1997.01 – Sông Đang Mùa Sóng Động
- LVMỹ-K24
- Feb 11, 2022
- 22 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Nhắm mắt lại mở mắt ra mới đó mà hết một ngày mới đó năm hai ngàn đã tới (1)
Thiên kỷ mới rộn ràng vẫy gọi. Khốn nỗi, ta vẫn chưa nhích được mình ra khỏi bảng xếp hạng các nước đói nghèo lạc hậu. Thảm đến dường nào, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, những con chim lạc nối đuôi nhau trên mặt trống đồng cứ lếch thếch rơi rớt sau lưng nhân loại. Có hay đâu, thiên kỷ mới vẫn ung dung rộn ràng vẫy gọi. Và mùa lại mùa, như những tay đòi nợ chuyên nghiệp, vẫn cong cớn nhơn nhơn vác mặt trở về.
Thương cây đào ốm Xuân về chẳng nụ hoa Lá gầy run gió lạnh Cây cũng có thời vận ư? (2)
Ôi, nào khác gì nhau, cỏ cây, sỏi đá, phận người, dưới nghẹt thở gông cùm, trong đọa đày xiềng xích, từ thời có kẻ lông bông nhảy tàu thủy, ra nước ngoài cầu âu tìm việc, hí hửng mang về ách chủ nghĩa điên rồ, vận vào cổ vào lưng dân tộc.
Từ bấy,
Thánh thần ơi! Phải đâu nhật thực triền miên Ngày tối hơn đêm… (2)
Ngày hải hùng. Ngày ác mộng. Ngày kín bưng giáo điều. Ngày đặc sệt khẩu hiệu. Ngày ngửa tay không đếm nổi nhân tính, nhân tình. Ôi, ngày triền miên khổ ải.
Ngày bỏ bớt, đêm bù thêm Thêm thêm bớt bớt đáp đêm đền ngày Bốn mùa lần lượt cho hay Rằng xuân chớm đến chầy chầy chợt đi. (3)
Cho chóng kịp Thu, tháng Tám tháng Mười, mùa trống chiêng cách mạng, mùa chuyên chính vô sản, mùa vinh danh bạo lực. Còn các mùa khác? Đã lìa ý ngó, chẳng màng vương tơ. Mùa, khoanh tròn trong những cơn gió xoáy bào đáy vực. Mùa, sâu thẳm những giọt lệ khốn cùng mênh mang như biển. Mùa giam cầm, xâu chuỗi những đêm đời.
Đêm trằn trọc Xé đôi giấc ngủ Nửa giấc tù ngồi Nửa giấc trăng. (2)
Trăng xa xỉ. Mùa xa xỉ. Cả mai lẫn đào đều xa xỉ tất, trong mắt tù. Mùa không bằng Vụ. Vụ nối liền 70 triệu dạ dày. Từ Đông-Xuân qua tới Hè-Thu. Vụ gắn chặt vào những định hướng. Từ kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường. Các định hướng lại khác, muôn thuở gắn liền lãnh đạo với tài nguyên đất nước.
Nhờ định hướng, gạo xuất cảng nay đã leo đứng hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Thái. Và đứng hàng thứ nhì trong nước, sau dầu thô Bạch Hổ, Đại Hùng. Trớ trêu thay! Mấy ai thấy định hướng nào điều tiết vĩ mô ghép giống Lúa Tứ Quý trổ hạt quanh năm cho dân tôi lưng dạ? Có nghị quyết nào viết trên bánh tráng bánh phồng trợ giúp dân tôi hạch toán cái đói nối liền đêm này sang đêm khác, từ thời chiến qua thời bình?
Làm sao có thể hạch toán được sự mất ngủ ca ba, nỗi lo con ốm, ngày mai nhà hết gạo? Trong hơi ấm lửa than có nỗi lạnh sâu xa của mỗi cuộc đời… (4)
Đêm cơ hàn vẫn chập chùng trên từng mẩu đời mỏng tanh, bẹp dí. Đêm xanh xao. Đêm thoi thóp. Bên ngoài với bên trong, lửa than và nỗi lạnh cần đổi chỗ cho nhau.
Đêm chong đèn ngồi nghĩ (5).
Và nghiệm ra, nhiều thứ khác ngoài đời cũng cần khẩn trương đổi chỗ.
Đêm chợt nghe Trong gối vọng tiếng ru Lắng tai mới rõ Tiếng tóc mình chuyển bạc. (2)
Đêm vực thẳm chông chênh. Đêm chong mắt rối nùi. Đất nước trong mắt ai lập lòe theo gió. Như đom đóm dọc Trường Sơn năm xưa. Như ánh nhang tàn lụi hôm nay trên khắp bãi bờ sông núi, trong mọi chiều sâu khuất lòng người cả hai miền thống khổ điêu linh.
Nén hương này làm run tay người mẹ Nén hương kia làm ứa lệ người cha Sợi khói xanh quặn vào lòng người vợ Bao nhiêu nén hương đã thắp khắp rừng già? (6)
Đêm nối đêm, vỡ nát. Đời nối đời, tang thương. Ở nước tôi, thời gian đã dừng lại từ lâu (7).
Từ giữa đêm quỷ dữ tháng Tám xô về. Cũng từ bấy, 1945, ở nước tôi chỉ còn lại độc nhất đêm tháng Tám diễu hành dậm chân tại chỗ. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác.
Trở giấc xem đêm Thiên hà ngọc vụn Gió thổi một mình Mặt đất tròng trành Ma hoa nhảy múa. (2)
Không gì khác. Không gì hơn. Không có gì quỷ hơn. Cũng không có gì quý hơn….
đổi đời, đêm rụng, đầu rơi
loa đòi nợ máu giục người trả nhanh (8)
*
Lịch sử dựng nước của ta đã từng kể đến một khung thành Cổ Loa ngày xây đêm sập. Xây và Xóa là hai quy luật đan chéo.
Kỹ thuật làm đổ tường từ xưa vẫn là: tưới mềm móng, gỡ bớt gạch, đục mỏng vôi.
Huống chi, cát không thể là nền cho mọi thứ lâu đài. Nợ máu càng không thể là móng cho mọi thứ thể chế chính trị. Nhân loại chưa từng có kẻ bịp đời nào muôn năm trường trị, thống súy giang hồ. Cũng chưa từng có chân lý nào là của riêng ai. Nên chi, sau cơn bão, rồi thì mọi thứ cũng lộ ra. Đầu tiên là thực tế.
Vua ngồi nửa ngai vàng Dân ăn cơm nửa bát… (9)
Theo sau đó, mọi thứ khác cũng lộ ra tuốt tuột. Cả chủ nghĩa. Cả lãnh đạo. Cả thi sĩ. Cả những kẻ khốn khổ khốn nạn suốt đời đinh ninh mặt trời mọc nhờ gà gáy.
Tội nghiệp nhà thơ Hợm mình Lầm lạc Bởi không biết sống – Nên không biết chết Nửa thế kỷ Bị lưu đày – Trong cõi tung hô. (2)
Từ lâu đã có người quyên sinh bằng hoa. Và cũng lắm kẻ bị giết bằng hoa.
Chỉ lần này mới có những nhà thơ vừa chết bằng hoa Vạn Thọ, giữa muôn lời chúc tụng vạn tuế ghi công phóng tay trù dập trăm loài hoa khác. Âu cũng là sinh nghề tử nghiệp. Nào biết lời thơ đâu thể kiêm luôn chức năng thần chú trù ếm chúng sinh.
Từ lý tưởng cho đến khi thành xảo ngữ Chính trị mà phô trương ở đỉnh cao thì làm sao thấy được xác người… (6)
Huống hồ, bức tường giai cấp nối dài từ giữa lòng Bá Linh mãi tận trời Âu. Chỉ đến khi nó đổ, đẹp như mơ và êm như thơ, những thợ sắp chữ “phải đạo” ở nước ta, từng minh họa tô hồng cho đấu tranh giai cấp, mới thấy dưới chân trắng xương ngập máu. Bấy chừ,
Chẳng lý thuyết nào có thể phân minh Trung ương đảng đang run rẩy hay bức tượng Lênin đang run rẩy (6)
Tổng bí thư Mười Cúc cũng run rẩy theo lượng máu nhồi cơ tim cấp tính, ngất quỵ trên khán đài kỷ niệm 40 năm Quốc Khánh Đông Đức. Khi đó, khi đám thợ sắp chữ hoàn toàn chui tọt vào lô cốt, mọi cơ quan lý luận của đảng lẫn ngoại vi đảng cũng đồng loạt rút lui vào thế phòng thủ thụ động, người ta biết chắc rằng thực tế đã hoàn toàn lộ diện.
Phố vênh vao – đèn kéo quân đứng im, nến tắt dùi cong lăn lóc – trống và mặt nạ heo may (10)
Cùng với thực tế loa im đèn tắt, cũng đã hoàn toàn lộ diện:
bọn quạ đen với ánh nhìn phù thủy những con quái vật nửa thú nửa người và những liều độc dược (11)
Thực tế không cố ý gây sự với bất kỳ ai. Nó chỉ phơi ra ánh sáng công tâm, một cách cực kỳ bình thản dửng dưng, những sự thật bấy lâu nay được lãnh đạo và đám thợ sắp chữ che lấp bằng lớp bột màu độc lập và tráng men chủ nghĩa.
Bây giờ đã hai năm rõ mười:
Mùn cưa thay trầm hương… (12)
Đất sét nhào nên thần tượng để tôn thờ… (5)
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi… (13)
Cơn say đã dứt. Hơi rượu đã bay. Chỉ còn trơ thành quả độc lập:
Chiếc cốc nhỏ nhoi Ôm cõi lòng trống rỗng Đắm mình trong vắng lặng đến tái tê… Không còn màu men óng ả Sóng sánh tia nhìn đam mê (14)
Mọi quyến rũ thuộc thời bưng bít đã êm ả đi vào quá vãng. Nay chỉ trơ cái thực tiễn không hề biết quỳ. Cũng chẳng hề biết điếu đóm bạo lực. Nên chi, khai trừ trở thành phần thưởng. Điều lệ đảng được trau chuốt lại những đoạn mời chào, mong làm khá thêm phần tiếp thị. Tiêu chuẩn gia nhập được hạ giá theo thị trường cung cầu. Vẫn ế. Vẫn không vực nổi mức cân bằng đầu vào đầu ra. Bởi chưng, tập đoàn lãnh đạo trung ương đảng đã nhà nhà thi đua lòi chân tướng không hơn một hội cúng đình (15). Thê thảm dường nào những sạp chợ chiều lộ thiên cuối bãi.
Những ngọn gió hoang vu Nghìn năm về mộng mị Thời gian là người thợ Đẽo mòn bao hư danh Xin đá bia đừng kể Trước cỏ rêu vô hình (16)
Tượng Lê-nin, trên mảnh đất quê hương cách mạng, được triệt hạ bằng những trục cáp nhiệt tình quấn quanh cổ. Xác ướp được trả về với cát bụi. Mọi “thần thánh” khác của chủ nghĩa cũng được trả về đời thường, hiện nguyên giá trị.
Cái gì cũng đã mòn rỉ… Cái gì cũng là động từ đã chia ở thời quá khứ Cái gì cũng đã qua và đã từng… (17)
sơn son, tượng mục thếp vàng càng che lấp gỗ, mọt càng nghiến răng (8)
Không chỉ cái loa rè. Không chỉ cái xác khô. Không chỉ cặp búa liềm. Ngay cả cái lõi hải đăng và kim chỉ nam, hơn nửa thế kỷ nay từng được quấn bọc choáng ngợp hào quang, cũng lịm:
Học thuyết Mác-Lê không phải là cái gì cao xa chưa tới mà chỉ là cái hoài vọng đã bị vượt qua…. Nó không phải là thứ cẩm nang dẫn đường đầy tính xúc tích huyền bí đến mức hàng thế kỷ sau chưa ai hiểu đúng, mà chỉ là những dự đoán lẩm cẩm không bao giờ có thực trên đời. (18)
Thế là hỗng chân. Thế, đành chia tay. Thế thôi, đoạn tuyệt.
Cái gọi là tư tưởng “bác” đời đời vĩ đại, được chân tình đánh giá là một ngụy tạo vô vọng (19). Như quyển thơ chữ Hán thuổng trong tù Trung Quốc, cũng vô tình gãy khúc thành những đoạn chắp vá, cóp nhặt, phong phú không kém mục “lượm lặt” trên các tờ lá cải. Hỡi ơi! Con nít cả nước đều biết như nhau về cần kiệm liêm chính. Và đều thuộc như nhau mười năm trồng ấy trăm năm trồng gì…. Than ôi! Không ai còn trông mong gì nổi vào một chiến dịch ăn mày dĩ vãng (18) nhằm vinh danh “bác”. Đến UNESCO cũng trả lời rất tiếc, năm 1990. Còn công lao cách mạng tạo ra những bước đầu thắng lợi suốt nửa thế kỷ nay?
Không thể nào ngắn gọn và đầy đủ hơn đoạn đánh giá quá trình thắng lợi ấy như sau:
Lếch thếch chạy theo thực tiễn để đoạt lấy tiền phong (18).
Thế là “tiệt sản”.
Mất rồi toàn thể dấu bèo Đài gương đi mất mốc meo một mình. (3)
Than tàn, lửa tắt. Bộ phận lý luận trung ương thất nghiệp với mớ chữ toòng teng toàn tập thuộc làu nhưng vô ích, trong thời tư sản hóa bán công khai.
Keo khô, hồ rã. Có còn chăng, chỉ ba mảnh đảng rời, ưu lo một xó về sợi chỉ đỏ đã hết xỏ xâu xuyên suốt:
Gió mưa sùi sụt – Lửa mất – Bếp còn Âu rỗng – chuột rình khua khoắng Ba vua bếp già Lo lắng lườm nhau. (2)
Mười, Anh, Kiệt cùng vượt qua vòng loại. Đại hội VUI tưng bừng nhất trí điền cả tên người chết vào bộ chính trị khóa 8. Ghi dấu thêm những bước đầu thắng lợi vinh quang giải tam kết ba ông đầu rau ngồi lại, cùng phát động một trào lưu mới: Mười Anh Nông Dân Cầm Bình Sang Mỹ. Ghế ngồi bắt vít phân đều ba hướng.
Những chiếc ghế có khi thành oan trái (20)
Và không một ai tính nổi độ bền:
Ông Vua dị dạng thập thành Bình sinh huậy phá tử sinh láng giềng Ông Vua gian khổ trường kỳ Thành thân chủ-tịch nhu mỳ năm châu (3)
Lê Đức Anh, cựu “cặp-rằng” đồn điền cao su Lộc Ninh, vốn liệt sẵn một mắt, nổi tiếng về chiến dịch bẻ cổ tượng Phật thời nắm quyền Tư lệnh cuộc chiến xâm chiếm Căm Bốt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bậc thầy Lê Đức Thọ. Nay, chỉ mấy tháng sau đại hội tam kết, chủ tịch nước gặp sự cố tai biến mạch máu não, tạm liệt thêm nửa người, đành giã từ ghế trọ. Không một trợ lý nào trả lời giúp lãnh đạo: Biết ra sao, ngày sau? Chỉ nghe tướng Lê Khả Phiêu tán tụng chủ tịch nước đã anh dũng tháo gỡ cho quân đội nhân dân anh hùng cái tai tiếng là lũ đui mù, bởi từng kinh qua một thời gian dài tôn thằng chột làm vua.
Hôm nay ông chín bệ mười tầng Ra vào tuyết hộ vô ngần tiên môn Ngày mai phố chợ bồn chồn Ông đi cửa quỷ bước dồn nhà ma. (3)
Bộ chính trị vừa dẹp xong cổ áo quan Nguyễn Đình Tứ, lại nhận ngay một chiếc xe lăn, quà tặng của Tổng Công Ty Cao Su gửi biếu hội viên danh dự hội cựu “cặp-rằng”. Chỉ e chủ tịch nước bảo: “băng-ca mới kỳ thực là nhu cầu bức thiết”. Thế chân vạc bị đốn. Định hướng cân bằng bỗng dưng đảo lộn. Cuộc vui đổi mới bắt đầu chính thức triển khai tinh thần quyết đấu một mất một còn. Nghe cứ như sấm Trạng. Ba đầu gãy một còn hai. Gãy hai còn một mới ra pháp trường?
Khắp cuối phố khắp đầu đường Toàn nhiên khắp khắp khẩn trương khắp cùng Khắp cuối xóm khắp đầu rừng Biển non khắp khắp tưng bừng khắp theo Khắp bến nước khắp truông đèo Đi về lẽo đẽo lèo tèo chiêm bao (3)
Về tái phối trí. Về thu vén đảng. Về lọc nội bộ.
Kẻ thù không ở đâu xa. Kẻ thù giờ ở ngay trong trung ương đảng, thậm chí, ở ngay thượng tầng bộ chính trị. Kẻ thù là cặp mắt mở. Kẻ thù là đôi tai dong. Kẻ thù mai phục trong máy Fax. Kẻ thù chuyên tuồn tài liệu mật ra nước ngoài bằng Modem. Kẻ thù đánh du kích bằng WebPage. Kẻ thù nhởn nhơ trên Internet. Kẻ thù là tay nội ứng viết bài cho báo Người Sài Gòn và cho đài Chân Trời Mới. Kẻ thù là người nhỏ to ý kiến đâm thóc thọc gạo với “trên”. Kẻ thù cuỗm vợ Tể tướng. Kẻ thù khóa miệng thủ trưởng:
Lâu nay chúng ta nói kiên định chủ nghĩa xã hội. Nhưng chủ nghĩa xã hội là gì thì chính ta cũng lại chưa rõ. Cái chủ nghĩa xã hội thực thể đã thực hiện mấy chục năm ở Liên Xô và các nước Đông Âu thì đã tan rã… (21).
Liệu là lần này đảng vẫn tiếp tục hô to: Kẻ thù nào cũng đánh thắng? Liệu là lần này mới đích thực có ý nghĩa câu khẩu hiệu: Ai Thắng Ai? Liệu là lần này, đứa nào sẽ được chính thức dán nhãn:
Thả mầm chung tình lại mọc cây phản bội (22)
Ơi! Hà Nội, và bài thu hoạch cho hậu bán thế kỷ 20:
45 năm không dài hơn một bước 36 phố phường không dẫn tới bình minh Một câu hỏi nghìn người vừa đi vừa ngước Một nghìn người bước một bước mộng du Hà Nội vẫn lênh đênh trên hiện tại Và quá khứ phải mua quá đắt Những kẻ rao hàng tương lai đã mất 45 năm trần truồng Nằm phơi không ngôn ngữ. (6)
Ơi! Hà Nội, nghìn năm văn vật, trăm túi ba gang, và buổi ra mắt cuộn băng hình bi hài khế chua thế kỷ:
Phỉnh phờ đê tiện Bả bẫy tù đầy Máu chảy đầu rơi ngày tháng Ngót thế kỷ bạo quyền Không dập tắt nổi nén nhang (2)
Ơi! Hà Nội, hang ổ mọi diễn biến hòa bình và chống diễn biến hòa bình, của những “đỉnh cao” đếm bằng tem phiếu, đo bằng dùi cui:
Những tên già tuyệt vọng… Đứng nói một mình Ngôn ngữ nguy hiểm như những họng súng Không thấy tương lai Nên bắn ngược vào hy vọng. (6)
*
Cogito, ergo sum. Tôi biết suy nghĩ, vậy tôi hiện hữu (23).
Tôi là cái rất riêng của chính mình. Tư hữu. Vậy đã quá đủ. Không thể nào tôi cộng sản được, khi tự mình không cần bất kỳ cái đầu nào khác suy nghĩ hộ.
Nô lệ, nơi mỗi người, ở ngay trong đầu…(8).
Đúng quá đi chứ? Cho nên, không ai cộng sản hóa được dân tộc này khi mọi người đều có riêng tâm hồn và tư duy. Không ai xây nổi trại tập trung tư duy. Cho nên, dù có lang thang bất định một thuở, tư duy vẫn là cái tự do đặc thù của mỗi con người.
Tâm hồn đi mất từ lâu Trái tim thơ mộng tìm đâu trở về Một lần lầm lỡ u mê Muôn lần ủ dột ủ ê chầy chầy Tháng tròn ngày méo năm ngây Ngất trời thị hiện trận đày đọa thân Bỗng dưng vũ trụ xoay vần Chợt dừng sững lại tâm thần hồi sinh. (3)
Mắt lại mở. Tai lại dong. Khi các bức màn sắt màn tre bưng bít đã trôi qua nhiều tầng cống. Người ta tự kiểm thị. Tự kiểm thính. Tự điều chỉnh với lượng thông tin mới, đầy đủ, hai chiều, hiện thực….
Có lẽ sẽ lắng nghe Bằng một đôi tai khác Có lẽ sẽ ngắm nhìn Bằng một đôi mắt khác Có lẽ sẽ nhận ra… (24)
Có lẽ cũng chẳng cần phải khiêm tốn quá đáng. Chắc chắn sẽ nhận ra:
Khác với trước đây, khi còn là đảng viên của đảng CSVN – một thứ tù binh của đảng – tôi chỉ biết nói và suy nghĩ theo những gì mà cấp trên nói và suy nghĩ. Còn hiện nay, tôi suy nghĩ rất thoải mái, không bị một sự hạn chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được giải phóng, tư tưởng đã bay bổng…. Phải thú nhận rằng, chúng tôi đã chọn sai lý tưởng: Cộng sản chủ nghĩa. Bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng cũng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc. Đó là điều sỉ nhục. (25)
Không chỉ một người, không chỉ dân Việt, đã vướng nỗi
đau đớn lắm cái lầm to thế kỷ(26).
Lý tưởng cao đẹp trong sáng của một phần nhân loại vào cuối thế kỷ này đã từng bị dẫm nát bởi những kẻ lừa mị đồng chủng:
Chín xu đổi lấy một hào Đi mua cái nắng lọt vào cái mưa (27)
Lỡ lầm là chuyện hàng ngày, chẳng có gì là ầm ỉ. Vấn đề là con người có cam chịu chết dí trong mưa hay không thôi, khi biết mình chọn sai phương tiện thực hiện lý tưởng. Bởi chưng, lý tưởng trong sáng vẫn còn nguyên vẹn đó, và cơ hội thực hiện không phải chỉ đến duy nhất một lần trong đời. Vấn đề là
đừng để lịch sử phải khóc dù thời gian không thể quay đầu lại, và mỗi người Việt Nam sẽ biết thêm cái giá thống nhất nước mình. (6)
Mùa đông qua rồi, tôi gom hết lá Đem đốt đi những khô héo trong hồn Sợi khói cay có làm tôi rơi nước mắt Để cái nhìn tôi được xanh hơn (28)
Khi rà soát lại quá trình của chủ nghĩa:
Cố gắng lớn nhất của con người XHCN mấy thập niên nay không phải là cải thiện mối quan hệ giữa người với người, mà là cắt đứt mọi liên đới hàng ngang giữa con người với con người. Thậm chí, đó là tai họa lớn nhất mà bọn cầm quyền đã gây ra. Chúng đã phá hoại sạch trơn mọi điều tin cậy, thiện ý, nhân đạo, nghĩa hiệp và khí khái giữa con người với con người, đã biến con người thành cáo và chó sói (29).
Định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay là nhằm đẩy dân tộc đi hết quá trình đó chăng?
Rà soát lại quá trình cai trị của những kẻ nhân danh chủ nghĩa:
Do chiếm được vị trí chính thống nên sự phản bội lại nhân danh chống phản bội. Người bảo thủ lại chỉ huy đổi mới, nhân danh vô sản để làm tư bản, nhân danh dân tộc để mưu lợi cá nhân, nhân danh pháp trị để làm điều phi pháp, nhân danh tự do dân chủ để bóp nghẹt dân chủ tự do.. (18).
Dân tôi đứng đâu trong mọi toan tính phân chia quyền lực và quyền lợi của thượng tầng lãnh đạo?
Rà soát lại thực tế:
Cho đến nay, về cơ bản Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu…. Chúng ta vẫn còn là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới…. Sự sai lầm nghiêm trọng đó (của đảng) đã bắt nhân dân ta thêm một lần nữa trả giá quá đắt, sau ròng rã bao năm chiến tranh…. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang là những bầu sữa tong teo của nhân dân đang bị vắt ra đau đớn để nuôi béo một bọn người vừa bất tài, vừa vô trách nhiệm, vừa phi nhân bản…(30).
Đất nước tôi đang ngửa tay trên vỉa hè nhân loại và sẽ trôi tiếp về đâu theo định hướng ăn xin bên ngoài, ăn cướp bên trong?
Và cũng nhân thể, rà soát lại chính mình:
khát vọng cuối những nẻo đường đất nước đã dựng lên trong mắt tôi một mặt trời to, tròn và đỏ khát vọng cuối những nhánh sông dài có bóng thuyền thấp thoáng đã ám vào máu tôi nhịp trôi cuồn cuộn sóng và tôi nghe vang lên từ mỗi khớp xương cha mẹ tôi tái tạo những lời thì thầm không mệt mỏi như là tiếng của cha ông từ cõi xưa vọng về đang ngày đêm tha thiết buộc tôi nhìn tôi từ góc khuất tâm linh cố phân-định-lần-theo một đường viền sáng-tối (31)
Tất cả những ai hằng muốn đứng trên dân tộc sẽ tiếp tục đứng ngoài đại khối dân tộc. Đường viền sáng-tối là đây. Lằn ranh dân tộc cũng là đây. Và xin nhớ giúp, đường viền đó đã vượt qua giới hạn “bên này-bên kia” chung chung thuở trước, vượt qua khung thành ý thức hệ đã kết thúc, vượt qua vòng xung lực của hai khối quốc tế cũ xưa. Bây giờ, chỉ còn những người giữ cái tâm trong sáng mưu cầu phúc lợi cho dân tộc tự chọn chung chỗ đứng, đối mặt và đấu tranh toàn diện để vây hãm thiểu số lãnh đạo đảng CSVN từng nhân danh chủ nghĩa làm khánh kiệt đất nước và làm thui chột con người Việt Nam.
Phút suy nghiệm hạt mầm tách vỏ mở cánh non đón tia nắng tươi trong tôi nào ngờ giữa bao nhiêu tuyệt vọng trong ngực mình chưa tắt những-lửa-nồng (31)
Nhận ra được điều đó, thực sự không phải dễ dàng gì. Niềm tin nào cũng có cái giá rách tim tứa máu của nó.
Đâu chỉ khép cửa căn phòng ngồi nghĩ suy rồi sẽ khác Có nhiều khi tôi phải vượt chính mình Phải tìm ở vết tay chai và giọt mồ hôi chát Ở phút mình hòa nhập với xung quanh Tôi như dòng sông tìm về năm tháng mới Tìm chính mình qua mỗi bến bờ xanh…. (32)
Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại Nung chảy mình ra mà tìm lõi Xé toang mình ra mà kết cấu (33)
Và đứt ruột đớn đau tìm tới nguyên nhân:
Những con người cùng khổ phải sống với những bản năng cơm áo. Những tên bạo chúa phải sống bằng bản năng quyền lực. Một đất nước chỉ còn sinh hoạt bằng bản năng thì phải nằm kề vực thẳm…. (6)
Việt Nam không chỉ nằm kề. Việt Nam, từ bao thập niên nay, đã nằm gọn dưới đáy vực. Chỉ vì lũ bạo chúa liên tục định hướng chuyên chính vô sản, quyết cào bằng nhân phẩm và triệt tiêu trí tuệ của 70 triệu con người có chung với họ nguồn gốc trăm trứng một bọc. Với mọi người, quả đã khó lòng chấp nhận điều đó. Huống gì trí thức, vốn giàu tư duy cao kiến, và cũng là nạn nhân của bao chính sách trù dập rập khuôn Mao, từng bị biến thành những cây bonsai ngay trên quê hương tàn tạ:
Giá sinh ra còi cọc đành nhẽ với mệnh trời Đây… mảnh rừng luân lạc đại thụ thành đồ chơi! (34)
Có đúng không, đó là nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng chảy máu chất xám? Ra khỏi guồng máy đảng. Ra khỏi guồng máy nhà nước. Ra khỏi nước….
Trắm chép đi đâu Để ao lặng ngắt Lộng trời xanh Con rắn nước vẽ bùa. (2)
Vườn hoang nào không lắm tay múa gậy? Xóa bao giờ chẳng dễ hơn Xây, nhất là bởi đám thất học? Nên chi, tránh sao khỏi chậm tiến và khủng hoảng toàn diện?
Mọi thảm họa nước ta đến từ một nguyên do cơ bản: một guồng máy cai trị ngu xuẩn và đứng ngoài pháp luật….
Chúng ta cần một nhà nước có luật pháp và chỉ tuân theo luật pháp, không tuân theo bất cứ một cá nhân hay một tập thể nào.(7)
Nên chăng, từ đây, phương châm đời sống mới sẽ là: Sống và làm việc theo luật pháp, không theo chỉ thị. Nên chăng, bắt đầu cho đời sống mới đó là quyền tự do ngôn luận?
*
Thấy ra điều sai của đời, nhờ Trí. Thấy ra điều sai của chính mình, nhờ Tâm. Tự rèn sửa mình, nhờ Dũng.
Bao nhiêu điều đau đớn Máu nháp hoài lên tim…. (35) Qua vô vàn phiêu bạt Nay bạc tóc tìm về Xin tổ tiên tha thứ Những lạc lầm u mê (36)
Giữa Tâm-Trí-Dũng là trùng trùng dốc đồi phải vượt. Giữa Dũng và Đại Dũng, dám quyết định dấn thân giúp đời, còn là trùng trùng những khoảng cách xa hơn.
thà chết mà ngửa mặt lên còn hơn chịu sống bình yên cúi đầu… (8)
Nhục mấy trùng cao, ách mây trùng Thương đời không lẽ đứng mà trông? (37)
Câu tự vấn này dễ nói thầm, không dễ trả lời minh bạch. Nhất là khi nòng súng bạo lực vẫn còn đó, khủng bố đe dọa vẫn rình rập chung quanh. Đó là trở ngại. Đó là trì lực khiến đất nước vẫn chưa có lối thoát ra khỏi khủng hoảng. May mắn thay, đó không phải là loại thành trì của bóng tối 20 năm trước.
Sự Thật không nung chảy nổi nòng súng. Nhưng Sự Thật có khả năng làm chùn những ngón tay bóp cò.
Xin cảm ơn những tham luận, những kiến nghị, những thư ngỏ soi đường của những con người tự trọng và tôn trọng nhân vị đã dũng cảm lên tiếng ngay ở trong nước. Xin cảm ơn những lá thư, những điện thoại, những điện thư, những ngọn lửa từ nước ngoài chuyển về quê hương dây thông tin khoáng đạt. Xin cảm ơn hồn thiêng sông núi đã khai suốt những mạch ngầm trong-ngoài, nối liền những tấm lòng, nối liền những khối óc, nối liền những cánh tay, vươn dài tính thuyết phục vào tận thượng tầng đảng, khoét sâu mầm phân rã giữa các phe tham quyền cố vị, và mai phục chờ cơ hội bật tung sức ép trung tầng, tạo giao hưởng hạ tầng lan ra quần chúng…
Để mai sớm, tôi sẽ lại Lên đường từ Số Không và Mảnh Vỡ…. (17)
Đó là lúc
Hơi ấm của đất chuyển mình gọi nhớ mùa Xuân Như cuộc đời anh Chuyển mình tìm đất sống Đất là đây, nước cũng là đây (38)
Không thể nào khác. Người Việt Nam không thua kém bất cứ một dân tộc nào trên mặt đất. Đất nước Việt Nam cũng không thua kém những nước khác là bao. Việt Nam chỉ nghèo đói và chậm tiến trong đêm dài vì lãnh đạo áp đặt lên dân tộc một chủ nghĩa điên rồ từng bị đời đào thải. Điều này không thể kéo dài hơn nữa. Bởi không thể canh tân đất nước ngày nào còn đó bọn người tùy tiện úp chụp màn đêm lên đầu dân tộc.
Không thể nào khác. Ngày sẽ tới. Ngày phải tới. Như thiên kỷ mới đang tới. Niềm tin này có thật như không thể nào thật hơn được nữa.
Thức dậy đi, Hà Nội Thức dậy như rồng xưa thức dậy Thức dậy như ngàn năm tỉnh táo hát Diên Hồng Thức dậy đi, thức dậy bình thường Thức cùng tất cả chiều dài chiều sâu đất nước Để đôi mắt Hà Nội có thể mở với trời xanh…. Những màu sắc âm thanh đã chở được niềm tin Để những con người đòi quyền mở toang cánh cửa Hãy đi ra – Hãy gởi thêm trăm ngàn kỳ vọng tới Oslo Để giải Nobel hòa bình phải phát đều cho những người phá Mác-Lê không cần súng đạn…. Khi chẳng đất nước nào có thể nằm mãi với bóng ma từ thế kỷ trước…. Khi con người bắt đầu đứng lên đòi quyền sống thật Ngay những giấc mơ cũng có thể bước ra đường…. Thời đại chúng ta đã vượt qua những bức tường Thì sắt thép thành đồng cũng mềm như giấy Khi con người không thể sống mãi với những điều không tưởng Thì cái xác Lênin càng thêm vất vưởng…. Bởi lịch sử đang trừng mắt Nhìn xuống mấy mươi năm trời Hà Nội âm u…. Đến lúc phải thoát khỏi bóng Lênin…. Bởi ở cuối Mạc Tư Khoa Tôi nhìn thấy Hà Nội đang chờ thời gian tràn xuống…. Những bàn chân đang đạp lên thiên đường cộng sản Sẽ làm dài rộng chiều kích loài người…. Thức dậy đi, Hà Nội Sống thật với mình và nhìn ra thế giới Khi nhân loại rộn ràng vào thiên niên kỷ mới Mà quê hương mình đang không biết về đâu. (6)
Đừng tiếc rẻ. Đừng bám víu. Hãy chia tay. Hãy giã từ. Hãy nhìn về phía trước. Vì sự sống của dân tộc và vì tương lai đất nước.
Khối u ác Nằm ẩn sâu Trong cơ thể người Nhe răng cười Và bò đi Bằng đôi chân thần chết Phải cắt bỏ đi Để ta được sống Dù đó là Máu-thịt-xương ta. (39)
Chỉ một lần. Hãy sáng suốt cùng dân tộc quyết định cho chính mình và con cháu mình. Chỉ những người can đảm dấn bước mới nắm được bàn tay lịch sử.
Quất mãi nước sôi Trà đau nát bã Không đổi giọng Tân Cương. (2)
Đó không phải là một lời hứa. Đó là một chọn lựa cực kỳ đáng kính. Cũng không phải mới đây. Mà đã nửa thế kỷ qua. Từ những ngày tháng Tám bắt đầu đổi sắc. Dũng khí ấy đã bốc cao lan rộng vào quần chúng, biến thành một nền Dân Chủ Bất Trị đối kháng ách bạo quyền.
Đêm đen Kìm kẹp ngọn đèn Gãy lửa Vẫn vinh danh nguồn sáng. (2)
Đây mới chính thực một lời thề, trước lòng tự trọng của chính mình và của cả dân tộc từng nắm tay lịch sử vượt qua bao thế kỷ gông cùm. Hậu bán thế kỷ này, rồi ra cũng chỉ là một sát na thách thức của người Việt Nam trước kỷ nguyên thịnh vượng, thái hòa.
Khi lòng tự trọng liên kết với lựa chọn dũng cảm, thì nào đâu xa, Nơi những gốc tre hiền hòa đã đâm chồi vào huyền thoại Sắc bén như gươm báu Nơi những ngọn lau trên cánh đồng hoang cũng có thể ngạo nghễ phất thành hồn thiêng sông núi Ngay cả lúc tối tăm cô độc ta cũng thấy mặt trời phải nhớ đến ngày mọc lại Mọc lại… Gió có thể thổi từ St Petersburg tới Bắc Kinh, Thượng Hải Gió có thể thổi từ biển Baltic tới Thái Bình Dương Những người muốn thở lại Tập hợp thành gió mới (6)
Hãy góp gió. Hãy ngước mặt. Hãy nắm tay.
Xin chào nhau, giữa con đường Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau (3)
Ơi! Ngày vui. Ngày mùa. Ngày Việt Nam. Xuân Việt Nam. Bất tận:
Tiếng chặt xiềng
Càn khôn rung chuyển (40)
Tháng 1-1997. Chú thích: (1) Huỳnh Văn Dung; (2) Phùng Cung; (3) Bùi Giáng; (4) Ngô Mai Phong; (5) Bùi Minh Quốc; (6) Lê Bi; (7) Fazil Iskander, nhà văn Liên Xô, tác giả quyển sách nổi tiếng “Sandro Tchéguem”; (8) Nguyễn Hữu Nhật; (9) Đỗ Minh Tuấn; (10) Tạ Quốc Chương; (11) Phạm Thị Ngọc Liên; (12) Hải Từ; (13) Nguyễn Quang Thiều; (14) Ngô Thị Ý Nhi; (15) Nguyễn Văn Trấn, tác giả quyển “Viết cho Mẹ và Quốc hội”; (16) Nguyễn Việt Chiến; (17) Đỗ Lê Diệu Cầm; (18) Hà Sĩ Phu, tức Phó tiến sĩ Sinh học Nguyễn Xuân Tụ, tác giả luận đề “Chia Tay Ý Thức Hệ” và vừa mãn hạn tù vì “tội” nói thật; (19) Lữ Phương; (20) Xuân Hoài; (21) Hà Nghiệp, trợ lý của Đỗ Mười; (22) Lê Minh Quốc; (23) Descartes, triết gia Pháp; (24) Đỗ Bạch Mai; (25) Nguyễn Hộ, tác giả luận đề “Quan Điểm & Cuộc Sống”; (26) Nguyễn Chí Thiện, tác giả “Hoa Địa Ngục”; (27) Đồng Đức Bốn; (28) Từ Nguyên Thạch; (29) Trương Hiền Lượng, nhà văn Trung Quốc, tác giả quyển “Một nửa đàn ông là đàn bà”; (30) Tiến sĩ Địa vật lý Nguyễn Thanh Giang; (31) Kim Ba; (32) Kim Chuông; (33) Nguyễn Lương Ngọc; (34) Phan Quế; (35) Phạm Khải; (36) Hải Từ; (37) Nhượng Tống; (38) Trần Vạn Giả; (39) Bác sĩ Trần Sĩ Tuấn; (40) Trần Hồng Châu.
Comments