top of page

1994.04 – 30 Tháng Tư, Một Góc Nhìn

  • LVMỹ-K24
  • Feb 13, 2022
  • 15 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:

Thạch Hãn MN



Khoảnh khắc. Trong cả lịch sử loài người, thế kỷ 20 này, dù sôi động liên tục và cùng tột khắp mặt địa cầu, cũng chỉ đáng một khoảnh khắc.


Ba mươi tháng Tư là một ngày bé mọn trong cái thế kỷ đổi thay khốc liệt đó, Khoảnh khắc của khoảnh khắc. Sát na của sát na. Nhưng sao dường như nó đeo đẳng không thôi, không dứt. Cho cả dân tộc. Nhìn từ mọi phía.

Cái vui của kẻ được vẫn là cái hận của kẻ thua. Cả hai không chỉ nằm trong lãnh thổ đất nước hình chữ S. “Được” cũng không vì người Việt. “Thua” cũng không bởi người Việt.

Được hay thua, nhất thời và nhất định, chỉ cho một nhóm nhỏ giành quyền định đoạt vận mệnh cả nước, theo ý người ngoài.

Được hay thua, mấy ai lường trước nổi hết mọi hoán chuyển sắp đến, mọi đổi thay sẽ đến? Song có phải chắc chắn là, trước sau, dân Việt chịu thiệt thòi nặng nhất? Quả khó phủ định, khi mọi người đã bình tâm sau khoảnh-khắc-vui hay chớp-mắt-hận Ba mươi tháng Tư.

*

Ba mươi tháng Tư. Một ngày không như mọi ngày. Nhìn từ một góc khác với trước đây, hẳn nó đã được chuẩn bị từ lâu. Từ nhiều thập niên trước. Lúc có kẻ bồi tàu lông bông, nhảy đi từ bến Nhà Rồng sang Pháp, rồi Anh, rồi Nga, và bị chóa mắt trước lô-gích giải phóng những nước thuộc địa ra khỏi tay thực dân bằng thứ chủ nghĩa ngược chiều với “tư bản đế quốc”. Cách mô tả sản phẩm “duy nhất đúng” ấy, bởi những kẻ rao hàng, do đó, có cần gì chừng mực:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim (1)

Niềm tin của mỗi người là điều trân quý và đáng ngợi ca. Niềm tin rao giảng đến người khác chỉ trân quý và đáng ngợi ca khi người nhận có điều kiện chọn lựa và có toàn quyền chọn lựa. Niềm tin dùng cho sự chuẩn bị ở đây có một trọng lượng đáng kể. Không phải của chính nó, mà là của sự áp đặt.

Tưng bừng trái đất hồi sinh Mở bình minh Dáng Liên Xô lồng lộng Và nhân loại rần rần chuyển động (1)

Theo cầu này đi mãi đường không hết Các nước anh em trên đường đoàn kết Đến Liên Xô nơi nguồn cách mạng… (2)

Cờ đỏ bay cao sức mạnh thần kỳ Qua lửa máu. Không gì ngăn nổi (1)

Lửa hồng. Sự quyến rũ dị thường. Máu đỏ. Sức kích thích hung hãn. Lửa máu. Niềm háo hức vô biên. Không chỉ cho giai cấp bần cố nông đòi san bằng thế giới phú-trung thành vô sản. Háo hức cho cả giới ảo kiến mộng du.

Đời vẽ tôi tên mục đồng Rồi vẽ thêm con ngựa hồng Từ đó lên đường phiêu linh (3)

Đi từ 1930. Đi xóa dấu thực dân phong kiến. Đi đập tan địa chủ cường hào. Đi thay bằng máu lửa Mác-Lê. Đi chia đất nước. Đi cắt quê hương. Đi nữa. Đi xuyên Bến Hải. Đi suốt đêm ngày. Đi qua Sài Gòn để tới Mác-xcơ-va.

Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ Đưa bộ đội lên đường Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường (4)

Đi nhanh, đi nhanh Chiến trường đã giục Đầy núi đầy sông Đèn ta đã mọc (5)

Đi qua mọi miền. Đi qua nhiều trận. Hậu cần quốc tế. Chiến trường Đông Dương. Sá gì Việt Nam. Sá gì tuổi trẻ. Sá gì máu xương. Sá gì tương lai. Kể chi dân tộc. Quan thầy đang đợi. Bầu bạn đang chờ. Đi nhanh đi nhanh. Đi giành trận cuối.

Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông Mẹ địu em đi để giành trận cuối Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường Từ trong đói khổ, em vào Trường Sơn (6)

Không chờ ai xâm lăng. Tuổi thơ em có sẵn. Đói khổ em có sẵn. Hột muối bẻ đôi thành khẩu hiệu em đã nghe quen từ những chiếc loa rè. Chỉ có những con đường đi “B” là mới.

Hai mươi năm dài trên trán mẹ Những con đường rừng vẽ nét ưu tư (7)

Nghìn vạn chuyến xe đi Qua trái tim ngả ba Đồng Lộc Máu qua tim máu lọc Xe vượt ngả ba xe xốc tới miền Nam (8)

Bao đời xe vượt núi. Bao thế hệ băng rừng. Kẻ đi sau theo dấu xương trắng của bao lớp người khai rừng phá núi lấy máu chuyển lửa vào “B“. Máu rơi bờ lộ. Lửa rớt dọc đường….

Người đi từ năm nao Có tin chi gặp lại (9)

Có gặp chăng là những nấm đất bên lề. Rải rác biên cương mồ viễn xứ (10)

Nhất tướng công thành… Sự thành công phục sẵn ở giữa lòng nghị quyết: Tiếc gì vạn cốt khô! Sự trâng tráo cũng nằm ngay cạnh đó, được nâng cấp thành chính sách ưu tiên: Hoa máu biểu dương và một tên đường hứa hẹn.

trên mộ người cộng sản hoa hồng đỏ và đỏ như máu nở thành hoa (11)

Hoàng hôn còn một chỗ dựa Con đường ghi tên ngày về (12)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ mặt đất, có lẽ sẽ bắt gặp những xúc cảm nặng tính ấu thơ tất yếu:

Sài Gòn giải phóng! Miền Nam giải phóng! Trời ơi, giải phóng! Giải phóng, trời đất ơi!… Vui nhất là anh em mình lủ khủ Quảy lờ, soong, sập chuột tiến về thành Mừng toàn thắng vẫn không quên cải hoạt … (12)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn về lòng đất, nhìn về những nấm mộ biên cương hay các nghĩa trang ngăn nắp, nỗi xót xa cũng không sao che dấu hết được, đằng sau ánh mắt cuồng ngạo ấu thơ trên:

Nghĩa trang chiều như một thư viện mênh mông Mỗi ngôi mộ dầy như một pho tiểu thuyết (13)

Trong từng quyển, các nhân vật hiếm hoi còn sót lại bây giờ mới nghiệm ra hết được nỗi trống vắng sau buổi chiến chinh. Mới thấy cái giá phải trả cho cuồng vọng của lãnh đạo chủ trương bành trướng chủ nghĩa.

Nhắc tên đại đội cũ Chỉ còn tao với mày Chúng nó mà sống cả Thế nào cũng tới đây (14)

Chúng nó mà sống cả… Chúng nó sẽ nghĩ gì?

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, có lẽ “chúng nó” vẫn còn nghe vang dội trong đầu những âm hưởng thúc giục phi nhân hay những lời cầu khẩn duy tâm của Ban Tư Tưởng:

Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố Cuốn tung lên màu cờ đỏ máu thơm tươi… Mau xung phong! Xung phong! Cờ bay lên cứu nước Máu giặc phải thành sông!… Đây là giờ sinh tử Ta cần chi máu xương?… Bác bảo đi là đi -Bác bảo thắng là thắng… Cho ta được làm cây chông miệng hố Đâm chết bầy giặc bố chiến khu… Phải chiến đấu như một người cộng sản Trái tim lớn không sợ gì súng đạn… Tiền tuyến cần thêm có hậu phương… (1)

Chiến trường chờ từng phút Đừng mưa nữa mưa ơi Để đường mai khô ráo Cho xe vào tới nơi (15)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, có lẽ những kỷ niệm gắn liền hay làm thành đời bộ đội vẫn y nguyên không suy suyển:

Có khi gạo hết tiền vơi Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng Có đêm gió bấc lạnh lùng Áo quần rách nát lá dùng che thân Có phen đau yếu muôn phần Lấy đâu đủ thuốc mặc dần bệnh nguôi Có phen chạy giặc tơi bời Rừng sâu đói rét, không người hỏi han… (16)

Áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày… (5)

Lại những ngày đi vắt với sương Ngô bung xôi nhạt, nước lương bương Đêm mưa rình giặc, tai thao thức Mùa lại mùa qua, rét nhức xương… (1)

Người đập mảnh chai Vểnh cằm – cạo râu Suối soi bóng người soi – những – về đâu.. (17)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, những kỷ niệm chiến trường nghe chừng vẫn sục sôi như đạn đang nổ, máu đang rơi, và đảng đang ngợi ca sự đày đọa cùng tột giữa những người gọi nhau là đồng chí:

Những đồng chí, thân chôn làm giá súng Đầu bịt lỗ chân mai Băng mình qua núi thép gai ào ào vũ bão Những đồng chí chèn lưng cứu pháo Nát thân, nhắm mắt, còm ôm Những bàn tay xẻ núi lăn bom… Máu dù chảy hai miền thấm đỏ Nghìn đầu rơi xuống cỏ, không lui! Núi càng rung, biển càng sôi Thép nung càng luyện, càng tôi, càng bền… Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng Đến em thơ cũng hóa những anh hùng Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí… (1)

Và vui nhất chính là lúc phá khuôn Như mùa được đã đến ngày hái quả Quả dưa gang xanh trên tay màu lá Quả dứa tròn mùi than cốc đưa hương Quả na chín sắp đến giờ mắt mở Và rất nhiều thứ nữa lúc ra khuôn Ôi trận tuyến kéo dài hàng mấy ngàn cây số Kẻ thù chết từ xa không đếm xuể Vì những trái cây này nổ xé cả trời mây Sáu cửa lò ở đây là thế đó Sáu hỏa điểm này không thể tắt một giây… (18)

Mời bạn xa gần ra tuyến lửa Mở đường giải phóng Á-Phi-La (1)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, những con người ngã gục trên đất nước mình có lẽ cũng chẳng màng là bao đến tiến trình giải phóng cả Á châu, Phi châu, hay Mỹ châu La Tinh như cuồng vọng lãnh đạo đảng. Nếu không vì bị bức bách tham dự chiến trận, ắt hẳn tiềm ẩn bên trong những con người suốt đời bất hạnh ấy là một tấm lòng phơi trải cho sự độc lập của nước nhà. Chẳng mấy ai ngờ mình bị lừa cho tham vọng thế giới đại đồng từ quan thầy của lãnh đạo. Tội nghiệp thay. Nhưng cũng yên lòng thay. Cho những người nhắm mắt với nỗi đinh ninh tất cả vì tổ quốc:

Vàm Cỏ Đông ta quyết giữ Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm… (19)

Giữ lấy cầu ao Giữ lấy gốc chanh Giữ lấy giàn trầu Giữ xanh mái tóc! Hôm nay trở về một chân anh mất… (20)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, niềm tiếc hận chỉ thành hình khi người ta biết rằng mình ngã gục mà chỉ giữ nổi mấy thứ cỏn con. Chiếc xuồng. Tấm lưới.. Cầu ao. Giàn trầu…. Chứ còn cả đất nước, sau đó, đã hoàn toàn rơi vào tay đàn anh Liên Xô vĩ đại. Cam Ranh. Đà Nẵng. Đại Hùng. Bạch Hổ. Và cả Ba Đình. Tiếng gào ngây thơ của người đồng chí Sa Đéc hôm ba mươi tháng Tư, bỗng dưng có nghĩa diễu cợt không ngờ: Độc lập rồi! Má ơi, Độc lập!

Đất nước ba mươi năm Trên vai sắt thép Đi suốt cuộc trường chinh Đi qua tuổi trẻ Đi qua những cuộc tiễn đưa lặng lẽ không hoa (6)

Thử hỏi để được gì? Hãy nhìn vào cuộc sống:

Những nhà văn đi thực tế bằng xe hơi Tung bụi bẩn vào mặt đàn em nhỏ Tung ngôn ngữ gấm hoa Vào mặt những túp lều khốn khổ Nơi đói nghèo công khai, rách nát công khai Chúng tôi cứ hồn nhiên ca ngợi tương lai… (21)

Cuộc đời Hay cỗ xe bò Nhắm về phía mả mồ Chậm rãi lê từng bước một… (22)

Tôi đang đi trên đường phố cũ Thương quê hương bao năm tháng dập vùi Hãy nhìn xem khuôn mặt con người Còn in đậm nét buồn, thương, tủi, hận Những quầng mắt đen sâu thăm thẳm… Những con đường cũng thấy xót xa Nhìn hỗn độn tưởng nhầm ra lớn mạnh Cảnh ô tạp lại khoác màu hưng thịnh Những ngôi nhà cũng chồng chất đau thương Vết sẹo chưa phai trên khung cửi, góc tường Màu ảm đạm như lượn lờ đâu đó… (23)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, dạ nào yên khi thấy xứ sở tang hoang khánh kiệt, mọi định hướng đều lệ thuộc Liên Xô, và đất nước xếp hạng chót kinh tế toàn cầu?

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, tâm nào an khi nghe lãnh đạo đánh giá tình hình vô tội vạ, quy hết lỗi cho một kẻ thù không chân dung:

Đất nước khó khăn, quân thù còn đó… (15)

Những viên đạn cựa mình trong súng thép Biết kẻ thù còn lẩn lút trong đêm… (24)

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, mới rõ ra đó chưa phải là trận cuối. Lãnh đạo quy tội cho kẻ thù chỉ là cách chạy tội cho chính mình, và dọn đường cho những cuộc chiến mới. Bành trướng chủ nghĩa về hướng Tây Nam. Cạnh tranh sức bật về phương Bắc. Lần này, đất nước vốn tan hoang lại cưu mang thêm một chư hầu tí hon và một kẻ thù vĩ đại.

Ở mảnh đất phía Tây Nam Hòa bình đến chưa đủ hai mùa lúa chín… (25)

Khẩu súng tìm về tay người, Tay người tìm về khẩu súng Họ đứng lên vì Cam-pu-chia quang vinh… (26)

Tôi biết: Gia đình anh bố mẹ đều già Với hai cháu đang còn rất nhỏ Tan khói súng chưa được về thương vợ Gót chân nóng bỏng lại lên đường Bọn bá quyền đang hò hét chiến tranh… (27)

Chiến trận nổ ra dọc đường biên giới Bỏ nông trường tôi trở lại chiến khu Vào giữa mùa mưa trên đất trung du Nghe em hát bài ca: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn Có biết không? Những người con gái ấy Có kẻ năm xưa đi tải đạn không về… (28)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, mới nghiệm ra cái lẽ ngược xuôi là đặc tính duy nhất đúng của XHCN:

Dân tộc thù dân tộc Con người sợ con người… Thử xoay ngược lại – Xem thành cái gì… Dân tộc sợ dân tộc Con người thù con người… (29)

Cái đó, đảng gọi là Kách Mệnh.

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, nhìn xuyên suốt quá trình giới lãnh đạo nhân danh giai cấp công nông để làm cách mạng vô sản trên đất nước mình, so với thực tiễn, người ta mới hiểu ra hết nông nỗi đến từ đâu:

Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt Đảng ta đây, xương sắt da đồng… (1)

Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm… (30)

Lãnh đạo đảng nói vậy. Lâu ngày, lãnh đạo đảng cũng tin thật vậy. Họ không ra trận. Họ không ra đồng. Họ không sợ đảng viên hỏi vặn. Họ chỉ ngại duy nhất một điều là đối chiếu khẩu hiệu với thực tế cuộc sống. Bởi lẽ:

Họ đã nói bao điều họ không hề nghĩ (31)

và,

Điều cần biết thì chưa biết Điều nên quên thì chưa quên (32)

Nguyên nhân có nhiều. Dễ hiểu nhất và cơ bản nhất, có lẽ chỉ cần biết một:

Ôi thuở ấu thơ Cắt cỏ, chăn bò… (33)

Lũ chúng tôi Bọn người tứ xứ Gặp nhau hồi chưa biết chữ Quen nhau từ buổi “một hai”… (34)

Nhưng nay, sau 30 tháng Tư, cả đám đều đã thành lãnh đạo tất.

Ôi, lãnh đạo, có khác chi

Mấy đứa trẻ dùng những ngôi sao để đếm các ngón tay (35)

Dù vậy,

Điều đó có nghĩa lý gì Khi chữ o anh cứ đọc thành chữ a kỳ dị… nhưng những con chữ kia vẫn ngậm câm Những con chữ lầm lì vẫn làm anh bối rối… Nhưng dù sao cũng phải làm chủ cái đàn kiến bò ngoằn ngoèo trên trang sách kia làm chủ cả cọng râu ngỗ nghịch của chữ ơ Làm chủ cái nón nhọn đầu chữ ô đang đội Làm chủ chữ y mà anh cứ đinh ninh là chữ h nằm ngủ quay đầu xuống dưới… (36)

Hỏi sao người giàu người giỏi không ở lại với đất với nước? Hỏi sao xứ sở chỉ có một chiều giật lùi xuống tận cùng đói nghèo, lạc hậu?

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, nỗi ê chề cho lý tưởng và lãnh đạo đảng đã không thể dâng cao hơn nữa. Hãy thử nhìn quanh:

Một góc phố anh sống Một góc phố tôi sống Không người ở Không số nhà Không tên phố Một mình Phố trắng… (37)

Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời không còn thấy loài người vây phủ quanh đời nói tiếng yêu thương… (3)

Nhưng công việc làm ăn mỗi ngày mỗi khó Cuộc đời chợ đen chợ đỏ Thù hằn con người “Muốn sống thanh cao – Đi lên trời mà ở” Cuộc sống hàng ngày nhỏ nhen tàn bạo Rác rưởi gia đình miếng cơm manh áo Tàn phá con người Những ước mơ thời xưa như con chim gãy cánh Rũ đầu chết ngạt trong bùn Năm tháng mài mòn bao khát vọng… (38)

Đất không người. Xứ không lời. Người sống cùng người như những bóng ma. Người đối với người còn hơn ngạ quỷ.

Gặp con hoẳng chạy ngang đường Mới hay sự sống bình thường ở đây… (39)

Bây giờ con sống đây bên những người đã chết bên những người đang chết cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen Con mang máng thấy mình còn sống khi ngồi âm thầm đếm nhịp trái tim trong cơn hấp hối Những nhịp tim im lìm như chân rắn mối Bước vào trong nỗi ăn năn… (40)

Tập đi suốt cả cuộc đời Mà chân chưa chắc là đôi chân mình (14)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, mới nghiệm thu được hết cả thành quả cách mạng của 13 ủy viên chính trị bộ, phân phát đều cho bảy chục triệu dân:

Tiếng ếch gọi nhau sau cơn mưa giục mùa sinh nở Cây gạo đầu làng làm tổ quạ trên cao… Đền bù cho anh, cho nhân dân sau những ngày đánh giặc… (41)

Lộ ra những căn nhà tốc mái Lộ ra những đời người trống trải Lộ ra tàu thuyền chưa kịp trục vớt Lộ ra cái màu bờn bợt da người Rồi phải lộ ra thôi không thể gì dấu được Nhưng tôi đã bật khóc Khi lộ ra trẻ con Những đứa trẻ đói ăn Tóc quăn tiền sử Ngây ngô và tư lự Hồn nhiên và già nua Những đứa trẻ không phải thời của chúng ta Từ một thuở hồng hoang đi ngược lại Hoàn toàn lộ thiên Dưới những căn nhà đổ sập Hoàn toàn lộ thiên Dưới những ngôi trường mái tốc Bão không làm ra những đứa trẻ ấy Bão chỉ làm lộ ra (42)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ lòng đất, nhếch môi một chút cợt đùa với chính mình và với lãnh đạo đương quyền, tác giả những thứ mà bão chỉ làm lộ ra, vừa kể. Niền tin mất hẳn trọng lượng của chính nó và của sự áp đặt ban đầu

Lạc vào kinh kệ u mê chiếu tà lạc vào quyền chức kiếp nào gỡ ra con đường thì xa chỉ tay mạng nhện ta lạc vào ta đi hoài không đến… (43)

Ta cười bọn người vênh vang võng giá Cái bụng tròn mà đầu óc rỗng trơ Cười cậu ấm dốt văn hay nói chữ Cụ cố móm răng tiếc đĩa vó bò… (44)

Bờm rằng: Bờm đã ngán rồi Những câu ngon ngọt loại người phú ông Nói như trao núi cho sông Mà mảnh mo quạt thì ông cố giành (45)

*

Ba mươi tháng Tư, nhìn từ mặt đất, nghe một chút tự vấn, tự hối, rồi chuyển sang tự quyết. Một bước tách bạch giữa ấu thơ và trưởng thành, giữa quá khứ và tương lai, giữa đảng và dân tộc…

Hay là giang tay bóp cổ mọi lời than như một kẻ sát-nhân-tình-cảm? Nhưng bàn tay không chịu rắn đanh! Quả đấm chối từ không đấm ngực! Người ta chẳng thể lấy kìm kìm kẹp nát buồn thương… (46)

Quá khứ là quá khứ ơi Với tôi vẫn cứ rối bời, ngổn ngang Quá khứ nằm đấy, dở dang Vẫn là một mối hỗn mang, chưa thành (47)

Quá khứ ấy nhuộm vào hồn ta những hoài nghi chai sạn Ta chẳngcó quyền trách quá khứ của nhau Nhưng, em ơi! Nếu quá khứ kia lại làm cho tâm hồn ta xấu xa đê tiện Ta còn giữ làm gì, sao ta chẳng hỏa thiêu (48)

*

Ba mươi tháng Tư, từ góc nhìn dân tộc, gác bỏ mọi hãnh tiến cá nhân hay ràng buộc tổ chức, gác bỏ mọi ranh giới mơ hồ xa lạ của các thứ chủ nghĩa xưa nay vạch sẵn, sự suy tính cạn cùng của mỗi người cho dân tộc cũng không thể nào vượt quá hay nhận chìm được tính nhân bản là cái gốc của sự đối xử giữa người với người

Hãy áp giải Sự Thật Đến những bến cuối cùng! (49)

Và,

Hãy giữ tình người cho đẹp (10)

*

Ba mươi tháng Tư, cũng từ góc nhìn dân tộc đó, người ta dễ thấy hơn, rồi ra, cái được cái thua chỉ có nghĩa nhất thời, quyền lực không thể nào vĩnh cửu, không mùa Thu nào giữ mãi được lá vàng. Và rồi ra, cũng chẳng điều gì ngăn được chồi xanh lộc biếc của một mùa Xuân mới

Không cưỡng được nữa rồi Đã thấy mùa Thu vàng sắc lá Từng chiếc rơi – Rơi Lặng lẽ trong chiều Gó có mạnh không mà lá rơi nhiều?… Mầm xanh mới như mũi tên cường tráng Lao ra – Xòa sắc mỡ màu hạnh phúc truy tìm trong vực thẳm đớn đau Ai đã một lần bỡn cợt… Mùa Đông đi qua không một chút tình cờ (50)

Hẳn vậy, không một chút tình cờ.

Tháng 4-1994. Chú Thích: (1) Tố Hữu; (2) Cầm Biêu; (3) Trịnh Công Sơn; (4) Lý Phương Liên; (5) Chính Hữu; (6) Nguyễn Khoa Điềm; (7) Hoàng Phủ Ngọc Tường; (8) Huy Cận; (9) Xuân Hoài; (10) Quang Dũng; (11) Thanh Hải; (12) Thanh Vũ; (13) Diệp Minh Tuyền; (14) Trần Mạnh Hảo; (15) Lê Đức Thọ; (16) Thôi Hữu <Tân Sắc>; (17) Hữu Loan; (18) Đào Cảng; (19) Hoài Vũ; (20) Nguyễn Bao; (21) Thanh Thảo; (22) Yến Lan; (23) Đào Xuân Quý; (24) Nguyễn Đức Mậu; (25) Trần Văn Minh; (26) Văn Lê; (27) Tô Hà; (28) Cao Vũ Huy Miên; (29) Nguyễn Đình Thi; (30) Hoàng Trung Thông; (31) Ý Nhi; (32) Phạm Tiến Duật; (33) Hoàng Tố Nguyên; (34) Hồng Nguyên; (35) Nguyễn Quyến; (36) Nguyễn Nhật Ánh; (37) Văn Cao; (38) Lê Đạt; (39) Trần Ngọc Châu; (40) Trần Quang Long; (41) Mã Giang Lân; (42) Đông Trình; (43) Nguyễn Trọng Tạo; (44) Nguyễn Bùi Vợi; (45) Võ Thanh An; (46) Trần Dần; (47) Vĩnh Quang Lê; (48) Phan Xuân Hạt; (49) Trần Nhuận Minh; (50) Lê Chí.

Kommentare


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page