1999.01 – Hạch Toán Tóm Gọn Cuối Năm
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 19 min read

Nếu tính chung các bước đầu thắng lợi, thành tích của Việt Nam trong năm 1998 phải được khách quan đánh giá trên nhiều lãnh vực là khá cao. Lấy một thí dụ điển hình, chẳng hạn, theo tờ South China Morning Post ngày 31-10-98, Việt Nam đoạt chức vô địch thế giới về tỷ lệ phá thai. Thêm một thí dụ khác, Việt Nam qua mặt cả Trung Quốc vĩ đại, kiêm luôn chức vô địch toàn cầu về tỷ lệ sử dụng dĩa CD nhu liệu vi tính bất kể tác quyền đạt mức 99%. Và còn nhiều nữa…
Vài Con Số
Trên tờ báo Anh ngữ trong nước The Saigon Times Daily, số ra ngày 23-12, một thống kê cuối năm ở 31 tỉnh thành lớn trên toàn quốc cho biết là số công nhân viên chức còn tới sở làm đang ở dưới mức 70%, cả hành chánh lẫn sản xuất. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc vùng châu thổ sông Hồng, kế đó là các tỉnh Bắc Trung bộ. Tỷ lệ thấp nhất thuộc các tỉnh Tây Nam bộ. Giám đốc Sở Tìm Việc trung ương Trần Hữu Trung khuyến cáo rằng chỉ số thất nghiệp còn tăng cao hơn vào năm tới.
Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng bộ Thương binh-Xã hội, trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Hà Nội ngày 27-12, cho biết là 75% giới nghèo thuộc giai cấp nông-ngư dân Việt Nam có mức lợi tức bình quân là hai triệu đồng/năm, tương đương với 143 USD. Ở nhiều vùng sâu vùng xa, mức lợi tức trung bình đó chỉ đạt 72 USD một năm. Toàn thể thành phần này đều thiếu nước sạch sử dụng hàng ngày.
Một thống kê khác của Ủy Ban Bài Trừ Bệnh AIDS Trung Ương hồi giữa năm báo động rằng 60-61 tỉnh thành trực thuộc trung ương đã phát hiện từ năm 1990 đến nay hàng ngàn bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HIV, phần đông là dưới 30 tuổi. Tỉnh độc nhất chưa phát hiện hồi giữa năm là Hà Giang, cực Bắc của Việt Nam. Đến cuối năm, nguồn thống kê nói trên cập nhật là Hà Giang đã tìm ra ít nhất có hai bệnh nhân nhiễm HIV. Ủy ban này còn cho biết thêm là từ 80-90% những người nhiễm HIV ở vùng Quảng Ninh-Hải Phòng là thuộc giới thiếu niên.
Cũng theo tin do Thông tấn xã Hà Nội loan ngày 27-12, Việt Nam đã khai thác 12,6 triệu tấn dầu thô trong năm 1998, vượt chỉ tiêu dự kiến là 300.000 tấn, vượt con số cùng kỳ năm ngoái là 2,6 triệu tấn, đạt mức xuất khẩu 1,2 tỷ USD, tức chiếm 13% tổng lượng hàng xuất khẩu cả nước bị tuột dốc trong năm nay. Dự kiến cho 1999, đảng CSVN đề ra chỉ tiêu khai thác 14,5 triệu tấn dầu thô và 1,4 tỷ thước khối khí đốt.
Theo hãng thông tấn Xinhua, Việt Nam đã đạt mức thu hoạch 31,8 triệu tấn lương thực quy thóc trong năm nay, tức vượt chỉ tiêu đề ra là 800.000 tấn. Dù thiên tai bão lụt khiến nhà cầm quyền nhiều nơi trong nước đang kêu gọi thế giới cứu trợ, Việt Nam cũng đã xuất khẩu tổng cộng 3,8 triệu tấn gạo trong năm, và dự kiến sẽ xuất khẩu 3,9 triệu tấn gạo trong năm tới.
Nguyên liệu thô và nông phẩm là hai mặt hàng xuất khẩu chính yếu trong năm. Theo hãng thông tấn AFP, chỉ số lạm phát cuối năm của Việt Nam được thông báo là 9.2%, đồng tiền Việt đã bị phá giá 17% kể từ cuối năm 1997, với 20% tổng số nợ của Việt Nam đã vượt quá hạn. Hai ngân hàng bị đóng cửa vẫn tiếp tục chuyển ngân. Ngoại tệ dự trữ chỉ đủ để nhập cảng không quá ba tuần. Nhiều đơn vị quân đội và giáo chức không được trả lương đúng kỳ.
Chỉ tiêu phát triển cả nước cho niên khóa 1998 đã được bộ chính trị CSVN ấn định là 9%, từ cuối năm ngoái, tức là ngay giữa cao điểm cuộc khủng hoảng tài chánh ở Thái Lan và Nam Hàn. Trong phiên họp quốc hội Ba Đình kỳ mùa Xuân vừa qua, các đảng biểu đã nhất trí điều chỉnh chỉ tiêu này xuống 8.8 %. Sau phiên họp bất thường cuối năm của trung ương đảng, đóng mộc bởi phiên họp quốc hội kỳ mùa Thu kéo dài suốt tháng 11-98, chỉ số phát triển của Việt Nam trong năm 98 được “dự kiến” lại chỉ còn 6%, và được các báo trong nước tung hô như một thắng lợi to lớn. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới đánh giá là chỉ số phát triển của Việt Nam trong năm 98 chựng lại ở mức 3.5%, và sẽ còn xuống thấp hơn trong năm tới.
Số lượng văn phòng cả nước xây thêm trong năm 1998 tăng hơn 50%. Giá cho thuê văn phòng tuột xuống trung bình là 60%. Số văn phòng cho doanh nhân ngoại quốc thuê, dù đã được hạ giá, hiện bị bỏ trống mất 76%, và được dự kiến là sẽ không ai thuê trong 2 năm tới. Theo The Saigon Times Daily, tỷ lệ bình quân số phòng ngủ được thuê ở các khách sạn là 24%. Khách sạn Hanoi Sheraton nổi tiếng vĩ đại trên Hồ Tây, xây cất bằng vốn liên doanh 70 triệu USD giữa Mã Lai-Việt Nam, một năm sau khi công trình xây dựng hoàn tất, vẫn chưa thể tưng bừng khai trương, và hiện đang đứng trước quyết định vĩnh viễn đóng cửa. Cao ốc Hong Kong Land đối diện với Nhà hát Hà Nội, mở cửa hồi tháng 3-98, được coi là cao ốc văn phòng đứng đầu cả nước, tới nay cho thuê chỉ mới được phân nửa diện tích.
Bảng thăm dò của công ty The Political & Economic Risk Consultancy về tình trạng rủi ro đầu tư ở các nước Á Châu, công bố vào ngày 11-12, đã sắp hạng đứng đầu là Việt Nam, với mức độ căng thẳng lên đến 8.0 trên một thang bậc 10 điểm. Tại hội nghị APEC tổ chức ở Mã Lai vừa qua, Việt Nam đã được phái đoàn Cộng hòa Nga hứa cho khất lại lần nữa số nợ 17 tỷ USD đã quá hạn hàng chục năm nay. Trong buổi họp Các Nhà Tài Trợ tại Paris hồi đầu tháng 12-98, bản phúc trình về hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi rõ chi tiết số nợ quá hạn 7.3 tỷ USD của các xí nghiệp quốc doanh khó có khả năng hoàn trả. Số nợ này tương đương với 1-3 tổng sản lượng nội địa của Việt Nam. Cũng trong bản phúc trình này, 60% các xí nghiệp quốc doanh Việt Nam đã bị thua lỗ trong năm qua.
Theo ký giả David Lamb của nhật báo Los Angeles Times, kể từ lúc Hoa Kỳ tháo gỡ lệnh cấm vận hồi cuối năm 1994 tới nay, chưa có một công ty Mỹ nào đầu tư có lời tại Việt Nam. Câu lạc bộ Hanoi Club dành cho giới doanh nhân ngoại quốc, mở cửa hồi năm ngoái, dự trù là sẽ thu nhận 1500 hội viên vào năm 2000, hiện đang vất vả để đạt con số 370. Cục Di Trú Hà Nội được chỉ thị giữ kín con số doanh nhân ngoại quốc rời khỏi Việt Nam, tuy nhiên, theo các nguồn thông thạo từ giới chuyển vận thì số người ra đi cao gấp bội số người bước vào. Tổng số người nước ngoài tại Việt Nam, theo báo South China Morning Post ước tính, là vào khoảng từ tối thiểu 3000 tới tối đa 6000 người, tùy mùa. Trong vòng 10 tháng đầu 1998, tỷ số dự án đầu tư bị hủy bỏ là 59%. Chỉ nội trong vòng 10 ngày của trung tuần tháng 12-98, đã có tổng cộng 5 dự án bị hủy bỏ. Trong số đó có một dự án lên tới 1.7 tỷ USD, bao gồm 997 triệu USD khai thác địa ốc ở Sài Gòn và 637 triệu USD cho việc xây cất một cảng bốc giở ở Vũng Tàu.
Lý do có nhiều, nhưng chắc chắn không phải vì vấn đề thiếu vốn. Sau một thời gian hùn hạp, ba công ty liên doanh có phía ngoại quốc tiến chiếm nguyên 100% vốn trong năm 1998 là P&G, Coca Cola và Caltex, vẫn không thấy báo cáo có lời. Theo giới đầu tư, vấn đề đứng đầu chính là lòng tham của lãnh đạo. Chính thức là tiền thuế: Để trả 4000 USD tiền lương cho một nhân viên của hãng, doanh nhân ngoại quốc phải trả tổng cộng 20.000 USD, tính luôn thuế. Còn bán chính thức? Làm sao tránh được các thứ “cổ chai” tham nhũng, khi mà mức lương căn bản của thủ tướng nước này chỉ có 96 USD một tháng?
Tuần báo Asiaweek, số cuối năm 98, trích duyệt những danh ngôn từng đăng trong năm, đã ghi lại một câu trả lời phỏng vấn của tướng Trần Độ: “Tất cả cái mà chúng tôi có hiện tại là một tình trạng rối loạn chỉ giúp ích cho một thiểu số trục lợi”. Nhận xét của nhà đối lập với giới cầm quyền Nam Vang, ông Sam Rainsy, về đất nước của ông là: “Một nhà nước Ma-phia trong một triều đình cà chớn”, xem ra không mấy khác Việt Nam.
Theo David Lamb, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Tân Gia Ba cũng có một nhận xét cố vấn để đời với lãnh đạo đảng CSVN: “Quý vị đối xử với doanh nhân Hoa Kỳ không khác nào thời chiến. Quý vị mời họ vào để phục kích họ sau đó”. Thế nên, không một ai ngạc nhiên vì sao trong năm 1998, lần đầu tiên trong suốt một thập niên “đổi mới”, tổng số ngân khoản đầu tư vào Việt Nam thấp hơn cả số tiền thế giới viện trợ cho xứ sở có quá nhiều lãnh đạo vừa thiếu thông minh lại vừa thiếu lương thiện này.
Năm 1998, cũng là lần đầu tiên, giới khoa học trong nước đã phát hiện và chụp hình được giống thú lạ Sao La. Ngược lại, nhiều báo cáo đã báo động đỏ về nguy cơ tuyệt chủng doanh nhân đầu tư ngoại quốc.
Dăm Văn Bản
Khó ai có thể liệt kê ra hết những con số đáng xem của Việt Nam trong năm 98 hay những văn bản đáng đọc trong nước. Lỡ có kể đủ đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ được cắt gọn trước khi lên báo. Cho nên, hãy tạm vắn tắt kể tên các văn kiện đó theo bốn thể loại:
Trước tiên là thể loại “chỉ tang mạ hòe” sôi động, gồm những bài viết liên quan tới lập trường bênh/chống tướng Võ Nguyên Giáp. Khởi đi từ hồi ký của Trần Quỳnh hay những bài thuyết trình của Đặng Đình Loan (bênh Lê Duẩn, chống “anh Văn”), nhiều bài phản luận của các cựu chiến binh đã sôi nổi trả lời, gây thành một phong trào “Văn thân” mới. Mục tiêu của phong trào này là mượn cớ bênh người hùng Điện Biên để phanh phui những sự kiện cung đình bỉ ổi của CSVN qua các triều đại Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, kéo dài tới Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười, đặc biệt nhắm vào dàn lãnh đạo cuộc chiến xâm lăng Kampuchia gồm Lê Đức Anh và Lê Khả Phiêu. Thành quả của chiến dịch này là kéo đổ sập hết mọi thứ tượng đài của chế độ trong lòng quần chúng.
Thứ nhì là thể loại “Nguyễn Trường Tộ thời đại”, gồm những bài phân tích thâm trầm sâu sắc nhờ dám nhìn thẳng vào sự thật: “Cảm nghĩ đầu Xuân Mậu Dần” của nhà văn Hoàng Tiến; Bài nghị luận “Đảng CSVN nên tiếp tục sự nghiệp đổi mới như thế nào?” của ông Hoàng Hữu Nhân; Hai bài nghị luận “Tôi tán thành với tướng Trần Độ” của nhà văn Hoàng Tiến; “Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn” của thi sĩ Bùi Minh Quốc; “Thư kháng cáo” của nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang; “Thư ngỏ gửi các báo ND, QĐND, SGGP, TCCS và các báo khác” của cựu tướng Trần Độ; “Thư gửi ban biên tập tạp chí Thông Tin và Công Tác Tư Tưởng” của Một người lính già; “Vụng về hay Hỗn xược” của ông Trần Dũng Tiến; “Luật pháp bảo vệ tự do của người dân” của ông Nguyễn Thanh Giang; Hai bài bút ký “Một cái nhìn trở lại” của ông Trần Độ; Bài nghị luận “Văn hóa và Phát triển” của ông Lữ Phương; “Người cầm đuốc trong đêm” của nhà báo Minh Tâm; “Thử bàn về giai cấp công nhân Việt Nam” của ông Nguyễn Thanh Giang; “Thư yêu cầu hủy bỏ nghị định 31/CP” của cựu đại tá Phạm Vũ Sơn; “Thư yêu cầu hủy bỏ bản án Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang và Hà Sĩ Phu” của cán bộ lão thành Lê Giản; “Thư bỏ ngỏ gửi lãnh đạo CSVN” của ông Trần Dũng Tiến; Tiểu luận “Tám ngọn gió thổi không bay” của cán bộ lão thành Ngô Thức; “Suy ngẫm với 50 năm Tuyên Ngôn Nhân Quyền” của ông Nguyễn Thanh Giang…. Nhìn chung, đặc tính nổi bật của trường phái này là đã vượt qua giai đoạn dựa vào lý cớ kiến nghị vì mục tiêu xây dựng đảng.
Thứ Ba là thể loại “cáo trạng cửa quyền tham nhũng”, gồm: “Huyết tâm thư” của 11 cựu đảng viên, do ông Đoàn Nhân Đạo ký tên hàng đầu; “Thư gửi Quốc hội và Tổng bí thư CSVN” của ông Vũ Minh Ngọc; “Luận bàn quốc sự” của tác giả Thanh Hư Nguyễn Hoài Nam; “Quốc nạn tham nhũng đến hồi thậm nguy” của ông Trần Dũng Tiến; “Không ở đâu xa…” của kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng; “Đơn kiện một số công chức trung, cao cấp về vụ Thủy Cung Thăng Long” của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương; “Thư khuyến cáo về vụ Thủy Cung Thăng Long” của kiến trúc sư Trần Thanh Vân; “Cứu Hồ Tây! Cứu Hà Nội! Cứu Việt Nam!” của nhà thơ Trần Bá; “Thư gửi Thủ tướng Phan Văn Khải về vụ Thủy Cung Thăng Long” của ông Phùng Văn Mỹ; Phóng sự “Những Xuân tóc đỏ thời nay” của nhóm báo chui Nối Kết; “Thư gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 10” của các ông Hoàng Thủy Việt, Lê Mạnh Nam, Đoàn Dân Thức, Trần Trí Tính…. Đặc tính của thể loại cáo trạng này là nêu đích danh và trưng chứng cớ. Đối tượng tố cáo bao gồm các quan chức cấp bộ bên nhà nước và cấp ủy viên trung ương bên đảng, quan trọng nhất là Phạm Thế Duyệt và Đỗ Mười.
Thứ tư là thể loại “dân chủ trước đỉnh đầu ruồi” của đảng và nhà cầm quyền CSVN, tạm kể: “Chỉ thị 25 CT/TW” cấm viết hồi ký có liên quan tới lãnh đạo và cựu hay cố lãnh đạo; Thông báo của Phạm Thế Duyệt về “Nội dung gặp gỡ với các ông Trần Độ và Hoàng Hữu Nhân” phổ biến tới cơ sở đảng để học tập chống phản động; “Chỉ thị về công tác tôn giáo trong tình hình mới” nhằm ép khuôn sinh hoạt tối-đạo-đẹp-đảng; “Bản báo cáo về quân đội nhân dân và ngân sách quốc phòng” nhằm làm đẹp lòng ASEAN, Ngân hàng Phát triển Á Châu cùng các nhà tài trợ các câu lạc bộ tài chánh Paris và London; “Bản đúc kết về cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình” do 10 Tiến sĩ và Phó tiến sĩ thuộc Viện Nghiên Cứu Xã Hội thực hiện, trình lên Bộ chính trị chứng cớ hai mối đứt lìa từ đảng xuống đảng viên và từ đảng viên ra quần chúng; Bản “Kết Luận Hội Nghị Lần Thứ 5 BCH/TƯĐ Khóa 8”, mang bí số 01KL/TW, do Lê Khả Phiêu ký, với 5 điểm kết luận lên án hai ông Trần Độ và Hoàng Minh Chính; Bản “Hướng Dẫn Thực Tiễn của Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương”, bí số 633-HD/TTVH, do Hà Học Hợi ký gửi xuống mọi cơ sở học tập về cách thực thi đối sách triển khai từ bản Kết Luận của Lê Khả Phiêu nói trên; Nghị quyết “Quay Về Bản Sắc Dân Tộc” của hội nghị kỳ 5 khóa 8 và Nghị quyết “Quay Về Nông Thôn” của hội nghị bất thường kỳ 6 khóa 8, cả hai nghị quyết này đều là những đối sách rút tỉa từ bản đúc kết của Viện Nghiên Cứu Xã Hội về vụ nông dân nổi dậy ở Thái Bình-Nam Định; Hai văn bản “Đặc Xá” tù nhân chính trị và lương tâm, do Trần Đức Lương ký, nhằm giải tỏa nhiều hướng áp lực; “Nghị Định Về Tạm Giữ Tạm Giam”, do Phan Văn Khải ký, thay thế cho nghị định 149/HĐBT, nhằm tăng cường cho nghị định 31/CP của Võ Văn Kiệt hồi năm ngoái về việc quản thúc quản chế.
Sau cùng của thể loại này là hai sản phẩm của Quốc hội Ba Đình, gồm bộ luật Giáo Dục, được viết và thông qua bởi một nhúm người ít được cẩn thận giáo dục nhất nước, và bộ luật Khiếu Kiện, nhằm giải tỏa những đoàn lê dân sắp hàng khiếu kiện trước công thự lẫn tư dinh của dàn lãnh đạo Hà Nội.
Trong phạm trù này, Phó thủ tướng Tân Gia Ba Lee Hsien Loong đã nhận xét trên tuần san Asiaweek ngày 19-11 rằng: “Ở Hương Cảng, cái gì luật không cấm thì đương nhiên dân được phép làm. Ngược lại, ở Tân Gia Ba, cái gì luật không cho phép làm thì tất yếu là bị cấm”. Còn ở Việt Nam? Rất khó so sánh vì Việt Nam không có luật. Mà hễ có thì mọi thứ đảng cấm đều chỉ áp dụng vào dân.
Tổng duyệt các loại văn bản dẫn trên, người ta dễ có cảm quan rằng: Về số lượng, thể loại đối kháng đã gia tăng khá nhiều so với các năm trước. Về chất lượng, các văn bản đối kháng đã tập trung sức tấn công vào một số mục tiêu và đối tượng nhất định, có hậu thuẫn và có nỗ lực nhồi sóng. Ngược lại, thể loại giữ quyền trục lợi bị rơi vào thế thụ động, chìu ý quốc tế và nhượng bộ nông dân nhưng cố giữ sức đàn áp bằng nghị định và sắc lệnh bên trong nước.
Trong nội bộ CSVN, nội dung các nghị quyết cho thấy 1998 cũng là năm đánh dấu một khúc ngoặt quan trọng về sự thay đổi các hướng xung khắc ở thượng tầng đảng. Quyền lực cố vấn của giới lãnh đạo già nua đã bị tước mỏng dần so với các triều đại trước. Dàn lãnh đạo đương thời bị đặt trước quá nhiều áp suất chưa bao giờ thấy trước đây, cả kinh tế lẫn chính trị, cả bên trong lẫn bên ngoài.
Ngay chính ủy viên chính trị bộ Nguyễn Phú Trọng, trong lời phát biểu trước khi bế mạc hội nghị về “Trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ công dân của nhà báo” tại Hà Nội ngày 11-12 vừa qua, đã long trọng nhấn mạnh một khẳng định của chính trị bộ, rằng:
“Các thế lực thù địch đang lợi dụng ưu thế về kinh tế, tài chính, các phương tiện thông tin hiện đại, các quan hệ ngoại giao…. công khai hoặc ngấm ngầm thực hiện bốn mũi tiến công: Phá rã niềm tin, chi phối đầu tư, ngoại giao thân thiện và chia rẽ nội bộ”.
Ngược lại, Hà Nội lại không có nhiều chọn lựa đối sách, không cách nào khác hơn là phải tìm cách cải tổ, ngay cả trong những buổi họp trước lễ Giáng Sinh cuối năm, không phải là làm sao cho có lợi nhất cho đất nước, mà là làm sao gây ít tổn thất nhất cho đảng. Những cải tổ tất yếu này, về cả nhân sự lẫn chính sách, có thể trở thành những mục tiêu và hay đối tượng khai thác mới của phía đấu tranh cho dân chủ trong năm tới.
Về lãnh vực này, Robert Templer, tác giả quyển Bóng & Gió, cho rằng:
“Một trong các vấn đề là đảng CSVN đã kiệt quệ khả năng sáng tạo và lấy quyết định đúng đắn”.
Còn Carl Thayer, một học giả Úc từng bỏ nhiều công sức khảo sát tình hình Việt Nam, đã nhận xét là trong giai đoạn này, chữ ổn định chính trị được nhồi nhét vào mọi lời tuyên bố của giới lãnh đạo Hà Nội để được coi là phát biểu quan điểm đúng hướng. Theo ông, nguyên nhân của thái độ đó còn bởi “trong lúc trao đổi riêng tư, họ (lãnh đạo CSVN) thật sự lo sợ vấn đề vật giá leo thang và tình trạng bạo loạn đã xảy ra ở Nam Dương”.
Đông Dương Trong Đông Nam Á?
Đứng trên tất cả mọi thời sự, Hội nghị Cấp cao ASEAN kỳ 6 đã được dàn lãnh đạo Hà Nội kỳ vọng là biến cố lớn nhất trong năm, dựa trên yếu tố lần đầu tiên có nhiều nguyên thủ quốc gia cùng đến Hà Nội một lượt.
Điểm danh sơ khởi, người ta dễ nhận ra ngay rằng đây cũng là lần đầu tiên, kể từ năm hình thành 1967 tới nay, hội nghị thượng đỉnh của khối ASEAN nhóm họp với sự vắng mặt của cựu Tổng thống Nam Dương Suharto. Người kế nhiệm là ông B.J. Habibie đi phó hội thì lại đèo theo tướng Tư lệnh Quân đội Wiranto, để cầm chắc là sẽ không xảy ra bất kỳ một cuộc đảo chánh nào ở Jakarta vào giữa tháng 12. Qua đó, giới quan sát cũng nhận thấy: ngôi vị lão làng trong khối này được trao về tay bác sĩ Mahathir Mohamad, Thủ tướng Mã Lai; Người giàu nhất khối vẫn là Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah của xứ dầu lửa Brunei; Được bầu cử dân chủ nhất khối là Tổng thống Phi Luật Tân Joseph Estrada; Ba thành viên mới nhất của khối đều thuộc trường phái độc đảng (độc tài cộng sản hay thiên cộng) là Miến Điện, Lào và Việt Nam; Người có hy vọng trở thành lãnh tụ trẻ nhất trong khối là Hun Sen, một đệ tử của Hà Nội đang cầm quyền tại Nam Vang. Đó cũng là một thứ hy vọng “phát huy nội lực” Đông Dương trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, lằn ranh hiện thời trong khối không thuộc yếu tố địa dư. Về phương diện mục tiêu của khối, sự đổi hướng của ASEAN khi thu nhận ba tân thành viên độc tài vừa kể, theo Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surin Pitsuwan, thì
“Tính đa dạng đó ban đầu được nhấn mạnh như là một trọng điểm, nhưng càng ngày càng trở thành một gánh nặng”.
Về mặt kinh tế, đó là lằn ranh phân cách giàu nghèo, đơn cử mức lợi tức bình quân của người dân Tân Gia Ba là 31.900 USD một năm, so với Việt Nam là 300 USD một năm.
Về mặt chính trị, đó sự phân cách ý thức hệ và thể chế. Tổng thống Phi Luật Tân Estrada đã có một phát biểu mích lòng rằng ở một góc nhìn nào đó
“ASEAN được coi là một hiệp hội quy tụ một số quốc gia độc đảng và số còn lại trong đó thì chủ trương dân chủ giới hạn”.
Về mặt đối sách, vấn đề phân hóa đọng lại ở sự khác biệt ở hướng nhìn về tương lai và cách giải quyết hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chánh trong vùng vừa qua: Hà Nội tán thành ý kiến của Jakarta và Kuala Lumpur rằng toàn cầu hóa là một xu thế tạo ra nhiều “nguy cơ”. Trong khi Thái Lan, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Brunei thì cho rằng đó là “thời cơ” cần phải khai thác.
Nhiều nhà phê bình cho rằng cái biến cố lớn nhất trong năm của Hà Nội chỉ nhằm đánh dấu sự phân hóa sâu sắc đó. Nhưng dẫu sao, đứng trước thế giới, các lãnh tụ của khối cũng đã “nối vòng tay biểu kiến” để tỏ lộ ý chí quả quyết sát cánh khắc phục khủng hoảng. Kết quả là sự ra đời một văn kiện mang tên Chương Trình Hành Động (ký ở) Hà Nội, trong đó, riêng Miến Điện, Lào và Việt Nam được gia hạn mức quả quyết thêm một thời gian trong tiến trình thực hiện chủ trương mậu dịch tự do trong khối. Riêng Việt Nam, theo RFA đúc kết đánh giá của giới kinh tế gia, hiện đang tụt hậu 12 tháng so với các nước bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh trong vùng.
Trên báo San Jose Mercury News ngày 16-12, ngày bế mạc của Hội nghị Cấp cao ASEAN kỳ 6, ký giả Mark McDonald đã đúc kết những đánh giá của giới quan sát quốc tế: “Chương Trình Hành Động Hà Nội chất chứa quá nhiều điều tầm phào và chấp vá, không khác nào sắp xếp lại các ghế ngồi trên boong của chiếc tàu Titanic đang chìm”. Theo ký giả Craig Skehan của nhật báo Sydney Morning Herald thì: “Cái bề thế duy nhất của hội nghị này là những dòng chữ tựa in đậm trên báo địa phương”.
Chính xác hơn, bà Maria Sorocco Bautista, một học giả kinh tế của Đại học Phi Luật Tân, đã nhận xét: “Thực sự, chương trình hành động này là một thất vọng lớn. Không có điều gì sáng tạo. Không có điều gì mới mẽ”. Ngay chính Thủ tướng Mã Lai Mahathir Mohamad cũng cho rằng Hội nghị đã tạo ra “cái ấn tượng về một khối ASEAN trong tình trạng rối loạn, mỗi thành viên xung khắc với các thành viên khác”.
Điều đó không quan trọng mấy đối với CSVN, bởi về nội dung, chưa ai dám chắc dàn lãnh đạo Hà Nội đã sẵn sàng những gì cho hội nghị ASEAN-6 và tiếp thu được những gì từ hội nghị đó.
Thành quả của Hà Nội trong dịp này là lời hứa tương trợ 5 tỷ USD nhẹ lãi của Thủ tướng Nhật Keizi Obuchi cho toàn khối ASEAN vượt qua cơn khó. Được biết Thái Lan sẽ là quốc gia thụ hưởng phần lớn ngân khoản này, dưới tên gọi Chương Trình Miyazawa. Tuy nhiên, theo Mark McDonald thì Hà Nội cũng đang vận dụng sở trường để tranh thủ việc đăng ký chia phần.
Ngược lại, hai thất bại lớn nhất của Hà Nội trong dịp này gồm:
Thất bại thứ nhất, kỹ thuật tổ chức được đánh giá là thiều bề dầy quốc tế, cả trong hội nghị chính thức lẫn những cuộc vui bên lề. Theo ký giả Alejandro Reyes của tuần san Asiaweek ghi nhận, đại nhạc hội Những Giọng Ca Vàng ASEAN là nơi triển lãm những trục trặc kỹ thuật bất tận, làm phiền lòng các phái đoàn không ít, đặc biệt là Nam Dương. Ca sĩ duy nhất được ái mộ nồng nhiệt trong đại nhạc hội này là Catherine “Cooky” Chua, thuộc phái đoàn Phi Luật Tân, nhờ vào một bài hát được coi như bản quốc ca của cơn khủng hoảng ASEAN, với câu hát dạo đầu là:
“Dưới lộn lên, trên lộn xuống, khi mà bạn cảm thấy đời mình như một chiếc tách trống không…”.
Còn nơi triển lãm 39 bức tranh của toàn thể họa sĩ trong vùng được khối ASEAN trao giải thì không một ai tìm ra, vì báo chí và truyền đơn in sai địa chỉ, mà mặt tiền của phòng triển lãm thì chỉ treo độc nhất một tấm biểu ngữ viết tiếng Việt. Riêng Vũ Trọng Kiếm, giám đốc khách sạn ASEAN International, thì lại than rằng không có bất kỳ một người nào trong số 1000 nhân viên của 12 phái đoàn tham dự và 500 phóng viên ngoại quốc đặt thuê phòng ở đây. Sau cùng là thuyết trình viên chủ nhà Phan Văn Khải chỉ (có thể hay dám) đọc tiếng Việt.
Thất bại thứ nhì, còn lớn hơn gấp bội, là nỗ lực vận động để ASEAN chính thức thu nhận Cam Bốt làm thành viên thứ 10, mà Hà Nội tự ý coi là mục tiêu chính của hội nghị, đã trở thành công dã tràng. Huy hiệu đóa hoa 10 cánh có một cánh vô chủ. Dãy cờ 10 cột dư mất một. Hun Sen có nghe lời các quan thầy Hà Nội mà hòa giải hòa hợp với Ranariddh thì cũng chỉ được đưa vợ sang tham dự hội nghị ASEAN-6 với tư cách dự thính viên kéo dài. Rõ ra, vị trí của lãnh đạo Việt Nam trong khối không giống như Hun Sen từng được mô tả hay tự ý đinh ninh. Nghĩa là vẫn không khác gì… chiếc tách cạn rỗng, hay nói nôm na hơn, vẫn còn thấp hơn mức… xoàng.
Chỉ giỏi mỗi chuyện “nội bộ” (để yêu cầu nước khác miễn phê bình): Trong đám tang cụ Bảy Trấn đã có người đi tiễn bị tông ngã xe đến mang thương tích. Mới đây nhất là vụ bà Hà Sĩ Phu bị “kẻ lạ” hành hung đến sưng tay và bị đập nát quán hàng, giữa ban ngày Đà Lạt, ngay trước mắt đội bảo vệ 31/CP canh cửa nhà ông Hà Sĩ Phu. Đó là bằng chứng nhân quyền của Việt Nam khác với thế giới! Hướng phát triển của Việt Nam hẳn vì vậy cũng phải ngược với thế giới?
Có giá trị gì chăng lời cầu chúc cho Việt Nam một năm mới rất… mới?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments