1999.02 – Phản Ánh …Tàu
- LVMỹ-K24
- Feb 28, 2022
- 20 min read

1999, đối với Hoa Lục, là năm có nhiều kỷ niệm số chẵn: 50 năm lập quốc, theo nghĩa nhuộm đỏ cả “cái rốn của trời đất”; 40 năm tắm máu nhân dân Tây Tạng; 30 năm chia tay với quốc tế cộng sản; 20 năm Tứ Hiện Đại Hóa theo đường lối của Thái thượng hoàng họ Đặng; 20 năm tái lập bang giao với Mỹ; 20 năm “dạy bài học” quân sự cho tên “nghịch tử” Hà Nội; 10 năm hội nghị thượng đỉnh với Gorbachev; 10 năm nghiền xác sinh viên Bắc Kinh dưới xích chiến xa ở quảng trường Thiên An Môn; và sau cùng, 1999 là năm thu hồi từ cựu đế quốc Bồ Đào Nha phần lãnh thổ xì-dách Macau.
Việt Nam không có nhiều liên hệ hữu cơ với các kỷ niệm số chẵn nói trên, ngoại trừ cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” mạt rệp và hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ mọc lên như nấm ở dọc biên giới từ năm 1979, cộng thêm những đường dây chuyển gái sang Macau xưa nay. Dù vậy, trong thời gian gần đây, kẻ cựu thù “bá quyền phương Bắc” cũng đã tích cực góp phần giáo huấn Hà Nội, hun đúc nên các thứ gọi là thời sự Việt Nam.
Một Vạt Lo Toan...
Trong cuộc họp báo quốc tế đầu năm Tây, Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đã trả lời phóng viên Lăng Đức Quyền của Tân Hoa Xã như sau: “Việt Nam coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Lãnh đạo hai nước đã có những thỏa thuận rất cơ bản. Quan hệ hai nước nay phải chuyển sang một thời kỳ mới với chất lượng cao hơn…”.
Khải nói không sai. Nguyễn Cơ Thạch, tên An-nam “thiếu giác ngộ” và khoái Mỹ, đã nhắm cả hai mắt. Kể từ sau cuộc hành trình khấu tấu gian nan bằng đường bộ của Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt sang gặp Giang Trạch Dân ở Nam Ninh năm 1991, thì, vào tháng 10 năm ngoái, Khải là viên thủ tướng đầu tiên của CSVN đặt những bước chân triều kiến cơ bản đến tận Bắc Kinh.
Chỉ hai tuần sau đó, Khải tuyên bố thực thi chính sách quay về Hiện Đại Hóa nông thôn rập theo mô thức của Trung Quốc. Như vậy, thời kỳ mới đó có thể được hiểu ngay là một thời kỳ đi vào khuôn mẫu nền nếp. Đây không phải là điều suy đoán, bởi đã được chính thức gia lực củng cố bằng một loan báo hồ hởi, cũng của Khải, là nội trong quý đầu của năm nay, Lê Khả Phiêu sẽ chính thức đi sứ sang Tàu. Có phải đó cũng là nền tảng của nhận định dự kiến rằng “chất lượng cao hơn”?
Trong khi chờ đợi, đã có nhiều sự kiện cho thấy cái khuôn mẫu nền nếp đó là điều có thật.
Tướng Về… Quê
Hoa Lục bắt đầu thực hiện “dân chủ hóa” nông thôn, bằng những cuộc bầu bán ở cấp thôn không hoàn toàn do đảng đề cử. Hà Nội cũng thử nghiệm bầu cử Trưởng Ấp “tự do” (chỉ có 60% – 75% đề bạt viên của đảng), bắt đầu từ xã Phụng Hiệp, Cần Thơ.
Bắc Kinh cũng đang từng bước thu hồi quyền kinh tế từ các tập đoàn quân đội chủ quản và đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa xí nghiệp quốc doanh đời đời thua lỗ. Vào giữa tháng 1-99, hãng Tân Hoa Xã cũng loan tin Hà Nội đang chuẩn bị dư luận để các đơn vị kinh tế Việt Nam được bán cổ phần cho doanh nhân ngoại quốc. Bắt đầu là các thí điểm Dệt sợi Bình Minh, Cá hộp Hạ Long và Xuất khẩu Long An.
Trong số non 7000 xí nghiệp quốc doanh còn sót lại từ thời “đổi mới”, suốt một thập niên qua, Hà Nội đã dồn nỗ lực giải tư được tổng cộng 116 cơ sở. Trì lực chính yếu là từ những tướng lãnh làm kinh tế. Cũng theo tin của Tân Hoa Xã, thì tay chủ quản kinh tế vĩ mô của quân đội Việt Nam là tướng Đoàn Khuê, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hà Nội, đã được trao tặng huân chương họ Hồ vào ngày 12-1-99. Và chưa đầy ba hôm sau là được trao thêm sự vụ lệnh thuyên chuyển nhiệm sở về nghĩa trang Mai Dịch.
Nửa Vuốt Đuôi Nửa Dè Chừng?
Suốt 28 năm trám chỗ Đài Loan ở Liên Hiệp Quốc nhờ vào lá phiếu thuận của Hoa Kỳ, Hoa Lục vẫn thường xuyên sử dụng diễn đàn này để… chống Mỹ. Mới nhất là những phản đối về vụ liên quân Anh-Mỹ oanh tạc Iraq hồi cuối năm 98.
Hà Nội cũng lập tức có những nhận định chính thức lên án Hoa Kỳ trên báo Nhân Dân là: “Mỹ đem gần 200 máy bay áp sát Iraq, khăng khăng duy trì UNSCOM, tự cho mình quyền bay trên vùng trời nước khác như cuộc dạo chơi trên sân vườn nhà mình…. Đây chính là Một là thái độ ngoan cố, bất chấp lẽ phải, cậy mạnh hiếp yếu, ngang nhiên chà đạp Hiến chương LHQ, thách thức dư luận và sự phẫn nộ của loài người”. Những ai chưa từng đọc báo Nhân Dân sẽ không thể nào biết chính xác nơi tập trung sự phẫn nộ đó.
Tám năm sau những chuyến gửi cố vấn phòng không sang hỗ trợ Iraq trong trận Bão Sa Mạc 1991, Hà Nội đã trắng mắt sáng lòng ra là phương cách chống máy bay tàng hình và bom tinh khôn bằng AK47 không mấy hữu hiệu, mặc dù cường độ phẫn nộ không hề giảm thiểu.
Thông tấn xã Inter-Tass vừa loan báo Hà Nội mua của Nga hai chiếc khu trục khinh tốc đỉnh 1241-RE (tên gọi của khối NATO là Tarantulae2), với vận tốc tối đa lên tới 42 hải lý/giờ, có trang bị các loại hỏa tiễn hải chiến Termit và Igla, đại bác 76ly2 và các dàn cao xạ 30ly. Hai chiến đỉnh này đã được cải tiến để thích ứng với vùng biển nhiệt đới, và sẽ được chuyển giao cho Hà Nội trong quý đầu năm nay. Ngày 05-01-99, hãng thông tấn Itar-Tass cũng đưa tin rằng Nga trở thành quốc gia có mức đầu tư vượt lên đứng đầu tại Việt Nam trong năm 1998.
Không ai chắc đó là một cách trả thù sâu đậm của Hà Nội: Không nâng cấp đầu tư hay mua vũ khí của bọn gây phẫn nộ! Cũng không ai chắc về mục tiêu khiến Hà Nội mua các chiến đỉnh hiện đại đó là gì, khi mà phát ngôn viên Phan Thúy Thanh vẫn tuyên bố là mọi tranh chấp trên vùng biển Trường Sa đều có thể giải quyết bằng đàm phán!
Tiếp Cận Sâu Hơn
Giang Trạch Dân đã chính thức tuyên dương 60 triệu người Hoa ở hải ngoại là “những nhịp cầu nối liền Hoa Lục với phần còn lại của thế giới…”. Báo Nhân Dân điện tử ở Hà Nội cũng vừa mới đăng lại từ tạp chí Cộng Sản nguyên văn bài tham luận Người Việt Nam ở nước ngoài của Trần Trọng Đăng Đàn (em của cựu ủy viên Tư tưởng Văn hóa Trần Trọng Tân), với những nhận định na ná: “cầu nối tốt”, “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”, “Người Việt ở nước ngoài thực sự được Tổ quốc Việt Nam bảo hộ, cưu mang”….
Rõ nhất, tác giả bài tham luận này dựa vào thống kê mỗi năm Việt kiều gửi về tiếp trợ thân nhân đến gần hai tỷ rưỡi USD, để đặt vấn đề phải “tiếp cận sâu hơn với những kết quả nghiên cứu và kết quả vận dụng vào thực tiễn việc vận động kiều dân của một số quốc gia như Trung Quốc…”, để áp dụng vào khối Việt kiều.
Không thể khác. Dù đảng có sai lầm trước đây khi đánh giá người Việt Nam ở nước ngoài bằng những từ ngữ không tiện viết ra đây, thì chí ít, hôm nay phải được sửa sai cho sát với thực tế. Đó là khúc ruột tượng xa ngàn dặm của máu thịt Việt Nam. Phải có khẩu hiệu cho chính sách kiều vận của đảng chứ! Đè Trong Móc Ngoài, được không?
Vạn Nhân Cụ
Sau 33 năm cách mạng văn hóa với hàng triệu người Trung Hoa chết thảm, trong năm 1998 vừa qua, Hoa Lục đã biểu diễn tính pháp trị bằng thành tích kỷ lục về án tử hình. Việt Nam cũng theo bén gót. Gần nhất là án tử hình hai ông Huỳnh Tế Cẩm và Trần Văn Thuận, về tội làm mất ổn định chính trị từ năm 1994. Hai ông bị bắt năm 1996 và bị kết án năm 1997.
Hãy cùng thắp một nén hương mặc niệm hai chiến sĩ xả thân cho lý tưởng tự do của dân tộc, trước khi nêu câu hỏi vì sao Hà Nội thì hành bản án làm sẵn và để dành suốt hai năm qua, ngay đúng vào lúc chi bộ Văn Hóa của quốc hội Ba Đình họp khẩn để khai trừ cựu tướng Trần Độ.
Sát nhất nhân, vạn nhân cụ? CSVN đang đi tìm hai vạn người sợ đảng chăng? Kết quả này chưa thể đo đếm được ngay. Tuy nhiên, nhiều người đang mong có dịp bày tỏ lòng tri ân về sự kiện này: đảng đã tự tát tay trước ống kính truyền hình thế giới từ sau nỗ lực tuyên truyền đặc xá tù nhân hồi cuối năm ngoái.
...Một Miền Khắc Khoải
10 năm trước, cả đoàn tăng của hồng quân Trung Quốc đã nhất tề đạp thắng trước một thường dân đứng ra giong tay cản đường, ngay trước mặt tiền Nhân Dân Đại Sảnh. Năm nay, Bắc Kinh đã biết sợ ba người tay không đứng ra dựng đảng dân chủ đối trọng với hơn mấy trăm triệu đảng viên cộng sản Tàu. Lại bắt thêm một công nhân đơn độc đứng ra đòi quyền kiểm soát quản trị xí nghiệp, tức là đương đầu với cả một hệ thống công đoàn lớn nhất thế giới. Rồi chỉ hơn một tuần sau, lại kết án hai năm tù một chuyên gia mạng lưới thông tin điện tử, với tội danh “sử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại để khích động nhân dân lật đổ chính quyền nhân dân”.
Đó là luật Bắc Kinh. Còn luật Hà Nội?
Hoàng Tấn Việt, Cục phó cục hình sự của bộ Công An Hà Nội, tổng kết là trong năm 1998, trong số những ca hình sự được phát hiện thì vẫn “tồn đọng hàng chục ngàn trường hợp chưa được giải quyết và còn 21.000 phạm nhân hình sự bị truy nã hiện chưa bắt được”. Không một ai biết rõ tổng số các ca hình sự được phát hiện và chưa được phát hiện là bao nhiêu vì đó là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, ít ra, qua bản đúc kết đó, người đọc có thể mường tượng ra nỗ lực của công an nhân dân Việt Nam tập trung vào đâu, dù không một bản tin nào cho biết nhịp đổi ca canh cửa tư gia của các ông Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Bảo Cự, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Kiến Giang, Trần Độ… hay các thầy Huyền Quang, Quảng Độ….
Bản phúc trình của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế vào đầu tháng 1-99 đã đúc kết rằng: “Luật pháp Việt Nam vi phạm quyền tự do phát biểu tư tưởng. Luật pháp đã trở thành một thứ công cụ dùng để giới hạn quyền của người dân thay vì để bảo vệ nó…. Ngày nào chưa có sự cải tiến hiệu quả về luật pháp, người dân Việt Nam vẫn còn bị đặt trong tình trạng hiểm nghèo là sẽ bị tùy tiện bắt giam về tội bày tỏ một cách ôn hòa những niềm tin về chính trị và tín ngưỡng của họ”.
Hãng thông tấn AFP loan tin ngày 15-1-99 rằng một phụ nữ Hoa Lục đã đạt kỷ lục thế giới, và đã được ghi vào sách Guiness, là đã hồi sinh sau một cơn thắt tim kéo dài hai tiếng rưỡi. Bản tin chỉ quên ghi nhận là: Có đáng gì hai tiếng rưỡi thắt tim, khi mà, trong suốt nửa thế kỷ qua, bệnh nhân đã từng bị thắt họng! Nạn nhân Trung Hoa muốn trả lời giới truyền thông ngoại quốc như thế chăng?
Còn ở Hà Nội, phát ngôn viên bộ ngoại giao Phan Thúy Thanh đã trả lời rằng không có bất kỳ một “ngoại nhân” nào có quyền nói về quyền làm người của người Việt Nam do đảng CSVN ấn định. Không cả nói cong lẫn nói thẳng.
Tương Lai Bỏ Ngỏ
Chiếu Cầu Lời Nói Thẳng, do Ngô Thì Nhậm viết thay cho vua Quang Toản vào cuối triều Tây Sơn khoảng hơn 200 năm trước đây, có đoạn nhận định rất rõ: “Việc quan lại cai trị, việc binh cơ dân chính, còn nhiều thiếu sót, lấp chỗ này thì hở chỗ khác… Cái tệ trễ biếng là do lòng tự mãn tự túc sinh ra, tích tụ chất chứa đã lâu, không sao kể xiết”. Nghe không khác thời nay. Lại nữa, “Việc nào làm trước, việc nào làm sau, việc nào thư thả, việc nào gấp rút, trẫm cùng các đại thần tính toán tìm ra con đường đúng mà vẫn chưa thấy con đường nào là thích hợp”. Nghe lại càng không khác thời nay.
Từ nhận định đó, lời vua xưa ban chiếu:
“Mong rằng thần dân trong ngoài khuyên bảo”.
Ngày nay nào có khác gì? Trần Đức Lương đã bảo để cho người ta nói. Phan Văn Khải, qua trích dẫn của phóng viên hãng thông tấn Reuters, đã tuyên bố rằng họ có quyền nói, có quyền chỉ trích những sai lầm của đảng và nhà nước. Lê Khả Phiêu cũng đồng tình như vậy. Chỉ khác nhau ở mớ định nghĩa: Thần dân trong ngoài là những ai? Thần là bề tôi, còn dân là gì? Thêm nữa, trong là tù nhân, ngoài là phản động. Sinh viên ở Thiên An Môn là thần hay dân mà cả gan nói thẳng?
Cuốn sách mới nhất của nhà lý luận hàng đầu CSVN là Hà Xuân Trường mang tựa đề Không có một thời… như thế. Nội dung quyển này là một công trình minh họa cho Nghị Quyết Trung Ương số 5, đặt nặng các phân tích về các tiểu đề: Đa nguyên và Chủ nghĩa đa nguyên, Vấn đề dân chủ, Vấn đề đảng, Cần có một chiến lược văn hóa…. Từ cuối thập niên 50, nhà thơ Lê Đạt đã đề cập tới chiến lược văn hóa này, trong chỉ một câu:
Đem bục công an đặt giữa tim người.
Chiến lược này đang được áp dụng cho cả thần lẫn dân, cả trong lẫn ngoài (nếu có thể).
Cho nên, vấn đề tồn đọng ở chỗ: Ai khuyên ai? Ai nghe khuyên? Khuyên điều gì? Khuyên cách nào? Khuyên bằng chữ như ông Hà Sĩ Phu và bằng hữu của ông? Hay khuyên bằng cuốc như dân làng Thọ Đà? Khó trả lời vô cùng, dù thấy ngay trước mắt phương cách thứ hai có vẻ đạt hiệu quả hơn. Nên lại càng khó hiểu hơn nữa về một dòng dự báo của nhà thơ Nguyễn Duy trong bài Xó Bếp:
Khoảng trống phía trước vẫn bỏ ngỏ.
Của đảng chăng?
Tạp chí Xưa Và Nay ở Hà Nội cho đăng bài sử Cầu Lời Nói Thẳng này vào số tân niên dương lịch, ngay vào ngày một chi bộ nhiều năm đình động của quốc hội tự dưng sinh hoạt lại, họp khẩn, để khai trừ ông Trần Độ ra khỏi đảng. Vì những lời nói thẳng.
Nhất Tự Thiên Kim
Bộ trưởng Nông nghiệp Gia Nã Đại Lyle Vanclief, trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào mấy ngày đầu năm, đã tuyên bố rằng Việt Nam “cần đạt kết quả chấn chỉnh hệ thống thư lại tham nhũng”.
Nữ phó Thủ tướng Thụy Điển Lena Hjelm-Wallen, trong chuyến viếng thăm Việt Nam ngày 13-1-99, cũng đã khuyến khích dàn lãnh đạo Hà Nội phải dám đẩy mạnh nỗ lực cải cách. Bà đã kể lại trong buổi họp báo sau khi gặp gỡ Lê Khả Phiêu rằng: “Chúng tôi đã thảo luận với nhau về nhân quyền và phương thức tiếp tục dân chủ hóa. Tôi có nói với chủ nhà rằng đó là điều bình thường trong xã hội, và việc thảo luận về các vấn đề (nhân quyền và dân chủ hóa) nói trên đều rất bổ ích”.
Cả hai vị khách Gia Nã Đại và Thụy Điển đều nhìn thẳng vào sự thật và phát biểu những lời nói thẳng không khác gì nội dung các bài viết của ông Trần Độ, nhưng, ngoài các tiệc trưa tiệc tối, họ còn tuyệt nhiên không bị chi bộ họp khẩn để kiểm thảo, không bị rà điện đàm, phá điện thoại, hay bị công an canh cửa như trường hợp ông Trần Độ. Sự khác biệt đối xử đó đến từ đâu? Dân “Tây” là bạn bè hữu nghị còn dân ta toàn là bè lũ phản cách mạng cả? Không muốn, không nên hay không thể đè đầu trù dập khách “Tây”? Dân ta không còn gì để hiến cho đảng nữa chăng? Hay vì phải để khách “Tây” thực thi bổn phận viện trợ?
E rằng tất cả các câu trên đều trúng. Báo Nhân Dân đưa tin là Bộ trưởng Lyle khẳng định sẽ tìm khả năng hợp tác và kinh doanh tốt hơn với Hà Nội. Còn nữ Phó thủ tướng Lena thì đã đặt bút ký một thỏa ước viện trợ cho Hà Nội 510 triệu kroner Thụy Điển, tương đương với khoảng 64 triệu USD, trong ba năm tới. Còn ai thắc mắc gì thêm về hậu quả những lời nói thẳng của ông Trần Độ nữa không?
Khuyên Bảo Tới Cùng
Như một khẳng định về điểm khác biệt của “giá trị nhân quyền Á Châu”, và để trả lời một phát biểu của Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong dịp sang Bắc Kinh hồi giữa năm ngoái: “Không thể mua sự ổn định bằng nỗ lực bức tử tự do”, Giang Trạch Dân đã tuyên bố mới đây, theo trích dẫn của tờ Economist số đầu năm 99, là sẽ “ngắt gọn những mầm chống đối từ khi còn là nụ”. Nói theo kiểu Việt Nam, giết từ trứng nước.
Và cho dù Dương Thượng Côn đã về chầu Mao hồi năm ngoái, Bắc Kinh cũng tự ra sức huy động 1000 công an để biểu diễn lần nữa cái sức mạnh trên đầu súng: Một cuộc đàn áp đẫm máu vừa mới xảy ra vào ngày 8-1-99, khiến 1 người chết và 100 người trọng thương, đính kèm với 110 người bị bắt giam tại chỗ, trong một cuộc biểu tình chống tham nhũng và tăng thuế của 3000 nông dân làng Daolin sát cạnh thủ phủ Changsha của tỉnh Hồ Nam.
Một câu hỏi có thể nêu lên từ bản tin vừa kể: Liệu là Hà Nội sẽ làm gì nếu nông dân Việt Nam phản đối sắc thuế Trị Giá Gia Tăng (VAT) vừa mới áp dụng và gây nên tình trạng bát nháo thị trường, giá sinh hoạt leo thang kể từ ngày đầu năm 99? Huy động công an theo tỷ lệ 1-3, gây thương tích và bắt giam người biểu tình theo tỷ lệ 1-15?
Bản tin ngày 19-1-99 của hãng thông tấn Deutsche Presse-Agentur loan rằng đã có 50 công an đàn áp một cuộc biểu tình đòi đất của 30 gia đình nông dân Công giáo ở Bà Rịa vào ngày 04-01-99.
Tỷ lệ một súng-ba dân này đâu thua gì tỷ lệ dàn quân của công an Hồ Nam? Khẩu hiệu tự phát tại chỗ của nhóm biểu tình ở Bà Rịa là “fight to the end”, tạm chuyển ngữ ở đây thành “khuyên bảo tới cùng”, vì xem ra, cách này công hiệu hơn cách của ông Trần Độ. Đoàn người bị đàn áp đã khuyên bảo lực lượng công an cơ động bằng… rựa, khiến 6 công an được cung cấp nạng.
Vẫn trong phạm trù tỷ lệ, người ta không quên rằng Bắc Kinh đã trục xuất 3 tù nhân lương tâm hồi năm ngoái, và bắt lại 5 người khác vào tháng đầu của năm nay. Điều này đã khiến nhiều người giật mình lo ngại, khi nhớ lại là Hà Nội loan báo đã phóng thích non 8000 tù nhân hồi cuối năm 98.
Kẻ Thù Gạch Nối
Được coi như không đọc báo đảng tất cả những ai không thấu triệt về cái gạch nối giữa những biến động của nông dân trong nước gần đây với các thế lực phản động bên ngoài Việt Nam.
Ngay trong bài tham luận về Việt Kiều nói trên của Trần Trọng Đăng Đàn, tác giả cũng trân trọng báo động: “Rất cần thiết sự hoàn chỉnh một nhận định về lượng và chất; về phạm vi ảnh hưởng từ những hoạt động của những người Việt Nam ở nước ngoài chống đối đất nước một cách cực đoan hiện nay. Cần lưu ý rằng lực lượng chống đối này, tuy số lượng rất ít, nhưng không vì thế mà coi thường. Phải xem xét sâu, toàn diện về đối tượng này như là nhiệm vụ cấp thiết, đồng thời lâu dài”. Âu cũng là biết sợ đấy chứ!
Trong Hội nghị Công an Toàn quốc kéo dài ba ngày 28, 29 và 30-12-98, Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: “Lực lượng công an nhân dân cần nắm vững tình hình, tham gia tích cực hơn nữa công tác bảo vệ, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống”. Sợ thật đấy chứ!
Những luận điểm hù dọa đảng viên về một thứ diễn biến biến hòa bình, qua nỗ lực “góp phần cổ động kịp thời” của giai cấp công nhân ngành viết báo trong nước, dường như đã trở thành điều có thật. Từ Thái Bình, Kim Nỗ, Trà Cổ, Xuân Lộc, rồi tới Bà Rịa hôm nay, dường như đã có lắm cầu không vận nối liền với các thế lực chống đối đất nước một cách cực đoan trên khắp thế giới.
Hệ quả của nó là một chiến lược mới học tập và sắp ứng dụng của đảng. Ký giả Greg Torode của tờ Hoa Nam Bưu Báo, số ra ngày 31-12-98, với những đánh giá tổng kết cái định hướng quay về nông thôn của đảng CSVN, đã trích lời một ủy viên cao cấp xin dấu tên, rằng: “Đối với lãnh đạo, định hướng này không chỉ là một giải pháp kinh tế, mà đặt nền tảng trên thực tế chính trị. Nếu không làm thế này, chúng tôi khó lòng đảm bảo được tương lai của chúng tôi”.
Ra thế! Nhân vật ẩn danh này còn nói rõ thêm: “Trước khi hiện đại hóa cả nước, chúng tôi bắt buộc phải nâng cấp nông thôn. Chúng tôi đã từng thấy nhu cầu này xảy ra tại Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã từng thấy nhu cầu này xảy ra tại Thái Bình”.
Thấy Tàu trước. Thấy Ta sau. Gì gì đảng cũng thấy cả! Nên càng sợ?
Một Đạn Hai Chim?
Sau cuộc họp chính trị bộ Bắc Kinh hồi đầu năm, Giang Trạch Dân đề ra 5 hướng công tác chính yếu, trong đó có hai hướng nhắm về đảng viên: Kiểm soát trách nhiệm kinh tế của đảng viên điều hành, và công khai hóa ngân sách điều hành của mọi xí nghiệp và các địa phương.
Trong buổi sinh hoạt đầu năm với giới truyền thông trong nước, Lê Khả Phiêu cũng đã trình bày bốn nét chính về hướng phấn đấu trong năm 1999, bao gồm: 1) Hướng nội: “Giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 5 đến 6%, tập trung sức giải quyết kinh tế nông nghiệp”; 2) Hướng ngoại: “Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết với bạn bè quốc tế”; 3) Hướng về nội bộ đảng: “Tập trung sức đẩy mạnh công tác xây dựng đảng,… chống quan liêu tham nhũng”; và 4) Tiếp tục hướng về đảng: “Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Điểm đáng chú ý không chỉ nằm ở hai trong bốn nét chính nói trên thuộc về đảng, như Tàu. Lê Khả Phiêu còn đặc biệt long trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và phải thấy nguyên nhân chủ quan là rất quan trọng. Đó là bộ máy quan liêu, cồng kềnh, không sát dân; đó là nạn tham nhũng”. Điều này đã từng được lãnh đạo đảng đề cập thi thoảng đó đây, nhưng chưa bao giờ có được tính hệ trọng đến mức đó, ngay sau khi phong trào cáo trạng của dân đạt cao điểm tấn công vào tới cái lõi tham nhũng ở cấp chính trị bộ, từ Phạm Thế Duyệt tới Đỗ Mười.
Phiêu muốn giải quyết những khiếu kiện của dân hay muốn giải quyết tệ nạn cố vấn vây bủa riêng mình? Có thể nào là một đạn hai chim? Nếu chưa có thì Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt cũng nên nhận lãnh mỗi người một huân chương họ Hồ, như Đoàn Khuê mới lãnh tuần trước.
Tiếng Đầu Đời Anh Gọi Tên Ai?
Tờ Trung Hoa Nhật Báo ngày 16-01-99 đưa tin là trong Hội Nghị lần 3 của Ủy Ban Thanh Kỷ trung ương đảng cộng sản Trung Quốc, với sự tham dự của các thường vụ chính trị bộ Lý Bằng, Chu Dung Cơ, Lý Thụy Hoàn, Hồ Cẩm Đào, Lý Lan Thanh và Úy Kiến Hành, Tổng bí thư Giang Trạch Dân vừa mới tuyên bố dồn sức chấn chỉnh tình trạng vô kỷ luật của đảng viên cộng sản Trung Quốc “đã gây ra nhiều vấn đề hệ trọng trong nhiều guồng máy tổ chức của đảng”.
Tại Hà Nội, cũng trong cùng một mục tiêu, và để chuẩn bị kỷ niệm 69 năm kết bè lập đảng ngày 3 tháng 2, Ban chấp hành trung ương CSVN quy tụ non 170 ủy viên trong phiên họp khoáng đại khóa 8 kỳ 6 lần 2, vào cuối tháng 1-99, về chủ đề Xây Dựng Đảng.
Xin đừng ai để ý tới thi sĩ Vương Trọng với một vần thơ thực tế:
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa?
Hãy tạm biết là trong dịp trọng đại này, bài viết Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân được coi là “tác phẩm cuối cùng” của Hồ Chí Minh, dưới bút hiệu ký tắt T.L., từng được đăng trang nhất báo Nhân Dân ngày 3 tháng 2 năm 1969, nay được phủi bụi lại lần nữa, để làm nền tảng cho cuộc hội nghị trung ương kỳ này.
Theo đó, tác giả T.L. đã phân biệt đảng viên thành hai loại. Loại thứ nhất, “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Còn loại thứ hai? “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân; việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo ‘mình vì mọi người’ mà chỉ muốn ‘mọi người vì mình’. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh…”.
Ba mươi năm sau, tác phẩm cuối cùng và khá luộm thuộm đó được đánh giá là có tính tiên tri. Tổng kết thực tiễn từ cả phía lãnh đạo lẫn phía chống lãnh đạo đảng đều báo động là loại đảng viên thứ hai nói trên đã chiếm đến gần sát 100% sỉ số, nếu tính tổng cộng các tỷ lệ của riêng từng “bệnh”. Chỉ phiền là bất kỳ ai trong thiểu số hiếm hoi không nhiễm các loại bệnh đó (và tất nhiên là không thuộc trung ương đảng) nói ra, là tức khắc sẽ bị khai trừ, bắt giam hay quản thúc. Cả ông Nguyễn Hộ lẫn ông Trần Độ đều thuộc diện này. Cả những tướng tá mới vừa đồng loạt vất thẻ đảng để phản đối việc khai trừ ông Trần Độ cũng thuộc diện này. Trong khi các ủy viên bộ chính trị cứ y vậy mà phán thì trở thành đề tài học tập toàn đảng.
Đừng cho rằng tỷ lệ gần sát 100% nói trên là điều phóng đại. Hãy nghe Lê Khả Phiêu triển khai tác phẩm cuối cùng nói trên trong Hội nghị Văn hóa Thông tin vào giữa tháng 1-99, khắc rõ: “Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, chủ nghĩa thực dụng, tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lối sống xa hoa, hưởng lạc, bòn rút của công, hối lộ, ‘ăn chặn’, ‘ăn chia’, trong một số không ít cán bộ có chức có quyền diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây mất đoàn kết nội bộ và bất bình trong xã hội. Chủ nghĩa cơ hội diễn ra dưới nhiều hình thức, tình trạng ‘móc ngoặc’, ‘chạy chọt’ khá phổ biến…”.
Rõ ràng, thời nay đảng viên đã phấn đấu sáng tạo thêm nhiều căn bệnh hơn thời 1969 của họ Hồ. Trong lúc chai thuốc đỏ Cộng Sản đã cạn thì các bệnh lý do bác lang Khả Phiêu chẩn mạch lại càng phát triển tinh vi và nghiêm trọng đến chưa từng. Quan trọng nhất là ảnh hưởng mất đoàn kết nội bộ ngặt nghèo hơn bao giờ hết, do bởi sự xung đột ăn chia giữa một số không ít nói trên, với nhau, hoặc với một số rất ít còn lại.
Cũng nhân cuộc họp báo đầu năm Tây, Tổng bí thư CSVN Lê Khả Phiêu đã tâm sự với các ký giả Việt Nam rằng: “Điều mà tôi sợ nhất là nạn tham nhũng trong guồng máy nhà nước (do đảng lãnh đạo). Nó đã trở thành một vấn nạn không thể không đối phó…. Trong năm Mão sắp tới, hy vọng là ta sẽ có được một loại mèo chuyên cần bắt chuột và có khả năng bắt được cả chuột to chứ không chỉ loài chuột nhắt…”.
Những bản cáo trạng về tội tham nhũng của các băng đảng Phạm Thế Duyệt và Đỗ Mười đã tới tay tổng bí thư rồi chăng? Hay đây chỉ là sự lặp lại một câu danh ngôn Quan Thoại: Mèo trắng mèo đen không thành vấn đề, miễn bắt được chuột?
Khó ai trả lời. Chỉ biết, trong lúc các chỉ thị của đảng (25/TW) và nghị định của nhà nước (31/CP) bắt nhân dân câm họng, thì, vào ngày 6-1-99, thông tấn xã AFP loan tin một người Việt Nam bị bệnh câm-điếc suốt 32 năm qua đã bật nói ra lời.
Nếu có mặt tại chỗ, chắc chắn thi sĩ Tố Hữu sẽ phải sửa lại những câu thơ về tiếng đầu đời (xin gọi tên lãnh tụ kính yêu): Nhiều nguồn tin chưa được phối kiểm cho biết rằng chuyện đáng bàn trong vụ người câm bỗng nói này là những lời thốt ra đầu tiên đó thuộc trường phái ngôn ngữ bình dân đại chúng mà thường khi lên báo người ta vẫn hay lịch sự viết tắt.
Vì sao? Bệnh nhân đã cảm ơn báo Nhân Dân là nhờ những bài phỏng vấn và các huấn từ Phản Ánh Tàu của lãnh đạo trong dịp đầu năm Tây, đặc biệt là khẩu hiệu “Năm Mèo Bắt Chuột To” của đương nhiệm tổng bí thư, đã khiến cho đương sự không thể kềm giữ được lâu hơn nữa hai tiếng… Đỗ Mười.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments