top of page

1997.04 – Kim Cổ Vô Cùng, Giang Mạc Mạc *

  • LVMỹ-K24
  • Feb 11, 2022
  • 14 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:

Thạch Hãn MN


Mười năm. 1987-1997. Có đáng gì so với lịch sử, tính từ khi loài người khám phá ra ý niệm thời gian? Vẫn thạch giữa bao la thiên hà. Hạt cát giữa mênh mông sa mạc. Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm (1)

Điều đó mấy ai không thấu? Nhưng, khó hiểu biết bao: Vì sao lòng cứ chùng xuống tái tê vào những dịp lễ Tết, những cuối tháng Tư…, những dấu mốc tính năm, tính tuổi? Mà sao lại chọn dấu mốc 1987? Có ý nghĩa nào khác hơn là việc bắt đầu một thập niên, tính đến năm nay? Điều này ắt hẳn còn tùy giác độ mỗi mắt nhìn. Biết đâu sẽ lắm tay vỗ ngực tức khắc, về 10 năm đổi mới, tính từ lúc có kẻ phồng gan cóc tía, hô hào cởi trói bút sắt, bút tre, mà cho đến nay, vẫn tiếp tục giương cao khẩu hiệu dân chủ tập trung, dấu mất biệt nỗi sợ đến rùng mình chưa biết đất nước sẽ về đâu?

Còn, hỏi nhỏ riêng nhau, trong 10 năm đó, không tính thời gian quanh quẩn với niêu cơm trã cá, ta làm gì? Đã có lúc nào bản thân ta quay lại với chính mình, đúc kết những nỗ lực lớn nhỏ khả dĩ gọi là đóng góp công sức, dấn thân cùng bằng hữu, trong xí nghiệp, trong cơ quan, trong cả cộng đồng, cùng nhau phụng sự cho chính cộng đồng và cho xã hội?


Lại nữa, đã có lúc nào ta chịu khó nhìn quanh, xem thử dân mình làm gì, ra sao, ngoài này và cả trong nước, suốt 10 năm Hà Nội đóng đinh vào cột… bê tông, nhất định gọi là đổi mới?

*

Ai cũng biết: Có lắm cái nhất định cần được phủ định.

Trời không che riêng ai Đất không chở riêng ai Mặt trăng mặt trời không soi riêng ai (2)

Quê hương đất nước nào của riêng ai. Vậy mà, nhất định, yêu nước và làm lịch sử là một độc quyền, của đảng. Để từ đó, khẳng định tiếp: yêu nước là yêu tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đến đây thì đảng không độc quyền yêu nữa, mà buộc mọi người phải yêu, trước nòng súng và cái cùm. Đảng chỉ độc quyền áp đặt và khủng bố.

Hỏi xã hội chủ nghĩa là gì, lắm tay đứng đầu trung ương đảng, giờ này, vẫn ú ớ bảo: “ấy ái uông(3). Nhưng, nếu hỏi “đảng là ai”, sẽ lắm kẻ nhao nhao vỗ ngực: “đảng là tao!” (4).

Có những chiếc ao cứ ngỡ là mặt bể Lăn tăn bên bờ ảo tưởng trùng khơi Có thế kỷ khai sinh những thiên tài cách mạng Có thập niên buồn như một chiếc áo quan Có những tập quán mang hành vi dối trá Hiện nguyên hình tên đồ tể của loài ma Có những kẻ vĩ cuồng đến nỗi Chưa mọc răng cứ nơm nớp sợ đời quên (5)

Cái “tao” xuẩn ngốc đồ tể nhận chìm cả nước, trong nhân danh công trạng ngang hàng các bậc anh hùng tiền bối. Nên những chiếc áo quan cứ chồng chất lên nhau qua từng thập niên, dựng thành một thế kỷ Việt Nam thui chột. Nổi bật trên nền văn hóa hoang tàn ấy, chỉ còn có thể nhận ra những đỉnh cao trí tuệ từng định nghĩa “xử trí” bao gồm cả “xử tử, bắn, giết, thủ tiêu…(6).


Ở đó,

mỗi công dân chỉ là 1 tên tù dự khuyết (6).


Ở đó, mỗi công dân đều thường xuyên được nhắc nhở:

Anh không thấy người ta đâm anh một nhát thôi là nhân đạo với anh à? (7).


Cũng ở đó, mấy cái “tao” thoải mái khẳng quyết rằng

ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước XHCN và cho cả nhân loại…, Kẻ nào không theo ta, kẻ đó chống ta (8).

Không có gì quý hơn Tự Nguyện Tay Sai?

Thị trường máu dân giảm giá ngược chiều mức bành trướng chủ nghĩa:

Mao sẵn sàng hy sinh đến người Việt Nam cuối cùng để chống ‘con hổ giấy’… (6).


Lịch sử là gì trong tay những đỉnh cao nô lệ?

ảo ảnh đỏ lòm hào quang mê muội mềm mại mánh mung mưu mẹo mập mờ quân bài bịp tàng hình nuôi dưỡng mộng mơ… quỷ đầu trâu – xâu xé nhau mặt ngựa ngai vàng (9)


Lịch sử là gì trong tim lớp người xung phong?

Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ Máu nhân dân tuôn chảy đúc ngai vàng Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng nhân dân? Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình Và cứ thế dấn thân vào lửa dội Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh? Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành? Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở Quay mặt vào đâu cũng ghìm cơn mửa Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi (10)

Lịch sử. Cứ hai kế hoạch ngũ niên thành một thập niên. Rồi tới lượt những cái mười năm xỏ xâu thành thế kỷ?

Hai mươi năm trước đây Lịch sử quê tôi là dòng sông vĩ tuyến Lấp bao nhiêu bom đạn Bao nhiêu ước mơ tuổi trẻ cũng không đầy Hôm nay vẫn là lịch sử những vòng dây Trói chặt, cắt chia những người có chung nguồn gốc (11)

*

Quả thật. Có lắm cái nhất định cần sớm được phủ định. Lịch-sử-đỏ là một.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công rực rỡ trong sự thay thế những ông chủ da trắng bằng những ông chủ da vàng. Cái khác là cách cai trị của những ông chủ mới tinh tế hơn những ông chủ cũ nhiều. Mọi sự bóc lột, đè nén, giờ đây được tiến hành trong tiếng kèn hoan hỉ ngợi ca cuộc đời mới, trong cờ xí rợp trời, trong ánh lấp lánh của vàng mạ phủ lên mọi tối tăm, tủi nhục, tiếng rìu đao phủ chìm nghỉm trong khúc quân hành, và đám đông bị mê mẩn bởi những lời cổ vũ hùng hồn rầm rập kéo nhau đi tới miền đất hứa ở tít mù tầm mắt, không nhận thấy máu đồng bào nhơm nhớp dưới chân mình. (6)

Chữ Việt Nam bây giờ là nỗi đau thập tự Vầng trán Việt Nam rướm máu bấy lâu Mỗi người Việt Nam có thể là một truyện dài Mỗi người Việt Nam có thể là một giọt nước mắt… Những đứa trẻ không biết đứng ở đâu Chỉ có những lãnh tụ thay đổi như thời tiết Họ vá biển lấp trời bằng xương máu dân Những kẻ bỏ xác ở biển ở rừng Ở đầy những trang lịch sử vô định Mấy trăm năm sông Gianh kéo lê sông Bến Hải Đất nước bị nhận chìm Chỉ còn những con dã tràng không mở mắt nhìn sự thật… Hãy mở Mở cho ta và cho tất cả Giọt nước mắt trước đây đã nhỏ xuống cho người bạn chết ở Cam-pu-chia Giọt nước mắt bây giờ cũng muốn rơi cho những người thanh niên chết ở Cam-pu-chia Giọt nước mắt nhỏ vào sông vào biển vào rừng Có bao nhiêu vô ích làm nên lịch sử… (12)

*

Quả thật, không thể chối cãi được nữa. Có quá nhiều cái nhất định cần sớm được phủ định. Thần tượng là hai.

Cái gì rồi cũng một thời Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban cái gì rồi cũng tiêu tan bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ cái gì rồi cũng rụng rơi quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng (13)

Những húy kỵ trơn trợt một thời chỉ có thể nói khẽ với nhau, nay đã được lần lượt hong khô trong nắng công luận. Báo Tuổi Trẻ đắt hàng một dạo là nhờ có tờ Người Sài Gòn chui vào nằm trong ruột. Tài liệu tối mật hay tuyệt mật cũng đều cùng một khổ giấy photocopy “mửa mật” vừa vặn chạy xuyên qua máy Fax. Hàng hàng lớp lớp, mặt trái lãnh tụ phơi trần chỏng gọng giữa tiếng rao kinh tế thị trường.

Bán khai nó ở bưng ra Hố hang nghèo nỗi mặn già tháng năm Trơ trơ suốt cái mai mầm Nó ngang ngửa, ngỡ chơi khăm tất rồi… (14)

Thần tượng là thứ dễ trơn trợt nhất trong mọi đụng chạm một thời, khi lãnh đạo cần ổn định chính trị bằng bùa chú và nước dãi, đến mức phải tự xoa chân xoa tay, tung hô chính mình bằng bút hiệu giả dân, và ra lệnh cho thuộc hạ sưu tầm đầu cơ mọi loại mọi cỡ ống vòi đu đủ. Nhu cầu thần tượng hóa của lãnh đạo là gì, nếu không phải là đầu mối một thứ nô lệ dây chuyền?

Mười năm, quá thừa thời gian để vạch rõ một gốc gác sự thật:

Trước thần tượng, con người không còn nhân cách riêng, chỉ là những đứa con nít chưa trưởng thành, luôn luôn bám víu vào đảng, vào lãnh tụ để đứng vững trong cuộc sống. Thực chất đó là một thái độ khinh miệt cùng cực đối với con người, một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với nhân phẩm con người. Nhưng không phải chỉ có thế. Khi con người bị hạ thấp, trở thành những công cụ của đảng, quan hệ nhân tính và nhân tình giữa con người với nhau cũng biến mất. (15)

Nên chi, mười năm đổi mới là dịp tốt để đem trả về đúng chỗ những mảnh đời xưa nay vẫn được niêm kín bưng trong vòng rào “thiêng liêng” thô sơ nhân tạo.

Ngoại trừ giống mèo, chẳng ai cần lãnh đạo dấu biến mọi sinh hoạt bình thường hàng ngày để trở thành thần tượng. Nhưng, khó ai chấp nhận chuyện lãnh đạo nằm im cho cận thần bộ trưởng công an giết vợ bằng màn kịch xe cán bên bờ hồ, hay giết em vợ quăng sông bịt miệng.

Nên chi, mười năm đổi mới cũng xác định nhu cầu cần đem ra vành móng ngựa những lãnh tụ chôn dân bằng các đội đấu tố và các đợt đổi tiền…; những “đồng chí” diệt “đồng chí” bằng các nhãn hiệu Nhân Văn-Giai Phẩm hay Xét Lại-Chống Đảng…; những đầu xỏ chuyên nghiệp thúc đẩy hàng triệu thanh niên lao vào lửa đạn bằng các cuộc chiến phi nghĩa nhằm những mục đích phi nhân….

Nói chung là những kẻ không cần che dấu

nét mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại. (6)

*


Đã hết đâu! Vẫn còn lắm thứ đã thành rác ở mọi nơi, nhưng lãnh tụ Hà Nội nhất định cố giữ làm lá nho che mặt. Tội nghiệp Mác biết bao! Có quá nhiều thứ nhất định cần sớm được phủ định. Chủ nghĩa là ba.

Chủ nghĩa Mác là khoa học ư? Chủ nghĩa Mác làm chủ bản thân nó còn quá kém để trở thành một khoa học. Các nhà khoa học còn ôn hòa hơn nhiều. Chủ nghĩa Mác và tính khách quan ư? Chưa có trào lưu nào tự biệt lập và xa rời thực tiễn như chủ nghĩa Mác.... (16)

Hoàn toàn đồng ý.

Chủ nghĩa xã hội chẳng qua chỉ là một ‘huyễn tưởng’ chẳng bao giờ thành sự thật… Vì thế, bất cứ một mưu toan nào hy vọng ‘đổi mới’ thứ ‘chủ nghĩa xã hội’ ấy, dùng bằng cách của Lê-nin, dựa vào chuyên chính vô sản để làm kinh tế thị trường hoặc không làm kinh tế thị trường, đều chỉ đưa ra được những lý luận chấp vá để hiện thực hóa cái huyễn tưởng của Mác…. (17)

Huyễn tưởng nghìn trùng… Huyễn tưởng… bao xa?

Sao là em hay em là sao Em hiện ra lấp lánh giữa trời cao Con đường em đi bao nhiêu năm ánh sáng Để ta được nhìn em trong một thoáng Có thể em biến lâu rồi trong vũ trụ bao la Ta còn thấy em vì em quá xa (18)

Với khoảng cách đó, kẻ dốt toán nhất cũng thừa biết người ta cần bao lâu để gom những thắng lợi bước đầu của từng kế hoạch ngũ niên, cho dù vượt bực vượt chỉ tiêu, để với tới được một tinh cầu… đã tắt. Nét chập choạng chỉ là lượng ánh sáng còn sót trên đường. Tất cả đều là hư ảo. Xét lại hay không kể cũng thừa.

Nói chi đến giấc mơ đại đồng thời Commecon sập tiệm?

Tất cả những chuyện đó còn lâu mới được thực hiện, và, mới chỉ là những lời nói suông về chuyện đó mà người ta đã trả bằng hàng biển máu…. (16)

Ấy, biết thế rồi, thì cũng chẳng khó gì để biết nốt cái khó muôn trùng của lãnh đạo:

Ngày nay không thể còn áp dụng mãi thủ đoạn Gô-ben, cứ nói lấy được thì rồi sẽ được nữa…. (19)

Còn mỗi chỗ núp sau cùng cũng bị gỡ trơ mặt.

Rốt cuộc, chỉ còn cách bảo vệ sự vô địch của chủ nghĩa bằng còng sắt…. (10)

Thảm thương dường nào, Hà Nội vào giữa mùa gió chướng. Bấy giờ mới chính là lúc những tội nghiệp đồng loạt định hướng nhắm về giới lãnh đạo tô hô môi dày trán bóng.

những tai trâu huấn nhạc những mắt lợn thưởng tranh cho đến giờ đồng bọn Hồ lỳ vẫn không hết lời tôn vinh đôi guốc đứa nào cũng nghĩ thầm không dám nói với ai – sợ lòi đuôi dốt Không hiểu trong bụng mình có cái gì vẫn đi kêu cồm cộp… (20)

*

Vẫn chưa hết! Vẫn còn lắm cái nhất định cần sớm được phủ định. Cơ cấu chế độ là bốn.

Không còn ai mơ màng gì nữa. Mặt trái của tiếng gọi ái quốc là để làm đẹp lòng quan thầy. Mặt trái của chiêu bài giải thực là để nhuộm đỏ nhân dân. Tất cả chỉ nhằm cướp chính quyền, đặt xiềng vô sản. Nòng súng là tư tưởng. Dùi cui là văn hóa. Xà lim là giải pháp. Đảng ủy là đầu gấu cầm chịch xã hội.

Cái ác ngạo của gươm đao đạn sẵn và thừa dư máu đổ đã bao năm Xưa sách đốt, thư sinh đem chôn sống Lửa kia đã dậy tới trăm lần (21)

Tội ác của chế độ này, từ 40 năm nay, thật nói không hết. (22)


Tội ác đến từ mục tiêu cướp quyền cho đảng sang cướp quyền cho từng cá nhân lãnh đạo.

Giai tầng lãnh đạo hiện nay, vì không có khả năng tạo ra cái riêng biệt cho mình nên đã mượn một ý thức hệ ngoại lai, ban đầu để cướp chính quyền, nhưng sau đó để bảo vệ vai trò cầm quyền. Không có khả năng nhìn xa trông rộng để tự đổi mới, sự đổi mới của họ chỉ là kết quả của những cái nhìn từ bên ngoài: khi bên ngoài thất bại thì họ lúng túng và không biết dựa vào đâu ngoài những thủ đoạn chính trị đã tích lũy được trong cướp quyền và giữ quyền, để đối phó . (17)

Tội ác dùng miếng ăn để buộc dân ngưng chống đối. Tội ác được phủ che bằng bạo lực và muôn thứ ngụy biện chung quanh hai chữ độc lập trá hình.

Đừng láo xược quy kết trình độ dân trí thấp cho một dân tộc đã được những dân tộc có dân trí hàng đầu trên thế giới nể trọng, khi cần ngụy biện quanh co để hạn chế quyền chính trị. Mục tiêu tối thượng của cách mạng phải là nhân quyền chứ không phải chỉ là cái mẩu chủ quyền quốc gia mỏng manh. Đừng huyễn hoặc, dương dương tự đắc để nhấm nháp mãi với những chiến công năm xưa. Những nhu cầu muôn thuở và hiện đại của nhân quyền đòi hỏi mỗi đảng, mỗi chính phủ, mỗi cá nhân đều phải vươn tới, cải tạo, thậm chí lột xác…. (19)

Mười năm, quá dài để cùng nói thật to ngay giữa lòng chế độ phi nhân:

Nhà cầm quyền có thể làm cho người ta sợ. Nhưng không thể làm cho người ta vì sợ hãi mà yêu… Cái chế độ làm cho con người hèn đi không thể là chế độ xứng đáng với con người (6).


Cho nên, phải: Thủ Tiêu Ngay việc kết án con người bằng nghị quyết (10).


Bởi chưng, sau cùng, thắng lợi vượt bực của chế độ xà lim còng sắt này là gì?

Trong chín năm tù, tôi chỉ làm được một việc có ích, cho bản thân và cho những người mà tôi thương yêu, là giả từ được ảo ảnh về một chủ nghĩa cộng sản được tô vẽ như là thiên đường dưới thế (6).

Mười năm, cũng quá đủ để cùng có chung một kết luận về chế độ:

Là con người, ai cũng vậy, không khổ vì thiếu bằng khổ vì nhục. Một chế độ hạ nhục con người không phải là chế độ nhân dân ta lựa chọn… Muốn cho dân tộc ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước được thịnh vượng, dân ta không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: ấy là phải gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản (23).

*

Mười năm gọi là đổi mới của đảng, rốt cuộc, đã đưa toàn bộ lãnh đạo Hà Nội vào lô cốt phòng thủ, không chỉ đối với dân, mà cả đối với nhau. Lịch sử đang được kẻ thẳng nét. Thần tượng đã rời bệ thờ. Chủ nghĩa hết thiêng. Chế độ mất hiệu năng đàn áp.

Kim cổ vô cùng, giang mạc mạc. Việc đời xưa nay biến hóa khôn lường, cứ như giòng sông bát ngát.

Mười năm chẳng là gì trong suốt lịch sử loài người. Nhưng so với một đời người, nhất là trong chế độ tù ngục, không thể gọi là ngắn.

Mười năm, đối với người trong nước, đứng giữa gông cùm vây bủa, không phải là dễ dàng gì, để tiến từ những lời nói khẽ sang tiếng sấm dồn; từ âm vực cá nhân sang tiếng rền liên hoàn tung hứng; từ việc mô tả xã hội sang việc truy nguyên nguồn gốc khủng hoảng; từ những dèm pha trách móc sang những quy kết trách nhiệm rõ ràng; từ thế nạn nhân sang thế tiến công toàn diện và mãnh liệt vào từng lãnh vực tư tưởng, cơ chế, pháp lý, và cả cá nhân lãnh đạo…

Thế mới hay, lừng lững sĩ khí Việt Nam xưa nay vẫn là

Chết đứng hơn sống quỳ (6)

Thế mới hay, lương tâm con người không dễ gì nén bằng bạo lực, cho dù, qua một giai đoạn dài, lắm lúc

Trái tim đập những điều không thể nói (24)

Thế mới hay, trách nhiệm ở từng người dũng cảm và sáng suốt đã luôn nhóm ngọn lửa tin yêu:

Nhưng em ơi! Đâu đã là tuyệt vọng Nếu mọi người đều lặng im Giữ riêng bàn tay sạch Ai là người dọn đi bùn rác Ai là người gieo hạt Cho ban mai tươi lành? (25)

Không chỉ vậy. Không chỉ người trong nước. Những con dân Việt ở mọi góc địa cầu đều có những suy tư ngày càng gần nhau và gần đại khối dân tộc. Mười năm ở bên ngoài xứ sở cũng chẳng khác mười năm tù đối với những tâm hồn gắn bó với quê hương đất nước.

Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương (26)

Trăng với quê chỉ cách nhau một cái ngẩng đầu. Cho nên, dẫu biết không thể tồn tại dưới chế độ, đến mức thề nguyền ra đi từ đây(27) thì, đâu đó trong lòng, cũng vẳng một tiếng gọi giật ngược, về một tương lai gần, như thời chưa có cộng sản:

về quê xưa, đời sống êm đềm giấc mơ về quê xưa, tìm bóng những ngày đã qua… (28) tìm về quê xưa thêm bao tình thương (27)

Ai cũng biết. Suy tư của những người dân tộc dân chủ ngày càng tiến gần nhau là để được vậy. Những chia sẻ cần thiết và tung hứng liên hoàn hoạt động với nhau, cũng chỉ là để được vậy.

Thật vô cùng tội lỗi Nếu chúng ta thiếu lòng dũng cảm lớn lao Dũng cảm trước quân thù – và dũng cảm với nhau Để biến ước mơ thành sự thật – Vết thương thành tiếng hát Mọi người thành anh em… – Những bàn tay dám làm Những tấm lòng dám thật Cuộc đời chẳng dừng chân một phút (25)

Mười năm, chẳng nghỉ một giây. Chắc chắn, thế kỷ tới chỉ đón đợi những người dám bước.

Tháng 4-1997.

Chú thích: (*Tựa bài) Nguyễn Trãi, Ức Trai Thi Tập; (1) Bùi Giáng; (2) Nguyễn Trãi, Quân Trung Từ Mệnh Tập; (3) Hồ Xuân Hương; (4) Lê Đức Thọ, do Vũ Thư Hiên ghi lại trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày; (5) Nguyễn Quốc Chánh; (6) Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày; (7) Vũ Thư Hiên, trả lời phỏng vấn báo VNDC; (8) Lê Duẫn, Vũ Thư Hiên ghi lại; (9) Nguyễn Duy; (10) Bùi Minh Quốc; (11) Nguyễn Vĩnh Long; (12) Lê Bi; (13) Quang Huy; (14) Dương Lý, Con Ba Khía; (15) Nguyễn Hưng Quốc; (16) Boris Pastermak, Dr. Zhivago; (17) Lữ Phương; (18) Tế Hanh; (19) Nguyễn Thanh Giang; (20) Hữu Loan; (21) Thường Quán; (22) Nguyễn Văn Trấn; (23) Vũ Đình Huỳnh; (24) Xuân Quỳnh; (25) Lưu Quang Vũ; (26) Lý Bạch; (27) Lâm Tuyền; (28) Hoàng Giác.

Comentarios


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page