1998.11 – Ai Sống Giùm Tôi
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 15 min read

Nếu ở vào triều đại Lê Duẩn thì thời sự tháng qua của Việt Nam có lẽ đã được trải dài trong một kế hoạch ngũ niên. Mật độ các việc cần làm ngay đã đạt đỉnh cao kỷ lục.
Đúc kết một tháng Hà Nội tất bật đối đầu với các việc cần làm ngay đó, theo báo Thanh Niên đưa tin:
Người nhạc sĩ từng ôm đàn “Nối Vòng Tay Lớn” 23 năm trước đây vừa sáng tác một nhạc phẩm mới nhất dành tặng riêng lãnh đạo, với tựa đề phảng phất âm Quan Thoại: “Tiến Thoái Lưỡng Nan”.
Phiêu Sandwich
Đây không phải là một hiệu bánh mới tưng bừng khai trương ở Mỹ. Đây chỉ là một cách chơi chữ đậm đà bản sắc tượng hình của phóng viên ngoại quốc, dùng để mô tả trạng thái “bị kềm kẹp” của tân bí thư đảng CSVN. Lê Khả Phiêu đăng quang vào thời điểm cuối 1997, ngay sau vụ nổi dậy của nông dân nhiều nơi, cao điểm là Thái Bình. Từ bấy, Phiêu đã dồn nỗ lực tung tăng khắp các điểm nóng trong nước, những mong bình định quyền lực sớm sủa. Bên cạnh nỗ lực độc nhất đó, ngay cả báo Nhân Dân cũng chẳng thấy có gì đáng ghi nhận trong mục “hoạt động của lãnh đạo”. Cần nói chăng, chỉ một vài điểm nổi cộm được coi là đáng quan tâm trong giới truyền thông quán nước:
Một là vụ tai nạn máy bay trên cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng-Khoảng bên Lào. Mấy ai đủ sức cảm thông nổi cho Phiêu về sự cố bị tước mất cùng lúc hàng chục tướng tá tay chân thân tín ruột thịt? Hay, đau hơn một nấc, về sự hiểu biết kẻ chủ mưu mà không thể mở miệng truy hô? Trên thực tế chạy đua quyền lực, phải biết rằng đây là một lỗ hỗng không thể lấp… qua đêm, vẫn theo lối ví von của phóng viên ngoại quốc. Nhất là trong giai đoạn tân tổng bí thư đang cần đến lòng trung thành ruột thịt đó hơn bao giờ hết, ngay tại điểm khởi của tiến trình tự xây dựng lấy một triều đình giàu mạnh, văn minh.
Hai là bản “Kết luận Hội nghị lần thứ Năm BCH/TƯĐ khóa 8”, do Lê Khả Phiêu ký gửi ngày 16-7-98. BCH/TƯ CSVN đã cẩn thận đánh số “01 KL/TW”, và phân loại “Mật” trước khi tán phát. Trong khi khẩu hiệu tung ra bên ngoài rằng chủ đề của hội nghị là: “Quay về với bản sắc dân tộc!”, thì theo tài liệu mật nội bộ vừa nói, Phiêu đã long trọng kết luận 5 điểm:
Nghiêm khắc phê phán các đảng viên đã “truyền bá rộng rãi” những quan điểm trái với đường lối đảng;
Hoàn toàn bác bỏ mọi lý luận phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê, mọi quan điểm phủ nhận định hướng XHCN, mọi chủ trương phủ nhận sự lãnh đạo của đảng, mọi lập trường phủ nhận nguyên tắc dân chủ tập trung;
Không chấp nhận đề nghị mở “một cuộc thảo luận chính trị lớn”, không chấp nhận cả đề nghị ra báo tư nhân, lẫn đề nghị tự do bầu cử “làm mất ổn định chính trị và xã hội”;
Biểu dương thành tích các cơ quan đã kiên quyết chống các quan điểm nói trên và kêu gọi nâng cao hoạt động bảo vệ đảng trong thời gian trước mặt;
Yêu cầu các tổ chức đảng thực hiện tốt kết luận này, với một lời đe rằng ai cố tình vi phạm Chỉ thị 25-CT/TW (25-12-97) sẽ bị xử lý thích đáng.
Đến ngày 07-9-98, Phó trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Hà Học Hợi tung ra một tài liệu học tập toàn đảng để thực hiện Kết Luận nói trên. Nội dung của bản “Hướng Dẫn Thực Tiễn” được đánh số “633/HD-TTVH” này là nhằm triển khai những mũi công nhắm vào các đối tượng chính của bản kết luận vừa nói, chủ yếu gồm hai nhân vật đối kháng Trần Độ và Hoàng Minh Chính.
Vỡ ra, tầm vóc đối phó của dàn lãnh đạo Hà Nội, bằng một hội nghị trung ương, một kết luận của tổng bí thư và một chiến dịch học tập để toàn đảng “thực thi kết luận” như vừa nói, mới chính là điểm đáng ghi nhận nhất về cốt lõi của vấn đề đối kháng trong nước.
Ba là, cũng từ sau vụ Nông dân nổi dậy khắp nơi, Phạm Thế Duyệt đã được Phiêu cất nhắc thăng vọt từ vị trí thứ 18 trong chính trị bộ lên hàng thứ 5 trong thường vụ chính trị bộ. Tức là, trong tình hình ổn định chính trị và xã hội của VN ngày nay, chức năng Dân Vận cần được nâng lên hàng đầu. Còn ở mặt kinh tế thì phải xoay mọi nỗ lực hiện đại hóa-công nghiệp hóa về hướng… nông thôn, với 80% dân số đã “thoát ly” ra khỏi khu vực kiểm soát của đảng. Đúng ngay vào khoảng giữa của tình hình “ổn định” đó, thì bỗng đâu, Phạm Thế Duyệt và đoàn đồ đệ bị tấn công tới tấp, từ nhiều phía khác nhau. Trên mặt nổi là các bản cáo trạng có đánh số thứ tự và đính kèm chứng cớ. Còn dưới gầm bàn là những dữ kiện cung đình kinh khiếp mà theo một số nguồn, nghe đâu được cung cấp cả từ phía Nguyễn Tấn Dũng lẫn Nguyễn Văn An.
Bốn là bản cáo trạng Đỗ Mười, viết ngày 10-10-98. Tác giả là ông Trần Dũng Tiến, một cựu chiến binh cảm tử thời chống Pháp đã từng viết những thư cáo giác trước đây về lãnh đạo đảng. Trong bản cáo trạng mới nhất này, ông Tiến đã nối kết vụ tham nhũng Thủy Cung Thăng Long với những nghi vấn về cách sử dụng viện trợ của dàn lãnh đạo Hà Nội, đặc biệt là Đỗ Mười, đã coi tiền viện trợ là của riêng và tùy nghi lãng phí, như một thông lệ.
Nói theo “Người Sài Gòn”, cái điểm “Bốn là” vừa nêu đã trở thành cao điểm dồn Phiêu vào thế đứng giữa hai đối tượng bị tấn công “trên Mười dưới Duyệt”. Phiêu Sandwich! Bánh mì kẹp thịt mà các phóng viên ngoại quốc nói tới là đây chăng? Lắm khi bà con nông dân trong nước chưa có điều kiện hình dung ra một cặp săng-uých kiểu Mỹ. Vậy có nên nôm na hơn bằng một ví dụ tượng hình đậm đà bản sắc Việt Nam cho bà con dễ hiểu: Phiêu bánh dầy?
Đời Tuôn Nước Mắt, Trời Tuôn Mưa!
Đã có thời lắm kẻ ca tụng rằng thơ Tố Hữu có tính tiên tri. Trong trường hợp câu thơ gồm hai vế vừa kể, nếu đúc kết thực tiễn vào tình hình hiện tại, chỉ cần đọc vế một, chắc chắn mọi người đều thấy rõ tính tiên tri có cả chiều rộng lẫn chiều sâu của thơ Tố Hữu. “Đời tuôn nước mắt”. Không ngừng. Từ ấy. Riêng vế thứ hai, “Trời tuôn mưa”, lại càng đặc biệt được coi là sự “phản ánh” tính gắn liền trong mọi giải thích của đảng về hai yếu tố thiên tài đối diện thiên tai.
Hội nghị bất thường lần 1 kỳ 6 khóa 8 của BCH/TƯĐ CSVN đã long trọng đề cập đến hai yếu tố này trước khi thông báo “thắng lợi cực kỳ to lớn” của đảng là kềm giữ được mức phát triển cả nước, dù có tụt thấp hơn chỉ tiêu 8.8% đề ra hồi đầu năm, nhưng nhất định không cho tụt xuống quá mức “cho phép” 6%. Đó là thiên tài định mức “cho phép” vừa sít với thực tế và đi trước thực tế những… hai tuần. Theo báo cáo của Phan Văn Khải, được chính trị bộ phê duyệt trước khi trình đọc trước quốc hội Hà Nội, thì hai lý do của sự tuột dốc đó là:
1) Hạn hán kéo dài ở nhiều vùng cộng thêm nạn lũ lụt mới đây ở nhiều tỉnh Trung Bộ; và
2) Tác hại của cuộc khủng hoảng tài chánh trong khu vực Á châu đã tác động vào tới Việt Nam.
Cả hai lý do vừa nêu đều thuộc diện thiên tai, trên trời rơi xuống, khiến:
“Xuất khẩu bị thu hẹp thị trường, bất lợi về giá; đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm mạnh cả về dự án mới và về những dự án đã được cấp giấy phép; dịch vụ cho khách quốc tế sút kém, nhất là hàng không, du lịch, viễn thông; sức ép đối với tỷ giá hối đoái gây biến động trên thị trường ngoại hối và tăng thêm khó khăn cho cán cân thanh toán quốc tế. Hệ quả tổng hợp là đầu tư và sản xuất kinh doanh bị thu hẹp trên một số lãnh vực, các cân đối vĩ mô căng thẳng thêm, số người thất nghiệp tăng…”.
Bản báo cáo của chính trị bộ do Khải đọc trước quốc hội đã trình ra một khẳng định chắc nịch: Đã bảo thiên tai thì… bố đảng cũng không tài đỡ nổi. Nói gì các các cố vấn? Nôm na ra, mọi chỉ đạo của Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt trong suốt một năm qua đã minh chứng là cần được dẹp bỏ. Phiêu nhích lại gần Khải hơn trong thời gian gần đây, cũng là để làm sáng tỏ những minh chứng đó chăng?
Tiền Đồ Đối Mặt Tiền Đô
Những đánh giá từ bên ngoài Việt Nam tương đối khách quan hơn lời trần tình của thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải. Bản thống kê mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho biết phân nửa dân số Việt Nam hiện sống dưới tiêu chuẩn nghèo đói của thế giới. Một bản thống kê khác của cơ quan WWF, cũng thuộc LHQ, cho biết rõ hơn về sức tiêu thụ của người Việt Nam hiện dưới mức trung bình toàn cầu về: ngũ cốc, cá biển, gỗ, nước lọc, và riêng xi măng chưa bằng phân nửa mức tiêu thụ bình quân của thế giới. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại trong nước tóm gọn bản thống kê dông dài đó chỉ trong một câu:
“Quê nghèo như thể đóm đèn lu”.
Với những đánh giá như trên và trong tình hình cân đối vĩ mô căng thẳng đó, nhiều biện pháp đã được tung ra.
Trước tiên là phải xoay Đỗ Mười đối diện trực tiếp với nạn tham nhũng ở cấp cao nhất đang bị nhân dân bạch hóa. Kế đến là cắt bỏ dự án Xa Lộ Trường Sơn của Võ Văn Kiệt. Đó là hai biện pháp tiêu biểu thuộc diện “xử lý nội bộ”, nhằm giúp dàn “lãnh đạo trẻ” vượt biên ra khỏi những chiếc bóng cỗi cằn phủ chụp.
Riêng về những biện pháp mang tính đối ngoại, người ta ghi nhận ngay nhịp độ các chuyến công du bị gậy của Hà Nội, theo ba hướng:
1) Trần Đức Lương sang Thái, một quốc gia thuộc khối ASEAN, từ ngày 6 đến ngày 8-10, để nhận bằng Tiến sĩ danh dự về Nghệ thuật. Đây là một xúc phạm rất lớn tới đội ngũ nghệ nhân trong nước, bởi, rất tiếc, chính phủ Thái đã không nói rõ nghệ thuật gì! Con-artist cũng là một loại nghệ sĩ chăng? Báo chí ở Vọng Các chỉ nhấn mạnh về hai hiệp ước mà Lương mới ký, nâng tổng số hiệp ước Thái-Việt lên con số 15: Một là Hiệp định về phòng chống ma túy. Hai là hiệp định tương trợ tư pháp, qua đó, Thái Lan cũng đã nhận trợ giúp huấn luyện một hàng ngũ thẩm phán cho Việt Nam trong thời gian tới.
2) Nguyễn Mạnh Cầm và Nguyễn Tấn Dũng qua Mỹ, trong hai chuyến đi khác nhau. Đây là chuyến đi Mỹ đầu đời của Dũng, vào thượng tuần tháng 10 vừa qua, nhằm tham dự các cuộc họp do IMF và WB triệu tập tại Hoa Thịnh Đốn. Trong dịp này, Dũng đã gặp Chủ tịch Hội đồng Cố vấn An ninh của Bạch Ốc, Thống đốc Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Chủ tịch Tiểu ban Tài chánh Thượng Viện Mỹ. Giới quan sát các cuộc gặp gỡ này cho rằng Dũng còn cần phải trau dồi thêm nhiều về ngành chuyên môn, và trong thời gian đó, cần nhất là phải tự xóa bớt mặc cảm thiếu kiến thức cũng như tính tò mò trong các cuộc hội nghị cấp cao. Riêng Nguyễn Mạnh Cầm là một giới chức ngoại giao, ngoài việc xác nhận có thêm một đợt phóng thích tù nhân, lạ lùng thay, trong chuyến đi Mỹ hai ngày 1 và 2-10 vừa rồi, lại tiếp xúc với khá nhiều giới chức quân sự của Hoa Kỳ tại Ngũ Giác Đài, các viên chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia ở tòa Bạch Ốc, và cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ W.Cohen. Trong chuyến đi này, Cầm cũng ghé thăm Gia Nã Đại, khẳng định Hà Nội sẽ tạo điều kiện làm ăn thuận lợi cho doanh nhân nước này. Sau Cầm và Dũng, nhóm thứ ba sang Mỹ là một đoàn quân sự Việt Nam, do tướng Trần Hanh cầm đầu, trong mục tiêu thăm viếng Ngũ Giác Đài. Đoàn quân sự này đã được gặp Bộ trưởng Quốc phòng W. Cohen, Thứ trưởng Quốc phòng P.Cramer, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng C.Cambell, cùng một số tướng Tư lệnh Lực lượng Thái Bình Dương và các quân binh chủng Hoa Kỳ. Điều đáng quan tâm là qua một phúc trình của các tướng lãnh Hà Nội trong Hội nghị BCH/TƯĐ kỳ 5 vào tháng 7 vừa qua, cả Hoa Kỳ lẫn Gia Nã Đại đều được xếp loại đứng đầu trong hàng ngũ những kẻ thù hung hiểm hiện thời của Hà Nội.
3) Phan Văn Khải sang triều kiến Bắc Kinh. Trước Khải là một phái đoàn đảng biểu của Hà Nội sang thăm quốc hội Hoa Lục, do Trương Mỹ Hoa cầm đầu. Đi cùng với Khải ngày 19-10, ngoài vợ của đương sự, còn có Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn (cựu bộ trưởng phát triển nông thôn), và đương kim Bộ trưởng Công nghiệp Đặng Vũ Chư. Theo một số nhà quan sát thời cuộc, thì bất kể những mục tiêu được trình bày công khai, căn cứ trên mức độ giao thương không đáng kể giữa hai nước, và với sự hiện diện của hai nhân vật cấp bộ này, cho thấy:
a) Hà Nội đang có nỗ lực học hỏi từ Hoa Lục một số chính sách công nghiệp hóa hướng về nông thôn;
b) quảng cáo thế đứng trong khối ASEAN đối với Bắc Kinh và ngược lại, sẽ đánh bóng thế gần gạnh Hoa Lục trong dịp họp APEC vào tháng 11, hội nghị An toàn Lương thực ASEAN cũng vào tháng 11, và quan trọng nhất là trong cuộc họp thượng đỉnh các nước ASEAN vào cuối năm nay, dự trù tổ chức ngay tại Hà Nội;
c) ổn định mối xung đột giữa các nhánh thân Tàu và thân Mỹ trong chính trị bộ Ba Đình, đồng thời, củng cố thế đu dây ngoại giao giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn;
d) sau cùng, có xác suất ngầm giữ vị trí con thoi với Hun Sen trong việc giải quyết vấn đề Cam Bốt.
Trên diện chính thức, Khải đã ký với Chu Dung Cơ thêm ba hiệp định, gồm Hiệp định về lãnh sự, Hiệp định về thương mại biên giới, và Hiệp định tương trợ tư pháp. Đến 21-10, tức hai ngày sau khi Khải đến Bắc Kinh, một phái đoàn quân sự Hà Nội do tướng Đoàn Chương, Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Việt Nam cầm đầu, cũng đến Bắc Kinh để gặp tướng Trì Hạo Điền, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Lục, nhằm “tìm kiếm sự hợp tác hữu nghị” giữa hai lực lượng quân đội nhân dân.
Ngược lại, ở trong nước, Lê Khả Phiêu đã long trọng tiếp đón Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ T.Donahue. Ngoài ra, tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng của Hà Nội, cũng đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Igor Sergeyev, trong mục tiêu tái đánh giá để gia hạn và nâng cấp tiền thuê mướn quân cảng Cam Ranh sau năm 2004. Ngay sau cuộc gặp gỡ này, chính Sergeyev, trên đường về lại Mạc Tư Khoa, đã ghé Bắc Kinh để “trao đổi thêm về các vấn đề hai bên cùng quan tâm”.
Theo thông tấn xã Interfax thì sự hiện diện của Nga tại Cam Ranh mang tính chất chiến lược về địa dư và chính trị vô cùng quan trọng. Còn theo hãng thông tấn AFP trích lời một viên chức quân sự cao cấp ở Hà Nội, thì trọng tâm của vấn đề chỉ đơn giản là thời hạn cho thuê và giá biểu cho thuê.
Mới thấy, rõ ràng, tiền đồ thua đậm tiền đô.
Tiếng Oan Dậy Đất, Án Ngờ Lòa Mây
Chẳng ai đá động gì tới thời Vương Quan, Thúy Kiều. Người ta chỉ bận luận chuyện trong nước. Hà Nội vừa chính thức công bố thêm một con số tù nhân được phóng thích. Cũng như lần trước, không một ai biết rõ thực sự số tù được thả đợt này là bao nhiêu. Và quan trọng hơn, trong tù còn lại bao nhiêu người thuộc diện tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị. Riêng về mức độ bắt oan, nhà nước đã thông báo rõ bằng thống kê là cứ 3,6 người bị bắt thì đã có một người bị oan.
Tháng 10 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm “Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng”. Chủ nhiệm Trung ương ngành Nguyễn Thị Xuân Mỹ, cũng là bóng hồng duy nhất trong chính trị bộ, đã nhân dịp 16-10 này, long trọng kêu gọi đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp phải nâng cao bản lĩnh và đổi mới tác phong. Tổng bí thư đương nhiệm Lê Khả Phiêu, đáp lễ ủy viên Xuân Mỹ, cũng chúc ngành kiểm tra luôn luôn phấn đấu vươn lên ngang tầm với… nhiệm vụ cách mạng.
Về phía dân, cũng nhân dịp này, nhiều người đã biểu lộ một số hỗ trợ trực tiếp cho ngành, bằng những cáo trạng sôi nổi. Có chiều cao là bài viết Quốc Nạn Tham Nhũng của ông Trần Dũng Tiến đã đề cập ở phần trên. Còn có chiều sâu, phải kể về vụ Thủy Cung Thăng Long, do các kiến trúc sư và phó tiến sĩ trong lãnh vực hữu quan đề xuất.
Điểm đáng lưu tâm ở đây không chỉ là vụ việc gia tăng phi tiễn của một dự án quy hoạch 7.000 m2 đất Hồ Tây bỗng chốc nở phình ra tới 70.000 m2, rồi thành 220.000 m2; hay lý lịch trích ngang của các con chốt thời cơ Trịnh Vạn Thiện và Lê Tân Cương. Cũng không phải vấn đề Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc đã tỏ “nhã ý” đẩy mạnh công trình này. Lại càng không phải Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội là Đinh Hạnh (có thành tích dính liền với bản cáo trạng Phạm Thế Duyệt hồi tháng trước) là cốt lõi của sự cố “đất dãn nở”, rồi ngay vào thời điểm bị tố cáo, ngày 21-10-98, lại chủ trì cuộc Hội Nghị Thành Ủy thông qua nghị quyết thứ 10 về… chống tham nhũng, theo nguyên tắc (nguyên văn): “chủ động tìm cách tháo gỡ, với sự chấp thuận và hướng dẫn của cấp trên, theo hướng: từ hợp lý, hợp lệ, mà công nhận sự hợp pháp”!!!
Điểm đáng lưu tâm ở đây có lẽ thuộc cái nhìn ở chiều ngược lại: Đây là lần đầu tiên, một đơn kiện nhà nước do công chức nhà nước đứng tên, được gửi qua hệ thống đảng, lên đến bộ phận cao nhất đảng, để xin lãnh đạo góp ý. Có phải các kiến trúc sư và phó tiến sĩ dũng cảm nói trên đã dụng công đặt lãnh đạo Hà Nội trước một lằn ranh rạch ròi: Đứng về phía dân để xử tham nhũng. Hoặc là im lặng, tức là đứng về phía đảng để tiếp tục bao che tham nhũng?
Kết quả? Cho tới nay, chưa ai nghe dàn lãnh đạo Hà Nội chính thức lên tiếng góp ý về vụ này. Có thể ở một mức độ chừng mực và gián tiếp nào đó, người ta hình dung ra nỗi lúng túng của dàn lãnh đạo Ba Đình, qua bản án chính xác 12 tháng 13 ngày dành cho ký giả Nguyễn Hoàng Linh về tội phanh phui vụ công an hải quan nuốt trôi 4 chiếc duyên tốc đỉnh phế thải mua của U-kờ-ren-na, đã bị bắt giam đúng 12 tháng 13 ngày trước ngày xử. Toàn ban chính trị bộ đã thực sự “thích màu xanh đô” và “yêu nhạc họ Trịnh”… Quan Thoại rồi chăng?
Ở một chỗ khác, rất gần Hà Nội, và cũng rất gần cuộc họp bất thường của TƯĐ, người dân làng Thọ Đà lại một lần nữa đồng loạt đứng lên đóng góp nỗ lực xiển dương và hỗ trợ trực tiếp ngành kiểm tra đảng, bằng gậy, mác, cuốc, liềm, phảng… khiến 12 cán bộ cầm quyền tại địa phương bị trọng thương, với 5 đảng viên đổi biên chế vào nhà thương.
Cũng nằm trong phạm trù kiểm tra, nhưng thuộc một lãnh vực khác, thì cũng trong tháng 10 vừa qua, một phái đoàn Liên Hiệp Quốc, do ngài Abdelfattah Amor hướng dẫn, đã sang Việt Nam trong một chuyến tham quan 10 ngày về tình hình tôn giáo tín ngưỡng. Phái đoàn này đã bỏ về với một thất vọng lớn sau ba năm vận động sắp xếp chuyến đi, và đã từng được phía Hà Nội long trọng cam kết dành cho mọi dễ dàng tiếp xúc với người bản xứ ngay trước khi rời phi trường Niu-oóc.
Ông Amor cho biết sơ khởi là phái đoàn bị ngăn chận mọi nỗ lực tiếp xúc trao đổi với các tín đồ Hòa Hảo, Lão giáo, Khổng giáo và cả Ấn giáo. Đặc biệt, phái đoàn không được gặp Hòa thượng Quảng Độ vừa mới được phóng thích, và cũng không được gặp Thượng tọa Thích Nhật Ban tại trại tù Z30A. Ông Amor cho biết là một phúc trình đầy đủ của ông về chuyến đi này sẽ được báo cáo tại LHQ trong thời gian tới. Trong khi đó, Hòa thượng Quảng Độ, qua một cuộc phỏng vấn của ký giả ngoại quốc, đã phát biểu rằng đó là một điều đáng tiếc, nhưng nhìn ở mặt khác thì cũng đáng mừng, “vì công an đã nói giùm tôi” những điều mà ông Amor muốn biết.
Có ai đó đang phát động cho guồng máy hát lại một bài nhạc cũ chăng: “Hãy sống giùm tôi, Hãy nói giùm tôi, Hãy thở giùm tôi”? Chính sách của đảng hiện không ghi rõ vấn đề bịt mũi hay bóp họng. Phát ngôn viên bộ ngoại giao cũng chưa có lời khẳng định. Chỉ biết, Thiếu tướng công an Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến Lược CAND, vừa mới báo động trên Tạp Chí Cộng Sản là tình trạng diễn biến “điểm nóng biến thành vùng nóng” rất đáng quan ngại. Sau đó, hệ thống truyền thông trong nước dồn hết nỗ lực vào một số chủ đề “thời đại”: Phát huy vai trò Hội Nông Dân, Phát triển Công nghiệp phục vụ Nông nghiệp, và đáng quan tâm hàng đầu là Tái Tổ Chức Mặt Trận Tổ Quốc.
Riêng báo Lao Động, số ra ngày 22-10-98, đã đưa một tin khoa học rất ngắn: “Việt Nam đã phát hiện ra 232 loài động vật và 200 loài thực vật mới chưa có có tên trong danh mục phân loại của thế giới”. Đừng hỏi ông Amor hay bất kỳ giới chức nào của LHQ. Chưa một ai có thể phân loại hiện giờ. Dường như người ta vẫn còn tạm gọi chung theo loài động vật đứng đầu là chính trị bộ.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
コメント