top of page

Nhớ Thuở Ra Trường, 50 Năm Trước

  • LVMỹ-K24
  • Sep 23, 2023
  • 10 min read

Ảnh: Quán tính Dzuyên Đoàn (theo thói quen bảo vệ “tuần dzuyên đỉnh” Ferrocement Nội hóa)


. 24 Lương Văn Mỹ


Mỗi 5 năm được một lần gặp gỡ toàn khóa, đối với hầu hết các bạn 24, chính thực là một niềm vui không thể cân đo đong đếm. Mà không phải tất cả đều có thể sắp xếp được để thường xuyên về dự mỗi dịp đại hội. Lắm người nhảy cóc 1 hoặc 2 phùa một lần, tức là năm/mười năm mới gặp các bạn khác. Thử hỏi: Cứ mười năm không gặp - chờ mười năm nữa …thì có chết người không chớ?

Lần này, “Lễ Vàng” 50 năm, 24 karat, hầu hết các bạn đều cảm ra cái “hiệu ứng 7 bó plus” trong người, nên dường như đâu đó có tăng thêm chút động lực cố gắng gặp nhau.

Thành ra, không thể chờ đúng ngày đúng giờ để cùng nhau đứng nghiêm chào cờ, mặc niệm, nghe diễn từ...

Thành ra, mới có chuyện từ trước ngày khai mạc, các chiếc nón mỏ neo đã rần rần ới nhau ngoài bãi đậu xe của khách sạn. Xong, tự động ráp bàn, gom hết ghế ngồi ngoài hàng hiên lại, dần dà nở phình ra thành một đội hình 24 (tuy vẫn giữ nét lịch sự cố hữu nhưng vẫn không giảm đi chút nào độ ồn ào, náo nhiệt).

Thành ra, mới có chuyện nhân viên khách sạn ngạc nhiên hỏi nhau sao lọ cà phê bột vừa mới còn đầy đó mà vèo cái đã cạn veo, trong lúc đội hình đứng ngồi lố nhố ngoài sân đều cầm ly nhâm nhi chờ tới phiên lên tiếng, hay đợi chỗ trống nhảy vào giữa chuyện (riêng ở góc nào mà có Cao Phương Thảo Bofors 40mm là phải đợi hơi lâu chút). 😊

Ở tư gia nhiều bạn trong vòng đai khu vực đại hội, nhất là ở “trung tâm vãng lai” (như một resort 5 sao miền nhiệt đới) của vợ chồng Đỗ Anh Dũng, hẳn cũng râm ran (vui-đông-hao) không khác. Có khi còn ồn ào hơn nữa, một khi có thêm chất men.

Cũng không phải mọi đại quan (với cái nhan sắc mùa thu úa nhầu vì thiếu lancôme/shiseido) là đều có khả năng vanh vách nhớ mặt gọi đúng tên nhau. Cho nên, cho dù có ngờ ngợ mặt mày, thì cứ tay bắt mặt mừng rôm rả cái đã, trong lúc cố lục tung bộ nhớ (256Gb ngày càng teo tóp), qua hình ảnh lẫn giọng nói, mà lặp lại điều tự hỏi: “Thằng cha này nhìn quen quá,mà hắn tên gì hè?”.

Vì vậy mà có đứa mừng rơn giơ tay ra bắt: “- Hey. Hello Nguyễn Sáng Chiếu!”, thì nhận lại một nụ cười giả lả: “- Không phải, tao là Lương Văn Mỹ!”. Té ra bạn này lần đầu đi dự đại hội. 😉

Vì vậy mà có khi mừng rỡ (rất thật) reo lên (một cách rất đỗi khái quát chung chung mà lại rất dối) “- Chào cán bộ!”, bởi không nhớ tên, nhưng nhớ hồi ở trường nó có đeo mấy gạch đỏ trên bâu áo…

Tới chiều, lúc vô nhà hàng dự tiệc tiền đại hội mới thê thảm bàng hoàng biết ra thế nào là nỗi đau …khan cổ. Có hay không có micro trên tay cũng mặc, mạnh ai nấy …gào. Nhạc đệm, cứ tưởng nhẹ nhàng làm đầy không gian hội ngộ, cho có phần ấm cúng, hóa ra là một cách để mọi người vặn hết volume, cố tăng thêm vài decibels cho những bậc lão thành 24 vốn tai nghe đã có phần nghễnh ngãng, tâm tư không thiếu phần nghênh ngang lãng đãng, và miệng nói đã có chỉ dấu phều phào với mớ răng ngậm còn lại ít hơn răng ngâm.

Theo đúng chức năng thì tiền đại hội là buổi gặp mặt (theo kiểu báo chí trong nước kêu bằng “hội nghị trù bị”) để giới thiệu ban tổ chức, thông báo mọi diễn tiến và lề luật tiến hành các tiết mục trong đại hội ngày mai, nhưng với một đám đông lâu quá mới gặp nhau thì …có hề gì (“tinh thần mới là quan trọng!”), mừng gặp nhau cái đã, hỏi thăm nhau cái đã…

Chứ không thì làm sao biết được vợ chồng Đặng Viết Nghị (vừa tuần thám lại vừa xung phong dẫn đầu cả khóa) đã có 2 chắt cố, mà đứa lớn đang trên đường vào nhà trẻ? Và, chứ không thì làm sao mà có thể tự nhiên nói lời chúc mừng là hai ông bà cố vẫn chưa phải vào …nhà già? Cố mà không ai dám Vấn là đây chứ đâu?

Xong, lại nhẫm đếm bao lâu rồi mới được gặp lại Huỳnh Đắc Lộc (kỳ này được 24 bảo trợ đưa bà xã ra dự đại hội). Tính ra là đâu đó chừng một …nửa thế kỷ chứ mấy, từ lúc cả khóa ngún ngoa ngún nguẩy quẫy đuôi ra biển, tới giờ. Gần hơn một tị là Nguyễn Cửu Chi, vượt biên lần hai qua Mỹ bằng đường hàng không và passport cờ hoa, không quên mang theo một góc Đà Lạt ghềnh thác mộng mơ và cậu cả (sao y bản chánh) của một mối tình “Yêu Muộn”.

Một tiết mục bất ngờ (vì phải giải quyết ngay) mà không kém phần vui nhộn là màn đấu giá gây quỹ bộ quẹt máy Zippo của Cao Thanh Tùng. Kết quả sau cùng tròm trèm $1000, không tệ. Tuy nhiên, dường như hệ tiếp thị (tây nó kêu bằng marketing) hôm nay có phần nhắm sai đối tượng. Khi thấy mớ hộp quẹt Zippo, người ta dễ nghĩ ngay đến quý ông, là dùng để đốt thuốc lá. Vì vậy mà mọi cố gắng gào loa quảng cáo vận động, đều chăm chút nhắm vào nhóm mày râu, cho dù con số các quan 24 còn (dám) phì phèo khói lửa (liều một đám là làm một điếu) giờ này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Thật ra Zippo không chỉ đốt mỗi thuốc lá. Nó đốt được đủ thứ. Giá mà ban tiếp thị thay đổi đối tượng nhắm tới, thay vì là các anh thì là quý chị, với lời quảng cáo Zippo “đốt rơm nhanh hơn đốt thuốc”, thì biết đâu, mấy chị sẽ nghĩ tới chuyện thủ sẵn cho mình 1 cái, để trong trường hợp có mấy con gà móng đỏ hay dăm con ngựa mắt xanh nào mon men rón rén tới gần ông chồng 24 yêu dấu (dẫu già) của mình (để “đánh đèn” cười duyên bẹo dáng) thì sẽ lập tức bật quẹt đốt rụi …chuồng nhà nó. Ngược lại, có 1 cái Zippo trong phòng ngủ thì cũng vừa là 1 kỷ niệm họp khóa, lại vừa là 1 nhắc nhở cụ thể cho đấng lang quân của (riêng) mình phải nhớ nền nhớ nếp mà đừng quên cái …ao nhà (ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục vẫn là …cái ao). Và biết đâu cái kết quả đấu giá sau cùng kia sẽ tăng lên gấp đôi gấp ba? 😉

Mấy tấm hình 24 chụp chung bữa tiền đại hội này quá đông, các phó nhòm đã canh cảnh rộng rồi mà cứ phải lùi dần về phía sau để lấy cho hết người vào ảnh. Ồn ào, náo loạn, nhưng vui, dù không ai chắc được rằng sẽ thấy (hay nhìn ra được) bóng dáng mình trong ảnh.

Tới sáng ngày chính thức của đại hội, 24 có 2 nhóm rẽ đôi nhưng cùng làm một việc.

Nhóm 1 ra tượng đài chiến sĩ làm đầy đủ nghi thức tưởng niệm tri ân những người đã chiến đấu cho tự do của Miền Nam Việt Nam, và cả những bạn 24 đã về với biển.

Nhóm 2 kéo tới nhà Lương Văn Huấn, thắp nhang bàn thờ có di ảnh của bạn Huấn và bạn Trần Thiện Khải. Thật bình dị mà thật cảm động. Nhóm này phần lớn đến từ Bắc California, như San Jose, Stockton, Napa Valley… Phần lớn cũng là dân quậy. Huấn Lương chắc phải khục khặc khúc khắc tiếng cười (tất nhiên là theo sau hai tiếng đỗ mười), bởi nhang chưa kịp tàn mà ngoài sân đã có lắm kẻ bắc thang vói hái mận Việt với táo Tàu. Còn chị Huấn thì cứ luôn miệng khuyến khích “bên này nhiều trái chín nè, hái thêm nữa đi!”.

Buổi chiều mới đẹp làm sao. Không chỉ thời tiết đẹp, sân khấu đẹp, toàn bộ khung cảnh trang hoàng đẹp…, mà mỗi con người đều diện đẹp. Tha thướt biết bao tà áo dài đủ màu đủ sắc, với vòng ngọc hoa tai lấp lánh, bên cạnh những bộ tiểu lễ, đại lễ trắng muốt, hay những bộ dạ phục đen tuyền hoặc nửa mùa trắng đen quý phái… Không thì cũng com-lê cà-vạt như lúc đi phỏng vấn nhận việc ở Silicon Valley. Nói chung là người đẹp đã làm cho khung cảnh đẹp thêm.

Có ai đó từng bảo “người là hoa của đất”, thì rõ ràng hôm nay, hoa của đất đang tranh đua với hoa trong bình. Ô là la, hội trường đầy ắp những lọ hoa đài các chẳng khác gì người đi đại hội. Công đầu là nhờ tài cắm hoa của chị Đỗ Anh Dũng, làm sáng rực phòng hội cho cả 2 ngày gặp gỡ.

Hội trường có 2 góc thật quyến rũ (và không thể bỏ qua) cho những bức hình kỷ niệm.

Một là chiếc vòm hoa trắng như bọt biển ngay cổng vào, cạnh bàn tiếp tân, cứ y như cổng chào của những đám cưới hoàng gia. Chỉ khác là ngay giữa vòm hoa có huy hiệu Song Ngư II, do NT K23 Trương Bửu Giám thiết kế. Chỗ này máy ai nấy chụp.

Hai là bức tranh phông lớn “Tung nón Ra trường” cũng của NT 23 Trương Bửu Giám, có NT Oanh K19 đã đặt sẵn cố định một máy to hàng hiệu để ghi hình từng cặp 24 hay quan khách.

Tin đi! Nhiều phần là những bức ảnh chụp ở 2 nơi này sẽ sớm trở thành ảnh nền wallpaper trên những chiếc điện thoại thông minh của quan khách và các bạn 24 có mặt hôm nay.

29 bàn tiệc đã được sắp sẵn ngăn nắp. Những chỗ ngồi đã được (GPS tiếp tân) ghi sẵn tọa độ. Quan khách chiếm gần phân nửa hội trường. Có cả các chiến hữu Võ Bị và một số chiến hữu trong những bộ quân phục của nhiều quân binh chủng khác nhau. SQ HQ từ khóa 16 tới khóa 26, cùng một số bạn OCS, có mặt. Riêng khóa 25 đã chiếm 3 bàn. Mới thấy sợi dây tình cảm huynh đệ chi binh là có thật. Cái mỏ neo cắn đất khắng khít đàn anh đàn em các khóa Nha Trang là có thật.

Tất nhiên, không thể thiếu nghi thức chào cờ Việt-Mỹ và 1 phút mặc niệm hết sức cảm động, ngay sau nghi thức đón rước Quốc Thánh Quân kỳ. Toán Quốc Thánh Quân kỳ trong dịp kỷ niệm 50 năm Đệ Nhị Song Ngư ra khơi kỳ này do các bạn K25 đảm trách.

Các bạn K25 còn biểu diễn thêm một tiết mục trình kiếm để mời đàn anh 24, trong quân phục bén nếp, dìu người bạn đời đi dưới hai hàng kiếm lấp lánh ánh đèn quay, rồi hôn nhau ở cuối đường để chụp hình kỷ niệm. Xoáy vào lòng người ở đây không hẳn là một lời nhắc về nợ kiếm cung của một thế hệ trai thời loạn đã cách xa hàng nửa thế kỷ. Chỉ có thể tạm coi như một bù đắp muộn màng (theo đúng nghi thức quốc tế đặc biệt của sĩ quan hải quân) cho những lễ cưới bình dị ở VN hoặc ở xứ tỵ nạn tạm dung này từ nhiều thập niên trước đây. Tiết mục trình kiếm được hoan hô nhiệt liệt, và quả đúng là “cây đinh” của buổi tiệc. Chân tình cảm ơn các bạn Đệ Tam Dương Cưu.

Lời tâm tình của vị Chủ tọa buổi lễ đã nhẹ nhàng chạm vào tim biết bao cử tọa. Ông từng là Sĩ quan Giảng huấn môn Điện tử cho nhiều khóa SVSQ Nha Trang, gần gạnh nhất là các khóa 23, 24, 25, và 26. Trong đó, khóa 24 để lại cho ông một ấn tượng du dương, từ giọng hát của anh Lương Ngọc Tâm thời đó, và bạn Nguyễn Hùng Quyền sau này, với lời nhạc thâm trầm mà ý nhị trong tình khúc Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của nhạc sĩ Văn Phụng. Ông không nói rõ là đã cảm thấy tấm lưới hoàng hôn đó đã phủ chụp xuống toàn thể đất nước từ 1975 hay từ lúc nào. Ông chỉ nhìn lại bản thân cùng các bạn 23, 24, 25, 26 kia, và cảm được cái hoàng hôn nọ đang đè dần lên số tuổi của anh em ta. May thay, nhạc sĩ Văn Phụng là một người lạc quan, cả ngoài đời lẫn trong dòng nhạc, cho nên tình khúc hoàng hôn này vẫn còn những chiếc phao cần thiết:

“Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai…”

Có phải cốt lõi lời tâm tình của ông là ở chỗ thương yêu và lạc quan đó?

Cảm ơn người anh K16. Xin phép nói đùa một tý: Mọi người có thể gọi Niên trưởng Tụng là Đại úy Tụng, hay Thiếu tá Tụng, hay Giáo sư Tụng, hay Giảng viên Tụng, nhưng không thể khiếm nhã mà gọi là Thầy Tụng. Cho dù chúng ta từng đều đặn cắp sách tới lớp của thầy.

Trong phần văn nghệ sau đó, bạn Nguyễn Hùng Quyền đã xuất sắc hát tặng NT Tụng bài tình ca của Văn Phụng vừa kể. Giọng hát điêu luyện này và bài nhạc mượt mà này, vượt lên trên và vượt ra ngoài những hoa biển với sóng cồn, chính là một “cây đinh” khác của buổi hội ngộ.

Với riêng người viết, duy nhất chỉ có một nốt nhạc trầm (tới đáy) trong buổi dạ tiệc:

Một bạn 25 ghé sang bàn bên này để trò chuyện với cựu SV cán bộ Nguyễn Kim Trọng. Tình cờ lại hỏi bạn Phạm Trọng Phúc, rằng, ông lão ngồi cùng bàn kia là ai và khóa nào vậy? Phúc trả lời đó là niên trưởng Lương Văn Mỹ, khoá 24. “- Trời đất, khóa 24 mà sao mà già dữ vậy?”.

Ông lão K24 phải đứng dậy bước sang ôm vai anh bạn K25, mà rằng: “- Niềm vui lớn nhất hiện giờ là không thể nào già hơn được nữa!”. Cười. Xong, mới hỏi thăm anh bạn K25: “- Anh có biết bạn Lê Văn Chương giờ ở đâu không? Tôi mất liên lạc từ nhiều năm nay. Đó là bạn học cùng lớp ở trường Petrus Ký, là người bạn cùng xóm Bàn Cờ, và là con tôi ở quân trường Nha Trang”. “- Rất tiếc, niên trưởng, bạn Chương đã mệnh chung từ năm 2018”.

Đau quá, bố con chia tay mà không lời từ giã. Cũng không hay tin suốt những 5 năm. Bám vào đâu giờ? “Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù. Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai…”.

Tạm biệt bạn Lê Văn Chương. Hẹn gặp lại đâu đó mai này.

Ngoài kia, buổi dạ vũ đã bắt đầu bằng một bài Paso Doble. Cũng giống đêm hôm qua, sàn nhảy đã kín mít, dập dìu những nam thanh nữ tú. Bao nhiêu năm mới có mấy ngày vui. Trong những ngày tới một nhóm anh chị em sẽ lên tàu (Princess Cruises?) làm một chuyến viễn du. Rồi sau đó, chắc chắn sẽ không thiếu những buổi hội ngộ mini trong từng vùng của California hay Nevada.

Sắp xếp được hết mọi thứ cho ăn khớp từ A tới Z cho hàng trăm anh em từ nhiều nơi tụ hội một chỗ suốt mấy ngày vui và an toàn không phải là việc đơn giản. Cảm ơn công sức của quý anh chị em trong ban tổ chức. Cảm ơn những chiếc đũa thần của những nhà ảo thuật K24. Rõ ràng, không gì là không làm được với những SQHQ.





 
 
 

Комментарии


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page