1996.01 – Xuân Chẳng Lỗi Thề
- LVMỹ-K24
- Feb 11, 2022
- 11 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Đã lâu rồi, đàn én chưa quay về. Cũng chẳng mấy ai nhớ tận mặt Xuân ra sao. Đuôi cờ đỏ lê thê một mùa Thu đọng giọt chảy ròng. Bảy mươi triệu người lầm lũi trong những khung tù.
Ngày với năm cùm chung một cũi, không khác gì nhau, có lý đâu mỗi ngày một Tết? Dường như đất trời vẫn vậy, vẫn nhàn nhạt một màu khuất lấp. Gió giật từng cơn, bật tung cái đói, cào xướt nỗi lo. Xuân ư?
xuân đang ở đâu, xuân về đâu? mênh mang trời đất trắng sương mù chập chờn nắng ửng từng cơn rét xen mỗi niềm vui, mấy nỗi đau! (1)
Trường Sơn đã xẻ. Hiền Lương đã thông. Cả nước đã phẳng lì dưới lưỡi cày chuyên chính vô sản của lãnh đạo thổ phỉ vô học. Miền Nam tiến vững chắc tới ngang bằng miền Bắc. Nhà trường thưa hơn nhà thổ. Nhà thương vắng hơn nhà tù. Vàng đã căng túi tham. Dân đã rạc kiếp người. Hàng ngày khom lưng mót từng củ khoai mẩu sắn, cho đến lúc tàn hơi nằm xuống bón sắn bón khoai.
Đúng y chiến lược
kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội do nhà nước điều tiết vĩ mô lấy quốc doanh làm chủ đạo.
Mưa không còn rơi trên mái nhà một năm hết… lời thề của đám lưu dân ngày đó đã tan theo những cơn sốt rét những dịch bệnh không người chẩn đoán có gia đình mệt mỏi xin gởi lại nắm xương cùng vụ mùa thất bát có những người khác rã rời những mầm cây không thể ghép giống… anh đốt lửa chào năm mới khói không tan trong sắc trời nhàn nhạt (2)
Hai mươi năm máu bón đất. Nối dài những ba mươi năm xương xây thành. Cho chính trị bộ tổng kết thực tiễn nửa thế kỷ dày công nghiên cứu ghép giống những hạt mầm nhuộm đỏ. Mong biến dân lành thành người máy xã hội chủ nghĩa, vùi đất nước xuống vực sâu đói nghèo lạc hậu. Xuân là gì nhỉ?
tôi hát nỗi buồn quê hương tôi thương những người trai làng ra đi nằm lại trên trăm miền tổ quốc để đất đai ngơ ngẩn nhớ đường cày… (3)
Đất nhớ đường cày. Người nhớ ai? Những mẹ. Những em. Những vợ trẻ. Những con thơ. Những bạn bè thân thuộc….
bao nhiêu vành khăn trắng đằng đẵng tin sa trường… người bạn xưa – đã không còn gặp lại thân nằm trên một đỉnh Trường Sơn rừng núi chiều nay sương trắng mỏi mòn trăng lặn sau mồ chiến sĩ… chiều từ đâu mà lạnh đến từ đâu? (4)
Hỏi mà chi? Nào ai biết nỗi thê thiết do từ cảnh đời dội lại hay từ lòng người khắc khoải loang đi? Điều hiển nhiên không mất công suy nghĩ là dòng Bến Hải đã thôi in dấu chia phôi. Nhưng mặt đất cắt đôi từ đó.
Bên dưới ăm ắp những xương nằm. Bên trên chen chúc những xương đi. Trăm miền đất nước máu đọng thành cờ, uất đọng thành thơ. Trăm miền đất nước: tù trên, huyệt dưới.
những người chết không một nấm mồ họ biến thành lá rừng thành bóng mây họ phiêu phưỡng trong hơi thở ngàn năm ngàn năm khúc ca cờ in máu (5)
Bầy én chưa quay về. Cái trở về là những cơn gió rét vật vả không làm khô nổi hàng triệu bằng khen đỏ nước mắt. Cái trở về là mớ kỷ niệm xếp hàng chen cùng nỗi nhớ, thẳng tắp, dài dọc, đan xiên, như đám bia tượng trưng nằm quanh những trụ tháp ghi công liệt sĩ. Đằng đẵng sa trường… Cực kỳ, tuyệt đối, là sự vắng mặt của người ra đi đính kèm sự vắng mặt của một tờ giấy báo tử. Khe Sanh? Đồng Xoài? Bình Giả? Trường Sơn Đông? Trường Sơn Tây? Hạ Lào?… Kà Tum? Tà Keo? Xiêm Rệp? Pnôm-Pênh?… Lạng Sơn? Đồng Đăng? Hà Giang? Lũng Phầy?… Mẹ cha nào rõ? Vợ con nào hay? Chỉ trong mơ…
ba mươi vạn người mất tích bỗng trở về
họ ngồi chật khán đài mười sân bóng đá
mỗi người một khẩu AK và một mũ cối
quả bóng lăn tròn về phía nào đây?
ba mươi vạn người
mất tích ngót hai mươi năm nay
ba mươi vạn người thân
nhân với một, hai, ba, bốn…
thời khoán sản có ba trăm ngàn phần ruộng
chờ họ lâu rồi giờ đã xanh um
ba mươi triệu thân nhân
đồng thanh khản tiếng
không biết vì sao họ vẫn chưa về
mười sân banh suốt từ Nam ra Bắc
cứ hàng đêm lại giần giật reo hò (6)
*
Bầy én chưa quay về. Đời sống vẫn tất tả bo bo, sắn lát. Liệu những bằng khen cấm cửa được cái đói nghèo thời bom đạn? Chiến lược kinh tế nào dành cho mấy chục triệu người từng rút ruột góp con?
mẹ hái hoa bưởi về gội tóc cho con đây ôi mái tóc xanh dài dưới tay nhăn của mẹ vòm ngực con vẫn căng tràn sức trẻ mẹ run lên khi chạm vào đôi chân ngà ngọc của con gửi lại chiến trường (7)
Ngà ngọc xưa, nếu còn, cũng đã giá bèo, theo định hướng xã hội chủ nghĩa tiến lên bia ôm, nhà chứa. Ngà ngọc xưa chôn vùi ở chiến trường. Ngà ngọc nay đang chôn vùi trong những cơn lốc đen kinh tế thị trường hoang dã.
cả làng tôi, trẻ già đang xoáy tít trong cơn lốc đấu thầu, đấu giá miếng sinh nhai đấu thầu ruộng vườn, ao chuôm, máy cày đấu giá sân kho, trâu bò hợp tác dăm gốc nhãn còi cũng đem đấu tuốt miếu với đình thì đấu khẩu thịt xôi chỉ còn bãi tha ma của làng là chưa đem đấu thôi cũng có thể hiện còn đo đạc (8)
Hai mươi năm thống nhất, cương lĩnh đấu tố bước sang đấu giá, đấu thầu. Bốn kế hoạch năm năm đã đạt vượt bực chỉ tiêu làm thui chột bao thế hệ chạy ăn từng bữa. Nghe đâu ngày trước nức tiếng ngàn năm văn vật. Những kế hoạch năm năm hiện đại đã bước đầu thắng lợi đổi mới cả năm cửa ô xưa…
vào năm cửa ô gặp năm điều quen vào đâu mất điện bật diêm thắp đèn vào ngày mất nước, xô thùng leng keng gặp hè phố bẩn rón rén đi men gặp người ăn xin thấy bóng mình hèn va đám cãi lộn trỉu lòng buồn len… vào năm cửa ô thấy năm điều cực em đẹp như tiên chữi thề văng tục em đầy mình vàng không sang trọng được người đầy trung thực thua thiệt âm thầm người mặc kệ người lừa gạt chia ăn người đi mệnh chi mà chưa quy thổ (9)
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ lãnh đạo Ba Đình tới lãnh đạo miếu đình. Tất cả là một. Chỉ đất nước là bị phân liệt từng miền cát cứ. Chỉ dân tộc là bị xói mòn bởi chênh lệch lợi quyền. Hận thù xưa dồn vào bọn đế quốc xâm lăng. Hận thù nay xoay về đám đầu lãnh vô học và vô hậu.
tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình không định được ngày mai có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt mả cha cuộc đời quá vô hậu cơm không có mà ăn ngó tới ngó lui không biết thù ai những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất (10)
Mạng người kể bỏ. Nhân phẩm làm sao cân đủ ký? Thiên hạ lên trời dễ hơn dân tôi mót tìm hột gạo. Kiếm đâu ra đôi điều tử tế thời nay?
lòng tôi không nằm trong lời nói người ta hại nhau chẳng phải nhiều lời mặc áo âm mưu là những nụ cười cái thiện lẻ loi giữa nghi ngờ, đố kỵ cuộc sống có lúc phớt lờ giá trị nguỵ biện cho điêu ngoa bằng lý lẽ thông thường ông cụ đêm qua nằm chết cóng bên đường mọi người thản nhiên đổ thừa quy luật (11)
Được ghi vào hiến pháp là quy luật bình đẳng đói và bình đẳng nghèo. Được ghi vào nghị quyết là quy luật bình đẳng thất học và bình đẳng bị trị. Mọi công dân đều được khuyến khích như nhau là sống theo hiến pháp và kiếm ăn theo nghị quyết. Còn chết chỉ là hệ quả tất yếu không đáng quan tâm.
người mẹ nuốt những giọt lệ câm khóe mắt chân chim nhức nhối xin đừng bắn những người chết lần thứ hai xin đừng bắn những người chết lần thứ ba những đôi mắt đã hiện hình khắp chốn họ đã thấy những cái ác không thể nhìn thấy (12)
Nếu không từ đỉnh cao cái ác, quy luật nào nói về đời người một lần sinh, hai ba lần tử?
kẻ giết con gà con bằng cách thắt một sợi dây chuối treo lên cành cây và sau đó không ai nhắc lại đứa bé lớn lên làm nghề đào huyệt chôn người… (10)
Chôn hàng triệu con người. Ai điếu ghi nhân danh độc lập. Lấp huyệt bằng khẩu hiệu tự do. Dựng bia bằng viễn mơ hạnh phúc. Thằng bé đã thành lãnh đạo.
kẻ giết người không đeo mặt nạ… kẻ giết người đứng đọc diễn văn kẻ giết người hô nhân dân muôn năm kẻ giết người cười kẻ giết người sửa lại cổ áo và súng máy xả vào đám đông nhân dân tôi muôn năm (10)
Sợi dây chuối buộc được cổ con gà con. Quy luật nào buộc cả dân tộc sống dở chết dở cho những niềm tự hào cuồng ngông ngu xuẩn?
đất tự hào sinh ra cây cỏ lá và hoa cùng tất cả màu xanh mưa nổi giận chẳng rơi trên đất nữa lá và hoa phải héo úa trên cành (13)
Bấy giờ, các phản ứng đề kháng của dân mới là diễn biến đáng quan tâm. Những mắt nhìn khắp chốn đã hai năm rõ mười. Các đỉnh cao trơ trọi với sợi dây chuối trên tay. Chủ nghĩa rơi tuột.
hết nhà ga, chỉ còn có con tàu… (14)
những con tàu bằng vàng chở nỗi đau nhuộm màu than đen đường ray xuyên sâu đêm tối… (15)
con đường đi tới miền chưa có đường (16)
Sợi dây chuối không dắt nổi con tàu quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nguy cơ chệch hướng đứng hàng đầu. Tổng bí thư đảng nói vậy. Kẻ từng có thời thăng hàm cửu phẩm nhờ câu thơ để đời thương Ông thương mười cũng nói vậy:
say tỉnh, tỉnh say, nào thấy hướng càng đi càng lún xuống đầm lầy!… nói những ba voi, không bát sáo tàn canh, quảng cáo cái gì đây? (1)
Còn ý kiến của nhân dân muôn năm?
đi đúng đường vẫn thấy lang thang cạn yêu thương, tận cùng dữ dội… (17)
Nhìn kỹ, hóa ra,
người thổi chai thổi cái chai qua lỗ trống người thổi chai thổi từ cái không qua cái có người thổi chai thổi từ cái không để đựng cái có người thổi chai không thổi được chất chai chỉ thổi được hình chai người thổi chai thổi mình vào cái chai (10)
Chai không đựng nước. Người thổi chai yêu mình hơn yêu nước? Khốn nạn biết bao, thằng bé treo chú gà con năm xưa. Nó mù cả lương tâm lẫn trí tuệ. Từ nhỏ.
Nên chi,
những con còng cứ mải miết không thôi lấy tan vỡ nuôi một đời dâu bể (18)
*
Thằng bé mù đã giết chết tươi con gà con. Thằng đầu lãnh mù đã giết chết tươi lẽ sống của hàng triệu người khác mà nó từng kết nạp vào đảng làm đồng chí. Họ chống quân xâm lược bằng lý tưởng của tuổi trẻ chuốt nhọn ngọn tầm vông. Lý tưởng không trật. Chỉ con đường chủ nghĩa của thằng đầu lãnh đề xướng là sai. Nay mới tỏ mắt nhìn khắp chốn.
tôi hát nỗi buồn chiếc giếng thơi người cứ đến múc từng gàu trong vắt ai biết mạch sâu lòng đất đọng bao nhiêu bão lốc thời gian… (3)
tôi đã đi trên con đường bụi bốc bàn chân khô tóe máu khát nguồn vui nặng bên lòng một câu hỏi chơi vơi gì đã mất mà lòng đầy tiếc nuối?… lúc nhận biết cuộc đời đầy tráo trở tôi có còn là tôi nữa hay không? nỗi âm thầm như lá rớt ngày đông ai xa xót? ai cợt cười hiểm độc? (19)
Lý tưởng còn nguyên. Cái mất là tuổi trẻ. Của riêng mình. Nỗi đau đớn nhân đôi là chính mình từng góp phần làm mất thêm tuổi trẻ của bao thế hệ tiếp nối. Tấm giấy chứng minh nhân dân trong tay không chứng minh được điều gì cả. Cái căn cước thật nằm trong lương tri mới quả thật là điều hệ trọng. Hệ trọng nhất là nó đang ở thời điểm cựa mình...
anh đầu tư tuổi trẻ, tình yêu cho những mùa đời, gặt hái về mái tóc hoa râm… (20)
tóc xanh thành sóng bạc má hồng thành nếp nhăn sân đình ngày ta gặp với những gì ta mong với những gì ta mất nay phủ đầy rêu phong… (21)
khi ngoảnh lại tìm mình chẳng thấy đâu bờ bến… (22)
ngẫm mình như không tên hết thảy còn dang dở… (24)
trăm năm tưởng gỗ hóa trầm nào ngờ lại đã lặng câm đứng chờ nghìn năm đi giữa mịt mờ cái gì cũng thấy ngờ ngờ lo lo… (25)
nối ngày nay với ngày xưa biết rồi lại nối với chưa biết gì… (26)
Hai mươi năm thống nhất, vẫn còn một đoạn chót chưa kết thúc chờ đợi lương tri mỗi người. Hãy tựa vai nhau, và tựa vào lý tưởng còn nguyên mà đứng dậy.
như chưa hề khổ nhục như chưa hề đắng cay (14)
Hãy làm lại từ đầu.
Không nhất thiết phải hô hào chống cộng, chống chủ nghĩa ngoại lai.
Chủ nghĩa đã chết tiệt từ lâu.
Còn lại chăng chỉ dăm ba đứa loay hoay với mẩu dây chuối đứt khúc.
Còn lại chăng chỉ những dây ký sinh độc dược trên thân cây mục.
những dây leo đã khô, những dây xanh còn mới cùng đu đưa trước gió bên nhau em bỗng giật mình ngoảnh lại con đường sau con đường đã đi qua con đường không bao giờ trở lại (27)
Hãy làm lại từ đầu. Dù đã cuối thế kỷ.
Quyết không để cái ác làm thui chột thêm con người, băng hoại thêm đất nước. Khi nhân loại hân hoan dắt tay nhau đi vào buổi hừng đông của một thiên niên kỷ mới.
trái tim mềm mại máu hồng thu vào tất cả bão giông một đời (28)
Mắt đã nhìn khắp chốn, chỉ chờ cái dũng biến điều thấy đúng thành hành động triệt tiêu cái sai. Ôn hòa mà quyết liệt. Phải chấm dứt cái ác. Phải chấm dứt chế độ nhân danh cái sai từng tàn phá đất nước.
*
Lư đồng dầy bụi phủ
lâu rồi chuông không ngân run run lần gia phả
thương những dòng mối xông hương rởm châm lại tắt
mạng nhện chăng từ đường khói cay mờ mịt mắt
mùn cưa thay trầm hương… qua vô vàn phiêu bạt
giờ bạc tóc tìm về xin tổ tiên tha thứ
những lạc lầm u mê (29)
Mẹ Việt Nam vẫn hằng dang tay đón đợi. Khi mọi quyết định đều đặt cơ sở trên ý thức dân tộc, đàn chim Việt đã quày quả trở về. Những mối dây liên kết ngày càng dày càng rộng. Giữa những người từng có chung một đoạn quá khứ. Giữa những người từng bị chủ nghĩa đùa cợt và lịch sử trớ trêu phân ranh quá khứ. Giữa cả những người từng bị chế độ của cái cực ác chia cắt trong-ngoài suốt hai mươi năm qua.
lìa sóng để thấy nước sóng, nước một trùng khơi (30)
Đàn én đã có cơ hội tung cánh gọi mùa xuân
mọi thứ đều sẽ qua đi chỉ còn lại cái gì sẽ đến (31)
Cái còn lại là một niềm vui thật, cho cả nước.
khi gió mùa xuân xanh cành tươi lộc… (4)
trời xanh trên mái nhà trời xanh ngoài biển gió anh ạ, quê chúng mình mùa xuân về trước ngõ (16)
Xuân chẳng lỗi thề. Hãy dang tay đón nhau để cùng dựng mùa Xuân dân tộc. Tháng 1-1996 Chú-thích; (1) Tố Hữu; (2) Nguyễn Văn Bổng; (3) Khánh Hữu; (4) Quang Dũng; (5) Nguyễn Lương Vị; (6) Hoàng Đình Quang; (7) Trầm Hương; (8) Cao Xuân Sơn; (9) Nguyễn Thụy Kha; (10) Trần Vàng Sao; (11) Bùi Thanh Tuấn; (12) Nguyễn Lương Vị; (13) Trần Đình Thọ; (14) Lưu Quang Vũ; (15) Thanh Hà; (16) Xuân Quỳnh; (17) Lê Thị Thanh Tâm; (18) Nguyễn Tấn Sĩ; (19) Kim Ba; (20) Trần Hữu Dũng; (21) Hoàng Phong; (22) Nguyễn Đăng Trình; (24) Chu Thăng; (25) Đồng Đức Bốn; (26) Đỗ Huy Chí; (27) Lê Hoàng Anh; (28) Lê Trung Nguyệt; (29) Hải Từ; (30) Phạm Thiên Thư dịch kinh Kim Cang; (31) Vũ Đình Phong dịch thơ Acbuđốp.
Comments