top of page

1998.01 – Lúa Non Nghe Sấm

  • LVMỹ-K24
  • Feb 10, 2022
  • 11 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang: Thạch Hãn MN



1958 là mùa xuân chết của Nhân Văn – Giai Phẩm. Hà Nội ra lệnh tổng phản công, phóng tay trù dập tận gốc giới văn nghệ sĩ ưu tú nhất thời đó. Tuân theo chỉ thị của trên, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật tổ chức liên tục 3 cuộc Hội Nghị, ra nghị quyết hoàn toàn ủng hộ chủ trương của lãnh đạo đảng.

1968 là mùa xuân chết của Praha và Huế. Hai thành phố cách nhau gần nửa vòng trái đất, nối nhau bằng hai đầu một giải khăn sô.

Ầm ầm biển lửa nhân dân Đẹp như Huế dậy đầu xuân đỏ cờ… Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời… (1)

Trong tinh thần ngợi ca vẻ sáng và cái đẹp, mười năm sau cái chết của Nhân Văn – Giai Phẩm, ngày 4/2/1968, Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội ra tuyên bố hoan hô cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân. Toàn bộ nhân sự từng hết lời ca tụng tình yêu, tình người, bấy giờ đồng loạt thắp đuốc rừng rực đêm liên hoan máu lửa. Anh chị em ơi!

Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68… Cả năm châu, Chân Lý đang nhìn theo… (1) Máu kêu máu trả thù Súng đâu, anh em đâu Bắn nó thủng yết hầu Bắn tỉa, bắn dài lâu… (2)

Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi: giết chúng! Ôi hôm nay lòng ta như họng súng… Hãy giết chúng như thiên thần giết quỷ Trên mỗi xác thù, họng súng phải reo ca… Ta đánh mày hân hoan như sinh đẻ Và thiêng liêng như xây dựng kỳ đài… Vinh quang nhất là những người đang nổ súng… (3)


Rượu vinh quang rót tràn cơ man những hầm chôn sống tập thể. Chiêng trống thiêng liêng phủ kín những tiếng nấc dậy trời từ đoàn người đào bới cả thành phố để tìm xác thân nhân.

Hai mươi năm sau, 1988, những họng súng hân hoan năm xưa ngoái đầu nhìn lại. Một phần sự thật bật dậy, kinh hoàng:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng Chỉ một đêm còn sống có 30 Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó? Tôi! Tôi – người làm thơ cổ võ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong… (3)

Người làm thơ cổ võ chỉ thực hiện việc minh họa nghị quyết của triều đình. Lệnh gốc từ đâu?

Khát vọng của Lê Duẩn là phải làm một cái gì hơn cả Điện Biên Phủ…. Khát vọng đó được Lê Đức Thọ đồng tình…. (4)

*

Công và tội không thể chỉ được xác định bằng quan điểm. Đặc biệt, khi quan điểm đó được nhập khẩu từ Cẩm Linh – Bắc Kinh, chứ không phải của chính dân tộc. Công và tội cũng không thể được đóng khung định nghĩa bằng quy luật. Càng không thể bằng quy luật áp đặt một chiều.

Đã qua rồi phút giây huyễn hoặc Qua rồi… (5)

Đã qua thật rồi,

cái thời sống bằng hồn cốt vay mượn để đổ tai họa lên dân tộc mình. (6)

Đã qua thật rồi, cái thời tuổi trẻ để mặc cho cảm quan dắt đường đi nghe những chương trình quảng cáo buổi xuất quân Chiêu Thống:

Tháng Giêng, Mạc Tư Khoa tuyết trắng Một người đi, quên rét buốt xương Từ xa đến… Lòng đau trĩu nặng Giữa dòng người im lặng trên đường Anh tìm ai? Lê-nin vĩ đại Tinh hoa trái đất, chất kim cương Con người đẹp nhất trong nhân loại Trí tuệ, tình yêu của bốn phương Lê-nin ơi, Người Thầy, Người Cha Niềm tin trong sáng mãi lòng ta Đêm nay nằm đó, mà thanh thản Vầng trán mênh mông, tỏa chói lòa… Như thế, buổi xuất quân hùng vĩ Chúng ta đi, quyết chí, tự hào Đường Kách Mệnh sáng ngời chân lý Đảng cầm cương lịch sử lên cao Hãy nghe khúc nhạc đầu hùng tráng Bản trường ca chiến đấu Việt Nam Trống Xô Viết rung trời cách mạng Cờ búa liềm đỏ đất Hồng Lam… (1)

Bản trường ca chấm dứt bằng trùng trùng xua động tiếng hờn căm. Cuối đường kách mệnh đỏ máu là một vực thẳm đớn đau đón chờ dân tộc.

Lịch sử thế giới từng nhiều lần biện biệt: Công hôm nay có thể biến thành tội ngày mai, hay, công cho một nhóm nhỏ lại là tội đối với một đại khối triệu triệu người. Chủ nghĩa cộng sản có công hay tội với nhân loại? Câu trả lời hôm nay có thể còn tùy phía mà khác nhau nhiều ít.


Duy một điều mọi người có thể nhất trí với nhau:

Chủ nghĩa cộng sản là con đường dài nhất đi từ tư bản chủ nghĩa tới tư bản chủ nghĩa. (7)

Dài nhất, và đúc bằng nhiều xác người nhất. Chết đạn lẫn chết đói.

Lý do? Dọc đường kách mệnh,

lãnh tụ đảng đã trở thành hoàng đế kiêm giáo chủ, nghĩa là quyết định sự sống chết không những của thân xác mà cả linh hồn của con người. (8)

Thê thảm hơn nữa, ở cuối đường kách mệnh, người người hỏi nhau: Đâu rồi trống Xô-Viết? Đâu rồi cờ búa liềm? Đâu nào cơm no áo ấm? Đâu nào dân chủ tự do? Con thuyền lịch sử cận đại Việt Nam chở đầy khẳm nỗi bất hạnh vĩ đại chưa từng của dân tộc, mệnh danh Độc Lập – Thống Nhất:

Cuộc tuẫn đạo nhân dân bị biến thành vụ trấn lột khổng lồ thế kỷ người tiếp người vênh vang nhận tròng nô lệ… (9)

Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ (3)

Chúng ta không dấu diếm sự lạc hậu kinh khủng của cơ chế quản lý nước ta với bộ máy quan liêu có lẽ tồi tệ nhất trên hành tinh này vào những năm chót của thế kỷ hai mươi. (10)

Nếu đã vậy, đừng tiếp tục dựa vào mớ công trạng chưa được lịch sử phân định để tự tiện hành quyết vận mạng đất nước hôm nay và di hại tàn khốc về sau cho hàng chục triệu đồng bào.

Chừng nào còn một kẻ quyền uy nghêng ngang lâu đài phía Nam, vi-la phía Bắc bước lên bục cao rao giảng trơn lì về sự quên mình cho dân cho nước, đất nước thêm một lần ô nhục. Chừng nào còn một kẻ quyền uy nhấc điện thoại đổi đen thành trắng bước lên bục cao rao giảng trơn lì về dân chủ, đất nước thêm một lần khốn khổ. (9)

*

Dân tộc Việt Nam có thực sự cần đến cuộc cách mạng tháng Tám để đạt mức sống lầm than đang có ngày nay không?

Chẳng lẽ không còn con đường nào yên lành hơn Ngoài một lối vượt đá ngầm giông bão? (11)

Dân tộc Việt Nam có thực sự cần phải đổ máu đánh Tây, bài Nhật, chống Mỹ, chiếm Cam Bốt, kháng Tàu… để dẫn đầu bảng sắp hạng các nước nghèo đói lạc hậu của thế giới, và để đi tới tình trạng thui chột, phân hóa như ngày nay không?

Trời mắt ếch đáy giếng nào kiêu ngạo Tổ quốc tôi nằm ở đâu Trên mùa gặt địa cầu? (11)

Ngắn gọn, dân tộc Việt Nam có thực sự cần đảng CSVN lãnh đạo không?

Ảo tưởng và lý tưởng không phải là một. Ảo tưởng và thực tế càng không phải là một.


Người ta không thể sống bằng ảo tưởng (12).


Ai cũng biết. Nhập nhằng đánh tráo ảo tưởng với lý tưởng là một gian trá dẫn đầu mọi gian trá, một sai lầm dẫn đầu mọi sai lầm.

Bản thân của sai lầm đã gây ra tổn thất. Không biết sai nên cứ làm tiếp sẽ gây tổn thất gấp mười. Biết sai mà bưng bít, hay nghe người khác nhắc nhở mà lờ đi và dấn tới, sẽ gây tổn thất gấp trăm.

*

Giữa hy vọng tập thể và tham vọng cá nhân chỉ là một chân tơ kẽ tóc. Giữa tính công thần và mầm tội ác cũng không cách xa hơn.

Mọi diễn trình hiểm nghèo đều bắt đầu chính từ sự huyễn hoặc nhân danh. Cái nhân danh đầu tiên và sau chót cùng nằm trên điều bốn hiến pháp.

có lắm sự nhân danh lạ lắm mượn áo thánh thần che tốt ma ranh nhân danh thiện tâm làm lắm điều ác đức rao vị nhân danh để bán món vị mình (13)

Từ đấy, từ chương đầu của hiến pháp và hàng ghế đầu của đảng, tội ác thi đua mọc rễ, đâm chồi, nảy nhánh. Nhanh, mạnh và vững chắc như một loại đậu thần trong huyền thoại. Không phòng ngừa, ngăn chận tội ác trước khi nó xảy ra đã là một trọng tội.

Chúng đang nhậu từng cánh rừng giải núi từng mảng trời ruột đất ngàn khơi nhậu mọi thứ từ Vua Hùng để lại nhậu tới nàng Tô Thị rã thành vôi Chúng đang nhậu trên thân em trinh bạch trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom(9)

Trước tội ác đã xảy ra mà không dùng quyền lực pháp định để trừng trị là một tội lớn mười.

Xin pháp luật soi sáng mọi nhà, trừng trị những kẻ nhân danh cái thiện mà làm cái ác (14)

Các đầy tớ của Người mặt mày quan dạng ngồi dửng dưng trước từng núi đơn từ (9)

Dùng quyền lực để toa rập với tội ác hay bao che cho tội ác phát triển hầu mưu cầu lợi riêng là một tội lớn trăm.

Hà cớ gì,

Dân có tội thì xử theo hình, quan có tội thì xử theo lễ (9) ???

Bao từ ngữ nhờn trơn che đậy cường quyền bọn đểu cáng mặt mày đạo mạo chúng nó ác hơn sói hùm và tinh ranh hơn cáo lò sát sinh tỏa hương vị thiên đường (9)

Lớn hơn nữa, lớn hơn hết, dùng quyền lực để bắt bớ hãm hại những người đòi hỏi trừng trị tội ác là một tội không thể nào dung.

bao người trung liệt bị chém đầu còn gian thần thì ung dung áo mũ… (15)

Không có gì quý hơn độc lập không có gì quý hơn tự do ai đọa đày ai vì một lời nói thật ai yên lành nhờ uốn lưỡi vòng vo? (9)

*

Đừng đánh trẻ nít chỉ vì chúng làm sai những việc rất nhỏ, khi mà ta chưa dám phản đối lãnh đạo đảng làm sai những việc động trời.

Với những sai lầm nhỏ nhặt, trẻ nít đáng được khoan dung tha thứ. Trẻ nít thường không tự biết mình dốt.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà cứ nhân danh tuổi trẻ là được khoan thứ. Bởi ngay chính tuổi trẻ đã không thể ỷ lại vào sự khoan thứ để tiếp tục làm sai.

Càng khó khoan thứ hơn ngàn lần đối với những lão già nhân danh đảng để Chung Thân Làm Sai và di hại nhiều đời cho cả nước. Bởi những bộ óc xơ cứng đó không thể nào vừa tự phong là đỉnh cao trí tuệ, lại vừa bảo là không tự biết mình đã dốt còn tham.

Không thể nào

Bảy chục còn nghi tuổi mới ba (16)

Cái ngu dốt vì kém hiểu biết tự nó không nguy hiểm là bao. Những tác hại trầm trọng bắt nguồn từ sự ngu dốt vì tư duy chật hẹp khi nắm quyền lực trong tay, đi kèm với lòng tham chỉ muốn mỗi mình được tất.

Tuổi trẻ không nhận ra sai lầm vì bất trí.

Tuổi già không nhìn nhận sai lầm là bất lương.

Cải Cách Ruộng Đất là cái sai không thể khoan thứ. Nhân Văn-Giai Phẩm là cái sai không thể khoan thứ. Xét Lại – Chống Đảng là cái sai không thể khoan thứ.

Giết dân trong suốt ba cuộc chiến khốc liệt vừa qua để tiếp tục giết dân trong mấy mươi năm thống nhất là cái sai không thể khoan thứ.

Chánh sách trù dập trí thức, chánh sách tem phiếu hộ khẩu, chánh sách giam người tùy tiện, chánh sách tập trung cải tạo, chánh sách giáo dục rô-bô-hóa quần chúng, chánh sách y tế xuyên tâm liên, chánh sách xã hội bán máu đổi gạo – bới rác đổi rau, chánh sách văn hóa nô dịch tận diệt tính tình người, chánh sách thông tin bưng bít một chiều, chánh sách ngoại giao ăn mày khấu tấu, chánh sách đổi tiền đánh sập tư sản công thương nghiệp miền Nam, chánh sách đày dân lên rừng làm kinh tế mới, đuổi dân ra biển tìm tự do, hay đẩy dân đi làm lao nô nước ngoài để trả nợ chiến phí v.v… đều là những cái sai không thể khoan thứ.

Xác người xưa nơi đâu Hồn người xưa quanh quẩn… (17)

Vật vờ, kìa những hồn ma Nhập vào mặt đá cười ra mặt đời (18)

Hàng triệu người Việt Nam đã chết hay chịu thương tật vì những cái sai đó. Hàng chục triệu người Việt Nam đã và đang bị bức khổ triền miên vì những cái sai đó. Dân tộc Việt Nam đã bị chia lìa, phân hóa, hận thù, thui chột, vì những cái sai đó. Đất nước Việt Nam đã rơi vào hố sâu lạc hậu, đói nghèo, ký sinh, cũng vì những cái sai đó.

Đó không chỉ thuần là những cái sai.

Mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm (13)

Những đôi mắt đã hiện hình khắp chốn Họ đã thấy những cái ác không thể nhìn thấy (19)

Đó là Hệ Thống Tội Ác Có Tổ Chức.

Không! Không! Không! không thể mặc những mưu đồ gian trá ấy máu nhân dân đâu phải nước xuôi dòng đến người chết cũng đội mồ đứng dậy khi trên đời còn một mảy bất công (9)

*

Đất nước tôi thuyền vỏ trấu vờn đỉnh sóng Số phận neo người vào bóng Trường Sơn (11)

Số phận của dân tộc là tập hợp số phận của mỗi cá nhân. Muốn giải quyết cái to, phải khởi sự bằng những giải quyết riêng từng cái nhỏ. Số phận chỉ thực sự khắc nghiệt khi ta coi đó là điểm cuối của cuộc đời. Chính sự an phận là tròng áp bức đầu tiên nơi mỗi con người.

Im lặng nuôi dưỡng áp bức (20)

Nên chi, nếu mỗi cá nhân quyết không buông xuôi đời mình cho số phận, cả nước sẽ có cơ xây dựng lại Việt Nam.


Hãy cùng nhau bước vào cuộc kháng chiến mới. (21)

Tuổi hai mươi không tin vào định mệnh Định mệnh là đối thủ tiến công (22)

Đình công, bãi thị, biểu tình… Công nhân, tiểu thương, nông dân đang vung tay thách đố với số phận.

Kiến nghị, thư ngỏ, báo chui…. Trí thức, nhà văn, đảng viên đang chấm mực vẽ lại chân dung số phận.

Thẻ đảng trả về cho đảng. Con người đòi quyền làm người.

Tiềm lực còn ngủ yên? (9)

Không! Tiềm lực đã vươn vai đứng dậy.

Lúa non ngấp nghé đầu bờ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên (23)

Người bước ra đường. Chữ nghĩa đã biến thành nắm tay.

Người câm như hạt thóc Ba mươi năm, Ba mươi năm nằm mục! Bỗng bật mầm Òa lên mùa màng con gái lúa ứa sữa (24)

Hờn căm đã biến thành sức mạnh rào làng, quăng cán bộ xuống giếng. Phẫn uất biến thành ngọn lửa đốt cháy xe công an cơ động, hỏa thiêu trụ sở Mặt Trận Tổ Quốc.

Thái Bình đang sục sôi quật lại số phận. Trà Cổ, Xuân Lộc, Hố Nai đang vùng lên đấu tranh cùng số phận. Niềm tin đã biến thành biểu ngữ gìn vườn giữ ruộng: Một cây chàm bị đốn là một mạng người ngã theo!

Thái Bình – Xuân Lộc chỉ là điểm khởi.

Những bông lúa mới đang báo hiệu mùa Xuân.

Đi tới thắng lợi, xin cầu chúc bạn, cầu chúc tất cả chúng ta… (25)

Tháng 1-1998 Chú Thích: (1) Tố Hữu; (2) Xuân Diệu; (3) Chế Lan Viên; (4) Lê Xuân Tá; (5) Ngô Thị Ý Nhi; (6) Ninh Đức Định; (7) Lech Walesa; (8) Nguyễn Đình Thi dẫn lời Nguyễn Văn Linh; (9) Bùi Minh Quốc; (10) Trần Bạch Đằng; (11) Trần Mạnh Hảo; (12) Việt Linh; (13) Nguyễn Duy; (14) Trần Huy Quang; (15) Trần Chấn Uy; (16) Cao Bá Quát; (17) Hồ Thanh Điền; (18) Kiều Kim Loan; (19) Nguyễn Lương Vị; (20) Francois Mitterand; (21) Nguyễn Khắc Viện; (22) Lý Phương Liên; (23) Ca dao; (24) Đỗ Nam Cao; (25) Vũ Kim Hạnh.

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page