1994.07 – Ta Nào Không Bão Dậy
- LVMỹ-K24
- Feb 13, 2022
- 15 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Lịch sử có những ngày rất lớn. Những người lơ đãng nhất cũng không quên (1)
Quên được sao, mới bốn mươi năm trước? Ôi, những ngày bão nổi! Tháng Bảy. Còn niềm đau nào sâu hơn? Nỗi hờn nào đậm hơn? Đất nước xé đôi. Tháng Bảy. Đúng một năm sau cay đắng Triều Tiên là nghiệt ngã Việt Nam. In hệt. Chỉ khác hai vĩ độ. Tháng Bảy. Không mưa Ngâu cũng tan tác lòng người. Sông cắt đất. Dao cắt ruột. Đoạn trường.
Bước đến Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên… (2)
Bao bàn chân đứng khựng. Bao ánh mắt trông vời. Bao trái tim nhảy nhịp. Mà nước sông cứ chảy. Cứ chảy. Lạnh lùng. Đành đoạn. Như những mũi dao oan nghiệt chập chùng trên trang hiệp ước không có chữ ký của người quốc gia.
Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi (3)
Sông vẫn lặng lờ. Đời cứ trôi. Và kỷ niệm như dao chém ngang lưng trí nhớ. Bầm gan. Tím mật.
Trong đoàn người bồng bế nhau đi Đòn gánh nặng những niềm đói khát Một bên niêu đất bát đàn Một bên con gầy tùm hum chiếu rách Đi về đâu Chạy trốn quê hương khô xác Mà trong lòng xé đau tiếc nhớ quê hương… (4)
Họ vẫn ra đi nhưng sao bước rã rời? Sao họ khóc? họ có gì thất vọng? Đất níu chân đi gió cản áo bay về Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống tưởng như đây là phút cuối cùng Răn rối lại: – mỗi lùm cây – hốc đá mỗi căn vườn – gốc vả – cây sung Không nói được, chỉ còn nức nở Trắng con ngươi nhìn lại đất trời Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa Nhìn con đường cũ, nhìn ngôi sao mờ Ôi đất ấy -quên làm sao được Quên sao nơi ấm lạnh ngọt bùi Hôm nay đây mưa gió dập vùi Mưa đổ mãi trên người xa đất Bắc Ai dẫn họ đi? Ai? Dẫn đi đâu? Mà họ khóc mãi thôi? Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió Bắc Nam ơi đứt ruột chia đôi… (1)
Đâu nào hội trùng dương? Đâu nào biển Đông của Hồng Hà, Hương Giang và Cửu Long, từng chất ngất như biểu tượng của Việt Nam nghìn năm đổ về một mối? Ôi, nước sông nào chảy ngược vào lòng, dậy sóng? Ôi, Bến Hải! Lặng lờ một dòng sông. Trùng trùng bao dòng lệ?
nước sông chảy dưới chân cầu
nguồn từ những hố mắt sâu trên bờ (5)
*
Thế nhưng,
Trước đau thương Hà Nội không buồn Hà Nội rắn đanh như sắt nguội (6)
Những bàn tay cắt đất, thống trị miền Bắc bằng sắt nguội và kinh điển Mác-Lê, chia dân thành nhiều giai cấp để khích động căm thù đấu tranh san bằng cho đến khi chỉ còn vô sản.
Còn dân? Dân nhìn cách khác. Chúng-ta. Hoặc, những- con-người-không-phải-chúng-ta.
Bao giờ nghe được bản tình ca bao giờ bình yên xem tranh tĩnh vật bao giờ… những con người không phải của chúng ta vẫn ngày đêm ngang nhiên sống Chúng nó còn ở lại… bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người… Chúng nó còn ở lại trong những tuổi bốn mươi đang đi vào cuộc sống như nấm mọc trên những thân gỗ mục… Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang làm rỗng những con người lùi dần niềm hy vọng héo dần mầm sáng tạo mất phẩm giá con người… (7)
Những thanh sắt nguội, từng đập gãy đôi đất nước, đêm ngày vẫn mơ tưởng một thế giới đại đồng rực rỡ. Nhà máy, nông trường. Phấn màu, tranh vẽ. Lao động vinh quang. Vắt đất ra nước. Thay trời làm mưa. Sỏi đá thành cơm. Hận thù thành máu. Không có gì quý hơn độc lập. Độc lập trừ Tự do trừ Hạnh phúc.
Có trái tim sắt nguội nào vắt ra được niềm tủi hỗ trước thực tế xám ngắt không cách gì che dấu bằng khẩu hiệu suông?
Tôi đã gặp những bà mẹ quần giẻ rách da đen như củi cháy giữa rừng kéo dây thép gai tay máu chảy ròng bới đồn giặc trồng ngô tỉa lúa
Tôi đã gặp những cô gái trồng bông hai mươi? ba mươi? tôi nhìn không ra nữa mồ hôi sôi trên lưng mặt trời như mỏ hàn xì lửa đốt đôi vai cháy hồng
Tôi đã đi qua nhiều xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng nước biển dâng lên ướp muối các cánh đồng hai mùa lúa không có một bông phân người toàn vỏ khoai tím đỏ Tôi đã gặp những đứa em còm cõi lên năm, lên sáu tuổi đầu cơm thòm thèm độn cám và rau mới tháng Ba đã ngóng mong đến Tết để được ăn cơm có thịt một bữa một ngày
Tôi đã đi giữa Hà Nội những đêm mưa lất phất đường mùa Đông nước nhọn tựa dao găm
Tôi đã gặp chị em công nhân đổ thùng yếm rách chân trần quần xăn quá gối run lẫy bẫy chui vào hầm xia tối vác những thùng phân… (8)
Tôi đi không thấy phố không thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ… (1)
Màu cờ đỏ phất phơ theo gió máu đâu mà sao nghe tanh tanh (9)
Máu khắp nơi. Lênh láng. Từ ngọn cờ đến chân đê. Thấm sâu vào nửa mảnh đất nghìn năm văn hiến hiền hòa. Lênh láng. Khi mà mỗi gốc đa đầu làng bị đảng biến thành một tòa án nhân dân truy nguyên ở mỗi người ba đời lý lịch.
người đổi mặt đổi thân thành giặc đổi anh em thay bạn làm thù đời đã khác ruột gan cũng khác giữa quê nhà đâu chốn thân sơ tra khảo đến cả điều đã mất đến điều chưa thấy của tương lai dây trước thắt sợi dây sau buộc nỗi oan khiên cột đến bao đời… (10)
Và, khi mà chiến dịch ám sát tập thể công khai được đảng nâng cấp thành chính sách cho nhà nước hô hào thực thi rầm rộ. Người người thi đua. Nhà nhà thi đua. Đoàn đội thi đua. Đấu tố.
Thắp đuốc cho sáng khắp đường Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay Lôi cổ bọn nó ra đây Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi… (11)
Giết! Giết nữa! Bàn tay không phút nghỉ Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng Thờ Mao chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt… (12)
Sau gần năm ngàn năm ông cha ta dạy cháu con làm ruộng được mùa và làm thơ yêu thương, ngọn “đuốc sáng” vô sản chuyên chính được đặt vào tay từng nông dân trên một nửa Việt Nam từ bấy. Và được các đảng viên tiền phong tận tâm trui rèn thành một thứ Chủ Nghĩa Nông-Dân-Lưu Manh-Hóa (13). Nghĩa là để làm mất hẳn tính người, xóa hẳn tình người. Thép đã tôi thế đấy.
Trong các bạn có chăng người yêu dấu mà bấy lâu tôi vẫn gắng công tìm? đó chính là người tôi chửa gặp mới là người ấp ủ trong tim Trên tất cả thành phần lý lịch trên cao sang, trên sắc đẹp diễm kiều em, trọn cuộc đời tôi kiếm mãi chỉ là người biết ghét, biết yêu (14)
Làm sao biết ghét biết yêu? Khi mà bà ru cháu bằng ca dao sản xuất (15), và, mọi người còn bận học nhau cách lừa lọc tinh vi hơn đảng, để sống qua ngày?
Cũng đừng ai bày trò thuổng văn mười năm trồng cây, trăm năm trồng người, vô ích.
Ở đây, con người đối với con người còn chưa đủ mức chú trọng, nói chi tới chuyện cây cối… đôi lúc có nhớ đến người này người nọ thì ta chỉ quen nhớ những lúc họ đánh đổ hoặc đánh vỡ một cái gì… (16)
Như Stalin nhớ Lenin. Và Khrushchev nhớ Stalin.
*
Thép đã tôi thế đấy. Nên trước đó, ít ai biết tới cái ý niệm “độc quyền chân lý” và “độc quyền yêu nước”. Bởi chưa ai nghe nói về một thứ đảng toàn quyền đứng trên dân tộc.
Những tên bạo chúa độc tài chuyên chế đít thằng nào cũng như gốc đa mọc rễ đầu thằng nào cũng tua tủa như vòi bạch tuộc tham lam bám sát tréo khoeo giữ chặt chiếc ngai vàng như một con mồi cha truyền con nối (17)
Thép đã tôi thế đấy. Nên trước đó, chỉ trong cổ tích nhắc lại thời quân chủ phong kiến, người ta mới được kể cho ý niệm “đặc quyền sinh đặc lợi”.
Vua nhân danh trời, chăn dắt thần dân theo ý hoàng thiên. Đảng nhân danh dân, nêu khẩu hiệu đánh tan phong kiến. Rõ ràng ý dân hơn ý trời. Bởi dễ tiếp cận, và dễ trực tiếp điều khiển bằng hộ khẩu, dùi cui, cùng bích chương, tù ngục.
bị cấm viết cũng chẳng cần bỏ vào núi sống ẩn thân qua ngày chưa kịp thấy mây trắng bay người không hộ khẩu hai tay bị còng… (5)
dùi cui cả thế giới tròn phũ tay vãi thịt, thấm đòn nát da so với hà nội thua xa góc vuông chắc gỗ, cạnh già sắc lim… (5)
bích chương đỏ rực hoa hồng ấm no thế giới đại đồng tốt tươi bắc thang sao chẳng hỏi trời hỏi người dán giấy đứng phơi xương sườn (5)
Thép đã tôi thế đấy. Một cái đầu nghĩ cho dăm ba chục triệu cái đầu. Trên một nửa Việt Nam. Dân là kẻ thù của nhau. Ai ngược đường đảng vạch tất yếu là kẻ thù của đảng, tức, kiêm luôn kẻ thù của đất nước! Sau tháng Bảy, ở đó, tổ quốc là thành trì xã hội chủ nghĩa. Nên mới quan trọng hơn hết, ai đồng minh với kẻ-thù-của-quan-thầy-của-đảng, ắt phải là kẻ thù của “ta”!
tên nó là đế quốc – tên nó là thực dân nó là thằng thổ phỉ – hay là đứa Việt gian? (18)
Như vậy, đúng theo lô-gích của đảng, “nó” là một nửa nước còn lại. “Nó” là miền Nam. Dòng sông Bến Hải, bấy giờ chỉ còn là biểu trưng của sự chia cắt vật lý. Quan niệm về kẻ thù mới là nhát mã tấu chém đứt đôi dân tộc. “Nó” là kẻ địch. Nên mới nêu cao khẩu hiệu phương châm “Thà giết oan mười người còn hơn để sót một địch“. Tận diệt! Phải thống nhất!
*
Hậu quả là dân tộc ta có hai mươi năm bắn giết nhau bằng chủ nghĩa và súng đạn nước ngoài.
Tới chừng sợi chỉ đỏ nối được ngang sông Bến Hải, gọi là thống nhất, nó chỉ làm toang hoác những vết thương phân hóa dân tộc. Bằng nhiều ý niệm. Đứng đầu là giai cấp
Cò mẹ kiếm ăn trên cạn giữa những nơi hôm qua còn là bãi chiến trường dẫy đầy mìn bom nổ rồi chưa nổ giữa những đế dép nát, giày hư, vỏ Rum, Bồ đào, Vốt-ka hảo hạng hộp sữa, hộp bơ cặn bả phù hoa từ yến tiệc lầu cao quẳng xuống… Lại còn diều quạ trên trời chó sói chó săn dưới đất bọn áo khoác kim bài đỏ ngực tôm tép đang nhai bóp ngang họng, bắt lòi… (17)
Giai cấp cũ chưa thanh toán xong. Giai cấp mới đã tạo thêm phân hóa. Bằng ý niệm quyền lực.
ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn buôn hàng lậu – buôn quan buôn thánh thần – buôn tuốt quyền lực bày ra đấu giá trước công đường… lãnh chúa sứ quân sát vùng cát cứ lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa… (19)
Ngay trong giới văn nghệ cũng tách rời hai thành phần lãnh đạo và quần chúng.
Tiếng bình dân nôm na gọi là cai văn nghệ và cu-li văn nghệ.
Khoa học xã hội chỉ có thể phát triển nhờ những lãnh tụ phi phàm, các nhà học giả khác chỉ có mỗi việc chú giải và phổ biến những tác phẩm của các lãnh tụ (20).
Từ cơ bản đó, cuộc tranh tài bắt đầu. Những cai thầu cật lực chỉ đạo cho đám cu-li thi đua nhau làm những con ruồi đậu trên mũi chó sói. Vừa dễ sống lại vừa có lắm kẻ khác gờm.
Những thằng nịnh còn thênh thang đất sống không quần chùng áo thụng không còn thang đàn bà nhưng còn thang lưng thang lưỡi những mồm không tanh tưởi ngậm vòi đu đủ trợn mắt phùng mang thổi vào rốn cấp trên… (17)
Hai năm hòa bình (sau chia cắt), chúng ta thấy nhiều nhà văn (trước kia) có tài, (hiện tại) bị buộc chặt vào địa vị bằng những sợi lụa có tẩm thuốc độc. Tác phẩm của họ (ngày nay) chỉ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo. Họ trịnh trọng thắt cà vạt đỏ, đi giày da vàng, đọc đít-cua và nhồm nhoàm ăn tiệc, rồi lại xách va-ly, bay đó bay đây, trên mây trên gió (21).
Vậy đó. Đám thợ này làm thơ, bắt cả nước làm rợ, chẳng để ai còn được làm người.
bọn sống chỉ vì tiền đứa viết gì cũng giả thích được đài, báo khen… (22)
Bên ngoài giới đó, là một nỗi hoang mang bao trùm. nhiều thế hệ chẳng biết mình là ai, làm gì.
Ngũ quan của anh chỉ dùng có cái tai, anh chỉ nghe thôi Và cái cổ, để gật… Khen không dám khen, chê không dám chê anh đã không phải là anh nữa Bản tâm thì khen nhưng khi thấy báo Nhân Dân chê thì sợ Nhân phẩm của anh lâu nay không biết còn hay mất Này em, mình có phải là người nữa không em nhỉ? (23)
Phân hóa lại nối đuôi phân hóa. Bằng ý niệm địa dư. Dù nhịp cầu đã thông, hai miền đã nối.
mỗi người đứng một bên bờ nhìn sang nhau gọi là bờ bên kia (5)
*
Sau những đẳng cấp phân hóa, hậu quả kế tiếp tương đối dễ thấy rõ hơn. Đảng không chỉ đứng trên mọi thứ. Cả đôi bờ.
Luật pháp như đùa – như có – như không có một người đi chật cả con đường… (19)
Khởi từ đó, tính công thần mới lập đàn tiếp nhận ngôi cao, qua chính sách hồng hơn chuyên, để toa rập nhau nhận chìm đất nước xuống vực sâu nghèo đói.
bịt mắt bắt dê đâu cũng thấy thần đồng mở mắt… bóng nhân tài thất thểu… (19)
Cũng từ vị trí đứng trên mọi thứ đó, đảng có toàn quyền coi dân tộc như vật thí nghiệm cho việc áp dụng các chính sách du nhập từ Nga Tàu, cứ thi hành bừa cho tới khi có hàng triệu người chết thì bắt đầu sửa, chẳng muộn. Độc quyền thống trị và độc quyền sửa sai, muôn đời.
do con mắt bé tẻo chẳng nhìn xa chân trời do bộ óc chây lười chỉ một màu sắt rỉ đã lâu năm ngủ kỹ trên trang sách im lìm do mấy con người máy đầy gân thiếu trái tim… (24)
Có khác gì những con bò đẩy cối xay năm này qua năm khác, di chuyển tổng cộng hàng ngàn cây số mà vẫn không thoát được vòng tròn quanh cối. Và năm năm sau, trong đại hội kế, vẫn có thể nhai đi nhai lại thành quả mỗi bước vòng quanh là một thắng lợi bước đầu.
Có khác gì một kẻ mang lộn giày, chiếc thấp chiếc cao, chừng biết là đi khập khiễng, mới quay về đổi giày, nhưng hỡi ôi, dù tự phong là đứng tên đỉnh cao trí tuệ loài người, hắn chỉ có thể nhận ra là đôi giày kia… cũng chiếc cao chiếc thấp. Bèn thở dài: Họa vô đơn chí! Rồi thôi. Rồi quay về với với việc thường nhật có nhiều kinh nghiệm nhất. Vung tay vơ vét tài nguyên đất nước. “Được ăn cả” mà!
Riêng ở đây, lũ mối mọt vẫn kiên trì hàng ngày tự nhủ rằng lòng tham của mỗi đứa quá nhỏ so với căn nhà mà chúng đang trường kỳ đục ruỗng.
Ôi, lãnh đạo. Ôi, tương lai đất nước.
Mới hay, sự ngu dốt chỉ có thể làm người ta lầm đường. Chính thằng em song sinh của nó, sự ngoan cố, mới giúp người ta trường kỳ nhận chìm được cả dân tộc sống dở chết dở trong màn đêm.
Và loanh quanh luẩn quẩn thay, không có bất kỳ một thứ màn đêm nào dày hơn sự ngu dốt.
đêm tháng hạ như đêm âm phủ đốt lửa soi hồn lũ ma trơi từng tiếng hát bật trong điệu vũ thay hình dung yêu quái mặt người… (10)
những tai lộn nhĩ hồ ly tinh những mắt đa lăng của tam đầu cửu vĩ những mắt lé – mắt chột – của ma những bàn chân chạng hai của quỷ những mũi khoằm sống dao những bàn tay nhão nhoét xanh xao những mồm người – hàm thú những bụng lớn – mắt dê… (17)
Con người mới xã hội chủ nghĩa mang một chân dung mới. Những rô-bô dị hình sơn đỏ. Thứ yêu quái mặt người vẫn luôn e ngại, có ngày, chủ nghĩa xã hội sẽ biến thành… con rắn vuông, hoặc cái tượng đá bảy mươi năm ở đây rồi cũng sẽ hết chỗ đứng chỗ nằm như các nơi khác trên mặt đất.
Rốt cuộc, cả nước thu lại chỉ còn một nhóm 13 kẻ biết lo xa và có quyền bắt nhiều người khác có nghĩa vụ cùng lo rằng, một mai, nếu con gà trống ốm thì mặt trời sẽ thôi mọc. Nó có tên là chính trị bộ, đứng đầu và cả trên đầu trung ương đảng. Tự cho là đang đứng ở chót vót đỉnh cao trí tuệ loài người, nó đưa đất nước quá độ đến vị trí thực tiễn là “đệ nhất bần cùng trên thế giới”.
cùng nước mắt rơi trên luống đất cùng hai vai người kéo thay lừa… mưa sập hầm sâu như lấp huyệt sống đem chôn chết cũng đem chôn (10)
Không thể thống kê. Vả, mấy ai dám tin những con số thống kê của đảng?
Đa số người ta chết lao lực vì miếng ăn, còn một số đông khác nữa thì chết oanh liệt bởi “đạn quân thù“… (25)
*
Từ đó, thế giới hiểu ra vì sao những con sông ở đây trở thành huyết lộ đưa người ra biển.
thôi chia tay em tôi đi biệt xứ một mảnh thuyền chất những lo âu chút đất quê hương mang theo ấp ủ đời lênh đênh đến bến bờ nào nhưng sống làm sao kiếp người vô sản trong khốn cùng trí tuệ cùm gông và kinh sợ ngôn từ biện chứng rực căm thù những mắt đỏ trưng sẽ luân lạc nhưng còn nhân phẩm còn thấy mình thành thật chân dung… (26)
Ôi, oan nghiệt dường nào! tất cả hướng về biển bọt cứ tan trên bãi cát xa mà cửa bể vẫn im lìm chưa mở… (7)
Và huyết lộ lắm khi thành tuyệt lộ cuộn hoa sóng nổi quanh chùa xoáy vào chuyện vượt biển vừa hồi hôm tiếng than của người bắt tôm mò phải xác mẹ ôm con chẳng rời… (5)
Biển Thái Bình cũng đến cau mày gợn mặt Mỗi âm ba dậy sóng vạn linh hồn (27)
Sông thôi chia. Tới phiên của biển. Cuộc đầu phiếu bằng chân chuyển sang giai đoạn khác. Bằng mạng sống cả nước. Cả nước đeo bảng SOS trên biển sóng. Hoặc tự do. Hoặc chết. Dân tộc lại bị cứa đôi. Lần này không theo bất kỳ vĩ tuyến nào. Không Bắc-Nam. Mà là Trong-Ngoài. Trong nước và ngoài nước. Trong tù và ngoài tù.
Xưa cách một dòng sông Đã trăm ngàn tan nát Nay cách cả đại dương Ta nào không bão dậy… (28)
*
Bão đã dậy. Hãy tiếp tay góp gió. Không chỉ để thế giới có một cặp mắt quay lại. Để cho chính chúng ta nữa, những người trong tù và ngoài tù.
Chao ôi! Thiên lý một con đường (29)
Mới hay, gần thật gần, đoạn đường kháng chiến chống thực dân Pháp, mà xa thật xa, con đường vô sản hóa đất nước theo kinh điển Mác-Lê và chỉ thị của quan thầy.
Hai con đường lẽ ra chẳng mắc mớ tròng chéo gì nhau. Giành độc lập. Đã hẳn.
nhưng trời ơi cứu ai đây mở còng bằng cách chặt tay mọi người… (5)
Việt Nam một mảnh cơ đồ Đã thành châu huyện bọn Xô Viết rồi (26)
Mới hay, khoảng cách giữa hai đoạn đường đó cũng dài ngang bằng khoảng cách giữa huyền thoại với thực tiễn.
yêu cái thiện quá cuồng nhiệt thì coi chừng đến gần cái ác (30)
Huống gì đó chỉ là lớp sơn thiện. Nhưng dù sao đi nữa, đánh đổi mọi giá cho độc lập lập tức, đích thị là sự hy sinh cao cả của từng cá nhân. Chỉ có sự lường lận của lãnh đạo mới xóa tan hết được nét đẹp hùng anh của những hy sinh thầm lặng đó.
Vâng, đã có một thời hùng vĩ lắm hùng vĩ đau thương, hùng vĩ máu xương mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm Vâng, một thời không thể nào phủ nhận tất cả trôi xuôi, cấm lội ngược dòng Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ ợ lên thum thủm cả tim gan (19)
Mới hay, sử dụng bạo lực có thể bắt người khác phải im tiếng nhất thời. Nhưng không có bất kỳ một huyền thoại nào tôn vinh chủ nghĩa lên hàng ánh sáng có thể đẩy lui bóng tối thực tế.
nằm mơ tưởng chỉ cởi trần gió lay tờ báo nhớ quần chưa khô đời tàn bèo dạt sóng xô chỉ vì người lỡ hoan hô lầm người (5)
Nên chi, sau rốt,
Ai về cõi tục thì theo
cánh chim huyền thoại đã vèo thinh không (31)
*
Bão đã dậy. Hãy tiếp tay góp gió.
Bởi một lẽ giản dị: Hoàng hôn có thể là một cảnh đẹp ngoài trời, ghi lại trong tranh, hay ca tụng trong thơ, nhưng không thể là đích nhắm của cả dân tộc, cho dù lộng lẫy đến đâu.
nào người quả phụ trắng khăn tang nào đứa em mồ côi khát sữa nào ai sống nhục thác oan nào ai tan lìa đôi lứa… (7)
chúng ta sẽ từ giả mùa Đông như giả từ bao nhiêu sáo ngữ và cái ác… (32)
con người không thể sống mãi trong lưỡng lự cứ ùa hết ra đường vũ khí lần này là sống lại bình thường thì những đường phố công trường hết còn biết sợ cứ hát và cứ nói cứ hát như trái tim cứ nói như sự thật (33)
*
Bão đã dậy. Hãy tiếp tay góp gió. Hãy tiếp tay lấp kín sông Gianh, những dòng Bến Hải, và cả biển Thái Bình trong mỗi chúng ta.
Tháng 7-1994. Chú thích: (1) Trần Dần; (2) Một điệu hò miền Trung; (3) Tế Hanh; (4) Băng Sơn; (5) Nguyễn Hữu Nhật; (6) Hoài Anh; (7) Văn Cao; (8) Phùng Quán; (9) Lưu Nguyễn; (10) Khoa Hữu; (11) Xuân Diệu; (12) Tố Hữu; (13) Trần Đức Thảo; (14) Tạ Hữu Thiện; (15) Chế Lan Viên; (16) Nguyễn Tuân; (17) Hữu Loan; (18) Hoàng Lộc; (19) Nguyễn Duy; (20) Báo Kommounist; (21) Hoàng Huế; (22) Trần Nhuận Minh; (23) Chu Ngọc; (24) Hoàng Cầm; (25) Nguyễn Huy Thiệp; (26) Bắc Phong; (27) Huy Toàn; (28) Lê Tôn; (29) Lưu Trọng Lư; (30) Huy Phương; (31) Xuân Hoàng; (32) Thu Bồn; (33) Lê Bi.
ความคิดเห็น