top of page

1998.01 – Bão Cuối Năm

  • LVMỹ-K24
  • Feb 28, 2022
  • 11 min read

Cơn bão Linda đã qua. Cơn bão Dollar vẫn đang hoành hành dữ dội khu Ba Đình. Hà Nội họp bất thường vào cuối tháng Chín. Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt khẩn trương chuyển sang ban cố vấn.


Ba tháng sau, và chỉ hai ngày trước lễ Giáng Sinh 1997, Trung ương đảng CSVN triệu tập một hội nghị khép kín. Chánh văn phòng Ban chấp hành Trung ương đảng Phan Diễn giữ vai chủ tế. Nguyễn Đức Bình, Hồng Hà và Hữu Thọ đồng thất nghiệp. Trường phái “tư tưởng” không có chỗ đứng trong hội nghị này.

Bây giờ chủ nghĩa nhạt nhùng,

dấm thanh đổ biển mấy thùng mới chua?


Vui Xem Hát – Nhạt Xem Bơi – Tả Tơi Xem Hội

Theo dự trù của Chính trị bộ Hà Nội, phiên họp khép kín này sẽ kéo dài cho tới cuối năm dương lịch. Nghị trình căng thẳng ngay từ lúc Bắc Kinh tung ra nghị quyết 15 hồi tháng Chín. Báo cáo chính trị của Hà Nội kỳ này là một định hướng sao bản của nghị quyết vừa nói. Chính yếu là cổ phần hóa quốc doanh và dân chủ hóa nội bộ. Phần còn lại là những khoảng điền vào chỗ trống cho hợp ý Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới. Cả ba phần đều là những khúc xương ngáng cổ Hà Nội. Quốc doanh vốn dĩ là chốn nương tựa để làm giàu của đảng viên. Dân chủ hóa nội bộ thì lấy ai để nói theo và làm theo? Còn đáp ứng đề nghị của IMF và World Bank thì e là vừa chệch hướng, vừa mắc mưu “các thế lực phản động”.


Vì vậy, trước khi vào họp, Đỗ Mười đã long trọng khẳng định: “Phải hạn chế!”. Quảng diễn ra cho rộng nghĩa, Tổng bí thư đảng CSVN đã tận dụng mọi kiến thức có được về lý thuyết cộng sản và kinh tế vĩ mô để gia công ngăn chận cơn khủng hoảng tiền tươi trong nước không làm đảng lao đao hơn nữa:

  • a) Không nhất thiết phải cổ phần hóa quốc doanh, để giữ ổn định đời sống kinh tế đảng viên;

  • b) Không dân chủ hóa nội bộ, để giữ ổn định giềng mối đảng;

  • c) Tìm phương cách sáng tạo để không cần làm theo yêu cầu của IMF và Word Bank mà vẫn có thể vay thêm nợ.

Cả ba chủ trương vừa nói được gom chung lại thành Định Hướng Đỗ Mười, đi kèm theo lệnh miệng là phải viết lại dự thảo báo cáo chính trị cho phiên họp Trung ương đảng kỳ này.


Phản ứng?


Ban ghi chép Lịch sử đảng vô cùng bối rối trước câu hỏi tự đặt ra là có nên chính thức ghi nhận một số sự kiện chưa từng xảy ra:

  • Một là Phan Văn Khải cùng năm Phó thủ tướng đồng nhất trí trả lời là “không làm được” những việc được làm vừa nêu trên;

  • Hai là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Lê Khả Phiêu bỏ ngang buổi họp Bộ chính trị;

  • Ba là Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Nguyễn Tấn Dũng từ chối lời đề bạt nắm chức Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước, và “phải về giải quyết một số việc hệ trọng” ở… Rạch Giá;

  • Bốn là có ý kiến đề bạt Cố vấn Võ Văn Kiệt dự tranh với Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Văn An vào chức Tổng bí thư đảng CSVN!

Măng Mọc Có Lứa – Người Ta Có Thì


Dưới chế độ cộng sản, việc nghe ngóng đã từ lâu trở thành một tập quán sống cực kỳ quan trọng. Các cuộc hội nghị khép kín ở Ba đình đều có chung một phó sản phong phú là những quả bóng dư luận tung ra hàng tháng trời trước đó. Có những tin có thể phối kiểm được mức độ chính xác. Có những tin được loan truyền từ một phe cánh để tự đánh bóng hay bôi đen đối thủ trước khi vào họp. Lần này không khác. Nên ngay cả giới quan sát tại Hà Nội cũng lúng túng không kém ban Lịch sử đảng.


Chưa bao giờ số lượng thông tin về Tổng bí thư đạt cao điểm đến vậy. Ngoài bốn sự kiện “khó ghi nhận” nêu trên, người ta nhắc nhau một câu nhắn nhủ của Đỗ Mười: “Nếu đã no thì đừng xơi thêm”. Nội dung nói về sự cân nhắc lợi hại giữa mức độ phát triển kinh tế với mức độ đe dọa quyền lực lãnh đạo. Diễn cách khác, thà không phát triển còn hơn bị diễn biến hòa bình. Nôm na hơn nữa, thà nhân dân đói nghèo hơn trung ương mất đảng. Tuy nhiên, dư luận lại sử dụng lời nói mộc mạc đó theo nghĩa đen trong bối cảnh tham nhũng tràn lan ở Việt Nam. Chưa ai dám xác định túi tham có đáy. Liệu có bao nhiêu đảng viên đã thấy no? Tiêu chuẩn no của từng cấp đảng viên ra sao?…


Cũng chưa bao giờ người ta thấy Tổng bí thư đảng CSVN hờn dỗi đến vậy. Đỗ Mười đã nặng lời phê phán các bài báo trong nước, nhân lễ đăng quang của Trần Đức Lương và Phan Văn Khải mà Đỗ Mười không đến dự, đã đề cao một “thế hệ lãnh đạo trẻ và có học”. Tổng bí thư đảng cho rằng hàm ý của các ký giả đánh giá giới lãnh đạo cũ là vừa già vừa vô học. Độc giả các tờ Tuổi Trẻ và Lao Động tỏ ra phấn khởi với hiện tượng “cây khô mọc chồi” trong giới truyền thông. Còn giới quần chúng bình dân thì chuyền tai nhau những lời hát diễu: Mồ cha đứa chê tao già, Tao còn thiến nổi một vài trăm heo.


Nhận định chung của nhiều giới về hội nghị Trung ương đảng kỳ này là một sự lạc quan. Kết quả của đại hội 8 được đánh giá là sự ổn định chân vạc trong đảng của ba ông đầu rau. Kết quả hội nghị bất thường vừa qua, với hai tấm hộ chiếu về vườn cấp cho Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh, được mô tả như quyền lực thu về một mối Đỗ Mười. Những tưởng mặt trận các miền rồi yên tĩnh. Sự thật trái ngược. Mức độ đấu đá căng thẳng đến mức chưa từng, đến nỗi Lê Khả Phiêu phải đập bàn bỏ họp. Nên người ta có lý do để lạc quan, khi Đỗ Mười sau cùng cũng tự xếp va-li.


Vấn đề là người ta sẽ lạc quan tới đâu và bao lâu.

Đất Rắn Nặn Chẳng Nên Nồi


Điều ghi nhận đầu tiên là, nói theo Người Sài Gòn, dù Đỗ Mười chưa muốn nằm cũng không thể muôn năm trường trị. Không chỉ vì tuổi già. Sự đào thải nằm ở nhiều lãnh vực khác. Kiến thức là một. Uy tín là hai.


Giữa công trạng phá hoại với kiến thức xây dựng là một khoảng cách nghìn trùng. Giữa bề dày kách mệnh với uy tín lãnh đạo cũng không phải là ngắn và bất biến. Rõ ràng Đỗ Mười mất khả năng cầm chịch đảng, chưa nói là qua đảng điều phối guồng máy vận hành cả nước.


Đúc kết thành quả một nhiệm kỳ rưỡi của Đỗ Mười là một đặc tính không đổi của giới lãnh đạo cộng sản:

  • Không ngăn ngừa được khủng hoảng trước khi xảy ra;

  • Không ngăn chặn nổi khủng hoảng khi nó đã xảy ra;

  • Chỉ có thể chạy theo khủng hoảng bằng các biện pháp thay đổi nhân sự hay chính sách, gọi là sửa sai.

Lộ rõ nhất và gây sôi nổi nhất trong hội nghị lần này là những ý kiến chỉ đạo của Đỗ Mười về việc đạp thắng phát triển, trong một tình hình ngân sách cạn kiệt tiền tươi. Nên rất tiếc là… phanh không xơi. Đất rắn chẳng nặn nên gì. Đành phải thay cả một “thế hệ cố vấn”: Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng chính thức về hưu; Ban cố vấn nghi lễ mới gồm Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh.


Mặt âm của điểm ghi nhận đầu tiên này là… Võ Văn Kiệt phần nào có lý, qua những nhận định gói ghém trong bức thư ngỏ gửi Bộ chính trị hồi tháng 8-95 từng khiến những người biểu lộ sự đồng ý toàn phần hay một phần bị mất chức (Đào Đình Luyện) hay đi tù (Hà Sĩ Phu). Phải mất hai năm sau, một số người khác, đồng ý nhưng không biểu lộ ngay, mới chiếm được ưu thế trong một trận đồ đấu đá cực kỳ phức tạp trên sân khấu quyền lực Hà Nội.

Rửa Chân Đi Đất


Điểm ghi nhận thứ nhì là đã qua cái thời bảo vệ đảng bằng nước bọt. Nguyễn Đức Bình cũng chính thức phục viên kỳ này. Nội dung nghị trình phiên họp không đề cập tới phần tư tưởng hay định hướng xã hội chủ nghĩa. Cũng không ai dám tin là nếu Hồ Chí Minh còn sống có thể làm gì hơn, đừng nói gì những lời kêu gọi cần, kiệm, liêm, chính.


Chiến lược của Hà Nội hồi đầu thập niên 90 là giữ chủ nghĩa cộng sản. Đến giữa thập niên này là giữ đảng. Ngày nay là giữ Bộ chính trị.


Từ sau đại hội tám, Bộ chính trị Trung ương đảng đã rõ rệt chia ba: Tư tưởng, Chính phủ và Quân đội. Phe tư tưởng chủ trương xiết lại để củng cố giềng mối đảng. Hai phe kia có cùng nhận định nên khá gần gủi với nhau: Càng đạp thắng để giữ đảng, càng làm đảng phân rã nhanh hơn, ngay từ cái lõi trung ương. Phan Văn Khải mời Lý Quang Diệu sang thăm, tiếp nhận một số ý kiến chủ đạo:

Sẽ không giải quyết được gì ngày nào quý vị chưa giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ thuyết và triết học…. Việt Nam đang giết dần giới đầu tư ngoại quốc. Nên nhớ là họ không tới để kiến thiết Việt Nam”.


Lê Khả Phiêu cũng vội tiếp kiến Ủy viên Bộ chính trị Bắc Kinh Lý Thụy Hoàn, thu hoạch đôi điều hơn thiệt về lẽ phải của đồng đô đi đôi với sức mạnh của nòng súng. Cộng thêm trọng lượng một đòn gió của hành pháp Hoa Kỳ: Chờ Quốc hội Lưỡng viện Hoa Thịnh Đốn cứu xét đề nghị giao thương toàn phần với Hà Nội. Tất cả càng làm khắng khít thêm mối quan hệ răng môi giữa Lê Khả Phiêu với Phan Văn Khải, đồng thời, đánh bật được định hướng Đỗ Mười. Có sự hậu thuẫn dù là biểu kiến của quân đội, phe chính phủ mới mạnh dạn bác bỏ chỉ thị của “trên” bằng câu trả lời “không làm được”: Đảng se chỉ mảnh, Nhà nước khâu sao bền? Phe đảng quyền nhanh chóng bị xóa sổ. Một cuộc chơi mới bắt đầu.


Những nhận định lạc quan đặt căn bản trên sự thỏa hiệp phần nào của một cánh quân đội đối với chính phủ. Giới hạn của những lạc quan này là tính cơ hội của những thỏa hiệp đó. Những lắng đọng, nếu có, chỉ làm dịu nhất thời sự va chạm phe nhóm, chưa phải là việc giải quyết rốt ráo các nan đề có tầm vóc quốc gia. Vấn đề không nằm ở chỗ thỏa hiệp trong đảng mà là giải pháp cho đất nước. Rửa chân để tiếp tục đi đất ư?

Bán Bò Tậu Ruộng Mua Dê Về Cày


Lê Khả Phiêu thắng phiếu vẻ vang trong hội nghị Trung ương đảng: 164 trên 168. Đảng không tiết lộ ai làm chủ bốn phiếu trắng. Điều chắc chắn là nhân dân không làm chủ bất kỳ phiếu nào. Ngay từ những vận động đầu tiên của Lê Khả Phiêu, khả năng và tư cách của vị tướng này đã được nhiều giới trong nước đánh giá bằng những danh từ thường thấy ghi ở thực đơn trên vách những quán cháo lòng: phổi bòóc heo.


Cả tính tình và tương quan làm việc của đương sự với những người cùng hàng ngũ cũng được mô tả bằng những loại gia vị bình dân: Đã có cà cuống thì đừng hạt tiêu. Nghĩa là những phản ứng tính toán lanh lợi biến thành thủ đoạn tàn độc không thua kém gì Tổng bí thư tiền nhiệm. Đây chính là điểm giới hạn những lạc quan khi người ta so sánh số tuổi của hai “thế hệ lãnh đạo”.


Trên căn bản đó, những thỏa hiệp sơ bộ của Lê Khả Phiêu với phe chính phủ hoàn toàn không nằm trên nền tảng kiến thức kinh tế, để giải quyết tức thời vấn nạn ngân sách. Phiêu dựa vào cánh chính phủ và dùng đòn gió Giao Thương đúng lúc của Hoa Thịnh Đốn để làm vũ khí tiến chiếm quyền lực, chứ không mấy ai tin Phiêu có khả năng giải quyết khủng hoảng kinh tế ngân sách. Nói cách khác, người ta không chờ đợi bộ ba Lương-Khải-Phiêu sẽ tạo ra điều gì ngoạn mục hơn thời Mười-Anh-Nông-Dân.


Nếu sự thay đổi sẽ đem lại cho nhiều người một ít hy vọng, thì những thay đổi giả tưởng này chỉ có thể mang lại một chút hy vọng ngắn ngủi. Giới lãnh đạo “có bề dày” rút lui, trong khi thế hệ lãnh đạo mới không ai có những ưu thế vượt trội. Trần Đức Lương nổi tiếng ba phải. Phan Văn Khải trên đe dưới búa. Lê Khả Phiêu thâm độc, chưa tạo đủ uy tín ngay trong quân đội và giới cựu chiến binh, khoan nói là trong đảng. Hàng lãnh đạo “trẻ” mang tính cá mè một lứa.


Carl Thayer xác quyết rằng: “Phiêu lên vị trí hàng đầu với một uy thế thua sút kẻ tiền nhiệm rất xa”. Phiêu sẽ cần khá nhiều thời gian để củng cố vị trí, cả trong lẫn ngoài quân đội, cả trong lẫn ngoài đảng. Tỷ lệ số phiếu 164-168 không che nổi khoảng trống quyền lực. Bộ chính trị nhiều thành phần cần được gấp rút sắp xếp lại với ít nhất là ba nhân sự mới, trám chỗ Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt.


Mặt khác, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN, một tướng lãnh đương nhiệm lên nắm quyền Tổng bí thư . Nhiều người e ngại: Có phải đó là chỉ dấu mở màn cho một chuyển đổi từ độc tài cộng sản sang độc tài quân phiệt? Nhiều nhà quan sát có lý khi cho rằng tân Tổng bí thư CSVN sẽ ráp một bộ thắng hiện đại hơn vào chiếc xe chính trị-kinh tế vốn đang ì ạch của Việt Nam.

Mèo Già Ăn Trộm – Mèo Ốm Phải Đòn – Mèo Con Phải Vạ


Những thay đổi nhân sự lãnh đạo CSVN có thể sẽ tạo ảo tưởng thay đổi chính sách của Việt Nam trong năm tới.

Tuy nhiên, người ta thấy trước một số khó khăn trì kéo những bước chuyển đổi:

  1. Sự xung đột thế lực giữa các phe nhóm “cá đối bằng đầu” trong trung ương đảng, bề nổi là sự giằng co giữa hai khuynh hướng giữ quyền cai trị bớt lung lay hay giữ kinh tế đừng tụt dốc;

  2. Thế đu dây trơn trợt dưới ảnh hưởng chi phối ngược chiều của Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, trong hoàn cảnh lao đao của khối ASEAN;

  3. Mọi chỉ tiêu đề ra từ đại hội tám đều không đạt được, kinh tế hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ và đầu tư ngoại quốc mà không có giải pháp cấp vĩ mô và nhân sự điều phối;

  4. Ngân sách quốc gia cạn kiệt, trong một bối cảnh khủng hoảng tài chánh cấp vùng, hệ thống ngân hàng nhà nước rối loạn, thất thu thuế, đầu tư ngoại quốc tụt giảm, nợ cũ không giải quyết nổi và khó xin thêm viện trợ;

  5. Hệ thống xí nghiệp quốc doanh, với một phần lớn trực thuộc quân đội, chỉ có thể cải tổ trên giấy, như Ray Mallon nhận định trên phúc trình của tòa đại sứ Thụy Điển: “Họ nhắm vào quyền lợi của phe nhóm trên sự tiêu hao ngân sách quốc gia”;

  6. Tệ nạn tham nhũng trong một guồng máy hành chánh quan liêu càng gia tăng nhanh mức vơ vét, khi tình hình chính trị càng lúc càng có chỉ dấu bất ổn định.

  7. Xác suất bùng nổ từ sự bất mãn của quần chúng sẽ gây rối loạn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh công nhân viên chức nhà nước bị trả lương chậm, và một cánh quân đội cấu kết với giới cựu chiến binh hậu thuẫn cho sự nổi dậy của giai cấp công-nông v.v….


Sự thay đổi nhân sự thượng tầng đảng CSVN không đủ để giải quyết các khó khăn nói trên, nhưng sẽ gánh mọi trách nhiệm trăm dâu đổ một đầu tằm. Từ đó, bên dưới những lạc quan về sự chuyển đổi hai thế hệ lãnh đạo “già-trẻ”, nhiều nguồn dư luận đánh giá sâu sắc hơn:

Đó là sự chuyển nhượng quyền lực của một thế hệ lãnh đạo ăn ốc, sang một thế hệ lãnh đạo đổ vỏ.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comentarios


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page