2000.01 – Cuộc Trấn Lột Khổng Lồ Thế Kỷ
- LVMỹ-K24
- Feb 10, 2022
- 15 min read

. LVM, bút danh trên báo Văn Lang: Thạch Hãn MN
Ngay khi cầm quyển báo này trên tay, chúng ta đã mặc nhiên bước vào hàng hiên của kỷ nguyên 2000 mà không hề được trưng cầu ý kiến. Thế kỷ 20 đang đi bước cuối, tính theo dương lịch. Hơn 2500 năm trôi vào hư không, tính theo Phật lịch. Gần 5000 năm nòi giống thăng trầm, tính theo Việt lịch...
Dù tính theo lịch nào đi nữa, cái bắt tay với năm 2000, năm trừ tịch của thiên niên kỷ, cũng khiến bao người Việt ngậm ngùi dõi mắt nhìn thiên hạ hân hoan nắm tay nhau trên chuyến tàu siêu tốc của nhân bản, thịnh vượng và tiến bộ. Bỏ lại trên sân ga ngập rác một Việt Nam còm cỏi loay hoay xóa đói giảm nghèo, với bao nỗi nhục nhằn thế kỷ…. Nhục Nhằn Nô Lệ
Dù có lười xé lịch, ngày tháng vẫn lặng trôi. Dù có lười đọc sử, một ngàn năm Bắc thuộc và một trăm năm Tây xâm vẫn ngồn ngộn mực đen giấy trắng. Trong buổi giao thời giữa hai thế kỷ 19–20, cuộc kháng chiến của cụ Hoàng Hoa Thám ở chiến khu Yên Thế và phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu chính là biểu tượng hào hùng của tinh thần chiến đấu giành lại độc lập để canh tân Việt Nam.
Ôi! Việt sử là Tranh đấu sử Trước đến sau, cầm cự nào ngơi (1)
Nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam tích tụ ngay đó: Cầm cự nào ngơi! Với hai đối thủ cùng lúc trong thế kỷ 20: Thực dân Pháp và Đồ đệ của quốc tế cộng sản. Cái khác biệt giữa hai tay đồ tể đó là một kẻ chủ tâm đô hộ và một kẻ tự nguyện xin được làm nô lệ người khác để cai trị dân mình.
Hồ Chí Minh, sau một thời viễn du làm bồi tàu và bếp cạn, đã tìm đến xứ sở của Lê Nin, tự xưng là một đệ tử chân truyền và coi tư tưởng Mác Lê là ngọn hải đăng soi đường… cho dân tộc! Dưới‘ánh sáng thần kỳ đó, Hồ đã cùng Lâm Đức Thụ bán tin cho mật thám Pháp ở Thượng Hải bắt cụ Sào Nam rồi giải về giam giữ ở Huế cho tới cuối đời.
Cũng chính họ Hồ, sau khi cướp chính quyền trong cái gọi là cách mạng tháng Tám, đọc tuyên ngôn độc lập hồi tháng 9/45 xong, lại cúi đầu đón rước 15000 quân Pháp đổ bộ vào vịnh Bắc Việt bằng bản sơ ước 6-3-46, và chính thức hóa quyền cai trị của thực dân Pháp bằng thỏa ước Fontainbleau vào giữa tháng 9 cùng năm.
Rồi cũng chính những đồ đệ quốc tế cộng sản ở Việt Nam ký tên vào hiệp định Genève ngày 20/7/54 để cắt đôi đất nước, sau đó lại tung chiến xa Liên Xô, súng máy Tiệp Khắc và hỏa tiễn Trung Cộng vào cưỡng chiếm miền Nam, tất thành nhiệm vụ chính yếu được quan thầy giao phó là bành trướng xã hội chủ nghĩa trên cả nước Việt Nam, dâng đảo cho Tàu, dâng đất cho Nga.
Nếu không có tay sai, làm sao có quan thầy? Chính xác biết bao, câu nói của một danh tướng Hải Quân VNCH. Và đau đớn thay cho vận nước, sau nửa thế kỷ chập chùng núi xương sông máu, bị đám tay sai tự nguyện khấu đầu hiến trao vào tay chủ mới. Trong danh sách các mặt hàng giả mạo ở Việt Nam, món độc lập của Hà Nội đã được xếp ở vị trí hàng đầu. Trong lúc hàng triệu sinh linh nằm xuống cho việc quảng cáo mặt hàng giả đó là điều có thật.
Mỗi chiến thắng Một lần gươm-tắm-rượu Ruồi vẫn qua lùng máu sa trường (2)
Cuộc tuẩn đạo nhân dân Bị biến thành cuộc trấn lột khổng lồ thế kỷ Người tiếp Người – vênh vang nhận tròng nô lệ (3)
Còn thật hơn nữa, tài nguyên cả nước được triều cống dưới hình thức trả nợ chiến phí. Tính đến giữa tháng 12/1999, bảy mươi lăm triệu tấn dầu thô của Việt Nam đã được khai thác bởi… VietSovPetro. Ngược lại, quân viện và kinh viện của Liên Xô cũ là nguồn sữa nuôi dưỡng một đội ngũ đầy tớ rạp mình suốt nhiều thập niên dài.
Vận nước đâu nào tự ý nổi trôi? Lũ nô bộc quốc tế đó còn theo lệnh chủ, xua quân xâm chiếm láng giềng để thực hiện giấc mộng Đông Dương, rồi phải trắng xương ngập máu nhân dân lần nữa để chống đỡ cựu quan thầy phương Bắc.
Đến đầu thập niên cuối của thế kỷ, quốc tế cộng sản tan rã ngay trên cái nôi sản sinh ra nó. Dù vậy, đám lâu la của gã bồi tàu cũng chỉ biết quen đường cũ.
Cây đổ lâu rồi, gió vẫn reo (4)
Lê Khả Phiêu tuyên bố tiếp tục con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Hãng Reuters đi tin dưới tựa đề: Thế kỷ mới, Khẩu hiệu cũ. Chuyển ngữ xác nghĩa sang tiếng Việt hẳn phải là Thùng mới, ”Ấy” cũ?
Chỉ tội nghiệp người nghe bị gió reo mùi. Con bọ xích ”Y2K” của Việt Nam không tàng ẩn trong máy vi tính, mà nằm ngay trong mớ phân bón chính trị bộ.
Gió lập ngôn đầu hồi luồng lĩnh xướng Khoai lang gàn luống dọc thích bò ngang (5)
Trong bối cảnh nô lệ không định hướng và thiếu thống nhất hiện nay, những đỉnh cao loài củ này có thích bò ngang dọc, hay cú nói có, vọ nói không gì cũng không thành vấn đề, nếu họ đừng xưng xưng là lãnh đạo. Đừng tam bộ nhất bái sang Nam Ninh triều kiến họ Đặng, họ Giang. Đừng đánh bóng hội nghị các nước nói tiếng Pháp. Đừng lạy lục để được tối huệ quốc với Nhật. Đừng xé lẻ tiếm đoạt tài nguyên đất nước làm vốn doanh thương với Mỹ….
Nói chung, đừng nằm ngửa nhổ ngược vào đầu gối cựu thù, và đừng bắt dân phải cùng bò lê bò lết theo định hướng nô lệ muôn chiều của đảng.
Thế kỷ 20, nhìn lại, chính là một thế kỷ tai ương của dân Việt. Suốt 5000 năm giữ nước, sử Việt đã ghi biết bao kỳ công của cả dân tộc và các anh hùng anh thư xả thân bao lần để đưa đất nước thoát cảnh nô lệ, cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối (6).
Đến 100 năm cận đại, xương máu và truyền thống anh dũng của dân tộc bị huy động vào mục tiêu tự nguyện làm nô lệ của một thiểu số ngu dốt tham lam và hám quyền. Bên trong là nô lệ thủ trưởng. Bên ngoài là nô lệ ngoại bang. Cho đến thời mở cửa, chính sách đối ngoại cũng chỉ một mực ăn xin, mong ”làm bồi mọi nước”. Đó là một trong những lý do chính yếu đã khiến các ẩn số của hai bài toán của Việt Nam từ đầu thế kỷ vẫn bị giữ nguyên cho đến giờ.
Do đó, khi quốc tế cộng sản đã rã, việc chống cộng của người Việt Nam không còn tự thu hẹp ở mục tiêu lý luận chống lại một thứ chủ nghĩa huyễn hoặc không tưởng, mà...
...cụ thể ra là triệt tiêu tinh thần nô lệ của đám đầu lãnh nhân danh thứ chủ nghĩa phế thải đó nhằm giữ độc quyền cai trị, dìm chết dân tộc.
Chính vì vậy, ngày nay, tức ở buổi chuyển tiếp giữa hai thiên niên kỷ, cuộc đấu tranh chấm dứt chế độ cộng sản vẫn còn là một tiếp nối tiến trình giải đáp hai bài toán độc lập và canh tân dính liền nhau đó. Nhục Nhằn Kinh Tế
Dưới chế độ của Hán triều, dân Giao Chỉ đã đau khổ lầm than. Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn đã ghi như vậy ở trang 127. Tới thời Minh triều xâm lăng, những đau khổ lầm than của dân ta lại gia tăng gấp bội.
Nhưng chưa thấy quyển sử nào ghi rằng dân ta phải bẻ đôi hột muối chi viện cho chiến trường bành trướng chủ nghĩa.
Chưa bao giờ dân tộc được phân loại thành các giai cấp thiếu đói, đói, và đói gay gắt. Chưa thời nào dân ta phải bươi rác kiếm gạo, bán máu đổi cơm. Cũng chưa ai đọc được lấy một dòng kêu gào thế giới cứu đói, thời Hán thuộc.
Tức là, chắc gì giặc Hán, giặc Minh đã gian ác bằng giặc Cộng thời cận đại?
Một củ khoai cũng lấp ló mây trời Con cò mặc áo tơi đi học Cá sông Lam còi cọc đổ mồ hôi… (5)
Tất cả bắt đầu bằng thứ chính sách kinh tế đặt căn bản trên một ý niệm thời tiền sử được nâng lên hàng tư tưởng:
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm (7)
Miếng ăn, từ đó, không chỉ trở thành mục tiêu tối thượng của nhân dân. Nó còn là thứ vũ khí cai trị của đảng, khi chính sách kinh tế phi tiến hóa đó được phổ quát hóa dưới sự kềm hãm bằng hình thức ân huệ của một hệ thống tem phiếu phân phối:
phải khóc trong thơ và nhỏ lệ thật trong đời để còn được các phiếu tem thịt lợn (8)
Sau từng cơn mê gươm tắm rượu của những kẻ tự xưng lãnh đạo, cái tôi anh hùng của cả dân tộc đã bị biến dạng thê thảm thành một thứ nô lệ vào miếng ăn, để phải nô lệ vào thứ đảng độc quyền ban phát miếng ăn.
Trầy trật lưng cơm, đọi cháo Tôi rạp đầu Bạc tóc rạp đầu Lạy hạt gạo thiêng (2)
Chủ nghĩa bắp thịt, sau các loại thành quả chèn pháo Điện Biên, băng dọc đường mòn Hồ Chí Minh, cõng gạo vượt Trường Sơn, tải thương cho ”R”, tải đạn cho ”B” v.v… sau cùng, là để thống nhất hai miền… chống đói. Tỷ lệ lao động ở thành thị Việt Nam được thống kê có 7,6% thuộc giới xích lô, ba gác; 2,7% bốc vác; và 1,4% là giới bán vé số. Còn thất nghiệp lên tới trên 25%.
Đất nước đẫm mồ hôi đá. Con người toát mồ hôi xương.
Em vất vả – Tối ngày tất tả Lưng áo em – Ngoang vôi trắng xóa Cái trắng này – Vắt tận trong xương (2)
Thế kỷ 20 là một chặng đường đọa đày cùng cực của dân tộc Việt dưới ách độc tài cộng sản. Không khác gì Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba, đó là thế kỷ của hàng chục triệu nạn nhân Việt Nam gánh chịu biết bao hậu quả khốc liệt của rềnh rang các thứ chính sách cải cách ruộng đất, tem phiếu hộ khẩu, giá-lương-tiền, kinh tế mới, ngăn sông cấm chợ, cải tạo tư sản….
run trong cơn đói rũ mềm vỗ tay thật lớn cho lên tinh thần (9)
Đệ tam quốc tế rã đám trước khi thế kỷ 20 chấm dứt. Chủ nghĩa cộng sản đồng loạt bị vất bỏ khắp nơi. Đau đớn chừng nào, ngay tại Việt Nam, một nhúm kẻ ngu muội tham lam vẫn nhân danh chuyên chính vô sản để kéo dài sự đày đọa của cả dân tộc dưới vực sâu nghèo đói vào tận kỷ nguyên 2000.
Mây bay về thuở hồng hoang Dưới mây nắng vẫn chói chang kiếp người (10)
Giữa cộng sản cai trị dân tộc bằng cái ác và những người chống lại điều ác, đâu mới thực sự là cực đoan ngu muội? Nhục Nhằn Văn Hóa
Tháng Tám 1945 không chỉ là mốc đánh dấu một giai đoạn chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Thê thảm trên mọi thê thảm, nó còn được cả miền Bắc coi là một cột mốc quy định cách sáng tác của nền văn học Việt cộng.
Đề tài bình luận văn học cả nước đã lặp lại bao lần câu hỏi: Thơ của thi sĩ X (hay Y, hay Z) trước và sau Cách Mạng Tháng Tám 1945 có gì thống nhất và có gì khác biệt? Học trò trung học phổ thông, sinh viên đại học ngành văn, và các trại viên sáng tác đã bù đầu không ít với loại chủ đề nhồi nhét phổ cập đó. Thật lòng trả lời cho câu hỏi vừa nêu, khó ai cầm lòng về một nửa thế kỷ văn hóa nô dịch Sida rài rạc. Cần trích dẫn một tiêu biểu mẫu mực chăng?
Lê Nin ơi, người Thầy, người Cha Niềm tin trong sáng mãi lòng ta… Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin… Thương mình thương một, thương Ông thương mười (11)
Cùng lúc với nỗ lực nắn nót viết hoa các thứ thầy, cha, ông… đó, thất đảm thay, chính là việc dồn sức cấy trồng những thế hệ măng non Việt Nam bằng thứ văn hóa căm thù. Theo đúng bài bản con người mới rô-bô của điện Cẩm Linh:
Ôi! hôm nay lòng ta như họng súng… (12)
Nỗi nhớ em, anh dành để căm hờn (13) Máu kêu máu trả thù Súng đâu, anh em đâu Bắn nó thủng yết hầu Bắn tỉa, bắn dài lâu… Dù chúng mọc nghìn đầu,
chúng ta vạn tay chẳng mỏi… (8)
Súng này càng bắn càng hay
Một tay em chấp mười tay quân thù… (11)
Đôi bàn chân thoăn thoắt Vượt lên tầng thép sắt Giặc dội bom sập hầm Tay súng còn siết chặt… (14)
Khi ngồi vót chông các em vụt lớn Giặc ở bên kia hẳn rằng lo sợ Chính các em mai này vươn lớn sẽ thành chông… (15)
Bước kế tiếp của những dòng thơ kích động căm thù là gì, nếu không phải là đẩy dân vào cõi sinh Bắc tử Nam và lớn tiếng ca tụng hành động dã man giết hại đồng loại, diệt vong đồng bào? Ghê rợn và tởm lợm thay cho một nền văn hóa sát nhân bắc thang cho các thợ thơ lên hàng nhất phẩm:
Đẹp như Huế dậy đầu xuân đỏ cờ… Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời… (11)
Ta đánh mày hân hoan như sinh đẻ Và thiêng liêng như xây dựng kỳ đài… (12)
Hệ quả tất yếu của nền văn hóa mày-tao đó là gì? Kỳ đài thiêng liêng đó ở đâu?
Đầu non trắng xóa phải là xương? Mặt cỏ xanh rờn ai đếm mộ?… (16)
Em kéo dải khăn sô lên trán những đứa con Còn nằm lại Trường Sơn chưa kịp về chịu tang cha mẹ (10)
Trùng trùng nghĩa trang liệt sĩ như chông tre cắm dọc đất nước, tràn qua biên giới Tây Nam, trải dài suốt biên giới Bắc. Lại còn được Tổng cục Du lịch Hà Nội trang trí các tụ điểm hài cốt trên sách hướng dẫn thành những nơi danh thắng! Tức là khai thác thành tiền cả những cái chết tức tưởi cho một thứ âm mưu làm nô lệ.
máu hồng tuôn xối trang kinh thành giòng cách mạng dân mình thác oan (9)
Tổng cục Thống kê Hà Nội ghi nhận có tổng cộng 29 ngàn bà mẹ anh hùng và 1 triệu 100 ngàn liệt sĩ được cấp bằng. Những bà mẹ anh hùng, những liệt sĩ vô danh đều được tuyên dương công lao hy sinh cho những ”đồng chí” sống sót ngày nay làm lãnh đạo đang liên hoan uống bia trong bồn tắm gái.
Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch Trên lưng mẹ già còm cỏi một đời bom (3)
Theo nhận định riêng của một thứ trưởng trong nhà nước CSVN đi công du nước ngoài, riêng Hochiminhville có khoảng 300.000 gái mãi dâm. Tức tương đương với ¼ tổng số phụ nữ ở lứa tuổi 15-35.
Thống kê năm 1994 còn ghi nhận là 2/3 số nóc gia ở vùng Trà Cổ, Móng Cái, là địa điểm mãi dâm. Cả một khẩu hiệu rềnh rang công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay thu rút lại trong phạm vi công nghệ du lịch. Vốn đầu tư là các điểm danh thắng và những con số vừa thống kê. Nối liền hai nền văn hóa sát nhân thời chiến là văn hóa mại-dô thời bình, quả thật cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh tự nó đã là một thứ văn hóa thảm-nhung-gai trải ra đón mời nhân dân Việt bò lê suốt thế kỷ trầm luân. Dọc dài hai bên tấm thảm gai màu đỏ đó, những cây bút minh họa tầm vóc hay mầm non cung đình cũng đã uốn gối khép mình dưới một lưỡi hái kiểm duyệt tự treo. Thành ba giai cấp:
Một là ”trung hiếu”,
Văn chương đao búa vện vằn Vẽ mặt cao quý để săn đồng bào (3)
Hai là ”phải đạo”,
lồng son chim hót thảnh thơi dăm ba hạt thóc quên trời tự do (8)
Ba là ”tỉnh thức”,
Một hôm anh bỗng giật mình Thấy nhân tính với nhân tình tiêu tan (17)
Nhân phẩm của anh – lâu nay không biết còn hay mất… Này em, mình có phải là người nữa không em nhỉ? (18)
Khi nào thì được gọi là diệt chủng, giết hết người hay hủy hết tính tình người?
Nhục Nhằn Nhân Bản
Vào giai đoạn Trương Phụ của nhà Minh xua quân sang xâm lăng Việt Nam, lúc Đặng Dung thua trận Hàm Tử, Trần Quý Khoách rút về Nghệ An, quân Minh chiếm đóng toàn thể Bắc phần…. Việt Sử Toàn Thư có ghi:
Trong dịp này, một số người a dua với chúng, giết hại nhiều đồng bào để được làm quan, bọn cẩu tẩu tha hồ tung hoành phỉ chí. So sánh với mấy thời Bắc thuộc trước, cảnh địa ngục của giặc Minh rùng rợn hơn cả (19).
Nghe quen quen. Nhưng không ai đọc được dòng nào nói về tình hình vượt biên vượt biển làm chòng chành rúng động thế giới, thời đó.
Tần Thủy Hoàng đã từng hãnh tiến về thành quả thống nhất nước Tàu. Hai mươi mốt năm sau ngày ký hiệp định cắt đôi đất nước, Hà Nội cũng tự ca tụng thành quả thống nhất Việt Nam. Những điểm tương đồng? Cũng đốt sách, cũng diệt đạo, cũng bắt giam nghệ sĩ, trí thức, văn nhân…. Và chôn sống học trò bằng cái gọi là nghĩa vụ quân sự. Con tàu Thống Nhất chạy suốt đường xuyên Việt sau năm 1975, chỉ nhằm nối liền hai miền địa ngục:
xích xiềng rợn tiếng kéo lê những hồn oan khuất gọi về thắp hương (9)
Cả nước biến thành một trại tù vĩ đại quy tụ bạt ngàn nhà tù nhỏ. Mỗi công dân tỵ nạn ngoài hải ngoại đều được coi là thuộc thế lực phản động, vì ở ngoài tù. Mỗi công dân trong nước đều mặc nhiên được coi là có tội trước khi tòa án nhân dân phán quyết trắng án, tức được ở tù lớn. Cho đến thời mở cửa, những công dân muốn du lịch nước ngoài đều cần phải được công an chứng nhận Đương sự không có vấn đề gì, trước khi làm đơn xin chiếu khán!
Hình như nơi đây Bị đày trong im lặng (20)
Cả nước biến thành rừng nhiệt đới. Đứng trên luật của rừng chỉ loài King Kong là dã vượn làm vua. Ngoài những tiếng hú, rừng già luôn tĩnh lặng. Không thể khác. Không phải hình như. Tất cả loa phóng thanh đều của đảng. Cả truyền hình, cả báo chí, cả nghị quyết, cả nghị định, cả chữ nghĩa. Chữ lẫn nghĩa. Làm đơn ra báo tức ”đương sự không thể không có vấn đề”. Đừng so với nền báo chí VN thời Tây thực dân, vô ích. Cả nước phải thành hến. Nước hến.
Không thể buồn vui tùy tiện.
Niềm vui mãi treo đỉnh núi chon von Nỗi buồn suốt đời ẩn sâu lòng đất (21)
Không thể phát huy tùy ý.
Bịt mắt bắt dê, đâu cũng thấy thần đồng Mở mắt… bóng nhân tài thất thểu… (22)
Mao đã dạy như thế. Bón cây. Hoặc cao nhất cũng chỉ có thể là cây. Loại Bonsai.
Giá sinh ra còi cọc Đành nhẽ với mệnh trời Đây… mảnh rừng luân lạc Đại thụ thành đồ chơi (22)
Tiếm dụng tài nguyên là bởi lòng tham. Phí phạm tài năng là do trí đoản. Cả hai đều là tính đảng. Nên chi, đàng sau chính sách triệt tiêu nhân phẩm và chất xám là một hệ quả Việt Nam Lạc Hậu. Đã có kẻ so sánh Việt Nam hiện nay tương đương Thái Lan 20 năm trước, và là Đài Loan 30 năm trước. Đã có bảng sắp hạng Việt Nam thuộc thế giới thứ ba.
Nghĩ đến tương lai trào nước mắt Nhìn về quá khứ toát mồ hôi (24)
Đừng bảo ”bọn phản động” chỉ khơi gợi những cái nhìn đen tối. Hãy nghe chính kẻ trong chăn nhẵn rận:
Chúng ta không dấu diếm sự lạc hậu kinh khủng của cơ chế quản lý nước ta với bộ máy quan liêu có lẽ tồi tệ nhất trên hành tinh này vào những năm chót của thế kỷ hai mươi. (25)
Có phải đó là hành trang duy nhất của Việt Nam bước vào thiên niên kỷ mới? Ở mức độ nào thì điều không dấu diếm đó đuợc chính thức coi là một quốc nhục?
*
Dù không ai chờ đợi, dù chẳng ai sẵn sàng, Mới đó năm hai ngàn đã tới (26)
Mớ nhục nhằn đã qua, với từng người Việt Nam, đã là một nỗi đau kéo dài nhiều thế hệ, và đã biến từng người Việt Nam thành một chứng nhân lịch sử:
Ngót thế kỷ bạo quyền Không dập tắt nổi nén nhang (2)
Thiên kỷ đang sang số. Việt sử phải sang trang. Từng người Việt Nam hãy đứng dậy tự làm lịch sử. Để con cháu mình hãnh diện tự nhận là con cháu Việt, đời đời.
Tháng 1-2000.
Chú thích: (1) Vũ Hoàng Chương; (2) Phùng Cung; (3) Bùi Minh Quốc; (4) Nguyễn Thị Hồng Ngát; (5) Trần Mạnh Hảo; (6) Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh; (7) Hoàng Trung Thông; (8) Xuân Diệu; (9) Nguyễn Hữu Nhật; (10) Thu Bồn; (11) Tố Hữu; (12) Chế Lan Viên; (13) Cao Vũ Huy Miên; (14) Xuân Thiêm; (15) Đỗ Trung Quân; (16) Vũ Khêu; (17) Nguyễn Bắc Sơn; (18) Chu Ngọc; (19) Sử gia Phạm Văn Sơn; (20) Văn Cao; (21) Đặng Kim Giang; (22) Nguyễn Duy; (23) Phan Quế; (24) Khuyết danh; (25) Trần Bạch Đằng; (26) Huỳnh Văn Dung.
Комментарии