1995.07 – Lòng Của Người Đi Réo Kẻ Về
- LVMỹ-K24
- Feb 11, 2022
- 11 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Tháng bảy ong bay đi Chuồn chuồn chao trên sóng Nhớ mùa đông rất dài (2)
Đông dài. Rất dài. Đặc quánh uẩn ức cùng cô đơn. Đông dẫn dài tới từng tháng Bảy. Mùa không còn là của trời của đất. Mùa từ lòng người. Nối tiếp theo Đông là những đợt mưa Ngâu. Cách trở. Mong manh. Nghìn trùng chao đảo như những cách chuồn trên sóng. Tháng Bảy. Mùa Hiền Lương. Mùa Bến Hải. Mùa gieo những chữ ký cắt đôi đất nước, cắt đôi dân tộc. Mùa gặt từng bức tường Bá Linh trong mỗi lòng người. Tháng Bảy, suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, nào có khác gì nhau?
Khi những lá cờ không mang hình hài dân tộc Thì ở lại, ra đi, đều mất quê hương (3)
Ai mất ai? Dòng Bến Hải không bỗng dưng biến thành bãi mìn. Bức tường Bá Linh không tự nhiên đứng dậy. Đất nào có bốc hơi bao giờ? Đất muôn đời vẫn vậy. Nguyên vẹn. Hiền hòa. Chung thủy. Chỉ có kẻ muốn cướp quyền mới đành đoạn cắt đất. Khiến người người đứt ruột lìa quê. Giá nào đắt hơn một cuộc sống cho ra người?
Số còn lại, bám đất, bám quê, bám mồ mả ông cha, đau đớn chừng nào, phải trả giá đắt hơn cả máu, không hẳn cho sự sống chẳng ra người của chính mình, mà cho lòng tham của đám cướp muốn tóm trọn quyền sinh sát trên cả nước.
1975. Bến Hải thôi tan tác đôi dòng. Hai miền thống nhất. Nhưng, dưới ý nghĩa nào?
Khi bọn tay sai lấy người làm con chốt thí Thì cường quyền mới sắp xếp nổi “đại thắng mùa xuân” Quốc dân nhìn ra nạn nhân đích thực Ở địa ngục kia hoa máu mọc mầm (3)
Thống nhất một màu hoa. Cùng rộ trên lãnh thổ cong cong liền một dải. Hoa máu. Xứ ngục tù. Mười cửa âm ty thông nhau bằng một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Thống nhất? Cam Ranh và Hải Phòng về cùng một chủ!
Những bóng ma lê khắp trời Âu một trăm năm mươi năm cũ Ám nhập vào những người cộng sản bản xứ hung tàn như bọn quỷ ngoại xâm… Nước kinh rạch đã mặn chát vùng kinh tế mới Nhờ trí tuệ đảng hay nước mắt dân lành?… Khuôn mặt xanh của em bé lên chín lên mười Sống với bản năng – cũng đủ trở thành tù nhân chính trị (3)
*
Lý tưởng biến thể theo vòng xoay của quyền lực đảng. Lý tưởng chết đứng, chết nằm, đời đời yên nghỉ không nghĩa trang. Lý tưởng thành liệt sĩ thiếu người thừa kế.
Tôi về, thân gió sương Nửa đời vầy cát bụi Không bằng một thoáng hương Tỏa thầm trong hốc núi… Nửa mái đầu chớm bạc Còn gì cho quê hương Thân xin làm chiếc lá Thân xin làm hạt sương (4)
Máu xương dân tộc, vào phút lâm chung của lý tưởng giành độc lập, được đổ đống bày bán như những món đồng nát ở lề đường chợ trời quốc tế.
sau chiến tranh trở về nhà thảy đều tàn-tật-hồn ra khỏi rừng hố bom khô cạn lệ mừng đỡ lo gương nước soi từng bóng ma (5)
Bọt bèo không thể đời đời gắn chặt. Chợ chiều cũng chẳng thể nhóm lâu. Bọt bèo rồi rã. Chợ chiều rồi tan. Chỉ máu xương dân tộc vẫn luôn là món hàng ế trong tay ngoại nhân.
Đừng gởi về Việt Nam bất cứ viên gạch nào ở bức tường Bá Linh Nó có thể làm tủi cả dòng sông Bến Hải Đừng để lịch sử phải khóc dù thời gian không thể quay đầu lại Và mỗi người Việt Nam sẽ biết thêm cái giá thống nhất nước mình… Đừng, đừng nói với Việt Nam bất cứ một tin tức gì về bức tường Bá Linh Nó có thể làm cả dãy Trường Sơn vùng lên tức tưởi Những bà mẹ đã không thấy xác đàn con Những oan hồn chẳng chiều dài chiều cao nào chứa nổi (3)
*
Thống nhất hai miền: một màu đỏ. Đường đi đã đến. Mục tiêu đã đạt. Ở bậc thềm cuối của thế kỷ 20 nhìn ngược lại, người ta thấy gì?
45 năm cửa không mở 45 năm nhà không sơn 45 năm trí tuệ toàn biểu ngữ Như chiếc hòm lộ thiên nằm ngang lịch sử – Vẫn chưa chôn (3)
Lấy khẩu hiệu, bích chương, biểu ngữ thay lúa nuôi dân: Thống Nhất ý chí cộng sản.
Ta cắm vững bàn chân trên biển rộng Vai ghép cầu cho quặng chuyển ra khơi Tàu bạn đến, đô thành trôi giữa sóng Sáng bừng lên cho Tổ Quốc ta vui (6)
Lấy tài nguyên quốc gia phân bố đều cho bầu bạn từng giúp súng đạn bắn giết anh em một nhà để xây dựng tổ quốc xã hội chủ nghĩa: Thống Nhất tình nghĩa cộng sản.
Mồ hôi muối trắng hai vai áo Đêm không đèn húp cháo thay cơm Nhặt từng hạt lép trong rơm Nhìn bầu sữa cạn thương con héo gầy… (7)
Áo hở da – Cơm tưới mồ hôi… (8)
Họ vẫn gầy vẫn ốm Mắt vẫn lõm, da vàng Áo chăn chưa đủ ấm Ăn uống vẫn tồi tàn (9)
Lấy đói khổ ngu dốt làm nền tảng chuyên chính cai trị: Thống Nhất phương pháp cộng sản.
Những đứa trẻ như những cây cao su còi Mọc không hàng không lối (10)
đánh mất nụ cười trẻ thơ mà bao người lớn bây giờ khốn thân (5)
Lấy khăn quàng đỏ thắt cổ tuổi thơ để đào tạo những thế hệ rô-bô vô sản mới, bành trướng chủ nghĩa bạo lực sang lân bang: Thống Nhất biện chứng người.
Do vậy, nổi bật nhất của mọi Thống Nhất, đâu phải chỉ đất nước lụn bai? Nổi bật nhất của mọi Thống Nhất, chính là sự thui chột con người.
Có bao nhiêu người quay đầu về Hà Nội Nghe chuyện đổi mới Của những đoàn người cưỡi xe đạp không biết về đâu Mỗi sáng lăn nghìn bánh xe lầm lũi Mỗi chiều về chở theo nghìn câu hỏi Như chiếc đèn kéo quân quay đuổi những niềm đau Quay mãi những vỉa hè nhẵn mòn thực dân để lại 45 năm cứ thế Ngôn ngữ hùng hổ thành đá cuội Mỗi ngày ném vào đầu vào cổ tương lai… 45 năm không dài thêm một bước 36 phố phường không dẫn tới bình minh Một câu hỏi nghìn người vừa đi vừa ngước Một nghìn người bước một bước mộng du… Những kẻ rao hàng tương lai đã mất 45 năm trần truồng Nằm phơi không ngôn ngữ… Để Hà Nội ngồi xổm trên lề đường thế giới (3)
*
Cũng ở bậc thềm cuối của thế kỷ 20, nghĩ ngược lại, người ta nhớ gì? Hình như khởi đầu, những khát vọng chung vô cùng đơn giản.
Giữ cho tôi ngôi nhà lá cũ Giữ cho tôi gốc mít, gốc dừa Giữ đường đi, rạch nước năm xưa Giữ cả cho tôi bờ dâu, đám đậu… (11)
Nhưng ngay sau đó, những khát vọng bình thường đơn giản này đã bị điều kiện hóa bởi những kẻ tiên phuông tay sai quốc tế.
Nghe các anh giảng rõ từng câu “Thế giới đại đồng, thiên đường cộng sản” Một ánh chớp hồn ta như lòe sáng… (12)
Ánh chớp thiêu rụi tức khắc những bờ dâu đám đậu, gốc mít gốc dừa, trước khi chúng thực sự cháy.
Tôi muốn luyện lòng tôi thành lửa sắt Không tiếc gì vầng trăng xẻ làm đôi… (13)
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời… (14)
Những năm khẩu súng Theo người đi xa Những năm băng đạn Vàng như lúa đồng (15)
Sự khắng khít bấy giờ, thảm thương thay, như súng với đạn. Tình yêu, cũng thảm thương thay, nhằm để bên nhau suốt đời chiến đấu tiêu diệt đám kẻ thù “bên kia” dòng Bến Hải. Suốt đời? Bác bảo suốt là suốt?
Lối đi lên chủ nghĩa xã hội lót bằng máu xương Việt Nam, từ đó, chỉ có thể đưa dân tộc xé đôi đến chỗ Thống Nhất tính chằng chịt của những mâu thuẫn và tính chập chùng của bao nghịch lý.
xích xiềng rợn tiếng kéo lê những hồn oan khuất kéo về thắp hương (5)
Và đưa đất nước tới chỗ ngô với đá giành nhau sống (16)
Ẩn tàng đàng sau những chằng chịt, chập chùng đó, thê thiết chừng nào những hận thù chồng chất, những nỗi e sợ đối với đồng loại rình rập từng giờ
à ơi… ngọn lửa ngày xưa mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đâu?… (17)
Người quen nhắc lại từng tên một Kể lại từng nơi đặt dấu giày Trôi dạt dám mong gì vấn vít Sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây… (18)
Con đang nghe trái tim nổ tung từng mảnh vụn máu từng dòng im lìm máu từng dòng phẫn nộ trên bàn tay con đó trên dải đất khô cằn trên mặt mày khốn khổ trên cuộc sống lầm than (19)
Và trên tất cả những hậu quả ẩn tàng, chính là ngất lịm niềm tin giữa con người với con người, giữa con người với tương lai.
Những người quen càng ngày càng lạ đi Họ quần tụ xuôi ngược Chỉ có em như nước mắt Nằm sâu trong người anh… Tóc em bụi, mặt đầy bụi Chỉ qua gương mặt em mà nhận ra khuôn mặt chính mình… (20)
Giật mình hai mắt trũng sâu Người trong gương ấy còn đau hơn mình… (21)
Những mặt người sầm tối buồn đau Đi về đâu? Nào họ biết về đâu (22)
Nào ai có thể trả lời? Mọi dấu hỏi bấy giờ xoáy quanh sự biện biệt bất an giữa nguyện vọng chung và mục tiêu riêng.
Đảng đứng đâu trong lòng dân tộc?
Mai khôn lớn con nghĩ gì về mẹ Con nghĩ gì về một chặng đường qua Con nghĩ gì về đất nước chúng ta Nỗi đau xuyên qua rất nhiều thế hệ (23)
*
Không chỉ người Việt Nam nhìn lại chặng đường qua. Thế giới nhìn lại Việt Nam cách khác. Và có thái độ. Về tính hiếu chiến của lãnh đạo Hà Nội. Sự cô lập càng khiến ngục tù Việt Nam biến thành ốc đảo hơn một thập niên, trong lúc các nước chung quanh lần lượt hóa rồng. Càng khiến dân tộc Việt Nam, vốn là nạn nhân đầu tay của cộng sản, trở thành nạn nhân của thế giới chống cộng.
Đảng đứng đâu trên đỉnh cao trách nhiệm?
Nghĩ cho cùng, lãnh đạo đảng cũng chỉ là nạn nhân của giấc mơ đại đồng cộng sản. Có điều, lãnh đạo đảng chỉ là nạn nhân về mặt ý thức, do sự lừa mị của đệ tam quốc tế và đám tay sai ngu muội đầu tiên.
Còn lại, đại khối dân tộc Việt Nam mới là nạn nhân của cả toàn bộ chủ nghĩa cộng sản, lẫn tội ác không tiền khoáng hậu của đám lãnh đạo đảng nói trên.
Chính đó là lằn ranh mới, phân định rõ vị trí giữa đại khối dân tộc cùng thiểu số lãnh đạo đảng. Chính đó là cục tẩy xóa mờ bớt bóng dáng dòng Bến Hải chia đôi quốc-cộng mà lãnh đạo đảng đặt bút ký từ giữa thế kỷ 20. Câu hỏi bấy giờ bị lật ngược. Có phải đó là bức tường Bá Linh còn sót lại trong lòng mỗi chúng ta hôm nay? Có phải đó cũng chính là sự cô lập của lòng người bủa vây những im lặng nặng nề của bạo lực ngày càng thu hẹp?
tai ù, gậy rớt, mắt hoa rực cờ đỏ máu, dậy loa tiếng ồn ngói chùa rơi vỡ hoàng hôn chiều nay nghe lạnh trong hồn lạnh ra… (5)
vào rừng ở ẩn cùng hoa sim non tím nhạt, mai già trắng tươi mỗi bông nở một nụ cười người không sống được với người thật sao? (5)
Trong vòng vây đó, người ta nhìn nhau ái ngại. Không còn là cho phận bạc mỗi đời người. Mà cho tương lai đảng, chính xác hơn, tương lai lãnh đạo đảng. Trước cuốc chim, búa, xuổng, và bất cứ thứ gì có thể đốn sập bức tường.
Những tráng ca thuở trước – còn hát trong sách thôi những thanh gươm yên ngựa -giờ đã cũ mèm rồi… (10)
Em đi qua bao nhiêu bất bình Mềm như lá – Và ngọt ngào tiếng khóc… (24)
Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh Những đôi mắt nhìn anh như họng súng (25)
*
Đối với vòng vây cô lập của thế giới, ít nhiều gì lãnh đạo đảng cũng đã dồn sức hòa giải, dù bằng điều kiện nghiệt ngã nhất cho sự thiệt thòi của dân tộc. Những thực dân Pháp, những phát xít Nhật, những đế quốc Mỹ, và cả bọn bá quyền phương Bắc… xa gần gì lãnh đạo nay cũng đã thi đua chìa tay bắt, cúi đầu gật, nhoẻn miệng chào. Một thưa Ngài, hai cũng thưa Ngài…
Còn, lãnh đạo đảng đối với đại khối dân tộc?
Mấy trăm năm sông Gianh
Nối vào dòng Bến Hải Bên này! bên kia mãi
Sử xanh cũng rùng mình… Những hàng rào máu xương
Mặt đất nào cũng chật (3)
Ẩn số của bài toán phát triển đất nước, nào đâu chỉ là những khẩu hiệu nhai lại:
kinh tế đa thành phần theo quy luật thị trường lấy quốc doanh làm chủ đạo…
Ở đất nước chúng ta không ai có thể sống một mình (26).
Nhất là sống một mình bằng khẩu hiệu do chính mình sản xuất. Nên chi, ẩn số của bài toán ấy, nghĩ cho cùng, có phải chính là nỗ lực giải tỏa những cô lập vây bủa của lòng người? Giữa trung ương đảng với quần chúng đảng viên, về những sai lầm đầu độc. Giữa trung ương đảng với những người bị lãnh đạo trù dập trong suốt nửa thế kỷ qua, về những sai lầm duy ý chí. Và trên tất cả, giữa lãnh đạo đảng với đồng bào cả nước, về toàn bộ mọi sai lầm đã tạo nên nỗi khánh kiệt con người và tài nguyên Việt Nam hôm nay.
Muốn vậy, cần thiết chăng những cánh cửa lối thoát phải mở cho nhau? Cánh cửa bao dung cải hóa của dân tộc Việt xưa giờ dường như chưa bao giờ được cài then. Còn lại, cánh cửa sám hối của những người lãnh đạo sai lầm có thể hé mở đến đâu?
nhà sư lo việc nhang đèn sau khi thổi bụi tòa sen xong rồi nghe lòng ao ước lên ngồi giật mình sợ toát mồ hôi ướt dầm (5)
Nào có khó gì để nhận ra điểm khác giữa quyền lợi cá nhân với quyền lợi dân tộc?
Nào có khó gì một thái độ thực sự vì dân, phục thiện, rời ghế quyền lực? Về phía đại khối dân tộc, hẳn đâu khó gì một nén tâm thành hóa giải mấy mươi năm trớ trêu lịch sử?
Thôi, vì đời giải oan Một bài chú vãng sinh Cho cả thù lẫn bạn… Sinh bắc tử nam Chôn thân Bình Giả Vùi xác Trường Sơn Hài cốt nơi nào Thôi cũng nước non (27)
Hãy giúp nhau đạp đổ bức tường Bá Linh trong mỗi lòng người.
hãy trả lại rừng núi những màu xanh
để những oán thù xưa cùng tan hết
và xin thắp hương
cho tất cả những người đã chết
để đất nước nình còn dịp mọc
những chồi non (3)
Tháng 7-1995 Chú thích: (1) Tế Hanh; (2) Bằng Việt; (3) Lê Bi; (4) Viễn Phương; (5) Nguyễn Hữu Nhật; (6) Nguyễn Viết Lãm; (7) Hoàng Tố Nguyên; (8) Trần Huyền Trân; (9) Thôi Hữu, tức Tân Sắc; (10) Thanh Thảo; (11) Vân Đài; (12) Tố Hữu? (13) Chế Lan Viên; (14) Nguyễn Đình Thi; (15) Trần Đăng Khoa; (16) Hoàng Trung Thông; (17) Xuân Quỳnh; (18) Nguyễn Bính; (19) Trần Quang Long; (20) Nguyễn Khoa Điềm; (21) Lâm Huy Nhuận; (22) Lữ Huy Nguyên; (23) Trần Lệ Thu; (24) Trịnh Hoài Giang; (25) Hoàng Nhuận Cầm; (26) Trần Vũ Mai; (27) Đỗ Quý Toàn.
Komentáře