Nửa Thế Kỷ – Một Ngày Hội Lớn
- LVMỹ-K24
- Feb 8, 2022
- 5 min read

. LVM, Bút danh trên báo Phù Sa: Lữ Triệu Phong
Sau cùng, nhân dân Iraq đã nô nức xuống đường mà không hề bị lùa như trong nửa thế kỷ qua. Ở cấp độ cơ chế quốc gia, bức tường độc tài ở đây đã vỡ hẳn. Lần đầu tiên trong suốt 50 năm dài, nhân dân nước này đã cho vào thùng phiếu những lá phiếu tự do của mình.
Không một ai buộc họ phải đi bầu. Không một ai tổ chức “học tập” cho họ trước đó. Không một ai buộc họ phải đầu phiếu cho người này hay gạch tên người khác.
Lá phiếu của mỗi người phản ánh trung thực ý kiến chọn lựa của chính họ. Bất chấp những lời đe dọa của phiến quân Hồi giáo cực đoan sẽ thu gom mạng sống của những ai đi bầu, bất chấp những kẻ ôm mìn tự sát phá hoại các địa điểm đầu phiếu, bất chấp cả các tiếng nổ ì ầm bom đạn từ ngoại ô vọng về thành phố, những hàng người nối nhau như trẩy hội, ngẩng mặt thách thức quân khủng bố bằng lá phiếu của từng người và bằng tổng số người xuống đường bỏ phiếu cao hơn cả tỷ lệ cử tri đi bầu ở Mỹ. Con đê sợ hãi cũng đã vỡ toang.
Có những người tàn phế đi bầu trên chiếc xe lăn của họ.
Có những người tàn tật được thân nhân cộ đi bằng xe đẩy hàng.
Có những cụ già được con cháu cõng trên lưng đến phòng phiếu.
Có những tráng niên địu ẵm con thơ, dắt dìu bố mẹ….
Có những em bé thức sớm để nhắc nhở và hối thúc mẹ cha: “Hôm nay là ngày bầu cử!”.
Có người nức nở: “Tôi đã ôm hôn thùng phiếu. Đây là một lễ hội. Đây là một bước ngoặt và là một bước tiến đúng hướng để dẫn tới độc lập”.
Có người mang kẹo bánh đến biếu tặng các nhân viên phòng phiếu.
Có những quân nhân đã dán hẳn tờ cổ động đi bầu nhiều màu rực rỡ lên trên báng súng.
Có người luôn miệng chúc lành cho các toán lính bảo vệ địa điểm bỏ phiếu: “Thượng Đế sẽ ban phước lành cho bạn”.
Có người đã nhảy múa sau khi bỏ phiếu.
Còn trẻ em thì vui đùa biến các sân phòng phiếu thành chỗ đá bóng….
Và, cảm động biết mấy, hàng triệu phụ nữ Ả-rập, từ tuổi thanh niên đến trang phụ lão, lần đầu tiên được biết tới những thao tác bỏ phiếu, lần đầu tiên được thưởng thức mùi vị tự do và bình đẳng, lần đầu tiên được hành xử một quyền căn bản của con người trong cộng đồng nhân loại. Cụ bà Fathiya Mohammed ở thành phố Askan đã bảo:
“Đây mới thực là dân chủ. Đây là ngày đầu tiên trong đời tôi cảm thấu được sự tự do”.
Ở thành phố Irbil, bà Fatima Ibrahim, năm 14 tuổi đã lấy chồng, trăng mật chỉ được non 3 tháng thì chồng bà bị chế độ bắt đi biệt tích cùng với người cha và mấy anh em trai, hiện rất hãnh diện về vết mực tím trên ngón tay trỏ được đánh dấu là đã bỏ phiếu, hân hoan phát biểu rằng: “Bây giờ tôi mới thực sự nghĩ rằng chế độ Saddam Hussein đã vĩnh viễn sụp đổ”.
Bà Batool Al Musawi ở thành phố Baghdad, khi nghe tiếng súng cối vào buổi sáng bầu cử, đã giải thích: “Lúc đó, những tiếng nổ đã làm tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng bọn khủng bố đã yếu, chúng sợ dân chủ, chúng đang thua. Bởi vậy, tôi đã giục chồng tôi, ba mẹ tôi, và chúng tôi cùng đi bỏ phiếu với nhau một lượt”.
Không hẳn là tất cả những cụ già và thanh niên nam nữ đó đều đã được nghe qua lời khẳng định của vị tổng thống Mỹ trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 trước đó chỉ hơn một tuần:
“Chúng ta không chấp nhận sự tồn tại vĩnh viễn của các chế độ chuyên chế bởi chúng ta không chấp nhận tình trạng nô lệ tồn tại vĩnh viễn. Tự do sẽ đến với những ai yêu quý nó”.
Nhân dân Iraq, cũng như nhiều dân tộc bị áp bức khác, tự họ đã đề kháng nhiều năm với một chế độ độc tài trên đất nước mình, bất kể là độc tài cộng sản hay không cộng sản. Tự họ đã thực sự yêu quý tự do một cách trân trọng, khát khao. Tự họ đã bày tỏ lòng yêu quý này bằng sự can đảm phá vỡ con đê sợ hãi, ngay trong lòng mỗi người.
Bức tường Bá Linh cũng từng sụp đổ bắt đầu bằng ý chí và lòng dân. Ông Shamal Hekeib, 53 tuổi, cùng vợ đi bộ 20 phút để tới phòng phiếu ở phía Nam thành Baghdad, đã bảo rằng: “Chúng ta là người Ả-rập, chúng ta không sợ hãi và chúng ta không hèn nhát!”.
Bà Alaa Abed Mehdi, 27 tuổi, ngắm nhìn dòng người đi bầu từ phía trong cửa sổ trong lúc tai nghe tiếng súng cối ầm ì quanh vùng, đã chợt thốt lên rằng: “Đó là một cảnh quan đáng kinh ngạc. Tôi không bao giờ chờ đợi được thấy một khung cảnh tương tự như vậy. Nó khiến tôi tự hỏi mình còn chờ gì nữa mà không đi bầu?”.
Trong khu vực mệnh danh là khu Tam Giác Sunny do phiến quân khủng bố kiểm soát, giáo viên cấp 3 Jaffer Nima Kateeb, 45 tuổi, rời nhà để đến phòng phiếu, đi ngang qua những khu láng giềng có những đám đông tụ tập mà ông biết trong đó có cả những cựu nhân viên mật vụ của Saddam ngày trước đang liếc xéo, nên ông quay trở về nhà.
Nhưng ít lâu sau đó, ông lại xuống đường đi đến phòng phiếu, trong lòng nhủ thầm một lời khích lệ của người anh ông: “Họ không thể giết hết mọi người!”. Còn gia đình hàng xóm của ông thì kéo hết cả nhà đi ngờ ngờ: “Tôi bất chấp. Vụ bầu cử này làm tôi thấy quá vui”. Cũng trong khu vực này, ông Abed Hunni đã cùng vợ đi bộ hơn cây số để tới phòng phiếu Musayyib với ý nghĩ bật ra thành lời: “Thượng Đế đã hào phóng ban cho chúng ta được ngày hôm nay”.
Không chỉ Thượng Đế. Với lá phiếu trên tay, cứ nghĩ như bà Batool Al Musawi vừa kể, thì
khi bỏ phiếu vào thùng, nhân dân đã chính thức bàn giao sự sợ hãi qua cho đám thiểu số hiện đang níu giữ bạo lực.
Comments