1997.11 – Tầm Vông Sống Sót…Dậy Mùa Măng Lên
- LVMỹ-K24
- Feb 11, 2022
- 14 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang:
Thạch Hãn MN
Cuối năm tính sổ. Sự thật tỏ lộ. Như những đứa trẻ từ một thuở hồng hoang đi ngược lại, Lộ Ra Sau Cơn Bão (1). Còn, lộ ra sau cơn say là một sự thật ba bảy hăm mốt: Hơn nửa thế kỷ, lịch sử được độc quyền viết bởi những thằng Xuân tóc quăn tiền sử.
Những…
thằng mù làm hại đám còn con ngươi (2)
Cơn bão rồi qua. Cơn say rồi dứt. Nhưng di hại vẫn còn ăm ắp. Phải thẩm định lại tất cả. Phải rà soát lại từ đầu.
Lịch sử công bình và biện chứng Năm-sau lại thẩm định Bây-giờ (3)
Quá khứ dầy đặc những vòng thòng lọng bện nối bằng hy vọng tô hồng và niềm đau chuốc lục. Quá khứ xanh cỏ Trường Sơn. Quá khứ vùi nông Chùa Tháp. Quá khứ cào bằng biên giới Bắc. Quá khứ chìm sâu đáy Biển Đông. Rừng đã cạn tre xanh. Lịch sử cận đại được khắc trên từng mộ bia phủ tràn đất nước.
một thời mũi đạn làn tên mấy thời giông bão tràn lên đất này (4)
Phong vũ biểu và địa chấn kế báo trước phần nào những cơn bão giông, động đất. Loài người còn thiếu loại đồng hồ báo trước các tai ương khốc liệt triệu lần hơn đến từ cái ác của con người. Nên sự thật dễ bị nhận chìm bằng mỹ từ chủ nghĩa nhấp nhô đàng sau vạn tấm huân chương, triệu bằng liệt sĩ.
Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật – Có gì không ổn… (5)
Bất chợt anh nhìn ra Một gương mặt quái gở xa lạ Che dấu sự thật – Bóp chết sự sống… (6)
Lịch sử ạ, cái gì ra cái nấy Thời gian rồi sàng sảy lại cho coi (7)
Thời gian thôi chưa đủ. Cũng không thể nào gần tám chục triệu nạn nhân oằn oại đợi thời gian. Phải điểm mặt cái quái gở xa lạ đó cho cả nước nhìn thấy. Phải nói rõ to. Phải dõng dạc hơn nữa hàng triệu người giống nhau một Quan Điểm và Cuộc Sống. (8)
Đến máy móc cũng đang đòi lột xác Sao nhà thơ không dám cởi trần? (9)
Không chỉ nhà thơ. Không chỉ nhà thờ. Nhà nhà. Người người.
Phải cùng xắn tay áo vạch trần trò lừa đảo.
Phải Xét Lại chủ nghĩa Makeno.
Không thể mặc kệ nó bẻ cong lịch sử.
*
Mấy thời giông bão? Đất nước hóa bùn! Sao lại thiếu một cơn sóng quảng-đại-nhân-từ quăng tay bồi tàu Tây xuống biển Đông khi tàu vừa tách bến Nhà Rồng?
Hôm nọ còn là đống đất dơ Mà nay thành tượng rước lên thờ… Trách ai bới đất nhào nên tượng Để khổ cho ai lễ trẹo giò (10)
Ích gì chuyện trách? Hãy làm lộ ra khúc gỗ mục dưới lớp nhũ vàng. Hãy đưa thần tượng về đất. Hãy đưa về đời thường những kẻ tự sơn son phong thánh. Như Tuổi Trẻ Kim Hạnh đã từng trân trọng sĩ khí hơn ghế ngồi.
Rồi phải lộ ra thôi, không thể gì dấu được (1)
Không tô đen. Nhưng cũng nhất định không thể đánh bóng những điều ti tiện. Không bôi bác. Chỉ lật tung những bức màn hôn ám cho lộ ra tất cả. Và gióng giả từng tiếng gọi thật người:
Chỉ có loài sâu ngu dại mới ngợi ca – tầm gởi ơi – vĩ đại (11)
Phải đăng quang sự thật. Phải thắp sáng Tiếng Gọi Của Lương Tri (12). Phải làm cho rõ cái gì ra cái nấy… kiếp nào ra kiếp ấy.
Trở về kiếp cáo buồn tênh Tiếng kêu vọng khắp rừng xanh đến giờ (13)
Không chỉ chủ nghĩa rồ dại, không chỉ lãnh tụ tự phủ hào quang đã kéo dân tộc quay về thời tiền sử. Cả hai chỉ sản xuất ra ảo giác.
Phải làm lộ rõ ra hơn nữa: Kinh doanh ảo giác và thực sự giết người hàng loạt, chính là bọn trung gian lái buôn xương máu và lắp ráp dây chuyền công nghiệp đắp tượng liệt sĩ đại trà.
Đôi bàn chân thoăn thoắt Vượt lên tầng thép sắt Giặc dội bom sập hầm Tay súng còn siết chặt… (14)
Sớm hôm củ sắn củ khoai Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông Khi ra xung trận giữa đồng Khi lăn lưới lửa, thoát vòng giặc vây Súng này càng bắn càng hay Một tay em chấp mười tay quân thù… (15)
Khắp năm châu còn nhiều La Thị Tám Nhiều Võ Thị Tần Đường sẽ thông xe đi về cách mạng… (16)
Đường đã thông, nghìn nghịt chạy xuôi là đoàn xe ca chất đầy hài cốt. Đường đã thông, nườm nượp ngược chiều từng dãy chiến xa tải đổng, đạp, đài. Đường đã thông ra kinh tế mới. Đường đã thông về vô số trại tù. Đường đã thông từ Nam Vang, qua Cam Ranh, lên tới cửa hữu nghị Nam Quan. Đường đã thông, rỗ toang vết nạng. Đường đã thông toàn cõi Đông Dương. Dầu thô, than đá… đã thông đường về tới Liên Xô. Máu khô. Xương rã. Đường thông….
Cuộc tự sát thảm sát âm thầm dai dẳng – mấy mươi năm nhân danh những gì cao quý nhất đeo đuổi những gì vô nghĩa nhất mà tất cả bên ngoài hơn hớn như không (17)
Hơn hớn? Nhơn nhơn? Không thể nào!
Xương máu nhân dân không thể là trò chơi phù phiếm.
Phải vạch mặt chỉ tên bọn nhà cái canh bạc bịp độc lập.
Phải Xét Lại chủ nghĩa Makeno.
Không thể mặc kệ nó nhào nặn thần tượng diễn tuồng.
*
Mùa nào đại thắng mùa Xuân? Đông dài! Mùa tận khổ. Đông nối Đông, quanh năm. Mùa nối mùa, thống nhất. Đắng cay vững chắc tiếp nối đắng cay.
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ (18)
Cuối đường chiến đấu vì lý tưởng là một nền độc lập tận khổ? Mục tiêu đánh đổi bằng xương trắng máu đào là tự do tận khổ?
Mơ ước là thế sao? Ký ức là thế sao? (19)
Làm sao quên Trường Sơn, Đồng Tháp? Làm sao quên Vàm Cỏ, Bến Tre? Làm sao quên Ngả Ba Đồng Lộc? Làm sao quên biết bao người nằm lại, những đồng đội chính quy, dân công tải thương, thanh niên xung phong tải đạn? Làm sao quên?
Những năm khẩu súng Theo người đi xa Những năm băng đạn Vàng như lúa đồng (20)
Thế mà, chẳng bao lâu sau những chuyến tải hàng đầu tiên về Bắc, mọi thứ đều đổi khác, kể cả tôn chỉ đảng và tình đồng chí.
Cái gì cũng là động từ đã chia ở thời quá khứ Cái gì cũng đã qua và đã từng… (21)
Chỉ mỗi nỗi đau còn chịu khó đứng im, nguyên vẹn, đồng nhất, chất chồng.
Nỗi đau nào của riêng ai? Nỗi đau là của chung: Nỗi đau đã được cộng sản hóa, đầu tiên, và cuối cùng! Tháp ghi ơn cao vút trên trời thẳm Nỗi đau ơi, tôi báo nỗi đau này – Dưới lòng đất xương bây giờ đã trắng Và trên trời, mây cũng trắng, đang bay (22)
Chỉ những vết thương còn chịu khó nhắc nhở ngọn nguồn ý chí dân tộc. Nhắc nhở lý tưởng công bằng. Nhắc nhở những nhân danh. Nhắc nhở bao tháng ngày vô tư một thời son trẻ cả tin.
Những đêm gió thổi buốt trời Vết thương cũ còn đau nhức Ôi, Sư đoàn xưa đâu Người cũ, ai còn, ai mất? (23)
Mỗi người, có biết chăng? Hay mọi người đều biết như nhau: Gieo hạt lúa đồng nhưng gặt lấy hạt ngô Thả mầm chung tình lại mọc cây phản bội (24)
Em cứ nghĩ rồi đây không còn nô lệ Ai dè ách mới còn nặng hơn… (25)
Đừng một ai trốn chạy sự thật. Vô ích. Có dè hay không cũng vô ích. Hãy tiếp tay sự thật, soi rọi thấu suốt từng phiến não dù cực kỳ xơ cứng, từng tư duy dù cực kỳ bảo thủ:
cuộc tuẫn đạo nhân dân bị biến thành cuộc trấn lột khổng lồ thế kỷ người tiếp người vênh vang nhận tròng nô lệ người tiếp người chết cái chết thánh nhân đâu biết họ hiến mình cho quỷ (17)
Phải lột mặt nạ bọn tay sai bán đứng dân tộc cho quốc tế đỏ. Phải tách ra khỏi dân tộc những kẻ thờ phụng ngoại bang. Phải tháo gỡ ách mới. Phải dẹp tròng nô lệ. Phải Xét Lại chủ nghĩa Makeno. Không thể mặc kệ nó tùy nghi phản bội.
*
Đã đành thà trễ còn hơn không, phải dựng lại Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ (26).. Đã đành thà trễ còn hơn không, phải ngỏ một lời ân cần Chia Tay Ý Thức Hệ (26). Chủ nghĩa khói hương? Nào ai tiếc! Và nhất định không thể chấp nhận bất kỳ ai níu kéo nhang khói để định hướng vàng mả cho cách cai trị.
Em khóc một ông tiến sĩ vừa hồi hương góc tủ lim dim sương khói những ngựa xe bầy chuột gậm mảnh giấy bồi áo gấm (27)
Chuột hồng cắn áo người chuyên. Cắn cả đời chứ không chỉ áo. Văn bằng nào cao hơn phiếu tem thịt lợn? Khoa học nào vượt quá Mác-Lênin? Nên chi,
Cây si ba trăm tuổi bé hơn đứa lên năm bể phải làm kiếp suối tươi xanh trong cỗi cằn (28)
Khoa học phải đạo. Thông tin minh họa. Văn chương cung đình. Nghệ thuật cúi đầu, lòn lách…. Tất cả đều nói theo và làm theo. Tất cả được nhân danh cách mạng nhằm phục vụ nhân loại đại đồng. Trên thực tế cụ thể là khép nép khúm núm phụng sự đám lãnh đạo tim đen máu lạnh chữ không đầy lá, nhưng vẫn mải mê đòi nghĩ thay cho hàng chục triệu người bằng nghị quyết.
Đời còn nỗi bất hạnh nào sâu hơn, rộng hơn, chập chùng hơn, trớ trêu hơn, nghiệt ngã hơn, cho người trí thức?
Cứ ngơ ngác đôi bàn chân bỏng rát Đi ngả nào cũng chạm phải niềm đau (29)
Đáng sợ nhất là đi ngả nào cũng cầm chắc chạm mỏ đám chuột hồng đau đáu đói máu người. Kinh nghiệm từ thời Nhân Văn – Giai Phẩm cho thấy đó là những tai họa cả đời. Lắm khi nhiều đời, di lụy đến cả vợ, con, cháu, chắt. Bởi thường ra, có thằng ngu cầm quyền nào lại không sợ túi khôn của người khác? Tố Hữu là một nhân chứng sống sờ sờ về Thơ Việt Nam Hiện Đại: Phải đánh gục Nhân Văn – Giai Phẩm để nâng cao giai cấp thợ sắp chữ theo lệnh đặt hàng. Nên chẳng mấy ai lạ lùng gì:
Lắm khi điều phản trắc Treo trên đầu người ngay (30)
Không thể ngạc nhiên.
Có chăng, chỉ là nỗi ngậm ngùi chuyển thành phẫn nộ:
ở đâu – đêm nối vào nhau thành xiềng xích… ở đâu – mùa hè kết tội mùa thu truy nã mùa đông giảo hình… mùa xuân biến ngày tháng tôi – thành tù ngục (31)
Cả bốn mùa nối lại thành đêm, bằng những mắc xích, bằng những gọng cùm. Đêm Giữa Ban Ngày (32). Đêm dài thế kỷ. Đêm đấu tố. Đêm cúp gạo. Đêm vuốt. Đêm đe. Đêm điềm chỉ. Đêm phóng tay vơ vét. Đêm kéo cánh vây bè. Đêm thu mua. Đêm đèn mờ hưởng thụ. Đêm truy quét. Đêm gõ cửa. Đêm lấy cung. Đêm lột trần trấn nước. Đêm vung mã tấu. Đêm cắc bùm.
Ta không thể trốn vào một tảng đá cỗi già giả vờ điếc, giả vờ câm, giả vờ vô tri, vô giác vờ không biết đớn đau, không yêu thương, căm ghét (33)
Đêm dựng đứng trùng trùng dấu hỏi. Đêm rần rần đánh thức lương tri. Đêm Chong Đèn Ngồi Nghĩ (17).
Đêm bật dậy sĩ khí: Lẽ nào ta có cũng như không? (34)
Phải nâng sen khỏi bùn.
Phải gạn đục khơi trong.
Phải Xét Lại chủ nghĩa Makeno.
Không thể mặc kệ nó dập vùi trí thức
*
Anh hoa duy nhất của đảng đã phát tiết đến cực điểm trong thời chiến. Cứ đếm tháp liệt sĩ như cắm chông cả nước, khắc biết. Khả năng phá hoại ấy lại được choàng hào quang và tiếp tục làm nát tan đất nước trong suốt mấy mươi năm thời bình. Hãy xem bảng sắp hạng mấy nước nghèo đói tận cùng trên thế giới, khắc rõ.
Từ hiện thực đen tới ngôi sao vàng, cách nhau bao năm ánh sáng đỏ?
Cả cuộc đời đi tìm ảo ảnh Khi sắp lìa đời ảo ảnh vẫn lung linh… (30)
Anh vẫn biết một thời rất thực Tưởng súng này bắn rớt những vì sao… (11)
Con lừa chạy suốt đời không ngoạm được củ cà-rốt treo trước mõm. Cứ thế, nó kéo theo cỗ xe dân tộc xuống hố vực sâu.
Chân đi tay vẫy nhờ dây giật Mép múa môi khua tự miệng người… (10)
Trâu quên đôi sừng lấm đất Tưởng mình đang lên cung trăng… (20)
Chủ nghĩa cầm cương đã chết. Củ cà-rốt đỏ đã khô. Hỡi ơi, con lừa chính trị bộ vẫn cố nhân danh ảo ảnh chạy về đáy vực.
Tính cộng lại hóa ra trừ Tính nhân đâu ngỡ bây giờ thành chia Một bài tính nhỏ xưa kia Tính đi tính lại, ô kìa, vẫn sai… (35)
Sau giấc ngủ dài bao nhiêu năm Phèo ta tỉnh giấc Cái lò gạch còn đây Thị Nở mất tiêu rồi… (30)
Nửa thế kỷ Chí Phèo. Đổi một bát cháo hành cho đất nước: Dân tộc ly tán. Căm thù lên ngôi. Tính người thui chột. Tình người bốc hơi. Văn hóa cọc còi. Tài nguyên khánh tận….
ngỡ cứ tung hoành thanh kiếm gỗ giật mình con trẻ trắng khăn sô… (36)
Về quê thăm lại chiến trường Thăm đồng đội sống đời thường… trắng tay (37)
Búa gãy, liềm tan. Phương trời xa sao vàng tắt ngấm. Nhìn lại dân mình, thực tiễn tang thương.
Họ vẫn gầy vẫn ốm Mắt vẫn lõm, da vàng Áo chăn chưa đủ ấm Ăn uống vẫn tồi tàn… (38)
Phải với tay vặn tắt đóm hào quang phá hoại nhá nhem.
Đừng tin vào quả bóng Mang ước vọng lên trời… Đừng tin con diều giấy Sợi dây mỏng như tơ… Đừng tin quả thị lẳn Rơi vào bị bà già… (35)
Phải xóa sổ chủ nghĩa càng sửa càng sai.
Phải chận đứng cỗ xe đưa cả nước xuống hố, dù có mất lừa.
Phải Xét Lại chủ nghĩa Makeno.
Không thể mặc kệ nó tiếp tục mị dân bằng những bánh vẽ mới.
*
Năm nươi năm nhìn lại. Những nhân danh đã thống nhất gắn liền nhau thành một lằn ranh, mặc nhiên chia đôi non tám mươi triệu người trong nước thành hai giai cấp. Thống trị và bị trị. Lãnh đạo và nhân dân. Thiểu số và đa số. Quyền lực và lao đao. Ngu dốt và chịu đựng. Tự tiện và tù đày. Vét vơ và lận đận…. Tùy mỗi góc nhìn.
ta thương mặt trời bị chôn xuống đất cho lũ hủ nho nhà Nguyễn mặc hoàng bào ta thương mặt trăng gặp phải thời nguyệt thực cho lũ nịnh thần lấm tấm mọc như sao (39)
Đè bẹp lý tưởng tập thể bây giờ là lòng tham cá nhân. Mỗi người một túi: độc lập. Mỗi kẻ một cách: tự do. Xóa đói giảm nghèo bắt đầu từ hàng ngũ lãnh đạo. Chánh sách này dừng lại cũng ở đó. Không có gì quý hơn cơ hội. Tức không có gì quý hơn ghế ngồi.
Thống nhất mới lên xanh thấy vượn… (40)
Cái mặt nó bây giờ mới đạo mạo làm sao nói năng đứng ngồi quan trọng thâm tâm chỉ nghiền ngẫm cách nào êm nhất – lẹ nhất – cho mỗi ngày chiếc ghế thêm cao… (17)
Mẹ nhìn suốt những mặt con đầy tớ mặt đứa nào cũng béo tốt phương phi cầm cuốc một đời, cầm bút bỗng vân vi chọn mặt nào mà gửi? Chọn mặt nào cho máu mình đỡ tủi? (17)
Phong kiến xưa chưa đủ sức tinh vi phân lập: nhân dân làm mọi, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo. Cũng chưa biết niêm những thùng phiếu đảng cử dân bầu. Chưa khai thác nổi nền công nghiệp mặt nạ. Thiếu sáng tạo để hình thành chế độ hộ khẩu, tem phiếu, kẻng giục, hội văn nô, loa phóng thanh đầu xóm, trại cải tạo, còng số tám, và lực lượng công an cơ động. Vả chăng, vua xưa chỉ một. Lại còn lo làm ác trời phạt, dân phiền. Chế độ quân chủ phong kiến lỗi thời, vì vậy, phải nhường chỗ cho cách mạng thiết lập một nền quân chủ thực dụng hiện đại:
vua quan trăm kiểu hái ra tiền (39)
Cách mạng là thay thế một điều xấu bằng cái tệ hại gấp trăm?
Không thể nào chấp nhận cả nước đánh đổi xương máu cho dăm thằng ác giàu to bằng cách trù hại nhân dân cả nước.
Không thể nào chấp nhận hy sinh nhiều thế hệ thanh niên cho dăm thằng già ngu tối đưa đất nước tụt hậu ra sau đuôi nhân loại.
Không thể nào chấp nhận giá trị con người mới là ti-vi, xe cúp.
Không thể nào chấp nhận tập quán sinh hoạt mới là mánh mung lừa đảo. Không thể nào! Đã quá nửa thế kỷ. Không thể nào kéo dài chịu đựng lâu hơn.
Phải Xét Lại chủ nghĩa Makeno.
Không thể mặc kệ nó dìm dân vét lợi.
*
Xưa tầm vông vạt nhọn giữ gìn bờ cõi. Nay tay không cũng quyết bảo vệ quyền sống con người. Quan nhất thời, dân vạn đại. Không thể mặc kệ nó. Không thể không nói.
Khó nói bằng im lặng Đành phải nói bằng lời (41)
Không chỉ một lời. Không chỉ một người. Dù lẽ phải có bị cướp giật bằng bạo lực, lý tưởng trong sáng ban đầu vẫn còn nguyên đó. Niềm tin vào sức mạnh dân tộc cũng vẫn còn nguyên đó. Cho dẫu lúc đuốc, lúc than, Niềm Tin vẫn được truyền đi như lửa.
ví dầu thế nảo thế nào cũng tin còn lửa rì rào trong than (42)
Nên chi, dù Đông dài tận khổ, cây trơ cành trụi lá, nhựa luyện vẫn luân lưu vượt bứt mọi vòng đai an ninh, phản gián.
Ẩn trong cây, lớp vỏ xù xì Nhựa ngọt âm thầm nuôi quả… Ẩn trong mây tím hoàng hôn Bài ca của bình minh mới (43)
Kiến nghị. Thư ngỏ, Báo chui… Đó là tiếng cựa mình nứt đất từ những vạt tầm vông sống sót, trong đêm trước của một hừng đông mới dậy mùa măng.
Cuộc sống hóa khác không thể ngồi yên mà phải thường xuyên đấu tranh quyết liệt (44)
Dân không còn chọn lựa nào khác hơn phải đòi bằng được quyền làm người. Khát vọng này bao trùm nhân loại. Nhân Quyền – Khát Vọng Ngàn Đời (45), lẽ nào đảng không thấu? Nhưng đã bao năm…. Nhân dân mỏi mòn chờ đợi ”thiện chí” của đảng. Ngàn lý lẽ trên giấy chuyển sang vạn nắm tay trên đường chỉ là một khoảng cách ngắn, lẽ nào đảng không thông? Nên chi, nếu không chấp nhận một diễn biến hòa bình, thì hẳn, đó là sự chọn lựa đổ máu lần nữa, của đảng, chứ không phải của dân.
Rõ ràng, dân chỉ còn mỗi một chọn lựa ôn hòa, đi kèm với mỗi một niềm tin quyết liệt:
dẫu mặt trời sẽ lặn một ngày mai chắc chắn lại bừng lên (46)
Bấc đã đượm dầu. Đảng cũng hiểu? Bởi hơn ai hết, chính Trưởng ban Văn Hóa Tư tưởng Trung ương đã họp với Bộ Nội Vụ, cùng chấm trên bản đồ Việt Nam hàng trăm điểm nóng, trưng ra thành tài liệu học tập cho toàn đảng, xuống tới cấp chi bộ biệt lập. Thế mà đảng vẫn không ngờ Thái Bình nóng nhất.
như chất diêm sinh lóe sáng – trên đỉnh mỗi que diêm (47)
Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Chính trị bộ, gốc Thái Bình, được đưa về nguyên quán ra sức vuốt ve. Có kịp đâu, lửa đã lan vào tận Xuân Lộc, Hố Nai, Trà Cổ….
Dòng Thái Bình xô ra biển rộng Dòng Thái Bình vọt sóng… Dòng Thái Bình réo lên sức sống (48)
Phạm Thế Duyệt vào Nam? Vô ích. Ngay chính Phan Văn Khải cũng còn chỉ biết ầu ơ ví dầu trước quốc hội. Tham Nhũng và Thuế Sưu chỉ là cớ đứng lên, lẽ nào đảng không thấy? Nên chi, những đòi hỏi sâu xa đâu thể nào được giải quyết ổn thỏa bằng những biện pháp bọt bèo. Thái Bình và Xuân Lộc chỉ mới là hai trong hàng trăm điểm nóng toàn đảng đã học tập.
*
Tiếng đất chuyển mình nghe như có âm ba sôi sục. Tầm vông sống sót đã dậy mùa măng lên. Tháng 11-1997. Chú thích: (1) Đông Trình; (2) Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc; (3) Đông Hoài; (4) Trương Nam Hương; (5) Nguyễn Lương Ngọc; (6) Phạm Thị Quý; (7) Trần Mạnh Hảo; (8) Nguyễn Hộ; (9) Ngô Mai Phong; (10) Hoài Yên; (11) Trần Biên; (12) Tiêu Dao Bảo Cự; (13) Nguyễn Thị Hồng Ngát; (14) Xuân Thiêm; (15) Tố Hữu; (16) Huy Cận; (17) Bùi Minh Quốc; (18) Xuân Quỳnh; (19) Nguyễn Linh Khiếu; (20) Trần Đăng Khoa; (21) Đỗ Lê Diệu Cầm; (22) Hoàng Đình Quang; (23) Nguyễn Đức Mậu; (24) Lê Minh Quốc; (25) Phùng Khắc Bắc; (26) Hà Sĩ Phu; (27) Tạ Quốc Chương; (28) Phan Quế; (29) Ngô Thị Ý Nhi; (30) Trần Văn Công; (31) Phạm Việt Cường; (32) Vũ Thư Hiên; (33) Phi Tuyết Ba; (34) Nguyễn Viện; (35) Hoàng Hương Trang; (36) Vũ Quần Phương; (37) Sơn Thu; (38) Thôi Hữu, tức Tân Sắc; (39) Bùi Chí Vinh; (40) Trần Xuân An; (41) Trần Lê Văn; (42) Phạm Đức; (43) Nguyễn Huy Dung; (44) Võ Quảng; (45) Nguyễn Thanh Giang; (46) Ngô Thị Ý Nhi; (47) Kim Ba; (48) Trần Huyền Trân.
Comments