1999.05 – Ngựa Thồ Xe Muối
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 15 min read

Thời sự ít được để ý nhất trong tháng là một mẩu tin 3 dòng trên báo Nhân Dân, về buổi tưởng niệm 92 năm ngày sinh Lê Duẩn, được tổ chức trong vòng thân mật tại thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Tiếp đó là một mẩu tin khác, về buổi tưởng niệm 109 năm ngày sinh Lê-nin, được tổ chức cũng thân mật không kém tại viện Triết học Hà Nội, với một vài phong bì trao tặng cho các diễn giả hiếm hoi nghiên cứu về tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” ra đời từ 90 năm trước. Còn mớ thời sự trong tháng không hề liên hệ đến họ Lê, ra sao?
Xẻ Chia Thất Bại
Theo hãng thông tấn Itar-Tass, qua buổi phỏng vấn Đệ nhất phó thủ tướng Nga Vadim Gusto, sau chuyến viếng thăm Việt Nam, thì việc khất nợ Liên Xô cũ không phải là một chuyện dễ dàng của lãnh đạo Hà Nội. Hệ quả của nó là Hà Nội không dễ vay được thêm nợ mới nhằm bù đắp cho tình trạng kiệt ngân. Nói theo báo Nhân Dân là không dễ “huy động được các nguồn vốn từ nhiều phía”.
Trong chuyến công du Nhật Bản và Úc Đại Lợi hồi giữa tháng 4, Phan Văn Khải đã trực diện với quá nhiều áp suất. Về mặt kinh tế, quy chế tối huệ quốc của Nhật không phải là một thành công như báo Nhân Dân ca tụng trong tinh thần tuyên truyền thành quả cho lãnh tụ. Nguợc lại, đó là một thua thiệt lớn cho Việt Nam khi so số lượng và các mặt hàng xuất nhập với Nhật.
Về mặt khất thực, việc đăng ký chia phần trong chương trình vay tiền viện trợ Miyazawa không được suôn sẻ như mong muốn. Về mặt uy tín, Phan Văn Khải không đạt được mục tiêu thi đua vay thêm nhiều nợ để vượt qua bức màn thiên la địa võng tài chánh của thái thượng hoàng Võ Văn Kiệt. Về mặt dư luận, Khải và phái đoàn được đánh giá thấp trong tuyên bố ở Nhật về dự kiến những khó khăn chồng chất mà Việt Nam không có khả năng giải quyết trong năm 1999, và ngay sau đó lại bị người Việt lột tung mặt nạ đảng trị ngay giữa quốc hội Úc.
Sau cơn tuột dốc gia tốc về mức đầu tư ngoại quốc, thì ngoài Nghị định 13-1999/NĐ-CP nhằm “Tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nước ngoài”, Hà Nội đã tức tốc ban hành những quy chế nâng cấp ưu đãi cho doanh nhân ngoại quốc, bằng hệ thống một giá, quy chế tuyển mộ và trả lương công nhân viên liên doanh, hạ giá thuê đất và chi phí doanh thương v.v….
Hãng thông tấn AP còn trích dẫn lời hứa hẹn ngọt ngào của Bộ trưởng Ngoại giao Hà Nội Nguyễn Mạnh Cầm rằng: “Chúng tôi sẽ chia xẻ với quý vị cả những thành công lẫn Thất Bại”. Bằng tính mẫn cảm vào ý nghĩa của sự chia xẻ thất bại, qua kinh nghiệm thực tiễn rút tỉa từ nhiều năm nay về sở trường này của Hà Nội, giới doanh gia ngoại quốc đã phản ứng ngay tức khắc. Đại diện doanh nghiệp Đức Clemens Burkart cho rằng biện pháp giảm giá đó không khuyến khích được một ai, khi mà pháp luật Việt Nam không minh bạch và ổn định, cũng như hệ thống hành chánh thư lại của Việt Nam vẫn chỉ dốc sức làm một công việc duy nhất là thi đua đục khoét họ.
Ông Shuzo Kawashima, Tổng giám đốc công ty Fujitsu, nhận định rằng nhà nước Việt Nam không thực tâm cải thiện để tạo sức cạnh tranh trong môi trường đầu tư tại đây. Báo Đầu Tư, số ra ngày 30-3-99, còn nhấn mạnh sự phàn nàn của giới đầu tư ngoại quốc về các yếu tố khác: “Một số vướng mắc về thủ tục hải quan, cơ chế hoạt động của ngân hàng, những chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu, khả năng chuyển đổi giữa các hình thức liên doanh liên kết, hợp đồng hợp tác kinh doanh, việc chống hàng giả, hàng lậu…”.
Hệ quả tất yếu là Hà Nội vẫn không ngăn chận nổi tình trạng triệt thoái của doanh nhân ngoại quốc. Gần nhất và tạo nhiều ảnh hưởng dây chuyền là công ty khai thác dầu thô Broken Hill (BHP) của Úc, ngay sau khi Phan Văn Khải kết thúc chuyến công du sang Úc. Đây là công ty dầu lửa thứ ba rút khỏi Việt Nam trong vòng một tháng. Một công ty khác của Úc, hãng Telstra Corp., cũng trong dịp Phan Văn Khải công du Úc châu, thông báo là phải đình chỉ việc ký kết dự án hợp tác lên tới 360 triệu USD với Tổng công ty Bưu điện-Viễn thông Việt Nam. Giám đốc hãng này, ông Daryll Smith thú nhận rằng đây là một thất bại, sau khi “chúng tôi đã cháy tay ở Nam Dương”.
Thớt Trên Mòn Thớt Dưới Cũng Mòn
Theo lượng giá chính thức của Ngân hàng Phát Triển Á Châu thì mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 1998 là 4.0% thay vì 5.8% như Hà Nội loan báo. Định chế tài chánh quốc tế này còn lượng định thêm là mức độ tăng trưởng đó sẽ tụt xuống còn 3.7% trong năm nay.
Nội trong quý một, mặc cho các biện pháp giảm giá, công ty thép Thái Nguyên bị tồn đọng trong kho 20 ngàn tấn thép đã tôi. Trong lúc công ty Xi Măng Việt Nam bị tồn đọng 40 ngàn tấn xi măng và 80 ngàn tấn clinker. Cũng trong quý một, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 2tỷ USD, tức bị giảm mất 11.8% so với cùng kỳ năm ngoái vốn đã tuột thấp hơn năm 1997. Các mặt hàng xuất khẩu bị giảm thấp so với quý một của năm 98 gồm có: gạo, 41,1%; trà, 28,8%; hạt điều, 34%; và đậu phộng, tụt mất 78,9%.
Về mặt sản xuất trong nước, thống kê mới nhất cho biết 80% tổng lượng xe đạp trong nước mang nhãn hiệu Thái Lan và Trung Quốc. Ngay cả 20% còn lại cũng đã được ráp bằng phân nửa phụ tùng nhập cảng. Theo báo cáo của Vũ Ngọc Sơn, giám đốc hãng vận tải đường biển Việt Nam, thì công ty này chỉ vận chuyển non 11% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu ra vào Việt Nam, lại đang khốn quẩn trước tình hình cạnh tranh gay gắt với các đại công ty trong vùng, có thể đưa tới một tương lai đen tối, nên buộc phải kêu gọi sự trợ giúp bao cấp của nhà nước. Cùng lúc, 461 hãng sản xuất bia của Việt Nam đồng nhất trí báo cáo là phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu làm bia từ Nhật, Úc và Âu châu, trong khi đang đối diện với tình trạng tự nguyện đóng cửa trong cuộc chạy đua với bia ngoại trên thị trường Việt Nam. Theo Asia Pulse thì giới có tiền ở Việt Nam tiêu thụ bình quân 8 triệu rưỡi lít bia mỗi năm.
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, thì các ngành viễn thông, dầu khí, điện lực, hàng không… cần thêm ít nhất là nửa tỷ USD để đầu tư trong năm nay, nhưng “chưa xác định được nguồn vay”. Một trong những biện pháp của Hà Nội nhằm vét túi dân là phát hành trái phiếu Việt Nam trị giá bằng… đô-la Mỹ.
Cây Cảnh Hay Con Cảnh?
Về mặt thời sự đối ngoại, ngoài việc trao tặng nữ đại sứ CuBa T.M. Delgado huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”, một phái đoàn Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Việt Nam, do Phạm Thanh Ngân cầm đầu, cũng đã sang triều kiến Bắc Kinh, nhằm đánh giá cao lẫn nhau với hy vọng “tăng cường hợp tác phát triển quân đội hai nước”. Về phía nhà nước thì một phái đoàn khác, do Trần Xuân Giá cầm đầu, đã sang Monaco tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chánh các nước… nói tiếng Pháp. Điểm ghi nhận bên lề là Giá có 2 thông dịch viên đi kèm, và trong các cuộc tiếp xúc riêng, Giá chỉ xin… tiền Mỹ.
Một thành quả đối ngoại đáng kể khác là công an Việt Nam đã bắn hạ kẻ bắt cóc để giải thoát cho một em bé 6 tháng tên là Torahiko Sugimoto, con của một gia đình nhân viên thuộc Quỹ Hợp Tác Kinh Tế Hải Ngoại của Nhật Bản, ngay trong lúc hai phái đoàn thanh tra của ADB và của chương trình Miyazawa đang làm công tác rà soát tại Hà Nội. Mới biết công an CSVN có khá nhiều cách lập công sáng tạo, từ chuyện dàn cảnh bắn bỏ mẹ mìn cho tới chuyện bắt giam không cần tội danh một nhà địa vật lý học nổi tiếng ở Việt Nam.
Cũng trong diện đối ngoại, tháng 4-99 là cao điểm của Hà Nội mở loa bênh vực cho nhà độc tài đương quyền cai trị Nam Tư. Mọi cơ quan truyền thông của đảng đều tập trung vào sự bày tỏ sự “phẫn nộ” đối với NATO, lên án Hoa Kỳ muốn “nắm vai trò sen đầm quốc tế thời kỳ sau chiến tranh lạnh, thực hiện bá quyền về quân sự ở Âu châu và thế giới”. Các tổ chức quần chúng của đảng đã được huy động nhiệt liệt tham gia phong trào này. Từ hội Nông dân cho tới hội Kiến trúc sư. Từ Tổng liên đoàn Lao động cho chí hội Liên hiệp Thanh niên, vân vân…. Trong đó, đáng chú ý nhất là Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam cũng long trọng lên tiếng ngày 22-4-99, cực lực bảo vệ Milosovic. Dĩ nhiên, Hội này không hề có ý ám chỉ các nhà độc tài là những… sinh vật cảnh.
Thi Thả Chim
Chủ tịch Cộng Đồng Âu Châu, trong buổi họp với các bộ trưởng tài chánh Á Châu hồi cuối tháng 3-99, đã phát biểu rằng hai yếu chính quyết định sự phục hồi nền tài chánh các nước Á Châu là: Dân Chủ và Pháp Trị. Tổng trưởng ngoại giao Đức Joschka Fischer còn khai triển thêm rằng: “Bài học chính từ cuộc khủng hoảng tài chánh Á Châu vừa qua là sự cần thiết một nền cai trị tốt đẹp dựa trên căn bản Nhân quyền, Phân lập giữa quyền lực với chức năng dân chủ pháp trị và cơ cấu hành chánh”.
Qua loạt bài phân tích mang tựa đề Dân Chủ Và Khủng Hoảng, đăng trên tạp chí Asiaweek hồi đầu tháng 4-99, tác giả Amartya Sen, cũng là người vừa mới lãnh giải thưởng Nobel Kinh tế 1998, đã nhấn mạnh rằng “Sự kiện quan trọng nhất xảy ra trong thế kỷ 20 là trào lưu dân chủ hóa”, với kết quả trong vùng là đã tạo ra một Giá Trị Á Châu mới, bao gồm các yếu tố Mở cửa, Hợp tác và Trách nhiệm. Bên cạnh đó, nhà kinh tế chiến lược Francis Fukuyama cũng cho rằng các nước Á châu không thể nào làm khác hơn là phải thích ứng với trào lưu Dân chủ hóa chính trị và Thị trường hóa kinh tế. Theo ông, biến động ở Nam Dương hay Mã Lai, và ngay cả những áp suất mới tại Trung Quốc cũng là những phản ảnh của trào lưu đó.
Bài nhận định ngày 14-4-99 trên tờ Toronto Star, nhân dịp Chu Dung Cơ ghé Gia Nã Đại, đã kết luận rằng: “Giống như châu Âu, cái mà Á châu cần là sự ổn định và phát triển, chứ không phải quân phiệt hay độc tài”. Còn theo ông You Jong Keun, cố vấn của Tổng thống Nam Hàn, thì giới lãnh đạo Á châu đã bị du vào một cuộc khủng hoảng lớn vì chưa thoát ra khỏi một số ý niệm lỗi thời, không ý thức được tầm quan trọng của Dân chủ Pháp trị. Theo nhận định từ trong nước, qua bài phân tích mới nhất trong tháng của cán bộ Văn hóa-Tư tưởng Trần Xuân Trường, thì Việt Nam không thể “chỉ hô khẩu hiệu không thôi”. Còn trong buổi phỏng vấn của Reuters vào đầu tháng 4-99, Hòa Thượng Quảng Độ chỉ xác nhận ngắn gọn:
“Họ (lãnh đạo Hà Nội) không ý thức ra nổi các ý niệm tự do, dân chủ và hạnh phúc”.
Trong khi đó, theo Đỗ Quý Hưng, Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo ở Hà Nội, thì “Chính sách văn hóa đối với tôn giáo”, theo tinh thần minh họa nghị quyết Hội nghị Trung ương kỳ 5 khóa 8, là nhằm “chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu”. Còn trên thực tế là cả hai hội nghị kỳ 6 của Ban chấp hành TƯĐ/CSVN đều nhằm để đối phó với giới đối kháng và nông dân Việt Nam.
Tiếp theo, Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 3 nhấn mạnh về việc thông qua dự án “Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp”, do liên bộ tư pháp, công an, quốc phòng, ngoại giao và văn phòng chính phủ hợp soạn, để chuẩn bị hợp thức hóa trong kỳ họp tháng 5 của quốc hội Hà Nội. Ngay sau phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa nói, đương kim Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lại Văn Cừ được chính thức thay thế bằng Đoàn Mạnh Giao, cánh tay trái của Võ Văn Kiệt trong triều đại trước. Không một nhà báo nào thực sự biết rõ lý do.
Một tuần sau, vào ngày 8-4-99, Ủy Ban VH-GD Thanh thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội Hà Nội đã tổ chức phối hợp với Hội Nhà Báo Việt Nam để lấy ý kiến của các đại diện báo chí trong nước về việc sửa đổi Luật Báo Chí. Tất nhiên, vẫn như thường lệ, kết quả nhất trí của cuộc tổng hợp ý kiến là: “Việc sửa đổi, bổ xung lần này phải thể hiện được quan điểm của Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và Chỉ thị 22 của Bộ Chính Trị…”. Và cũng tất nhiên, không một báo nào dám nêu ý kiến (phê hay tự phê) về kết quả tổng hợp này.
Tờ Tuổi Trẻ ngày 7-4-99 loan tin rằng tại Việt Nam, sở công an thành phố Sài Gòn đang vận động nhà nước trung ương, tức là đảng, để kiểm soát toàn bộ mạng lưới thông tin Internet. Đồng thời, đòi hỏi đẩy mạnh tiến trình đổi tên 288 đường phố ở Sài Gòn một lần nữa. Mười ngày sau đó, báo Tuổi Trẻ lại đưa tin là Phan Văn Khải đã ban hành một quy chế “Tổ chức, huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp Tự Nguyện Của Nhân Dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn”.
Được biết các khoản Tự Nguyện đóng góp này đặt căn bản trên sự “nhất trí của đa số chủ hộ”, bao gồm cả hiện kim, hiện vật hoặc ngày công lao động quy thành tiền của nhân dân. Còn theo báo Tin Tức thì ngay sau đó, nhân dân thủ đô đang nô nức vận động nhau tham dự lễ hội “Thi Thả Chim”, dự trù tổ chức tại cầu Thê Húc, vào ngày 16-5 sắp tới. Không ai dám khẳng định rằng lễ hội thả chim đó là nhằm để mừng sinh nhật thứ 109 của Hồ Chí Minh, hay để kỷ niệm 40 năm Ngày mở đường mòn Hồ Chí Minh, cũng là Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Lộn Trái Túi Quần
Theo thống kê trung ương của Hà Nội, dân số Việt Nam là 25 triệu vào năm 1955, đã tăng lên mức 75 triệu vào năm 1995. Tức là gia tăng gấp ba lần trong vòng 40 năm. Theo thống kê ngoại thương thì Việt Nam đứng hàng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo và cà phê. Còn theo thống kê riêng của bộ Lao Động – Thương Binh – Xã Hội, thì đến cuối năm 1997, tỷ lệ đói nghèo cả nước là 20,4%, tức là cứ trong 5 hộ có một hộ đói nghèo. Đặc biệt, bình luận về chương trình Xóa Đói Giảm Nghèo trên toàn quốc, báo Nhân Dân ngày 22-4-99 đã đánh giá ghi bằng một tựa lớn in đậm, rằng: “Độ bền của chương trình XĐGN mang tính nhân bản sâu sắc”! Cũng theo bộ Lao Động này thì hiện Việt Nam chỉ mới sử dụng 50% tiềm lực lao động, với tổng số người thất nghiệp gia tăng chồng thêm một triệu mỗi năm.
Trong khi đó, song song với những thông tin hồ hởi về thành quả khám phá vụ biển thủ EPCO-Minh Phụng lên tới 280 triệu USD, hay tiến trình đầu tư 120 triệu USD cho “Khu Vui Chơi Giải Trí” Sài Gòn, hoặc nhà nước hùn 60% vốn xây dựng “Tổ Hợp Vui Chơi Giải Trí Hồ Tây”, báo Nhân Dân cũng đã chính thức và long trọng báo động đỏ về tình trạng “Đói giáp hạt trầm trọng” ở Khu Tư.
Theo đó, bài báo mô tả là ở Nghệ An, tức là quê hương của họ Hồ, tính tới cuối tháng 3-99 đã có 370.000 người thiếu đói và 1 triệu người thiếu nước uống, “Đến bụi cũng không có mà bay…. Trên các thửa ruộng không hề thấy có bóng người”. Đậu Xuân Hoài, chủ tịch xã Diễn Lâm, báo cáo là trong số 2378 hộ của xã đã có “600 hộ đứt bữa hoàn toàn, 900 hộ đứt bữa nhưng khả năng lo ăn được cho đến tháng 6”. Báo Tiền Phong cũng cực lực báo động tình trạng sông hồ ở Thanh Hóa đang nằm ở “mực nước chết”.
Còn ở những chỗ có bóng người? CSVN đang phát động một chiến dịch vận động quy mô, thí điểm đầu tiên là Sài Gòn, nhằm đẩy mạnh việc uốn nắn thanh niên trong nước bằng cách khuyến khích đọc, viết và thuyết trình về những quyển sách mà chính trị bộ CSVN mệnh danh là “Ngọn lửa tuổi trẻ”. Chẳng hạn như quyển Hòn Đất của Anh Đức, Mẫn Và Tôi của Phan Tứ, Sống Như Anh (Trỗi) của Trần Đình Vân, Thép Đã Tôi Thế Đấy của Nicolai Ostrovski, v.v…. Chỉ thiếu quyển Đứt Bữa của tác giả Ba Miền. Được biết thêm, chiến dịch này khởi sự sau khi nhà nước công bố bản thống kê chính thức cho biết diện bia ôm đã chiếm lĩnh ba phần tư tổng số các cửa hàng ăn uống ở Sài Gòn, và cũng sau cả sự kết thúc mỹ mãn bảy Chương trình Ca nhạc Thời trang liên tục tại đây.
Có người tự hỏi động cơ đưa tới chiến dịch vận động quy mô đó do đâu mà có? Hãy cùng thử xét một phản ảnh điển hình trong bài phóng sự Thanh Niên Chống Đảng, đăng trên báo The Salt Lake Tribune ngày 29-3-99, ghi nhận nhiều đặc tính của thanh niên Việt Nam ngày nay. Điểm ghi nhận quan trọng và có tính cốt lõi nhất là: Không một ai tin vào chủ nghĩa cộng sản.
Bài báo kết thúc bằng lời nhận xét về giới trẻ trong nước của bà Khuất Thu Hồng, một nhà nghiên cứu ngành xã hội trong nước, rằng: “Họ có học hơn, thông minh hơn, và có nhiều cơ hội hơn. Họ sẽ làm được nhiều việc tốt hơn là thế hệ chúng tôi”. Lại có kẻ hỏi thêm: Thế hệ nào?
Theo lời tường thuật qua bài “Viva Cuba!” của Hồng Vinh, chủ nhiệm báo Nhân Dân, thì nhân chuyến viếng thăm CuBa hồi đầu tháng 4, phái đoàn Việt Nam đã nhiệt liệt “Cảm ơn CuBa với tấm lòng quốc tế vô sản trong sáng giúp đỡ Việt Nam đào tạo cán bộ nhiều ngành, hôm nay họ đang đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà Nước”.
Cũng trên báo Nhân Dân, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng xác nhận về cái thế hệ cằn cỗi thô bạo và rất quan trọng đó là: “Nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí còn nhiều, có nơi trầm trọng, làm giảm lòng tin của nhân dân, xem thường kỳ cương phép nước”. Và cũng chính cái thế hệ này đang ưu tư tột cùng về những thế hệ trẻ (cả trong lẫn ngoài nước) đang phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương dẹp bỏ lãnh đạo cộng sản, bằng trí tuệ và kỹ năng thăng tiến nhiều mặt của họ.
Theo nhà thơ Thanh Thảo, qua bài Trước Thế Kỷ 21, mọi thứ đều
“cứ phơi ra như lộn trái túi quần”.
Còn theo giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, trong một bài viết đăng trên tạp chí Tia Sáng hồi giữa tháng 4-99, thì đó là hậu quả của việc sử dụng loại
“ngựa thường, kéo xe muối”.
Ông cho rằng không thể nào khác được, bởi cái nết của nó là
“chỉ biết cúi đầu gọi dạ bảo vâng, bảo dừng thì dừng lâu, bảo đi thì đi chậm”.
Ông Vượng không hề có lời nào chê trách lãnh đạo đảng quá sức ngu tối. Ông chỉ thuật lại lời Nguyễn Trải khẳng định nước ta thực là một nước văn hiến. Sau đó, ông luận tiếp rằng: “Văn là văn hóa, văn minh, do toàn dân tạo lập. Nhưng phải có hiến là hiền tài để dìu dắt nhân dân”. Diễn theo ngôn từ dân dã thì rõ là: Đừng ai mong mỏi mập mờ tiếm công lấp tội thêm nữa, bởi, cái hay chính là do toàn dân tạo lập, còn cái dỡ là do đảng trù dập trí thức, nhân tài.
Cũng theo nhà thơ Thanh Thảo, điều mọi người nhận chân ra là:
“Ta đi qua những rung chuyển vô hình, không máy gì ghi được”.
Có ai đồng cảm được không? Một bài báo Asiaweek vào giữa tháng 4-99 đã bình quyển sách Bóng và Gió của Robert Templer tương đối khá cẩn thận. Bài báo kết luận rằng tác giả Templer đã trình bày một cách thuyết phục vì sao và thế nào mà lãnh đạo đảng CSVN đang mất dần quyền lực tại Việt Nam.
Còn theo Hòa Thượng Quảng Độ, để kết thúc buổi phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters nói trên, Ngài cho rằng:
“Sau 74 năm hiện hữu, Liên Bang Xô Viết sụp đổ chỉ trong 3 ngày. Đó là niềm hy vọng của chúng tôi”.
Chúng tôi đây có nghĩa là đại khối dân tộc Việt Nam. Còn niềm hy vọng đó hẳn phải là những thang thuốc bồi bổ cho nghị lực đấu tranh tạo ra những rung chuyển vô hình không bộ máy nào ngăn nổi.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments