top of page

Bao Công Vùng IV

  • LVMỹ-K24
  • Feb 9, 2022
  • 15 min read

. Lương Văn Mỹ

(Đặc san Song Ngư II 2008)



Nguyễn Sáng Chiếu và tôi từng là đôi bạn cặp kè từ những ngày đầu trung học. Cả hai có một điểm giống nhau là sinh quán tại Sài Gòn, nhưng lại về tỉnh sống với ông bà Ngoại, chờ những dịp bãi trường mới về thủ đô thăm nhà. Ngay vào những dịp đó, chúng tôi cũng phóng xe qua lại với nhau. Cả hai gia đình đều coi chúng tôi là con.


Nhờ đó mà tôi được biết đến một Bao Công thời đại, và sự tiếp xúc đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của chính tôi về sau này. Đó là Đại Tá Quân Pháp Nguyễn Văn Chiếu, Chánh Thẩm Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Vùng IV Chiến Thuật, kiêm Đại Biểu Chính Phủ Vùng IV, và là ông thân của Nguyễn Sáng Chiếu.


Những lần qua Thị Nghè thăm bạn, thi thoảng lắm tôi mới gặp được bác. Phần lớn thì giờ ngoài nhiệm sở của bác (lúc làm việc ở Nha Quân Pháp) là …ở trường Luật. Bác đã đậu mấy bằng Luật rồi mà vẫn ghi danh học nữa, học hoài. Còn nhớ, trước đận Mậu Thân (tức là bọn tôi chưa xong trung học đệ nhất cấp), có lần tôi đánh bạo hỏi bác: “Dạ bác lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa là giải ngũ, về hưu, mà cháu thấy bác lúc nào cũng học…, để chi vậy?”. Bác cười cười: “Cốt yếu của sự học không phải để lấy bằng hay lên lon lên chức, mà là để mở rộng kiến thức cho việc phán đoán chuẩn mực và hành xử đúng đắn mỗi ngày. Nếu đã tính như vậy thì sự học biết bao giờ là dứt? Riêng gia đình bác thì đông con lắm, bác còn một điểm phụ nữa là học để làm gương cho mấy đứa nhỏ”. Chết chưa! Nghe mà toát mồ hôi! Tôi chỉ hỏi một câu tò mò đơn giản bằng hòn sỏi, lại nhận được một bài học để đời to như trái núi.


Tôi quay về Sài Gòn từ đầu năm đệ tam. Chiếu cũng phải về Sài Gòn sau tú tài đôi. Chiếu vào ĐH Khoa Học, còn tôi vào Luật khoa. Cả hai qua lại với nhau hàng tuần, nhưng ít khi tôi gặp bác, về sau mới biết dạo đó bác bận túi bụi với những phiên tòa xét xử tù binh Việt cộng đến chật cả trại Phú Quốc.


Cuối năm đó tôi quyết định gia nhập Hải Quân, dù vẫn còn tuổi hoãn dịch hai năm vì lý do học vấn. Tôi mặc bộ khaki quân sự học đường, giắt bàn chải và thỏi kem đánh răng vô túi, rồi lén đợi má tôi dọn hàng ra bán ngoài trường học, mới yên tâm lên “thưa chuyện” với ba tôi. Là bởi tôi sợ má tôi sẽ òa khóc khi nghe tôi đăng lính vào lúc tin chiến sự dồn dập dội về Sài Gòn hàng ngày.


Ba tôi không ngạc nhiên mấy. Ông chỉ dặn tôi mỗi điều đơn giản: “Đây là lúc khởi đầu của những quyết định của con về đời sống và lẽ sống của chính con, trong đó sẽ có cả những quyết định ảnh hưởng đến sinh mạng và gia đình người khác. Phải luôn nhớ đến trách nhiệm đó và cân nhắc thật kỹ cho từng quyết định”. Ông bảo tôi đến thắp hương trước bàn thờ Ông Bà trước khi rời nhà. Bà chị tôi sụt sùi lột cho sợi dây chuyền mỏng teng, gọi là để phòng hờ những lúc đói bụng hết tiền, lại dúi thêm cho chai dầu Nhị Thiên Đường còn lưng nửa, phòng khi gió máy. Cứ thế, tôi đeo xe buýt ra bến Bạch Đằng, với một đinh ninh chắc nịch rằng mọi việc sinh hoạt đã có quân đội lo cho từ đây.


Sau một loạt thủ tục hành chánh dò giấy tờ, lấy số quân, khám sức khỏe…, các tân binh thường phục ở đây được hai đàn anh (về sau biết ra là niên trưởng Văn Inh & Lý Tỷ khóa 21) hướng dẫn một số động tác thao diễn cơ bản, xong rồi bảo: “Về đi, mai gặp lại”.


Chết chưa! Về đâu bây giờ, khi mà tôi không dám nhìn má tôi khóc? Bèn thả bộ dọc theo Hải Quân Công Xưởng, qua Thảo Cầm Viên, rồi tự nhiên qua Thị Nghè, nhà Chiếu. Tôi biết là hai bác không ngại cho tôi tá túc ít lâu, cho tới khi nhập trại. Thế là Chiếu với tôi kéo nhau ra café Lú nghe nhạc, tán gẫu chuyện trên trời dưới đất, từ Mỹ Tho lên tới Sài Gòn.


Tới tối, tôi nghe tiếng má của Chiếu sụt sùi. Thì ra hắn vừa mới “thưa chuyện” với ba má để đăng lính. Cái này mới là chết giấc bình phương: Thứ nhất là tôi về đây xin tạm trú vì không dám về nhà mình, mới nảy sinh ra trường hợp Chiếu cũng đòi đăng lính. Thứ hai là tôi không dám nhìn má tôi khóc, nhưng bây giờ đang nghe má của bạn mình khóc. Tôi nợ bác gái một món nợ suốt đời không trả nổi.


Vì rằng bà đã có một số dự định về tương lai của Chiếu, là qua trung gian của người dượng của Chiếu là Tùy viên Quân sự Tòa đại sứ Việt Nam ở Tunisie, Chiếu sẽ qua Tunisie rồi qua Pháp để theo học ngành Y. Trong lúc đó, ý kiến của bác trai thì khác hẳn: Việc gì phải đi Tây? Nó sinh ra ở đây thì phải làm đủ bổn phận ở đây cái đã! Còn muốn học ngành Y thì nhà mình đâu thiếu gì bạn quen để giới thiệu cho nó vào …Quân Y? Thế là bác gái càng tức tưởi hơn….


Rốt cục, sáng hôm sau, một tân binh đèo một chuẩn tân binh vào Bạch Đằng (vì đã biết là có thể gửi xe và giữa trưa là bị đuổi về). Chiếu cũng trải qua những thủ tục y chang như tôi vừa mới làm ngày hôm qua, số quân hai đứa chỉ cách nhau một con số. Sau đó một thời gian, đám tân binh đợt chót của khóa 24 được tải ra Cam Ranh, bằng dương vận hạm, để thụ huấn căn bản quân sự đặc thù hải quân, thay cho các chương trình tổng quát ở Quang Trung như các đợt trước đó.


Nếu các quân trường đều tập trung ở Cam Ranh thì chắc là chẳng mấy ai ngại đi lính. Ở đó chỉ có trời, biển và bạn bè. Các tour du lịch tân kỳ ngày nay cũng chỉ mong đạt được ngần đó cho du khách. Nha Trang nhộn nhịp hơn, nhưng hoàn toàn thiếu cái riêng tư một cõi của Cam Ranh. Rồi cả khóa đón đàn em, xây tượng đài Thánh Tổ, về Sài Gòn diễn hành 19/6, và ra trường.


Chiếu về Hải Đội III, bên cạnh Bộ Tư Lệnh Vùng III Duyên Hải, Cát Lở, Vũng Tàu. Tôi về Duyên đoàn 34, viết tắt là ZĐ34, trấn thủ cửa sông Hàm Luông, là đơn vị gần nhất với hắn mà tôi còn có thể chọn.


Về mặt công tác, ZĐ34 trực thuộc Vùng III Duyên Hải. Nhưng về mặt địa dư, ZĐ34 nằm trên lãnh thổ của Chi khu Ba Tri (quê quán cụ Đồ Chiểu), thuộc Tiểu khu Kiến Hòa, Vùng VI chiến thuật, và do đó, kiêm nhiệm luôn cả các hoạt động yểm trợ cho các đồn Địa Phương Quân nằm sát mặt sông trong vùng này.


Có 2 ngả để về tới đây từ Sài Gòn: Thứ nhất là ra trình diện ở Cát Lở (Vũng Tàu) và chờ đến khi có chuyến Ferro-Cement của ZĐ lên Cát Lở công tác, hoặc có khi may thì quá giang được chuyến PCF nào đó của Cát Lở đi công tác xuống cửa Hàm Luông hoặc Cổ Chiên, Ba Động, rồi “nhảy ghe” về ZĐ. Thứ nhì là đi xe đò về Mỹ Tho, qua phà Rạch Miễu, sang xe lam về chợ Bến Tre, nhảy xe lôi đi tới phà Chẹt Sậy, đón xe đò chợ chạy ngang Giồng Trôm về quận Ba Tri, rồi đeo xe lam lần nữa để về xã Tân Thủy, ấp Tiệm Tôm, là nơi đóng quân. Tôi tân đáo đơn vị bằng ngả thứ nhì. Và ngay trên đường trình diện đã học được lắm điều về quê hương và con người, bằng chính cảm xúc tại chỗ, mà có lẽ không một bài học chiến tranh chính trị nào có thể cung ứng được.


Phà Chẹt Sậy là giải pháp tình thế cho bà con hai bên sông có thể qua lại, sau khi cộng quân giật sập cây cầu sắt Chẹt Sậy, không phải bằng mìn, mà bằng hàng trăm thân dừa cột lại thành bó, được thả vào lúc nước ròng chảy xiết xuống nhanh nhất. Lúc xe lôi buông khách ở bến phà, bỗng dưng có một đám con nít tự chọn lấy khách, xà tới, xin vác mướn hành lý xuống phà cho khách. Thằng bé gầy còm đến nài nỉ tôi không bằng lời mà bằng ánh mắt và bằng ngón tay chỉ vào cái túi nhà binh nhét đầy sách, to và có thể nặng gấp hai lần chính nó.


Tôi buông cái túi xuống đất, ngồi lên đó, chừa chỗ và ra dấu cho nó ngồi xuống bên cạnh, xong châm thuốc rồi tò mò hỏi thăm thằng bé: Em còn đi học không? Dạ, thôi rồi! Sao vậy? Dạ, chưa có cô giáo mới! Trường em ở gần đây không? Dạ, kia kìa! Tôi nhìn theo ngón tay của nó thì thấy xa xa hình dáng của một dãy nhà tôn chừng ba gian, tất cả đều thủng như một chiếc rỗ úp. Tôi rít đến cháy cạnh điếu thuốc mà vẫn không ngăn được nỗi xúc động, và chưa bao giờ dám mở miệng hỏi thêm câu kế chực trào ra: Còn cô giáo cũ của em đâu?


Tôi tặng thằng bé một ít tiền, tương đương với giá chai bia mà tôi sẽ nhịn, rồi vác túi xuống phà. Phà là một chiếc bè nổi dính chặt vào hai sợi cáp nối vào hai bờ sông. Sợi cáp thấp sát thân bè là trục dây dùng để giữ cho bè không bị trôi theo con nước lớn ròng, thường cong như một cánh cung. Còn sợi cáp trên cao là trục dây dùng để “bẫy” chiếc bè sang bờ bên kia: Khoảng sáu bảy nhân công (chắc là nông dân ngoài vụ mùa) cầm tay những thanh sắt móc vào dây cáp, bấu chân xuống sàn bè mà vận sức bước tới, để đạp cho chiếc bè chạy lui sang bờ bên kia. Người nào đi tới cuối bè thì tháo móc sắt, sắp hàng ngược lại từ đầu bè, rồi bẫy tiếp. Cứ vậy, họ vận chuyển cả xe xăng, xe hàng qua lại con sông bị gãy một nhịp cầu. Tất nhiên là xe cứu thương và xe nhà binh là được ưu tiên vào mọi lúc. Chẳng ai rõ là trong lúc vận sức đẩy bè, họ có nghĩ đến, hay nghĩ gì về những tay phá hoại đánh sập cầu để làm khổ dân nhiều hơn khổ lính như thế này không?


Tới chừng về đến đơn vị, tôi mới được tiếp xúc, gần gủi với rất nhiều nông dân và những đứa bé nhà quê như vừa kể. Và mới tá hỏa ra rằng cái trách vụ sĩ quan chiến tranh chính trị mà các đơn vị thường mặc nhiên giao phó cho những tay mới ra trường (theo thói quen và không thắc mắc) như vầy …quả là một lỗ hổng không phải nhỏ.


Những thằng Đực, con Hường… ở đây không có thì giờ đánh bi-da hay làm điệu. Buổi tối, dưới những ngọn đèn tù mù, tụi nó vừa học bài vừa thắt những sợi dây câu dài cả cây số, xong móc mồi rồi thả xuồng ra giăng dọc theo bờ sông trước khi rửa chân đi ngủ. Buổi sáng, đứa thì đi gỡ dây câu, rọng tôm cá; đứa thì vớt bèo, xắt chuối cây, nấu một nồi cám thật to, để nguội cho đàn heo, xong mới cột túm vạt áo dài, xách dép lội ruộng ra đường cái đón xe bò chở hành ra chợ quận để quá giang tới trường. Cái học ở đây được mọi người cùng hiểu ngầm với nhau và như nhau là để tính tiền cho khỏi lộn, vậy thôi. Có muốn mở rộng chân trời kiến thức hay hy vọng cho chúng nó, ắt hẳn không thể bằng kiểu bài bản sư phạm chúng đã từng nghe ở trường, mà phải bằng những câu chuyện kể dây dưa, sao cho tụi nó phải hỏi tới, hỏi tới…


Những bác Ba Trừ, những chú Tư Đáng… ở đây cũng vậy, sống và suy nghĩ rất đơn giản. Họ đạp xe tới cây cầu khỉ bắc qua mương lạch, tự động kê vai gánh cái đòn dông xe đạp qua bên kia cầu, thả xe xuống rồi leo lên đạp tiếp, mà không cần nghĩ đến chuyện thay sửa cây cầu, nói gì những chuyện lớn hơn, phức tạp hơn, như chủ nghĩa hay chính trị chẳng hạn.


Họ không nắm vững nguyên ủy của cuộc chiến, lại càng không thấy có trách nhiệm gì với cuộc chiến, vì nghe đâu đã có quân đội …nhận sự ủy thác về trách nhiệm đó rồi. Họ sống, phán đoán và hành xử theo cảm tính và cảm tình nhiều hơn là lý luận.


Ngược lại, tâm lý chiến của ta, xuất phát từ thành thị, không có gì nhiều hơn những bài ca Chính Huấn chỉ nhằm làm cho lính lên tinh thần, chứ không phải để thuyết phục dân chúng rằng chính nghĩa thuộc về ta.


Các bác Ba Trừ, chú Tư Đáng… ưa vọng cổ hơn mấy bài chính huấn. Hễ chuyến cào nào có con đuối đen hay con chình, con lịch, là thế nào họ cũng kéo vài ba chai đế với cây cò cây nhị ra mà vui vẻ với nhau. Đây lại là sinh quán và mộ phần của cụ Đồ Chiểu nữa, thành ra tới gần với nông dân ở đây bằng 6 câu Lục Vân Tiên qua những ly đế pha nước dừa này dễ ăn hơn là …Trên đầu súng quê hương tổ quốc đã vươn mình.


Rồi… nhân dịp vui vẻ này mà xin mấy bác đốn cho vài cây dừa để thay mấy cây cầu khỉ, về ZĐ xin vài tấm vỉ sắt thả lên mấy thân dừa cặp đôi, vậy là các bác các chú phon phon phóng xe qua cầu mà không cần phải cõng xe như trước nữa. “Thằng này mới về đây mà coi bộ… biết điều, chơi điệu!”. Không đòi gả con gái cho nó cũng uổng? Cái đó mới chính thực là bằng chiến tranh chính trị do dân cấp cho.


Ngược lại, đó cũng là lúc chính tôi nhận chân ra sự khác biệt giữa tình yêu nước mơ hồ so với lòng thương dân và được dân thương ngay trước mặt. Đối với mấy ông già bạn đế này thì trong ZĐ không có cấp bực gì ráo. Trừ một người họ gọi là “ông Trưởng” ra thôi, còn lại đều là thằng tuốt luốt. Nhưng tới khi mấy ổng thương rồi thì tin tức tình báo tràn về không kịp nhớ: Khi nào “nó” về, về mấy đứa, súng ống ra sao, nó về ngả nào, đi ngả nào, có thu “thuế” hay không, chận đường nào thì lấy được cùi thuế v.v….


Các toán trực của ZĐ, từ đó, ngoài nhiệm vụ chính là tuần tiễu cửa sông và đổi quân định kỳ cho các đồn địa phương quân, còn gia tăng một sinh hoạt bất thường nữa là thả ghe cây Yabuta vô rạch ..đi kích đêm. Ngầu nhất trong đám kích đêm này là toán của Trung úy Nguyễn Hữu Khiêm “Khàn” (khóa 19) và Thiếu úy Lê Bá Thạch (khóa 23, chiến sĩ xuất sắc đi Đài Loan cuối năm 1973).


Thỉnh thoảng, Đại úy Du (khóa 15), Chỉ huy trưởng ZĐ, cũng thả quân đi kích. Có lần ông dứt điểm hai cộng quân với cùi “thuế” thu tiền của dân, kèm theo 1 mã tấu và 1 súng ngắn K-54. Bản báo cáo theo ngả Hải quân không có gì trở ngại. Chỉ rắc rối là từ bản báo cáo theo ngả Chi khu lên Tiểu khu rồi về Quân đoàn VI. Viên Thiếu tá Phượng Hoàng của chi khu không chứng nhận đó là hai cộng quân, chỉ vì lý do đơn giản là Đại úy Du không biết nhậu, và không “biết điều” (chia tiền “thuế” tịch thu của địch, thay vì gửi hết về Vùng III Duyên Hải). Điều đó có nghĩa là Đại úy Du bắn lầm dân và ngụy tạo tang chứng!


Dò hỏi ra mới biết là viên Thiếu tá Phượng Hoàng còn xúi thân nhân của địch đi kiện ZĐ, hồ sơ kiện tụng sẽ chuyển về Tòa án Quân sự Cần Thơ. Tôi nghĩ đến bác Chiếu, và đề nghị với Chỉ huy trưởng cho tôi lo chận vụ này. Đại úy Du bắt tôi phải lên trình diện Tư Lệnh Vũ Đình Đào, để trình bày mọi chuyện và nhận thêm chỉ thị của thượng cấp. Tôi trình diện Phó đề đốc Đào cả thảy hai lần. Lần trước là bởi bài báo (về hệ thống bổ nhiệm sĩ quan chiến tranh chính trị) tôi gửi đặc san Lướt Sóng không đăng, lại đề nghị ngược là tôi cần trình bày thẳng cho Tư Lệnh Vùng để trực tiếp giải quyết. Lần này là để Tướng Đào cấp sự vụ lệnh cho tôi đi Cần Thơ, kèm theo một lá thư tay kính gửi Đại tá Quân Pháp Nguyễn Văn Chiếu.


Trên đường đi, tôi cố gắng sắp xếp câu chuyện trong đầu để có thể kể mạch lạc cho bác Chiếu nắm rõ về mối tương quan không mấy thuận thảo giữa ZĐ với bên Phượng Hoàng của Chi khu, bởi tôi biết rằng chỉ có cơ hội lần này là duy nhất. Điều này làm tôi nhớ lại lần ra tòa “bào chữa” cho bạn đồng khóa Bảo Sự, hồi cuối năm sinh viên alpha, trước khi nhận đàn em 25. Lần đó, tôi đã cố khơi hết mọi điểm có thể sử dụng được trước phiên tòa của trường, để cãi cho bạn, nhưng không thành công đối với trường hợp của Bảo Sự. Lần này, tôi biết là mình có nhiều lợi thế hơn.


Bác Chiếu đón tôi sau giờ làm việc. Thành ra tôi không biết khung cảnh của tòa án hay văn phòng của bác như thế nào. Chỉ biết chỗ ở của bác là một căn trong dãy nhà xe đàng sau tòa án, ngay kế bên là căn của người thượng sĩ tài xế kiêm “bếp trưởng”. Phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ của bác dính liền nhau và không có vách ngăn. Phần lớn bàn ghế làm bằng tre hoặc mây. Trên cái bàn vuông của “phòng khách” có một chậu thủy tinh tròn thật to, giống như một bồn nuôi cá cảnh, nhưng chính ra là bồn nuôi con giấm, dưới đáy bồn còn nguyên một trái chuối xiêm chín rục.


Hai bác cháu và người thượng sĩ tài xế của bác cùng ăn cơm chiều với nhau: gà kho xả ớt, dưa leo, và canh rau má nấu tôm khô. Món tráng miệng là chuối khô với nước trà. Sau bữa cơm, tôi nói chuyện về ZĐ34 với bác tới khuya, cho tới khi người thượng sĩ tài xế của bác qua giăng mùng cho tôi ngủ tạm trên cái phản tre lót đệm.


Sáng hôm sau chia tay. Bác dặn tôi về nói lại với Đại úy Du là bác đã hiểu chuyện, rất thích những anh em đánh giặc “tới nơi tới chốn” và không chơi trò “lót tay” trong quân đội; bác sẽ đợi coi hồ sơ và sẽ có những thủ tục thích ứng đối với bên nguyên để khiến họ phải tự ý bãi nại, sau đó, nếu Đại úy Du có muốn kiện ngược lại bên Phượng Hoàng thì sẽ tính sau.


Tôi đón xe đò quay về lại nhiệm sở ngay hôm đó với lời nhắn của bác Chiếu. Tuần sau, Đại úy Du rủ tôi đi Cần Thơ. Ông muốn tự tay mang một cặp Cognac đến cảm tạ ông Đại Tá Quân Pháp. Tôi bàn ngang: thứ nhất là bác ấy không uống rượu, thứ hai là ngay cả người nhà từ dưới quê đến thăm mà xách gà với cam lên biếu là bác không tiếp. Đại úy Du bảo cứ đi, nhận hay không là chuyện của ổng, còn phần cảm tạ không thể thiếu là việc của mình. Lần này chúng tôi đi bằng xe Jeep của ZĐ.


Bác Chiếu tiếp chúng tôi cũng sau giờ làm việc, vẫn tại dãy nhà xe đàng sau tòa án. Ông bảo: Ông đại úy đã có công mang quà từ xa về biếu, tôi không nhận thì phụ lòng ông, mà nhận thì không đúng nguyên tắc của chính tôi. Thôi thì để được cả hai, tôi xin nhận nhưng không dùng. Nói xong, ông mở nắp cả hai chai Cognac, và rót cùng lúc vào bồn nuôi giấm đặt trên bàn phòng khách. Tay hạ sĩ nhất tài xế của Đại úy Du đứng nhìn, tròn xoe cặp mắt và nuốt nước bọt đánh ực.


Ngay vào lúc đó, tôi mói cảm ra được giá trị của những chiến công thắng giặc và chiến thắng chính mình còn khó hơn thắng giặc. Tôi biết là tôi đang đứng trước một anh hùng đã đạt mức tự thắng, mà theo nhà Phật gọi là hạnh Bồ Tát. Sau đó, bác Chiếu có đôi lời ngợi ca tinh thần đánh giặc của anh em ZĐ trước khi tiễn khách, nói rất tiếc là nơi ở chật hẹp không thể giữ khách qua đêm. Chúng tôi ra Cần Thơ tìm chỗ trọ. Chiều đó, Đại úy Du đãi tôi một chầu bánh cóng rượu nếp than ngay bến Ninh Kiều. Ông bảo là nhờ không nghe lời bàn ngang của tôi mà được gặp một con người thật đáng kính phục. Giữa năm 1974, Đại úy Du rửa lon Thiếu tá, và cưới vợ. Giữa năm 1975, Thiếu tá Du quyết định ở lại Việt Nam, vì còn mẹ già ở Sài Gòn. Ông không được ở gần mẹ, mà phải vào tù cải tạo.


Bác Chiếu cũng đi tù cải tạo. Ông bị đày qua nhiều trại tù Bắc Việt trong 13 năm liền, vì lý do đã xét xử quá nhiều tù binh Việt cộng ở Vùng IV. Sau này, khi cả nhà sang Mỹ theo diện HO, tôi ghé thăm bác, mới hay là trong tù, bác đã học thêm tiếng Nga, và đã tự dịch một số sách Nga.


Với tôi, bác vẫn là một anh hùng như ngày nào: Kẻ địch đã đánh những đòn thù chí mạng, nhưng bác vẫn lấy sự học làm thuốc để an lành ngẩng mặt ra khỏi những trại tù khắc nghiệt nhất Việt Nam, và có thể là thuộc hàng đứng đầu thế giới. Bác chăm sóc bác gái (bị tai biến mạch máu não và bán thân bất toại) tại một y viện ở Mankato, Minnesota, cho tới lúc cả hai bác cùng về nước Chúa.


Nhưng hình ảnh anh hùng của bác, từ trước và sau năm 1975, vẫn đọng lại trong trí tôi, mãi mãi.

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page