1998.06 – Mùa Gặt Truyền Thông
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 9 min read

Tháng Năm có nhiều biến động đáng chú ý trên thế giới. Nhân loại nghiêng tai lắng nghe từ tiếng nổ ở sa mạc Ấn Độ sang tiếng phản pháo ở chính trường Hồi Quốc. Người ta dõi mắt theo tiến trình chuyển nhượng kỹ thuật cao từ Hoa Thịnh Đốn tới Bắc Kinh. Và chú mục vào quảng trường tiền đình quốc hội giữa thủ đô của Nam Dương quần đảo.
Chìm mất tăm trong biển tin nóng đó là những kỷ niệm lấy lệ với kèn im trống lặng về ngày 30 tháng Tư và ngày sinh Hồ Chí Minh tại Việt Nam.
Động lực tuyên truyền đã nhạt? Cơ bắp tuyên truyền đã mỏi? Hay chính guồng máy tuyên truyền Titanic VN đã va vào các khối băng sơn sự thật và chìm mất tăm dưới những cơn sóng truyền thông hiện đại? Có thể nào cả ba sơ kết thực tiễn trên đều đúng? Gì thì gì, dù sao, kể ra thời sự trong nước tháng qua cũng có một vài vụ việc đáng quan tâm.
Chuẩn Mực Mới
Ngoài những buổi họp liên tu của thường vụ Bộ Chính Trị CSVN nhằm đề xuất ra hàng loạt chính sách lớn nhỏ cho cả nước, khu Ba Đình còn là nơi hội họp Xuân-Thu nhị kỳ của giai cấp đại diện cho giai cấp chủ tại Việt Nam.
Ban cần vụ của cơ quan này đã đoạt thành tích chu đáo trong mấy tuần qua, phấn đấu phục vụ cho hơn 400 đảng biểu về dự phiên họp kỳ 3 khóa 10. Phong bì bồi dưỡng chỉ trao một lần, dày mỏng tùy từng cấp, nhưng thực đơn chung được thay đổi hàng bữa, mỗi ngày. Qua đó, nhiều tôi tớ đại diện giai cấp chủ mới biết chính xác rằng tại Việt Nam hiện nay có cả thảy 320 nhà máy rượu bia, với đầu ra là 882 triệu lít mỗi năm, đạt 40% công suất tối đa. Cũng theo Cục thống kê Trung ương, tổng lượng sản xuất hết mức của các công ty nước lọc là 5 triệu lít mỗi năm. Tức là tính bình quân nam, phụ, lão, ấu, mỗi người Việt Nam có thể uống 10 lít bia nội hóa và 1-16 lít nước lọc một năm. Ban tổ chức các dạ tiệc chính thức hàng đêm tại Ba Đình, trong suốt bốn tuần qua, đã phấn đấu giữ đúng tỷ lệ thống kê chính thức đó. Cũng là một áp dụng sáng tạo cho sự chuẩn mực toàn quốc, bắt đầu từ Quốc Hội.
Hàng Nhập Mới
Miễn phí. Miễn cả thuế nhập khẩu. Made-in-China hẳn hoi. Đó là buổi trực tiếp truyền hình cuộc chất vấn các bộ trưởng tại Quốc Hội. Vì là lần đầu nên buổi trình diễn còn để sót nhiều sơ hở, nhất là đã để cho cả nước chiêm ngưỡng hình ảnh các đảng biểu thi đua gật gù. Tuy nhiên, thành quả chung là đối với gần 4 tiếng đồng hồ trình chiếu, hãng thông tấn Reuters đã đúc kết rằng khán thính giả cũng đã theo dõi 15 phút đầu (nếu không tính giờ ngáp), tức đã đạt 5% chỉ tiêu đề ra, như những thắng lợi bước đầu thường lệ. Khán thính giả chỉ tắt máy truyền hình, khi được biết là trước một số câu hỏi “chệch hướng”, các bộ trưởng đã hứa trả lời bằng văn bản trực tiếp đến người chất vấn, sau khi được chính trị bộ phê chuẩn.
Món hàng nhập thứ hai, cũng made-in-China, là, theo đúng nguyên văn của hãng thông tấn nhà nước, “lần đầu tiên Trung tâm Thông tin của QH có một bộ phận phục vụ các yêu cầu thông tin của các đại biểu QH khi cần thiết”. Dù không nói rõ ai ấn định sự cần thiết, hãng thông tấn này cũng đưa tin là đã có khoảng 200 yêu cầu được đáp ứng. Có lẽ nhờ đó, độc giả báo Nhân Dân đã có được những cơ hội quý giá theo dõi mấy bài phỏng vấn chải chuốt về một số thắng lợi bước đầu khác, do một số quý vị đảng biểu trả lời đúng khuôn khổ.
Cả hai điều nói trên chỉ tiêu biểu cho một góc số lượng tin tức của nhiều hãng thông tấn về mối tương quan hữu cơ mới tinh giữa quốc hội với truyền thông. Sự lạc quan nhất hẳn phải được bình bầu cho cái nhìn “sâu sát”, không phải về sự kiện hay kết quả truyền thông từ quốc hội Hà Nội, mà là những yếu tố buộc phải đưa tới quyết định “mở rộng” truyền thông đó, dù là mở rộng có kiểm soát và tất yếu là có giới hạn.
Phải chăng vì nhu cầu chứng tỏ quán triệt đường hướng của Bắc Kinh? Phải chăng vì áp suất khó chống đỡ từ các loại tin đồn “đại chúng” qua các hãng thông tấn cà phê vỉa hè và hớt tóc dạo? Phải chăng vì áp suất không né nổi từ hàng loạt đòi hỏi gần nhất đều tập trung vào vấn đề tự do báo chí?
Không ai chắc. Người ta chỉ bảo nhau rằng bức tường Bá Linh sụp đổ không chỉ do những nhát búa, mà từ những ý tưởng nung nấu rằng nó tất yếu phải đổ.
Phụ Mẫu Chi Quốc Hội?
Đi sâu vào nội dung của buổi chất vấn, nhiều người hoàn toàn tán đồng lời kết luận của một bài báo đăng trên tờ Đại Đoàn Kết (cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc), số ra ngày 14-5-98, rằng: “Quốc hội ta hiền quá!”.
Phải nói là tác giả bài báo này còn “hiền” và “tế nhị” hơn cả quốc hội nữa. Quả thật không còn cách phê bình nào lịch sự hơn và có thể bảo đảm an toàn hơn cho người cầm bút trước một đám đạo tặc cầm súng, về đặc tính của quốc hội, một “cơ quan có quyền lực cao nhất nước”: Sự Bất Lực.
Bài báo trên tờ Đại Đoàn Kết đã dẫn những bằng chứng không chối cãi được về sự bất lực đó, từ kết quả những buổi chất vấn trong các kỳ họp quốc hội khóa 8 (1988-1992). Điển hình là sau khi bị quốc hội chất vấn về tệ lãng phí của công thì “các cơ quan dân, chính, đảng đua nhau loại bỏ bàn ghế, tủ… còn dùng được, kể cả xe hơi để mua sắm thứ mới, chủ yếu nhập ngoại”. Vấn đề không dừng lại ở đó. “Kỳ họp sau, lãng phí và phô trương hình thức gia tăng hơn… càng trắng trợn, lộ liễu, bất chấp dư luận… Điều làm dân chúng phẫn nộ là đến quốc hội khóa 10, lãng phí ngân sách vẫn không hề giảm”.
Nội dung bài báo đã hẳn là một điều đáng suy nghĩ. Việc chọn đăng bài báo trên cơ quan ngôn luận của Mặt Trận Tổ Quốc, ngay vào thời điểm này, càng đáng suy nghĩ nhiều hơn. Lịch sử nhân loại chưa từng phát minh ra nổi loại cùm ý tưởng. Cho nên, khi đảng bảo là sẽ giữ mức phát triển kinh tế ở mức 9%, thì đại biểu Sài Gòn Chu Phạm Ngọc Sơn phê bình ngay giữa quốc hội rằng đó là một “kế hoạch phải phấn đấu rất cam khổ, khó khăn”. Đại biểu Bắc Ninh Nguyễn Văn Vinh đánh giá quyền làm chủ của nhân dân “chỉ có trên giấy tờ cho vui”.
Còn báo Người Lao Động tổng kết mức tụt dốc kinh tế mọi mặt là “điều đáng băn khoăn”, nêu mâu thuẫn quốc doanh chỉ chiếm 10% lực lượng lao động nhưng lại giành hơn phân nửa số tiền vay từ các ngân hàng, nhằm đánh thẳng vào khẩu hiệu “quốc doanh chủ đạo” của đảng. Mới hay, bạo lực chỉ khiến người ta phải tạm chọn cách phát biểu cho thích hợp với hoàn cảnh. Duy-ý-chí không có đất đứng trong thời buổi truyền thông hiện đại. Các quan chức đảng ngày nay, dù có muốn, cũng khó được ai coi là bậc phụ mẫu chi dân.
Làm Ngơ Giới Hạn
Chỉ một tuần lễ sau chuyến ra đi chính thức và vĩnh viễn của Nguyễn Cơ Thạch là tới phiên Nguyễn Văn Linh. Danh sách quan khách tiễn đưa tay trùm cũ khá dài, chỉ thiếu “anh Văn” Võ Nguyên Giáp, mà không ai rõ lý do. Dù vậy, để biểu lộ tinh thần trân trọng sự nghiệp cách mạng của “anh Mười”, quốc hội đã tạm thời thực hiện mấy việc cần làm ngơ: Không thông qua hai dự luật “căng” nhất là luật khiếu kiện và luật hình sự. Một tố, một xử, cả hai sẽ toa rập nhau đốn thẳng vào cốt lõi của đảng, và của chính cá nhân một số không ít đảng biểu. Cho nên, ngay trước mắt, phải kéo dài thời gian giữ quyền tiền chế các bản án trong tay đảng, cho dẫu điều này có tạo ra sự giằng co đáng lưu tâm giữa hai khuynh hướng tiến-lùi trong quốc hội.
Tuy nhiên, dù có kéo dài, quyền chế án này cũng không thể nào giữ tính tuyệt đối như xưa. Truyền thông hiện đại đã đưa Lê Đức Thọ vào chuyện phù thủy cổ tích. Ngày nay, chỉ cần vài ba nút nhấn trên bàn máy vi tính là cả thế giới đều biết Kim Nỗ, Quỳnh Phụ, Trà Cổ và Mỹ Lộc ở đâu; Thanh Cẩm có gì lạ; hay các nhân vật Nguyễn Đan Quế, Bùi Minh Quốc, Hà Sĩ Phu là ai…. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, thông tín viên của các hãng tin ngoại quốc có văn phòng tại Việt Nam thường xuyên đề cập trong những bài viết của họ về các sự kiện Thái Bình, Xuân Lộc, và nhất là những phát biểu của tướng Trần Độ.
Cũng nhờ khung cảnh thông tin đó mà ký giả Nguyễn Hoàng Linh đã được cải tội danh, từ “tiết lộ bí mật quốc gia” sang “lạm dụng quyền dân chủ”. Hãy tạm bỏ sang bên về sự khác biệt giữa hai tội danh đó. Kết quả có ngay là truyền thông đã góp phần rút ngắn bản án tiền chế của đảng ghép cho người ký giả nạn nhân này xuống nhiều năm. Đã ngửa tay xin tiền thì khó thể bóp cò súng cùng lúc. Người ta không thể phủ nhận áp lực của các tổ chức nhân quyền quốc tế và của dư luận thế giới. Và càng dễ hiểu ra nguyên ủy sự tập trung sức đấu tranh của các lực lượng dân chủ Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước, dồn vào mục tiêu hàng đầu: Tự do báo chí.
Mùa Gặt Mới
Gorbachev xứng đáng được vinh danh là Con Người Thế Kỷ. Vậy mà, đến những năm cuối thế kỷ, chủ trương Công Khai Hóa của ông ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ mới được một nửa. Phân nửa ổ bánh mì là bánh mì. Phân nửa sự công khai ắt là… bán công khai? Tạm gọi vậy đi, và cũng là điều đáng mừng đối với giới truyền thông ở một nơi mà nữ ký giả Gia Nã Đại Danielle Laurin gọi là một nhà tù mang tên Việt Nam.
Hãy so lại, cả số lượng và chất lượng bài vở, tin tức trên các báo trong nước trong vài năm qua, người ta sẽ nhận ra ngay tiến độ bán công khai đó. Mức độ hội nhập của từng tờ báo trong nước vào trào lưu thời đại này, dù chênh lệch, nhưng nhìn chung cũng khá khả quan, và sau cùng tạo ra một vòng rào vô hình cô lập báo Nhân Dân ngoài Bắc và SGGP trong Nam. Đáng lưu ý là các khe hở ngày càng rộng trên những tờ báo vốn vẫn được gán ghép là tiếng nói của giai cấp công nhân hay thanh niên. Ngay cả hãng thông tấn chính quy của nhà nước cũng bị đục thủng những khe hở tương tự. Sự khinh bỉ lãnh đạo được bày tỏ dưới nhiều dạng khác nhau, vừa phong phú vừa lý thú. Những áp lực này vượt qua và đè nặng lên mạng lưới an ninh văn hóa, khiến việc đổi tên bộ Nội Vụ ra bộ Công An trở thành một trò cười.
Chứng cớ?
Sau vụ họp báo quốc tế của Phan văn Khải là tới phiên Lê Khả Phiêu. Tổng bí thư đảng CSVN, được tạp chí Asiaweek xếp hạng quyền lực đứng hàng thứ 34 tại Đông Nam Á, đã phân trần rằng dù không là một học giả, nhưng điều đó không có nghĩa là đương sự không biết gì. Cũng y hệt vậy, Nguyễn Tấn Dũng đã vận dụng sáng tạo câu nói trên để tự bình luận về nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới được giao phó, rằng cho dù chưa được học về ngành tài chánh, nhưng điều đó không có nghĩa là không biết tí gì về kinh tế.
Chưa ai từng nghe Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, và cả Đỗ Mười phân trần về sự ngu dốt của họ. Với guồng máy bạo lực trong tay, họ cứ làm theo sự suy nghĩ nông cạn của cá nhân và cả tập thể, núp dưới tấm bình phong chủ nghĩa, rồi sau đó chính thức vinh danh nỗ lực mò mẫm, mặc cho đất nước đắm chìm dưới vực sâu lạc hậu, đói nghèo.
Vậy thì, hà cớ gì Lê Khả Phiêu phải họp báo về sự ngu dốt cá nhân? Phân trần là một định hướng mới? Guồng máy bạo lực đã ruỗng? Hay sức ép truyền thông quá mạnh?
Chưa ai kịp trả lời thì quốc hội đã phải bế mạc, trước khi điện cúp. Hãng thông tấn VNA của nhà nước loan báo chính thức là nhà máy thủy điện Hòa Bình đang hoạt động ở “mực nước chết”. Dường như đảng cũng đang hoạt động ở một mực độ tương tự.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments