1998.12 – Nhất Đảng Nhì Nông?
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 18 min read

Chưa bao giờ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Việt Nam được đặc biệt chú ý như trong những ngày qua. Mọi bài diễn văn hay phỏng vấn của bất kỳ “lãnh đạo” nào, đọc bất kỳ tại đâu, hay nói với bất kỳ đối tượng nào, cũng đều đề cập ít nhiều tới vấn đề nông thôn Việt Nam. Mọi bài xã luận, trên bất kỳ báo nào, viết về bất kỳ chủ đề nào, bởi bất kỳ chủ biên nào, cũng đều có đôi dòng dính líu tới nông nghiệp. Nỗ lực nhồi nhét đó, ở bất kỳ cấp nào, cũng chỉ để chứng tỏ khả năng trung thành và “quán triệt” đường lối thời thượng của đảng.
Nông là vấn đề Nóng. Đó là trọng tâm thời sự tháng qua. Nhưng, tưởng cần phải nói cho rõ: nông thôn không nóng; phát triển nông nghiệp cũng không nóng. Nông dân mới nóng.
Quyết Tâm Thôi Cà Thọt
Ký giả Greg Torode, trên nhật báo South China Morning Post ngày 03-11, đã viết rằng: “Giới doanh nhân đầu tư ngoại quốc tại Việt Nam không tin tưởng là sẽ có thay đổi nào về mặt ngân hàng, trong một hệ thống thư lại đáng sợ nhất thế giới ở đây”. Theo kinh tế gia Robert Glofcheski của Chương Trình Phát Triển LHQ, thì “Việt Nam có xác suất tự thu rút vào sự nghèo đói”. Theo Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, thì “Việt Nam sẽ bị bỏ rơi xa hơn đàng sau, khi mà những tiểu hổ Á châu bắt đầu gượng dậy sau cơn lốc tài chánh vừa qua”. Còn theo lời của Tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu, cũng do Greg trích lại, thì “Sự phát triển kinh tế 1999 không thể ước lường trước được”.
Theo Viện Nghiên Cứu Thương Mại Hà Nội, giá trị xuất khẩu năm 1997 của Việt Nam mới bằng 33% GDP, trong đó, nguyên liệu thô chiếm 70%. Trong khi chỉ tiêu của năm 2000 là giá trị xuất khẩu phải đạt 70% GDP, kim ngạch xuất khẩu phải đạt 20 tỷ mỹ kim, thì trên thực tế, mức độ xuất khẩu của năm 1998 đã giảm nhanh, “vì nhiều lý do chủ quan và khách quan”.
Theo hãng thông tấn Reuters, 22% xí nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo kinh tế cả nước đã bị lỗ nặng trong năm 1996, tăng lên tới mức gần 50% vào năm 1997, phần lớn là do nguyên nhân “vi phạm quản trị tài chánh”.
Ký giả Mark McDonald, trên nhật báo San Jose Mercury News ngày 04-11, đã cập nhật tình hình Việt Nam như sau: “Mức phát triển xuống thấp nhất trong vòng 10 năm. Tham nhũng lan rộng ăn sâu. Vốn và dự án đầu tư ngoại quốc dập dìu tháo chạy. Tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 9%. Thị trường xuất khẩu hàng công nghiệp cạn khô. Một nửa dân số có mức thu nhập bình quân dưới một mỹ kim một ngày. Nhà cầm quyền Việt Nam hãnh diện về chỉ số phát triển đứng lại ở mức 6%, trong khi Ngân Hàng Thế Giới đánh giá là đã tụt xuống tới mức 3%”.
Trước tình hình tăm tối không khác gì lãnh đạo, nhân dịp đọc bài diễn văn mở màn Hội Nghị An Ninh Lương Thực ASEAN, Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: “Với một nền kinh tế còn non yếu như Việt Nam mà không có sự ổn định và phát triển của khu vực nông thôn và nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, thì cực kỳ nguy hiểm đến tình hình kinh tế xã hội”.
Cà phê Việt Nam vừa đạt thành tích vượt qua Nam Dương, chiếm vị trí đứng đầu mức xuất cảng của toàn Á Châu. Gạo Việt Nam cũng vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm nay, bất chấp hạn hán, bão lụt. Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê về mức xuất khẩu hàng nông nghiệp, thì quả đúng, phát triển nông thôn chưa phải là ưu tiên giải quyết hàng đầu hay đang là yếu tố quyết định đe dọa kinh tế Việt Nam, so với tình trạng đầu tư ngoại quốc chúi mũi, hay so với mức độ cạn kiệt ngoại tệ hiện nay. Tuy nhiên, nếu nhìn ở chiều ngược lại, thì câu hỏi đặt ra là: Trong tình trạng kinh tế non yếu đang gặp khủng hoảng tài chánh và một nền công nghiệp đặt căn bản trên đầu tư ngoại quốc suy vi đó, liệu có phải lương thực từ nông thôn đang là hướng đối phó cầm cự sau cùng của Hà Nội?
Hiện thời, nông thôn Việt Nam là một tập hợp của hàng chục ngàn “điểm nóng” đang diễn biến nhanh chóng thành “vùng nóng”, theo bản tổng kết thực tiễn của thiếu tướng công an Nguyễn Đức Minh. Hay nói cách khác, lương thực từ nông thôn cũng là một vũ khí đấu tranh mà nông dân dành cho trận cuối. Nếu đúng như vậy, thì điều mà Khải nhấn mạnh trong đoạn diễn văn nói trên cần phải được quán triệt là: “sự ổn định” của khu vực nông thôn, do nông dân chủ đạo, có thể gây ra hậu quả cực kỳ nguy hiểm đến sự sinh tử của đảng.
Ký giả Greg Torode, cũng trong bài báo nói trên, đã đưa ra một số nhận định tương tự: “Động năng đổi mới đã quay về bước đầu của 10 năm trước. Lý do? Một sự lo sợ biến động chính trị ăn lan trong giới lãnh đạo Hà Nội, với quyết tâm đối phó là khẩu hiệu Ổn Định Chính Trị đứng trên tất cả!”. Greg minh chứng bằng cách trích dẫn lời tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tấn Dũng: “Trong tình trạng hiện tại, nếu không giữ được ổn định chính trị, đất nước sẽ đứng trước một hiểm họa”. Tất nhiên, trong mọi phát biểu của dàn lãnh đạo Hà Nội, đất nước với đảng bao giờ cũng chỉ là một!
Phải chăng, chính từ góc độ sinh tử đó, Khải đã long trọng khẳng định trong hội nghị lương thực ASEAN rằng đường hướng đổi mới lần nữa của Việt Nam là: “Phải đi bằng hai chân: 1) công nghiệp-dịch vụ; và 2) nông nghiệp”?
Từ đầu thập niên 90, trong giai đoạn cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, đã có một uỷ viên chính trị bộ Hà Nội từng nhận định rằng Việt Nam không thể bước một chân khập khiễng. Chỉ không may là ông Trần Xuân Bách, tác giả của nhận định đó, đã lập tức bị các “đồng liêu” chủ trương cà thọt thời bấy giờ đạp văng ra khỏi trung ương đảng và tước mất mọi đặc quyền đặc lợi, nên phải về làm việc dịch thuật nghiệp dư một thời gian bên bộ ngoại giao của Nguyễn Cơ Thạch, tác giả của quan điểm không thể nhắm một mắt.
Một góc đổi mới đã đạt thắng lợi bước đầu nữa chăng? Bởi chưng, ngày nay, ghế tể tướng vẫn vững chắc sau lời tuyên bố bước cả hai chân và đề nghị dân chủ hóa hành chánh nông thôn. Hãng thông tấn AFP loan tin ngày 20-11 rằng Tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu cũng biểu đồng tình về chủ trương dân chủ hóa nông thôn. Giữa tháng 11, chính trị bộ Ba Đình vừa tung ra “Nghị Quyết về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn” nhắm vào năm mục tiêu. Đứng đầu là “Bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống”. Đứng cuối là “Thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm ổn định chính trị xã hội và đoàn kết nông thôn”. Cụ thể là trong tháng qua, xã Phụng Hiệp ở Cần Thơ đã trở thành thí điểm bầu cử Trưởng Ấp không do đảng đề bạt, trước khi thực thi trên toàn vựa lúa miền Tây, rồi tiến hành trên toàn quốc.
Mới biết 1998 đã khác. Vì trường phái cà thọt đã yếu? Vì tổng bí thư nhích lại gần hơn với thủ tướng? Hay vì cả đảng đều mở bừng hai mắt để thấy ra 80% dân số là nông dân đã lặng lẽ lìa xa?
Chớp Giật Liền Tay
Khẩu hiệu “Hướng về nông thôn” hiện mang tính chất xung kích của mọi đổi mới.
Tờ Economist, số ra ngày 14-11, bài bình luận “Bắt Tay Cầm Cày”, đã nhắc lại những khẩu hiệu của đảng CSVN thời 1975, đại loại, buộc “quần chúng nhân dân” miền Nam phải “quay về nông thôn”, nghĩa đen là đi “kinh tế mới”, nhằm vét sức dân, dưới lập luận lao động để thành người tốt, sản suất là nhu cầu sống còn v.v….
Bài báo nhận định tiếp là hơn hai thập niên sau, qua mấy trào đổi mới, những khẩu hiệu “quay về nông thôn” đó được rầm rộ lập lại, ngay vào giữa cơn khủng hoảng cao độ về tài chánh và doanh nhân ngoại quốc gia tốc triệt thoái. Cũng ngay vào lúc Hà Nội đang bức xúc về sự thất bại trước mắt của Chiến lược Kinh tế tới năm 2000, trong đó, dự kiến của CSVN là sẽ “huy động” được 20 tỷ mỹ kim từ bên ngoài và 20 tỷ khác từ bên trong Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam vào cuối năm 1998, phần vốn từ bên ngoài vẫn ở tình trạng tháo ngân nhỏ giọt ngày càng teo tóp, còn phần vốn ở bên trong vẫn tròn trịa con số không.
Theo nguyệt san Anh ngữ xuất bản trong nước là Vietnam Economic Times, số tháng 11, thì trong một hội nghị của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hương Cảng mới đây, ngài đại sứ Pete Peterson đã phát biểu: “Việt Nam không thể nào tiếp tục xây dựng một nền kinh tế dựa trên đầu tư ngoại quốc và các món viện trợ phát triển. Phải có cách nào chiếm được mớ tiền tiết kiệm của nhân dân trong nước dưới dạng các sợi dây chuyền đeo trên cổ, hay tiền mặt đang cất dấu dưới giường (nói theo kiểu Mỹ). Những khoản tiết kiệm đó phải được chuyển hóa thành vốn đầu tư”.
80% dân số Việt Nam sống bằng nghề nông. Muốn tróc nã tiền tiết kiệm của nhân dân, tất yếu là phải nhắm vào đại bộ phận đó. Một nửa dân số có mức thu nhập dưới một đô-la một ngày, như Mark McDonald đề cập, cũng nằm trong bộ phận đó. Khoan nói về tính khả thi của chánh sách quay về nông thôn để “phát huy nội lực” gia tăng nguồn vốn. Cũng khoan nhắc câu chọn mặt gửi vàng để đặt câu hỏi vì sao người dân không tin tưởng các ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm.
Trước mắt, người ta đã thấy ngay là hóa ra, chính sách này chỉ nhằm vét vốn ở giai cấp nghèo khổ nhất nước, dưới những chiêu bài mới là “tất cả cho nông thôn, công nghiệp phục vụ nông nghiệp v.v…”. Quốc hội Hà Nội, trong phiên họp khoáng đại thứ nhì của năm nay, cũng cật lực khai triển đường lối đổi mới đó. Báo Nhân Dân đã tự đúc kết về khóa họp này là: “Các đảng biểu đều nhất trí ‘Chớp lấy thời cơ – Đẩy lùi nguy cơ – Thực hiện thắng lợi’ mục tiêu kinh tế xã hội của năm 1999”.
Không ai rõ tập thể quốc hội Hà Nội, một cơ quan ngoại vi giữ chức năng đóng mộc nhân dân cho bộ chính trị CSVN, bên cạnh các cơ quan chằng chịt khác của đảng, đã chớp được gì và sẽ còn chớp được thêm những gì trong những ngày tháng tới. Nếu xét riêng từng cá nhân ở mọi tầng “lãnh đạo”, thì hành động “chớp lấy thời cơ” đã từ lâu trở thành một loại chủ nghĩa thay thế cho mọi thứ chủ nghĩa thường đọc thấy trên báo Nhân Dân, với diễn biến cực kỳ rộng khắp, cụ thể và triệt để, hàng giờ. Nỗ lực “thực hiện thắng lợi” cá nhân có thể được kể từ nhà ngói với xe gắn máy Honda Dream II, ở cấp xã; phố ba tầng cẩn gạch ốp-lát và xe Toyota Land Cruiser, ở cấp quận; cho tới lâu đài nguy nga soi bóng sông Hằng bên Ấn Độ và xe Mercedes, ở cấp… cố vấn. Chỉ riêng những cá nhân thiếu khả năng “đẩy lùi nguy cơ” mới bị biến thành dê tế thần trước những phiên tòa bỏ túi biểu diễn các vở kịch xử án tham nhũng.
Còn số phận của giai cấp bị chớp mất thời cơ? Tiểu ban Tư pháp báo cáo trước phiên họp khoáng đại quốc hội 11-98 rằng: “Tỷ lệ bắt oan của năm 1997 là 30,6% – của năm 1998 là 28.78%, tức trung bình cứ trong ba người bị bắt đã có một người bị oan. Trong khi đó, hàng ngàn cán bộ bị kết án không phải thi hành án” (và tất nhiên là vẫn tiếp tục nhởn nhơ chớp lấy thời cơ bên ngoài ngục thất?). Tiểu ban này còn báo cáo thêm về tình hình nhân dân khiếu kiện nhà nước: “Chỉ nội trong tam cá nguyệt thứ nhì của năm 98, đã có 50.000 đơn khiếu kiện nhà nước ở mọi cấp, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Bộ luật khiếu kiện và tố cáo, được chính trị bộ thu vén cho quốc hội đình hoãn từ kỳ họp mùa Xuân sang kỳ họp mùa Thu, xem ra, không thể kéo dài thêm được nữa. Hình ảnh nhân dân sắp hàng nộp đơn khiếu kiện nhà nước trước cổng tư dinh “tráng lệ” của lãnh đạo đã lên lưới thông tin điện tử đi khắp thế giới. Quốc hội không nhất thiết phải thông qua 9 chương của dự luật này theo đúng chức năng làm luật đòi hỏi, nhưng đã có 380 phiếu (84,4% tổng số) tán thành, nhằm cấp thời giải quyết cái hình ảnh những đoàn người lê la cơm đùm nước bịch đi khiếu kiện làm mất sỉ diện lãnh đạo. Nghĩa là phải đổi mới ngay phương cách hứa hẹn: Rút bớt củi dưới nồi súp-de xã hội. Ngoài ra, chẳng có việc gì là ầm ỉ.
Trong tinh thần đó, quốc hội Hà Nội đã bế mạc phiên họp khoáng đại 11-98 với một số dấu chấm hỏi và chấm than bỏ lửng, do báo Nhân Dân Điện Tử tường thuật: Đâu là trách nhiệm của các ngành trung ương, đâu là trách nhiệm của địa phương? Sửa chữa khuyết điểm, lời nói phải đi đôi với việc làm! Cải cách hành chính phải làm từ trên xuống dưới! (đảng biểu Neáng A Cheng – An Giang). Nói là nông nghiệp giữ vai trò hàng đầu, tại sao vốn ngân sách đầu tư thủy lợi chỉ bằng 1-6 vốn đầu tư xây cất? (Vũ Minh Mão – Thái Bình). Phải sửa đổi thời hạn sử dụng đất (Cao Văn Phụng – Cần Thơ). Phải quy định rõ mức hạn điền (Lê Văn Hữu – Phú Yên). Có những người thắt lưng buộc bụng mua gom từng mảnh đất, nay vượt hạn điền, bắt họ thuê chẳng khác nào: Ăn một củ khoai trả hai lần tiền (Nguyễn Sĩ Lâm – An Giang). Vấn đề công nghiệp chế biến đã được đặt ra từ 30 năm qua, nhưng cho tới nay, chế biến cái gì, dạng nào, quy mô ra sao, công nghệ gì, cung cấp cho thị trường nào… vẫn chưa được bàn bạc cụ thể! (Lư Văn Điền – Cần Thơ). Phải có chế độ công vụ rõ ràng và tiền lương hợp lý! (Phan Thị Tuyết Mai – Vĩnh Long). Nhà nước ta cần khai thác tiềm năng của 2,5 triệu kiều bào sống ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh! (Nguyễn Thị Kim Thoa – Bình Dương) v.v….
Thì ra, Việt kiều hải ngoại cũng nắm một góc thời cơ cần chộp!
Chiến Lược Sống Còn
Thời sự Việt Nam tháng qua cũng bao gồm một số Đại Hội đáng chú ý: Nông Dân – Công Đoàn – Quân Chính. Tất nhiên, trong không khí hồ hởi quay về nông thôn hiện nay, Đại Hội Nông Dân chủ yếu phải “phản ánh” tính cách rình rang bề thế cần thiết. Rất đông các quan chức trong chính trị bộ và bên chính phủ đã tranh thủ chớp lấy thời cơ và được Hội Nông Dân trao tặng huy chương “Vì Giai Cấp Nông Dân Việt Nam”. Ngược lại, Hội Nông Dân cũng đã được các lãnh đạo khuyến khích đổi mới theo đường lối đảng, tự nâng cao vai tuồng, cải thiện hoạt động của Hội và cả Mặt Trận Tổ Quốc bên trên Hội v.v….
Hội nghị Quân chính Toàn quân năm 1998 đã được tổ chức đơn giản hơn, ngay tại Hà Nội, vào hai ngày 8 và 9-11. Trong dịp này, Tổng bí thư đảng CSVN Lê Khả Phiêu đã long trọng nhấn mạnh đòi hỏi một quân đội có “đủ khả năng bảo vệ vững chắc tổ quốc và chế độ trong mọi tình huống”. Điều đáng quan tâm hàng đầu trong lời kêu đòi khác thường đó là hai chữ Chế Độ và Tình Huống.
Trước đó một ngày và trong tinh thần triển khai song hành, thủ tướng đương nhiệm Phan Văn Khải cũng đã ký một nghị định mới về tạm giữ tạm giam, thay thế cho Nghị định 149/HĐBT 5-5-1992 về quy chế tạm giữ, tạm giam. Theo quy chế mới này, “Mỗi (cơ quan) công an cấp huyện, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương được tổ chức một nhà tạm giữ. Bộ công an, Bộ quốc phòng, mỗi (cơ quan) công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quân khu, quân đoàn và cấp tương đương trong quân đội nhân dân được tổ chức một hoặc hai trại tạm giam”.
Vỡ ra, trong hoàn cảnh đứng trước nhiều mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm, như giới cầm quyền tại Việt Nam vẫn thường nhấn mạnh, lãnh đạo CSVN đã sáng tạo phương thức triển khai đường lối đổi mới “hướng còng về nông thôn”, thực sự xứng đáng đón nhận huy chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”. Không chỉ vậy, quy chế tạm giữ tạm giam mới toanh này còn phản ảnh sự gắn bó máu thịt giữa hai giai cấp nông dân và trí thức, bởi hướng về cả những nạn nhân của Nghị định 31/CP về quản chế quản thúc do cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành trước đây,.
Thực sự, công bình mà nói, không phải chỉ nông dân và giới trí thức đang là đối tượng của các cơ quan bảo vệ đảng. Các thế lực thù địch bên ngoài Việt Nam vẫn được thường xuyên đề cập để đề cao cảnh giác. Hãng thông tấn AFP đã trích thuật một bài báo Nhân Dân nêu bật câu hỏi hồi đầu tháng 11-98: “Vì sao Mỹ tăng cường nhanh chóng ngân sách cho cơ quan trung ương tình báo CIA ngay vào lúc chúng vô cùng hãnh diện về sức mạnh quân sự của mình?”. Tất nhiên, chủ biên Hồng Vinh không thể quên một lời khuyến cáo rất chân thành và hết mực trung thành: “Chúng ta phải nhớ để đề cao cảnh giác hệ thống tình báo trung ương Hoa Kỳ và kế hoạch diễn biến hòa bình”.
Cũng trong tháng 11-98, người hùng xâm lược Kampuchia Lê Đức Anh được gắn huy hiệu 60 tuổi đảng. Trong khi đó, Phạm Văn Trà, Bộ trưởng quốc phòng, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, đã tha thiết kêu đòi quân đội phải nắm giữ vai trò then chốt về phát triển kinh tế và xã hội, xuyên qua nỗ lực xây dựng các khu vực kinh tế quốc phòng. Khi được hỏi về những hiện tượng tiêu cực kinh tế do quân đội gây ra ở vùng biên giới, Trà đã khẩn khoản trả lời rằng “hoạt động của quân đội ở vùng biên giới chỉ bao gồm trồng rừng và đánh cá”.Ngược lại, Bộ trưởng công an Lê Minh Hương, cũng trên báo Tuổi Trẻ ngày 3-11, đã tuyên bố rằng những xí nghiệp quốc doanh do công an chủ quản mà không dính dáng gì tới chức năng an ninh hay tiếp vận cho lực lượng an ninh, sẽ được rao bán hoặc giải thể.
Qua số lượng thông tin vừa kể, người đọc không khỏi có cảm giác là bộ phận tuyên truyền của đảng luôn nói tới nhiệm vụ canh giữ, trong khi dàn lãnh đạo gồm những tay bộ trưởng các bộ canh giữ lại nói nhiều về việc… đếm tiền.
Nhân mùa gió chướng quay về nông thôn, Đại hội kỳ VIII Công đoàn lao động Việt Nam đã được tổ chức không kém phần đơn sơ trong hai ngày 5 và 6-11 tại Hà Nội, quy tụ 898 đại biểu công đoàn toàn quốc. Theo Chủ tịch Công đoàn khóa VII Nguyễn Văn Tư, thì đại hội lần này nhằm thảo luận chủ đề: “Xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh”. Khá nhiều người đặt câu hỏi về chủ đề này, đại loại, vì sao đến nay mới phải xây dựng giai cấp công nhân, một giai cấp vốn từng được coi là cái lõi của cuộc cách mạng vô sản?
Mọi người không phải chờ đợi câu trả lời lâu hơn. Tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu đã chớp lấy thời cơ để ban huấn từ trong dịp này, đặc biệt long trọng tự khẳng định: “Trước hết, cần phải nhấn mạnh, giai cấp công nhân Việt Nam có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong của mình là Đảng Cộng Sản Việt Nam….. (Tuy nhiên,) Trước những khó khăn tạm thời của chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới, không ít người với những lý do khác nhau đã dao động, hoài nghi, thậm chí muốn phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản…. Khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng của đại đoàn kết dân tộc, là một vấn đề chiến lược, Là Nguyên Tắc Sống Còn Của Đảng”. Dựa vào vấn đề chiến lược đó, Phiêu kêu gọi:
“Do đó, giai cấp công nhân phải trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tham gia xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, và bổ xung thành viên ưu tú cho Đảng…”.
Lê Khả Phiêu có lầm công nhân với công an không? Không ai rõ. Chỉ hay, mọi bình luận đều trở thành dư thừa sau lời khẳng định về “nguyên tắc sống còn” và lời kêu gọi “bảo vệ chế độ” vừa trích dẫn qua diễn từ của Lê Khả Phiêu trong hai hội nghị vừa kể. Riêng Đại hội Công Đoàn khóa VIII đã kết thúc tốt đẹp. Mọi đại biểu đều bình đẳng đón nhận phong bì và đồng nhất trí thông qua đề bạt của lãnh đạo, cùng tuần tự bầu công nhân nhiệt thành ngành dệt Cù Thị Hậu vào chức vụ tân Chủ tịch Công đoàn khóa VIII.
Leo Lên Cành Cộc, Quay Vào Quay Ra
Quay về nông thôn là một định hướng chiến lược. Điều đó đã hẳn. Song chưa đủ. Định hướng này cần được bổ túc thêm bằng chiến lược quay ra tài phiệt.
Theo hãng thông tấn Reuters, thì trong tam cá nguyệt thứ ba của năm nay, tỷ lệ doanh nhân ngoại quốc vào làm ăn ở Việt Nam đã vượt mức báo động: trung bình cứ 1 công ty vào Việt Nam thì có 12 công ty rút ra. Riêng trong tháng qua, là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, Việt Nam không ký một giấy phép đầu tư nào. Trên bảng xếp hạng 1000 công ty có số thương vụ lớn nhất Á châu, do tuần san Asiaweek đúc kết trong tháng 11-98, không ai tìm ra một công ty nào của Việt Nam, kể cả diện công ty dầu khí. Ngược lại, trong danh sách đó có khá nhiều công ty đã từng ghé Việt Nam thử thời vận chớp nhoáng ở nhiều lãnh vực kinh tế, và hiện đang chuyển sang khai thác thị trường nhân dụng và tài nguyên ở các nước khác.
Đó là lý do mà số tài phiệt còn lại ở Việt Nam hiện đang được dàn lãnh đạo Việt Nam ở cấp trung ương và cấp tỉnh nhiệt liệt chiêu đãi cầm khách. Đó cũng là lý do để các quan chức có quyền cùng thi đua thiết lập phương án công du ra ngoại quốc mồi chài tư bản mới, không khác thời đầu thập niên 90. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là chuyện nhỏ. Tầm vóc “vĩ mô” cần được đề cập chính là đường hướng Quy Đầu Về Bắc.
Chỉ nội trong tháng 10-98 đã có ba phái đoàn Việt Nam sang Tàu, với thành phần nhân sự chủ chốt là Trương Mỹ Hoa, Phan Văn Khải, Nguyễn Công Tạn, Đặng Vũ Chư và tướng Đoàn Chương. Chỉ hai tuần sau chuyến công du Bắc Kinh, Phan Văn Khải đã chính thức khẳng định thực thi chính sách cải cách hành chánh và phát triển nông thôn theo mô thức Trung Quốc. Ngay tiếp theo đó, Đặng Hữu Hải đã qua Bắc Kinh ngày 5-11, với tư cách ủy viên TƯĐ – Phó ban Hành chánh Tài chánh Trung ương.
Tới cuối tháng 11, Nguyễn Thị Xuân Mỹ cũng đi Bắc Kinh, với tư cách ủy viên Chính trị bộ kiêm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, chính thức kính báo với Phó chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào rằng Việt Nam sẽ rập khuôn đổi mới, mở cửa, phát triển kinh tế và diệt trừ tham nhũng… theo Tàu! Riêng trong lãnh vực chót vừa kể, nhiều người vẫn chưa quên hai sự kiện:
Một là, đã có dạo gần đây một số ủy viên chính trị bộ CSTQ đã bị phanh phui là chuyển ra nước ngoài một khối ngoại tệ tổng cộng lên tới 18 tỷ mỹ kim (tức ngang hàng với GDP của VN thời đó), nhưng rồi vụ việc đã chìm lắng an toàn;
Hai là, sau khi điều tra về các bản cáo trạng Phạm Thế Duyệt, Đinh Hạnh, Ngô Xuân Lộc v.v…. viên Tổng thanh tra Nhà nước CSVN Tạ Hữu Thanh vừa mới miệng quan trôn trẻ tuyên bố tình trạng tham nhũng tại Việt Nam chưa ăn sâu leo cao lên tới cấp lãnh đạo!
Một phó sản “phấn khởi” từ chuyến đi Tàu của Phan Văn Khải là sự chuyển hướng nhanh chóng của Hun Sen, trong nỗ lực “hòa giải hòa hợp” với hoàng thân Norodom Ranariddh để ổn định các cụm ghế quyền lực tại Nam Vang. Vài ngày trước buổi họp hòa giải đó, và ngay trong hội nghị APEC vừa qua, phía Việt Nam đã bắn tiếng về vấn đề kết nạp Cam Bốt vào khối ASEAN cho chẵn 10 nước. Riêng trong hội nghị thượng đỉnh APEC tại Mã Lai, Phan Văn Khải lại có dịp tiếp xúc lần nữa với Giang Trạch Dân và phái đoàn đại biểu Hoa Lục.
Tuy nhiên, thành quả đáng kể nhất trong kỳ họp này là phía Việt Nam đã khẩn cầu và được sự chấp thuận từ phái đoàn cộng hòa Nga, về việc cho tiếp tục khất nợ 17 tỷ mỹ kim. Nhìn chung thì định hướng quay ra này vẫn không có gì mới, vẫn chỉ bao gồm hai công tác bức xúc chủ yếu là xin tiền và khất nợ, nhưng lại là các công tác vĩ mô ở tầm chiến lược.
Trong khi đó, trên báo Giáo Dục Thời Đại tháng 11-98, cán bộ Trần Thân Mộc đã khơi nguồn chuẩn bị dư luận cho một chiến dịch “Khôi phục việc dạy chữ Hán ở bậc phổ thông”. Tác giả đã nêu một trong những cần thiết của việc dạy chữ Hán là để “hiểu thấu từng tứ thơ” trong tập Nhật Ký Trong Tù của “bác”, để đi tới kết luận “Tình trạng Hán tự bị bỏ bê cho đến bây giờ vẫn chưa khôi phục là đã muộn, do đó, cần khẩn trương đưa ra biện pháp khắc phục”.
Có lẽ tác giả Trần Thân Mộc nói đúng. Đã quá trễ. Nông dân Việt Nam, vì không được giảng dạy từ năm 1979 tới nay, nên vẫn tưởng lầm rằng chữ Đổ trong Hán tự bao gồm cả bộ Đạp bên cạnh bộ Giò.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comentarios