1999.04 – Kim Giờ Làm Khổ Kim Giây
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 19 min read

Tạm gác một bên những biểu đồ kinh tế tiếp tục tự do tụt dốc, thời sự Việt Nam đáng ghi nhận nhất trong tháng đầu năm Kỷ Mão là hai thất bại lớn:
Một là thí điểm Trần Trường ở Nam California, trong đó, vấn đề không treo được cờ máu ảnh Hồ chỉ là chuyện… nhỡ. Thất bại tầm cao ở đây, không kể các hệ quả khác về mặt dư luận quốc tế, chính là hậu quả gãy đổ chính sách kiều vận của Hà Nội nhắm vào cộng đồng và đặc biệt là giới trẻ hải ngoại, nguồn kỹ năng và tiềm lực canh tân của dân tộc Việt Nam.
Thất bại thứ nhì là vụ bắt giam Viện sĩ Địa vật lý Nguyễn Thanh Giang: Chưa bao giờ báo giới và chính giới quốc tế phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ như vậy. Tên tuổi ông Nguyễn Thanh Giang đã lấn át mất cả chuyến triều kiến Bắc Kinh của Lê Khả Phiêu lẫn hàng chục Hội Nghị các loại trong nước….
Ngang Tầm Với Độ Cao Chung
Tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi, từ ấy. Tháng Giêng Kỷ Mão, họa chăng, chỉ có thể là những ngày ăn chơi riêng lẻ của các thành viên phái đoàn khấu tấu Bắc Kinh. Đã không lâu, lại khó sâu, nếu căn cứ trên những nơi phái đoàn này từng đi qua như Chu Hải, Trung Sơn, Tứ Xuyên, so với cả Hoa Lục mênh mông. Nhưng dẫu sao, đó cũng là những giờ phút thư thả của dàn lãnh đạo Hà Nội, tách hẳn ra khỏi mớ ưu lo canh cánh về hai triệu đảng viên tham nhũng và phân hóa cùng cực trong một giai đoạn phải đối đầu trực diện với hơn bảy mươi triệu nhân dân bầm gan tím mật ở quê nhà.
So với mức độ quan hệ Việt-Trung trước đây, thì quả là chuyến triều kiến của Lê Khả Phiêu đã đạt một số bước đầu thắng lợi: 1) tái lập được quan hệ giữa hai đảng CS “sau một số năm trắc trở”; 2) ca tụng Bắc Kinh đã đạt thành tích “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc… làm cho uy tín của chủ nghĩa xã hội tăng lên”; 3) xác minh thêm định hướng Hà Nội quyết tâm học hỏi theo hướng cải cách “đậm đà bản sắc” …Tàu, và 4) cam kết trên giấy tờ về tiến trình giải quyết xung đột biên giới, lãnh hải giữa hai nước. Tuy nhiên, có ba mâu thuẫn bất cập vượt tầm đáng ghi nhận:
Một là sự khẳng định của Hà Nội không công nhận Đài Loan và “kiên quyết phản đối các nước có quan hệ chính phủ với Đài Loan”;
Hai là tự làm giảm sức cạnh tranh với mặt hàng và thị trường Trung Quốc; và
Ba là nỗ lực trang bị cho không và hải quân CSVN “lên tầm cao mới” bằng 12 chiến đấu oanh tạc cơ SU-27, hai khu trục hạm, và hai tiềm thủy đỉnh cũ mua từ Nga và Bắc Hàn, nhằm… bảo vệ Trường Sa.
Cũng thuộc diện đối ngoại, trong dịp đầu tháng Ba, kỷ niệm 80 năm phong trào Quốc Tế Cộng Sản ra đời, tổng kết thực tiễn của Hà Nội sau 10 năm lìa đời của phong trào này là sự liên lạc với các nước anh em cũ đã chuyển sang giai đoạn quan hệ thu hẹp và phức tạp trên các vấn đề Việt kiều hồi hương cũng như nạn mafia Việt Nam buôn lậu kinh khiếp tại các nước đó. Ngược lại, tình hữu nghị anh em cũng trở thành gánh nặng cho Hà Nội, đặc biệt là đối với Cuba và Bắc Hàn. Riêng mối quan hệ với Nam Tư cũng tạo thành vấn đề mới đối với Hoa Kỳ.
Đối với khối ASEAN, Hội nghị cấp bộ trưởng của khối này tại Hà Nội hồi giữa tháng Ba chỉ giúp mọi người hình dung ra một cận ảnh là: Trong lúc các quốc gia láng giềng đang vuột thoát ra khỏi cơn khủng hoảng tài chánh Đông Á thì định hướng kinh tế của Hà Nội đang đưa Việt Nam lọt vào vùng “mắt bão”. Giới kinh tế gia quốc tế hẳn có nhiều dữ kiện chính xác để ước đoán là hậu quả cơn bão này sẽ trực tiếp tác động mạnh mẽ lên toàn bộ xã hội Việt Nam vào nửa cuối năm nay, cũng “ở tầm cao mới”. Mặt khác, Việt Nam, Lào, Miến Điện và Cao Miên (trong tương lai) sẽ biến thành một trục phân hóa rõ rệt trong khối ASEAN, lại vừa có nguy cơ trở thành một “khu chế xuất” ma túy thuộc hàng nhất nhì thế giới.
Đối với Mỹ: Hoa Thịnh Đốn là cửa ngỏ để Hà Nội đi vào WTO và các định chế kinh tế quốc tế, đồng thời cũng là thế cân bằng đu dây với Bắc Kinh. Điều oái oăm là, nếu vịn theo lý luận của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương CSVN, thì sau hai cuộc chiến chống Mỹ và chống Tàu, đây là mối quan hệ đu dây phức tạp nhất của một kẻ thắng phải cùng lúc quỵ luỵ cả hai kẻ bại. Cái khó thứ nhất của Hà Nội là phải “vận dụng sáng tạo” để hù dọa kẻ bại này rằng sẽ sẵn sàng liếm gót kẻ bại kia. Cái khó thứ nhì là Đại sứ Lê Văn Bàng không chứng tỏ khả năng vượt quá giới hạn mò sò và được nhiều giới đánh giá thấp hơn cả Lãnh sự Nguyễn Xuân Phong. Riêng đối với Mỹ, người ta có thể nhận ra ngay là Hà Nội đang vướng phải một số mâu thuẫn bất cập vượt tầm khác:
Một là cung cách ứng xử với sứ quán Mỹ, coi đại sứ Peterson như một loại “thái thú” mới;
Hai là phản ứng bênh vực Iraq trước đây và hiện đang theo gót Bắc Kinh, kêu gọi cả Nam Vang cùng lên án NATO về vụ tấn công Nam Tư;
Ba là khó lòng kháng cáo những nhận định liên tục của Mỹ (và “Liên Hợp Quốc đàng sau Mỹ”?) về tình trạng chà đạp nhân quyền ở VN, căn cứ theo các văn bản của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và bản phúc trình 31 trang của Đặc sứ LHQ Abdelfattah Amor mới đây;
Bốn là quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều chỉ dấu gay go sau khi Mỹ phát giác bị mất cắp tài liệu vũ khí nguyên tử trong tháng Ba, và ngay sau khi Hoa Kỳ công bố dự án thực hiện một hệ thống hỏa tiễn phòng vệ đối đầu với mưu toan bành trướng sức mạnh quân sự của Tàu.
Nhìn chung, một số thời sự tháng qua cho thấy Hà Nội hoàn toàn thụ động trước những khó khăn đối phó phức tạp hơn nhiều so với thời mới gia nhập ASEAN; cũng khó khăn hơn về mặt hứa hẹn cải cách hạ tầng cơ sở kinh tế để vay thêm tiền hay xin thêm viện trợ. Những phản ứng thụ động này không chỉ phản ảnh tính bất lực của Hà Nội. Hệ quả trước mặt và lâu dài của nó còn phản ảnh một trọng tội kéo dài của đảng CSVN đối với cả dân tộc Việt Nam.
Sau Chớp Là Giông Bão
Nhà văn Y Ban đặt tựa đề này cho một truyện ngắn của ông, hoàn toàn không có ý định tiên tri nào về một viễn cảnh kinh tế trước mắt của Việt Nam. Nhưng nếu có được dùng thì cũng… không sai. Sau một thập niên “đổi mới”, mức độ tăng trưởng của Việt Nam đã được nhiều giới quan tâm đúc kết bằng bốn chữ: “Lên chậm Xuống nhanh”. Còn theo nhận định của giới “tư tưởng” ở Hà Nội thì là: “Đúng quy luật”.
Về mặt nội tình kinh tế trong nước: Kim ngạch ngoại thương giảm 15,2%. Xuất khẩu giảm 11.8%. Giám đốc kinh tế của WB tại Việt Nam Kazi Matin nhận định rằng trong lúc các quốc gia láng giềng của Việt Nam đang ở gần mức phục hồi thì Việt Nam chưa kịp xuống tận đáy của cơn khủng hoảng. Ngoại tệ dự trữ chỉ còn đủ để nhập cảng không quá vài tuần lễ. Phan Văn Khải báo cáo 30% các công ty quốc doanh bị thua lỗ trong năm 98. Khối quốc doanh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng kỹ thuật lỗi thời và quản lý ỷ lại, hiện hoàn toàn thiếu khả năng thích nghi với thị trường tự do, chưa nói tới kinh tế toàn cầu.
Trong Hội nghị Sơ kết Mô hình Tổng công ty Nhà nước (cả hai loại 90 và 91) vào ngày 1 và 2-3-99 tại Hà Nội, Phó thủ tướng CSVN Ngô Xuân Lộc đúc kết: “nhiều tổng công ty đã bộc lộ các mặt yếu kém như bộ máy hành chính nặng nề, số lượng công nhân dư thừa lớn, năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất cao, các chỉ tiêu hiệu quả giảm, vẫn còn hiện tượng bao cấp và kinh doanh độc quyền…”. Tuy vậy, khối quốc doanh lỗ lã và kiên quyết chống điều chỉnh tỷ giá hối suất của đồng bạc VN đó vẫn được coi là nền kinh tế chủ đạo cả nước, và các tổng công ty nhà nước vẫn được lãnh đạo CSVN kỳ vọng sẽ trở thành nền móng của những tập đoàn kinh tế vĩ đại theo kiểu Nam Hàn.
Trong khu vực ASEAN: Tỷ lệ đầu tư từ các nước trong vùng Đông Nam Á tiếp tục tuột giảm (đến tháng 3-99, thành phố Hà Nội mới nhận dự án đầu tiên của năm 99). Hàng loạt ngân hàng thuộc các nước láng giềng đã triệt thoái trong năm qua và còn nhiều ngân hàng khác đang trên đà chuẩn bị đào thoát. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN kỳ 6 tại Hà Nội là một thất bại lớn của nước chủ nhà. Mã Lai chính thức rời bỏ giếng dầu Đại Hùng (trên phần hùn 72.85% vốn khai thác). Tân Gia Ba cũng bỏ ngang một dự án 250 triệu USD xây dựng Khu chế xuất VSIP ở giai đoạn một.
Đối với Á châu: Dung Quất là một giải pháp khấu nợ cho Nga, khiến Nga trở thành nước có mức đầu tư cao nhất VN hiện nay. Giếng dầu Đại Hùng cũng đang nằm trong dự thảo trao quyền khai thác cho Nga trám vào chỗ Mã Lai vừa rút ra. Bên cạnh đập thủy điện 1920 megawatt Hòa Bình đã hoàn tất, nhà máy điện 4000 megawatt Sơn La hiện là một dự án khai thác của Nga, nhằm đánh đổi bằng các trang bị quân sự cho Hà Nội.
Dưới những áp suất đó, lãnh thổ tô giới Cam Ranh sẽ tiếp tục là một món hàng của Hà Nội. Hướng cải cách kinh tế của Bắc Kinh đã chính thức trở thành mô hình khuôn mẫu cho Hà Nội, dù điều kiện cải cách khác nhau rất xa. Nhật Bản vẫn là đích nhắm moi móc: Phan Văn Khải đang trên đường qua Đông Kinh vào cuối tháng 3 này để đăng ký xin một phần tiền trong chương trình Miyazawa Plan. Công ty Arabian Oil cũng chính thức đình động các giàn khoan tìm dầu trên thềm lục địa VN ở khu vực 05-3, với lý do là kém hiệu quả kinh tế.
Đối với Cộng Đồng Âu Châu: Vẫn phải tiếp tục xin khất nợ các Câu lạc bộ Paris và London. Hà Nội đã thấy khó mồi chài thêm các đại công ty Âu châu vào đầu tư. Một nỗ lực bên lề của Hà Nội là vận động cho Miến Điện được vào dự thính trong cuộc Hội nghị cấp Bộ trưởng của EU.
Đối với Mỹ và WTO: Quyết định của Hà Nội nhằm tăng thuế hàng nhập từ Mỹ, ngay giữa tiến trình đàm phán về một hiệp ước thương mại với Mỹ (được coi là bước đầu để tiến tới quy chế tối huệ quốc và vượt qua ngưỡng WTO), đã gây khá nhiều tranh luận về định hướng kinh tế của CSVN. Các công ty Mỹ đang trả giá cao cho quyết định nhào vô VN giành chỗ. Hãng Ford trám chỗ cho Chrysler, hiện chỉ hoạt động chưa tới 5% công suất. Các công ty P&G, Caltex, Colgate-Palmolive, Pepsi Cola và Coca Cola đã đấu tranh chật vật để chuyển sang lối hoạt động 100% vốn. Chưa có bất kỳ một công ty Mỹ nào báo cáo có lời kể từ năm 94 tới nay.
Lý Quang Diệu chỉ trích nặng nề chính sách “phục kích doanh nhân ngoại quốc” của CSVN. Buổi hội thảo đầu tư ngày 25-3 tại Hà Nội được giới đầu tư đánh giá là chỉ thêm một cuộc triển lãm nước bọt của nhà nước, một vài tay có óc hài hước cho rằng đó là loại thuốc Viagra… giả mạo. Đại sứ Peterson bày tỏ sự thất vọng là “không thể hiểu nổi” Hà Nội.
Nhìn chung, định hướng kinh tế 1999 của Hà Nội, mệnh danh là “huy động nhiều nguồn vốn đa dạng”, thực chất sẽ là một chuỗi nỗ lực khất nợ, ăn xin ngoại quốc và ăn cắp tài nguyên quốc gia qua việc bán tháo bán đổ các công ty trong nước, nhân danh “cổ phần hóa quốc doanh” trong những tháng tới. Loại nỗ lực này sẽ không có chút hiệu quả nào để chống đỡ mức tác động của cơn bão rớt tài chánh lên trên xã hội Việt Nam vào nửa cuối năm nay. Sau chớp là giông bão. Nạn nhân trực tiếp của các nỗ lực đó, vẫn chỉ là dân. Nhà thơ Phạm Khải đã mô tả bằng mấy vần thơ thực tế:
“Kim giờ làm khổ kim giây.
Đảng lê nửa bước, dân quay trăm vòng”.
Khi Vỡ Ra Cạnh Nào Cũng Sắc
Thời sự tháng qua, nếu mô tả theo một tứ thơ của thi sĩ Nguyễn Minh Khiêm trong nước, chẳng khác nào một tảng đá bị đập vụn: “Khi vỡ ra thì cạnh nào cũng sắc”. Tin tức trừ các nguồn thông tấn quốc tế và cả báo Nhân Dân cho thấy chưa lúc nào Hà Nội nhốn nháo trước hàng loạt áp suất nhiều mặt như hiện nay, bao gồm mọi góc cạnh kinh tế qua tới xã hội, chính trị:
Từ doanh nhân ngoại quốc: Tiếp theo nỗ lực đối phó với nạn quan liêu cửa quyền tham nhũng và thay đổi luật xoành xoạch tại VN, doanh nhân ngoại quốc lại phải đương đầu với chính sách “hai giá”, chế độ tuyển người, trả lương nhân viên bằng USD, và tình trạng tròng chéo của sắc thuế VAT mới áp dụng từ đầu năm nay. Trước những lời dọa rút lui, Phan Văn Khải lại phải hội thảo “đối thoại” theo kiểu từng làm hồi đầu năm ngoái, để chính thức năn nỉ doanh nhân ngoại quốc.
Từ các định chế quốc tế: Cơ quan Moody vừa mới tái đánh giá tình trạng trả nợ của Hà Nội quá độ từ độ “ổn định” xuống mức “tiêu cực”. Giới kinh tế dự đoán là chỉ số tăng trưởng của VN không vượt quá 3% trong năm 99. ADB nhận định rằng hệ thống tài chánh của VN là một quả bom nổ chậm. IMF và các câu lạc bộ tài chánh Âu châu tiếp tục đòi hỏi công khai hóa ngân sách và tiến trình sử dụng các khoản viện trợ lẫn cho vay.
Từ giới truyền thông thế giới: Tin mật trước và trong khi các hội nghị trung ương hay của chính trị bộ CSVN diễn ra đã được hải ngoại nắm bắt nhanh nhất, qua các ngỏ ngách thông tin khác nhau. Sau Hội nghị BCH/TƯĐ kỳ 6 lần 2, Hà Nội phải đảo ngược những dự kiến thay đổi nhân sự (mà giới truyền thông ngoại quốc bình luận rằng nguyên nhân là vì Hà Nội không đạt được sự nhất trí ở cấp trung ương). Đầu tháng Ba, Đào Duy Quát đã chính thức lên án các hãng thông tấn ngoại quốc loan tin thất thiệt về lãnh đạo VN. Lượng tin tức về giới đối kháng tại VN, qua các hãng tin nước ngoài, cũng nhanh chóng và đầy đủ hơn so với những năm trước.
Riêng trường hợp CSVN bắt giam Viện sĩ Địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, thì chỉ nội trong vòng 3 ngày sau khi Liên Minh Việt Nam Tự Do công bố Bản Thông Cáo Báo Chí về vụ này, đã có 82 bài báo, bản tin trên khắp các thành phố lớn của Hoa Kỳ viết về tác giả quyển Nhân Quyền: Khát Vọng Ngàn Đời. Ký giả Mark McDonald của nhật báo San Jose Mercury News trích lời nhận xét của giới ngoại giao Tây phương tại Hà Nội rằng ông Nguyễn Thanh Giang đã trở thành tiêu điểm trên màn ảnh “ra-đa” của mọi người. Ngay sau đó, bên cạnh hàng chục bản lên tiếng của nhiều dân biểu, nghị sĩ trên thế giới và các tổ chức quốc tế, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã chính thức khuyến cáo mạnh mẽ nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho ông Nguyễn Thanh Giang. Trong bức thư hồi âm cho Dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ Edward Royce, đề ngày 20-3-99, Đại sứ Peterson nhấn mạnh: “Tôi đã bảo (nhà cầm quyền) Việt Nam ở đây rằng trường hợp (bắt giam) này có tiềm thế làm tụt giảm mối quan hệ ngoại giao của Hà Nội, không chỉ với (Hoa Kỳ) chúng ta, mà còn với các quốc gia phát triển khác”….
Từ giới đảng viên ly khai: Hội nghị BCH/TƯĐ/CSVN kỳ 5 hoàn toàn là để đối phó với hệ quả của vụ Thái Bình và các cá nhân Trần Độ, Hoàng Minh Chính. Nghị quyết “Quay về Bản sắc Dân tộc” biến thành một hài kịch mà cả đảng đều muốn núp sau cánh gà. Nhịp độ bài viết chống lãnh đạo và các cáo trạng gia tăng nhanh hơn bao giờ hết. Cũng vào đầu tháng 3-99, Đào Duy Quát đã chính thức báo động với toàn thể đảng viên CSVN về mối liên kết chặt chẽ giữa giới đối kháng trong nước với các “thế lực thù địch” ở nước ngoài. Giới đối kháng trong nước lại có ảnh hưởng quá lớn đối với thành phần cựu chiến binh từng giữ chức năng gạch nối với nông dân.
Vụ trả thẻ đảng có tác dụng dây chuyền trong giới cựu chiến binh. Các “thế lực thù địch” lại đang trên đà liên kết trực tiếp với hàng ngũ cựu chiến binh này. Hà Nội không chận nổi hệ thống thông tin công khai và bán công khai đang phanh phui tình trạng đa đầu lãnh đạo chống đa nguyên ngay trong chính trị bộ. Sau khi khai trừ ông Trần Độ, quyết định đơn phương của một vài ủy viên chính trị bộ về việc bắt giam ông Nguyễn Thanh Giang và ba vị cao tăng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Quảng Ngãi đã làm gia tăng sức chống đối từ cả bên ngoài lẫn bên trong VN. Cả hai trường hợp này đều có những yếu tố phức tạp dây chuyền khác hẳn thời CSVN quản chế ông Nguyễn Hộ hay nhà thơ Bùi Minh Quốc. Nguy hại ở tầm cao nhất, hai quyết định này càng khiến các ủy viên chính trị bộ xa rời nhau hơn.
Từ quảng đại quần chúng: Nạn đói xảy ra cho khoảng 1 triệu rưỡi dân ở Quảng Trị Quảng Bình ra tới Thanh Hóa, và cho tổng cộng 2 triệu 3 trăm ngàn người trên toàn cõi Việt Nam, bắt đầu có tác động vào đầu tháng 3-99, có thể trở thành mầm loạn trong những ngày tháng tới. Trong khi hàng loạt cựu chiến binh đang chống đảng, thì tổng số 41 triệu dân trong nước sinh sau tháng 4-75 không có nhiều liên hệ “hào quang” từ các cuộc chiến trước đây và không bị ràng buộc trung thành với đảng, đang tạo thành một tỷ lệ cực kỳ đáng ngại.
Vụ Trần Trường ở phố Bolsa càng hạ thấp giá trị cần nâng của Hồ và đảng, đáng nói hơn, là một biểu hiện thất bại của toàn bộ hệ sứ quán của Hà Nội ở nước ngoài. Hội đồng Thị xã Westminster, nơi xảy ra vụ Trần Trường, vừa mới ra một Nghị Quyết với tỷ số đồng thuận 5/0, và do Thị trưởng Frank Fry ký tên, đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ chấm dứt tức khắc mọi quan hệ bang giao với Hà Nội và đưa các lãnh tụ CSVN ra tòa xử về các tội ác chống nhân loại. Còn ngay trong nước, qua bài viết Chia Vui Với Bác Trần Độ, tác giả Hà Sĩ Phu đã vạch trần bản chất ký sinh của đảng CSVN. Nói nôm na theo kiểu cán bộ hạ tầng có thể hiểu thì đó là sự xuống cấp của chủ nghĩa thực dụng biến thành chủ nghĩa sán-sơ-mít, gây thành một sức tác động rộng khắp mà Ban Văn Hóa Tư Tưởng không tài nào ngăn chận nổi.
Mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội hiện nay là củng cố cơ sở đảng, bỏ mặc sự leo thang các tệ nạn xã hội trong nước, kể cả tình trạng thất nghiệp và các hệ quả khó lường của nó theo kiểu Nam Dương. Khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục nhân rộng. Phó tiến sĩ Đặng Trọng Khánh thừa nhận nông nghiệp Việt Nam “Vẫn còn một khoảng cách nhất định để đạt đến giới hạn an toàn lương thực”. Nông dân chiếm tỷ lệ ba phần tư dân số, vẫn chỉ được hứa hẹn nhưng không thấy nỗ lực giải quyết khiếu kiện dân sinh dân quyền của họ.
Dựa vào định hướng xã hội chủ nghĩa, báo Nhân Dân ngày 10-3-99 hồ hởi loan tin tựa lớn “Phụ nữ Quảng Bình giúp nhau ổn định đời sống”, và ngày 12-3-99 lại loan tin “Nông dân cả nước giúp nhau 27,84 tỷ đồng”. Ngược lại, theo báo Công An ngày 22-3-99, tại xã Lâm Kiết, tỉnh Sóc Trăng, các bà Văn Mỹ Đào, Dương Thị Sai và Lê Thị Cam là ba nạn nhân trong số các nông dân bị bắt giam, bỏ đói nhiều ngày về tội thiếu tiền nộp trước thuế nông nghiệp. Riêng bà Văn Mỹ Đào đã phải vay nợ với phân lời 389% một năm để đóng thuế chuộc chồng (ở tù thay cho bà và các con bị bắt).
Bên cạnh đó, sắc thuế trị giá gia tăng VAT đang là một gánh nặng mới cho toàn dân. Phản ứng của Hà Nội cho đốt pháo Tết là một hình thức che đậy thất bại ròng rã suốt cả năm trước. Đảng viên các cấp đua nhau lễ bái, nhập cốt, lên đồng, đến mức nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã báo động hiện tượng “lại gạo” trên tạp chí Tia Sáng. Các tổ chức tôn giáo đang ngầm đẩy mạnh nỗ lực vận động trong quảng đại quần chúng. Ngày nay, khi mà nhân dân và cả đảng viên đã thôi tin đảng thì sẽ tin vào các ý niệm thiêng liêng nhiều hơn, từ đó, các tổ chức tôn giáo cũng sẽ huy động quần chúng dễ hơn,
Theo số lượng thông tin trong tháng 3-99, ảnh hưởng của Vatican đang có chiều hướng thuận lợi. Cao Đài đã xây cất thánh thất tại Sài Gòn. Hòa Hảo đang tự phục hoạt tại nhiều địa phương ở miền Tây. Phản ứng lùi bước của Hà Nội là cho bầu cử Trưởng ấp (ở Phụng Hiệp – Cần Thơ) và Tổ trưởng Dân phố (ở phường 2 và phường 11 Quận 3 – Sài Gòn) bằng phiếu kín, với tỷ lệ đề bạt của chi bộ đảng thấp hơn trước khá nhiều.
Nhìn chung, những áp suất sắc cạnh nhiều mặt nói trên đã dồn dàn lãnh đạo Hà Nội vào thế không còn cớ nhân danh bất kỳ một điều cao quý khó tin nào để trả lời những đòi hỏi thực tiễn cụ thể của nhân dân Việt Nam cho chính tương lai của Việt Nam.
Ý Nghĩa Sống Còn
Tháng 3-99 ở Việt Nam là tháng của Hội Nghị. Từ Phụ nữ đến Khoa giáo. Từ Công tác Tư tưởng Toàn quốc đến Công tác Dân vận Toàn quốc. Từ Ủy ban Kiểm tra toàn quốc đến Hội nghị Nội chính Toàn quốc v.v…. Quan trọng nhất, từ Hội nghị Ban chấp hành Hội Nông dân đến Hội nghị Cán bộ Bảo vệ Chính trị Nội bộ. Căn cứ vào các bản tin báo Nhân Dân ca ngợi những bước đầu thắng lợi đạt được trong hàng tá hội nghị nói trên, liên kết với các bài tham luận trên tạp chí Cộng Sản tháng qua, người ta thấy ra điều gì trong nội bộ đảng?
Thứ nhất, ở cấp Hạ và Trung tầng: Theo Đỗ Mười, qua tiểu luận “Bài Học Từ Thái Bình”, chung quy có hai đặc điểm nổi cộm trong đảng hiện nay, “không chỉ là nguy cơ trong dự báo mà đã là một hiểm họa trên thực tế”:
Một là tách rời dân và
Hai là mất đoàn kết nội bộ.
Cũng trên TCCS, trong bài viết “Để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, ủy viên TƯ Trần Quang Nhiếp đã thú nhận: “những hiện tượng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân là có thật và khá nghiêm trọng ở nhiều nơi”, để sau đó, khẩn thiết kêu gọi: “đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên phải thực sự đoàn kết, thống nhất”. Dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng 3-3-99, LKPhiêu đã ban huấn từ cho bộ đội phải: “giữ vững đoàn kết, củng cố nội bộ”. Ngay ở mặt kinh tế, trong Hội nghị Sơ kết Hoạt động các Tổng công ty Nhà nước ngày 1-3-99 tại Hà Nội, PVKhải cũng “nhắc nhở các tổng công ty phải xây dựng nội bộ thật sự đoàn kết”. Tình trạng đảng viên lũ lượt lễ bái thờ tự tại các đền miếu bị công kích nặng nề, vì lý do là được đánh giá “đặt niềm tin ngoài đảng”.
Thứ nhì, ở cấp Thượng tầng, có vài điểm đáng ghi nhận:
Một là quyền lực của dàn cố vấn đã giảm, nhưng LKPhiêu vẫn chưa đủ uy tín để chiếm được vị trí đầu tàu (vẫn phải dựa vào Khải và lúng túng đối phó với tướng Trần Độ, hay xử lý Phạm Thế Duyệt và Ngô Xuân Lộc), trong khi đó, các bộ bên chính phủ không dính liền hoạt động với nhau (hố nặng vụ thẩm vấn bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi từ Mỹ về VN giảng dạy khoa thông mạch tim).
Hai là Chính trị bộ mất thế áp đặt, còn TƯĐ không thể nhất trí phương cách thay đổi về cả mặt chính sách (triệt tiêu kinh tế quân đội, cổ phần hóa quốc doanh, cân bằng chi thu và chận đứng đà tụt dốc đầu tư ngoại quốc), lẫn mặt nhân sự (ở cấp bộ trưởng bên chính phủ hay cấp ủy viên chính trị bộ bên đảng). Biểu hiện của điều này là những dự trù thay đổi nhân sự trước khi vào hội nghị kỳ 6 lần 2 đã không thành.
Ba là các tài phiệt đỏ cỡ Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng chưa chắc đã chịu ngồi yên ở vị trí hiện tại.
Bốn là cả chính trị bộ phải cùng quay lại hô hào chống tham nhũng quan liêu, thực chất là tự chống nhau và trực diện đối phó với đại bộ phận đảng viên đã thoát ly ra khỏi sức kiểm soát của thượng tầng, bằng một chiến dịch về xây dựng đảng ở tầm vóc quy mô.
Nhìn chung, đây là lần đầu tiên, nghị quyết TƯĐ thú nhận là có “nhược điểm nội bộ”. Cả hai cao độ mới về tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở hạ-trung tầng và không nhất trí ở thượng tầng là những dấu hiệu rã đảng về mặt tinh thần. Tình trạng thi đua tham nhũng cửa quyền bất cần nghị quyết và bất khả đối phó, khiến lãnh đạo lên án đảng viên là kẻ thù, cũng có thể coi là những dấu hiệu rã đảng về mặt sinh hoạt. Hai cánh chính phủ và quân đội, nhân danh kinh tế thị trường và nhân danh định hướng XHCN để tiếp tục kình chống giành nhau các địa bàn kinh tế, cũng là một hình thái rã đảng về mặt giềng mối. Đảng lại không có bất kỳ một thành tích kinh tế nào để tuyên truyền. Lại không còn một điểm tựa tư tưởng nào để gắn liền đảng viên với nhau và với lãnh đạo.
Trong Hội nghị Công tác Tư tưởng Văn hóa ngày 8-10-3-99 tại Hà Nội, Phạm Thế Duyệt thú nhận rằng Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương “vẫn còn bị động trước một số diễn biến tư tưởng”. So với các triều đại Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười thì đây là giai đoạn phân liệt nguy kịch nhất của đảng CSVN. Trong Hội nghị Cán bộ Bảo vệ Chính Trị Nội bộ Toàn quốc ngày 8 và 9-3-99 tại Hà Nội, Phó trưởng ban thường trực Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ Trung Ương Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh: “Phải xác định vấn đề bảo vệ đảng trong lúc này có ý nghĩa sống còn của đảng và của chế độ”.
Định hướng của Hà Nội hiện giờ, theo ưu tiên hy vọng từ thấp tới cao và từ thường trực đến cấp bách, chính là:
Rập khuôn cải cách kinh tế nông nghiệp lẫn trù dập đối kháng của Trung Quốc và cầu cạnh ăn xin tất cả các nước còn lại.
Ngăn chận mức tụt dốc đầu tư ngoại quốc và tận thu thuế.
Gắn liền đảng với dân.
Gắn liền đảng viên với lãnh đạo.
Gắn liền lãnh đạo với nhau.
Tổng kết các lời chúc nhau trong nước vào dịp Tết Kỷ Mão, chung quy chỉ có hai:
Dân Chúc Nhau Thoát Nghèo. Đảng Chúc Nhau Thoát Hiểm.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comentarios