1998.03 – anh Văn của những ai?
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 9 min read

Quân đội “Nhân Dân” Việt Nam hiện nay, dù không phải đối diện với bất kỳ một kẻ thù ngoại xâm nào, vẫn đang cực kỳ dũng mãnh chiến đấu trên mọi chiến trường khốc liệt. Với nhau.
Những trận đánh lớn gây xôn xao dư luận trong nước suốt những năm qua, không chỉ giới hạn trong phạm vi tranh giành những quân khu biên thùy hay các dự án liên doanh xây khách sạn và mở hãng bia với tài phiệt ngoại quốc, mà chính là trên bình diện vận động đề bạt Ủy viên Chính trị bộ.
Ngọn nguồn đấu đá trong đảng CSVN nói chung và quân đội CHXHCNVN nói riêng, đã có sẵn từ thời… thành lập. Mấy ai quên những tướng lãnh quá cố vì tai nạn giao thông, săn bắn, hay vì “không rõ nguyên do”. Hẳn cũng không mấy người kịp quên vụ Năm Châu-Sáu Xứ năm 1991. Đó là thời điểm cộng sản Liên Xô tan rã theo gót Đông Âu. Tại Việt Nam, đó là giai đoạn “hậu cởi trói tư duy” và là thời tiền đại hội VII, mọi phe cánh ráo riết tìm người thay thế Nguyễn Văn Linh.
Theo Báo cáo của Bộ Chính Trị tại Hội nghị Trung Ương kỳ 12 Ban chấp hành khóa VI, thì trong vụ này, Hồ Văn Châu và Nguyễn Thị Xứ là hai nhân vật diện nổi, còn ở mặt chìm là ủy viên trung ương Lê Hoàng, đại tá Tùng Giang, đại tá Lê Việt Bắc, chuyên viên cấp bộ Phan Phúc Tương, và thiếu tướng Thanh Quảng. Trên thực tế, hai nhân vật trọng điểm là Lê Đức Anh và Võ Nguyên Giáp, tức anh Văn.
Từ trong Nam, với hậu thuẫn của hội Cựu Chiến Binh (chủ yếu là ở Sài Gòn và Hà Nội), Năm Châu và Sáu Xứ ra Bắc vận động các tướng lãnh quân đội, cả tại chức lẫn phục viên, cho hai phương án:
Một là anh Văn nắm tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh cố vấn, Nguyễn Hữu Thọ chủ tịch hội đồng nhà nước, Sáu Khải thay Đỗ Mười chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Trần Văn Trà bộ trưởng quốc phòng và chuẩn bị thay anh Văn vào khóa 8, Trần Văn Danh bộ trưởng nội vụ, và Chín Cần nắm tổ chức.
Hai là Nguyễn Văn Linh tiếp tục nắm tổng bí thư cho tới giữa nhiệm kỳ thì trao cho Trần Văn Trà, anh Văn chủ tịch hội đồng nhà nước, Sáu Khải chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Trần Văn Trà bộ trưởng quốc phòng và Chín Cần trưởng ban tổ chức.
Phương thức vận động là “tuyên truyền rỉ tai và đánh đổ từng đối tượng một”. Kết quả vận động là một thất bại cho cả hai phương án, so với kết quả đại hội VII mà mọi người đều rõ.
Tuy nhiên, rõ không có nghĩa tàn cuộc. Cả hai phía, mọi tướng lãnh quân đội CSVN đều có dư khả năng xây dựng chiến trường riêng. Phe “Văn thân 1990” vẫn tiếp tục vận động cho phương án “anh Văn”. Ngược lại. ở bên kia lằn ranh, và nhất là khi đã nắm được quyền chủ tịch nước trong tay, cựu tư lệnh chiến trường Cam Bốt không thể nào chịu đựng sự lu mờ hơn nữa trước một hào quang Điện Biên đã nhạt. Tướng Võ Nguyên Giáp bị điều vào một chiến trường khốc liệt mới, làm mục tiêu tác xạ thay vì tư lệnh liên quân. Vũ khí hiện đại là Hồ Chí Minh cùng hằng hà những tư liệu cung đình thuộc hàng cơ mật, tối mật, tuyệt mật trước đây và mới đây.
Thực tế 3 tiến công: Đặng Đình Loan, Trần Quỳnh, và một Đảng viên nặc danh. Ba chiến thuật áp dụng là rao giảng đặc công (Đường Thời Đại), hồi ký chính quy (Những kỷ niệm về Lê Duẩn), và tâm sự vặt du kích (Anh Văn của chúng ta). Hệ thống tải đạn và tiếp lương chủ yếu là Tổng cục Chính trị đương thời dưới quyền Lê Khả Phiêu. Chiến lược chính là vô hiệu hóa phương án Võ Nguyên Giáp bằng cách tập trung phỉ nhổ đối tượng, trong lúc tạo thêm phó sản là vinh danh Lê Duẩn và Lê Đức Anh.
Thực tế 3 phản công: Hai đảng ủy viên ở Huế (Trần Bá và một người viết tên tắt là TLC), cựu đại tá nhà văn nhà báo Nguyễn Trần Thiết, và một người tự xưng Ta. Nhóm Huế lập bản tường trình nội dung rao giảng của Đặng Đình Loan. Đại tá Thiết tung một thư ngỏ ngày 22-8-97 gửi thủ trưởng Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu về hành vi của Loan, đính kèm theo một số đề nghị xử lý đối với đương sự. Đại tá Thiết còn huy động biển người từ giới đồng ngũ và đồng nghiệp theo chiến thuật bộ binh tùng thiết, ký tên hưởng ứng một thư ngỏ khác gửi đối thủ Trần Quỳnh ngày 7-11-97. Riêng người tự xưng Ta chọn lối đánh cận chiến với đối thủ không chân dung là Đảng viên nặc danh.
Võ Nguyên Giáp, nguyên ủy viên BCT đảng CSVN suốt 40 năm, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội Bắc Việt suốt 30 năm. Từng được gắn cấp bậc đại tướng đầu tiên, huân chương Hồ Chí Minh đầu tiên, huy hiệu 50 tuổi đảng, và huân chương Sao Vàng. Hiện là Chủ tịch danh dự hội Cựu Chiến Binh VN, Chủ tịch danh dự hội Khoa học Lịch sử VN.
Võ Nguyên Giáp, nói chung, từng đứng đầu một quân đội. Nay, chỉ không biết đứng đâu!
Trong trận thế ba mặt giáp công, Đặng Đình Loan, Trần Quỳnh và người đảng viên nặc danh đã mạt sát “anh Văn” không còn đất đứng, từ khả năng, tính tình, cho đến tận cùng những chi tiết cá nhân. Tựu trung, đó vẫn là sự vận dụng sáng tạo sách lược “đánh đổ đối tượng” của cộng sản: đâm người bằng dao quốc doanh của kẻ khác. Và thường thì đó là những kẻ “có trọng lượng”, đã chết càng hay, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Đinh Đức Thiện, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh v.v…. Mặt âm của sách lược này là một đặc tính đấu tranh biểu trưng của người cộng sản: Chỉ có thể ngoi lên bằng cách duy nhất là đạp lên đầu người khác. Phó sản của nó là tính tay sai thủ trưởng, cúi đầu nô lệ trước “cây gậy chỉ huy”.
Ở chiều ngược lại, đại tá Thiết, tiêu biểu cho lập trường của giới cựu chiến binh lão thành, cũng phải đi tới chỗ sử dụng áo giáp Hồ Chí Minh để đỡ đạn cho “anh Văn”. Riêng tác giả tự xưng Ta, có khác. Đọc nhiều lần bài trả lời công phu và sâu sắc của Ta, nhiều người không khỏi nhận ra mục tiêu của bài viết, thoáng tưởng như là để bênh “anh Văn”, thực sự lại hàm một ý nghĩa khác, rộng lớn hơn việc cổ võ cho một phương án cục bộ.
Nó lượng định lại sinh hoạt nghiệt ngã của người Việt Nam, cả trong lẫn ngoài đảng, là “Rõ ràng, cả nước đang sống trong một vở Bi Hài Kịch lớn”. Nó đánh giá lại toàn bộ đặc tính phi nhân và bất lương của lãnh đạo CSVN qua nhiều triều đại, kể cả Hồ Chí Minh. Nó lột mặt nạ những hiệp thương ma quỷ trong Chính trị bộ: “Đảng là chúng ta đây cả thôi!”. Nó dõng dạc kết án tổ chức của tội ác, đòi đưa ra tòa cả Lê Đức Anh cùng Lê Khả Phiêu, và tiên đoán một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho đảng: “Một tội ác không được ngăn chận thì nó sẽ càng lấn tới. Các cơ quan chức năng không ngăn chận thì quần chúng phải ngăn chận”.
Có phải đấy mới thực sự là lập trường của đại khối người Việt thầm lặng?
Quan trọng không kém, qua những trận đánh lớn đó, người ta có thể hình dung ra sao về tập thể mệnh danh là quân đội nhân dân?
Quân đội CHXHCNVN, từ sau cuộc rút quân khỏi xứ Chùa Tháp năm 1989, đã giảm thiểu số lượng hơn nửa, chỉ còn khoảng hơn nửa triệu bộ đội. Về chất lượng, quân đội này được đánh giá khá trung thực khả năng yếu kém, quân dụng vũ khí lạc hậu và tinh thần chiến đấu thấp, qua nỗ lực “cố vấn phòng không” cho Iraq trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, qua tỷ lệ đào ngũ sau các chiến dịch thu gom tân binh “nghĩa vụ quân sự”, qua những bài diễn văn của lãnh đạo Hà Nội trong những buổi lễ kỷ niệm thành lập quân đội hàng năm, và qua những lời kêu gọi kiên quyết chống tiêu cực các loại đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân hàng ngày.
Ngay chính đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, do Murray Hierbert trích dẫn trên báo Viễn Đông Kinh Tế, từng thông tin về nhận định của các đại biểu trong đại hội toàn quân là :
“Các lực lượng vũ trang đã ở trong tình trạng tụt hậu báo động và chức năng an ninh quốc phòng đã phạm khiếm khuyết rất lớn”.
Bài viết của Ta còn cho thấy không những một hệ thống chỉ huy quân đội sinh hoạt theo phe nhóm và bằng động lực quyền lợi, mà còn cả tư cách tồi tệ của từng cấp lãnh đạo: “Cho đến thời điểm này, bọn chúng đã hiện nguyên hình là một băng nhóm Mafia cực kỳ nguy hiểm”. Các yếu tố lạc hậu và sút kém của quân đội VN hiện nay cũng là một phần đầu mối sự lo sợ đối với Trung Quốc và sự gần gũi với Hoa Kỳ. Sự kiện tướng Lê Khả Phiêu thăng chức Tổng bí thư đảng CSVN không thực sự tạo nổi ấn tượng là quân đội mạnh, ngược lại, nó xác nhận sự yếu kém và phản ảnh nhu cầu củng cố quân đội.
Dù cắt giảm quân số, và dù quân đội được khuyến khích làm kinh tế riêng, ngân sách quốc phòng vẫn không thay đổi bao nhiêu so với thời chiến, và vẫn cao gấp bội ngân sách giáo dục, y tế thời bình. Ngược lại, trong tiến trình xây dựng và quản trị hơn 300 đơn vị kinh tế chủ quản, với pháo lệnh khuyến khích đảng viên làm giàu của lãnh đạo Hà Nội, quân đội nhân dân đã chứng tỏ khả năng buôn lậu tinh vi nhất nước. Hàng lậu chuyển vận trong nước đạt tỷ lệ vô địch là trên hệ thống quân xa mang biển số đỏ. Đó cũng là lý do khiến các tướng lãnh CSVN tranh nhau các quân khu biên thùy.
Trong cơn sốt tiền tệ Đông Nam Á, cựu bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê đã nướng cháy hơn 5 tỷ mỹ kim đầu tư với tướng lãnh một số nước láng giềng. Giữa cơn lao đao của toàn bộ kinh tế quốc doanh Việt Nam thì quốc doanh của quân đội báo cáo tiền lời gia tăng 30% so với năm ngoái, nhờ phương pháp hạch toán không chính thức. Cả hai yếu tố ngân sách quốc phòng và buôn lậu đã chứng minh lãnh đạo quân đội nhân dân này là một loại ký sinh hàng đầu bòn rút sinh lực của đất nước.
Phó sản của hòa bình và của việc cắt giảm quân số là hàng triệu cựu chiến binh. Đây là thành phần còn nhiều may mắn hơn các thương phế binh trong suốt ba cuộc chiến lấn chiếm miền Nam, xâm lăng Cam Bốt và chống trả Trung Quốc. Cựu chiến binh Phạn Văn Hùng được cấp phát một bộ quần áo, 2 thước vải và tấm giấy phục viên ngày rời bộ đội. Cứ trong 5 cựu chiến binh mới có một người đạt tiêu chuẩn trên 10 năm quân vụ để được lãnh món tiền hưu nhẹ tênh.
Đây là thành phần chịu đựng sự đói nghèo cá nhân, đã nhìn ra sự tụt hậu đói nghèo của cả dân tộc và đất nước sau khi độc lập thống nhất, quy vào nguyên ủy là sự “phản bội” và bất tài vô đức của lãnh đạo đảng. Quan trọng hơn, họ vẫn còn nhiều liên hệ mật thiết với giới chỉ huy quân đội tại chức. Chống lãnh đạo đảng và quảng bá lập trường chống đảng mới là việc chính của giới cựu chiến binh. Bênh vực “anh Văn” chỉ là một lý cớ bộc lộ lập trường đó. Chính Võ Nguyên Giáp cũng từng có lời tuyên bố khích lệ:
“Thế hệ chúng tôi đã rửa mối nhục mất độc lập. Thế hệ hiện nay phải rửa kỳ được mối nhục nghèo đói và tụt hậu của đất nước”.
Mặt trái của lời tuyên bố này là khoảng cách giữa hai thế hệ, non một phần tư thế kỷ, đã chứng tỏ mức độ tăm tối đến bất lực của lãnh đạo Hà Nội. Chuyển ngữ lần nữa: Muốn Việt Nam đứng lên trước thềm thiên kỷ mới, mỗi người Việt Nam, cả trong và ngoài đảng, cả trong và ngoài quân đội, phải đứng lên chống lại thiểu số độc quyền lãnh đạo u tối tồi tệ. Sự kiện trung đoàn 38 án binh bất động ở Thái Bình trong thời gian vừa qua, với sức nổi dậy của quần chúng theo sự hướng dẫn của các cựu đại tá phục viên chống trả lại quan chức địa phương là một điển hình tiêu biểu.
Đây không phải là trung đoàn độc nhất, nhưng là đơn vị đầu tiên của quân đội nhân dân bày tỏ quyết tâm đứng về phía nhân dân.
Qua những phân tích về lãnh đạo đảng, người tác giả xưng Ta, dù có là một cựu đảng viên hay cựu chiến binh đi nữa, sau cùng, cũng tự chọn là một nhân dân.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comentários