top of page

1999.03 – Về Thay Máu Đảng

  • LVMỹ-K24
  • Feb 27, 2022
  • 9 min read

Mấy năm trước, khi chỉ số tăng trưởng đạt cao điểm nhờ vào đầu tư trực tiếp của doanh nhân ngoại quốc, thì CSVN ra lệnh cấm pháo, gọi là để tiết kiệm công quỹ.


Đến lúc mức phát triển tuột dốc thảm hại thì đảng này lại cho quân đội độc quyền bán pháo.


Hà Nội muốn phát động khẩu hiệu “tiếng pháo át tiếng khiếu kiện” chăng? Hay, nhà nước tin rằng tiếng pháo nổ sẽ đuổi được tình trạng ma hôn quỷ ám những chính sách kinh tế ngu muội? Khó ai biết. Chỉ hay, tiếng pháo đì đẹt đón Tết năm nay không át nổi những tiếng thở dài.

Xác Pháo


“Không có mấy quốc gia đã làm thất vọng giới đầu tư ngoại quốc như là Việt Nam”. Bài phân tích của hãng thông tấn Reuters vào ngày mùng 3 Tết Kỷ Mão đã ghi nhận như thế, ngay ở dòng đầu.


Theo chuyên gia Ari Kokko của trường đại học kinh tế Stockholm, “Tính chất bất định trong đường hướng phát triển của Việt Nam hiện quá vĩ đại”. Ari cho rằng nếu nhà cầm quyền Việt Nam không dấn bước vào giai đoạn hai của cuộc đổi mới, thì không còn cách nào cứu vãn nền kinh tế nước này.


Dữ kiện? Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ước lượng chỉ số tăng trưởng thật sự của nền kinh tế VN trong năm 1998 là ở khoảng giữa 3% tới 4%, và của năm 1999 sẽ không vượt quá 3%. Hệ thống xí nghiệp quốc doanh chủ đạo của nền kinh tế VN tổng kết số nợ cao hơn 7 tỷ mỹ kim, với 60% báo cáo thua lỗ trong năm qua. Mọi hoạt động kinh tế thuộc lãnh vực xây dựng, địa ốc và ngân hàng đã thi đua tuột dốc ròng rã trong suốt 18 tháng qua. Mười chín ngân hàng ngoại quốc tại Việt Nam cũng đồng loạt đóng cửa trong năm 1998. Ngoại tệ dự trữ của Việt Nam xuống thấp đến mức khiến “giới doanh nhân nín thở”.


Bert Lessard, Giám đốc công ty xe Ford tại Việt Nam đã nghiến răng: “Mức sản xuất của chúng tôi chưa đạt tới 5% công suất”. Mark Whitehead, đại diện công ty Jardine Pacific tại Hà Nội, cho rằng: “Một trong các yếu tố quan trọng nhất là giới đầu tư ngoại quốc ở đây không đánh giá rằng VN là một nơi làm ăn thuận tiện. Điều đó sẽ khiến cho không còn một doanh nhân mới nào muốn nhào vô đây thử lửa”. Còn Geritt Thissen, giám đốc chi nhánh ngân hàng ABN-AMRO tại Hà Nội, thì đặt quan tâm hàng đầu vào mức độ khiếm hụt ngoại tệ và tình trạng cho vay bất cập ở VN.


Quan trọng hơn hết, cũng theo bài bình luận của Reuters nói trên, giới kinh tế gia lo ngại nhất ở ba điểm:

  • Một là chính sách kinh tế bất định của VN, tiêu biểu qua phản ứng tăng thuế hàng nhập của Hoa Kỳ lên 50% trong lúc đang đàm phán một hiệp ước thương mại với Mỹ;

  • Hai là mức độ tự tung tự tác của địa phương vượt ra ngoài sự kiểm soát mong manh của trung ương;

  • Ba là tình hình bất ổn xã hội có chiều hướng bùng dậy nhiều nơi.

Ngày 5-1-99, hãng thông tấn Itar-Tass đưa tin rằng cộng hòa Nga đã chính thức trở thành quốc gia có mức đầu tư đứng đầu tại Việt Nam trong năm 1998. Nếu trả lời cho câu hỏi nền kinh tế Nga hiện đang đứng đâu trên thế giới, người ta sẽ nhận ra ngay một bức tranh tổng diện của nền kinh tế VN: Tan như xác pháo.

Thiệp Xuân


Bài phân tích của phóng viên Hoa Nam Bưu Báo Ken Stier tại Hà Nội mở đầu bằng câu: “Năm mới hứa hẹn lắm điều lý thú về mặt chính trị”. Thực tế cho thấy đó không phải là một nhận định cường điệu. Những cánh thiệp đón mừng năm Kỷ Mão được gửi đi khá sớm, khá nhiều, với nội dung phong phú hơn hẳn những năm qua:


Nhà văn Xuân Đài đã viết cho tổng bí thư Lê Khả Phiêu, đòi hủy bỏ lệnh quản chế đối với nhà văn Bùi Minh Quốc.


Trong bản Tự Kiểm Điểm 1998, cựu tướng Trần Độ đã không chỉ xác định ông không có những khuyết điểm mà ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương chính thức gán ghép cho. Ngược lại, ông khẳng định một số điểm khác:

  1. “Mọi giải đáp đúng đắn cho con đường đi của nước ta không thể có được bằng cách cứ ép buộc, khuôn khổ tình hình đất nước vào trong những nguyên lý mà thực tiễn loài người đã bác bỏ và đang bác bỏ”;

  2. Ai bảo rằng có ý kiến khác tức là chống lại đảng “thì thử hỏi đảng của họ là cái đảng gì?”;

  3. “Cái lối tranh luận đầy sự truy chụp, đầy sự nói lấy được và đầy sự bịt miệng người khác… chỉ chứng tỏ sự đuối lý và dốt nát thảm hại của những người nói lấy được”;

  4. “Bộ máy cai trị của ta quá cồng kềnh và quá bất lực, nhiều trục trặc, nhiều gian dối… Đảng ta có một hay là nhiều đảng khác nhau của nhiều người khác nhau?”.

Ông Nguyễn Văn Đào, cựu ủy viên TƯĐ (ban Kinh Tế Trung Ương), cựu bí thư thành ủy Hà Nội, đã phát biểu tại Hội nghị Cán bộ các Cơ quan Trung Ương về dự thảo báo cáo “Một Số Vấn Đề Cơ Bản Và Cấp Bách…”, đòi hỏi thực hiện hai nỗ lực chính:

  • Một là phải tận diệt quốc nạn tham nhũng, trước hết ở cấp lãnh đạo cao của đảng và nhà nước, với 8 đề nghị cụ thể nhằm công khai hóa vai trò chủ đạo của đảng viên trong các vụ án tham nhũng, đặc biệt là công khai hóa tài sản của Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt.

  • Hai là áp dụng luật pháp quốc gia đối với đảng viên, với 5 đề nghị cụ thể, quan trọng nhất là yêu cầu đảng chấm dứt mọi hành động “khủng bố chính trị nhân dân một cách trắng trợn”.


Cựu trung tướng Phạm Hồng Sơn, trong một thư ngỏ gửi lãnh đạo đảng CSVN, đã nêu lên năm vấn đề:

  • Thứ nhất, minh định đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền hay đảng trị?

  • Thứ hai, hậu quả tất yếu của các chế độ không còn sự hậu thuẫn của nhân dân.

  • Thứ ba, bộ máy đảng và bộ máy nhà nước đều cồng kềnh, tùy ý lạm quyền và tùy tiện lạm chi tiền thuế của dân, trong đó, “ngân quỹ chi tiêu hành chính cho đảng cao hơn ngân quỹ hành chính của nhà nước”.

  • Thứ tư, khoảng cách giàu nghèo quá vĩ đại, “những người có nhà to nhiều tiền… chính là cán bộ đảng và nhà nước hoặc con em họ hàng của họ”.

  • Thứ năm, quan trọng nhất, đảng “không xứng đáng là người lãnh đạo”.

Trong bài viết luân lưu mới nhất của cựu đảng viên lão thành Thanh Hư Nguyễn Hoài Nam, tác giả đã trình bày một chuỗi lý luận nêu bật hai vấn đề của đảng CSVN:

  • Một là đảng đã khuyến khích nuôi dưỡng tham nhũng và tự vạch lằn ranh thù địch với mọi thành phần quần chúng chống tham nhũng.

  • Hai là đảng cầm quyền đã vi phạm nghiêm trọng hiến pháp, tiêu biểu là vi phạm điều 69 quy định rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin…”.

Ông Phạm Ngọc Uyển, cựu giáo sư trường đảng Nguyễn Ái Quốc, phổ biến một bài nghị luận 10 trang, có thể tóm lược trong ba nhận định chính yếu: 1) Lý thuyết Mác-Ăng-ghen đã mất mọi giá trị; 2) Lênin là con người hung bạo, cha đẻ của những trại tù cải tạo; 3) Chế độ độc tài đảng trị đưa đến những hư hỏng tuyệt đối. Tờ báo chui Thao Thức số 4 cho rằng nhận định của học giả cộng sản Phạm Ngọc Uyển “có giá trị của cái đinh cuối cùng đóng vào một quan tài”. Trên thực tế, sự kiện vất trả thẻ đảng đang trở thành một phong trào sôi nổi và rộng khắp.


Trong Thư Ngỏ gửi các báo Nhân Dân, QĐND, SGGP, tạp chí Cộng Sản hồi tháng 6-98, ông Trần Độ đã viết: “Phải chọn đi chứ! Tôi thì tôi chọn nước Việt Nam ‘nhân dân được ấm no tự do hạnh phúc’, có XHCN cũng được mà không có cũng được!”. Dựa vào khẩu hiệu tiến lên một xã hội văn minh, có ai dám bảo cái cầu xí trong nhà có cũng được mà không có cũng được?


Sau khi được chi bộ văn hóa của quốc hội Hà Nội khai trừ, ông Trần Độ có Mấy Lời: “Trước sau rồi thế nào đảng cũng phải đổi mới. Đổi mới hay là chết”. Chữ đổi mới được lặp lại trong hàm ý dư thừa hoặc chẳng ai tin. Như vậy, sự chọn lựa của lòng dân, qua cách viết của ông Trần Độ, rõ ràng đảng chỉ có chết. Lê Khả Phiêu có dập đầu triều kiến Bắc Kinh cũng vậy mà không thì cũng vậy.

Cận Chiến Biển Người


Ban chấp hành trung ương đảng CSVN vừa mới bế mạc phiên họp kỳ sáu lần hai hồi trước Tết. Chủ đề vẫn không gì khác hơn là… Về Xây Dựng Đảng. Ở mọi cấp.


Trên thượng tầng, nhiều hãng thông tấn ngoại quốc đã loan tải những tin hành lang về việc thay đổi một số vị trí trong chính trị bộ và hàng bộ trưởng. Ngay sau bài diễn văn bế mạc của Lê Khả Phiêu, ủy viên Văn hóa Tư tưởng Đào Duy Quát đã phải lên báo Nhân Dân thanh minh tức khắc về những nguồn tin đó và ra mặt tấn công các hãng tin nước ngoài. Bên cạnh những ước đoán rằng trung ương đảng chưa thể nhất trí cao về những dự thảo thay đổi đề xướng trước khi vào hội nghị, người ta vẫn tiếp tục chờ đợi những thay đổi chính thức thông qua cái loa ngoại vi quốc hội của CSVN trong phiên họp tới. Tuy nhiên, hai điều có thể ghi nhận tại chỗ là:

  • Thứ nhất, chính trị bộ không còn sức áp đặt;

  • Thứ nhì, dàn cố vấn Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã bị tước bỏ khá nhiều quyền lực, nhưng không có nghĩa là mớ quyền lực đó đã được tóm thu một mối vào tay của bất kỳ ai.

Ông Trần Độ hẳn có nhiều dữ kiện chính xác để hỏi rằng “Đảng ta có một hay là nhiều đảng khác nhau của nhiều người khác nhau?”.


Ở hạ tầng, vấn đề không nằm ở chỗ hạ giá thẻ đảng để thu hút tân đảng viên, mà là, thứ nhất, tính bất trị của số đảng viên đang có, và thứ nhì là sinh hoạt rã rời của cơ sở đảng ở mọi cấp, mọi nơi. Nếu bác lang Khả Phiêu có chút ít kiến thức y học, hẳn đã ví đây là loại bệnh ung thư máu.


Nhìn chung, ở cả hai tầng, hiện tượng rã đảng đã lan nhanh tỏa rộng trong đầu đảng viên và đang chuyển biến ra ngoài thành hai loại phản ứng: thu vét cá nhân và bất cần tập thể. Chính đây là cốt lõi cái chiến lược mới của chính trị bộ CSVN trong trận đánh xáp lá cà với chủ nghĩa cá nhân đang leo thang bành trướng trong từng hành động của mỗi đảng viên.


Kỷ niệm 69 năm kéo bè kết đảng, CSVN đã tổng kết thực tiễn được những gì? Kẻ thù! Từ kẻ thù thực dân, phát xít, đệ tứ quốc tế, đảng phái quốc gia, cho tới phe đồng minh, Nhân Văn – Giai Phẩm, “Xét Lại”, rồi chính quyền miền Nam, “ngụy quân, ngụy quyền”, bọn diệt chủng Pol Pot, bọn bá quyền phương Bắc, các thế lực thù địch nước ngoài, các tổ chức Việt kiều “phản động”, các nước anh em Đông Âu và Liên Xô cũ, mãi dâm, ma túy, tài phiệt quốc tế, chiến hạm quanh Trường Sa, Phật giáo Thống nhất, Vatican, văn nghệ sĩ đối kháng, trí thức ngoài đảng, trí thức ly khai, cách mạng lão thành, diễn biến hòa bình, nông dân, tham nhũng và chống tham nhũng, báo chui, các hãng thông tấn ngoại quốc, máy Fax, E-mail, Internet cùng mọi phương tiện truyền thông hiện đại v.v…, và nguy nan nhất hiện nay là kẻ thù đảng viên theo chủ nghĩa cá nhân đang chiếm đa số tuyệt đối trong đảng.


Sự thay hình đổi dạng của các loại kẻ thù nói trên cũng làm thay đổi cả phòng tuyến chống đỡ của đảng. Từ phòng tuyến cả đảng kêu gọi toàn dân đánh Tây chống Mỹ, chuyển sang cả đảng theo dân bước vào kinh tế thị trường, rồi cả đảng kềm dân để độc quyền làm giàu, nay thu rút lại thành phòng tuyến của bộ chính trị đối đầu với toàn thể đảng viên của chính họ.


Xem ra, bộ ba Lương-Khải-Phiêu hoàn toàn không có khả năng thay máu cho cả đảng, trong khi võ khí đầu tiên và sau cùng là lá bùa Hồ Chí Minh đã mất thiêng từ lâu, từ phố Hàng Mã ra tới phố Bolsa. Vụ Trần Trường ở Nam California cũng phần nào mô tả hình ảnh đơn điệu ngược dòng của chính trị bộ CSVN ngày nay chăng?


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page