1995.05 – Lá Xanh Rơi Rụng, Buồn Khô Lá Vàng
- LVMỹ-K24
- Feb 11, 2022
- 14 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Cuộc đời của mẹ: chiếc khăn vuông không đêm nào ráo lệ khuôn mặt hiền nỗi mong nhớ cày sâu (1)
Định mệnh hay số phần? Má Trần Thị Lan ở Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho, đã đặt tên cho “tụi nó”: thằng Trông, thằng Đợi…. Tết Ất Hợi, má tròn 91 tuổi. Gia tài của má là dăm ba nọc trầu chìm trong ánh nắng chiều vàng vọt ngoài sân. Có cần kể thêm mấy bằng liệt sĩ trên bàn thờ chông chênh tẻ lạnh?
Thằng Trông, thằng Đợi đi theo ba và anh Hai nó, không bao giờ về nữa. Ở tuổi cổ lai hy, những bằng khen đã in hằn vào mắt mẹ ướt đằm, sâu thẳm một nỗi đau kéo dài hàng chục năm vì mất con. Và hai mươi năm kế đó mất ráo, mất trọn. Mất hết những gì sẵn có trước thời mấy đứa nó vô bưng. Tự do. Và cả miếng ăn.
Ôi, một cuộc đời… Ôi, những cuộc đời…
Mưa xối, nắng thiêu Đêm trong, ngày đục Thác bỗng dựng ở nơi không gấp khúc Bợt bạt mặt người trong cơn giông (2)
*
Suốt đời chạy giặc. Hai mươi năm lặng lẽ trong những xó điêu tàn của đất nước. Ngày 19-12-94 vừa rồi, các mẹ đau lòng dường nào! Mấy đứa ngỗ nghịch bày đặt chơi trò họp mặt “50 phút truyền thống”. Nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập quân đội! Mỗi năm một phút? Mỗi phút một năm? Nghiêm chỉnh lôi các mẹ ra trước bục, như từng lôi các mẹ ra đình đấu tố năm xưa, để nhân danh đảng, trao cho 19.879 danh hiệu: Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Hai vạn bằng khen. Chia đều cho hàng triệu mẹ mất con. Một bằng trăm mẹ? Một mẹ trăm bằng? Hai vạn mẹ được nêu tên. Trong đó, hơn phân nửa các mẹ phải đội mồ về truy lãnh lợi nhuận của trăm năm đưa tiễn. Võng con. Lưng mẹ. Và những nấm mồ.
Bà mế thúc măng vườn cho đủ gióng ngót trăm năm chưa dứt tiễn đưa này một thời trai ta vòng quanh miệng súng võng buộc vào lưng mẹ đắng cay (3)
Dăm thằng còn sống, có chút chữ nghĩa, chuyên viết phóng sự theo lệnh đặt hàng, tưởng rằng đã góp phần “làm tròn nghĩa vụ với mẹ”, bằng cách dự ké vào cuộc chơi 50 phút với vài ba khẩu hiệu đi tựa lớn:
“Chính các mẹ đã sinh ra Tổ Quốc”.
Đừng láu cá. Đừng hỗn xược với tiền nhân. Mẹ nào mong cầu danh hiệu đâu các con? Mẹ đâu nào sinh ra Tổ Quốc, các con? Đất sinh ra cỏ. Mẹ chỉ sinh ra những đứa con. Mong tới ngày chúng đủ bắp thịt để ra đồng lên rẫy. Mong tới ngày chúng nó đẻ cho mẹ một đàn cháu vui vầy. Tụi bây không để chúng ra đồng lên rẫy. Lại dọa nạt rủ rê chơi trò chém giết. Bằng dao mã tấu Trung Cộng. Bằng súng liên thanh Tiệp Khắc. Đi cướp chính quyền. Cướp từ tay thực dân. Đã đành rồi. Nhân danh độc lập dân tộc. Nghe cũng tạm được đi. Nhưng sao lại cướp cả lẽ phải cho đám quan thầy lắm râu đầu hói? Hàng triệu mẹ bị mất con. Bao nhiêu máu xương đổ xuống cho dăm thằng ác hôm nay trèo bàn độc?
Tất cả còn sống sót Chỉ riêng lẽ phải kia Đã biến đi đâu mất (4)
Lũ ác còn. Nhưng lẽ phải nào còn, cho một bọn ăn cướp tài sản của người thất trận có cùng nòi giống Rồng Tiên? Và sao lại đi cướp cả vòng vàng, tượng Phật của các dân tộc láng giềng hàng xóm? Bằng hàng chục triệu bắp thịt mẹ chỉ mong có ngày lên rẫy ra đồng? Các con của mẹ sinh ra, đời nào mong danh hiệu liệt sĩ đền bù cho những vụ cướp? Cho cả việc ôm chặt quyền ăn cướp của mấy thằng sống sót?
Có cái gì đàng sau cơn giông Đàng sau lửa, đá Sau ánh mắt buồn mệt lả (5)
*
Hãy nhìn thẳng vào mắt các mẹ. Mẹ Hoàng Thị Loan. Mẹ Nguyễn Thị Thìn. Đều trên 80 tuổi. Đều có 5 ảnh con trên bàn thờ lạnh ngắt. Mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi có 8 con bơ vơ ngoài nghĩa trang hiu hắt. Chúng nó có chọn lựa nào đâu? Mà bây đem chữ nghĩa vô hồn khắc lên xác thân tụi nó. Chém vào cả những trái tim mất nhịp của những bà mẹ mất con?
“Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”??!
Dáng con của mẹ ngừng thở lúc đang đứng ôm súng dọc phi đạo Sài Gòn, cách đây đã hơn hai mươi năm. Dáng con của mẹ đứng chết trân. Chưa biết Hà Nội ở đâu. Chưa biết cách khui hộp bia lon. Chưa biết cả tình yêu trai gái. Hoàn toàn trẻ thơ. Bàng hoàng. Há hốc. Vậy mà khi chôn cất rồi vẫn còn bị người ta cụng ly nhau, dựng đứng lại cái chết. Chết đứng…
Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ….
Tính sử thi của nó là cả một chuỗi thời gian tang tóc. Ba chiều không gian lan rộng. Cả nước chết đứng theo nó, sau đó. Mắt vẫn mở trừng giữa bão, giông, lửa, đá. Mệt lả.
Đời lầm lũi kiếp quần manh áo vá Những mặt người tím tái cúi nhìn chân (6)
*
Hãy nhìn thẳng vào mắt các mẹ. Mẹ H’riêng C’Liêng ở Đắc Lắc. Mẹ Phan Thị Sẽ ở Khánh Hòa. Mẹ Nguyễn Thị Kỷ ở Tuyên Quang. Mẹ Lý Nhử Số ở Lai Châu. Mẹ Triệu Thị Náy ở Lào Cay. Mẹ Cầm Thị Buôn ở Sơn La. Mẹ Nguyễn Thị Thử ở Quảng Nam. Mẹ Lê Thị Điều ở Kiên Giang. Mẹ Phạm Thị Bông ở Sóc Trăng. Mẹ Trần Thị Triều ở Sài Gòn. Mẹ Lê Thị Nuôi, 104 tuổi già, ở ngay sát cạnh các con, Hà Nội:
Chồng chết trận rồi, đến lượt con Mẹ già cặm cụi sống chon von (7)
*
Hãy nhìn thẳng vào mắt mẹ và nhìn thẳng vào chút lương tâm còn sót lại của chính các con. Sinh ra Tổ Quốc? Mẹ nào đâu hãnh diện về những danh hiệu hão. Mẹ chỉ mong làm người xứng đáng, sinh ra chút lương tâm đâu đó trong lòng các con. Mẹ chỉ mong làm người xứng đáng, không sinh ra những đứa gắn liền thủ đoạn ăn cướp với danh hiệu anh hùng. Đừng tỏ ra mất dạy, các con. Đừng hỗn với tiền nhân, các con. Đừng tuyên dương các mẹ đã từng sinh ra và nuôi dạy các thế hệ tự xưng anh hùng để đi ăn cướp….
Ai gọi mẹ hoài nghe đứt ruột Năm đứa con chiến đấu không về Đứa nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Đứa bom bay xác bên đường xe (8)
*
Ôi! Trớ trêu dường nào! Đất nước Việt Nam, đất nước anh hùng. Nhưng sao lại mỗi thời mỗi khác? Ba mươi năm quyết lấy miền Nam: “Ra ngõ gặp anh hùng”. Có ai vừa cứa nát lòng lịch sử bằng những lời diễu cợt? Anh hùng chạy đầy đường! Giở sách gặp anh hùng nhiều gấp trăm lần hơn, ngàn lần hơn. Tay cày, tay súng. Tay mã tấu, tay xà gạt.
Đốt nám Trường Sơn, dập tan Đồng Tháp…. Khát, trong Vỡ Bờ của Nguyễn Đình Thi; Núp, trong Đất Nước Đứng Lên của Nguyên Ngọc; Sứ, trong Hòn Đất của Anh Đức; Trỗi, trong Sống Như Anh của Trần Đình Vân; Út Tịch, trong Người Mẹ Cầm Súng của Nguyễn Thi. Một Út Tịch còn cái lai quần cũng đánh….
Hai mươi năm sau. Thảm thương dường nào! Ra ngõ vẫn gặp anh hùng. Anh hùng vẫn đầy đường. Nhưng không chạy nữa. Anh hùng cong lưng đạp xe thồ. Anh hùng thất thểu dắt con đi xin tiền xe đò về quê. Anh hùng khua nạng gỗ rỗ nát mặt đường làng (9). Anh hùng lên gân mỉm miệng cười chào mời một tập vé số. Anh hùng xiết nan hoa, vá săm lốp. Anh hùng bò lê dưới đường sống bằng chút tình bố thí của bà con qua lại. Bằng cả những vỏ lon bia, vỏ chai rượu ngoại của mấy đứa khác còn lành lặn, nhờ ít anh hùng hơn.
Khát đâu rồi? Núp đâu rồi? Trỗi đâu rồi? Út Tịch đâu rồi? Chúng nó ở đâu? Làm gì? Liệu là có đứa nào còn giữ nổi một cái lai quần? Có đứa nào dám anh hùng đội mồ đứng dậy dẹp nỗi oan khiên trùng trùng lớp lớp? Hở Nguyễn Đình Thi? Hở Nguyễn Thi?
Không có trái bom nào rơi trúng nhà mẹ Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ Chỉ có đứa con trai đi xa Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ khác nhau Nắng mưa lọt vào sau – Xuyên – Xói Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối, cũng chỉ dài bằng một sự mong đợi Và những hạt nắng, những hạt mưa nếu đem xếp lại – có thể cao hơn mọi trái núi (10)
*
Ngần ấy chắc đủ cho mẹ được cài lên áo một đóa hoa lung linh trong tưởng tượng? “Mẹ của một thời đã qua và một thời đang đến”? Má Cao Thị Cườm ở Hóc Môn có 5 người con ra đi không về. Một thời đã qua của má là 5 cái tang liên tiếp, và 27 năm rồi chỉ được biết đến như một bà bán bánh tét cho lũ nhỏ trong xóm. Má Tràng cũng ở Hóc Môn, một chồng một con nằm xuống, ở trong một căn chòi lớn bằng chuồng heo, sống bằng 3 con vịt xiêm ấp trứng. Một thời đang đến của má là chăm sóc mớ trứng vịt sắp nở. Và thấy hài lòng hơn là đã sanh ra đám con hoang đàng, ngỗ nghịch.
Nhà mình cái cảnh neo đơn Một người vắng bỗng rộng hơn căn buồng (11)
Má Phạm Thị Ngư ở Phong Nẫm, Bình Thuận. 80 tuổi. Chồng, 5 con trai, 1 con gái, 1 con rể, hóa thân thành 8 tờ giấy khen treo suốt dọc vách. Má Nguyễn Thị Vĩnh ở Long An. Má Nguyễn Thị Ngọt ở Vĩnh Long. Cả hai đều có chồng và 6 con vắng mặt vĩnh viễn. Má Trần Thị Mít ở Phường Sắn, Quảng Trị, có chồng, 6 con trai, 1 con dâu và 1 cháu nội mất xác trên các chiến trường. Chỉ người điên mới không hóa điên. Thời đã qua. Chỉ người liệt mới không suy sụp. Thời đang đến. Sáu mươi bà mẹ về Hà Nội dự lễ đã được đảng ưu ái tặng cho tổng cộng 221 bằng liệt sĩ. Đỏ chói.
Màu đỏ thắm chạm vào nỗi đau của mẹ Suốt một đời mòn mỏi lo âu… (12)
*
Đỏ chói. Màu máu. Có mẹ bán máu đổi gạo nuôi con. Nào ai đổi con để lấy tiếng anh hùng? Nào ai muốn xa con mình từng rứt ruột đẻ ra? Hàng hàng lớp lớp những nếp nhăn như luống cày trên trán mẹ đang làm bằng, làm chứng. Cho những nỗi đau. Cho những tuổi già.
Ngày xưa chỗ ướt mẹ nằm Sau mười năm Vẫn chỗ mưa mẹ đứng… (10)
Nhưng có yên đâu, những nỗi đau, những tuổi già. Người ta vẫn nghĩ người như súng. Người ta đúc kết thành tựa bài Quân Sử, để đòi tăng kinh phí quốc phòng mua thêm vũ khí, nhân kỷ niệm 50 năm quân đội nhân dân: “Súng Già Hơn Người”. Súng máy. Người máy. Súng đệm nhạc. Người hát ca theo. “Ra Tiền Tuyến”:
Cầm súng xông ra tiền tuyến. Giết giặc giữ yên đồng quê. Thắng lợi rồi chúng ta sẽ về. (13)
Tuyên Huấn nghe bảo hay, nhưng phê bình thật “sát”: Chiến sĩ mới ra đi sao lại bảo về? Chiến sĩ trong nghệ sĩ thì bắt buộc. Nhưng tuyệt đối không thể có nghệ sĩ trong chiến sĩ! Phải sửa câu chót:
Mối thù khắc sâu lời thề!
Tuyên Huấn. Thép đã tôi. Nên đòi thơ có thép. Nên đòi nhạc có lửa. Đòi người đi đừng về. Văn công càng phải có lửa nhiều hơn. Để truyền cho bộ đội. Phải thở ra lửa. Hát ra lửa. Gì gì cũng ra lửa.
*
Một đơn vị văn công từ Hà Nội đi “B” gồm 47 người. Tàn cuộc về được ba người. Một bị cụt tay. Một bị đui mắt. Người thứ ba bị điếc tai. Vì khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”. Dương Thu Hương. Người điếc viết Thiên Đường Mù. Rằng khi đã điếc mới nghe ra tiếng khóc. Tự Bạch Vô Đề. Đã hết tiếng bom. Đã ngưng tiếng súng. Nhưng sao không tiếng hát nào át nổi tiếng khóc? Bao nhiêu năm mới thôi nấc nghẹn? Ai hỏi ai?
Tiếng hát đã im. Không ai hó hé luận bàn, về thơ có thép, về nhạc có lửa. Lửa nào đốt nám Trường Sơn? Lửa nào nung sôi uẩn ức? Lửa nào thật? Lửa đạn.
*
Một đơn vị pháo binh nữ ở Ngư Thủy, Quảng Bình. Xưa có tên “C gái”, đọc và viết thành “Xê gái“, gồm 37 thiếu nữ tuổi từ 16 tới 22. Sống và chết với dăm câu thơ rậm rật:
Ta không phải vì ta ba chục triệu người. Mà vì ba ngàn triệu trên đời. (14)
Vì Á-Phi-La? Vì đại đồng thế giới? Vì toàn thể nhân loại? Hay chỉ vì dăm ba đứa chơi hoang bỏ học đi lập đảng, mù quáng cuồng tin vào một chủ nghĩa điên rồ?
Hồi đó không biết. Các O “xê gái” từng lập thành tích bắn cháy tàu chiến Mỹ. Để lãnh đạo đem vỏ đạn kỷ niệm tặng cho Phi-đen kính yêu ở tận Cu-ba. Các O cũng từng được diễn lại trận đánh để quay phim tài liệu. Nay, xem lại phim cũ, mới thấy ra hết những quay quắt xám ngắt trong lòng.
Những thước, tầm, hướng, độ giao hội mục tiêu… đã chìm mất tăm vào muối, sắn, ngô, khoai, vừng, lạc….
Chỉ độc nhất một O làm ruộng là tương đối có đủ thóc ăn. Một O khác, nhờ tình nguyện đi kinh tế mới, nên được chút trợ cấp. Còn lại là những O đã chết và những O dở sống dở chết vật lộn với hai mươi năm thống nhất, ngay tại Ngư Thủy, xã anh hùng.
Lửa còn không? Không ai chắc. Nhưng thiếu gạo là điều tất yếu hiển nhiên. Trước mặt. Sau lưng. Có mấy chục triệu dạ dày làm chứng. Đói gay gắt. Lửa đốt cháy lòng. O anh hùng. Mẹ cũng anh hùng. Nhưng có bằng khen nào làm no bụng đói?
Mẹ nghiêng vò gạo vét không còn Ôi! Miệng vò hun hút hố bom Chẳng cả con mèo mà nói chuyện Để cho dịu bớt nỗi cô đơn (15)
*
Không chỉ mẹ cô đơn. Vợ liệt sĩ Hồ Đức Thắng, hơn mười năm cô đơn, tuyệt vọng, chịu kỷ luật. Vì lãnh đạo không tin đứa con của anh chị là “kết quả chính đáng” từ tình yêu của họ.
Đời còn Còn cả em Nhưng không còn người trở lại! Hai mươi năm mỏi mòn trông đợi Người về chi trong giấc mộng đêm thu (16)
Thép đã tôi từ trường đảng. Thép ắt tôi sau chái nhà? Kỷ luật thép áp dụng cho cả hòn than xó bếp. Và hòn máu nối dõi anh hùng đang nằm trong bụng mẹ nó? Kỷ luật mười năm cho cả hai mẹ góa con côi. Kỷ luật đồng nghĩa với cái đói gấp đôi. Hai mươi năm.
Tiền tử tuất món tiền nhỏ bé Mẹ năm con như mẹ một con Mẹ thương các con thường tiếp khách Lương mẹ ngang mấy hộp bia lon? (15)
*
Mẹ không chỉ cô đơn. Mẹ còn đội muôn vạn điều oan khuất.
Có ai nhắc đến không? Một thời đã qua và một thời đang đến của bà Phạm Thị Tề, vợ ông Vũ Đình Huỳnh nguyên bí thư của Hồ Chí Minh, bị Lê Đức Thọ đang đêm đến bắt giam hai lần, tính chung 11 năm tù không xét xử, cộng thêm 9 năm quản chế cho tới lúc chết. Về tội đề nghị dân chủ hóa từ trong đảng.
Có ai muốn nhắc đến không? Bà Trần Thị Thiệt, chết cho lý tưởng độc lập từ năm Mậu Thân, không kịp đội mồ về nhìn chồng là ông Nguyễn Hộ bị lãnh đạo đương quyền ép xuồng bắt giam tại Củ Chi đất thép thành đồng 22 năm sau. Về tội đòi dân chủ đa nguyên.
Có ai dám nhắc đến không? Nguyên cả đám trung ương đỉnh cao trí tuệ với quyền sinh sát vô biên, đã toa rập nhau dàn dựng để triệt hạ một người đàn bà có công với đảng, bằng video quay lén cảnh làm tình. Về tội dám nói thẳng nói thật. Bà Dương Thu Hương, người mới đây qua Pháp nhận giải thưởng văn học, trả lời phỏng vấn:
“Đầu lãnh Hà Nội là bọn ăn cắp. Tổng bí thư là tên mất dạy. Văn học Việt Nam hiện nay là một nền văn học lưỡi gỗ”.
Vẫn nói thẳng nói thật.
cỏ và bình minh run lên ly biệt với gió sau nhiều ân ái sau đêm gió trầm ca – gió đấy là tóc của những người đàn bà chết bom trong thành phố đấy là tóc của người đàn bà góa bụa nuôi con sau chiến tranh, đã qua được mười năm (17)
Cỏ đi đâu? Bình minh về đâu? Những tuyên truyền hứa hẹn trốn biệt vào đâu? Sao còn lại trên đời chỉ kỷ luật thép với mẹ già, vợ góa? Bạc thếch màu gió trầm ca? Những em thui thủi. Những mẹ dật dờ.
Nước mắt có bao giờ khuây khỏa được người ta?… (18)
Trẻ trung thuở ấy đã xa Cuộc đời thực với dưa cà cần lao… (19)
một già – một trẻ đối diện nhìn nhau qua xa gần, tuổi tác những nghĩ suy còn, mất hai cuộc đời đối diện nhau im lặng… (20)
*
Nói với ai? Khi mọi câu hỏi đều chìm vào một khối im lặng đặc quánh hơn? Khi lãnh đạo mãi bận gây chiến và đổ thừa cái nghèo cả nước cho chiến tranh?
Tiêu máu của dân như tiêu giấy bạc giả…. (21)
Những tên phỗng đứng đời xưa ấy Gạo thịt cơm thừa đổ xuống sông Nhìn người mẹ đói đau đứt ruột Mặt trời vàng úa biết còn không? (22)
Không biết! Lãnh đạo mãi bận phân phối tài sản cả nước cho ngoại nhân, và cho giòng họ. Người hàng xóm đòi “biến chiến trường thành thị trường”. Còn các đỉnh cao của ta đang làm ngược lại, biến thị trường thành chiến trường.
Đang lý thuyết cao siêu của nhà triết học Bỗng ngu si lời gã lái bò (23)
Đám lái giành nhau địa bàn khai thác. Chiến trường mới: Bia, thuốc phiện, gái điếm. Đạn lại nổ. Máu lại rơi. Lần này để giành trận cuối về cho Carlsberg, BGI, hay Tiger? San Miguel, Huda, hay 333? Trúc Bạch, Sông Hàn hay Heineken? Toàn là những cái tên khó đọc, khó nhớ hơn thằng Trông, thằng Đợi.
Con của mẹ không trông, mẹ cũng chẳng đợi những thành quả “anh hùng” kiểu đó. Thằng Trông, thằng Đợi, và cả thằng con chết đứng của mẹ, có đời nào nghĩ là chúng bị đẩy vào lằn đạn, để mở đường cho các em gái, con gái của nó lao vào lầu xanh, cả những con em đang theo đại học ở Từ Liêm và Mai Dịch, ngoại thành Hà Nội? Mở đường cho lãnh đạo đưa gái điếm lên làm giám đốc Công ty Thương mại Tổng hợp ở Khánh Hòa? Mở đường cho các quan chức đưa hàng vạn phụ nữ sang bán cho thương nhân Quảng Tây?
Ta đã thấy những vết lồi vết lõm trên mặt trăng sao Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao (24)
*
Thằng Trông, thằng Đợi, cả thằng con chết đứng và đồng đội ngày xưa, tụi nó sẽ nghĩ gì, trong mồ mả, trong đất cát, trong lau lách, trong lá mục rừng già, về những đứa từng đẩy tụi nó ra trận năm xưa, hiện đang uống bia trong bồn tắm gái hôm nay?
Thời nào đã qua? Thời nào đang đến?
Tụi nó sẽ phản ứng ra sao trước đám giặc mới: Nghèo, dốt và lừa đảo. Ôi, những thứ giặc vô hình, đến ngay từ hào quang chiến thắng. Nó không là ngoại thuộc. Nó là nội xâm. Hình thành bởi lòng tham và sự ngu dốt. Xuất phát tự Ba Đình.
Bàn cờ thế sự quân không động Mà thấy quanh mình nổi bão giông (25)
“Tuổi trẻ giữ nước”. Điều đó đã hẳn. Chồng mẹ thời trẻ đã chẳng đợi ai lớn tiếng hô hào khẩu hiệu đó. Con ruột mẹ mấy đứa cũng đều vậy. Tuổi trẻ giữ nước, đã đành. Nên không thành vấn đề. Câu hỏi mà mẹ nghĩ các con khó trả lời hôm nay là “ai đang giữ chức, ai đang giữ tiền?”.
*
Nên chi, đừng láu cá, đừng mất dạy, các con! Đừng uống bia trong bồn tắm gái mà làm thêm khẩu hiệu đòi giữ đảng. Sẽ khó trả lời, đừng nói là với lịch sử, mà với chính mình đó các con!
Tháng 4, 1995. Chú thích: (1) Đào Xuân Quý; (2) Hoàng Trần Cương; (3) Phạm Ngọc Cảnh; (4) Đỗ Minh Tuấn; (5) Trịnh Hoài Giang; (6) Nguyễn Bùi Vợi; (7) Huy Cận; (8) Xuân Miễn; (9) Nguyễn Duy; (10) Phùng Khắc Bắc; (11) Trần Nhương; (12) Lê Hoài Nguyên; (13) Phan Huỳnh Điểu; (14) Tố Hữu; (15) Xuân Miễn; (16) Thúy Bắc; (17) Lê Thị Mây; (18) Trần Dần; (19) Phan Thị Thanh Nhàn; (20) Lê Văn Vọng; (21) Phùng Quán; (22) Hoàng Vũ Thuật; (23) Lưu Quang Vũ; (24) Việt Phương; (25) Khương Hữu Dụng.
Comments