1998.08 – Cái Đuôi Vẫy Con Chó
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 13 min read

Thời sự tháng qua có lắm cái khá bất ngờ. Thành tích “ba-không” của đội tuyển Pháp trong trận chung kết giải túc cầu thế giới 98 là một điều lý thú hãn hữu.
Ngược lại, tuyên bố “ba không” của Bill Clinton đối với Đài Loan là một sự kiện làm đỏ mặt nhiều người còn giữ chút máu quân tử Tàu.
Vẫn chưa thấm vào đâu với lập trường “nhiều không” của bộ chính trị CSVN viết trên Chỉ Thị về Tôn Giáo vừa mới ban hành. Nghĩa là, không thể khác, những điều lạ lùng nhất có thể ghi nhận được trong tháng lại – vẫn như thường lệ – xảy ra tại… Hà Nội.
Áo Anh Rách Vai, Cờ Ai Có Hai Miếng Vá?
“Khách sạn vắng ngắt, bảng ‘For Rent’ viết tay treo toòng ten la liệt khắp các cơ sở văn phòng và tư thất, điện đóm cà chớp chập chờn, còn nông dân thì ra sức đấu vật với nạn tham nhũng suốt dọc Bắc Việt. Thế nhà cầm quyền Hà Nội làm gì để cứu một nền kinh tế kẹt chuồi trong cát lún?”. Ký giả Faith Keenan của tuần san Viễn Đông Kinh Tế tại Hà Nội đã mở đầu cho một bài bình luận về Việt Nam ngày 10-7 bằng câu hỏi như trên. Trong chiều hướng suy nghĩ bình thường của một người gần trọn đời sinh hoạt trong môi trường không cộng sản, Faith Keenan, cũng như phần đông giới săn tin, đã chờ đợi Hà Nội đưa ra một giải pháp kinh tế khả thi cho Việt Nam, cho dẫu là một giải pháp cứu nguy nhất thời. Câu trả lời, nằm ngoài dự kiến của chính tác giả bài viết cùng khá nhiều kinh tế gia tầm cỡ, là một nỗ lực mới nhất của bộ chính trị CSVN, phản ảnh qua chủ đề cuộc họp lần 5 khóa 8 Ban chấp hành trung ương đảng: Dựng Lại Bản Sắc Dân Tộc.
“Những tiêu cực đang xuất hiện có chiều hướng gia tăng trên nhiều lãnh vực của đời sống văn hóa tinh thần, nhất là sự xuống cấp về tư tưởng đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân, không những chỉ kìm hãm sự phát triển của kinh tế-xã hội, mà thậm chí còn dẫn tới nguy cơ đối với vận mệnh của Đảng”.
Thoáng nghe như một đoạn “Thư Ngỏ Gửi Bộ Chính Trị” nào đó. Nếu nhặt đoạn văn ấy từ một cửa hàng photocopy trong nước, người ta có thể bị công an tông ngã xe đạp và đưa vào tù lắm chứ không đùa. Chỉ xin yên tâm. Đó là đoạn nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc hội nghị của Lê Khả Phiêu, được đánh giá như là dấu mốc cho một khúc quanh quan trọng của đảng CSVN. Nghĩa là, không ai có thể nghi ngờ gì về tính nghiêm chỉnh của nó. Trong tinh thần tôn trọng sự nghiêm chỉnh tuyệt đối đó, một số ghi nhận sơ khởi tại chỗ về đoạn nhấn mạnh nói trên là:
1) Lê Khả Phiêu đã chính thức thừa nhận một cách công khai và dũng cảm những khuyến cáo quan trọng của cựu tướng Trần Độ về Nguy Cơ Rã Đảng;
2) Tổng bí thư CSVN đương nhiệm xứng đáng được vinh danh là người dám hí mắt “nhìn thẳng vào sự thật” và phát minh ra “tính gắn bó hữu cơ” cùng “mối quan hệ biện chứng” giữa sự suy đồi văn hóa của đảng viên với mức tụt hậu kinh tế cả nước.
Triển khai rộng hơn, chủ đề của cuộc họp là một chiến lược kỳ vĩ hai mặt chưa từng được bất kỳ ai nghĩ ra trên toàn cầu. Ở mặt nổi, nói rõ to cho thế giới cùng biết, đó là nghị quyết “Dùng Văn Hóa Cứu Nguy Kinh Tế”. Ở mặt chìm, tối mật, tuyệt đối không phổ biến trên báo-đài, đó là kế hoạch “Thử Đi Tìm Một Mảnh Vá Mới” cho lá cờ đảng tả tơi.
Xét về khía cạnh lao động, đây là một sự cạnh tranh ráo riết của bộ chính trị CSVN đối với giới cựu chiến binh đang hành nghề săm-lốp. Còn trong phạm trù văn nghệ, chiến lược văn hóa này là câu trả lời chính thức về một điều băn khoăn mà Tố Hữu đã “thi vị hóa” từ nhiều năm trước, qua âm hưởng bài thơ Tiếng Hát Sông Hương:
Tiền ơi khốn nạn là tiền.
Đảng ta rách nát, còn liền được không?
Những “Huấn Cao” Thời Đại
Thái Bình quả là cái nôi của cách mạng. Đoạn nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc của Lê Khả Phiêu nói trên khiến nhiều người nhớ tới một nhận định khác của chính đương sự trong cuộc họp kéo dài hai ngày để tổng kết tình hình Thái Bình hồi tháng Tư vừa qua. Xuyên qua sự thảo luận sôi nổi và sâu sắc của chính trị bộ CSVN, Phiêu đã đúc kết cực kỳ cô đọng với chủ biên Tạp Chí Cộng Sản rằng vấn đề Thái Bình phát xuất từ một nguyên nhân ung thư nổi cộm: “Bệnh Kiêu Ngạo Cộng Sản”. Theo bác lang Khả Phiêu, đây là điểm khởi đầu của tất cả những triệu chứng khác đang hoành hành cơ thể đảng, như tham nhũng, quan liêu, cửa quyền v.v….
Để kết luận, Phiêu trang trọng nhấn mạnh: “Không sửa chữa sớm thì rất nguy hiểm”. Mọi người đều hiểu rõ như nhau là rất nguy hiểm… cho đảng. Bệnh chứng này đã được Lênin phát hiện từ nhiều thập niên trước. Nay, Lê Khả Phiêu chỉ mượn lại để phủ chụp lên hầu hết những ý kiến cốt lõi trên các kiến nghị không được lưu hành phổ biến của lực lượng ly khai đối kháng. Vừa cướp được ý của nhiều người khác, lại vừa tỏ lòng chung thủy với bác Lê.
Người ta ghi nhận được gì qua sự trùng hợp của hai đoạn nhấn mạnh nói trên?
Về mặt chữ nghĩa, lấy của người làm của mình là một việc làm thiếu văn hóa. Nếu trong giới giang hồ gọi đó là đạo chích, trong giới văn nghệ gọi đó là đạo văn, thì trong giới “tư tưởng”, phải chăng cách ứng xử này cần được gọi là đạo ý? Nếu đúng, thì nên gọi là gì việc sử dụng một hành động thiếu văn hóa để hô hào cả đảng dựng lại “một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ?
Về mặt nguồn gốc, nếu không có vụ nổi dậy Thái Bình, chắc gì bộ chính trị CSVN đã làm thế giới chưng hửng qua chủ đề văn hóa của cuộc họp BCH/TƯĐ tháng 7-98? Với sức bật liên kết đòi hỏi trên kiến nghị với đòi hỏi trên đường phố, chính nông dân Thái Bình đã khai nhãn cho bộ chính trị nhìn lại toàn bộ cơ thể băng hoại của đảng. Người ta vẫn gọi Thái Bình là cái nôi cách mạng hẳn cũng vì vậy chăng?
Về mặt giáo dục, điểm cần ghi nhận là trình độ thu hoạch của Lê Khả Phiêu và bộ chính trị khá tốt đối với những ý kiến không được phép tán phát của các đảng viên ly khai và trí thức đối kháng. Một số khuyến cáo cốt lõi của cựu tướng Trần Độ đã được bộ chính trị CSVN “hợp thức hóa” bằng chữ nghĩa và văn phong chính thống của đảng. Ít ra, đảng cũng đã chứng minh thiện chí biết lo sau cái lo của thiên hạ. Nhìn ở chiều ngược, thì ở một chừng mực nào đó, những vị giáo sư bị quản thúc trên bục giảng như Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Trần Độ v.v… đã hoàn thành vượt chỉ tiêu một phần chức năng giáo huấn.
Nhà văn Nguyễn Tuân, nếu còn sống, vì biết sợ hay bất cứ vì biết điều gì khác đi nữa, ắt sẽ nâng cốc chúc mừng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ Người Tử Tù” của ông. Trong truyện, Huấn Cao là một tử tù cực kỳ nguy hiểm, “ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn tài bẻ khóa và vượt ngục nữa”. Trên đoạn đường bị áp giải về Kinh, Huấn Cao và năm “bạn đồng chí” cùng đeo chung một cỗ gông gỗ lim suốt thời gian tạm giam ở trấn Sơn Hưng Tuyên gần nửa tháng trời. Viên quản giáo nhà tù tỉnh Sơn lại là người mê chữ, mới dò ý thuộc hạ và lệnh cho thầy thơ lại quản lý đề lao biệt đãi nhóm Huấn Cao để xin một câu đối đẹp trước khi các tử tội bị hành hình. Tử tù Huấn Cao muốn cảm hóa viên quản giáo nên thuận ý đề chữ để tặng trên một trang lụa bạch, kèm theo một lời khuyên hãy bỏ nghề để gìn giữ thiên lương. Truyện ngắn kết thúc ở chỗ: “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh...”.
Truyện ngắn này được tổng biên tập Hồng Vinh cho đăng lại trên trang WEB Nhân Dân Điện Tử ngày 11-7, ngay đúng vào lúc tổng bí thư đương nhiệm CSVN đang hồ hởi đạo ý của cựu tướng Trần Độ để làm chủ đề cuộc họp BCH/TƯĐ kỳ 5 khóa 8. Mới hay thời nay vẫn không thiếu những dũng khí và cốt cách Huấn Cao. Chỉ khác nhau đoạn kết. Thời nay, lũ học trò sính chữ tiên tiến đậm đà vẫn tiếp tục trói tay bịt miệng thầy cô của chúng, mong là chẳng ai vạch trần kỹ thuật Sát Nhân – Đoạt Ý đời đời mê muội.
Củi Một Cành Khô Lạc Mấy Dòng
Giai đoạn xây dựng quyền lực của “thế hệ lãnh đạo trẻ” Hà Nội kéo dài không thua gì tình trạng hấp hối lê thê của Đào Duy Tùng trước đây hay Đoàn Khuê hiện giờ. Phiền một nỗi là báo chí ngoại quốc đã dự kiến khá đúng, về cả thời hạn bất định và kỹ thuật “rập Hồ”. Lê Khả Phiêu xuất hiện liên tục ở nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, phỏng theo phong thái “đi sát quần chúng” của Hồ Chí Minh thời trước.
Lời kêu gọi các giới quần chúng thi đua ái quốc của Hồ không chỉ được Ban văn hóa tư tưởng trung ương lôi ra đánh bóng để khắc phục tình trạng thất nghiệp của cơ quan, mà còn được tổng bí thư đương nhiệm làm đẹp bài diễn văn bế mạc cuộc họp BCH/TƯĐ kỳ 5 khóa 8, bằng cách rập lại kỹ thuật kêu gọi từng giới phụ nữ, phụ lão, lao động, thanh niên, nhi đồng phải làm gì… đi chứ!
Nói chung thì khuôn mẫu Hồ được lặp lại nhiều cách để mong thành một loại Keo dán đảng.
Đáng tiếc là sự lặp lại máy móc đó đã gây ra một số điều khó hiểu hơn cho quần chúng đảng viên. Điển hình là trong lúc hô hào cho chiến lược tìm lại “bản sắc dân tộc”, Lê Khả Phiêu đã, thứ nhất, nêu gương tiêu biểu Hồ Chí Minh, bằng một đoạn ca tụng thường nhật là: “người cộng sản mẫu mực và chiến sĩ quốc tế trong sáng, thủy chung”; thứ hai, khẳng định: “nền văn hóa tiên tiến là một nền văn hóa yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Cho dù chỉ số IQ có cao đến mấy, người ta cũng khó lòng nhận ra chỗ đứng của các thứ chiến sĩ quốc tế với ánh sáng Mác-Lê trong nền tảng Bản Sắc Dân Tộc xuyên suốt ngót năm ngàn năm lịch sử Việt Nam. Đòi ý kiến phê bình và tự phê bình ư? Người ta chỉ nhẹ nhàng nhún vai, rằng: Đã nằm xuống với chó thì hẳn chỉ có thể đứng lên với… bọ chét. Phiêu không thể nằm ngoài quy luật đó. Nếu vậy, nếu chỉ “bản lãnh” đến chừng đó, thì quả thật, e rằng Lê Khả Phiêu còn cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa để vượt qua cái bóng của Đỗ Mười.
Đáng tiếc kế nữa là “bọn” phóng viên ngoại quốc không chịu… thông cảm. Ký giả Ken Stier của tuần san Asiaweek, trong bài báo mới đăng vào cuối tháng 7-98 viết về nạn buôn lậu tuồn hàng từ Việt Nam ra các nước ngoài, đặc biệt là các đường dây vận chuyển rùa rắn sang Trung Quốc, cứ khư khư gọi đó là những… đường mòn Hồ Chí Minh thời đại.
Ký giả David Lamb của nhật báo Los Angeles Times, trong một bài viết vào giữa tháng 7-98 về hiện trạng báo chí ở Việt Nam, đã nhắc lại vụ mất chức tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ của nhà báo Kim Hạnh, chỉ vì tội cho đăng một bài dịch lại báo ngoại quốc về sinh hoạt tình cảm riêng tư rất bình thường của thần tượng Hồ Chí Minh.
Còn ký giả Faith Keenan, trong bài báo dẫn trên, lại “băn khoăn” về thành quả chiến dịch trang điểm cho tư tưởng của Hồ để hô hào lòng ái quốc và tinh thần hy sinh tự lực, khi mà lực lượng thanh thiếu niên nằm dưới số tuổi 25 chiếm phân nửa của tổng dân số Việt Nam, hiện chẳng hề quan tâm đến đảng bằng chiếc xe gắn máy Honda Dream.
Dù đất cho thuê đang đồng loạt xuống giá trên toàn quốc, tư tưởng Hồ vẫn tiếp tục lênh đênh. Thảm biết mấy, củi một cành khô, trong thời buổi thị trường có định hướng, nói theo tác giả tập thơ Xem Đêm,
dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh.
Những Chiếc Đầu Tàu Đốt Củi
Trong hội nghị hưởng ứng Ngày Dân Số Thế Giới 11-7, Phan Văn Khải điều chỉnh thanh quản xuống một bát độ: “Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo”. Trước đó một ngày, Lê Khả Phiêu nhiệt tình chiêu đãi ngài Bong Shu Lee, đại diện Ngân hàng Phát triển Á châu tại Việt Nam, rằng: “ADB cần thông cảm cho Việt Nam”. Các phóng viên phải ngồi xụp xuống mới nghe ra, bởi giọng ca này cũng… trầm không kém.
Ngân sách kiệt quệ. Cán cân chi phó nghiêng hẳn về mặt tiêu cực. “Các doanh nghiệp độc quyền hoặc được nhà nước bảo hộ như điện, thép, giấy, điện tử tin học, sữa… đều xin giảm mức nộp ngân sách”, theo báo Đầu Tư. Các công ty ngoại quốc tiếp tục đầu hàng, mới nhất là hãng hàng không Qantas của Úc Đại Lợi. Mức xuất cảng vẫn trên đà tụt dốc, riêng đối với các nước ASEAN là 31% so với cùng kỳ năm ngoái vốn dĩ đã thấp hơn năm 96. Mức xuất cảng sang Trung quốc giảm 30%, sang Hương Cảng giảm 51%. “Hàng vạn người phải nghỉ việc từ 6 tháng trở lên”, theo báo Nhân Dân. Đồng Yen của Nhật bị phá giá nặng nề. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được coi là thành lũy cuối cùng chống đỡ cơn bão tài chánh sắp ập tới đợt hai. Phó tiến sĩ Lê Văn Châu nhận định về tình hình nguy khốn trước mắt như sau: “Khó khăn đầu tiên mà Việt Nam phải đối mặt chính là ở chỗ mọi sự bất ổn của đối tác sẽ làm đảo lộn nhiều dự tính chiến lược”….
Do vậy, người ta không ngạc nhiên khi thấy đã biệt tăm những thái độ “lên gân” quen thuộc của đảng CSVN. “Ngã ba Đồng Lộc” về mặt kinh tế của đảng đang chịu đựng liên tục những tấn bom áp suất không rõ mặt mày. Ngay giữa năm, nhà nước đã cố thuyết phục đảng phải tạm gát chủ nghĩa duy ý chí để hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9% xuống còn 6%, và “cho phép” tăng mức lạm phát từ 7% lên 10%. Và thành công! Điều này được đánh giá là một thắng lợi bước đầu nỗ lực của Phan Văn Khải đã chuyển đặt toàn bộ áp suất kinh tế từ bên ngoài lên đầu bộ chính trị.
Dù không có thuốc chữa, nhưng ít ra, đối với toàn đảng, Phiêu đã dựa vào các kiến nghị để chẩn ra chứng bệnh “kiêu ngạo cộng sản”. Đó là bức tranh tổng quan của cả đảng trong mắt dân. Còn trong nội bộ “thế hệ lãnh đạo trẻ”, cả ba ngôi quyền lực cao nhất của CSVN đều đang dựa vào nhau để tự chẩn ra chứng bệnh “bóng đè”.
Cái “năng lực nội sinh” mà Lê Khả Phiêu đòi phát huy trong bài diễn văn bế mạc hội nghị vừa qua đã va vào bức thành đồng vách sắt của hàng ngũ cố vấn. Kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để huy động vốn nội tại từ dân bị gãy bởi trì lực khủng khiếp của giới giám đốc các cơ quan chủ quản, cả bên quân đội lẫn nhà nước, phần lớn là bộ hạ thủy chung của Võ Văn Kiệt. Cố vấn Đỗ Mười chỉ làm tròn chức năng cái loa cho quan điểm “không cần phát triển thêm”.
Theo tác giả Nguyễn Văn Ninh trong một bài nghiên cứu đăng trên tờ Thời Báo Kinh Tế VN ngày 01-7-98, thì nguyên nhân đứng đầu của 6 nguyên nhân là “những người trực tiếp quản lý điều hành tại doanh nghiệp hiện nay Chưa Muốn cổ phần hóa”. Đó là giới giám đốc lưu cữu từ nhiệm kỳ thủ tướng trước đây.
Cuộc họp đặc biệt của Phan Văn Khải và 23 bộ, ngành tại Sài Gòn hồi đầu tháng 7-98, để vinh danh thành phố này “Xứng đáng là đầu tàu kinh tế”, chính là kỹ thuật tạo mũi công húc thẳng vào bức tường thành cản trở nói trên. Theo hãng thông tấn nhà nước, nguyên văn: “các quan chức Tp.HCM đã cho rằng: ‘Tất cả đều đạt thấp so với kế hoạch, tăng chậm hơn cùng kỳ và chưa chặn đứng được đà giảm sút của năm trước’...”.
Tờ Thời Báo Kinh Tế VN, trong dịp này, đã trích dẫn nhận định của Phan Văn Khải như sau: “Điểm yếu cơ bản của nền kinh tế Việt Nam cũng như của Tp.HCM là hiệu quả thấp, khả năng cạnh tranh yếu kém”. Nguyên nhân? Theo tân Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Tấn Dũng thì: “Nhìn tổng thể ở đâu cũng thiếu vốn”. Mà nhà nước thì bên ngoài bị các đối tác ngưng tháo khoán, còn bên trong bị bó tay bởi các cố vấn đầu tàu của lập trường “Chưa Muốn”.
Phương thuốc xoa bóp nào để trị bệnh “bóng đè” vừa kể? Đỗ Mười đang là “nạn nhân” của một chiến dịch chế diễu thời thượng về chủ trương “Chống Váy Ngắn”. Đỗ Mười cũng là “nạn nhân” của một phong trào nhắc cho nhau nghe về phản ứng xin rút lại nhận định về nhân dân Thái Bình “là đám phản động theo chủ nghĩa hẹp hòi”, và xoay qua quát nạt giới lãnh đạo địa phương. Còn vợ của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt bị dọa là sẽ phải ra tòa về tội cậy quyền, tham nhũng, làm thất thoát một nguồn lớn ngân sách quốc gia. Cái lạ lùng là lời dọa này xuất phát từ vị tân thủ tướng, với sự đồng tình của tân tổng bí thư đảng.
Còn ở mặt “vĩ mô” thì đâu là “giải pháp”? Khi đề nghị điều chỉnh mức độ tăng trưởng và lạm phát, Phan Văn Khải đã đề cập đến biến động Nam Dương cùng nhận định của IMF và ADB để khuyến cáo bộ chính trị rằng: “Sáu tháng cuối của 98 sẽ gặp nhiều khó khăn hơn sáu tháng đầu năm, và năm 1999 sẽ đứng trước nhiều thách thức khốc liệt hơn 1998”. Sẽ ít ai ngạc nhiên nếu có một đại hội toàn đảng nhóm họp bất thường vào năm tới.
Còn trong hiện tại, nhìn chung, đó là một kỹ thuật tân kỳ của hai bức tranh sinh động lồng kín vào nhau:
Cái đuôi bộ chính trị đang cố vẫy toàn thân cơ thể đảng.
Còn ở đỉnh chóp, cái đuôi Phan Văn Khải đang cố vẫy toàn thân cơ thể bộ chính trị.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Commentaires