1997.11 – Bí Mật Quốc Gia
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 12 min read

Thời sự Việt Nam trong tháng qua có nhiều điểm rất lạ. Không khác chuyện đùa.
A Tòng Hay Lãnh Đạo?
Tin tức về vụ ký giả Nguyễn Hoàng Linh của tờ báo Anh ngữ Enterprise trong nước bị bắt, đang được lắm kẻ coi là một trong những truyện diễu hay nhất trong tháng. Đàng sau các kháng thư cấp kỳ của Hội Ân Xá Quốc tế và của nhóm Ký Giả Không Biên Giới là những tiếng cười dòn. Về cái gọi là bí mật quốc gia của đảng CSVN. Người ta chưa kịp quên bản án một năm tù mà ông Hà Sĩ Phu gánh chịu, cũng về tội tiết lộ bí mật quốc gia, khi ông đọc bản sao không biết bao lần cái lá thư của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho các ủy viên Chính Trị Bộ đảng CSVN hồi tháng 8-95.
Đáng phiền Một là người đầu tiên trong vụ án tiết lộ bí mật quốc gia này không ai khác hơn ông Kiệt, tác giả lá thư, qua những đánh giá khá trung thực trong mắt nhìn của phe nhà nước, về những sai lầm thất bại của đảng CSVN, với mục tiêu nổi là đưa ra một số đề nghị đổi mới để củng cố vị trí thủ tướng, còn mục tiêu chìm là để đổ thừa phe đảng quyền ngáng chân… chận đứng mức phát triển, gây nguy cơ tụt hậu.
Đáng phiền Hai là nạn nhân Hà Sĩ Phu đọc lá thư đó sau cả người Việt hải ngoại lẫn các cơ quan truyền thông ngoại quốc, trong lúc thơ thẩn đi giữa hai lằn đạn… AK, và bị nắm đấm B40 của phe đảng… xô ngã tung xe đạp. Trong vụ đó, Bí Mật Quốc Gia lớn nhất và rõ nhất bị phanh phui chính là tấm pa-nô tuyệt lộ tư tưởng và những mối phân hóa thượng tầng của đảng.
Lần này, ký giả Nguyễn Hoàng Linh bị đắm tàu, bởi một loạt phóng sự gây sóng gió về cuộc mua bán bất hợp pháp mấy chiếc duyên tốc đỉnh của Cộng Hòa U-kờ-ren-na. Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN có hai điều tuyệt hay không đâu có:
Một là kẻ bán lẫn người mua đều có lời;
Hai là thường ra, kẻ bán không có lời nhiều bằng người mua… cho cơ quan.
Cơ quan đứng mua trong vụ này thuộc lực lượng công an Hải Quan, một bộ phận kiểm thuế cho nhà nước và là một trong những mạnh thường quân hàng đầu trên sổ vàng Hà Nội. Đây là Bí Mật một.
Giá bán bốn xác tàu này được bên đứng mua tự ý nhân lên gấp ba, chính là Bí Mật hai.
Giấy tờ tròng chéo phủ kín luật lệ nhập khẩu là Bí Mật ba.
Bốn khối sắt vụn nổi cần được nấu thành sắt tái sinh là Bí Mật bốn.
Tiền thuế của dân, gọi chung là ngân sách nhà nước, được lấy trả cho bên đối tác U-kờ-ren-na một phần, hai phần còn lại được cơ quan hải quan kiểm thuế kết toán vào hồ sơ lộc vãi cất trong các biệt thự dọc đường Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Có khác nào nhân dân bị cướp hai lần? Đó là Bí Mật năm mà ký giả Nguyễn Hoàng Linh chưa kịp đụng tới trước khi bị nhận chìm.
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Chẳng cần biết thế lực nào từng kêu gọi mọi người đừng bẻ cong ngòi bút, ký giả Nguyễn Hoàng Linh đã có Tội lớn nhất là tin vào lãnh đạo mà lớn tiếng… la làng bắt cướp. Tội lớn nhì là không nắm bắt tình hình quan hệ ăn chia giữa các cụ tiên chỉ hội tề. Tội lớn Ba là làm ký giả mà không hay luật báo chí mới ban hành, cấm tuyệt mọi tiếp cận và quảng bá các loại thông tin gây phương hại tới quyền lợi và sỉ diện của… lãnh đạo. Bấy nhiêu tội tày đình, chưa bị tru di tam tộc đã là may. Các cơ quan nhân đạo quốc tế cần lấy đó làm gương che miệng.
Bài thu hoạch học tập trong tháng: Lệnh bắt giam khẩn cấp ký giả Nguyễn Hoàng Linh đã tự nó tiết lộ một Bí Mật lớn nhất về lãnh đạo đảng CSVN: Không bắt cướp, chỉ chuyên bắt kẻ truy hô bị cướp! Không hề a tòng. Họ đang là Lãnh Đạo… bọn cướp!
Lòng Tin Còn Sót Chút Nào Hay Chăng?
“Một chiếc máy bay lên thẳng của nhà nước đưa ngài Tân giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đi tham quan xứ sở thống nhất giàu đẹp, cất cánh từ một thữa ruộng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã ngay lập tức hớt gọn mấy ngọn xoài. Viên phi công cho đáp khẩn trương. Vị quốc khách trèo ra khỏi máy bay, nhìn ngược lên chùm cánh quạt cong queo (hú vía?). Họ đi tới điểm kế của chương trình tham quan bằng đường bộ…”.
Nữ ký giả Mỹ Kristin Huckshorn mở đầu như trên cho thiên phóng sự kinh tế mới nhất về Việt Nam, đăng trên tờ San Jose Mercury News, số ra ngày 12-10-97. Bài báo viết tiếp, dẫn lời một doanh nhân Mỹ dấu tên tại Hà Nội:
“Chúng tôi vào đây để nhận những hành trình chông gai với nhiều bận đáp gãy cánh. Mọi người đã mất hết lòng tin…”.
Dĩ nhiên, ông ta không hàm ý mô tả vấn đề di chuyển. Hãng Total của Pháp hay Chrysler của Mỹ đã gãy cánh và gãy cả răng, đành chấp nhận giã biệt những đoạn đường chông gai đó, khi lãnh đạo CSVN hạ quyết tâm chỉ chạy độc nhất loại xe một số: Lùi. Hãng xe Ford thở dốc, chưa biết sẽ giải quyết trên 10.000 chiếc thặng dư hàng năm ở Việt Nam vào đâu. Hãng Toyota của Nhật và hãng KUO của Tân Gia Ba cùng đồng ý nằm chờ một hừng đông khác. Hãng Volkswagen của Đức quyết định đứng ngoài miệng vực thẳm. Giới tư bản thế giới đổ vào Việt Nam 11 tỷ Mỹ kim trong 10 năm “đổi mới”, chỉ để trồng lại những hàm răng và thay tròng mắt kính, nghiến lợi đứng nhìn CSVN dậm chân tại chỗ… đếm tiền túi. Lòng bảo lòng: Khi ấy em còn thơ ngây.…
Căn cứ theo thông báo chính thức của Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư, giờ đã khác xưa. Đầu tư ngoại quốc trực tiếp trong 9 tháng đầu 1997 là 2.51 tỷ, đạt mức 1-3 so với cùng thời năm ngoái. Cuộc tình kinh tế lãng mạn đã trôi xa. Các tòa đại sứ làm chung một thống kê khách quan thống thiết: Số công ty rời bỏ Việt Nam cao gấp đôi số hãng thò chân vào thăm dò. Tỷ số khách thuê phòng khách sạn đang từng bước đi xuống, đạt hiệu năng xấp xỉ 30%.
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thiệt! Masaaki Terada, giám đốc công ty Sony tại Việt Nam vẫy tay, vẫy tay chào thua, một lần đầu và là lần cuối: “Không khác gì phải chơi ván bài với một kẻ chỉ muốn người khác rục tùng. Nhà nước Việt Nam háo thắng quá sức. Nhưng kể từ giờ, giới đầu tư sẽ trả lời thẳng là chúng tôi không muốn chơi tiếp. Chúng tôi đang trên đường về nhà…”.
Nôn nao gấp triệu lần khi đến, doanh nhân Mỹ Eugene Matthews cũng hăm hở… cuốn gói, tạm thời về Nhật, sau mấy năm đóng vai chuyên viên thúc đẩy hàng đầu, tưng bừng quảng cáo trên truyền thông Mỹ về một xác suất làm ăn phát đạt tại Việt Nam. Eugene vừa mới chật vật bán đấu giá bộ bàn ghế và cả máy điện thoại trước khi vĩnh viễn đóng cửa văn phòng khuyến khích đầu tư… một lần cuối và trọn cuộc đời.
Xin chào, và xin yên tâm, chúng tôi từng gãy răng vì nó, nên không thể quên rằng những con số thống kê nói trên đều là Bí Mật Quốc Gia của nước CHXHCN Việt Nam.
Lấy Ngắn Nuôi Dài, Vay Mới Trả Cũ
Buổi họp Hoa Thịnh Đốn-Hà Nội từ ngày 6 đến 11 tháng 10 ngay tại thủ đô Hoa Kỳ, nhằm bàn thảo “khai sáng một số vấn đề có tính cách kỹ thuật” về quan hệ thuế khóa giao thương, lót đường cho một Hiệp Ước Thương Mại trong tương lai, điều kiện tối cần cho một quy chế tối huệ quốc sau này. Buổi họp thân mật nói trên, với sự có mặt của đại diện liên bộ phía nhà nước Việt Nam, đã âm thầm đi vào ngõ cụt. Dù trước đó một tuần, đại sứ Mỹ Peterson đã quay về Hoa Kỳ trong một chuyến bay cấp tốc đôi ba ngày, nháy nhau xong là đi.
Những chuẩn bị cho Hiệp ước Thương mại giữa hai nước được cẩn thận xếp vào đáy tủ. Rất tiếc. Nhưng dẫu sao, đó cũng chỉ là việc phụ. Các đại diện liên bộ Việt Nam giải sầu bằng những nỗ lực chính: Theo nhau xuống phố mua vui, và mua quà. Con đóng khố, bố ở truồng, viễn ảnh tối huệ quốc càng đậm một màu đen. Đại sứ Peterson sau đó trả lời phỏng vấn của Chris Green thuộc chương trình Việt ngữ đài BBC, cho rằng những khó khăn mà các doanh nhân Mỹ gặp phải ở Việt Nam, ví dụ như trường hợp rắc rối giữa công ty American Rice với Vinafood chẳng hạn, “chỉ là những chuyện… bên lề”, không dính dáng gì đến nghị trình. Có lẽ ông đại sứ nói… thật. Chuyện chính hẳn phải ở một chỗ khác. Trong các núi hồ sơ của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chăng?
Cơ quan bảo đảm tín dụng xuất khẩu Hermes của Đức quốc đã chính thức ra thông cáo chấm dứt mọi bảo đảm tín chỉ thư cho Vietcombank. Lý do? “Chỉ là vấn đề hoàn trả!”. Ở cấp độ giữa ngân hàng với ngân hàng, thì quả, đó chỉ là chuyện… nhỏ. Đáng nói chăng là ở cấp nhà nước. Chuyện cũng giản đơn tương tự, nhưng được giới tài chánh ngân hàng ngoại quốc tại Việt Nam đồng ý: Vấn đề xuất phát từ sự cạn kiệt tiền tươi của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đại diện Klemens Burkart của ngân hàng Đức Quốc BHF tại Sài Gòn niềm nở bày tỏ cảm tưởng: “Kể cũng đáng xấu hổ!”.
Tờ Economist khách quan nhận định: “Hệ thống quốc doanh chủ đạo lỗ lã của Việt Nam thi nhau vắt kiệt một ngân sách vốn dĩ đã khô cạn từ mọi nguồn thuế. Các ngân hàng nhà nước họp thành một vũng lầy…. Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sẽ phải nói thẳng nếu Việt Nam xin thêm tiền…”.
Paris Club và London Club đang cùng dậm cẳng đúng điệu Francophonie: Việc trả nợ quá hạn được Việt Nam dự trù điều đình bằng… một thỏa ước mới, đặt căn bản trên tiền đề tuy mơ hồ nhưng đầy triển vọng là Việt Nam sẽ vay hay xin được thêm tiền từ Ngân hàng Phát triển Á châu và “các nhà tài trợ song phương” Âu châu. Khẩu hiệu cũ là Ai thắng Ai. Khẩu hiệu mới là Nợ trả Nợ. Xa lộ Trường Sơn là một món thế chấp mới, tương tự như Đường dây 500Kv mấy năm trước. May cho những ký giả Việt Nam chưa rớ vào phạm trù này.
Sẽ đi tù tất cả những ai cho rằng các nước Âu Châu đang chủ trương cúp viện trợ ra ngoài để thắng lạm phát bên trong bản quốc, nhằm mục tiêu hội đủ điều kiện gia nhập một thị trường tiền tệ Âu Châu cạnh tranh với trục Bắc Mỹ và Á Châu Thái Bình Dương. Bộ luật báo chí mới trong nước ghi nháp rằng đó là tội tiết lộ bí mật quốc gia… bạn. Vay mới trả cũ: Nợ chồng nợ. Cũng sẽ đi tù tất cả những kẻ đọc thành ngữ Ăn mặn – Khát nước. Đó là tội tiết lộ bí mật quốc gia… xuyên thế hệ.
Trong khi đó, cố vấn kỹ thuật tối cao của nhà nước long trọng khuyến cáo mạnh mẽ bằng văn bản rõ ràng ở điều 3, rằng: “Chính phủ cần phải cố gắng hết sức để Bình Thường Hóa các khoản nợ quá hạn đối với các chủ nợ song phương chính thức không nằm trong Câu lạc bộ Paris thông qua việc đàm phán các thỏa thuận thích hợp nhằm giải quyết nợ…”. Chuyển ngữ từ tiếng Mỹ, văn kiện này có tên tựa là Bản Ghi Nhớ Kỹ Thuật, phát hành từ số 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
Sơ kết thu hoạch nhỏ: Nhà nước Việt Nam phân loại các loại chủ nợ và đúc kết các khoản nợ cực kỳ có khoa học. Còn việc giải quyết thì cực kỳ có văn hóa:
Tối trời bắt đảng trông sao. Đảng thề đảng thấy sao nào, đảng đui!
Mấy Xôi Một Chõ, Mấy Chó Một Rọ?
Cơ quan đảm bảo sức khỏe lãnh đạo vừa tiết lộ một bí mật quốc gia mới toanh: Tổng bí thư Đỗ Mười bị… hói. Những nghiên cứu sâu sắc có cơ sở và có hệ thống cho biết thêm: Đây là một bệnh truyền nhiễm đáng ngại, sâm trị không khỏi, đang từng bước lây lan sang các viên chức trẻ trong bộ chính trị. Bệnh có tên y học là Vodaubuttai. Phiên âm ra tiếng Việt là Vò-đầu-bứt-tai. Xem ra, cái vị trí chắc nịch của đồng bạc nhìn nghiêng trông thẳng của Việt Nam, dù không đổi được ra bất kỳ thứ tiền nào khác, sau cùng rồi thì cũng mất đi tính chất ba bó… nửa giạ của nó. Nghĩa là cũng vướng vào cái trào lưu tài chánh phiền muộn từng khiến các con hổ cong cớn quanh vùng cùng… chống nạng.
Thế nên, xem ra, mười tỷ đô la tiền tươi của quân đội đầu tư chung với tướng lãnh của các quân đội bạn trong khu vực, tới nay còn được phân nửa giá đã là may. Đừng trách tướng Đoàn Khuê… sao không thấy hồi âm. Cũng đừng hỏi về những tấn thuốc phiện vừa bị thiêu hủy ở biên giới Vân Nam. Nhất là đừng thắc mắc vì sao Cao Sĩ Kiêm, vốn là con cưng của Tổng bí thư nhờ quyền “cho vay nóng” (không cần dự án, thế chấp và cả chứng từ), lại bị bay chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tất cả đều là Bí Mật Quốc Gia! Hãy coi đấy là một lý cớ thành đồng vững chắc để Bộ chính trị đưa người dân sự gốc mõ lên nắm Chủ tịch nước. Cũng nên coi đấy là một bằng chứng hùng hồn của tình thế là Chỉ Hết Tiền, Chưa Hết Người! Mà còn người, tức là còn có thể sửa sai chính sách, tùy theo phạm trù và tầm vóc của khủng hoảng. Yên chí, ở đâu có khủng hoảng, ở đó sẽ có sửa sai.
Ký giả Tim Larimer viết bài từ Hà Nội cho báo Asia Online đã nhận định khái quát như thế về tình hình Việt Nam. Ông kêu gọi người ta đừng chờ đợi điều gì quá sức một ban tân lãnh đạo đang từng bước củng cố vị trí. Ông đoán rằng ít nhất sẽ mất sáu tháng cho việc “hy sinh ghế bố, củng cố ghế con” đó, và sáu tháng kế là để rà soát, đúc kết các dự kiến đó đây xem… ai sẽ lên thay.
Còn ở khoảng giữa? Những tay ký giả có nghiệp vụ tầm cao này thường không có câu trả lời cho loại câu hỏi đó. Cực chẳng đã, họ chỉ nhắc một vài dữ kiện giúp cho độc giả tự đánh giá:
Quốc doanh Việt Nam tiếp tục ăn bám một thân cây khô;
Dẹp quốc doanh thì sinh nạn thất nghiệp cả nước;
Cán cân chi phó và cán cân mậu dịch mất thăng bằng trầm trọng;
Hữu hiệu hóa chính sách tận thu bằng cách nào?
Hàng công nghiệp tồn đọng quá mức cho phép, đặc biệt là thép;
Hàng lậu tràn ngập cả nước, chủ yếu là hàng Tàu;
Hàng xuất khẩu bị ép giá tàn bạo, đứng đầu là gạo;
Đầu tư ngoại quốc giảm nhanh;
Nợ đáo hạn và quá hạn quá tải;
Chủ nghĩa Xét lại Makeno tung hoành, tức nhân dân không chịu ngồi yên nhìn đảng viên tham nhũng;
Viện trợ từ ngoài bị cắt, dù cho có lập đàn cầu thiên tai bão lụt;
Mỹ vẫn chưa có chính sách rõ rệt đối với Việt Nam, dù ngài đại sứ Peterson có nhiều câu tuyên bố nức lòng;
Làm sao từ chối hợp tác quân sự cấp vùng như Bắc Kinh đề nghị, mà không kẹt Bạch Hổ, Đại Hùng?
Nguồn công nhân hợp tác ở nước ngoài đã bảo hòa, chẳng mấy nước chịu nhận thêm lao nô;
Đồng bạc bị phá giá khiến mức sinh hoạt tăng;
Các dịch vụ gửi tiền từ nước ngoài về tự ý đình động chờ hối suất mới;
Lấy gì trả lương cho quân đội và công nhân viên?….
Nghĩa là, nhìn chung, uy tín của những tân lãnh đạo “trẻ” này tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng xoay sở của họ trước một tình hình đáng gọi là giông bão nói trên. Quan trọng nhất, Ai Cho Xoay?
Những điều đó được giới truyền thông nêu lên cũng nhằm đá ngược trái banh lại phía độc giả, để họ tự nêu lấy câu hỏi cho chính họ:
Một, yếu tố liên tục của chính sách đổi mới có thật?
Hai, bao giờ mới đạt được sự đồng thuận nhất trí của ban lãnh đạo nhiều thành phần CSVN này về tính sóng đôi tất yếu của cải tổ chính trị với cải cách kinh tế?
Ba, giải pháp tối ưu cho Việt Nam đòi hỏi trí tuệ thật của Việt Nam cho Việt Nam, và hình như đang nằm ngoài Việt Nam?
Bốn, có phải đây là thời điểm thuận tiện nhất để tuyên bố gỡ bỏ chuyên chính?
Xin miễn bàn. Dường như tất cả đều là Bí Mật Quốc Gia.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments