1998.10 – Nhìn Cây Thấy Rừng
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 12 min read

Tháng Chín 98 đánh dấu một năm tại chức của Phan Văn Khải và Trần Đức Lương. Lương và Khải được làm gì và đã làm được gì trong một năm qua?
Chưa có một bản đúc kết chính thức nào trả lời cho câu hỏi này trên mặt báo đảng.
Tuy nhiên, cứ nhìn ngược dòng dữ kiện những “bước đầu thắng lợi” đăng trên tờ lá nho Nhân Dân, người ta có thể nắm bắt ngay tại chỗ những bước chạy theo thời thế của dàn lãnh đạo Ba Đình.
Xin đừng gọi đó là định hướng xuôi chiều áp lực. Chỉ nối đuôi thời thế. Nữ phát ngôn viên họ Phan của bộ ngoại giao Hà Nội sẽ đính chánh như vậy lập tức.
Thế Thời Phải Thế
Một trong những tự do hiển hiện ở Việt Nam hôm nay là độ rơi gia tốc của nền kinh tế lắm thành phần tại đây. Tuy nhiên, hãy tạm gát sang bên tình hình đầu tư ngoại quốc đang lăn xả về phía cuối dốc. Cũng khoan nói tới các khoản ngân sách cạn kiệt, lạm phát tăng vọt, ngân hàng bát nháo, sản xuất đình đọng, xuất khẩu lỗ lã v.v…. Hãy nhìn vào mặt “tích cực” của vấn đề, nói theo Adam Fforde, một chuyên gia người Úc từng bỏ nhiều thì giờ khảo sát tình hình Việt Nam, để thấy rằng, ở vị trí đứng giữa những ràng buộc của thời thế và bộ chính trị, Phan Văn Khải đã dồn nhiều nỗ lực ứng phó… “tương đối tốt”.
Ngoài những buổi Họp Giao Ban Chính phủ lam nham nửa nhàm nửa nhảm hàng tuần, trong suốt năm qua, viên thủ tướng đương nhiệm của CSVN đã bôn ba dọc quốc lộ một, tổ chức hội thảo liên khúc Huế-Sài Gòn-Hà Nội, mời gọi doanh nhân ngoại quốc từng miền tham dự để trấn an từng vị. Rằng không hẳn thị trường Việt Nam đã thôi béo bở. Rằng coi vậy nhưng chưa chắc đã vậy. Rằng xin hứa sẽ tạo ưu đãi cho người nước ngoài bằng cách sửa luật đầu tư, giảm giá thuê đất mướn nhà. Vân vân….
Nếu xét về mặt tiềm năng đất nước, thì quả không phải là Khải chỉ toàn nói láo. Khải chỉ không thể nói thẳng ra hết mọi khía cạnh về khả năng dự kiến và quản trị của đảng CSVN. Trên thực tế, điều đó không còn cần thiết, bởi mọi doanh nhân ngoại quốc đều dư biết về khả năng giật lùi của đảng, điển hình ở mặt nổi là sách lược mới nhất: Dùng văn hóa trong lồng kính để xoay chuyển kinh tế ngoài thị trường. Nhưng dẫu sao, trong phạm trù “luật pháp” của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam, khả năng giật lùi mọi mặt đó, cũng như khả năng tham nhũng và bao che tham nhũng của lãnh đạo CSVN, vẫn thuộc hàng bí mật quốc gia. Vì vậy, ngay trong những cuộc họp báo quốc tế mà Khải có công khởi động thành phong trào cho cả khu Ba Đình, chính Khải cũng tự biết giới hạn.
Cũng ở khoảng giữa hai đầu ràng buộc của thời thế và chính trị bộ nói trên, nỗ lực ứng phó kế tiếp và đáng kể của Khải là những ứng khẩu trong cuộc họp báo đầu đời, phủ định các khuyến nghị của giới tài chánh quốc tế về việc phá giá tiền Việt và cải tạo quốc doanh, thành phần kinh tế chủ đạo từng nằm dài nuốt trôi mọi khoản viện trợ và các dự án đầu tư của doanh nhân nước ngoài trong suốt nửa thập niên qua.
Chưa kể tới những nỗ lực khác của Khải, bao gồm nhiều loại khẩu hiệu mới, ngay sau đó, nhằm hô hào “điều nghiên việc chuẩn bị tiến trình sửa soạn” cổ phần hóa xí nghiệp nhà nước và phải khẩn trương “điều chỉnh” hối suất xuống 10%. Tất nhiên, không vì bất cứ một áp lực nào. Chưa kể tới nỗ lực khất nợ cũ của Liên Xô và nợ mới chất chồng của các định chế tài chánh quốc tế. Chưa kể tới những khó khăn phải đối phó khi vay thêm nợ mới khác, đến mức phải xin Ngân Hàng Phát Triển Á Châu… thông cảm. Chưa kể tới vụ điều chỉnh giữa năm về chỉ số tăng trưởng kinh tế 1988 trong đầu các ủy viên chính trị bộ, nhưng phát thanh ra ngoài qua cái loa quốc hội. Chưa kể tới nỗ lực bạch hóa ngân sách quốc gia. Cũng chưa kể tới nghị định 64-1998/NĐ -CP về việc kiểm kê và khai báo tài sản đảng viên cán bộ. Nhất định cũng không vì bất cứ một áp lực nào. Nữ phát ngôn viên họ Phan của bộ ngoại giao Hà Nội sẽ khẳng định như thế.
Nói theo ngôn ngữ ngoại giao, theo kiểu Nick Freeman thuộc cơ quan nghiên cứu Đông Dương tại Vọng Các, thì Khải “đã nỗ lực đến mức có thể được”. Nhận định này có thể được coi là đúng tới một nửa. Bởi, trên thực tế, cho dù đứng tại chỗ, Khải và nội các của Khải cũng đã có nỗ lực dậm chân với tốc độ nhanh nhất có thể đạt. Một hình thái đổi mới trên máy tập thể dục chạy bộ đặt trong phòng ngủ chăng?
Còn nói nôm na, theo kiểu “Người Sài Gòn”, thì Khải tỏ ra khá thành công trong việc nhóm lửa đốt than để dự trù kéo một đoàn tàu cũ lên dốc, mà trên đó, nhộn nhịp nhất là toa nhà hàng. Chỉ tiếc là thay vì phải chạy trên một hệ thống đường ray bắt khía, thì đoàn tàu đang xì xịch từng ly trên con đường mòn ngoằn ngoèo có định hướng của 18 bác tài chính trị bộ.
Lượng khói phun ra trên báo Nhân Dân hay tạp chí Cộng Sản không nhất thiết phản ảnh tốc độ của con tàu Hà Nội. Xác suất khá cao là đoàn tàu sẽ tuột về ga cũ, theo dự kiến của các kinh tế gia quốc tế tầm cỡ là chỉ số tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng chừng phân nửa chỉ số của năm ngoái vốn dĩ đã thấp hơn năm kia. Trong trường hợp khả quan nhất là con tàu nắm bắt được những bước đầu thắng lợi để đánh vòng về ga cũ thì kết quả sau cùng cũng không gì khác. Điều chắc chắn là không vì bất cứ một áp suất nào, cả bên trong lẫn bên ngoài nồi súp-de ở đầu máy. Nhưng riêng về chuyện này, không một ai trong bộ ngoại giao Hà Nội có đủ thẩm quyền lên tiếng.
Thế Thời Lại Phải Thế
Dưới triều đại Đỗ Mười thì Trần Đức Lương không được nhiều người quan tâm tới. Một phần là vì cá tính “lười như Khánh, lánh như Lương” qua thành ngữ sử dụng trong nội bộ đảng. Một phần khác là bởi khả năng nhận định và dự phóng của Lương vẫn được liệt vào trường phái “sao cũng được”. Cả hai yếu tố trên hoàn toàn hội đủ điều kiện để Lương được chọn thăng chức chủ tịch nước trong giai đoạn đảng cần phô trương đường lối “trẻ hóa lãnh đạo”. Cả cái đường lối này cũng không nằm dưới bất kỳ một áp lực nào, nhất định thế.
Kiểm kê lại một năm tại chức của Lương, không ai ngạc nhiên khi thấy đương sự chẳng nên… cái tích sự gì. Tiếp một vài đoàn khách ngoại quốc, đa phần thuộc giai tầng phi liên kết ở Phi Châu hay Trung Đông. Đọc một vài bài diễn văn ca tụng tình hữu nghị đơn điệu và đôi lúc đơn phương. Gửi điện chúc mừng mấy ngài Chu Dung Cơ hay Kim Chính Nhật. Đưa vợ đi tham quan một vài nước láng giềng, xa nhất là Nga, ngay vào lúc nước này bị động đất chính trị lẫn tài chánh. “Thăm và làm việc” với nhiều địa phương suốt dọc ba miền, đặc biệt là các nơi từng được đánh dấu đang là hay sắp trở thành “điểm nóng”, nhưng không vì bất cứ một áp lực nào.
Sau cùng, công việc của Lương được khoanh tròn như con người của đương sự trong nỗ lực… ký tên vào một số giấy tờ viết sẵn. Trong số đó, đáng quan tâm nhất là quyết định “đặc xá” một số tù nhân mà không ai biết rõ con số thực.
Người ta chỉ biết rằng không một ai trong số người được phóng thích là tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm. Kể cả Hòa thượng Quảng Độ từng viết bản nhận định về vấn đề đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Kể cả Giáo sư Đoàn Viết Hoạt và Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từng lập diễn đàn đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam. Kể cả Thượng tọa Trí Siêu, Thượng tọa Tuệ Sĩ, Linh mục Đinh Việt Hiếu, Trưởng lão Trần Hữu Duyên thuộc Dân Xã Đảng – Phật giáo Hòa Hảo… Kể cả Giáo sư Đồng Tuy ở Hòa Lan, ông Phạm Anh Dũng ở Pháp, các ông Trần Mạnh Quỳnh và Lý Tống ở Mỹ…. Hầu hết đều từng bị bắt giam với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”. Tuy nhiên, theo văn bản chính thức của Hà Nội thì toàn bộ số tù nhân này đều chỉ thuộc diện “vi phạm luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, viên chánh văn phòng của Lương, Nguyễn Cảnh Dinh, đã long trọng khẳng định như thế.
Cao hơn một bậc, và cũng thuộc diện quan trọng hàng đầu, thế giới được biết thêm là quyết định phóng thích nói trên hoàn toàn không do bởi bất kỳ một áp lực nào. Nữ phát ngôn viên họ Phan của bộ ngoại giao Hà Nội đã khẳng quyết như vậy.
Chưa có một giải búa sắt liềm nhôm nào được trao cho Lương hay Khải. Nhân loại chỉ biết bà Trần Thị Thức đại diện cho ông Đoàn Viết Hoạt lãnh giải Ngòi Bút Vàng Cho Tự Do, do Hiệp Hội Báo Chí Quốc Tế trao tặng tại Nhật Bản. Nhưng đây không phải là một áp lực. Hình ảnh trại tù Thanh Cẩm do đài truyền hình TF1 của Pháp trình chiếu cho loài người chiêm ngưỡng trong dịp hội nghị các nước Pháp thoại vừa qua tại Hà Nội cũng không phải là một loại áp lực. Lời khuyến cáo của Hiệp Hội Ký Giả Không Biên Giới kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông Nguyễn Đan Quế cũng không là một loại áp lực.
Các phúc trình của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cũng không phải là một loại áp lực. Vấn đề giải quyết thầm lặng hàng ngàn người bị bắt oan, đặc biệt là con số không nhỏ các cựu chiến binh, cũng không là một loại áp lực. Lá thư của bốn nhân vật từng lãnh giải Nobel hòa bình gửi dàn lãnh đạo Hà Nội cũng không phải là một loại áp lực. Những bài tham luận điều trần của người Việt hải ngoại trước quốc hội Hoa Kỳ, hay các cuộc xuống đường khắp thế giới để tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam cũng không phải là một loại áp lực.
Thư khuyến cáo của giới dân biểu nghị sĩ các nước hoặc của các ủy ban Thụy Sĩ-Việt Nam, Pháp-Việt, Úc-Việt, Mỹ-Việt… dồn dập gửi về Hà Nội cũng không phải là một loại áp lực. Các giải thưởng nhân quyền Kennedy hay Hellman-Hammett cũng không là một loại áp lực. Quyết nghị của Nghị Hội Âu Châu về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam cũng không phải là một loại áp lực. Bản báo cáo nhân quyền của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, do quốc hội nước này công bố hồi tháng Tư vừa qua, càng không phải là một loại áp lực.
Không riêng gì việc phóng thích tù nhân. Việc đình hoãn phiên tòa xử ký giả Nguyễn Hoàng Linh cũng không do một áp lực nào. Quyết định không bắt giam tướng Trần Độ cũng hoàn toàn không đến từ một áp lực nào.
Vỡ ra, chỉ có mỗi việc trang điểm cho bộ mặt chế độ mới là một thôi thúc cần thiết, vừa đối với thế giới đầy đô-la bên ngoài, vừa đối với nhu cầu ổn định xã hội đầy điểm nóng bên trong, lại vừa chuẩn bị cho cả tiến trình dọn đường cho cuộc họp thượng đỉnh các nước ASEAN tại Hà Nội vào cuối năm nay.
Nhưng nhất định sự thôi thúc ấy cũng không phải là một loại áp lực. Cho dù ký giả Ken Stier của tuần san Asiaweek cho rằng “đảng CSVN bắt đầu phải ghi nhận sức chống đối”, hay phóng viên Mark McDonald của nhật báo San Jose Mercury News nhận định rằng “tôn giáo vẫn là mầm đe dọa mãnh liệt nhất đối với chế độ trên nhiều hướng”. Cho dù chủ tịch quốc hội Hà Nội Nông Đức Mạnh phải ban hành “Pháp Lệnh Về Ký Kết Và Thực Hiện Điều Ước Quốc Tế” vào cuối tháng 8-98. Và, cho dù ngài đại sứ Peterson, sau khi đưa các tù nhân chính trị được phóng thích lên máy bay đi Mỹ, đã công khai nhận định rằng “hành động tích cực của chính quyền Việt Nam sẽ thắt chặt thêm sự giao hảo giữa hai nước”, rồi ngay sau đó, Hà Nội cho biết sẽ phóng thích thêm một đợt tù nhân trong những ngày tới.
Không ai nghi ngờ gì nữa. Thiện chí và lòng nhân đạo không có đất đứng xưa nay trong khu vực cộng sản. Mục tiêu của sự trang điểm bộ mặt chế độ hoàn toàn nhắm vào lợi lộc kinh tế. Nhưng, mọi thôi thúc đưa tới diễn trình trang điểm đó đều bắt nguồn từ những ép buộc chính trị. Hòa thượng Quảng Độ nhận định cô đọng chỉ trong mấy chữ: “Để gỡ cái thế bí”. Nghĩa là… không làm không xong, thế thôi.
Nhìn Cây Thấy Rừng
Nhìn từ phía những con người dũng cảm vừa được hít thở lại không khí bên ngoài lao thất, người ta được biết những gì? Ông Trần Mạnh Quỳnh: “Phải vững tin và kiên trì tiếp tục tranh đấu”. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: “Nguyện sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam”. Hòa thượng Quảng Độ: “Người tu hành trước hết cũng là một người Việt Nam…. Khi đất nước lâm nguy, toàn dân Việt nam có quyền đóng góp vào để giải nguy cho đất nước, có đúng không?”…. Phải chăng, trước tù, trong tù và sau tù, những tấm lòng đối với đất nước nói trên vẫn vậy, chỉ có chút khác biệt là mức độ kiên quyết cao hơn?
Nhìn từ phía những con người dũng cảm khác, trong trại tù lớn có hình chữ S, người ta lại thấy được gì? Ông Vũ Minh Ngọc công khai gửi bản cáo trạng số ba, tố giác bảy đảng viên thượng tầng CSVN tham nhũng, với lời thách viên tổng bí thư đương nhiệm là “sẵn sàng tiếp xúc và mang theo chứng cớ đầy đủ”. Nhà văn Hoàng Tiến, trong bài viết mới nhất “Tôi tán thành với tướng Trần Độ”, đã nêu cao chủ trương Hợp Lực Đồng Hướng để tạo “đủ sức mạnh đẩy cỗ xe Việt Nam thoát khỏi vũng lầy”, và thách thức sẵn sàng đi tù, gánh chịu hoạn nạn cùng tướng Trần Độ, “nếu lãnh đạo nhà nước đàn áp”.
Nhà văn Dương Thu Hương, qua bài phóng sự tháng 10-98 trên nguyệt san Reader’s Digest, đã thẳng thừng bày tỏ sự khinh bỉ cả lãnh đạo cộng sản lẫn mối đe dọa bị bắt giam…. Khi mà mục tiêu bắt tù chỉ nhằm bịt miệng quần chúng, thì phải chăng, việc đi tù đã mang một ý nghĩa hoàn toàn khác? Dư luận quốc tế có lý khi cho rằng nghị định 31/CP hoàn toàn chỉ mang chức năng đồng hóa lao thất và tư thất.
Còn nhìn từ phía quần chúng nhân dân, những con người dũng cảm thầm lặng và ít được biết tên, không ai ngạc nhiên về những sự kiện xảy ra ngay vào tuần lễ kỷ niệm Độc Lập 2 tháng 9 (chứ không phải quốc khánh như nhiều người vẫn ngộ nhận), cũng là dịp mà Hà Nội tung ra quyết định phóng thích tù nhân: Bà con ở vùng quê hương của điệu dân ca Quan Họ đã tấn công công an địa phương bằng xe tải cản đường và ném đá ngay viên trưởng phòng công an. Điều đáng lưu ý là nhà nước không bắt giam người tài xế xe tải đầu mối của vụ nổi dậy ở đây. Bản tin này được tường thuật kèm với những sự kiện Thái Bình, Nam Định trước đây, như một chuỗi những sự kiện biến động bất ổn chính trị trong khu vực bao quanh Hà Nội. Phải chăng, chế độ đang bị bao vây bằng những ý thức đối kháng đồng loạt chuyển mình thành hành động?
Biển người là một chiến thuật nướng dân mà lãnh đạo Hà Nội đã từng áp dụng triệt để trong cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa vào miền Nam. Xem ra, ngày nay, chính lãnh đạo Hà Nội đang đứng trước mối đe dọa biển người. Hãy nhìn cây, sẽ thấy rừng.
Có thật sự Hà Nội chỉ chuẩn bị dọn đường cho cuộc họp thượng đỉnh các nước ASEAN vào cuối năm nay? Hay đang chuẩn bị dọn đường cho cả những điều gì khác (chưa tiện nói ra) vào cuối thế kỷ này? Chưa ai chắc. Chỉ biết, tháng Chín 98 đánh dấu một năm tại chức của Phan Văn Khải và Trần Đức Lương.
Đã tới lúc thôi nôi mà hình như thằng bé vẫn chưa biết lật. Sao lại đòi nó biết bò?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments