top of page

1998.07 – Càn Khôn Đại Nã Di (Bộ Mới)

  • LVMỹ-K24
  • Feb 28, 2022
  • 12 min read

Thời sự Việt Nam trong tháng qua, nói theo báo chí trong nước, có lắm điều “rất đáng băn khoăn”.


Nắng Hè Trên Rác


Tháng Sáu năm nay ở Việt Nam được đảng cộng sản xứ này đặt tên là Tháng Hành Động Vì Trẻ Em.


Chưa ai trả lời được câu hỏi vì sao tháng Sáu. Người ta chỉ có thể hiểu được Những Tháng Khác Vì Ai, trong suốt nửa thế kỷ qua, căn cứ trên những con số thống kê chính thức nhưng chưa chắc chính xác của nhà nước.


Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 30-5-1998 nêu một vài con số hạch toán về trẻ em: Cả nước có khoảng 50.000 trẻ bụi đời, với 6.000 em lang thang trên vỉa hè Hà Nội, và hơn 25.000 em ở quanh Sài Gòn. Đối với giới thiếu niên “may mắn” hơn, được bỏ học đi làm, thống kê trên cho biết có 28.830 em đang lao động trong lứa tuổi chưa kịp lớn: 14.7% dưới 14 tuổi, 36.6% phái nữ, 11.2% làm việc 8 tiếng một ngày, 84.6% làm việc trên 8 tiếng một ngày, và 42.3% học xong bậc tiểu học.


Thống kê này chưa tính tới các khu vực lao động chui ở các Chợ Người. Dù vậy, tỷ lệ nói trên khá phù hợp ở nhiều nơi. Tỉnh Bến Tre đúc kết được có 6.000 học sinh bỏ học vào cuối niên khóa 97-98, riêng quận Thạnh Phú là quê hương của Nguyễn Thị Bình, tỷ lệ bỏ học này gồm 37.8% bậc mẫu giáo, 45.1% bậc tiểu học và 48.8% bậc trung học phổ thông.

Điều xót xa là không hẳn các em chỉ bỏ học để làm công nhân xí nghiệp.


Chứng cớ? Ở cấp vĩ mô, báo Kinh Doanh & Luật Pháp ngày 3-6 cho biết Việt Nam có 30% dân số là trẻ em, trong đó có 11 triệu trẻ em dưới 7 tuổi. Báo Pháp Luật so sánh tỷ lệ các bé gái dưới 15 tuổi hành nghề mãi dâm gia tăng gấp 7 lần con số thống kê năm 1989. Trong khi đó, tờ Nhà Báo & Dư Luận ngày 8-6 cho biết rằng trên toàn quốc có tổng cộng 19.000 tấn rác mỗi ngày, tập trung cao độ là ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, trong đó, ngoại trừ lượng rác được thả trôi trên các dòng kinh nước đen Tô Lịch hay Nhiêu Lộc, phần còn lại trên cạn là nơi tụ tập của hàng chục ngàn rường cột nước nhà, mỗi em một móc sắt cầm tay. Con số này sẽ tăng lên nhanh chóng trong tháng Sáu, nhân dịp bãi trường. Có phải đó là lý do Hà Nội tuyển chọn tháng Sáu làm Tháng Hành Động?


Hiện nhà nước CSVN vẫn đang lúng túng triển khai cụ thể đường lối hành động do đảng đề xuất cho tháng Sáu: Thêm rác hay bớt trẻ?


Điều đó giải thích thêm lời nhận định mới nhất của giám đốc nhà xuất bản sách giáo khoa Việt Nam: “Vấn đề thiếu sách giáo khoa vẫn nóng, nhưng không sốt”. Thống kê mới nhất của Sài Gòn ghi nhận 60% học sinh sinh viên ở đây không thể nêu tên 5 địa danh lịch sử của thành phố, và 23% không thể nêu tên 5 vị anh hùng dân tộc. Để đối phó có hiệu quả với tình trạng tụt hậu giáo dục “rất đáng băn khoăn “này, tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu ra lệnh cải tổ chương trình giảng dạy ở mọi cấp trên toàn quốc, bằng cách tăng cường giờ học… Mác-Lê.


Tháng Sáu bãi trường còn là mùa “nghĩa vụ quân sự”, nhằm bảo vệ những điều nạn nhân của nó không thể hiểu. Ban biên tập báo Thế Giới Mới số 290 cho đăng một bài phỏng vấn giới quyền chức Giáo Dục và Đào Tạo về tình trạng “Tuổi Thơ Bị Đánh Cắp”. Người được phỏng vấn phỏng theo câu danh ngôn của một cố thủ tướng Thái Lan, đề nghị là “Không để nhà trường biến thành thương trường”.


Trước đó một tuần là vụ sinh viên đại học dân lập Văn Lang biểu tình phản đối quyết định của nhà nước dẹp bỏ kỳ thi cuối khóa. Ngược lại là vụ biểu tình bãi thi của sinh viên trường Informatic VN chống đối sự bất tín của nhà nước. Còn ngay sau đó là cơn sốt dời ngày thi môn Toán cho thí sinh trung học cả nước, vì lý do lộ đề. Hóa ra kỹ thuật đánh cắp ngày nay cũng bám sát đường lối kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn trước đây, tuổi xanh của những thế hệ vạt tầm vông đánh Tây, “đốt Trường Sơn chống Mỹ”, ra sao?


Chiếu theo luật pháp hiện hành thì dường như nó không hề bị đánh cắp. Điều bốn hiến pháp ghi rõ là nó bị cướp trắng. Dù vậy, người ta vẫn chưa hết thắc mắc: Đâu riêng gì tuổi thơ hay tuổi xanh bị cướp trắng? Bởi, nếu chỉ vậy thì làm gì đã có hàng chục ngàn điểm nóng sôi sục trên toàn quốc như Bộ chính trị thống kê, với cao điểm trong thời gian qua là Kim Nỗ, Thái Bình, Đồng Nai, Nam Định?


Bóc Gù Nuôi Thẳng


Quảng Bình là một tỉnh địa đầu giới tuyến trong thời xâm lược miền Nam, với hàng trăm đơn vị dân quân được vinh danh và nhận bằng khen “xã anh hùng”. Thống kê riêng của tỉnh này, đăng trên báo Tiền Phong ngày 2-5, đã đề cập đến một bộ phận nhân dân “đói thường trực”. Mức thu nhập bình quân của bà con ở đây là 31.68USD một năm. Mức đói trung bình từ 5 tới 10 tháng mỗi năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng hiện tại là 70%. Tỷ lệ mù chữ là 47.3%.


Quảng Nam là một trong những tỉnh hàng đầu có nhiều “bà mẹ Việt Nam anh hùng” nhất nước. Riêng quận Trà My, theo thống kê đăng trên báo Lao Động ngày 1-6, gồm cả thảy 55.000 dân, trong đó đã có 15.600 người ở trong tình trạng “đói gay gắt”. Tỷ lệ đói cao độ thuộc xã Trà Mai trong quận này, với 1.183 người bị đói trên tổng số 1.460 dân, tức 81.02%. Vẫn theo bài báo này, số người mắc bệnh sốt rét tại Trà My đã gia tăng từ con số 2.500 hồi đầu năm, lên tới 15.000 hiện nay, chiếm 1-3 dân số toàn quận, có thể được coi là cao nhất nước.


Hà Giang cũng là một tỉnh địa đầu giới tuyến trong trận chiến chống trả “bọn bá quyền phương Bắc”, với số mộ liệt sĩ xấp xỉ số nóc gia toàn tỉnh. Thống kê mới nhất ở đây ghi nhận khẩu phần bình quân hàng tháng của người dân Hoàng Su Phì gồm 5.5 ký gạo và 1.6 ký bắp. Báo Nông Nghiệp ngày 4-6 cho biết thêm là đồng bào vùng này chịu đói trung bình 4 tháng mỗi năm.


Tổng quát hơn, báo Nhân Dân ngày 8-6 tổng kết ở mức vĩ mô là trên toàn quốc có 30% dân số của 10 tỉnh hiện sinh hoạt dưới mức đói nghèo.


Trong khi đó, nhà nước vẫn cố gắng giữ vững vị trí xuất khẩu gạo đứng hàng thứ nhì thế giới, sau Thái, trước Mỹ. Pháp lệnh ngưng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo, vì lý do hạn hán, chỉ có hiệu lực trong vòng 3 tuần lễ. Mức độ xuất khẩu gạo mấy tháng đầu năm nay được ghi nhận tổng thể là gần vượt gấp đôi cùng kỳ năm ngoái về số lượng, nhưng bị phá giá nặng nề.

Tháng Sáu cũng là tháng kỷ niệm 50 năm lời kêu gọi “Thi Đua Ái Quốc” của Hồ Chí Minh.


Theo Hồ Chí Minh toàn tập (nxb Chính Trị Quốc Gia 1995), tập 5, trang 444, dòng đầu tiên của lời kêu gọi này như sau: “Mục đích của thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm”. Giặc ngoại xâm nay không còn và cũng khó lòng chế tạo cụ thể hơn loại kẻ thù không mặt mũi “Diễn Biến Hòa Bình”.


Đối phó với giặt dốt thì đã có “Tháng Hành Động Vì Trẻ Em” vừa dẫn bên trên. Còn đối phó với giặc đói thì đã có những chương trình “Xóa Đói – Giảm Nghèo” phát động trên toàn quốc từ nhiều năm nay. Điều trớ trêu do báo QĐND ngày 2-6 nêu lên một thí dụ điển hình về sự hoạt động của chiến dịch Xóa-Giảm này là, ngay tại Nghệ An, quê hương của kẻ kêu gọi thi đua ái quốc, trong số 50 chương trình thực hiện tại đây với tổng số quỹ cho người nghèo vay mượn là 800.000USD, thì đã có 160.000USD “được sử dụng bất hợp pháp”, một đi không trở lại.


Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chí Minh, theo sách đã dẫn, trang 445, hô hào: “Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân”. Trên thực tế tổng kết bởi báo Lao Động ngày 10-6, thì Việt Nam hiện có tổng cộng 1.236.373 quan chức hành chánh, trong đó, tỷ lệ nhân sự trên 45 tuổi (tức thế hệ bỏ học đánh Tây và vô bưng chống Mỹ) chiếm tới 76%, như trường hợp ở bộ Công Nghiệp. Mỗi năm nhà nước phải chi 1280 tỷ đồng để nuôi dưỡng bộ máy hành chánh khổng lồ và bất lực này, chiếm 33.3% tổng ngân sách quốc gia. Chương trình cải tổ hành chánh trong năm qua đã không làm giảm nổi số nhân sự ăn bám đó, mà còn tăng thêm non 5.000 người.


Bài báo này còn ghi nhận chi tiết là guồng máy hành chánh cả nước sử dụng khoảng 30.000 ô-tô, trung bình mỗi quận có 26 chiếc, tức là cứ 5 người một chiếc, và hiện đang có nhu cầu mua thêm ô-tô mới cho các quận, huyện, giá trung bình từ 56.000USD tới 64.000 USD. Bảng chiết tính phần chi tiêu của guồng máy hành chánh VN trong năm 1997 cho biết nhà nước đã đi ngược chỉ tiêu, thay vì giảm 4% đã biến thành tăng 4%, đạt mức tổng cộng là 619 triệu USD. Trong đó bao gồm 185 triệu USD cho việc xây cất văn phòng mới và 3,6 triệu USD cho trương mục nhậu nhẹt lễ tân.


Đó là chưa kể ngân sách quốc gia phải trích thêm một con số khổng lồ khác để bao cấp 2,4 triệu công nhân viên thuộc các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ hàng năm. Cũng chưa kể phần nuôi dưỡng các hệ thống đảng và tổ chức ngoại vi đảng chằng chịt bằng ngân sách quốc gia. Con số bình quân sau cùng là cứ 20 người dân phải cung phụng một quan chức đảng.


Ngược lại, tinh thần thi đua phụng sự của cán bộ đảng ra sao? Căn cứ theo nội dung bài báo “Đừng đánh cắp những trợ cấp nhỏ nhoi của người nghèo” nói trên của tờ QĐND, thì rõ ràng đảng viên CSVN chỉ chú trọng tới một đoạn kêu gọi thi đua khác của Hồ, cùng trang: “Làm cho mau. Làm cho tốt. Làm cho nhiều”. Cho chính bản thân. Trước khi chế độ sụp đổ nay mai.


Con Đường Xưa Em Đi


Tháng Sáu ở Việt Nam còn có thể được đặt tên là Tháng Đình Động, không phải vì cơn sốt Túc Cầu Thế giới 98, mà bằng văn bản hẳn hoi. Nhiều pháp lệnh đã được ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày ký. Trước tiên là ngưng cấp giấy phép Taxi. Kế đó là ngưng xây cất khách sạn. Thêm nữa là cắt bỏ nhiều đường bay quốc nội cũng như quốc tế của hãng hàng không độc nhất của nhà nước. Lý do? Vắng khách. Nhiều hãng hàng không ngoại quốc cũng cắt giảm những chuyến bay ế ẩm tới Việt Nam. Tỷ lệ phòng trống của khách sạn ở Hà Nội và Sài Gòn lên tới 80%. Hàng loạt khách sạn ba sao trở lên đang bị đấu giá. Trong tình trạng vắng lặng đó, thành phần du khách tham quan không đáng kể. Vấn đề nằm ở giới đầu tư ngoại quốc.


Sau hàng loạt nhà băng ngoại quốc đóng cửa ở Việt Nam là hàng loạt những văn phòng đầu tư của các công ty nước ngoài. Tính tới cuối tháng 5-98, đã có trên 240 văn phòng giao thương đóng cửa, con số cao nhất thuộc Nam Triều Tiên, sau đó là Hương Cảng, Tân Gia Ba và Pháp. Mức độ tụt giảm đầu tư ngoại quốc lên tới 77.1% trong trường hợp tỉnh Bắc Giang. Tỷ lệ kho chứa hàng trống rỗng ở các bến cảng lên tới 25% trên toàn quốc. Văn phòng cho thuê giảm giá từ 25-40%. Giá đất cho thuê giảm xuống một nửa. Tổng lượng xuất khẩu tiếp tục giữ vững mức tụt giảm 60% đối với cả Tân Gia Ba lẫn Nam Triều Tiên.


Theo lời giải thích của một giới chức cao cấp xin dấu tên của Phòng Ngoại Thương tại Sài Gòn, có 3 lý do chính yếu làm tụt giảm mức độ đầu tư ngoại quốc:

  • Một là tình trạng thị trường bảo hòa;

  • Hai là doanh nhân chán nản mớ luật lệ “thay đổi xoành xoạch” của nhà nước;

  • Ba là ảnh hưởng muộn màng nhưng khốc liệt của cơn chấn động tài chánh cấp vùng.

Theo Micheal Kong, giám đốc Phòng Phát Triển Giao Thương của Hương Cảng, thì quan trọng nhất là lý do luật lệ bất minh: “Mỗi lần Việt Nam thay đổi luật lệ, tất cả mọi kế hoạch đầu tư và chiết tính tài chánh của các công ty ngoại quốc đều coi như vất đi”.


Trong khi đó, tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 18-6 báo động rằng kinh tế nội địa Việt Nam đang va phải 4 yếu tố thụt lùi: 1) lãi suất ngân hàng tăng vọt; 2) thị trường thu hẹp lại dần; 3) tiến độ cải cách quá chậm; 4) không có dữ kiện chính xác. Trên đà thụt lùi đó, tờ Khoa Học ra ngày 5-6 báo động cách khác: “Điều nguy hiểm là Việt Nam sẽ bị bỏ rơi đàng sau các nước trong vùng”. Theo lời phát biểu của giáo sư Trần Ngọc Hiển trên tạp chí Kinh Tế & Phát Triển, hiện không có một lý thuyết kinh tế nào có thể giúp Việt Nam bắt kịp đà tiên tiến của nền kinh tế các nước. Lời phát biểu này được đánh giá như là câu trả lời trực tiếp và thẳng thắn nhất với đảng CSVN về định hướng tới năm 2000 của họ.


Theo báo Lao Động, tình trạng này được mô tả bằng tựa lớn “Chỉ có phép lạ mới cứu vãn”.

Điều này cần được hiểu là không chỉ cứu vãn nền kinh tế VN, mà là chế độ CSVN.


Lý do? Chiến lược kinh tế tới năm 2000 của Hà Nội đặt căn bản trên quá nhiều ước mơ hoang tưởng, trong đó, đứng đầu là sự ổn định, cả ổn định chính trị xã hội trong nước lẫn ổn định giao thương khu vực. Cả hai yếu tố đó hiện nằm ngoài mơ ước lẫn khả năng kiểm soát và đối phó của Hà Nội. Cả hai yếu tố đó đang tác động đan chéo lên nhau và làm gia tăng mức độ trầm trọng của khủng hoảng ngân sách và khủng hoảng xã hội trong nước.


Tháng Sáu cũng là dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Báo Chí VN. Báo Nhân Dân lên lưới internet với một bài xã luận nhấn mạnh: “Tự do báo chí không thể áp đặt”. Lời phán có giá trị nhất trong dịp kỷ niệm này được bình bầu cho Phan Văn Khải: “Báo chí cần cổ vũ cho ý chí vượt khó khăn”.


Vì sao? Bí mật quốc gia, theo cách định nghĩa của đảng CSVN, hiện nay cần được bổ túc thêm nhiều thể loại sự thật không thể đăng tải bằng “tự do báo chí áp đặt”: Về lưu lượng tiền luân chuyển giữa các ngân hàng xuống thấp đến mức chưa từng thấy. Về quyết định đông lạnh các khoản cho vay của IMF từ tháng 11-97 tới nay. Về bàn tay bí mật đàng sau vụ Đào Trọng Lịch cùng một loạt tướng tá thượng hạng ngoại hạng của quân đội CSVN cùng té máy bay trên Cách Đồng Chum tháng trước.


Về các món nợ quá hạn khổng lồ chưa khất nổi mấy tháng nay. Về thất bại kinh doanh nhiều tỷ đô-la của bí thư quân ủy trung ương Đoàn Khuê hiện đang hấp hối dài hạn trong bệnh viện cao cấp 108. Về nạn thất nghiệp tăng vọt đồng bộ trên toàn quốc đang khoanh vùng thành những điểm nóng mới. Về đề nghị tái phối trí guồng máy kinh tế quân đội và những lực cản khủng khiếp của nó. Về những tháng lương sắp tới của bộ phận công nhân viên chức nhà nước. Về quyết định in thêm tiền nhìn nghiêng trông thẳng. Về một hội nghị mở rộng. Về tình trạng thất thu và bội chi “rất đáng băn khoăn” v.v….


Cuộc họp bất thường của giới tư vấn cho các nước tài trợ cho Việt Nam tại Huế hồi giữa tháng Sáu đã húc thẳng vào phần lớn những bí mật quốc gia cốt lõi vừa kể, với kết quả là một loạt khuyến cáo, quan trọng nhất là bạch hóa ngân sách nhà nước. Ngay sau đó, Phan Văn Khải đã cùng một số phó thủ tướng đệ nạp một phúc trình lên Bộ chính trị, chuẩn bị cho cuộc họp của nhóm vào khoảng 13-7 sắp tới, yêu cầu đẩy mạnh cải tổ để tìm… phép lạ. Điều này, Sáu Dân Võ Văn Kiệt đã từng làm thử, từng chạm vào vách đá, và từng khiến ông Hà Sĩ Phu lãnh trọn một năm tù.


Do vậy mà bài hát thịnh hành trong nước hiện giờ là…

Con đường xưa Dân đi, người ta kéo dây chì, thế là Dân vất đi...”.

Có khác chăng là lần này, chính Phan Văn Khải đang cố chuyển tải toàn bộ sức ép của IMF sang bộ chính trị. Trên thực tế, nhà nước CSVN bị biến thành một thứ trái độn và đang “mò mẫm đi giữa hai lằn đạn”, mà vẫn phải trút trách nhiệm lên tập thể đảng.


Trong võ thuật Kim Dung, chiêu thức hoán lực rất dễ tẩu hỏa nhập ma nếu thiếu nội công này có tên là Càn Khôn Đại Nã Di Tâm Pháp.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comentarios


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page