top of page

1998.05 – Tác Hại En Ni-nô

  • LVMỹ-K24
  • Feb 28, 2022
  • 17 min read

Cơn nhiễu loạn thời tiết En Ni-nô năm nay ảnh hưởng khá nặng lên đất nước Việt Nam, không chừa bất kỳ một phạm trù nào, từ nông lâm ngư nghiệp cho tới… tư tưởng, chính trị.






Rừng Khô Hồ Cạn


Báo chí trong nước liên tục đưa tin về 740 vụ cháy rừng trên khắp ba miền, từ Mường Tè, Lai Châu cho chí U Minh Hạ, Cà Mau. Khác với những vần thơ vụt hiện của thi sĩ Bùi Minh Quốc, đây là loại đề tài thuộc diện tự do đăng tải và phát tán, đảm bảo không nằm trong phạm vi chi phối bởi sắc lệnh 31/CP.


Với mức độ cháy rừng gia tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm ngoái, tính trung bình từ đầu năm tới nay, cứ mỗi giờ đồng hồ, Việt Nam bị cháy 5 mẫu rừng đủ loại. Phó thủ tướng CSVN Nguyễn Công Tạn (yêu cầu đừng đọc lái để khỏi bị ghép tội tiết lộ bí mật quốc gia) cũng đã liên tục chủ trì nhiều buổi tọa đàm về chủ đề phòng cháy chữa cháy bằng nước bọt.


Trực thuộc bộ phận hữu quan có liên hệ máu thịt với vấn đề, các chi cục kiểm lâm nhất trí kiến nghị xin khen thưởng cho một phương pháp phòng chống đạt hiệu năng cao đã từng được áp dụng thường xuyên từ nhiều năm qua: Phá sạch rừng thì khỏi sợ nó cháy.


Xem ra điều này khá phù hợp với đường lối đảng: Bỏ tù hết cả nhân dân để khỏi lo còn “kẻ xấu”.

Cháy Rừng Ra Mặt Chuột?


Kể từ những hôm ra Giêng tới nay, các xã ủy ở Việt Nam vẫn chưa thôi tất bật với đề tài “năm Dần nói chuyện Chuột”. Cục thống kê nhà nước đã gia công đếm được 55 triệu chuột bị thanh trừng hồi năm ngoái, và hơn 30 triệu con bị khai trừ nội trong mấy tháng đầu năm nay.


Nói chung, theo hãng thông tấn nhà nước VNA, đảng đã… kịp thời đối phó: Bằng dũng sĩ diệt chuột đã được cấp phát cho hàng vạn hộ. Chiến dịch sưu tầm đuôi chuột đã được phát động toàn quốc (nhưng cấm tuyệt nhân dân không được đề cập đến các chính sách đầu voi của đảng), với hiệu quả không chỉ ở diện giết chuột giữ đồng, mà còn nhằm chống lại nạn thất nghiệp đang gia tăng mạnh mẽ từ thành thị tới thôn quê.


Hãng Reuters đưa tin hàng loạt quán thịt mèo ở Hà Nội đã chuyển sang quy chế cửa đóng then gài, trước khi biến thành bia ôm đậu rán. Các viện nghiên cứu quốc gia đồng tập trung trí tuệ vào một vấn nạn lớn không thua gì độc đảng hay quân phiệt. Nhiều bẫy chuột chạy điện đạt hiệu năng cao, đã chứng tỏ đủ sức giết cả người canh ruộng. Thuốc chuột pha hương liệu vô chai đã đoạt danh hiệu mặt hàng đạt tiêu chuẩn, tuy đã khiến không ít trẻ em dù nằm ngoài tỷ lệ mù chữ nhưng vẫn tưởng lầm là nước giải khát….


Về phía nhân dân, theo báo cáo của Lư Xuân Hội, phó phòng nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, cũng đã xảy ra tình trạng nông dân mê tín mang lễ vật ra đồng cúng vái “các ông tí bà tí” như một hình thức hối lộ xin tha, nhưng được Vụ Dư Luận Trung Ương tổng kết thực tiễn là không mấy hiệu nghiệm. Phải chăng vì bọn chuột có biện pháp diệt trừ tham nhũng cực kỳ hữu hiệu?


Chấp hành cao độ nguyên tắc “truy động cơ”, nguyên nhân loạn chuột đã được giải thích theo nhiều định hướng. Nguyễn Xuân Niệm, trưởng phòng kỹ thuật chi cục bảo vệ thực vật ở Kiên Giang đổ tội cho công an hải quan, cho rằng vì nông dân Cam Bốt thu hoạch sớm vụ Đông-Xuân xong đốt đồng, nên “chuột tràn qua biên giới vô số kể”. Trần Chí Hiếu, cán bộ chi cục bảo vệ thực vật ở Thái Bình, cũng đồng quan điểm là trách nhiệm thuộc về giới hải quan, cho rằng vì quá nhiều động vật ăn thịt chuột như mèo, rắn, chim cú… bị xuất khẩu sang Trung Quốc. Nói cách khác, đó là hai chiến trường nghịch đảo của thời xâm lăng Kampuchia và đỡ đòn bọn bá quyền phương Bắc 1978-1979.


Tác hại của nó không phải nhỏ: Nếu vào đầu thập niên 80, Việt Nam đang trong thời mới tái lập hòa bình thống nhất, vì hai cuộc chiến Tây Nam – Chính Bắc ấy mà bị xếp hạng cuối bảng về thứ tự kinh tế thế giới và phải kêu gào nhân loại cứu đói; thì, tính luôn báo cáo của bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc về tình trạng phá hoại cà phê, giặc chuột năm nay cũng mang tới nguy cơ đe dọa thành tích của Việt Nam đang đứng hạng nhì thế giới về xuất khẩu gạo và hạng tư về xuất khẩu cà phê.


Cục thống kê, với sự hiệp thương của Đàm Quốc Trừ, phó giám đốc cơ quan Bảo vệ Mùa màng thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn cho biết rõ là tình trạng “làm lãng phí của công và gây thiệt hại tài sản nhà nước XHCN” bởi giặc chuột, chỉ nội trong hai tháng đầu năm nay đã tương đương với phân nửa mức thiệt hại của nguyên năm 1997, và gấp rưỡi năm 1995.


Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Phú Trọng, nếu có sự sáng tạo hợp xu thế thời đại, hẳn đã cho Tạp chí Cộng Sản đi bài “Chuột đồng phá đảng”, tạm ký tắt tên tác giả là L.K.P. (như thuở đảng còn “những việc cần làm ngay”). Vừa cực lực lên án giặc chuột và báo động mối nguy tụt hậu xuất khẩu. Vừa điều hướng dư luận thế giới về sự căm phẫn của nông dân Việt Nam nhất định không phải do trào lưu sách nhiễu quần chúng bằng hàng trăm loại phụ phí của đảng ủy các cấp. Lại vừa vạch rõ cho toàn đảng toàn quân rằng đích thị kẻ thù trực tiếp và duy nhất của giai cấp nông dân không gì khác hơn… chuột.


Chỉ cần một bài báo có nội dung sâu sắc (không kém gì bài phản luận kiểu Trần Trọng Tân trên báo SGGP hay các bài khác trên báo Nhân Dân cực lực chống đối ý kiến dân chủ hóa của cựu tướng Trần Độ), như theo đề xuất bên trên, ban Văn hóa Tư tưởng sẽ biểu lộ khả năng trấn an trung ương rằng đã “bốn cửa đảng chạm bốn mèo”, do đó, sẽ không cần phải đối phó gì nhiều với các bài báo Người Sài Gòn dai dẳng phân tích về nạn chuột ăn đô la, chuột uống dầu thô, chuột chiếm đất xây khách sạn với sân gôn, chuột vân vân và vân vân…. Về mặt pháp lý, chính phủ cũng không nhất thiết phải lập tòa án chuột để chứng tỏ tính chất nhà nước pháp trị. Quan trọng hơn hết, đảng không phải đối đầu với những so sánh thuộc loại “Của chuột và người”: 55 triệu chuột phá ruộng chưa bằng 1 chính trị bộ phá nước.

Khủng Bố Hiện Đại


Tin thời tiết hiện vẫn sóng đôi với tin thời sự trên các trang nhất báo chí trong nước. Cả hai đều nóng như nhau và chứng tỏ có nhiều tương quan hữu cơ với nhau.


Tại thủ đô Hà Nội, trẻ em đang là nạn nhân của một loạt khủng bố rạch mặt bằng lưỡi lam. Cả thành phố cực kỳ giao động. Không khí căng thẳng của sự đe dọa bao trùm không kém gì thời Cải Cách Ruộng Đất. Sỉ số học sinh hiện diện ở các trường tiểu học tự động tụt mất 25%. Khăn quàng đỏ chỉ đạt công dụng thấm máu. Nón an toàn có mặt nạ chắn bụi bỗng biến thành vũ khí tự vệ của giai cấp nhi đồng, với mức sản xuất cung thấp hơn cầu trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tất yếu là cần tăng giá gấp ba.


Phạm Chuyên, trùm công an thủ đô, lãnh đạo một hệ thống tình báo phản gián tính trên tiêu chuẩn mật độ thuộc hàng đông đảo nhất nhì thế giới (nhưng quyết không làm báo và làm phản), công khai tường trình là “tên” sát thủ hiện đại chuyên ngành lưỡi lam nói trên, tóc đen, cao khoảng thước sáu, trong lứa tuổi 20-25, nghiệp vụ lái xe một tay rất cao, hiện vẫn còn đang ung dung lạn lách ngoài đường phố trên một chiếc xe máy hiệu Viva Suzuki.


Chưa thấy ai có nhận định rằng đây là một dạng thách đố mới đối với công an, bên cạnh sự khinh thường biểu lộ công khai qua các vụ đua xe gắn máy, đốt xe tuần cảnh, bắt công an làm con tin hay quăng cả xuống giếng. Cũng chưa một ai rõ là đợi giá nón an toàn lên đến mức nào thì hệ thống công an trinh sát, phối hợp với công an giao thông, sẽ lập thành tích khám phá ra hung thủ.


Cũng tại thủ đô Hà Nội, một bệnh nhân không khai rõ lý lịch trích ngang, sau khi bị cưa chân, đã đâm tử thương và gây trọng thương cho 7 bác sĩ, bằng lưỡi lê. Trái với trường hợp trên, hung thủ của vụ này định tự sát, nhưng nghe đâu không đạt được thắng lợi bước đầu. Và nghe đâu ban Văn hóa Tư Tưởng trung ương đang “làm việc rất sát” với tay chơi lưỡi lê này để thu hoạch kinh nghiệm về những bước nhảy vọt một giò.


Đối với giới phóng viên ngoại quốc, cả hai sự cố khủng bố nói trên đã khiến nhiều người lo ngại về tình hình an ninh thủ đô. Nhân viên các sứ quán và du khách ngoại quốc, dù hiếm hoi, cũng được khuyến cáo là không nên bách bộ sát lòng lề đường (và, nói dại, nếu có bị rạch túi thì đừng ghé trạm công an, vô ích; còn nhỡ bị rạch mặt thì cũng không nên vào nhà thương mà có khi… họa vô đơn chí?).


Trong cả hai sự kiện đăng báo trang nhất nói trên, nguyên nhân nội vụ chưa được bộ Nội Vụ tiết lộ. Tuy nhiên, cục thống kê trung ương đã hoàn tất một bản sơ kết về các cuộc khủng bố này, nhưng cho biết là chưa tiện trình bày ra công chúng:


Tại Việt Nam hiện nay đã có đến

  • 14 nạn nhân của lưỡi lam,

  • 7 nạn nhân của lưỡi lê, và

  • 77 triệu nạn nhân của… lưỡi gỗ.

Những Cơn Sốt Làm Chảy Nhà Băng


Khí hậu Việt Nam được mô tả chung là nóng bức bất thường. Nhiệt độ nhiều nơi nhiều lúc vượt khỏi độ cao thân nhiệt, đặc biệt là ở miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó là quá nhiều những cơn sốt, trên khắp mọi miền.


En Ni-nô không chỉ gây ra nạn cháy rừng, cháy chợ, cháy trường, cháy nhà, mà còn cả cháy túi. Hãy đọc mục Chính Sách Mới của thông tấn xã nhà nước VNA, khắc rõ:

  1. Ngân hàng Nhà nước VN vừa ban hành quyết định 135-1998/QĐ-NHNN về tỷ lệ và cơ cấu dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tỷ lệ dự trữ này được quy định là 10% trên tổng số tiền ký thác có kỳ hạn dưới 12 tháng, và 70% trên tổng số tiền ký thác không thời hạn.

  2. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cũng ký thông tư số 41-1998/TT-BTC quy định chế độ tập trung, quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước nộp vào kho bạc nhà nước “đầy đủ và kịp thời”. Thông tư này thay thế cho thông tư số 24-TC/KBNN nhằm tổ chức quản lý và tập trung nguồn thu “đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác”.

  3. Đính kèm là một thông tư khác cũng của bộ Tài chính, mang số 23-1998/TT-BTC, nhằm “phân loại, xử lý nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách” đối với các doanh nghiệp nhà nước.

  4. Cao hơn một nấc, nhà nước CSVN vừa ban hành quyết định số 75-1998/QĐ-TTg nhằm thiết lập “mã số xác định đối tượng nộp thuế”, gọi tắt là mã số thuế, nhằm dồn sức vào nỗ lực tận thu, và đặc biệt, xử lý tối đa tình trạng mất cắp hồ sơ ngay tại Tổng cục Thuế vụ Trung ương, gần nhất là vụ mất cắp 210 bộ hồ sơ thuế của các doanh nghiệp nhà nước cấp cao.

  5. Đồng thời, nhà nước cũng cho phép Ngân hàng Đầu tư và Phát triển phát hành trái phiếu năm 1998 với tổng trị giá 1000 tỷ đồng.

  6. Ngoài ra, đề nghị của bộ Thương Mại và ủy ban Vật Giá cũng được nhà nước chấp thuận cho thu tiền dán tem 7 mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là tủ lạnh, máy điều hòa không khí, bệ xí và chậu rửa mặt. Riêng về các loại chất lỏng không dán được tem, thì cho phép “thực hiện phụ thu đối với các chủng loại xăng dầu nhập khẩu theo tỷ lệ: xăng ô-tô 30%, dầu đi-ê-den 23%, dầu lửa 28%…”.

  7. Chủ tịch nước CHXHCNVN Trần Đức Lương đã ký ban hành một pháp lệnh 7 chương 27 điều về việc tổ chức Lực lượng Cảnh sát biển, nhằm “hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn” trên vùng biển Việt Nam.

  8. Phó thủ tướng nhà nước Việt Nam Ngô Xuân Lộc ký chỉ thị số 16-1998/CT-TTg, nhằm giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp, và tập trung vào định hướng “Phát Huy Nội Lực” trên các phạm vi Tài chính, Ngân hàng, Hải quan, Cảnh sát kinh tế, Kế hoạch, Thương mại v.v….


Bên cạnh chiếc ghế Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước bỏ trống suốt nửa năm nay; bên cạnh chuyến kiểm tra của Lê Khả Phiêu tại xưởng in tiền VN vào sáng ngày 20-4-98; cả 8 quyết định, pháp lệnh, chỉ thị và thông tư nói trên, trong vòng một tháng, đã tạo kỷ lục hoàn thành vượt chỉ tiêu chức năng mô tả chính xác nhất về tình trạng nhà nước cạn hầu bao.


Ngoài Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, có lẽ một trong những doanh nghiệp nước ngoài nắm vững nhất về tình trạng “áo cộc rũ chẳng nên dài” đó là công ty kiểm tra kế toán quốc tế Ernst & Young. Chứng cớ? Bùi Quang Huy, một trong số hai nhân viên sở tại của công ty này đã bị câu lưu từ hồi đầu tháng 3-98, về tội (lại) tiết lộ bí mật quốc gia! Trước đây, Huy là nhân viên của Ngân hàng Nhà nước, vừa mới sang làm việc cho E&Y được 5 tháng, thì bị bắt vì nghe đâu là đã tiết lộ nhiều chi tiết về những món nợ quá hạn khổng lồ của các ngân hàng thương mại VN.


Đối với giới tài chính xuyên lục địa hiện đang làm việc tại Việt Nam, thì đó không phải là những chi tiết bí mật gì ghê gớm. Ai cũng rõ hệ thống ngân hàng VN đã bị chấn động liên tục suốt năm qua, về những khoản cho vay bất cập, thiếu dự trữ, chậm trả nợ, và giỏi nhũng lạm.


Bởi, chắc chắn không chỉ vì thời tiết nóng bức mà 9 nhà băng Nam Hàn và 2 ngân hàng Thái Lan đồng loạt kéo cờ thu quân. Theo gót Liên doanh Lắp ráp Ô-tô PMC, công ty Sangyong Corp. của Nam Triều Tiên, trên đường triệt thoái, cũng đang vất vả đòi VP-Bank của Việt Nam 12 triệu đô la tiền nợ tín dụng chỉ quá hạn từ lâu.


Kể cũng khó đòi, cho dù Hà Nội đang triển khai kế hoạch “hóa giá” 300 trong tổng số 777 biệt thự tại thủ đô để tăng ngân sách. Lại càng khó đòi, bởi ngay trên báo Người Lao Động, số ra ngày 9 tháng 3-98, bài viết “Công khai nhiều hơn, dân sẽ làm chủ tốt hơn” của Thái Duy đã được đăng tải như tuồng tác giả có riêng một thứ bùa bịt mắt ban kiểm duyệt: “Đặc biệt nhà nước nợ trong, nợ ngoài, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, các cơ quan dân cử mới chỉ biết chung chung, đại khái và vì vậy, mỗi lần Chính phủ đệ trình dự án ngân sách các đại biểu Quốc hội đành miễn cưỡng thông qua”.


Và kể cũng khó kiện, khi mà các củ khoai Hà Nội vừa hoàn thành xong hai chuyến công du: Sang Mátx-cơ-va xin khất hàng tỷ rúp nợ tồn đọng của cựu Liên bang Xô Viết; và sang Niu-Oóc xin khất khoảng 800 triệu đô la nợ đối với các ngân hàng thương mại của Nhật và Câu lạc bộ Luân Đôn.


Đừng ai hỏi về tiền lương của công nhân viên chức tháng tới, tháng này hay ngay cả tháng qua. Chưa bao giờ như hôm nay, nhân vật Út Tịch trong tiểu thuyết Người Mẹ Cầm Súng của Nguyễn Thi lại xứng đáng được đảng vinh danh thiên tài kinh tế, căn cứ vào một câu tuyên bố chắc nịch như khẩu hiệu:

Còn cái lai quần cũng… khất”.

Loài Rối Cạn Sợ Nắng


Theo báo cáo của đài Khí tượng Thủy văn, nhiệt độ kỷ lục được ghi nhận tại Bình Phước là 40,6 độ C, cao nhất trong các mùa nóng suốt 80 năm qua. Cơn bức 98 đến sớm và kéo dài bất thường đã khiến lắm kẻ chạnh nhớ những mùa nghỉ mát vương giả ở vùng biển Hắc Hải, thuở thành trì Xô Viết còn nguyên. Đứng dưới ánh nắng En Ni-nô gay gắt và chói chang không thua sự thật, giới lãnh đạo Hà Nội đã vận dụng sáng tạo, đề xuất ra hai phương án tránh nóng năm nay:

  • Một là chính thức triển khai, hiện đại hóa quy chế làm việc của Bắc Bộ Phủ theo đúng phương cách hoạt động của các đoàn rối nước;

  • Hai là… công du.

Nông Đức Mạnh xung phong đi Úc và Nam Triều Tiên. Lê Khả Phiêu sang tận vương quốc Lào. Trần Đức Lương đi Mã Lai và Tân Gia Ba. Phan Văn Khải thực hiện một vòng bị gậy thăm viếng Âu châu, nhân hội nghị ASEM 2, và cũng là dịp ôn tập nhiều kỷ niệm sâu sắc về món trứng sống tại Paris thời còn là đệ nhất phó thủ tướng tám túi. Hai nước đang có nhiều phức tạp ngoại giao nhất là Mỹ và Tàu, nên không thấy ai công khai nối vòng tay lớn. Thông tấn xã nhà nước VNA chỉ đưa tin các ủy viên thường vụ bộ chính trị thi đua gửi điện mừng lễ đăng quang của Ngài… Chu Dung Cơ.


Ở quy chế lãnh đạo hạng hai, Nguyễn Thị Bình về kinh lý Sóc Trăng. Võ Văn Kiệt thăm viếng một vài tỉnh Nam phần. Phạm Thế Duyệt kiểm tra các hải đảo ngoài Biển Đông. Đỗ Mười tham quan Ninh Bình và Nam Định, hai tỉnh cận Nam của Thái Bình và cũng là hai tỉnh nối liền Thái Bình với Thanh Hóa, những nơi mà Trần Đức Lương vừa báo động là có nhiều “điểm nóng” ăn lan nhanh nhất nước….


Tuy nhiên, các định hướng công du nói trên không hề mang ý nghĩa xếp hạng quyền lực ở Hà Nội. Ngay cả trên thư phản đối các bài báo bôi nhọ trên tờ Nhân Dân, cựu tướng Trần Độ cũng ghi rõ thứ bậc chính thống của người nhận: Mười-Kiệt-Phiêu-Lương-Khải. Bởi, trên thực tế sinh hoạt, nhiều ủy viên chính trị bộ vẫn báo cáo thẳng cho cố vấn Đỗ Mười (ngồi ghế chủ trì) trong các buổi họp của chính trị bộ, dù Lê Khả Phiêu có mặt. Tương tự như cố vấn Võ Văn Kiệt chủ trì nhiều buổi Họp Giao Ban đầu tuần bên chính phủ. Riêng cuộc họp chính trị bộ vào giữa tháng 3-98, nhằm chuẩn bị cho đại hội giữa nhiệm kỳ dự trù vào ngày 13-7-98, vẫn được tiến hành không cần sự hiện diện của Trần Đức Lương (đang công du hữu nghị ở Kua-la Lăm-pua).


Tình hình hoạt động nội bộ bất thường không kém gì En Ni-nô nói trên, được phản ảnh rõ nét nhất trên cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc là báo Đại Đoàn Kết, với tập quán sắp xếp tin tức theo lối biền ngẫu:


– Khi Lê Khả Phiêu ra thông tư cấm chỉ việc nói thật về lãnh đạo đảng, thông qua các hồi ký, bất kể là dù bênh hay chống “anh Văn” Võ Nguyên Giáp; thì Phan Văn Khải tuyên bố rằng “Họ có quyền được nói”, Trần Đức Lương bảo là “Phải để họ nói”, còn phát ngôn viên bộ ngoại giao thì nhận định” Đó là chuyện bình thường”.


– Ngay vào lúc Trần Đức Lương sang Mã Lai và Tân Gia Ba, sau khi Nông Đức Mạnh ghé Úc và Nam Triều Tiên, dồn sức trấn an lãnh đạo các nước này về định hướng mở cửa của nước CHXHCN Việt Nam để đối phó với tình trạng đầu tư ngoại quốc tụt dốc; thì Phan Văn Khải họp báo quốc tế ngay tại Hà Nội, phủ định những khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, xác quyết đường lối ưu đãi quốc doanh và không phá giá đồng bạc VN.


– Khi chính phủ loan báo mức tăng trưởng kinh tế năm 1997 là 9%; thì quốc hội điều chỉnh cho gần sát thực tế hơn, chỉ còn 8,8%.


– Khi dự án nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2 được chính phủ triển khai đưa vào thiết kế; thì Lê Đức Anh công khai tấn công bôn tập trên hầu hết các hệ thống loa trong nước.


– Gần nhất, khi cựu bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch “nhắm cả hai mắt”; thì sau 4 ngày “vẫn còn đang thảo luận với nhau”, chính trị bộ mới “nhất trí cao”, đồng duyệt lại và tạm gác các lỗi lầm đương sự từng làm phiền lòng Bắc Kinh trong suốt thập niên 80, trước khi phê chuẩn là cần làm đám táng công cộng. Đây cũng là dấu mốc khởi động của chiến dịch “Từ trái tim đến trái tim” mà đảng đang hô hào “Mỗi hội viên một việc làm nhân đạo, Mỗi tổ chức một công trình nhân đạo”.


Nhìn chung, qua báo Đại Đoàn Kết, Mặt Trận Tổ Quốc tỏ ra không hài lòng về sự thiếu đoàn kết ở cấp cao nhất của đảng, và đặt cơ sở lý luận trên những biến cố lịch sử ở Thái Bình-Xuân Lộc, bắt đầu tấn công lãnh đạo bằng một loạt bài viết nặng tay về chủ đề “Tài Sản Của Chùa”, sóng đôi với nhiều bài thời sự trên các báo Lao Động và Tuổi Trẻ, với một số quan điểm tản mạn có thể rút ra từ khoảng giữa những dòng chữ:


– Không còn ai có uy tín bao trùm trong đảng, khiến thời lượng củng cố quyền lực giữa bộ ba đỉnh chóp hiện nay có thể kéo dài hơn dự kiến, dựa trên tỷ lệ phát triển cao những thủ đoạn trong đảng, đổi chác trong quân đội và ỷ lại bên nhà nước. Hậu quả của nó là đảng CSVN sẽ có ít nhất ba định hướng đưa dân tộc xa rời nhân loại mà không một ban Tư tưởng nào có khả năng thống nhất.


– Hiện tượng hiệp thương về “đổi mới” giữa ba ngôi quyền lực chỉ là mặt nổi biểu kiến của một hệ thống không thể cải sửa, giống hệt như nhận định của chuyên gia tham vấn kinh tế Trần Huy Đức trên báo The Straits Times ngày 19-3-98: “Sự thay đổi nhân sự không nhất thiết mang lại những thay đổi hệ thống cơ bản”.


– Hầu hết doanh nhân ngoại quốc, kể cả đại diện IMF tại Việt Nam là Ngài Erik Offerdal, cũng không thể tin là “thế hệ lãnh đạo trẻ” ở Hà Nội hôm nay có thể làm được gì, bắt đầu từ chuyện nhận định đúng và biết giữ lời hứa. Từ đó, kết luận chung của giới này, như nữ ký giả Kristin Huckshorn đúc kết, dựa vào con số 64% tụt dốc của đầu tư ngoại quốc năm ngoái và hiện còn đang rơi tự do, kinh tế Việt Nam sẽ khó lòng tránh khỏi tình trạng phanh không xơi trên đường lao xuống vực.


Người bên ngoài, dù có nhận định đúng đắn đến đâu, cũng không thoát khỏi tội danh “phản động”, hay chí ít là “có quan điểm tiêu cực”. Tốt nhất, có lẽ hãy lắng nghe quan điểm từ bên trong, do chính Đệ nhất phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trình bày trong không khí khai mạc long trọng cuộc họp quốc hội ở Hà Nội ngày 21-4-98, theo tin dẫn cùng ngày của đài BBC: Nền kinh tế VN đang đối diện với một thời kỳ khủng hoảng do hàng loạt khó khăn nội bộ chồng chất…. Nhiều thành phần kinh tế đang tụt dốc, ngân sách thâm thủng vĩ đại, nạn thất nghiệp tăng nhanh, đầu tư ngoại quốc tụt giảm, ngoại thương với lân quốc đang trên đà đi xuống…. Vấn nạn của Việt Nam không có tính cách tạm thời (do ảnh hưởng nhiễu loạn tài chánh trong vùng), mà là hậu quả của sự yếu kém cơ bản mọi mặt….


Nguyễn Tấn Dũng nói đúng. En Ni-nô, sau cùng, may mắn hơn cả những nạn nhân vụ “Xét Lại – Chống Đảng”, đã được gỡ bỏ những bản án tiền chế oan ức như một đồng tác giả của cuộc khủng hoảng này, chỉ trong vòng vài tháng! Trần Đức Lương cũng không sai, trong lời báo động mới nhất như AFP loan tải.


Sức nóng nung đốt thật sự không phải từ Trời, mà chính thực ở Dân.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ 22-4-98, ghi lại tặng đồng môn Nguyễn Khanh, RFA


Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page