top of page

1998.09 – Mùa Thu Lắm Thù Ở Hà Nội

  • LVMỹ-K24
  • Feb 28, 2022
  • 14 min read

Tháng Tám, thời sự Hoa Kỳ có nhiều tin chấn động.


Từ những quả mìn nổ tung mấy sứ quán ở xa, cho tới trái bom Monica lăn nhầu một góc thảm Văn Phòng Bầu Dục trong tòa Bạch Ốc, khai mở cho một loạt phi đạn “chệch hướng” bắn sang Su-đăng và A Phú Hãn.



Từ lời hăm dọa tái võ trang vũ khí nguyên tử của Bá Đa và Bình Nhưỡng, cho tới vị trí đứng đầu bảng điểm danh kẻ thù của Hà Nội. Còn tháng Tám, “mùa kách mệnh” ở Việt Nam, ra sao?

Định Hướng Hứng-Tung


Chính sách bị-gậy của giới lãnh đạo Hà Nội đang được triển khai đổi mới: Vừa mở bị hứng đô, vừa tung gậy vào mặt giới hảo tâm hằng sản. Một mẩu tin trên mục Mật Báo của tuần san Viễn Đông Kinh Tế, số ra ngày 20-8-1998, có tựa đề Anh ngữ ba-E: “Enemies, Enemies Everywhere”. Tạm dịch sang tiếng Việt dưới dạng ba-K là “Kẻ thù, Kẻ thù Khắp chốn”.


Nội dung mẩu tin này cho biết rằng phúc trình ba-K của các tướng lãnh Hà Nội trong hội nghị Ban chấp hành TƯĐ/CSVN kỳ 5 khóa 8 vào tháng rồi đã nâng cấp báo động về tình trạng vây hãm của các nước mà Hà Nội nói là đang muốn làm bạn. Đứng đầu, tất nhiên là kẻ cựu thù đế quốc Mỹ. Kế tiếp là hàng loạt các quốc gia Tây Âu và nhiều khu vực khác, kể cả Gia Nã Đại. Tài liệu tuyệt mật này chỉ có độc một bản duy nhất đặt trong phòng họp kín cho các ủy viên trung ương Hà Nội cùng đọc chung. Một vài ủy viên bộ chính trị CSVN tỏ ý bất đồng về dữ kiện và lý luận lạc hậu của bản phúc trình dự thảo nói trên đã khá ngạc nhiên khi biết rằng bản phúc trình hoàn chỉnh còn cứng rắn hơn nhiều.


Người ta ghi nhận được những gì từ sự kiện này? Sơ khởi,

  • Một là: lằn ranh bạn-thù của giới lãnh đạo Hà Nội với nhau và với người ngoài vẫn thế, vẫn mỏng hơn cả những tờ giấy bạc;

  • Hai là: quan điểm bạn-thù của các phe trong TƯĐ chưa bao giờ thống nhất;

  • Ba là: lãnh đạo đảng không hề phai nhạt nhu cầu khẩn cấp kéo dài là phải vẽ kỳ được chân dung kẻ thù;

  • Bốn là: một cánh trong phe quân đội đang tìm cách vượt qua và cố quật lại các quyết định cải tổ kinh tế quốc doanh mà quân đội đang giữ vai chủ quản;

  • Năm là: tình trạng mửa mật đi đôi với sức tuồn tin mật ào ạt không kém các cơn lũ bên Tàu, phá tung những bờ đất kiểm soát ngay trong hàng ngũ ủy viên trung ương đảng….

Yên Phụ Vỡ Đê


Hệ quả tức khắc của nó là nhịp độ phủ nhận tất bật của phát ngôn viên bộ ngoại giao Hà Nội. Cũng trong tháng Tám, tuần san Viễn Đông Kinh Tế đã đăng tin ủy viên thường vụ bộ chính trị Phạm Thế Duyệt cùng tùy tùng Đinh Hạnh bị tố cáo đích danh về tội tham nhũng và bao che tham nhũng, dựa trên bản cáo trạng công khai ký tên 11 đảng viên lão thành trên dưới 50 tuổi đảng đang sống ngay tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đảng CSVN xảy ra hiện tượng “Xuyên Phá” gắn liền cả ba đặc tính cùng lúc là công khai, đích danh và cung cấp nhân chứng trong quy trình tố cáo một cánh tay nâng-này-đỡ-nọ của tổng bí thư. Do vậy, nhiều người tự đánh số đó là Bản Cáo Trạng Số Một, cho dễ nhớ.


Càng dễ nhớ hơn khi người ta nhắc nhau một số ghi nhận khác:

  • Thứ nhất, Trần Hy Đồng, ủy viên BCT Trung cộng kiêm Bí thư thành ủy Bắc Kinh, có “công” nghiền nát sinh viên xứ này dưới xích xe tăng vào năm 1989, vừa lãnh án 16 năm tù về tội tham nhũng.

  • Thứ nhì, Phạm Thế Duyệt, ủy viên BCT CSVN, cựu Bí thư thành ủy Hà Nội, có “công” cải tạo dư luận trong nước về vụ nông dân nổi dậy ở Thái Bình-Xuân Lộc, cũng từng đạt thành tích cao trong việc cải tạo nhà đất trên đê Yên Phụ thành tư sản, tức là từng thách thức Võ Văn Kiệt thời đó và triệt hạ được cả Nguyễn Tấn Dũng ngày nay ra khỏi vị trí thường vụ BCT.


Nhìn ngược lại, kể cũng khá nhiều điểm đáng lưu tâm:

  • Một là, khi Phạm Thế Duyệt đang ở hàng thứ 18 và được Lê Khả Phiêu cất nhắc lên hàng thứ 5 trong BCT, người ta có thể ghi nhận ngay bước đổi mới của BCT từ chức năng tư tưởng sang ưu tiên dân vận, để mong kịp nối gót trào lưu đối kháng trong nước chuyển mình từ đấu tranh bẻ gãy lý luận sang đấu tranh quần chúng nổi dậy.

  • Hai là, khi quốc hội Hà Nội trì hoãn trong phiên họp khoáng đại vừa rồi việc thông qua hai dự luật khiếu kiện và hình sự, thì người dân đã có cách khác để gia tăng động lượng đấu tranh, bằng cách phủ nhận công trạng của Duyệt về sự yên ắng biểu kiến trên miệng núi lửa Thái Bình.

  • Ba là, nỗ lực nâng cấp đó đã dồn Hà Nội vào một ngõ cụt đối phó: Nếu xử Duyệt thì sẽ tạo ra một tiền lệ tự chặt tay ở đỉnh cao của đảng và bắt trớn cho những tấn công trực tiếp hơn vào cá nhân của từng ủy viên bộ chính trị. Còn không xử Duyệt thì, nói theo tổng bí thư đảng CSVN là một bối cảnh: “đầy biến động và thử thách với nhiều tình huống mà ta chưa thể lường hết được”.

Lý do? Báo cáo của nhóm nghiên cứu 10 tiến sĩ và phó tiến sĩ thuộc Viện Xã Hội Học về vấn đề nông dân nổi dậy ở Thái Bình đã đúc kết hàng loạt nguyên nhân gây ra (nguyên văn) “một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thực sự” tại Việt Nam. Tài liệu này tự nêu ra một câu hỏi lớn để tìm lời giải:


“Vậy cái gì đã lôi kéo nông dân vào một cuộc đấu tranh dữ dội và rộng khắp như vậy? Theo chúng tôi có lẽ không chỉ đơn thuần là lý do kinh tế. Những khiếu kiện kinh tế chỉ là điểm xuất phát khi một số cán bộ xã bị nghi ngờ có hành vi tham nhũng lại tự cho mình cái quyền tự phán xét, tự hợp thức hóa những quyết định đáng nghi ngờ của họ. Những người này tự cho họ là đại diện cho Đảng bởi họ chính là bí thư hay các đảng ủy viên quan trọng của đảng bộ; tự cho là đại diện cho Chính quyền nhân dân, khi họ là chủ tịch hay các phó chủ tịch, trưởng thôn; tự xem là đại diện của pháp luật khi họ là chủ tịch hay các thành viên của Hội đồng nhân dân xã. Những người này đã triệt để sử dụng các thiết chế hiện hành đang bị quan liêu hóa để hợp thức hóa những quyết định của họ…. Với cơ chế ‘Đảng lãnh đạo’ được hiểu một cách thô thiển theo kiểu đảng viên phải nắm mọi chức vụ cho nên sự kiểm tra cũng bị những người nhân danh Đảng thao túng. Như vậy thì sự dân chủ đã bị vi phạm trắng trợn”.


Phạm Thế Duyệt hội đủ tất cả những đặc tính vừa nêu, ở một tầm vóc cao nhất đảng, tức là cao nhất nước.


Vẫn chưa hết. Bản báo cáo của Viện Xã Hội Học nói trên đề cập đến sự bất mãn của người dân bằng tiểu tựa của từng tiết mục. Tiêu biểu là Tiết II: “Sức dân bị khai thác quá mức, bị sử dụng lãng phí và bị tham nhũng quá mức”. Đúc kết toàn bộ tình hình, tài liệu nghiên cứu này cô đọng trong chỉ một dòng:

Đối phó bị động tạm thời bằng những giải pháp chấp vá thì nhất thời có thể tạm yên được sự bùng nổ, nhưng cái đẩy tới sự bùng nổ thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn nung nấu hơn”.


Phạm Thế Duyệt là tay tham nhũng có hạng ở tầm cao nhất đảng, lại giành lấy công trạng trấn an ngọn núi lửa tham nhũng cửa quyền, thì quả ít ai ngạc nhiên khi phải trả lời câu hỏi: Vì sao là Duyệt mà không là ai khác trong bản cáo trạng Xuyên Phá này?

Tầm Vông Vạt Nhọn Cả Hai Đầu


Trên thực tế, Phạm Thế Duyệt chỉ là điểm khởi chứ không phải là đối tượng duy nhất. Riêng đối với cá nhân Duyệt, thì tham nhũng cũng chỉ là điểm khởi chứ chưa phải là mặt công duy nhất.


Trần Đình Hoan (bị bay chức Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội về tay Nguyễn Thị Hằng thuộc phe Phan Văn Khải), hiện chỉ làm Chánh văn phòng Trung ương đảng CSVN, đã nhận chỉ thị từ thường vụ BCT, ký hai công văn số 731 và 732-CV/VPTW ngày 5 tháng 6-98, phổ biến cho mọi cơ sở đảng xuống tới cấp thành và tỉnh ủy bản Thông Báo của Phạm Thế Duyệt về nội dung hai cuộc gặp gỡ giữa Duyệt (đóng vai chính, cùng Nguyễn Đức Bình đóng vai phụ mờ nhạt) với các ông Trần Độ và Hoàng Hữu Nhân. Mục tiêu của công văn này là để tán phát lập trường chính thức của Duyệt đối với các nhân vật đối kháng lão thành nói trên. Tất nhiên, những răn đe cần thiết không thể thiếu từ phía “đại diện Đảng” trong hai buổi gặp gỡ đó. Đây là tài liệu dùng cho các cơ sở đảng tổ chức học tập quán triệt về đối sách của Duyệt, tức của Thường vụ BCT.


Mười ngày sau đó, Bộ chính trị CSVN nhận được một thư ngỏ của mười đảng viên lão thành ở Hà Nội, do ông Nguyễn Việt Hùng đại diện ký tên. Nội dung Thư Ngỏ này nhấn mạnh bốn điểm:

  1. So sánh hành động đứng trên luật pháp của Phạm Thế Duyệt ngày nay với Lê Đức Thọ thời tạo ra vụ án oan khuất “Xét lại – Chống đảng”, yêu cầu BCT phổ biến rộng rãi các bài viết của hai tác giả Trần Độ và Hoàng Hữu Nhân;

  2. Tố cáo Phạm Thế Duyệt chủ mưu một chiến dịch truyền thông bôi bẩn hai ông Trần Độ và Hoàng Hữu Nhân, đồng thời, tố cáo BCT dung túng cho hành động vi hiến đó;

  3. Tố cáo việc Phạm Thế Duyệt ngăn cấm hai ông Trần Độ và Hoàng Hữu Nhân trả lời phỏng vấn của các đài nước ngoài là vi phạm luật pháp VN và quốc tế;

  4. Tố cáo Lê Khả Phiêu và Lê Đức Anh (được gọi là phe gây chiến Kampuchia) bao che cho Phạm Thế Duyệt.

Bức thư ngỏ được đánh số như Bản Cáo Trạng Số Hai này kết luận bằng một lời tuyên bố thẳng thắn rằng nếu BCT không giải quyết thì cả 10 người “sẽ vứt trả lại thẻ đảng”, sẽ “xuống đường phản đối”, và “sẽ có hàng ngàn các cựu chiến binh, các đảng viên chân chính, các cán bộ nghỉ hưu và vạn vạn những người dân lành ủng hộ”.


Bên cạnh “Thư Gửi BCT” đó, là một bài nghị luận của nhà nghiên cứu lão thành Thanh Hư Nguyễn Hoài Nam, mang tựa đề “Luận Bàn Quốc Sự”. Bài viết này phê bình từng điểm một trong nội dung bản Thông Báo của Phạm Thế Duyệt đính kèm theo công văn số 731 của chánh văn phòng TƯĐ nói trên. Hầu hết các nhận định của Phạm Thế Duyệt về cựu tướng Trần Độ đều được trả lời trong bài viết này bằng những phản luận, điều luật và dẫn chứng thực tế.


Tác giả Thanh Hư lên án đường lối phê phán một chiều, yêu cầu bộ chính trị phải phổ biến tới mọi cơ sở đảng các bài kiến nghị của tướng Trần Độ, sau khi kết luận rằng: “Nói tóm lại, được nghe phổ biến và đọc kỹ thông báo của Thường vụ BCT với đ/c Trần Độ, tôi cảm thấy buồn rầu vì thái độ thiếu thiện chí của BCT đối với một đảng viên cách mạng lão thành như đ/c Trần Độ. Nó làm tôi nghi ngờ về trình độ nhận thức của đ/c Phạm Thế Duyệt với bài viết (thông báo) đó”.


Điểm nổi bật của bài nghị luận này là lập trường phủ nhận toàn bộ sự áp đặt ý kiến của đảng về mọi vấn đề, bằng đề nghị Trưng Cầu Dân Ý.


Qua hai sự kiện nối tiếp vừa kể, giới quan tâm có thể ghi nhận sơ khởi tại chỗ:

  • Thứ nhất, Phạm Thế Duyệt chỉ là con chốt đầu “ba-K” tứ bề thọ địch của các mặt trận tấn công trực tiếp hiện nay.

  • Thứ nhì, thế lực từng gây chiến Kampuchia hiện đứng sau lưng Duyệt đang được ngắm nghé tới và sẽ là những mục tiêu kế tiếp.

  • Thứ ba, những bản cáo trạng tương tự có chiều hướng sẽ được giới đảng viên và cựu chiến binh lão thành tiếp tục đánh số, nhắm vào cả hàng ngũ cố vấn của bộ chính trị.

  • Thứ tư, những thách thức của quần chúng nhân dân càng ngày càng công khai hơn, định mục tiêu rõ hơn, và hiện tập trung vào mũi nhọn duy nhất là tấn công bộ chính trị để đạt kỳ được quyền tự do ngôn luận.

Những Dòng Thác Mới?


Quay trở lại với bản cáo trạng số một, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao bản Huyết Tâm Thư này lại được đề gửi đến cả Phạm Văn Đồng? Đến giữa tháng Tám, câu hỏi này đã có lời giải đáp, ngay trên báo Nhân Dân. Để góp ý vào chiến dịch “dựng lại bản sắc dân tộc” theo nghị quyết kỳ họp lần 5 khóa 8 của Ban chấp hành TƯĐ, cựu Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng mong rằng nghị quyết này “không chỉ là câu chữ”, nên đã ký tên một bài tiểu luận đăng trên cơ quan ngôn luận của đảng mang tựa đề “Những suy nghĩ về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam”. Theo đó, ông Đồng, dù đã lòa, vẫn thấy rõ đâu là cốt lõi của vấn đề, mới giương cao khẩu hiệu “Đầu Đi Đuôi Lọt”, đòi hỏi “Bước đầu tiên tập trung tiến hành tự phê bình và phê bình trong cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. Nói cách khác, ông Đồng tán đồng chủ trương làm sạch bộ chính trị trước tiên, đồng thời, tán đồng cả kỹ thuật “cần tập trung về từng người vào một số điểm đích đáng”.


Trong hiện tại, Phạm Thế Duyệt là đối tượng đang được tập trung rất nhiều ý kiến phê bình về rất nhiều điểm đích đáng, cả tư tưởng lẫn tư cách. Và ông Đồng công khai cổ võ cho nỗ lực tập trung đó, lại báo hiệu chờ đợi sự tập trung vào từng người trong bộ chính trị, sau Phạm Thế Duyệt.


Thử lắp ráp vào các nỗ lực đấu tranh khác trong nước, người ta có thể thấy được những gì ở bức tranh toàn cảnh?


Tiếp nối cho làn sóng Nguyễn Hộ trong Nam là ngọn triều Trần Độ ngoài Bắc, được coi là những “Người Cầm Đuốc Trong Đêm”, khởi xướng một chủ trương ăn lan nhanh chóng và rộng khắp:

Nhân dân không cần ai lựa chọn món ăn tinh thần cho mình”.


Theo cách đánh giá của thường vụ bộ chính trị bên đảng, thì đây là những đại diện cho phong trào năm-chống: chống chủ nghĩa xã hội, chống định hướng XHCN, chống sự lãnh đạo toàn diện và triệt để của đảng cộng sản, chống nguyên tắc tập trung dân chủ, và chống chuyên chính vô sản. Theo cách đánh giá của bộ nội vụ bên nhà nước, thì đây là những “con người nguy hiểm cho chế độ”, vì “bao giờ cũng chỉ coi đảng là phương tiện chứ không phải mục đích”. Theo cách đánh giá của giới trí thức trí thức trong nước thì đây là bộ phận tiên phuông chống lại tình trạng “tổng khủng hoảng nhân cách”, bắt đầu từ hàng ngũ đảng viên cao cấp trong chính trị bộ. Còn theo cách đánh giá của giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam, thì đây là những nạn nhân đang chống lại nghị định 31/CP của Võ Văn Kiệt.


Bên cạnh đó là vai trò của người hùng Điện Biên Võ Nguyên Giáp. Mức độ bênh/chống viên tướng cao niên này đã đạt tới cao điểm đấu tranh trong giới cựu chiến binh Việt Nam, đối đầu với truyền thống áp chế theo kiểu Lê Duẫn-Lê Đức Thọ kéo dài trong bộ chính trị, mà chính tướng Giáp cũng là một nạn nhân. Tự thân tướng Giáp không là một mũi nhọn đấu tranh. Tuy nhiên, phong trào bênh/chống “anh Văn” đã lột trần mọi lớp sơn che lấp các dữ kiện bấy lâu nay từng được liệt vào hàng thâm cung bí sử của hàng ngũ lãnh đạo đảng, và đã đạt được mục tiêu bứt tung những sợi chỉ nối liền các cấp ủy đảng.


Nay, hỗ trợ cho chiến dịch làm sạch Hà Nội lại có thêm sự hưởng ứng của đảng viên kỳ cựu Phạm Văn Đồng, nhất định “không sa vào tình trạng thông thường là nể nang, né tránh, hoặc là nói phớt qua quá nhẹ nhàng, dễ dãi, không có tác dụng gì”.


Có phải đó là chiến thuật “ba mũi giáp công” của giới lão thành liên kết: Trần Độ, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng? Chưa ai chắc. Dù điều này bật ra một câu hỏi khác: Giai tầng “chưa lão thành” hiện đứng đâu, lập trường ra sao, và có thể làm được những gì?


Theo ký giả David Lamb, tác giả một bài bình luận đăng trên tờ Los Angeles Times ngày 17-8-98, thì giới trẻ dưới 40 tuổi ở Việt Nam hiện đang chiếm ngót 80% dân số, có cùng một số nhận định Công Khai về đảng CSVN và hàng ngũ lãnh đạo Hà Nội như sau: “Họ quá kiêu ngạo để thú thực là họ chẳng biết tí gì…. Chủ nghĩa cộng sản bất lực…. Đảng cộng sản không thích hợp. Nó bị ám ảnh bởi quyền lực, không đáp ứng một ai và hoàn toàn xa rời quần chúng. Giới lãnh đạo già nua của nó chỉ thoải mái với kỷ luật của thời chiến hơn là với nhiều chọn lựa và sự bất định của một Việt Nam trong thời mở cửa hiện nay”. Còn đối với nghị quyết mới nhất của đảng, giới trẻ cho rằng ngoài chuyện quay lại điểm tựa là những lời kêu gọi yêu nước của Hồ Chí Minh, một kẻ đã chết gần 30 năm trước, nó không đưa ra được điều gì mới mẻ: “Đó là lời hô hào quay về quá khứ, không phải hướng tới tương lai”.


Nhận định về chính tuổi trẻ, đã có phát biểu của ông Nguyễn Trần Bạt, 55 tuổi: “Giới trẻ ngày nay yêu nước không kém gì những thế hệ trước, chỉ có điều là họ yêu nước cách khác với thế hệ của chúng tôi”. Tác giả bài báo đúc kết rằng giới trẻ “hậu chiến” trong nước rất cần mẫn và tài ba, luôn khát khao được trau dồi kiến thức, điều này khiến người ta lấy làm lạ là tại sao chế độ vẫn cứ muốn giữ khư khư quyền lực chế ngự mọi điều suy nghĩ, học hỏi và cả những phát biểu của dân chúng.


Ông Trần Lê Tiến, 39 tuổi, dứt khoát trả lời ký giả David Lamb rằng: “Nó là một bi kịch nếu cho rằng giới trẻ vào đảng để ôm lấy chủ nghĩa”, với một khẳng định là chính cá nhân ông không vào đảng để phất ngọn cờ búa liềm, mà thế hệ trẻ của ông nhận lấy sứ mạng làm thay đổi đảng.


Ông Lê Nguyên Hùng, 26 tuổi, trong những bài giảng tại đại học dân lập Văn Lang ở Sài Gòn, đã nhấn mạnh một thông điệp của tuổi trẻ Việt Nam trong nước: “Tôi muốn các bạn học lấy cách tự suy nghĩ cho chính mình. Tôi muốn các bạn thẩm xét hành động của kẻ khác và tự chọn lấy quyết định”.


Chưa bao giờ tuổi trẻ Việt Nam minh bạch đến như vậy. Phải chăng chính sự minh bạch đó đã giúp cho mười tác giả của Bản Cáo Trạng Số Hai tự tin về một hậu thuẫn đa số “sẽ vứt trả lại thẻ đảng, vì cái Đảng này không xứng đáng để những con người chân chính đứng trong hàng ngũ nữa”?


Nhìn chung, khi “già/trẻ” là một phân hóa bất khoan nhượng trong thượng tầng đảng, thì ngoài đời, “già-trẻ” vẫn là một sự kết nối nhịp nhàng.


Bộ chính trị CSVN có thể vẫn chưa tập trung được hết trí tuệ để nhìn ra điều đó. Nhưng bên phía nhà nước thì đã có một vài chỉ dấu hỗ trợ khả quan: Nghị định 64-1998/NĐ-CP về kê khai tài sản đã ra đời, dù chỉ mới chạm ngưỡng, nghĩa là chưa đụng tới guồng máy thượng tầng đảng, nhưng quả thật, đang là những nấc thang cần thiết cho một chiến dịch tổng tấn công vào guồng máy tham nhũng đứng đầu thế giới hiện nay.


Xem ra, lá vàng Mùa Thu Hà Nội rơi chậm hơn độ tuột của uy tín đảng.


Cuộc điểm danh mới nhất nhân dịp kỷ niệm 19-8 cho biết đảng CSVN hiện đang thu gọn vào con số dưới 18 người và đang đứng trước nguy cơ ba-K: Kẻ thù, Kẻ thù Khắp chốn.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

コメント


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page