top of page

Lạc Giữa Rừng Hoa

  • LVMỹ-K24
  • Feb 9, 2022
  • 39 min read


. LVM, bút danh Lương Trung Lương

(Đặc san NĐC-LNH 2004)








Miền Nam mưa nắng hai mùa. Ai cũng biết. Mỹ Tho là một tỉnh nên thơ bên dòng sông Tiền của vựa lúa miền Nam. Cả điều này nữa, có ai còn phải hỏi? Nhưng, thiệt ra, Mỹ Tho đẹp nhất là …mùa thi! Nói nghe lạ, bạn hả? Cứ thong thả, tôi sẽ kể bạn nghe dăm ba chuyện nọ xọ chuyện kia về một thời “Mỹ Tho của tôi”, “Mỹ Tho của riêng tôi”:



Tôi vốn dĩ không được diễm phúc sinh ra tại Mỹ Tho. Đó là sinh quán của ba má tôi.


Quê Nội của tôi là xã Đạo Thạnh, với những vườn mận hồng đào rám đỏ cả vùng tả ngạn rạch Bảo Định. Ông Nội tôi là “xếp ga” Dầu Giây và có mấy năm phục vụ trên tuyến đường rầy Sài Gòn-Mỹ Tho. Ông Chú tôi làm “xếp ga” Mỹ Tho thời cuối thập niên 40 của thế kỷ trước. Ba tôi cũng là công chức xe lửa, làm trưởng xa, miệt mài trên tuyến đường Sài Gòn-Lộc Ninh và Sài Gòn-Mường Mán. Do vậy nên tiểu gia đình chúng tôi định cư ở Sài Gòn, “cho tiện công ăn việc làm”.


Còn quê Ngoại của tôi là xã Lương Hòa Lạc, quận Bến Tranh. Ông Ngoại tôi là Hương Cả trong làng, lại là một trong những người hiếm hoi còn chịu dạy chữ Nho. Ít ai biết tên thật của ông, chỉ gọi bằng thứ, là ông Cả Sáu. Sau Hiệp Định chia cắt đất nước, các cậu tôi phục vụ trong quân đội lo ngại tình hình bất ổn ở vùng quê (nghe đâu từ Phú Kiết tới Ong Văn đã có rải rác mấy tay tập kết mon men quay về quậy phá), nên mới đưa ông bà Ngoại tôi ra Châu Thành. Tôi được ông bà Ngoại nhận nuôi “cho có bầy cháu hủ hỉ trong nhà”. Cùng hủ hỉ trong nhà ông bà thời bấy giờ còn có hai người anh chị em họ con cô con cậu với tôi nữa. Người anh học trên tôi một lớp, còn người chị học cùng cấp với tôi.


Theo trí nhớ (không lấy gì làm chắc) của tôi, thời đó, thứ bậc các năm học tiểu học của tỉnh nhà bắt đầu là lớp Đồng Ấu (sau đổi thành lớp Năm, rồi lại được đánh số thứ tự theo hệ thống 12 năm, thành lớp 1). Kế tiếp là lớp Dự Bị (tức lớp Tư, rồi sau này đổi thành lớp 2). Kế nữa là lớp Sơ Đẳng (tức lớp Ba, về sau cũng là lớp 3). Từ đó mới lên lớp Nhì (tức lớp 4 bây giờ), rồi lớp Nhất (tức lớp 5 ngày nay). Lại còn thêm cấp Tiếp Liên, dành cho những thí sinh thi rớt vào lớp đệ thất công lập được học thêm một năm ở bậc tiểu học để gạo bài cho kỳ thi năm sau. Sổ học bạ Mỹ Tho của tôi bắt đầu bằng lớp Dự Bị ở chi nhánh Cầu Bắc của trường Nam tiểu học Trương Công Định.


Trường là một dãy nhà nửa tôn nửa lá nằm thẳng góc với đường rầy xe lửa cắt ngang một đầu Giếng Nước làm đôi. Nói có đất trời làm chứng, cả đời tôi chưa bao giờ được biết tới một loại “giếng” hình chữ nhựt có chiều dài gần hai cây số và bề ngang hơn trăm thước (mà nếu cần, có thể dành cho ít ra là hai chiếc hàng không mẫu hạm thả neo) như vậy. Lại cũng chưa từng tự hỏi: Từ bao giờ, và ai là người đã (nửa cắc cớ, nửa khôi hài) đặt tên chính thức vào bộ sổ địa bạ (lẫn bản đồ) cho một cái hồ nhân tạo chứa hơn hai triệu thước khối nước ngọt cho cả tỉnh lỵ sử dụng như vậy, là …Giếng Nước!


Bởi, cứ phỏng theo điệu đó thì ắt phải mô tả chính xác rằng Mỹ Tho là một xóm nhà nằm dọc theo con lạch có tên là Tiền Giang chăng? Ngược lại, cứ hễ Mỹ Tho nói tới tép muỗi thì các nơi khác phải hình dung ra con tôm càng xanh chăng? Mỹ Tho của tôi nhỏ bé và khiêm nhường như vậy đó!


Hai con đường đổ đá xanh lổm chổm dọc biên của giếng mang tên hai bác sĩ người Âu, một bên là Yersin và bên kia là Pasteur. Nhà Ngoại tôi ở gần đầu đường Pasteur. Con đường này được đánh dấu như cổng chào bằng hai cây “cau kiểng” có kích thước tương ứng với cái giếng vừa nói. Nghĩa là cũng khổng lồ, vòi vọi, tới nỗi một thằng bé học trò lớp Dự Bị như tôi có tận tình dang hết sải tay cũng ôm không hết gốc cây, chưa nói tới bụng cây còn phình nở to hơn cả gốc.


Còn nhà cửa mặt tiền của con đường này thì, làng nước ơi, cứ như một hàm răng khểnh duyên dáng của loài …cá mập: Cái nhô ra, cái thụt vào, với không biết cơ man nào là ngả hẽm quanh co ăn thông qua tận vườn ông Khánh bên xóm Cầu Sắt đi Vòng Nhỏ. (Lại thêm một thắc mắc khác bật ra ở đây: Bạn nào rành Vòng Vừa hay Vòng Lớn Mỹ Tho ở đâu xin vui lòng hướng dẫn!). Hẳn là bởi đội hình kiểu nhà “răng khểnh gập ghềnh” đó, mà hệ thống số nhà trên đoạn đường này cũng “quân hồi vô phèng” tương tự: Cả xóm không hề có nhà số 7. Vậy mà căn nhà số 7Bis tự động nằm lọt sau căn nhà số 14, bên cạnh nhà số 153A, và chệch phía trước nhà số 72 “suyệt” 5 “suyệt” 4…. Tất nhiên là mỗi nhà mỗi vẻ (mười phân vẹn mười?): Mái lá kề mái ngói. Vách ván kế vách tôn. Sân đất nối sân xi-măng. Hàng rào bông bụp nhấp nhô cạnh hàng rào xương rồng, hay bông ti-gôn leo trên giàn kẽm gai khu trù mật v.v…. Mỹ Tho của tôi trăm hoa đua nở như vậy đó!


Cái mẫu số chung duy nhất của dãy nhà trệt (theo đội hình răng cưa sứt mẻ) này là đều xoay mặt về phía bờ giếng và đều có cột cờ giữa sân trước, hay bảng vẽ cờ vàng ba sọc đỏ và những bảng kẻ khẩu hiệu “Tố Cộng Là Bổn Phận Của Công Dân” nền xanh chữ trắng treo trước cửa, ngay bên cạnh bảng số nhà. Nhà nào cũng in hệt vậy, chỉ khác nhau cái sân trước rộng hẹp, trồng đầy nhãn, ổi, mận, xoài….


Mãi mấy năm sau, tên đường Pasteur được biếu không cho xóm Cầu Sắt, còn đường này được đổi thành Trần Hoàng Quân, mang tên vị Đại tá Tỉnh trưởng bị Việt cộng giựt mìn tử thương ở ngã ba Tân Hiệp. (Bác Thượng sĩ tài xế và đứa con trai của bác quá giang theo xe Jeep cũng bị tử thương trong vụ này chính là chủ nhân căn nhà hai “suyệt” nói trên). Theo chỗ tôi biết, Mỹ Tho của tôi là nạn nhân chiến cuộc từ đầu như vậy đó!


Khổ thân cho một tên học trò bị thuyên chuyển đơn vị giáo dục vì “lý do gia cảnh” như tôi. Bởi cứ theo địa hình của cái giếng dài mút mắt đó, có nghĩa là mỗi ngày tôi phải cuốc bộ từ phía bên kia bờ ở đầu giếng lớn, đi bọc đường Nguyễn Tri Phương qua ngả tư Cây Xăng (hàng ngàn lần mà chưa hề thấy cây xăng nào ở đó), rồi đếm dọc hai hàng cây sao và cây me suốt chiều dài con đường Ông Bà Nguyễn Trung Long, ra gần sát bến bắc Rạch Miễu, mới tới trường. Lý do giản dị là vì bọn tôi không thể đi cắt ngang khu Đất Thánh Tây có tường rào cắm miễng chai bao quanh trên tuyến đường Pasteur cũ, dù ngã đó gần hơn.


Từ Sài Gòn đô hội chuyển về, cái cảm giác ban đầu của tôi là, nói tình thiệt, thấy hơi nản, lúc đối diện với dãy trường lợp lá mà sáng sáng học trò phải (chia thành đội) quét lớp, rồi lấy mấy cây tó ba phân vuông để chống liếp cửa sổ lên cho ánh sáng lùa vào lớp học, trước khi hồi trống trường vang động mặt nước hồ báo hiệu cho lũ trẻ xếp hàng chào cờ. Có những hôm mưa lớn, gió thổi tung hèo làm sập mấy liếp cửa sổ, khiến cả lớp tối thui.


Còn lũ học sinh (là người Tổ Quốc mong cho mai sau) ở đây, thì đều khẳng khiu và mốc thích cẳng chân như nhau trong bộ đồng phục quần đùi đen, áo cụt trắng. Về sau, lúc học vẽ trong mấy năm đệ nhất cấp, tôi mới có dịp nghiệm lại hai màu đen trắng đó. Hóa ra, theo kiểu đồng phục bình dân này thì trong màu đen có cả loại màu bàng bạc ngã sang nâu ô-môi, còn màu trắng cũng có thể bao gồm tuốt luốt cả màu …si-rô chanh đá nhận. Được cái là lũ nhóc ở đây tỏ ra rất kỷ luật, (dù áo ngắn rách vai hay quần đùi có hai miếng vá), tất cả đều may phù hiệu nhà trường vào miệng túi áo cẩn thận, và nhét vạt áo vô quần đàng hoàng. (Xin đừng ai nghĩ là bởi mấy cây tó chống cửa sổ các lớp, tội nghiệp!).


Phần lớn học trò đều ôm cặp đệm xếp đôi (treo tòn teng ở quai cặp một “bình mực không đổ” bằng nhựa). Hầu hết đều đầu trần chân đất. Một số nhỏ lẹp xẹp mấy đôi dép Nhựt bổn mỏng dánh. Phần tôi thì, bạn có thể mường tượng nổi không, theo đúng lệnh của ông Ngoại, tôi phải xếp cất kỹ đôi xăng-đan da bò nâu đế cao-su trắng, để lốp cốp cả ngày mang… guốc vông quai nhựa! Ông Ngoại tôi cả đời mang guốc đi bộ, do đó, lũ cháu nội ngoại tụi tôi cũng đều y như vậy ráo.


Lần duy nhất (và hoàn toàn ngoài dự trù) mà tôi được đi xích lô ở Mỹ Tho là vào dịp lãnh thưởng cuối năm lớp Nhất: Cái phần thưởng bọc giấy kiếng màu vàng cột ba sọc lụa màu đỏ ôm vào người là che khuất cả mũi lẫn mắt, khiến thằng lõi không tài nào oằn mình khệ nệ, lốp cốp đôi guốc vông suốt hai cây số rưỡi để bê về nhà. Khi tôi về tới nhà, ông bà Ngoại tôi vui mừng ra đón và hỏi giá để trả tiền xe, nhưng bác xích lô không nhận, bảo là “thưởng thêm cho cháu!”. Bạn thấy chưa? Mỹ Tho của tôi rộng lòng khuyến học như vậy đó!


Ấy vậy mà tới lúc tôi có kết quả trúng tuyển vào đệ thất công lập, cậu tôi muốn thưởng cho chiếc xe đạp nhôm, tức thì phải chạm trán ngay với “ý kiến” của ông Ngoại tôi: “Hễ có xe thì chịu khó… đạp qua nhà khác mà ở”! Phần thưởng của cậu tôi tặng cho, do vậy, đã tự động biến dạng (và tuột dốc Cầu Quay) từ lô độc đắc chiếc Pờ-giô thành lô an ủi là cây viết máy Pi-lốt (cho dẫu đầu đề luận văn thi tuyển năm đó rõ ràng khuyến khích mọi người “Dùng đồ nội hóa là yêu nước!”). Dù sao đi nữa, thằng bé cũng (yên tâm dẹp bỏ cái bình mực không đổ và) có cái để giắt túi áo (lấy le) mà tiếp tục đo đạc chiều dài đường xá Mỹ Tho theo phương cách và đơn vị trắc địa của Ăng-lê thời cổ đại: bằng chân.


Mỏi là chắc rồi! Nhưng kể cũng hay. Nhờ vậy mà tôi thuộc rất rõ vị trí, đội hình, khoảng cách, độ sâu và kích thước của những cái ổ gà thiên phú ê hề nằm dọc lề đường Mỹ Tho, kể cả sự thay đổi hàng ngày của chúng, bao giờ tự ý long lở rộng ra (để “hòa hợp hòa giải” mớ nước sình đọng vũng với mấy cái bên cạnh), hoặc khi nào được mấy bác lục lộ lấp kín lại (hơi vồng lên một chút, để lâu ngày chầy tháng, xe cộ qua lại cán xẹp xuống …là vừa). Còn trên hè đường thì quán nào lót gạch gì trước sân, nhấp nhô cao thấp ra sao, trơn láng hay sứt mẻ thế nào, tôi đều rành ráo trọi…. Mỹ Tho của tôi sần sùi như vậy đó!


Cứ vậy, cứ nhìn xuống là thuộc lòng mớ ổ gà và những bậc thềm sân gạch (cho đỡ bị vấp đứt quai guốc!). Còn ngước nhìn lên? Mỹ Tho lợp mái cả tỉnh bằng… me, bạn ạ! Me đầy đường. Me khắp chốn. Me phủ kín thành phố. Me rợp bóng tuổi thơ cho chí tuổi già của người Mỹ Tho….


Đã từng ở Mỹ Tho, ắt phải có một lúc nào đó trong đời (như ngay lúc này chẳng hạn), bạn sẽ vô cùng hãnh diện thấy ra rằng, nhờ những bước chân vẹt guốc, mà mình (bán chính thức và bất công khai) trở thành một trong những “tay tổ” biết tường biết tận cây nào trong rừng me đại lộ ở đây là me ngọt. Không có gì là khó, cũng chẳng có gì là bí hiểm. Cứ ngó thấy cây nào được trang điểm (hơi nặng tay) bằng những chiếc guốc dép đủ loại đủ màu (và lắm khi cả cặp táp) máng móc trên cành, thì đích thị nó là… me sữa.


Phải chi những hàng me của tỉnh đừng bị đốn trụi thì hẳn là đến giờ này, niềm tự hào sâu đậm nhất của tôi (về mặt lý lịch) nhất định vẫn y nguyên: Qua biết bao thăng trầm thế sự và dâu biển chiến tranh, những chiếc guốc vông mòn vẹt gót của tôi vẫn còn là mớ kỷ niệm lơ lửng đâu đó khắp trời Mỹ Tho. Cho dù tôi là một học trò chuyển trường (bất đắc dĩ), cũng xin đừng ai liệt tôi vào diện …khách trú, tội nghiệp! Căn cước Mỹ Tho của tôi nằm chình ình ngay trên những cành me đó!


Không chỉ vậy đâu. Tôi còn dư thừa những tờ căn cước khác vương vãi đầy tràn mặt đất nữa. Thử đơn cử một thí dụ nhá! Tôi không nhớ rõ chính xác năm nào, có lẽ là vào khoảng đầu năm 1960, nhưng điều tôi nhớ chắc (như bắp nếp nướng phết mỡ hành) là cả tỉnh rần rần dự phần vào loạt sinh hoạt thuộc loại dăm năm một thuở: Vét Giếng! Không lôi thôi gì ráo, “Mỗi người một ngày công!”, lệnh của tỉnh không thể nào rõ ràng hơn vậy được nữa! Nghe đâu, theo bản thông tri từ Tòa Hành Chánh, thì đó là bổn phận của mọi con dân trong tỉnh: Nếu không trực tiếp cầm xẻng xúc bùn thì lo cơm vắt, bánh mì, trà đá cho bà con nông dân từ các quận luân phiên nhau gởi về vét nạo lòng giếng.


Có mấy khi hai con đường Yersin và Pasteur ở đây được phủ đầy lều bạt như vậy? Có mấy khi ky cuốc của nông dân cả tỉnh được tập trung hùng hậu như vậy? Có mấy khi mà mật độ hàng gánh, quà vặt quanh vùng san sát (đặc kín hơn cả nhà lồng chợ) tới vậy? Có mấy khi dân chúng trong tỉnh được tha hồ nhìn cái …giếng cạn (mà không nghe nói có ai phải “tiếc hoài cái sợi dây”)! Có mấy khi lũ con nít quanh vùng được tự do nhào xuống vọc bùn bắt cá mè vinh (về kho mía hay chiên dòn dằm nước mắm me) mà không có thầy cảnh sát nào (vừa thổi tu-huýt, vừa quăng xe đạp) rượt đuổi? Có mấy khi người dân thị thành được mãn nhãn chiêm ngưỡng những tấm lưng trần đen bóng, những bắp thịt cuộn vồng của cả trăm dãy người xếp theo hàng dọc chuyền tay từng ky đất sét từ lòng giếng lên bồi dọc hai bên bờ?…


Tất cả mọi thứ nhập thành một loại lễ hội linh đình không tên của thành phố. Tưng bừng hơn Tết. Rộn ràng hơn cả Trung Thu. Xôm tụ hơn những gánh cải lương hay đoàn hát bội về trình diễn trong các dịp cúng đình. An lòng hơn mấy lần các trường đồng loạt huy động học sinh đi ngăn lụt dọc quốc lộ 4. Quy mô hơn những tối thứ Bảy có ban nhạc Dân Sự Vụ ở Sài Gòn về trình diễn miễn phí ở khán đài trước công viên Dân Chủ. Rầm rộ hơn cả những đêm pháo bông ở công viên Lạc Hồng (do những chiếc bắc thả ngoài Vàm cù lao Rồng bắn đỏ trời) mừng Quốc Khánh 26 tháng 10. Nhộn nhịp hơn cả những Hội Chợ Đấu Xảo Nông Phẩm được tổ chức ở sân banh của tỉnh (mà lũ học trò đua nhau “úi chà”, trố mắt nhìn những quày chuối cao gấp đôi bọn chúng) v.v….


Tất nhiên, trong mọi thứ lễ hội, con nít bao giờ cũng là thành phần hể hả vui sướng nhất. Một trong những cái thú “để đời” của lần Mỹ Tho vét giếng là lũ nhóc không cần đi vòng ngả tư Cây Xăng mỗi sáng. Sách giáo khoa môn hình học phẳng của bọn tôi bấy giờ ghi rằng: Giữa hai điểm cho sẵn là nhà ở và trường học, con đường ngắn nhất (nhưng sôi nổi nhất), và hồi hộp nhất (nhưng hào hứng nhất) bắt buộc phải là… băng ngang giếng. Cũng tất nhiên, tôi là một trong những “đầu tàu” của đám nhi đồng mặc quần đùi đen áo cụt trắng, giắt guốc dép vào hông, đội cặp đệm lên đầu, loanh quanh len giữa mấy vũng bùn nhão dưới lòng giếng cạn để bì bõm tới trường. Không tin thì bạn cứ tát cạn giếng nước Mỹ Tho, tôi sẽ chỉ dấu chân của mình… làm bằng, làm chứng! Mỹ Tho của tôi hả hê như vậy đó!


Lũ con nít chúng tôi ở hai bên bờ giếng, có khi học cùng cấp cùng trường, nhưng ít đứa nào biết mặt cả đám bên kia. Dù vậy, bọn tôi vẫn có khá nhiều kỷ niệm lý thú với nhau. Đời sống tỉnh lỵ vốn êm đềm. Lại càng yên ắng hơn vào những buổi chiều vừa tắt nắng. Nói nghe như diễu, nhưng quả tình là “gió giếng” thổi lồng lộng. Lúc mà mấy con diều đã “bình phi” lượn lờ giữa giếng, bọn tôi bứt cọng cỏ u-vu bên bờ, lựa những cọng chắc dẻo to bằng ngón cái, dài chừng nửa sải tay, rồi vò đất sét vắt thành một nắm nhỏ ở đầu cọng cỏ, xong, quất mạnh cho nắm đất bay sang bờ bên kia. Phần nhiều đều không tới đích, rơi lõm bõm xuống mặt giếng như bom vãi trận thủy chiến Midway. Họa hoằn có nắm đất nào lọt được sang bờ bên kia thì lập tức có ngay những tràng reo hò dậy đất. Không hẹn mà nên, đám con nít bên kia bờ cũng tận lực hưởng ứng, vừa hét hò, vừa quất lại trả đũa. Về sau hết cỏ u-vu, bọn nhóc tự trang bị mỗi đứa một đoạn trúc thay thế (dẻo hơn, chắc hơn, điều chỉnh tác xạ dễ hơn và đạn đạo dài hơn). Vậy là thành một thứ “game-boy” (ồn ào, miễn phí và không cần pin) ở miệt vườn.


Còn vào những dịp Tết, hai bên dàn trận “thao dượt quân sự” với nhau. Vũ khí cá nhân (hơi xa xỉ) là những viên pháo đại. Vũ khí cộng đồng hạng nặng (lại rẻ mạt) là một dàn ống lói xếp hàng ngang. Đó là những ống tre già một lóng, một đầu để trống, một đầu còn giữ nguyên mắt tre, ngay bên trên mắt tre có dùi một lỗ nhỏ phía hông. Thuốc đạn là vài viên khí đá. Cứ cho khí đá vào ống, rót thêm chút nước, một tay bịt miệng ống, một tay bịt lỗ hông, lắc dăm ba cái, xong, chỉa nòng về phía “đối phương”, canh đúng tầm hướng, giác độ trên một chạc chảng ba cắm sẵn, rồi thả tay ra khỏi miệng ống, châm que lửa vào lỗ hông để ngửa, tức thì sẽ có một tiếng nổ rền vang mặt hồ (như qua máy khuếch đại Dolby).


Theo trận pháp liên hoàn, cả dàn “đại bác” khí đá thi nhau gầm thét từng loạt. Chẳng có đầu đạn nào bay sang phía bên kia. Không một ai gục ngã (bởi, họa có ngu mới chơi trò liệt sĩ!). Chỉ có những thằng bé lăn quay ra cười nắc nẻ trên cỏ. Chỉ có tiếng nổ đì đùng và tiếng reo hò tở mở của lũ nhóc con còn nghe âm vang xuyên phá ký ức tới tận bây giờ. Mỹ Tho của tôi ì xèo như vậy đó!


Cứ vậy, tôi lần lượt học hết lớp Dự Bị với cô Chín (nhà ở hẽm Cầu Bắc); lớp Sơ Đẳng với thầy Lâm Văn Nhược (bạn thân của Phó tổng thống Trần Văn Hương, ở gần chợ Vòng Nhỏ); lớp Nhì với thầy Phạm Thành Ngộ (ở bên kia rạch Bảo Định, ngang Đài Chiến Sĩ); và lớp Nhất với cô Bé (con thầy Thanh tra Thế, ở đường Lê Lợi). Khoảng giữa của những lớp đó là màu đỏ chói chang, khiêu khích, nửa mời mọc, nửa thách đố, của mấy gốc phượng trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu mà tôi vẫn hằng ôm một giấc mơ được bước ngang qua tàn bóng đổ, “để thành người lớn!”.


Rủi thay, ông Ngoại tôi biết tỏng, thành thử, năm nào cũng vậy, ông nhất định cho tôi lên Sài Gòn thăm nhà chỉ nội trong hai tuần đầu mỗi kỳ bãi trường, sau đó là phải về lại Mỹ Tho để “ôn bài cho khỏi quên chữ nghĩa”, trong khóa Hè ở trường tư thục Lễ Nghi Học Hiệu, nằm giữa hãng gạch bông Đồng Tâm (?) và ngôi biệt thự cổ kính của thầy Thanh tra Thế.


Trong đầu óc non dại thời đó, tôi cứ chắc nịch nghĩ rằng: Lúc cỡi voi ra trận, hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị, hoặc bà Triệu Trinh Nương vang danh kình ngư biển Bắc, có lẽ cũng chỉ oai phong lẫm liệt như bà hiệu trưởng trường này, là cùng. Cứ chụp ảnh bà hiệu trưởng rồi in vào sách sử ký là con nít cả nước hình dung ra ngay những anh thư nữ kiệt Việt Nam từ ngàn xưa nổi dậy chống ngoại xâm, thầy cô không phải mất nhiều công sức mô tả!


Đúng như tên gọi, trường dạy chữ thì ít, mà rèn môn Đức Dục và Công Dân Giáo Dục là nhiều, cho nên, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy bà hiệu trưởng điều động toàn trường bằng tác phong của một… nữ tư lệnh quân khu. Lũ nhóc bọn tôi thời đó đều nhất mực sợ bà một nước, chẳng hề có một đứa nào dám ngang nhiên thõng tay đi ngược chiều với bà. Lỡ mà nghe bà hắng giọng gọi đúng tên thì có đứa, nếu yếu bóng vía, là dám …ướt quần, chứ không giỡn! Do vậy mà toàn thể con trai con gái học trò của Lễ Nghi Học Hiệu đều giống hệt nhau ở tính …nhu mì!


Rồi, bạn có tin được không, thùy mỵ nhất (những khóa Hè ở) trường này là trò Võ Thị Trinh, và tôi! Lý do ban đầu làm quen nhau, nói có hai vai tả hữu làm bằng, là bởi cả hai đều mang guốc vông, chỉ khác nhau cặp quai trong suốt hay có vẽ hoa lài hoa sói. Nhỏ Trinh để tóc dài ngang lưng, học bên trường Nữ tiểu học (khóa chính cả năm). Còn tôi húi cua, học bên trường Nam (sau khi chi nhánh Cầu Bắc bị giải tỏa). Hai trường đâu lưng lại, chỉ cách nhau vòng rào trường bán công Thiên Hộ Dương chen vô giữa.


Nhà nhỏ Trinh là tiệm hớt tóc Hoàng ở đường Lê Đại Hành, cạnh tiệm vẽ quảng cáo A-Sơn, ngang hông trường Nguyễn Đình Chiểu. Hồi đó tôi cứ chọc nhỏ hoài về tấm bảng quảng cáo Uốn-Ép-Sấy-Gội-Nhuộm-Cạo, rằng: Sao lại phải tốn tiền làm đủ hết mọi thứ rồi mới cạo trọc? Lại còn bảo sau này không cần học cao, Trinh cũng có thể làm viện trưởng …Viện uốn tóc! (Nếu đúng vậy, thì nhất định tôi sẽ làm viện trưởng… Viện nhiếp ảnh!). Chọc vậy chứ suốt năm chẳng gặp nhau, chỉ đợi tới Hè để lốp cốp hai đôi guốc vông đi ăn nước đá đậu đỏ bánh lọt mỗi giờ ra chơi. Hết năm lớp Nhất thì tôi bước qua bên kia đường Hùng Vương (để thành người lớn), còn nhỏ Trinh thì lên Sài Gòn theo học ở trường Quốc Gia Nghĩa Tử.


Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ sau kỳ lãnh phần thưởng mà tỉnh tổ chức chung cho cả hai trường (rồi tôi nghe lời nhỏ Trinh dám gọi xích lô về nhà như đã kể trên). Nghe nói là sau tú tài đôi, cô bé tóc dài guốc vông này được học bổng du học Hoa Kỳ (hay Colombo của Tân Tây Lan?), biết đâu hiện đang làm viện trưởng một trường đại học hay một viện bào chế y dược nào đó không chừng! (Nếu có cơ gặp nhau đâu đó, chắc chắn là tôi sẽ đãi gia đình nhỏ Trinh mấy ly đậu đỏ bánh lọt, tới cành hông thì thôi!).


Về sau này, đôi lúc nhớ lại những “mùa Hè đỏ… đậu” đó, tôi mới nghiệm thử: Chẳng biết có phải tôi chơi thân với nhỏ Trinh thuở đó là vì nét nhu mì và mái tóc dài của nó che khuất được phần nào vẻ mặt nghiêm khắc lạnh lùng của bà hiệu trưởng trường Lễ Nghi Học Hiệu này, hay không? Mà thiệt ra, cái bất tương xứng là, nói tình ngay, bà có dữ dằn gì cho nên nỗi? Lời nhắn nhủ cuối khóa Hè của bà, năm nào cũng vậy, cũng vẫn là: “Lớn lên mấy trò có thể là ông nọ bà kia, đậu bằng này bằng khác, hơn cả cô thầy ở đây… Nhưng cô chỉ mong mấy trò ăn ở đàng hoàng, tử tế, sao cho xứng đáng là …người có học! Thành thử phải đàng hoàng, tử tế, cho quen, ngay từ bây giờ, để sau này, cho dẫu có đi đâu, ở đâu, cũng đừng để ai coi thường người Mỹ Tho, vậy thôi!”. Trời đất! Cả một nhân sinh quan vĩ đại và một tấm lòng thiết tha với quê nhà như vậy (không biết cả đời tôi làm nổi không nữa, hay chỉ làm tới đâu hay đó, rồi dạy lại cho con mình làm tiếp), mà bà bảo “vậy thôi”, cái một! (Bấy giờ tôi mới đoán ra ý Ngoại tôi bắt về đây học Hè là để “đừng quên chữ… NGHĨA”). Mỹ Tho của tôi trọng nghĩa nặng tình như vậy đó!


Đó là chuyện của những mùa Hè trích ngang kể dọc. Còn những mùa khác à? Sinh hoạt ở nhà Ngoại tôi có lẽ phải là mẫu mực ngăn nắp cho các …quân trường! Bằng chứng là tụi tôi mặc nhiên trở thành những thiếu sinh quân …tại gia. Lệnh của ông Ngoại tôi được bọn nhóc triệt để áp dụng răm rắp ngày này qua ngày khác, lâu dần biến thành một loại thời khóa biểu hay bảng liệt kê ở trình độ “nhập tâm”: Cái gì không được làm (thì nhiều lắm), đã đành! Cái gì được làm thì lại đi kèm thêm vài điều kiện “đơn giản” nữa là khi nào làm, làm với ai, làm ở đâu, làm cách nào, thưa trình lúc bắt đầu và lúc kết thúc thế nào…. Thét rồi những cái được làm (mà gian truân rắc rối đó) dần dà được lũ nhóc bọn tôi tự động phân loại thành “thành phần thứ ba”: Những việc có ngu mới làm!


Ở tuổi dưới 10, nhiệm vụ thường trực của tôi ngoài giờ học là đọc truyện Tam Quốc, Xuân Thu, Thủy Hử và Tây Du Ký cho bà Ngoại tôi nghe, mỗi chiều, bất kể chiều mưa hay chiều nắng, bất kể giữa tuần hay cuối tuần. Cứ bắt đầu từ đoạn “Đây nói về…” cho tới dòng “…hồi sau sẽ rõ”, là được ngưng nghỉ (chỉ phiền một nỗi, là khi đọc tới hồi kết bằng chữ “Chung”, tức là hết, thì phải đọc lại từ tập đầu).


Sau phần đọc truyện, trong lúc anh họ tôi xách nước đầy lu, thì tôi chỉ việc bó lá dừa khô và đập vụn miễng gáo sẵn sàng cho bà Ngoại tôi nhóm lửa nấu cơm. Rồi chỉ còn việc sau cùng là châm dầu, cắt tim và lau bóng chụp cho tất cả các ngọn đèn dầu hôi trong nhà, để buổi tối “được sáng sủa mà học bài”. Dường như mọi chuyện trong nhà đều (góc này hay góc khác, cạnh này hay cạnh nọ) phải dính liền với chuyện học của bọn nhóc chúng tôi. Rong chơi à? Chữ này không hề có trong Tam Tự Kinh của ông Ngoại tôi. Do vậy mà giờ ra chơi của tôi chỉ có ở trường học, còn ở nhà thì rất hiếm (thành thử rất quý những khi có dịp “xổ lồng”).


Hơn nữa, anh họ tôi lớn hơn tôi những ba tuổi, nên không muốn dây dưa với thằng nhóc, là tôi. Ngoài ra thì, mèng ơi, nói bạn nghe đừng cười: Cùng lứa tuổi với tôi, cả xóm hồi đó còn lại đều toàn là con gái!


Bây giờ tôi không nhớ được tên của hết từng đứa trong bọn, nhưng nhất định là Hồng, Cúc, Quý, Đào, Lệ, Hằng, Thảo, Phượng,… đều đủ cả. Có đứa ở sát bên nhà, có đứa ở tận cuối hẽm xóm trong, hoặc là bạn cùng lớp của chị họ tôi. Đó là lý do mà thằng tôi có “biệt tài” nhảy dây hay hơn đánh đáo, đánh trỏng hổng bằng đánh đũa, bắn bi thua đứt búng hột me…. Thỉnh thoảng, vào những đêm trăng sáng, cả đám mới chơi “u” ăn cõng (trò chơi có vẻ của bọn đực rựa một chút!). Lắm lúc, nghĩ lại, biết đâu tôi có được tính kiên nhẫn (đại loại) ngày nay là bởi từng được “trui rèn” từ những buổi trưa cùng đám con gái hàng xóm thuở đó chơi trò …bán hàng (vỏ bưởi, mít non…), hổng chừng!


Được cái là tôi học hành không đến nỗi tệ, ở lớp nào cũng được thầy cô gọi tới nhà hàng tuần để cộng điểm cho cả lớp. Chữ viết của tôi cũng tương đối dễ coi, thành thử tới mùa bích báo là (thể theo lời yêu cầu tuần tự của từng đứa), tôi thầu chép tay và trang trí báo tường trong lớp cho con nít cả xóm. Tới mùa thi tuyển vào đệ thất công lập, bọn nhóc trong xóm thường tụ năm tụ bảy học chung với nhau. Tôi khá môn toán nên được tín nhiệm kềm cặp môn này cho cả nhóm. Ông Ngoại tôi ưng ý lắm, khi thấy thằng cháu vừa làm bài, lại vừa làm “gia sư” cho lũ trẻ hàng xóm. Còn tôi thì ưng ý chuyện khác: “học trò” của tôi thỉnh thoảng kín đáo liếc chừng trước khi gặp tận mặt, trao tận tay, biếu “thầy nhóc” vài trái ổi, đôi trái mận, có khắc tên bằng dấu bấm móng tay, tỉ mỉ, đàng hoàng. Mỹ Tho của tôi thầm thì với nhau như vậy đó!


Bạn cứ ngẫm kỹ đi, rớt vô hoàn cảnh đó, nếu không phải “lạc giữa rừng hoa” thì là gì? Và tôi lạc thiệt tình. Nói theo giọng ê a rả rích thời đại ắt phải là lạc đậm sâu, lạc dài lâu, bạn ạ!


Hỏi thiệt bạn nha, tài thánh nào mà bạn có thể phân chia đồng đều tình cảm cho một đám bạn gái (dù chỉ là bạn nhí ở lứa tuổi lên mười) mà tóc thề có, bum-bê có, cột dây thun có, kẹp ba lá có, đồ bộ có, bà ba có, xinh đẹp có, xí xọn có, duyên dáng có, liến thoắng có, láu lỉnh có, (làm bộ) nhỏng nhẻo có, và cả nghiêm trang (giả đò) cũng có tuốt! Cho dẫu không cố tình hữu ý, cho dẫu không đặt căn bản tính toán trên trọng lượng bịch ổi hay gói mận có bấm dấu móng tay nhận được, bạn cũng sẽ (tự nhiên chìu theo sự chọn lựa không hề cân nhắc của mình để) dành một phần nhiều nào đó (mà cũng không cần tỷ lệ chính xác) cho một người chứ, đúng không nè? Tôi giống bạn chỗ đó. Và tới đây, đích thị từ chỗ này, chính là điểm khởi của muôn vàn rắc rối, muộn phiền, bạn ạ! Mỹ Tho của riêng tôi bắt đầu “thời tao loạn” như vậy đó!


Đám bạn học chung vừa kể khởi sự thu hẹp dần về số lượng. Khách quan là bởi đã qua kỳ thi tuyển vào đệ thất công lập: Có đứa đậu, đứa rớt, đứa về quê, đứa lên Sài Gòn hay đi tỉnh khác (theo sự vụ lệnh thuyên chuyển của mấy bác trai phục vụ trong quân đội). Còn ở mặt chủ quan, thiệt đáng phàn nàn biết mấy, là bởi mỗi đứa trong bọn đều thấy hình như (về cả tâm lý lẫn vật lý), đã bắt đầu …thành người lớn! Nghĩa là, bắt đầu cần có những lý do thật chính đáng (và thích ứng tối ưu cho từng trường hợp hay hoàn cảnh) để gặp nhau hay đừng gặp nhau; để tặng hình hay khỏi tặng hình; để kêu viết đôi dòng hay đừng ghi “lưu bút ngày xanh”…. Phiền hà hơn nữa, là để nói mấy lời hay miễn chào nhau lúc chia tay kẻ ở người đi, ngay giữa chuỗi ngày xanh mộng ấu thơ.


Rốt cục chỉ còn nhỏ Cúc với tôi là cùng lứa và còn trụ lại bên bờ Giếng Nước. Sự chọn lựa không hề cân nhắc vừa kể, từ trước đã nhen nhúm trong tôi, tới đây là đã thiệt sự nên hình tỏ dạng. Nhỏ Cúc là con gái út của ông bà ký giả Nam Đình, ở nhà số 7Bis nói trên, sát cạnh hông và cùng ra vào chung ngỏ với nhà Ngoại tôi. Hầu hết những trò chơi trước đây đều có mặt hai đứa, bấy giờ cũng tự động giảm dần.


Tất nhiên, bạn hiểu rồi, cả hai không thể dung dăng chạy quanh xóm tắm mưa với nhau nữa. Cũng vậy, có hai “người lớn” nào (khác phái, đã mặc quần dài xanh hay áo dài trắng tới trường) mà lại đánh đũa, búng hột me, hoặc nhảy dây với nhau, bao giờ? Người lớn thì phải có những “sinh hoạt” khác chứ, thí dụ như đi coi chớp bóng với nhau, chẳng hạn!


Trời đất, sao mà “làm người lớn” rắc rối dữ vậy? Tôi thuộc loại mọt sách, nhưng dường như, cả xứ Mỹ Tho nói riêng và Việt Nam mình nói chung, chưa hề có quyển nào hướng dẫn cách thức làm sao để (mở miệng) rủ bạn ta đi coi xi-nê! Thành thử, có thèm coi Zô-rô kiếm khách, hay hiệp sĩ đào hoa Đạt-Ta-Nhăng của Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, thì tôi chịu khó lủi thủi đi mình ên vậy!


Có lần đi coi một phim gì đó ở rạp Định Tường, khi về, tôi (bày đặt) mua tặng nhỏ Cúc một phong kẹo sô-cô-la, gọi là làm quà để có cớ nói chuyện. Hôm sau, nhỏ bảo là không tháo giấy gói ra được vì thỏi kẹo …bị chảy. Mới hay là bởi tôi cầm trên tay suốt dọc đường guốc vông lộp cộp hơn ba cây số về nhà, chân cẳng tôi (và cả tấm lòng?) còn mềm rục ra thì huống gì thỏi kẹo trên tay, không chảy tan sao được?


Rồi một lần khác, đi ngang căn biệt thự hai tầng lợp ngói quét vôi màu vàng gạch cua ở đầu đường, sát cạnh hai cây “cau kiểng” cao quá khổ nói trên, tôi chợt thấy có mấy nụ hồng phấn đang nở thật đẹp bên trong dãy hàng rào bông bụp cao ngang cổ. Bèn đợi tới tối đó quay lại, leo vô hái trộm. Không ngờ đàn chó bẹt-giê bên trong sủa rân trời, khiến tôi (vì thiếu dự kiến và lâm vào thế chẳng đặng đừng) phải gấp rút thu gom ba hồn chín vía, phóng rào nhảy đại.


Nếu cú nhảy ngoạn mục này xảy ra trong kỳ thi thể dục ở sân trường hay ngoài sân banh của tỉnh, thì còn phải nói, (thầy Tòng và thầy Mân sẽ cưng như trứng mỏng và) ắt là tôi phải vênh mặt lên để nhận lãnh huy chương vàng quán quân điền kinh môn nhảy cao. Đặc biệt là nhảy cao với một nhánh hồng nắm chặt trong tay! (ới làng nước ơi, cái hình ảnh này mới trữ tình và lãng mạn làm sao trong suốt chiều dài lịch sử nền thể thao tỉnh nhà!).


Về tới nhà, đem nhánh hồng qua tặng nhỏ Cúc (khơi khơi, chẳng cần lý do gì) rồi, mà tôi vẫn chưa thể nào nghiệm ra để hiểu được do đâu mà mình ẩu tả (tới quên cả lời dạy của bà hiệu trưởng tư lệnh vừa kể) và liều mạng (trước những hàm răng bẹt-giê) đến vậy! Hoặc, nhờ đâu mà tôi có thể nhanh chân (và chặt tay) đến vậy!


Vậy mà vẫn không dám mời đi chơi lần nào. Không đi xi-nê được thì cũng, hoặc giả, ít ra là đi ăn kem Mỹ Duyên, lên Tân Hiệp uống nước đá mứt sơn ca, đi cồn Rồng hái chôm chôm, qua cồn Phụng ăn mì xào chay, hay gần hơn (và lảng nhách hơn nữa) là qua bên vườn ông Khánh …coi trăn ăn gà, mới phải chứ! Nhưng ở đời (vạn sự khởi đầu nan…), thực tế chẳng dễ tính lắm đâu, bạn ạ! Hình như toàn bộ mọi thứ khó khăn trên đời này đều tập trung, đổ dồn, nén chặt vào một lời mời cô bạn nhí (nói nôm na là rủ rê nhau) đi chơi đâu đó, để nói mông lung đôi điều gì đó!…


Phải chi tôi có thể giải đáp mấy thứ rắc rối ôn dịch mắc toi này bằng các phép tính cộng trừ nhơn chia hay giả thiết của môn …toán đố lớp Nhất, thì đỡ biết mấy! Hóa ra ngoài đời còn nhiều thứ thách đố khó gấp trăm lần toán học. Nội một chuyện nhỏ này thôi cũng đủ …bí: Hồi trước hai đứa chơi “u” ăn cõng hà rầm với nhau không sao. Bây giờ chỉ muốn nắm tay nhau cũng thấy …khó dàn trời! Huống gì phải nói ra điều đã nghĩ (lung lắm) hoặc đang sắp xếp (cho mạch lạc trong đầu) và sửa soạn (bạo phổi, bấm gan) đề nghị!


Nghĩa là, nói tóm gọn, đằng đẵng suốt mấy năm cạnh nhà chung ngỏ đó, hai đứa tôi chưa từng hẹn hò (trong ý nghĩa gặp riêng nhau), gì ráo! Hoặc nói được với nhau điều gì (ít nhất là về phía tôi) cho …mãn lòng toại ý! Phiền muộn (và oan ức) biết bao: Từ chức hàm thầy giáo dạy kèm, tôi vừa tự ý thăng trật vừa tự động lên ngạch, để biến thành hiệu trưởng… trường câm, bạn ạ! Hoặc giả, số tôi tuổi Thìn, nhưng lỡ cầm tinh …con hến chăng? Hẳn là tới đây (…vạn nan khởi đầu nản, vạn nản bắt đầu …dang), bạn phải đồng ý với tôi rằng, lẽ ra, quyển “Người Mỹ Trầm Lặng” phải lấy bối cảnh Giếng Nước và bố cục xi-nê nói trên làm nền, mới đúng điệu? Mỹ Tho của tôi thầm lặng như vậy đó!


Tới giờ nhớ lại vẫn chưa hết …ngạc nhiên! Chứ phải mà tôi thuộc hạng ấm ớ, ngậm hột thị suốt ngày, thì cũng đành một nỗi! Đàng này, tôi từng là trưởng lớp ở trường, hay từng “điều động” cả một phần tư đoàn thiếu nhi Phật tử ở Tịnh Xá Ngọc Tường, nghĩa là nói năng cũng chững chạc ghê lắm, đó chớ! Nếu cần thì tôi cũng có thể huyên thuyên về đại gia Hạng Võ thời Hán Sở Tranh Hùng, hay thao thao kể chuyện anh chàng Giăng-Văn-Giăng trong Những Kẻ Khốn Cùng tới nửa ngày không hết. Vậy mà trước mặt nhỏ Cúc thì cứ một hai ra cái điều …Quách Tỉnh ngậm tăm, mới phiền!


Không chừng tại vậy mà tôi bị cái phản ứng ngược (chẳng lấy gì đáng làm hãnh diện) trong mấy năm đệ nhất cấp.


Còn nhớ, trong giờ tập đọc vỡ lòng môn Pháp Văn, thầy Hoàng dạy phát âm theo cách riêng của thầy, làm tôi (phải mím môi) cười lộn ruột. Thí dụ như chữ “ma tante”, thầy bảo cách đọc (thật chậm rãi cho đúng điệu Pa-ri-diên) là “ma-ta-ằng…-tơ-ớ”. Tôi nghe không mấy giống tiếng Tây mà ông Nội tôi hoặc ba tôi thỉnh thoảng vẫn nói rì rào (như gió giếng), bèn rỉ tai với lũ bạn là “Papa Hoàng dạy… nhạc Pháp!”. Hoặc, có lần thầy dặn dò cho dễ nhớ thể mệnh lệnh cách “impératif” là: Má đi chợ về, “em-bé-ra-tiếp”! Không khác chi quyển vần Việt Ngữ lớp Đồng Ấu….


Tôi tiếp xúc nhập môn với nền Ngôn ngữ và Văn minh Pháp như vậy đó, nên lên lớp kế, học với cô Ngọc (nổi tiếng là vừa nghiêm vừa khó), tôi bị “rớt đài” dài dài, và lãnh trọn một ngày cấm túc (duy nhất cả đời) vào giờ học Pháp Văn này: Bị chép phạt 500 lần 4 câu thơ (lẽ ra phải học thuộc lòng để trả bài trước cả lớp) về một anh thợ làm bánh mì (bá vơ nào đó) bên Tây mà tới giờ tôi vẫn chưa thuộc, nhưng còn nhớ lõm bõm. (Ngược lại, vẫn chưa thể quên đặc tính lảng xẹt của bài thơ ngay từ câu đầu: Que fais-tu, le boulanger? Không lẽ anh thợ bánh mì đi …hàn gió đá à? Rồi còn bồi thêm câu trả lời ngớ ngẩn kế tiếp: Je fais du pain pour manger! Họa có điên mới làm bánh mì để vất ra đường cho …gió cuốn đi?). Mới thấy ra phần nào nỗi khổ của học trò vì chính sách học thuộc lòng thời đó!


Do vậy mà tôi (vừa bớt ưa bánh mì Tây, vừa) đâm ra mê say mấy giờ Việt Văn. Mê nhất là thầy Lương Ngọc Hồ dạy tôi năm đệ lục và cô Dương Ngọc Kim-Cương (hiện ở Dallas, Texas) dạy tôi liên tiếp hai năm ngũ-tứ. Thuở đó, tôi cứ (nửa ngây thơ, nửa ngây ngất, gộp chung thành …liều mạng) khư khư tình thiệt cho rằng mấy bài cổ văn hay kim văn chưa hẳn đã thực sự tự nó hay. Ai bảo sao cũng chịu, tôi sẽ biện cãi tới nơi tới chốn rằng thầy Hồ và cô Cương giảng hay hơn cả chính những bài thơ bài văn đó!


Rồi, trường nhận thêm một số giáo sư tân đáo vào năm tôi lên học cấp đệ tứ, trong đó có cô Phương dạy lớp tôi môn Vạn Vật. Cô vừa xinh vừa hiền, khiến bọn quỷ nhóc chúng tôi (mới lớn và ngổ ngáo năm đầu làm quen với cơ thể học), lại càng …lộng quỷ thành ma. Có bữa cô dạy về các vi thể cảm giác dưới da giúp chúng ta cảm được độ nóng, lạnh và đau. Tôi giơ tay hỏi cô vi thể nào làm chúng ta biết …nhột? Xin hết lòng tạ lỗi đã đưa cô vào một phút việt vị bất ngờ.


Tới kỳ thi lục cá nguyệt, cô trả bài thi, nói cho cả lớp biết là lẽ ra tôi được hạng nhất, nhưng bị trừ điểm thành hạng nhì. Lý do là bởi tôi vẽ bộ phận tiêu hóa của con người rất đúng (và có nhiều xác suất rất đẹp?) từ môi miệng cho tới điểm cuối của ruột già; chỉ phải tội …vẽ dư, là tôi đã (tự ý màu mè hoa lá cành) thêm thắt phần trên với cái đầu hói của “monsieur Vincent” ngậm píp (nhớ nhà châm tẩu thuốc, khói huyền bay lên cao?). Cô trưng bằng cớ (hô hấp gắn liền cùng tiêu hóa đó) ra, làm cả lớp bò lăn. Ngay chính cô cũng vừa nghiêm chỉnh phạt vừa tươi hoa cười!


Nỗi mê thứ nhì của tôi trong mấy năm đệ nhất cấp này là giờ Sử Địa với thầy Vương Tấn Triệu, và giờ Hội Họa với thầy Võ Minh Tân. Có lần thầy Tân mang vào lớp nải chuối sứ còn chát xanh rỉ nhựa, để sát góc bàn giáo sư trên bục cao, ngay cạnh khung cửa sổ mở rộng, rồi bảo chúng tôi vẽ chì lên giấy trong bốn tuần liên tiếp (lần nào thầy cũng để nải chuối đúng vị trí cũ, hết giờ thầy lại bê sang lớp kế, làm y như vậy), cho tới lúc nải chuối chuyển sang thâm kim rồi chín rục, thì tụi tôi cũng xong bài vẽ. Trong suốt những giờ đó thì thầy đi vòng quanh lớp, chỉ dẫn cho từng đứa. Căn bản là bọn tôi phải vẽ đúng hình nét và tô bóng theo đúng độ ánh sáng từ cửa sổ dọi vào.


Đành rằng những nải chuối trên giấy của bọn tôi không mấy giống nhau lúc hoàn tất, bởi được vẽ từ những góc nhìn theo ghế ngồi khác chỗ nhau, thì không nói làm chi. Đằng này, (dưới mẩu chì than thần sầu của các ngôi sao tài năng đang lên trong làng hội họa tỉnh nhà), nó còn khác nhau từ chuyện chuối sứ tự động biến dạng thành chuối cau hay chuối ngự; hoặc chuối Xiêm biến thành chuối Tây (trắng nhách) hay thành chuối Chà (đen thui) nữa. (Nghĩa là cả lớp biến thành một vựa chuối xuất nhập cảng!).


Lúc đó, thầy Tân mới giảng về độ bóng ánh sáng, rằng: “Trong chỗ sáng trắng sẽ không thể thiếu phần sáng đục, còn trong chỗ tối đen vẫn luôn luôn có vệt sáng mờ”. Tôi nắm chắc bài giảng siêu đẳng (về nguyên tắc hội họa sơ đẳng) này (như lời giải một công án thiền) để sống, suốt mấy chục năm sau đó, và thấy quý giá ơn thầy biết chừng nào trong những lúc cùng cực tinh thần thời hậu 75. Mỹ Tho của tôi vô thường và lạc quan như vậy đó!


Hãy nói chuyện tức thì lúc bấy giờ, rõ ràng, chỗ sáng trắng “lạc giữa rừng hoa” kể trên của tôi đụng phải phần sáng đục lấn chiếm, là cả bọn bị tan hàng quá sớm. Còn trong cái tối đen câm lặng thuở đó, tôi đụng đầu mấy vệt sáng mờ, là được dịp lang thang bất định vòng quanh tỉnh lỵ Mỹ Tho, trên những con đường đã bắt đầu có những giao thông hào đào theo hình chữ chi bên dưới những rặng me dọc hai bờ hè đại lộ (cho dân chúng quăng xe nhào xuống núp đạn pháo kích). Và, nhờ dạo lang thang đó, tôi biết thêm nhiều thứ.


Đã đành là Mỹ tho nổi tiếng món hủ tíu (Kỳ Hương hay Phánh Ký) hoặc bánh bía (Cao Thăng), mà ai cũng nhắc nhở khi nói về tỉnh nhà (và cô Dương Ngọc Kim-Cương là một trong rất hiếm những phương trượng tại gia của môn phái hủ tíu Mỹ Tho). Nhưng đâu phải chỉ có vậy!


Theo tôi (lại chắc nịch như bắp nếp nướng) thì, đặc sản thượng hạng ngoại hạng của Mỹ Tho phải là món bún gỏi già (hay “và”? hay “dà”? bởi không ai nghe nói tới món bún gỏi non hay sồn sồn gì ráo!). Trên nguyên tắc (bếp núc của Ngoại tôi), đó là món gỏi cuốn (nghĩa là có đủ các thứ tôm lột vỏ, ba rọi luộc, giá sống, sà-lách, rau thơm, ngò, hẹ, bún…), nhưng thay vì dùng bánh tráng nhúng nước cuốn tròn các thứ lại, thì xếp đặt đâu đó vào tô cho thiệt bắt mắt (cả đường nét lẫn màu sắc), nhớ độn nhiều nhiều bún một tị, xong, chan nước lèo (sườn non hầm lá sả) nóng bốc khói, rồi nêm nước me với tương đen, ớt bằm, đậu phộng. Bảo đảm ăn thử qua rồi mà bạn không (hít hà) gọi thêm tô nữa thì nhất định là bạn đang …giữ eo! Không thể khác!


Đặc sản thứ nhì của Mỹ Tho mà sau này đi nhiều tỉnh miền Nam lẫn miền Trung tôi không thấy ở đâu có được, là món bún bánh giá (hay “vá”?). Tương tự như bún chả giò, nhưng thay vì chả giò thì được thế bằng loại bánh (gồm bột, giá, hành lá cắt nhuyễn và tép bạc nguyên vỏ, cho vào vá tròn, nhúng chìm vào mỡ) chiên dòn. Điểm thêm một ít huyết heo luộc vừa chín tới cắt vuông, đệm rau ghém, rồi chan nước mắm chanh tỏi ớt pha loãng. Tuyệt!


Còn về món ngọt thì đâu phải Mỹ Tho chỉ có kẹo dừa với chuối khô! Bạn phải thử làm giám khảo nếm qua các thứ bánh gan, xôi vị, bánh khoai mì nướng, bánh quai vạc, bánh ít nếp than (cả nhưn đậu lẫn nhưn dừa), hay bánh tét ba nhưn (nhưn mặn, nhưn đậu xanh ngọt và nhưn chuối trong cùng một đòn, lúc cắt khoanh ra thấy rõ đề huề ba màu nếp bọc ba màu nhưn xòe ra tròn trịa, tất nhiên là phải đẹp gấp đôi màu cờ nước Pháp!).


Bạn càng không thể bỏ qua gánh chè đậu đen (nấu nước tro Tàu) ở cuối đường Nguyễn Huệ (gần hãng xe thầy Hài, ngay trước cổng nhà cô Lễ dạy Toán bên trường Lê Ngọc Hân). Bảo đảm béo bùi độc nhất vô nhị! Tiếng Quảng Đông kêu bằng “hẩu hẩu xực”. Còn tiếng Tây (bồi tàu dọc cảng Mạc-Xây) gọi là “đề-li-ca-phí-ni-lỗ-đía”, tạm dịch là ngon-hết-nước-nói (từ nguyên ngữ délicat/fini/l’eau/dire)!…


Có ai đó đã từng cả quyết với toàn nhân loại rằng con đường dẫn tới trái tim đàn ông thường đi ngang qua bao tử. (Nghe không khác một luận án tiến sĩ ngành Công Chánh về chủ đề cảm tính dính tới hệ tuần hoàn nối qua hệ tiêu hóa thuộc ban phân-tâm-cơ-thể-học?). Hỡi ôi, cái hương lộ tình cảm lổm chổm đá xanh đó của riêng tôi dường như đã cắm đầu chạy thẳng một mạch lên gần tới cuống tim xong tự ý bẻ cua, quẹo ngược xuống bao tử rồi …tắc tị ở đó chăng? Mỹ Tho của tôi nhắc tới là thấy thèm như vậy đó!


Cuối năm đệ tứ, nhỏ Cúc chuyển lên Bảo Lộc theo học ngành nông lâm nghiệp. Tôi cũng (dật dờ) rời khỏi Mỹ Tho, về lại Sài Gòn “để giúp đỡ gia đình” (theo kiểu người lớn thứ thiệt), vào lúc mà mức lương công chức của ba tôi bị đụng cột đèn đỏ quá lâu, khiến má tôi phải mở sạp bán hàng quà cho đám nhóc trước cửa trường trung học tư thục Phan Sào Nam ở gần bùng binh Ngã Bảy. Tôi khởi sự việc làm kèm việc học vào mùa Hè cuối năm đệ tứ bằng nghề …lái xe ôm (kéo dài cho tới cuối năm học đệ nhị thì bị mất cắp chiếc xe gắn máy, mới giải nghệ, kiếm nghề khác, nhưng vẫn tự hào là 1 trong 10 ông tổ đầu tiên của ngành xe ôm Việt Nam).


Địa điểm đồn trú của tôi là bến xe lô Minh Chánh ở khu An Đông, gần rạp Thành Chung (chuyên môn chiếu phim Ấn Độ). Lý do dễ hiểu (cho tôi) nhưng có thể khó tin (cho bạn và nhiều người khác nữa), là vì tôi mong được gặp dân Mỹ Tho! Trước lạ sau quen thì hằng hà sa số. Còn quen sẵn thì cũng chẳng ít.


Có lần tôi gặp thầy Lâm Văn Nhược dạy tôi học lớp Sơ Đẳng. Thầy lên Sài Gòn, xách theo một cặp táp đựng tiền của bà con Mỹ Tho chung góp để ủng hộ thầy Trần Văn Hương vận động tranh cử dạo đó. Tôi đưa thầy đi quanh Sài Gòn suốt ngày, kể chuyện huyên thuyên, và (trước khi chia tay) được thầy ưu ái đãi một bữa cơm cà-ry dê ở gần rạp Việt Long trên đường Cao Thắng. (Sau này có lần phải đi công việc cho hãng bên Bombay, tôi có dịp thử qua 32 loại cà-ry ở đây mà ước gì được đãi lại thầy).


Một lần khác tôi gặp thầy Vương Tấn Triệu, hình như đang trên đường tân đáo ra dạy ở nhiệm sở mới là trường Võ Bị Đà Lạt thì phải. Thầy thấy tôi “còn nhỏ quá mà làm nghề gì lạ quá”, mới hỏi thăm gia cảnh của tôi trên suốt mấy tuyến đường mà thầy cần đến, và sau cùng kêu tôi đưa thẳng tới trường Pétrus Ký. Thầy biểu tôi đợi trước cổng trường rồi vào nói chuyện với ban giám hiệu một chập, xong bước ra bảo tôi ngày mai đem hồ sơ tới nạp “đặng rán mà học tiếp cho hết tú tài”. Nửa tình. Nửa lệnh. Tôi trở thành dân Pétrus trong hoàn cảnh đó.


Ơn thầy Triệu tôi vẫn mang nặng tới giờ. Nhưng, thú thiệt là tôi không có bạn thân ở đó. Vì phải chạy xe ôm sau giờ học nên không có cơ hội la cà, là một. Và bởi, (đã lìa ý ngó vẫn còn vương tơ), tôi cứ bị ràng rịt với những tấm căn cước đậm tình Mỹ Tho của mình, là hai.


Cách đôi ba tuần, tôi vẫn thỉnh thoảng phóng xe về Mỹ Tho thăm lại đám bạn cũ. Trong đận Mậu Thân, ông bà Ngoại tôi đã dời về Long Khánh ở với cậu tôi. Còn nhà Ngoại tôi được “giải phóng đột xuất” bằng ngọn lửa đỏ sao vàng, chỉ trơ lại cái nền gạch Tàu rổ mặt, nám đen, nứt nẻ (theo sát khẩu hiệu “đốt rụi nhà dân đi cứu nước”?). Căn nhà bên cạnh tuy may mắn còn đó, nhưng (nàng đã đi rồi) cũng …vắng hoe!


Tôi chỉ còn điểm đến duy nhất là đám bạn học Nguyễn Đình Chiểu thường tụ năm tụ ba ở nhà thuốc Tầm Vu trên đường Lê Lợi. Lúc bấy giờ không còn ở tuổi đậu đỏ bánh lọt nữa, bọn tôi thường chùm nhum trong những quán cà phê nhỏ giọt và bắt đầu thấy khoái những bài nhạc thời thượng (như Vết Lăn Trầm, Chiều Một Mình Qua Phố…) mà quán nào cũng chạy dĩa tới mòn kim. (Về sau nữa mới tới thời của loại máy chạy băng nhựa Akai, Sansui…).


Vậy đó, nhưng bạn cứ hỏi kỹ đi, rằng quán nào “ngon” nhất Mỹ Tho, sẽ có khối thằng đáp ngay không lưỡng lự, là quán da-ua (khỏi cần nhạc) ở góc ngã tư trước trường Lê Ngọc Hân! Hoặc quán sữa đậu nành ở xế góc bên kia gần chùa Phật Ân! (Quỷ thần ơi, da-ua mà ngon hơn cà phê phin thì… củ ấu tròn quay là cái chắc!). Tôi không thể “bất đồng chính kiến” với cái số đông vô cùng thông minh và nhạy cảm đó. Mỹ Tho của tôi vẫn đa cảm và hiền lành như vậy đó!


Cho tới thời bị mất xe gắn máy, có lần tôi cuốc xe đạp về tận Mỹ Tho. Tất nhiên là trên đường, có lúc tôi vất xe bên bờ ruộng, vào nằm dưới gốc xoài (chẳng biết của ai), duỗi chân một chập rồi dậy đạp tiếp. Đó là lúc mà tôi bắt đầu so sánh khung cảnh Sài Gòn với tỉnh quê, để nghiệm thử cái gì khiến tôi gắn bó với Mỹ Tho tới vậy? Đáp số còn ẩn mình đâu đó, chưa cần vội!


Cho tới kỳ thi tú tài phần một. Thay vì lấy phiếu báo danh của trường Pétrus Ký để dự thí ở Sài Gòn, thì tôi (lại liều mạng) nạp đơn xin thi theo diện “thí sinh tự do” ở Mỹ Tho, và bắt đầu về trọ tháng chót ở nhà thuốc Tầm Vu để gạo bài cùng đám bạn cũ. Nhiều đêm tỉnh lỵ bị pháo kích, nhà máy đèn cúp điện toàn tỉnh (để địch quân mất điểm nhắm?), khiến bọn tôi lại được dịp (sau đó) pha thêm cà phê hầu thức khuya hơn nữa mà bù lại mấy giờ xuống hầm.


“Eureka!”. Nếu nhân loại đã từng có nhà khoa học nhảy tung ra khỏi bồn tắm (rồi tòng tỏng chạy quanh khu phố) hét ầm như vậy vào lúc bất chợt tìm ra cái định lý ba-chìm-bảy-nổi của ổng; thì hổng chừng là tôi cũng đã từng quăng xe đạp để hét tướng lên rằng: “Nó đây rồi!”, bạn ạ.


Như đã kể hầu bạn bên trên, Mỹ tho là một tỉnh lỵ nhỏ bé, khiêm nhường, êm đềm và đa cảm. Mỹ Tho không có nhiều công nhân những nhà máy lớn để có cảnh tấp nập ngựa xe (dù vẫn còn đó Bến Tắm Ngựa ở miệt Tân Mỹ Chánh). Mỹ Tho cũng chẳng sầm uất tới mức dìu dập thương buôn hay có nhiều tư chức (không kể khu nhà lồng chợ và hai bên con dường dọc bến sông từ ngoài Vàm vô tới Cầu Quay).


Mỹ Tho lại càng êm đềm yên ắng hơn nữa vào những dịp bãi trường. Một phần học trò tản ngược về quê, quý cô thầy cũng về thăm nhà đâu đó. Sinh hoạt của cả thành phố chỉ còn lưa thưa đây đó mấy chiếc xích lô cà tàng quanh chợ và những chiếc xe đạp cọc cạch của không nhiều công chức hành chánh trong tỉnh. Rõ ràng, đó là một sinh hoạt …chết (kỳ chưa, đang sinh sao lại còn chết ngay tại chỗ?). Mà chết thiệt, bạn ạ! Tới nỗi, nước sông lặng lờ chẳng muốn trôi và gió giếng cũng im ru, không buồn phơ phất! (Người Mỹ Tho gọi bằng đứng nước và đứng gió, dù cả hai đều không có chân, là vậy đó!). Rõ ràng, Mỹ Tho chết đứng!


Rồi, bỗng dưng, như những chiếc pháo bông ầm ì nổ bung ngoài vườn hoa Lạc Hồng trong đêm mừng Quốc Khánh, cả tỉnh đột ngột vặn mình, sang số, đạp lút ga mà bừng sống trong mùa thi. Thời đó, Mỹ Tho là trung tâm thi của bốn tỉnh trong vùng, thành thử, ngoài số đông sĩ tử chủ lực của tỉnh, còn hàng ngàn “rường cột của nước nhà” từ Gò Công, Tân An và Bến Tre lũ lượt kéo về đầy ngập thành phố. Thánh địa Phục Sinh là đây, bạn ạ!


Trên trời xanh me. Dưới lộ trắng áo. Bừng bừng áo trắng rạng rỡ tràn ra đường như hoa mai đua nhau nở rộ sáng mùng một Tết. Áo trắng gọi gió bạt ngàn ngoài cửa biển ùa về thành phố, phơi phới, lồng lộng. Đại lộ tiểu lộ gì cũng đông nghẹt những đoàn xe đạp nối đuôi một chiều, cuồn cuộn chảy về trung tâm thị xã. Mấy chiếc lá me rụng sớm đó đây cũng bật tung dậy theo những tà áo bay bay hoặc những vòng bánh xe lăn chậm….


Trong khung cảnh thơ mộng vô chừng đó, (nhưng làm ơn đừng làm thơ vội, khổ lắm), hãy mường tượng ra chính bạn chịu khó xuống đường sớm hơn mọi người một tị, chiếm một góc ngã tư nào đó có sạp cà phê lề đường trên đại lộ Hùng Vương (góc Lê Đại Hành hay Ngô Quyền là …số dách), thủng thẳng (ra vẻ đúng điệu dân Quartier Latin), gọi một tách café-au-lait-đừng-cho-sữa (mà tiếng chuyên nghiệp gọi là “xây-chừng”).


Để yên đó! Rồi mở hết mắt ra ngắm; căng hết tai ra nghe; giương hết mọi thứ giác quan còn lại, để cảm, để thấm, để ghi, để giữ vào (256Mb RAM) trí nhớ của bạn một đoạn phim sinh động trong sáng vô ngần của những dòng áo trắng dập dìu đổ về hai trường trung học của tỉnh. Ngay vào lúc đó, nói thiệt, Thiên Thai của Văn Cao cũng phút chốc trở thành …đồ bỏ! Bấy giờ, (nếu bạn thấy chẳng đặng đừng thì cứ thắp một điếu Cotab, rồi) hẵng nhâm nhi từng ngụm cà phê, thật nhỏ, thật chậm… Ngay giữa mùa Hè mà nghe khoái Nguyễn Du: Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng!


Mỹ Tho không chỉ đẹp vì cái bạn đang thấy, đang nghe, đang cảm. Nó đẹp bừng gấp đôi bởi nhịp sinh hoạt chết đứng trong mấy ngày trước đó. Bạn không chỉ đi thi. Bạn đang chấm thi (một cuộc thi tưng bừng rạng rỡ khác) ngay trên lề đường. Mỹ Tho sẽ đẹp gấp ba vì sau đó tới phiên bạn (lốp cốp đôi guốc vông), thư thả hòa nhập vào dòng người lác đác sau cùng để vào phòng thi. Nghĩa là, (nhắc lại), bạn không chỉ đi thi. Bạn đang sống tới nơi tới chốn và sung sướng tận hưởng trọn mùa vui, cả trong lẫn ngoài trường thi.


Nhất định là chính cái hạnh phúc (như lũ tràn thác đổ) đang ập tới đó sẽ giúp bạn hào phóng hơn nhiều, chẳng ngần ngại gì mà không đẩy nhích tờ giấy ca-rô khổ rộng (chưa rọc phách) vừa làm xong từng câu một của bài thi lên cao một chút, cho các chú (hoặc bác) quân nhân ngồi cạnh (cũng là thí sinh tự do như bạn) tha hồ liếc ngang chép dọc. Lỡ miệng ăn mắm ăn muối, nói dại: Rủi mà có rớt keo này, bạn vẫn còn lời chán, là sẽ được hưởng thêm nét đẹp mãn khai của Mỹ Tho lần nữa, vào mùa thi năm tới!


Vậy thì bạn đã hiểu ra vì sao năm kế đó tôi lại về Mỹ Tho xin thi tự do lần nữa. Mở một ngoặc nhỏ ở đây, lần này tôi đã chấm được một dấu chân chim sáo tung tăng trong sân trường Lê Ngọc Hân, cũng về trọ học thi ở nhà thuốc Tầm Vu. Tôi về lại quê mình hai lần năm đó. Một lần để thi tú tài phần hai. Lần kia là để ngắm nàng trong dòng áo trắng đi thi tú tài phần một. Không phải là trúng số độc đắc cá cặp, thì là gì, bạn hở?


Mỹ Tho của tôi đẹp nhất mùa thi là như vậy đó!

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page