top of page

1995.01 – Hai Mươi Năm Thống Nhất, Bao Mùa Nhuộm Hạt Mầm?

  • LVMỹ-K24
  • Feb 13, 2022
  • 20 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:

Thạch Hãn MN






Mây chì như chục rơi. Đất phong phanh áo trắng. Toàn cảnh lạnh tanh như những đoạn phim câm. Đen. Trắng. Và những sắc xám nối liền khoảng giữa. Mặt trời đã dẫn đàn chim về Nam trốn tuyết. Những công viên, những cánh đồng, cả những bờ hồ một vùng thảo nguyên cũng biến dạng. Tất cả đang mải mê chơi trò cút bắt, trốn mất tăm bên dưới màu trắng nhưng nhức mắt nheo.


Có chuyện cổ tích nào kể thật về một loài hoa xuyên tuyết chờ chực băng tan? Có bài hát nào, giữa đất trời nối màu xám lạnh, đang ngợi ca những bãi cỏ non đón đợi Xuân về? Có thật chăng những bãi cỏ lòng người? Và liệu nó còn non?

Ích gì những câu hỏi khó? Khi đã bao năm qua ta mãi vặn nhau:

Năm nay đào lại nở Không thấy ông đồ xưa Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? (1)

Ai biết? Làm sao biết? Có ai ướp khô được hồn, nhốt trong lồng kính? Và nhắc chi những điều trái khuấy, một xác ướp khô, muôn triệu hồn dờ dật? Người nghĩ không như người, bắt người khác sống không ra người, và gọi đó là xã hội con người? Trong đọa đày tù ngục của các loại hỏa lò, suối máu, mùa có khác gì nhau? Mai nở mà chi? Đào nở mà chi?

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu? Đem cho Xuân lại gợi thêm sầu? Với tôi tất cả như vô nghĩa Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau! (2)

Nghe chừng như tách trà bỗng dưng nhạt thếch. Câu đối thẹn thùng về màu giấy hồng điều của chính nó. Chữ nghĩa mắc cỡ cho chức năng đậy điệm hay phô bày toàn những nghịch lý, ngược đời.

Xuân -quá chừng quả đấm ngay sau gáy phảng phất gió nặng dần… (3)

Mùa Xuân nào đánh gục từng người, trên khắp một xứ sở giàu thơ như lúa? Hai mươi năm qua, con tàu Thống Nhất chỉ nối liền những đường ray rắn đanh sắt nguội. Nhức nhối thay! Nỗi đau nào nối liền những thế hệ rường cột nước nhà? Nỗi nhục nào gắn liền họ với thứ thành trì thiếu bánh mì, đói cơm, nhưng thừa khẩu hiệu? Hai mươi năm. Tròn tuổi xuân của một đời người. Oan nghiệt biết bao, những mùa Xuân dậy lừng tiếng hát át tiếng bom, ngân dài thành dư âm những tiếng lòng dội vang trong nòng chủ nghĩa…

Mùa xuân ngọt ngào, mùa xuân đắng cay đã hò hẹn ngay dưới dòng nước xiết đã kêu gọi những khung trời cách biệt… (4)

Volga. Dương Tử. Công trình thủy lợi nào dẫn nước về xiết trôi nền văn hóa nhân bản Phong Châu?

Hồng Trường. Thiên An Môn. Xí nghiệp quốc doanh nào nhập khẩu phẩm màu về phân loại những tấm lòng rất đỗi Việt Nam?

Bắt đầu từ một ngày Thu mà có kẻ thấy trong lòng bừng nắng hạ. Ôi! cả nước lê thê những mùa nhuộm hạt mầm dân tộc.

*

Tất yếu là con người tập đi bằng đôi chân. Nhưng hầu hết những người dám dấn bước đều khởi sự bằng những tấm lòng. Những tấm chân tình không cần chữ nghĩa ngợi ca. Lòng yêu nước, bấy giờ chẳng có nghĩa gì khác, chỉ thuần là lòng yêu nước. Nguyên chất. Không tiền đề lý luận và không biên cương tâm lý. Dĩ nhiên, làm gì có phân biệt giai cấp trong suốt mấy ngàn năm dân tộc chống ngoại xâm, giành độc lập, khi vua tôi, quân thần, trước sau một mực vì dân tộc, cùng chen vai xả thân bằng ý chí Diên Hồng.

Chỉ khi vận nước đến hồi tai ương. Đâu đó xuất hiện kẻ bồi tàu lông bông lêu bêu trôi dạt xứ người, bị chóa mắt và bùi tai trước những lô-gích bành trướng chủ nghĩa xã hội, nhưng giới hạn nhận thức bấy giờ chỉ có thể tiếp thu như lời giải duy nhất đúng cho bài toán độc lập dân tộc. Khổ nạn cho Việt Nam bắt đầu từ những tiếng kêu gào trên báo Người Cùng Khổ ở Paris ngày ấy. Khổ nạn đó nhân cấp lũy thừa bằng chữ nghĩa giải thích và ngợi ca điều không tưởng, của một đám thợ thơ muốn tập họp và đứng đầu hàng ngũ thợ cày cầm súng. Mới hiểu thế nào là những tấm lòng để gió cuốn đi, và những tấm chân tình bị dẫm nát, từ ấy.

Sáng từng chữ Tuyên ngôn Cộng sản Bàng hoàng nghe Mác gọi xung thiên Sang sảng Lê-nin… giành lấy chính quyền… Ta hiểu vì sao ta chiến đấu Ta hiểu vì sao ta hiến máu Mác-Lênin, vĩnh viễn mặt trời… Trống Xô Viết rung trời cách mạng Cờ búa liềm đỏ rực đất Hồng Lam (5)

Bài toán độc lập dân tộc được giải bằng chập chùng núi xương sông máu mà vẫn không tìm ra đáp số. Nền tự chủ quốc gia trở thành món hàng trao tay từ thực dân sang quốc tế cộng sản.

Công giao hàng, còn gọi là nghĩa vụ quốc tế, được đền bù bằng một chính quyền nửa nước.

Bài toán canh tân đất nước càng chứa nhiều ẩn số hơn nữa. Bởi đám thợ thơ kia vẫn tin tưởng tuyệt đối vào “tính khoa học” mệnh danh là tất yếu lịch sử của chủ nghĩa cộng sản. Lại tin tưởng tuyệt đối rằng điều đó có thể hoàn toàn thay thế chiêu bài khai hóa của chủ nghĩa thực dân. Và cũng bởi trước mắt vẫn còn đó một nửa nước tự do, như cái gai trong con ngươi của lãnh đạo quốc tế.

Không ai khác, vẫn đám thợ thơ có chân trong trung ương đảng, đồng loạt cúi đầu, tung khẩu hiệu phát động một cuộc trường chinh núi xương sông máu khác. Cũng hai mươi năm. Xẻ dọc Trường Sơn, lùa thanh niên vào chiến trường “B“. Súng máy Tiệp Khắc lùng sục từng nhà thu lúa nuôi bộ đội. Xích sắt chiến xa Liên Xô liên tục bào mòn biên giới ba nước Đông Dương.

Cuộc hành trình hơn hai mươi năm chân không hề mỏi Tôi vẫn theo đường rừng mải miết vượt Trường Sơn (6)

Lắm kẻ không tiếc lời khen người phát minh ra huân chương thay cho giải thưởng hiện kim hay hiện vật, vào thời cực thịnh của Pháp ở Âu châu. Tuy nhiên, riêng mặt khích động thanh niên bằng giấy khen treo tường, có lẽ cổ kim không ai qua nổi những đồ đệ hàm thụ tự xưng là chân truyền của Mác-Lênin. Trên cả thế giới có đại học nào cấp bằng liệt sĩ? Và phòng thí nghiệm nào phân chất máu-thơm-tươi? Chỉ thi ca Ba Đình mới thực sự bào mòn sinh lực Việt Nam. Rốt ráo. Triệt để. Đầy nhiệt tình. Đầy sát tính.

Dũng khí của các anh Muôn vạn lần mạnh hơn súng đạn Máu của Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ, Bắc Sơn Máu Việt Nam không bao giờ cạn… Máu trộn máu, cả hai miền, tóc xanh đầu bạc… (5)

Gió, gió ơi! Hãy làm giông làm tố Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi… (5)

Máu dù chảy hai miền thấm đỏ Nghìn đầu rơi xuống cỏ, không lui! Núi càng rung, biển càng sôi Thép nung càng luyện, càng tôi, càng bền… (5)

Máu đọng chưa khô, máu lại đầy Hỡi miền Nam trăm đắng nghìn cay Hăm lăm năm nay chẳng rời tay súng Đi truớc về sau đã dạn dày! (5)

Thép đã tôi thành tim như thế đấy: Không ưu tư gì khi máu người khác đổ. Luận lý biện chứng cũng lạnh lùng như thế đấy: Máu dân trộn máu dân, cả hai miền đất nước, qua bao thế hệ đầu xanh tóc bạc, chỉ để cho chủ nghĩa được rộng mở biên cương.

Miền Nam đi trước về sau?!! Đi kháng Pháp. Để đánh đuổi thực dân. Vậy thôi. Có cần quy phục ai mà phải hỏi về đâu? Chỉ trong mớ tư duy nô lệ mới, dân tộc, bấy giờ mới trở thành quan niệm hẹp hòi so với ảo ảnh đại đồng thế giới. Tổ Quốc cũng không khác, bị nhận chìm mất tăm vào cái tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, từ đó, khẩu hiệu “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” bao trùm lên trên dòng chữ “không có gì quý hơn độc lập tự do“.

Vang tiếng kèn vui gọi mọi nhà Mời bạn xa gần trong tuyến lửa Mở đường giải phóng Á-Phi-La! (5)

Nước không còn là của Tổ Tiên truyền lại. Dân cũng không còn là người của nước. Nước là thành trì của chủ nghĩa ngoại lai. Và đúng theo lô-gích tay sai, dân có nghĩa vụ đem xương máu ra xây dựng chủ nghĩa cho quan thầy của giai cấp lãnh đạo. Còn đỉnh cao nô lệ nào nhô quá tầm mấy kẻ từng đứng trên biển máu dân tộc để giương cao biểu ngữ vì độc lập dân tộc?

Có phải, hỡi miền Nam anh dũng! Khi ta đứng lên cầm khẩu súng Ta vì ta, ba chục triệu người Cũng vì ba ngàn triệu trên đời… (5)

Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ Có miền Nam anh dũng tuyệt vời Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời (5)

*


Loạt hạt mầm đầu tiên bị nhuộm phẩm đỏ chính là giai cấp đỉnh cao nô lệ và say máu nói trên, được rao truyền về một mớ quyền tối thượng không đâu có: Độc quyền chân lý, Độc quyền yêu nước, và Độc quyền ban phát ân sủng.

Xóm Ba Đình, từ đó, được cải danh là phố Hàng Nhuộm, tập trung lũ thợ thơ và thợ cày vừa kinh qua khóa hàm thụ về ánh sáng ngọn hải đăng xã hội chủ nghĩa:

Lòng vui rung rung câu hát Của chúng ta làm, ca ngợi chúng ta… (7)

Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt Đảng ta đây, xương sắt da đồng (5)

Các thứ độc quyền vừa kể chính là những chiếc vé tàu hạng nhất mà họ sử dụng, để triệt tiêu mọi thành phần dân tộc bất đồng chính kiến với họ. Và để nhuộm đỏ những thế hệ hạt mầm kế tiếp, trước khi đẩy mọi thành phần còn lại vào lò lửa chiến tranh bành truớng chủ nghĩa xã hội mang tên giải phóng. Ngùn ngụt. thê thiết.

một phần ba thế kỷ nối theo nhau đường hành quân bất tận anh vệ quốc đi rồi, anh giải phóng lại trở về cứ “A”, cứ “B” cứ “Hố Bom”, cứ “Sốt Rét”, cứ “Măng Le”… (8)

Quanh những cứ đó, chiến trường nhiệt đới chỉ có hai mùa: khô, ướt. Còn Xuân ư? Xuân là gì? nếu không phải là một biểu tượng cho lòng hiếu chiến và hiếu thắng của lãnh đạo đảng? Tức là một cái bánh vẽ khác về chiến thắng dùng để dâng quan thầy Liên Xô, dù nó có tầm vóc nhỏ hơn và cục bộ hơn cái bánh vẽ thiên đường đại đồng cộng sản:

Xuân hãy xem! Cuộc diễu binh hùng vĩ 31 triệu nhân dân tất cả hành quân tất cả thành chiến sĩ… (5)

Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao Chào Xuân 68 Xuân Việt Nam Xuân của lòng dũng cảm… (5)

Hoan hô Xuân 68 anh hùng! Tất cả gầm lên như sấm sét đùng đùng Tất cả pháo! Và xông lên, dũng sĩ!… Khắp thành thị, nông thôn Đánh tan đầu Mỹ, ngụy!… (5)

Xuân quê tôi có cả hoa và máu Máu quân thù vun bón cánh hoa tươi (9)

Tuyên ngôn Cộng sản hẳn đã dạy các nhà thơ kiêm thợ nhuộm đừng nhớ ca dao. Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước đánh nhau tan đầu, bao giờ?

Và hẳn, lãnh đạo đảng đã phấn đấu học tập, thu hoạch cẩn thận, bằng những hố chôn dân tập thể ở Huế vào dịp Tết Mậu Thân. Chứ có lẽ nào, tình cảm dân tộc, qua ca dao, cũng hóa thành tình cảm hẹp hòi nốt, so với trái tim đại đồng thế giới? Có điều khó nghĩ: Thế giới nào sẽ đại đồng, khi mà, người trong một nước gọi nhau kẻ thù?

Lại mừng rỡ được phép chẳng cần đối thoại hay nói năng gì sất. Chỉ giết và khuyến khích người người cùng giết, nhà nhà cùng giết… kẻ thù của chủ nghĩa.

Anh nói với kẻ thù bằng những loạt đạn căng… (10)

Mau xung phong! Xung phong! Máu giặc phải thành sông!… (5)

Ôi trận tuyến kéo dài hàng mấy ngàn cây số Kẻ thù từ xa chết không đếm xuể… (11)

Lại còn được phép phấn chấn dồn sức truy tìm: Những viên đạn cựa mình trong súng thép Biết kẻ thù còn lẩn lút trong đêm… (12)

Giục lòng người phấn khởi Truy kích đến cùng… (13)

Để giết cho hả nư thù hận Để giết cho kỳ tuyệt giống nòi:

Căng kẻ thù, băm chúng ra từng mảnh Cho giập đầu, xụ cánh Cho máu ứ, đứt gân… (14)

Chiến tranh được lãnh đạo đảng phát động theo chỉ thị quan thầy, không chỉ giết đối phương miền Nam là người một nước. Nó đẩy cả hàng bao thế hệ thanh niên miền Bắc vào chỗ chết, và gọi đó là sự hy sinh cho tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cho nghĩa vụ quốc tế cao cả, quang vinh.

Đi nhanh! Đi nhanh! Chiến trường đã giục… (7)

Đây là giờ sinh tử Ta cần chi máu xương?… (5)

Phải chiến đấu như một người cộng sản Trái tim lớn không sợ gì súng đạn… (5)

Tuổi xanh chẳng tiếc, sá chi bạc đầu Lớp cha trước, lớp con sau Đã thành đồng chí, chung câu quân hành… (5)

Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường Từ trong đói khổ, em vào Trường Sơn… (15)

Chúng nó mà sống cả – Thế nào cũng tới đây… (16)

Hóa ra, “chúng nó” đều chết cả? Bởi lãnh đạo đảng vô cùng cẩn thận cân nhắc về chiến thuật biến dân thành biển lửa, dồn quân thành biển người?

Giặc kia bom đạn bao nhiêu Chúng tao gan dạ lại nhiều hơn bây!…) Ầm ầm biển lửa nhân dân Đẹp như Huế dậy đầu xuân đỏ cờ (5)

Thép đã tôi thành thơ như thế đấy. Mỹ quan và nhân sinh quan của người thơ cộng sản cũng là như thế đấy. Hàng vạn sinh linh đồng loại, đồng chủng, đồng bào, và cả đồng chí, chôn vùi một trận “đẹp“, rộ đầy vườn máu nở hoa?

Trên mộ người cộng sản Hoa hồng đỏ và đỏ Như máu nở thành hoa (17)

Vẫn chưa hết. Vẫn chưa xong. Vẫn chưa đủ máu trăm sông đổ dồn một biển. Hãy cho lãnh đạo đảng nhắn với theo một lời hứa hẹn:

Tiền tuyến cần thêm? Có hậu phương! (5)

Tiền tuyến, sau đó theo yêu cầu mới của quan thầy, di chuyển về hướng Tây Nam rồi xoay ngược chính Bắc. Hai lò nướng dân lần này dán cả những nhãn hiệu khó đọc, bằng chữ Miên lẫn chữ Tàu.

tay búa – tay liềm – tay súng sẵn sàng!… (14)

những người mang A.K. hôm nay họ đi từ vành trăng họ đi từ tim bão Huế, Sài Gòn, Hà Nội… (18)

họ đứng lên vì Cam-pu-chia quang vinh (19)

Thủy Chân Lạp vẫn gắn liền với Lục Chân Lạp. Như điện Cẩm Linh muốn nối liền quốc lộ 1 Hà Nội-Huế-Sài Gòn-Nam Vang-Vạn Tượng. Nên Bắc Kinh tỏ ý không vừa lòng, bằng chiến xa, đại bác. Trước đây, có lần hai nửa nước Việt Nam ra đứng đầu sóng ngọn gió, tranh giành “lẽ phải” về cho hai đại cường của một thế giới lưỡng cực. Lần này, cả nước thống nhất đổ máu ra giành “lẽ phải” về cho một trong hai quan thầy trong cùng một khối. Bởi vậy,

Lần này kẻ địch không phải ở đâu xa Lại chính kẻ tưởng ruột rà thân thiết Môi sát kề răng, đường cách mạng bao lâu khắng khít Những làng mạc đôi bên nghe chung một tiếng gà Bọn bành trướng Bắc Kinh vứt bộ mặt nạ chúng đeo tự bao giờ Lộ nguyên hình là một lũ cường bạo tham tàn, tà gian, cướp nước (20)

Sách ngợi ca nghĩa vụ quốc tế “cao cả” này có đoạn lời tựa thật rành rọt về những thế hệ cầm súng chiến đấu cho một tổ quốc không biết ở đâu trong nửa thế kỷ qua: “…Kế tục truyền thống cha anh, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ quang vinh của thế hệ thứ tư...”.

Ít ra là, đến đây, đã bốn thế hệ bước vào kỹ thuật nướng dân của đám chuyên viên Phố Hàng Nhuộm, bấy giờ lại được nâng cấp đổi tên thành Phố Hàng Thịt. Nhưng, nguyên bốn thế hệ, tất cả dường như còn đang chờ nghe một điều gì ít ra khá gần sự thật:

Rồi anh nói, rồi anh sẽ nói Về những buổi truy điệu sống Đồng chí anh trước lúc diệt đồn (21)

*

Nghị quyết của lãnh đạo đã viết đẹp như thơ, thì sá gì nhưng lời than cam khổ chiến trường? Mà đâu phải những lời than cam khổ này lãnh đạo không biết? Họ chỉ không muốn tự mình chịu đựng. Thế thôi. Nhưng, khuyến khích người khác đâm đầu vào chịu thay, thì công việc đó chính là ưu tiên hàng đầu, và cần được nâng lên tầm cao nghệ thuật. Nghệ thuật bất vị nghệ thuật. Nghệ thuật bất vị nhân sinh. Ấy, nghệ thuật vị chủ nghĩa. Cần gì phải giải thích thêm. Tất yếu là khó ai tìm thấy tình người trong đó.

Quanh mình em, như hào quang Sáng những đường đạn Khẩu súng chắc bàn tay Vững vàng thế đứng Em đẹp và thơ, Huế đẹp và thơ… (22)

Vành nón Huế nghiêng nghiêng e lệ những thời nào Xốc dậy Lao vào chiến lũy (14)

Huế. Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa Đông thiếu áo. Hè thời thiếu cơm… Huế đã bao phen chìm trong lửa đạn. Nhưng, đời thiếu quân thù biết bắn ai? Lãnh đạo đảng nói vậy. Quan trọng nhất, kẻ thù của lãnh đạo đảng và quan thầy cũng đã bỗng dưng biến thành kẻ thù của… cả nước. Nên dù chưa phủi sạch dấu binh lửa, Huế vẫn phải tiếp tục lao mình vào lửa đạn. Như những nơi khác.

Ta lại đi vào trận mới hào hùng Cả nước một đời chung… (5)

mặt báo sau giải phóng vẫn còn đưa tin chiến tranh ở mảnh đất phía tây nam hòa bình đến chưa đủ hai mùa lúa chín… (23)

Đã nghe tập họp ba-lô, súng Biên giới giặc càn, gấp tiến quân… (24)

Gót chân nóng bỏng lại lên đường Bọn bá quyền đang hò hét chiến tranh… (25)

Trâm Lũng, Bản Phân… chìm nghỉm trong đen Bất chợt lại xanh lè pháo nổ… (26)

Thị trấn dài vừa một tầm súng trường Chiều nay ăn bữa cơm đầu tiên Cùng những người bắn tỉa… Những bắp ngô vàng lóe dưới chân Những viên đạn như mắt người, đã lắp (27)

Có lộn không? Đạn như mắt người? Hay ngược lại?


Hai con mắt đỏ, bừng như lửa… (5)

Chỉ những cắp mắt xuyên phá đó mới không thấy được nỗi cay nghiệt của chiến tranh giáng xuống dân tộc. Mới đưa cả đất nước, cả dân tộc, bao phen vào vòng lửa đạn, lạnh lùng thiêu hủy tương lai xứ sở, tương lai của những thế hệ hạt mầm:

Người con gái Nguyễn Thị Hồng Chiêm Đưa tay trái bị thương làm điểm tựa Máu chảy đỏ cánh tay và vạt áo Vẫn nổ từng phát súng chắc và đanh!… Và Hồng Chiêm đã trong sáng hy sinh! (20)

Ơi, những hạt mầm không chỉ thuộc thế hệ cầm súng. Nó non trẻ hơn nhiều, chưa bắn được súng, nhưng vần được đạn. “Ngắt ngọn ăn” đâu chỉ là chính sách kinh tế mới đây của đảng. Nó đã từng được coi là ngang hàng với phương châm “dụng nhân như dụng mộc” của đảng áp dụng trong chiến tranh đó chứ!

Đôi khi nhân như mộc. Bình thường ra, nó thua cả củi.

… Sắp về… Cái giọng buồn buồn cất lên đều đặn khi trời sụp tối Sống ở rừng lâu, ai cũng cho là như vậy Khi nghe tắc kè kêu hai tiếng… Sắp về… Về làm sao được khi giặc đã cận kề Và pháo của ta đang chờ đạn tới Khi các em trườn lên Giặc xả đạn như lằn lửa nối Các em vẫn trườn, thùng đạn chặt trong tay… Và máu đã đổ rồi – Thùng đạn chặt trong tay… (28)

Đã hết đâu?

Đồng đội ơi, các anh đánh rất tài Nếu chúng chưa thật kinh hoàng, Hãy cho thêm trận nữa… (29)

*

Chiến tranh. Kỹ thuật hay nghệ thuật?

Góc nhìn nào là còn phảng phất được chút nhân bản, chút tình người? Riêng ở xóm Ba Đình, có lẽ nó là cả hai, vừa là kỹ thuật, vừa là nghệ thuật, gọi chung cho gọn nhẹ là kỹ nghệ. Dạng liên doanh! Vốn đầu tư? Tiền và thiết bị là từ Mạc Tư Khoa. Hà Nội góp vốn đất đai và mồ hôi, xương máu nhân công.

Lợi chia đôi. Giữa hai chủ, chứ không phải giữa chủ với thợ.

Dù kỹ hay nghệ, trong chiến tranh phục vụ quốc tế cộng sản, không chỉ kẻ thù của quốc tế cộng sản bị triệt tiêu, con người Việt Nam bị tàn sát, mà cả tính người, tình người cũng bị tước đoạt. Để chuẩn bị cho một lớp hy vọng: “Con người mới xã hội chủ nghĩa“, những rô-bô phản ứng có điều kiện. Tiến trình này được thực hiện qua nhiều giai đoạn, trong chiến tranh và cả sau chiến tranh (chưa hẳn là hòa bình).

Bắt đầu là sự điều tiết võng mô về những cái nhìn rất mới, rất xã hội chủ nghĩa:

Vào đêm, ta vào đêm chiến đấu Với vừng trăng đỏ lừ sắc máu… (30)

Nắng mưa đã trải ngàn ngày Đôi dòng sông hóa đôi tay chiến trường… (31)

Con sông không phải là sông Là mồ hôi đổ một giòng thật xanh… (32)

Mây trời vần vụ, trăng đỏ ối Mặt trăng như một bát máu thề… (33)

Cây phượng gãy rồi mà vẫn trổ bông Khăn quàng của em bay như màu lửa… (34)

Con đường mòn quanh co Lá che gần mất dấu Đôi khi lá lấm tấm vài giọt máu Sau mỗi chuyến tải thương Và màu đỏ ấy của con đường Cháy bùng trong mắt… (32)

Đầu tổ quốc, chính đây tiền tuyến Mũi Cà Mau nhọn hoắt mũi chông… (5)

Nhưng ở đó, em ơi, chỉ có mùa của lá Mùa của những chuyến tải thương Những bận rộn thộn đường Với Thanh Niên Xung Phong phục vụ chiến trường Biểu tượng Thu không phải là vầng trăng sáng tỏa Mà là mặt trời lóe trên sắc lá Lóe trên sắc áo của mỗi con người Lóe trên số tuổi rất xanh của mỗi cuộc đời… (32)

Ơ, những người! Đen như mực, đặc thành keo Tròn một củ Hay những người gầy sắt lại Mặt rẹt một đường gươm Lạnh gáy… Lòng bàn tay Khắc ấn chuỗi dao găm Chân bọc sắt Mắt khoét thủng đêm dầy… (35)

Kế đến là một loạt bài học tình cảm, thực tập căm thù:

Lòng mẹ hát trong giọng bà đang hát Con ngủ ngon, súng mẹ chắc tay cầm Ôi con đường mẹ đã đi mười năm Mẹ đi qua tuổi thanh xuân đời mẹ Ôi con đường thơm giấc ngủ con nằm Nếu cần thiết, mẹ sẽ còn đi tiếp… (36)

Mấy năm quên Tết tháng Giêng quên rằm tháng Bảy… (37)

Đêm đồng bằng là đêm lập chiến công Trai hẹn gái gặp nhau ngoài trận tuyến… (38)

Nỗi nhớ em – anh dành để căm hờn (28)

Anh nhìn em – đôi mắt nở chiến công (39)

Cho mỗi viên đạn bắn ra Thêm thanh thản trong lòng Yên tĩnh nhất là phút giây nổ súng (40)

Thù này, anh ơi! Phải nhân lên gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn thù này phải nhớ, thù này không tha! (22)

Giấc nửa khuya ấp ủ rựa theo cùng giấc mơ tấm chăn mỏng đắp hờ sao gà chưa gáy sáng… (41)

Gà rừng ơi hãy gáy lên đi Gáy to nữa cho quân thù biết Đã sắp đến giờ đền tội ác… (42)

Rồi tiếp theo là phần trang bị tư tưởng bưng tai bịt mắt, như ngựa thồ chỉ thấy kiện hàng:

A, gần lắm! ta gần máu ta gần người ta gần quyết liệt (35)

Những niềm vui cùng khoác A.K. (43)

Xe tăng đem về cả rừng cờ ngợp nắng Cho cát trắng, biển xanh, nước ngọt rừng dừa… (44)

Hãy xem! Đồng ruộng cũng chỉnh tề thế trận Lúa đứng thẳng hàng, quyết tâm năm tấn (5)

Lòng ta ơn đảng đời đời Ngược xuôi đôi mặt một lời song song Ngàn năm xưa nước non Hồng Còn đây ơn đảng nối dòng dài lâu Ngàn năm non nước mai sau Đời đời ơn đảng càng sâu càng nồng (5)

Bài học cấp bốn là bình đẳng nghĩa vụ, không phân biệt đồng chí trai hay chiến sĩ gái:

Nam anh hùng nữ cũng anh hùng bình đẳng trên bàn cân thời đại (45)

Chào cô dân quân vai súng tay cày Chân lội bùn, mơ hạ máy bay (5)

Điểm chốt bốn bề hốc đạn đào sâu Khẩu súng cầm tay như cành cây cháy Tóc con gái dãi dầu cùng cỏ dại Nửa phần bụi đỏ Nửa phần sương đêm Mái tóc xỏa ngang vòm trời lửa khói… Trên đồi cao chiếu đất màn trời Mấy ngày đêm chịu đói chịu khát Tuổi trẻ các em lấm lem bùn đất Thiếu áo quần – Mặc áo quần con trai Đêm lạnh ôm nhau ngủ vùi trong đất Những cây súng làm nên điểm chốt Những bông hoa lặng lẽ không lời… (12)

Cô du kích ở Lào Cai Súng em là một pháo đài năm kia Nhận thù qua ánh sao khuya Mắt em hôm ấy hơn tia lửa trời (46)

Các khóa cấp năm hướng dẫn về tính liều mạng. Đặc biệt nhắm vào giới thiếu niên và nhi đồng. Những Hạt Giống Đỏ. Những Hoa Xung Phong: Những đứa trẻ sanh sau lãnh đạo mấy ngàn trận đánh.

Ôi Việt Nam xứ sở lạ lùng Đến em thơ cũng hóa anh hùng… (5)

Tuổi thơ cũng phải anh hùng nghe em… Một dây ná, một cây chông Cũng tiến công giặc Mỹ… (5)

Đường dân công tiếp đạn lên Điện Biên, Tây Bắc Hơn hai mươi năm giờ lại trùng điệp quân đi Thời gian trôi những đế dép mòn lì Thế hệ mới hôm nay lên mặt trận… (47)

Hỡi em nhỏ có biết em đang lớn Khi em quàng khăn đỏ trên vai? Biết không em, mỗi quảng đường dài Là một cuộc hành quân chiến đấu?… (5)

Ai tính được giá một ngày chống Mỹ Ở miền Nam? Hởi em nhỏ của anh, Người anh hùng mười tuổi, vô danh Trước súng giặc, không cúi đầu khuất phục! (5)

Mẹ ơi, súng đẹp quá chừng! Con đi đánh giặc mẹ đừng lo chi Súng này càng bắn càng hay Một tay em chấp mười tay quân thù (5)

Trái tim bỗng lắp đầu súng chống tăng Ta đã lớn, ơi, mẹ, em, đồng chí! (15)

Đâu rồi nụ cười trên những môi son? Bước chân sáo – Hồn nhiên và nghịch ngợm? Khi ngồi vót chông các em vụt lớn Giặc ở bên kia hẳn rằng lo sợ Chính các em mai này vươn lớn sẽ thành chông (34)

Có dân tộc nào, trên cả mặt đất, mong thiếu niên nước mình thành chông, cho nước khác sợ? Và sẵn sàng đem thanh niên thay dây kẽm gai giăng rào biên giới?

Tổ chốt năm người chưa quá tuổi hai mươi Áo mặc màu cây, không gian màu đá Trước mặt gương trăng, sau lưng gió trở Tuổi hai mươi giăng lũy thép trước quân thù (48)

Khóa cuối cùng là để trang bị phản ứng lạnh lùng, thản nhiên trước cái chết, như lãnh đạo:

Móng Cáy chiều nay ngỡ lặng câm Đột ngột vang lên tiếng súng đanh và gọn Sau tiếng thét tên giặc vừa tắt ngóm Đã nghe tí tách Tiếng người tỉa bắp dưới hầm sâu (27) Anh bộ đội vừa hạ chục xe tăng Lại chùi súng dưới gốc hồi thơm ngát (49)

*

Nếu đày đọa con người là một tội bất nhân, thì ngợi ca, khuyến khích sự đày đọa đó sẽ là gì? Sự tàn độc ở đây không chỉ giết người bằng phương tiện chiến tranh. Nó còn tai ác hơn nữa sau chiến tranh. Nó giết tuổi thơ, giết cả tính, tình người.

Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào? – Chúng tôi tôn cao nhau Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào? – Chúng tôi làm đầy nhau Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào? – Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào? Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào? Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào? (50)

Không một tiếng trả lời. Làm sao người ta dám nhắc nhau một câu thơ lẽ ra đã là bài học từ vỡ lòng cho đến cuối đời, cho cả đảng:

Giữ trọn tình người cho đẹp (51)

*

Có kẻ đi xa, thấy nhiều (hơn lãnh đạo), đã e ấp phát biểu rằng:

Đất nước người ta giàu đẹp và tiến bộ được là nhờ… có ít anh hùng” (52).

Nghe cũng đúng. Dù chỉ đúng về nhận xét mà chưa thấy giải pháp. Nhưng vẫn tiếc là từ đó, tác giả câu nói khó được đi xa như thời ôm đàn tung hô nối vòng tay lớn. Cũng là cái giá phải trả cho một lần dám dịu dàng nói thật.

Kể cũng đáng giá. Đi xa, thấy nhiều, càng nhục, nếu còn chút lương tâm làm lằn ranh phân định kẻ sĩ với gia nô.

Lại có kẻ bảo rằng, việc luận công hay tội của lãnh đạo đảng, hãy dành phán xét sau cùng cho lịch sử mai sau.

Nghe cũng khách quan. Nghe cũng điềm nhiên. Như một người nước ngoài khoanh tay đứng dựa tấm biển vô can để nhìn vào Việt Nam đớn mạt.

Còn chúng ta? Có phải chúng ta là người Việt? Vậy thì, hỡi những kẻ từng nhân danh lịch sử, hãy nhìn lại dân tộc mình, nhìn lại chính mình, qua bao nhiêu mùa đầu độc hạt mầm. Và tự xử. Như một con người.

Tháng 1-1995.


Chú thích: (1) Vũ Đình Liên; (2) Chế Lan Viên; (3) Trần Vũ Mai; (4) Dương Thu Hương; (5) Tố Hữu; (6) Hoàng Phủ Ngọc Tường; (7) Chính Hữu; (8) Nguyễn Trọng Oánh; (9) Tiến Đức; (10) Xuân Tùng; (11) Đào Cảng; (12) Nguyễn Đức Mậu; (13) Sóng Hồng, tức Trường Chinh; (14) Lê Hà; (15) Nguyễn Khoa Điềm; (16) Trần Mạnh Hảo; (17) Thanh Hải; (18) Thanh Thảo; (19) Văn Lê; (20) Xuân Diệu; (21) Chim Trắng; (22) Lưu Trọng Lư; (23) Trần Văn Minh; (24) Xuân Miễn; (25) Tô Hà; (26) Nguyễn Duy; (27) Hoàng Nhuận Cầm; (28) Cao Vũ Huy Miên; (29) Phạm Tiến Duật; (30) Thái Giang; (31) Thanh Quế; (32) Thanh Nguyên; (33) Vũ Từ Trang; (34) Đỗ Trung Quân; (35) Trần Mai Ninh; (36) Vương Linh; (37) Nông Quốc Chấn; (38) Diệp Minh Tuyền; (39) Thanh Vũ; (40) Xuân Trường; (41) Nam Thiên; (42) Nguyễn Triều Chánh; (43) Lê Đình Cảnh; (44) Anh Thơ; (45) Phạm Trường Phục; (46) Thân Như Thơ; (47) Lê Quang Trang; (48) Nguyễn Sĩ Đại; (49) Lê Chi; (50) Hữu Thỉnh; (52) Quang Dũng; (52) Trịnh Công Sơn.


Commentaires


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page