1996.04 – Sông Núi Trở Mình
- LVMỹ-K24
- Feb 11, 2022
- 16 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Sau rốt rồi dường như mọi thứ hiện dần ra. Nói bằng từ thời thượng: Thế là rõ!
30 tháng Tư. Đầy túi hay trắng tay? Vinh quang hay căm thù? Chiến thắng hay đồi bại? Thống nhất hay phân ly? Hòa bình hay chiến tranh nối tiếp?… Mỗi mắt một góc nhìn. Đan chéo nhau những mục tiêu viễn mơ với cái đói trước mặt. Xen kẽ nhau những dày xéo chính chuyên với câm nín đọa đày. Rối bời nhau những vàng thoi rượu ngoại với máu xương nước mắt.
Giờ đây hắc bạch phân minh. Thế là rõ, cái dấu ấn biện biệt của thời gian. Thế là rõ, cái góc nhìn xoáy buốt của sự thật.
Sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim (1)
Ngày “hòa bình” đầu tiên, người bộ đội trở lại mái nhà xưa thăm mẹ. Bàng hoàng. Thảng thốt. Về khoảng cách giữa chiến thắng của đảng và của mẹ. Về hàng triệu bà mẹ khác không có được may mắn như mẹ anh, cái “may mắn” mất cả chỉ còn con…
Buổi sớm Nắng xiên nghiêng Anh nằm ngửa Mái nhà có con mắt nhìn anh Người lính Lần đầu tiên giật mình… Chiến thắng của mẹ là anh Niềm vui của mẹ là anh Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh (2)
Mà trong “hòa bình”. Dù chỉ tạm thời. Ngay giữa nhà mình, vách rơm mái rạ. Ngay trước nỗi cô đơn mênh mông và niềm lo lắng triền miên của mẹ, của hàng triệu bà mẹ. Ngay trước điềm bất xứng làm người của chính mình, và của hàng chục triệu người từng sinh chung bọc.
Những sợi nắng xuyên qua nhà mình Thành những mũi tên Thành những viên đạn Bắn tiếp vào anh không gì che chắn Phải nhận tất cả Van anh… Hôm qua chưa nhận một viên đạn Hôm nay nhận những lỗ thủng Anh về quê không mang súng Vũ khí lúc này hai bàn tay (2)
Có thật không, chúng ta mất hết chỉ còn tay? Hai bàn tay không. Nào ai chiến đấu cho sự chọn lựa thống nhất cùng nhau trở về sống đời tiền sử? Hai bàn tay trắng.
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là gì? Nhang khói!
Ba mươi tháng Tư. Ngày “hòa bình đầu tiên”. Sao lại là lúc lắm người nhẩm đếm: Bao triệu người nằm xuống vì đạn thật? Bao triệu người còn lại đang hứng thủng ngực những viên đạn kinh điển, giáo điều?
Chỉ còn một cách, phải nấu chảy sự thật và đúc sự thật thành ngôn từ (1)
*
Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót Một buổi sáng không thực Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi Cả thành phố cùng tôi im lặng Tất cả những con người chỉ thấy mắt đen lay láy Cả tiếng xe không thành tiếng Tại sao? Tại sao? Không ai nhìn miệng tôi gào thét không ra tiếng Trong kinh hoàng tôi chạy trên đất Một mình Giữa thành phố mọi người im lặng Tại sao? Tại sao? Không tiếng nói Không tiếng động Không sự sống Tại sao thành phố sa mạc Không nghe tiếng gió thổi Những hình người như bị đẩy Qua nhanh Hình như nơi đây Bị đày trong im lặng (3)
Mưa bom thời chiến chưa từng đè bẹp đời sống bằng những bộ kinh Toàn Tập thời bình. Ngột ngạt bóng cờ. U uất Tiến Quân Ca. Người sống như chết, thống nhất hai miền. Từ 30 tháng Tư, Hà Nội qua đời không cáo phó, không ai điếu, không tang chay. Độc chỉ có mùa Thu khóc tiễn thành phố im lìm ma ám. Thêm khổ nhân dân.
Có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt… (3)
Giấy báo tử lại bay đầy mái rạ, ở hai cuộc chiến tiếp nối. Đến mẹ Âu Cơ cũng chẳng thể ngờ vào cuối thế kỷ 20, đàn con của mẹ phải gánh lấy nhiệm vụ bành trướng quốc tế, chận đứng nạn “diệt chủng” lân bang, và đối đầu với đám bá quyền phương Bắc. Sao vậy? Sao lại
Đất này mọc lên từ nước mắt (3)
Oái oăm dường nào,
Đất nước gì mà tuổi thôi nôi đã phải nhảy lên mình ngựa thép đi đánh giặc Đang cưỡi trâu, chơi cờ lau cũng phải bỏ chơi mà đánh giặc Chiếc gối lông nga cũng có âm mưu giặc trộn vào Yêu mà bị chém rơi đầu vì Mỵ Châu hóa giặc! Cho đến cùng phải hóa Sơn Tinh, Thủy Tinh Đánh giặc cùng nhau huy động núi non, lũ lụt vào vòng chiến tình yêu Mà cướp một cô nàng (4)
Thương dân nào biết: Hỡi nàng, nàng là ai? Là lẽ phải? Là ước mơ? Là lòng tham? Hay chỉ là để thực nghiệm chủ nghĩa? Mấy kẻ hô hào đã thực sự hiểu chủ nghĩa ấy ra sao, nào ai biết? Bao lâu rồi dân tôi chết vì bội thực khẩu hiệu? Và dở sống dở chết với mớ huân chương đỏ lòm sau đó?
Mậu Thân 2.000 người sống xuống đồng bằng Chỉ một đêm, còn sống có 30 Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó? Tôi! Tôi – người viết những câu thơ cổ võ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau mười năm Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ, Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ! Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi! Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời, Tôi ú ớ. Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong Mà tôi xấu hổ Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười (4)
Rõ ràng sự thật. Làm sao phân biệt chông thời chiến với tháp liệt sĩ thời bình? Nhưng, người thơ đang viết sự thật đó giùm ai? Lãnh đạo đảng, không ai khác! Chính lãnh đạo đảng đã làm cho
đất nước này mọc lên từ nước mắt. Người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh Xác anh em và xác con mình Anh xếp trên giường nhà anh như họ còn nằm ngủ Vợ, dâu anh thì sợ Nhưng anh vẫn làm nhiệm vụ Việc ấy không để lại hào quang trên tay Ánh sáng gì trong mắt Hay huân chương trên tường Có khi bản thân anh cũng muốn quên giữa cuộc đời chật vật Còn ta à! Thì vì bận dạ hội, liên hoan, Tình ca, hội thảo… Bao nhiêu điều láo nháo chúng ta quên Quên rằng giờ chiến thắng mười năm Anh ta vẫn khổ Con vào trường không có chỗ Đến bệnh viện không tiền Ra đường không ai nhớ Về làng người ta quên (4)
Nhiệm vụ chia đôi. Lãnh đạo, nhân danh ước mơ đại đồng quốc tế, vùi nông thanh niên rường cột nước nhà. Nông dân, nhân danh huyết thống trăm trứng một bọc, bốc mộ con em. Quyền lợi cũng chia đôi.
Dân rửa xương. Đảng rửa miệng.
Cùng chan hòa một màu thống nhất. Công bằng chưa?
Quá nhiều bất công Tội ác trùng trùng… Đỏ màu cuồng tín, đỏ qua luân hồi Đỏ cồn cào xói móc Những gì sâu thẳm nhất Đỏ loét, đỏ lòm, đỏ hòn, đỏ hỏn…. Hỏi đời có xám không, ngó về Đêm Đen, anh đáp Đời Hồng (4)
Hồng Hà ngập ngụa rác Volga. Tổ quốc rùng mình. Lắm tượng đồng tượng đá trôi dạt về tận Ba Đình: Độc Lập.
Sống chết tùy nghi đảo ngược: Tự Do.
có con người sống mà như qua đời có câu trả lời biến thành câu hỏi có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới… (5)
Không chỉ sống chết. Cả những niềm tin nhập khẩu miễn thuế. Xét theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện đại, Lê Chiêu Thống lẫn Nguyễn Ánh đều xứng đáng được UNESCO vinh danh. Có thể tự gắn lấy huân chương những cha già dân tộc đầu tiên. Hạnh Phúc? Nhân dân không phải lo. Hạnh phúc sẽ đến sau chiến tranh, sau chiến tranh kế tiếp, và kế tiếp nữa. Hạnh phúc sẽ đến với người không cài lông nga giặc trên áo.
Còn cái lông nga ấy bây giờ ở đâu? Ai biết?!! Có lẽ nó bay trên đầu những người oan khuất (4)
Lơ lửng. Dật dờ. Như hỏa châu trên nắp hầm năm xưa. Như mớ nghị quyết xóc lọ và những bản án tiền chế hôm nay trên đầu mẹ.
Mẹ đâu ngờ Sau lưng mình là máu đẫm trồi lên chiếc ghế Có thằng con thoát chết vụ khui hầm Trở về ngồi chễm chệ Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao Nói năng đứng ngồi quan trọng Thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào Cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao Cao Cao Cao… Đến tận chỗ không còn nghe tiếng cuộc đời oan trái Không còn thấy trên con đường gập gềnh của Tổ Quốc đau thương Có người mẹ tóc bạc chân trần oằn lưng dưới chồng đơn khiếu nại Nặng hơn dãy Trường Sơn (6)
Mẹ khản hơi con ong cái kiến. Gấp triệu lần thời phong kiến. Gấp triệu lần thời thực dân. Đâu rồi niềm hãnh diện con Rồng cháu Tiên?
Đâu rồi những ngợi ca bốn ngàn năm văn hiến? Sao bỗng chốc tất cả đều bị dìm bên dưới những kiện hàng búa liềm ngoại nhập?
Thế hệ tôi đã có bao người ngã xuống vì thù hận, niềm tin kẻ sống sót, quá nhiều nửa điên nửa tỉnh (7)
Nửa đầu vào Bắc Bộ Phủ. Nửa sau trôi dạt bốn phương. Ai sống, ai sót? Ai cả tin vào những dự báo hồng thủy? Ai thù nhau rồi thù cả chính mình? Ai?
Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng Yêu bà tiên hay đám mây trên lầu Hoàng Hạc Giờ là thế giới của xe cúp, ti vi, phim màu ngũ sắc Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát Vị trí của nhà thơ như rác đổ thùng! Chả ai nhớ bà mẹ cắm chông bạc tóc Nhớ một cô gái chèo đò vượt lửa qua sông (4)
Ngọn chông xưa giờ đâm ngược vào tim mẹ đơn côi. Đâm ngược vào mắt anh nằm ngửa nhìn lên mái nhà. Xuyên. Xói.
Cả anh cũng vậy, anh không muốn nhớ nhớ là hành trình đau khổ đến quên (8)
Nhưng vẫn phải nhắc. Bởi đó là sự thật lớn hơn cả trái tim. Không chỉ 30 tháng Tư. Mà mỗi ngày, từng ngày. Như tiếng đêm thì thầm nhắc sông nhắc núi trở mình.
Để bứng bật những con chó đá già cỗi ra khỏi nhiệm vụ tự phong gọi là sứ mệnh canh giữ cửa miếu. Vẫn phải nhắc.
Đầu non trắng xóa phải là xương? Mặt cỏ xanh rờn ai đếm mộ? Hỡi ôi! Không nén hương tàn, Không manh chiếu bó. Chiến trường xông xáo, đã đành khi máu rụng xương rơi; Ngục thất ê chề, riêng thảm nỗi đầu bêu xác bỏ. Xót lúc trăm thây vùi dập, xá gì kẻ dọc người ngang; Xót khi mấy xác buông trôi, phó mặc bèo xô sóng gõ. Xót buổi nằm khô ngục tối, nắm xương tàn thảm thiết đêm mưa; Xót phen chết rũ quê người, manh ván mỏng hững hờ hàng phố. Vợ con đâu tá, buổi rã rời, bãi vắng thây ma? Hồn phách về đâu, lúc não nuột, rừng khuya tiếng cú (9)
Đây máu xương. Đây khổ nhục.
Đâu bóng hình hứa hẹn từ mùa Thu năm xưa? Làm sao đốt được cho hàng triệu anh linh nắm vàng mã thế giới đại đồng, xã hội ấm no, đất nước giàu đẹp, người người làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu? May cho Lê Chiêu Thống chưa từng cao hứng tung khẩu hiệu dân chủ gấp triệu lần tư bản. Hãy tưởng tượng Hòn Ngọc Viễn Đông có thời mang tên LeChieuThongCity, cho có vẻ ngang hàng với một thành phố tưởng tượng khác là TanThuyHoangGrad, hay chí ít cũng chứng tỏ phần nào ta có ao ta. Chết cười. Mà không cười nổi. Sử xưa viết trên tre xanh. Sự thật nay khắc mọi chỗ.
Trên những mảng vỏ cây sần sùi tróc lở, những cành khô, Trên những chiếc lá úa vàng sắp rụng, trên những lá khô chất chồng chờ mục rã, Trên mặt nhựa đường nóng bỏng dẹp xác chuột, chó mèo, ngàn vết xe qua lại Trên song sắt nhà tù, trong hầm biệt giam, Trên ngực tử tù sắp hứng đạn, Trên manh áo rách trẻ bụi đời, trong chén, gô trống rỗng trẻ thơ đứng chờ chực góc đường, hàng quán, trên bàn tiệc đầy thức ăn thừa mứa, trên những áo quần sang trọng, trên những gương mặt béo tròn, căng bóng, trên sự nhẫn tâm, Tôi viết tên tôi. Tôi viết tên tôi trên mặt nước hôi thối đen đặc những dòng kênh bao quanh thành phố, trên lớp khói bụi che mờ những phổi hồng, Trên những con đường mấp mô tăm tối, những chòi lá rách bươm nơi trú ngụ mẹ già em bé, Trên trang vở thiếu ánh đèn của trẻ con học vần, trên môi khô khát sữa, trên ngực trần nhầu nát bao cô gái bán thân, Trên mắt khép bu đầy ruồi nhặng của trẻ thơ chết đói, trên da thâm người nghiện ma túy, trên thân thể lở lói của nạn nhân sida, trên vết thương mưng mủ người cùi nằm kêu rên ở ngả tư đường, trên ánh mắt vô hồn của những kẻ tâm thần đi lang thang,… Tôi viết tên tôi…. (10)
Tôi nào ở đây?
tất cả là địch tất cả là thù tất cả đều phản tất cả đều chống nhân dân chỉ có ta ta ta ta tất cả chỉ là ta là ta muôn năm muôn năm được quyền xưng tôi (11)
Tôi viết tên tôi… Thế là rõ. Tôi đầu là dân. Tôi sau là đảng. Nên chi, mọi dấu hỏi dược dựng dậy đồng loạt. Từ “Nhân Văn – Giai Phẩm“. Sang “Cải Cách Ruộng Đất“. Qua “Chống Đảng – Xét Lại“. Tới “Học Tập Cải Tạo“. Đến “Cải Tạo Công Thương Nghiệp Miền Nam“. Cho chí “Cuộc Chiến Diệt Chủng” Kampuchia và “Cuộc Chiến Môi Hở Răng Lạnh” với kẻ thù phương Bắc.
Những dấu hỏi. Những quan tòa lương tâm xếp hàng trên giấy kẻ dòng, nghiêm chỉnh.
Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn? Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo? Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở? Tôi có quyền gì lên xe xuống ngựa? Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?… Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực! Tôi có quyền gì? Tôi có quyền gì? Tôi có quyền gì? (1)
Thực tế bật dậy trả lời. Xe cúp, ti vi, phim màu ngũ sắc, dạ hội, liên hoan, tình ca, hội thảo, tuổi tên,… đồng loạt bật dậy.
Cực kỳ trâng tráo. Cực kỳ rốt ráo.
Anh ôm của cải trần gian Bước quanh co mãi con đàng điêu linh Một hôm anh bỗng giật mình Thấy nhân tính với nhân tình tiêu tan (12)
Hóa ra mộng tràn của cải. Duy Vật là đây? Núp bóng chủ nghĩa là đây? Hư thật đã tường. Bước nhảy vọt một tiến hai lùi còn quanh co bảo nhau e chệch hướng. Duy ý chí lột da mặt thành duy lợi lộc, ghi thêm bước đầu thắng lợi vẻ vang. Nhưng, nửa thế kỷ dài, con đường điêu linh càng ngày càng xuống cấp. Tiếng lá rụng đâu đây lại gây hoảng hốt. Thất kinh. Trong tay quỷ, kẻ sống sót hoàn toàn thui chột tính tình người.
tất cả là kẻ thù tất cả đều đói tất cả đều thèm ăn tất cả không có máu tất cả không có cơm tất cả bị đàn áp tất cả đều ở tù… còn lại là tau những thằng tau những thằng tau những thằng tau bí danh muôn năm muôn muôn năm (11)
Đừng hỏi thêm quyền gì, quyền gì? Câu trả lời không chút nào phức tạp, nếu anh chịu khó nằm ngửa nhìn lên mái rạ: Quyền sử dụng bạo lực, bảo vệ lòng tham và sự ngu dốt. Vắn tắt là quyền lực. Văn vẻ làm duyên là chuyên chính vô sản, dân chủ tập trung.
Để thiết lập một xã hội bình đẳng toàn bích: Nghèo như nhau. Ngu như nhau. Và như những thằng tau thời tiền chiến.
Ôi còn nỗi thống khổ nào hơn Tình cờ tôi chợt hiểu Một tháng có nhiều đêm trăng Và thời buổi ngày nay Vào hoàng cung là chuyện quá dễ dàng Cả con bò con dê cũng đi trên trung lộ (1)
Lãnh đạo Phi-đen kính yêu của Cuba đời đời hữu nghị tuyên bố xanh dờn: Thà ăn cỏ!. Cả bò cả dê ở xứ này đâu khác. Nếu không, chắc chi đã lập nổi kỳ công kỷ lục cho thế giới chiêm ngưỡng, cho nhân loại quay mặt:
Để nuôi sống xác thân, đem làm thịt linh hồn… Biến chén rượu hạt mít và cái ao nhà ra biển Dựng cặp đùi lên làm khải hoàn môn Giết hết hoa sen để vạn tuế buồn (4)
Ô nhục thay, đại thắng mùa xuân.
*
Đũa thời gian gõ tiếp. Sự thật hiển hiện như chưa từng. Sóng dân quyền xóa đi màu đỏ trên mặt địa cầu. Thế giới vẽ lại bản đồ, tô xanh màu mạ.
Chiếc nôi lật ngược Tiếng khóc rơi xuống Tã lót rách bươm Lời mẹ ru không khâu vá nổi… Con bồ câu mổ nát cánh cửa mặt trời… Thời gian đã thối trên tay… Nỗi buồn rực đỏ… Mùa thu sóng sượt ngã vai mình (13)
Đó đây chỉ còn nỗi buồn chưa buông màu đảng. Tháng Mười tự tử. Tượng đồng tượng đá tung vãi. Tháng Tám để lại di chúc không cạo sửa cho cả bò lẫn dê vẫn tự đinh ninh là voi:
Chỉ cặp ngà và cái đuôi không đủ là voi đâu voi ạ! (4)
Lũ chó đá già cỗi bỗng dưng biến thành đà điểu, dấu đầu dưới cát. Những chiếc trán bóng, những hàm răng hô mất đi cơ hội nhô khỏi mặt kính truyền hình. Tiếng kèn xếp xó kinh tế thị trường. 30 tháng Tư hết rình rang rậm đám.
bây giờ những vở kịch hùng hồn đã hạ màn trơ cái nhà hát mênh mang đầy rác rưởi những người xem ké tranh thủ từng khe hở vô vọng (8)
Mấy viện nghiên cứu được các đỉnh cao hò hét đi tìm khe lách. Xác ướp bôi sáp trong lồng kính được dựng dây để lục tìm “tư tưởng”. Lại ê a “cần kiệm liêm chính“, mười năm trồng chuối trăm năm trồng xoài…. xuất khẩu. Lãnh đạo liên tục đập bàn. Tắc tị. Đại hội giữa nhiệm kỳ làm vỡ toang vết thương phân hóa thượng tầng trung ương đảng. Nước bọt khuấy mãi chẳng nên Hồ. Không hiểu nỗi vì sao có người gọi đó buổi bình minh, khi bức tường Bá Linh vừa sập.
tất cả bình minh đều hứa hẹn chỉ trừ bình minh ấy cái bình minh phản thùng cái bình minh phản chủ, ác ôn (4)
Nào có khác gì những lời bình ở các quán cóc bên đường hôm nay, về cái buổi rạng đông tháng Tám mặt trời hồng. Rồi cười vang lên mặt quá khứ. Cười văng bác đảng. Làm tỉnh táo hiện tại không ngờ.
Cười mình vung lưới rộng Thu về con tép con… Tôi chôn hàng trăm hài hoa vào trang thơ Bới lên chỉ được xương gà! (4)
Cảm động dường nào những cô Tấm thời đại. Đời sống và lẽ sống, đâu phải trò đùa. Cái oan nghiệt không chỉ nằm ở lòng tham chó đá. Nó còn núp sau cánh cửa thời gian. Dẫu gì đi nữa, muộn còn hơn không.
Bụt thời gian lại búng tay.
Trên cánh đồng của chính mình Tôi gieo vãi, bón chăm và thu lượm những hạt giống nhiệm mầu cất kỹ Ngỡ mùa sau thành cây trái vàng mơ Nhưng ngoảnh lại – giật mình hoang vắng – Bởi tôi đã gieo tôi cằn kiệt – không ngờ (14)
Đất nước cũng cằn kiệt như con người, trong tay đảng non nghề lại chiếm độc quyền buôn bán. May đất nước vẫn còn khối người giữ được lương tri và lẽ sống xanh tươi. Để nhận ra dung nhan sự thật.
Câu đầu tiên cũng là câu cuối cùng Tôi đã bị dối lừa… Tôi khóc niềm tin yêu tan nát (1)
Sự thật không để họ cô đơn. Sự thật soi rọi từng ba cây chụm một. Trung tầng và hạ tầng đảng bắt đầu bung những vết rạn mới. Lãnh đạo cho soạn dự thảo điều lệ sinh hoạt đảng, hạ thấp tiêu chuẩn gia nhập, như các đại học tổng hợp hạ thấp tiêu chuẩn ghi danh mùa khai trường. Dù vậy, tỷ lệ phấn đấu ra khỏi đảng vẫn cao. Khai trừ trở thành phần thưởng. Sự thật soi rọi tiếp:
Và ta – Cũng như mưa Xóa đi chính mình – Từng vết – Từng mảng Cho đến khi – Chỉ còn – một giọt (14)
Ở từng cá nhân. Từng chi bộ. Từng cơ quan. Sinh hoạt đảng chỉ còn là hình thức, có người nhắc nhỏ lãnh đạo như vậy. Vẫn không sao chận nổi đà gia tốc rã rời. Từng vết, từng mảng vẫn rơi tuột. Lột xác. Giọt còn lại sau cùng trong vắt tình người. Long lanh sám hối.
Để lại một câu thơ, một lời tạ tội Để lại những lời “Nhớ lấy!” hoặc “Quên đi!” (4)
Bàng bạc trong những góp ý, kiến nghị, thư ngỏ gửi Ban chấp hành Trung ương đảng… Cô đọng trong những
Quan Điểm và Cuộc Sống, Nói Thẳng với Đảng Cộng Sản, Từ Chủ Nghĩa Yêu Nước Đến Chủ Nghĩa Xã Hội, Bàn Về Sự Lãnh Đạo của Đảng, Đêm Chong Đèn Ngồi Nghĩ, Viết Cho Mẹ và Quốc Hội, Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ, Đôi Điều Suy Nghĩ của Một Công Dân, Chia Tay Ý Thức Hệ….
Không phải ít. Không phải dễ dàng gì.
Tôi đã trải qua nỗi kinh hoàng của người tù vượt ngục Khi bẻ cong song sắt nhà tù Mà tôi phải cưa kiên nhẫn suốt một mùa Thu Lao vào bóng đêm ngàn cân treo sợi tóc… (1)
Phải cực kỳ dũng cảm. Giữa mớ óc bùn thiếu phân bón urê, và những còng số tám còn loáng xanh màu thép công nghiệp nặng Thái Nguyên, đó là sự chọn lựa cực kỳ dũng cảm.
Cũng không phải chỉ độc một “Tôi” nhìn về thiên niên kỷ mới. Nguyễn Hộ, Nguyễn Thanh Giang, Lữ Phương, Nguyễn Kiến Giang, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Văn Trấn, Hà Sĩ Phu, Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, La Văn Lâm, Nguyễn Khắc Viện, Tiêu Dao Bảo Cự, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lê Xuân Tá, Nguyễn Trung Thành, Lê Hồng Hà, Trần Độ, Lê Giản, Ngô Thức….
Từng người, từng nhóm, ghi danh tham dự Vận Hội Mới.
Tôi viết tên tôi trong lòng những cơn bão-lửa-sắt-thép, trong phổi nám, những sông ngầm, dung nham sôi sục, sóng thầm cuồng nộ… Tôi viết tên tôi trên những nụ mầm xanh mỡn trên cành lá thanh niên, một đại dương và những dòng sông xanh ngát, trên hoa nụ, trên mắt rạng trẻ thơ, những đồng lúa ngậm sữa thơm tho, trong ánh trăng rằm, trong niềm hy vọng mới… Và… tôi viết tên tôi trên cánh diều no gió mang lên cao mộng ước tuổi thơ, cánh diều mong manh dây tơ căng thẳng luôn mong chờ những cơn gió lớn (10)
Sự thật đưa mọi người đến gần nhau hơn. Những tiểu dị tự hủy. Mẫu số chung nở rộng tính dân chủ đa nguyên. Đã rõ nét những kết họp nhóm, kết hợp miền, kết hợp trong-ngoài. Cả điều chưa từng là những kết hợp không phân biệt quá khứ trớ trêu một thời gọi nhau bên này hay bên kia. Chữ “ngụy” mất đi tính dè bỉu. Ý niệm chống cộng cũng không còn mông lung mơ hồ chung chung như trước. Lằn ranh dân tộc xiết chặt thiểu số lãnh đạo Hà Nội chủ trương độc tài độc đảng.
Mùa Xuân không trôi tuột Nhờ một sắc mai cười Những tấm lòng đơn lẻ Hoa đến buộc thành đôi (4)
Cứ thế buộc tiếp, nhân đôi. Buộc thêm trong-ngoài cho chặt một khối. Cho tan quan niệm hỗ trợ. Cho cứng ý chí cam đảm đứng lên bên nhau, với nhau.
Nhưng không phải cho nhau. Mà cho dân tộc.
Anh còn một đêm, anh còn một sáng Anh còn một tháng, anh còn một năm Đừng sợ mất gỗ đi, nếu anh có ý niệm trầm (4)
*
Một lần rồi thôi. Rồi quên.
Hãy tựa vai nhau, góp gió thành bão, giúp sông núi trở mình. Tháng 4-1996. Chú thích: (1) Phùng Quán; (2) Phùng Khắc Bắc; (3) Văn Cao; (4) Chế Lan Viên; (5) Nguyễn Trọng Tạo; (6) Bùi Minh Quốc; (7) Lê Bi; (8) Thanh Thảo; (9) Vũ Khêu; (10) Dung Nham; (11) Trần Vàng Sao; (12) Nguyễn Bắc Sơn; (13) Văn Cầm Hải; (14) Lâm Thị Mỹ Dạ.
Comments