách vở.


14- Khóa nổi tiếng sinh hoạt gia đình, như anh em một nhà:

Hăm Bốn có truyền thống tương thân tương ái (và cả tương lân, tương ứng, tương cầu), ngay từ thời kéo cát quân trường.

Còn nhớ một chuyện cá nhân: Lương Văn Mỹ không được đại úy Phạm Huy Hy ký phép (vì nghi là điện tín giả), bèn tự ý nhảy rào ra bến xe mua vé về quê chịu tang ông Ngoại (là người nuôi dạy đương sự từ nhỏ ở Mỹ Tho). Trên chuyến xe về Sài Gòn, Lương Văn Mỹ (điện tín thật mà không có giấy phép) phải chen vào ngồi giữa Lê Văn Lưỡng và Phạm Văn Là (cũng thuộc trung đội 8, cả hai đều dùng điện tín giả mà có giấy phép thật). Sau tang lễ ở quê, chừng trở ra trình diện, thì Lương Văn Mỹ bị đại úy Hy ký phạt 8 ngày trọng cấm, nằm kho vũ khí của bạn Trương Công Cắt, để gặm nhấm câu chuyện bi hài nghe anh em trung đội 8 kể lại: Tối hôm nhảy rào đó, đại úy Hy báo trước cho thiếu úy Lạch điểm danh thật kỹ. Bạn Phan Văn Ngà trực gác đêm đó, bỏ vọng gác chạy về thao diễn trường điểm danh thế cho Lương Văn Mỹ. Không ngờ thiếu úy Lạch nhận ra: “Anh đâu phải Lương Văn Mỹ! Anh là người nổi tiếng giả giọng ông Trần Văn Hương kêu gọi cứu lụt kia mà!”, khiến cả trung đội cười rộ. Ngà thương bạn mà chịu phạt lây.

Sau biến cố 75, có không ít những câu chuyện kể cảm động về tinh thần bảo bọc lấy nhau của các bạn 24, ngay trong tù cải tạo, hay sau tù cải tạo. Không chỉ giữa những bạn 24, mà luôn cả gia đình vợ con của 24. Cứ hỏi dăm ba chuyện tiêu biểu thời đó giữa đôi vợ chồng son Phạm Văn Là với cu ky Nguyễn Tấn Phát ở Sài Gòn, theo kiểu lá rách đùm lá tả tơi, rồi nhân rộng ra rất nhiều trường hợp khác, thì rõ.

Có áo tặng áo. Có gạo biếu gạo. Đã gần nửa thế kỷ nay, vẫn vậy. Nhóm tương trợ 24 vẫn miệt mài làm việc đều đặn, như một sợi dây neo tình cảm 24 karat nối liền hai bờ Thái Bình Dương. Có phải thiếu tá Nguyễn Dinh nhận xét 24 khác thường là từ cái mẫu số chung bền bỉ đến hiếm có đó chăng?


Tạm gút

24 là một trong những khóa đông người nhất của quân trường HQ Nha Trang. Đến khi di tản hay vượt biên, HO, đoàn tụ… ở Mỹ và các nước, có thể cũng vẫn là con số đông nhất, so với các khóa khác. Phần lớn các thiếu úy 24 (chưa lập gia đình bấy giờ, nên) có nhiều cơ hội ghi danh học lại các chương trình cao đẳng hay đại học. Vì vậy, có lẽ còn một số “khác thường” riêng lẻ khác nữa, là những thành công (học vấn, phát minh, thơ nhạc, thương mại, tài chánh, kỹ thuật, xã hội…) ở dạng cá nhân (nên không thể gộp chung cả khóa).

Có bạn cho rằng đó là việc riêng của từng người. Cũng có bạn bảo đó là thành quả của Tự Do tác động lên sự phát triển tiềm năng cá nhân. Lại cũng có bạn cho rằng đó là một cách bồi hoàn ơn nghĩa xã hội (pay back) đối với quốc gia sở tại đã cưu mang những người lính thất trận phải thất thểu đi tìm tự do.

Những thành công này có nhiều, nhưng phần lớn chỉ nghe qua chuyện kể đó đây bên tách cà phê hay bên bàn rượu.

24 chưa có dịp tổng hợp có hệ thống những thành công riêng lẻ đó, không phải là để so bì, khoe nhau hay lòe nhau, mà để biết nhau, hiểu nhau, thương nhau, và trân quý hãnh diện vì nhau hay với nhau nhiều hơn.

Ví dụ 1 là trường hợp bạn Nguyễn Văn Quý, từ năm 1982, ở Tulsa, Oklahoma, đã thành công trong công tác xây dựng phần mềm Stimulation huấn luyện phi công Boeing trên khoang lái máy bay thật có trang bị nhiều hệ thống thủy lực mô phỏng chuyến bay (giữa 2 phi trường tự chọn, vào ban ngày hay ban đêm cũng tự chọn) theo cách điều khiển của học viên (mà thiếu úy Mỹ cùng vợ mới cưới bấy giờ từng được bạn Quý mời lên lái thử).

Ví dụ 2 là trường hợp bản thân Lương Văn Mỹ, năm 1987, ở Dallas, Texas, đã thành công sáng tạo phần mềm Point of Sale at the Gas Bump System (viết bằng IBM CICS, Cobol, Assembler…). Nói nôm na đó là hệ thống cà thẻ tín dụng để đổ xăng ngay tại trụ bơm xăng (vào khúc đầu của kỷ nguyên tự phục vụ), trước tiên là cho hãng Shell, rồi Total, BP, Mobil, Esso, Caltex, Chevron… đến cuối bảng là Arco, và vẫn còn chạy tốt mấy chục năm qua (thành ra mỗi lần ghé đổ xăng là các bạn có thể nhớ tới tác giả và nhắc tên 1 thiếu úy đồng khóa, cho tới khi nào các bạn đổi sang xe điện Tesla).

Còn rất nhiều ví dụ khác nữa, chưa khui, của Nguyễn Sáng Chiếu, của Nguyễn Đỗ Thiện, của Võ Đại Vạn, của Nguyễn Cửu Chi, của Lê Lộc Hiệp, của Trần Văn Thuận v.v…

Sẽ rất vui được thấy các bạn 24 hăng hái hưởng ứng sớm đóng góp cho khóa những bài viết về mọi thành tựu trong công việc (khoa học/xã hội/nhân văn) của các bạn, như một góc khác của niềm hãnh diện 24 mênh mông, mênh mông.

Nên chăng, web 24 cần sớm thiết lập thêm 1 góc “Chuyện Chúng Mình” ?


. 24 Lương Văn Mỹ (July 04 14 Juillet, 2023).







 
 
 

コメント


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page