1999.07 – Ngả Tư Đời Đèn Đỏ
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 23 min read

Thời sự tháng Sáu, ở trung tâm guồng máy quyền lực CSVN, có thể được đánh giá là một tháng nhàn rỗi. Trần Đức Lương ký gửi một loạt thư khen thưởng những người nghèo hiến đất cất trường, xong, đi tham quan Vạn Tượng. Lê Khả Phiêu đưa vợ đi dạo Biển Hồ. Phan Văn Khải đi Hải Phòng. Võ Văn Kiệt thăm cố quán Bạc Liêu, và Phạm Thế Duyệt về sinh hoạt với tỉnh ủy Thái Bình. Ngược lại, mớ tin kinh tế cho thấy đó là một tháng Sáu sôi động, với những dự kiến của giới kinh tế tài chánh về nhiều loại tai ách sắp sửa bủa chụp xuống đất nước Việt Nam, vào giai đoạn gượng dậy của các nước Đông Nam Á sau cơn khủng hoảng tài chánh 2 năm qua. Đối diện với những tai họa thấy trước đó, xã hội Việt Nam trong định hướng bất cập của đảng cộng sản xứ này cũng có chiều hướng đối diện với những bất ổn định, như nhà thơ Ngô Văn Phú ghi nhận trong bài Trận Địa Mới:
Mảnh đất của làng chưa dứt bão
Dù đã im bom, vẫn chiến trường!
Nhất Quyết Thi Đua Đi Xuống
Thông tấn Reuters hồi đầu tháng 6-99 đưa tin: Những hứa hẹn dầu thô của Việt Nam đã trở thành quá khứ mờ nhạt. Lời hứa của Phan Văn Khải hồi tháng 7-98, về việc chỉ thị cho bộ Kế hoạch Đầu tư và Tổng công ty Dầu khí VN hợp tác đẩy mạnh vấn đề tìm kiếm giải pháp cho ngành dầu hỏa VN đã thành lời hứa cuội. Một năm sau đó, những công ty còn bám chút hy vọng đã hoàn toàn tuyệt vọng. Trong năm 98, VN bơm khỏi lòng giếng một tổng lượng 12,6 triệu tấn dần thô và đặt chỉ tiêu cho năm 99 là 14,5 triệu tấn.
Cũng trong năm 98, Hà Nội hình thành một phương cách mới là JOC, những công ty liên hợp để thay thế cho phương cách cứng nhắc cũ xưa từ thời hợp tác với Liên Xô là PSC, tạm dịch là Khế ước xẻ chia sản phẩm. Conoco là hãng dầu duy nhất của Mỹ thử nghiệm mô hình JOC mới này, trong khi hầu hết các công ty khác đều chối bỏ. Không chỉ bỏ cả mô hình cũ lẫn mới, mà bỏ luôn khế ước khai thác dầu hỏa tại VN. Đó là những đại công ty Broken Hill Proprietary, British Gas, LASMO, Occidental Petrolium, Telstra Corp., Texaco, và Total. Kể cả những công ty cắc ké như Malaysia’s Petrolium Nasional cũng vẫy tay từ giả Đại Hùng. Riêng hãng Exxon đã quyết định xé bỏ giao kèo vào tháng Tám năm nay.
Ian Cross, Giám đốc khu vực Á Châu Thái Bình Dương của hãng IHS Energy Group cho rằng: “VN đã thực sự thất bại trong nỗ lực cố tạo sinh khí”. Một doanh nhân đầu tư ngoại quốc khác phát biểu rằng: “Số lượng dự án ký kết bùng lên trong giai đoạn 88-92, nhưng đã xìu xuống từ bấy, và các hoạt động khoan giếng thăm dò hiện nay đang nằm ở mực độ thấp nhất trong nhiều năm qua”. Đâu thua gì những sinh hoạt khác của Hà Nội, ngoại trừ tham nhũng!
Steward Hall, ngân khố trưởng của ngân hàng Hương Cảng Standard Chartered Band ở Việt Nam nhận định rằng: “Theo cảm nhận của riêng tôi thì chẳng có gì khắm khá hơn ở đây, kinh tế vẫn tiếp tục đi xuống, xuất khẩu đang ốm nặng….Thương vụ khắp nơi trì chậm, và chẳng có công ty nào nhập cảng món gì. Với sức gượng dậy của khu vực, doanh nhân ngoại quốc tốt hơn đã chọn Thái Lan”.
Trên một bài phân tích của Dean Yates, do thông tấn Reuters loan tải ngày 2 tháng 6, tác giả đã lặp lại nhận định đã từng được nhiều báo khác đăng tải, rằng mức tăng trưởng của VN trong năm nay không thể vượt quá 3%, so với 5.8% của năm ngoái. Sau chuyến nghiên cứu thị trường 12 ngày quanh vùng Đông Nam Á, William Holland, Chủ tịch và Ủy viên chấp hành của đại công ty United Dominion kết luận rằng: “Việt Nam là nơi khó lòng làm ăn được gì và điều này có thể kéo dài trong cả thập niên tới… Hiện tại, đây không phải là nơi hấp dẫn cả du lịch hay đầu tư”.
Còn báo cáo trong nước? Ngày 3-6, Nghị quyết về phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 5-1999 đã đúc kết là trong 5 tháng đầu năm nay: “nhiều ngành sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, chưa có nhiều chuyển biến tích cực, những biện pháp khắc phục đã được đề ra nhưng việc triển khai còn chậm và không triệt để, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiếp tục giảm sút”.
Cũng vào ngày 3-6-1999, tại Đông Kinh, Phó Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Tương Lai Châu Á đã khẳng định: “Tác động khá sâu đậm của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ đó còn kéo dài, nhất là về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, vì 70% thị trường xuất khẩu của Việt Nam và 70% đầu tư nước ngoài là từ khu vực châu Á. Những tác động tiêu cực này sẽ làm gay gắt thêm những mặt yếu kém của nền kinh tế, dẫn tới sự giảm sút tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam”. Nói cách khác, tương lai VN khá mờ mịt dưới định hướng XHCN. Trong diễn văn bế mạc phiên họp các đảng biểu CSVN kỳ 5 khóa 10, Nông Đức Mạnh đã thẳng thắn khẳng quyết lần nữa: “Tình hình kinh tế – xã hội trong mấy tháng qua cũng bộc lộ rõ nét những mặt yếu kém và có chiều hướng diễn biến khó khăn, phức tạp hơn”.
Ngày 21-6, Phan Văn Khải được thường vụ Thành ủy, thường trực HĐND, UBND của thành phố Hà Nội báo cáo: “Sáu tháng qua, so với tiềm năng, Hà Nội còn có nhiều hạn chế, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong một số ngành trọng điểm như điện – điện tử, cơ khí, sản xuất thiết bị máy móc, dụng cụ chính xác, sản xuất máy thu hình và thiết bị thông tin… Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng chậm. Sức mua giảm”….
Ngày 25-6, Phan Văn Khải lại được thành ủy Hải Phòng báo cáo: “Kinh tế thành phố phát triển không đồng đều, có xu hướng chậm lại, hiệu quả kinh tế giảm. Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, vẫn đang là khâu yếu. Nhiều sản phẩm bị thu hẹp, sức tiêu thụ hàng hóa có xu hướng giảm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vẫn nhỏ; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm”….
Mỗi Ngày Một Xa Thêm
Trên thực tế, theo báo Hà Nội Mới ngày 7 tháng 6, thị trường xe hơi của VN vẫn còn quá nhỏ và không có chiều hướng phát triển, khiến các công ty lắp ráp xe hơi tại VN bị đưa vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Hãng xe Ford của Mỹ báo cáo lỗ 5 triệu rưỡi đô la, bởi chỉ lắp ráp được 66 chiếc trên tổng số dự trù 700 chiếc cho năm 1998. Công ty liên doanh Cans Alipack chỉ bán được 2,6 triệu lon kim loại trên tổng số dự trù 12 triệu lon cho năm 98. Trên toàn tỉnh Hải Dương cho tới nay có cả thảy 30 dự án đầu tư ngoại quốc, nhưng mới đây đã có 7 dự án bị hủy bỏ, 1 dự án được dời lại hai năm, và chỉ có 13 dự án đi vào hoạt động, phần lớn là thua lỗ. Ford và Alipack là 2 trong các công ty đó.
Hãng hàng không VN đã chính thức cắt bỏ đường bay sang Mạc Tư Khoa. Ngược lại, theo tin AFP, hãng hàng không Nga Aeroflot chỉ “duy trì hai chuyến bay thẳng hàng tuần giữa Hà Nội và Mátxcơva vào các ngày thứ Tư và thứ Sáu; giữa Sài Gòn và Mátxcơva vào thứ Hai hàng tuần”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đúc kết là 41 công ty đường tại VN đã sản xuất tổng cộng 752.000 tấn đường trong mùa mía 98-99. Trong đó, số lượng tồn kho không bán được lên tới 353.000 tấn.
Theo báo Lao Động, nhà máy sản xuất sữa chua Ngự Bình (thuộc Nhà máy bia Huế) với tổng chi phí đầu tư 10 tỉ đồng chính thức hoạt động từ tháng 1-97 và đến tháng 7-98 (sau 18 tháng) thì ngừng hoạt động với số tiền lỗ là 731 triệu đồng. Kết quả kiểm sát của Viện KSND Thừa Thiên-Huế mới đây cho thấy nhà máy bia Huế đã có “những vi phạm pháp luật nghiêm trọng”: hợp đồng với cá nhân không có tư cách pháp nhân để xây dựng cơ bản. Tờ báo không nêu rõ ai là người không có tư cách pháp nhân mà lại có quyền ký hợp đồng.
Theo tờ Thời Báo Kinh Tế, sau nhiều tháng thua lỗ liên tục, đến tháng 5-1999, Công ty gang thép Thái Nguyên đã được hưởng những chính sách bao cấp đặc biệt của nhà nước như: khoanh nợ tồn kho thép và gang (87 tỷ 175 triệu đồng), dãn nợ đầu tư từ 5-6 năm lên 8-10 năm, giảm lãi suất vay đầu tư từ 1,1% xuống 0,81%/tháng. Công ty đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức, cắt giảm lao động trên dây chuyền sản xuất.
Hiện Tổng công ty thép VN đang cùng Tổng công ty dệt may VN và Tổng công ty da giày VN xúc tiến hai dự án xây dựng nhà máy may và da giày tại thành phố Thái Nguyên để thu hút hàng vạn lao động dôi thừa từ Công ty gang thép Thái Nguyên chuyển sang. Cùng lúc đó, tờ Nhân Dân chính thức loan tin tựa lớn “Ngành than tạm ngừng sản xuất”. Tính đến nay, toàn Tổng công ty tồn đọng khoảng 4 triệu tấn than, nhưng ưu tiên giải quyết là nhắm vào 5,2 vạn lượt người lao động (trong tổng số 6,6 vạn thợ mỏ) phải nghỉ việc, bằng cách đưa công nhân đi “trồng rừng, xử lý vấn đề môi trường”. Chỉ đặc biệt 1.300 lao động ngành than được chuyển sang học nghề may, chuẩn bị đổi việc sang Công ty liên doanh may Bái Tử Long và sẽ có thêm 1.200 lao động tiếp tục được đào tạo nghề sản xuất giày cho Công ty liên doanh giày Sơn Long.
Số công nhân được giữ lại tại mỏ chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ mỏ, duy tu và bảo dưỡng thiết bị. Theo định hướng XHCN, hai ngành thép và than được coi là những công nghệ hàng đầu của chủ nghĩa. Công nhân của hai ngành này cũng từng được tô vẽ thành một loại giai cấp tiên tiến từng được hưởng nhiều ưu đãi của chế độ. Xem ra, nay đã khác. Từ máy cán thép sang máy may bóp đầm chỉ là một khoảng cách ngắn. Đến mức Tế Hanh cũng phải làm thơ ngậm ngùi về sự chọn lựa tai ương:
“Nếu anh đi bên phải,
Đường đời chắc đã gặp em.
Nhưng anh lại đi bên trái,
Mỗi ngày một xa thêm”.
Bao Giờ Cho Tới Tháng Mười?
Đại sứ Đức tại Hà Nội Wolfgang Erck, cũng là chủ tịch Tổ chức Cộng Đồng Âu Châu tại VN, đã tuyên bố ngày 10-6-1999 rằng EU sẽ cắt giảm viện trợ nếu VN không đẩy mạnh nỗ lực đổi mới kinh tế chính trị. Bản tin Reuters ngày 13-6 còn nói rõ hơn về tình trạng thất vọng của “các nhà tài trợ lớn” về sự ù lỳ của CSVN. Bản tin dẫn lời của một nhà ngoại giao Tây phương: “Năm nào cũng y vậy. Họ nói hân hoan chào đón viện trợ, thì chúng tôi phải hỏi chuyện đổi mới ra sao? Họ trả lời tất nhiên, thì chúng tôi lại phải hỏi bao giờ?”. Andrew Steer, Giám đốc WB tại Việt Nam, đã than phiền rằng: “Chúng tôi gặp nhau hồi năm ngoái khi mà mọi người cùng lo lắng. Ngày hôm nay, tình trạng còn nguy kịch hơn cả năm rồi”.
Bài báo của ký giả Anya Schiffrin do hãng thông tấn AP loan đi ngày 14-6 cho biết thêm nhiều chi tiết: Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) vừa phúc trình rằng 40% tổng số viện trợ cho VN đã bị lãng phí. Nhà báo Lâm Chí Công của tờ Lao Động từng đặt một câu hỏi không thấy ai trong nước trả lời: “Tiền Chạy Về Đâu?”. Vỡ ra, theo bản phúc trình 78 trang mới nhất này, thì trong 1,7 triệu USD viện trợ riêng cho tỉnh Quảng Bình nghèo nhất VN, cán bộ tỉnh đã trả 2000USD cho 1 máy vi tính đáng giá 600USD; dùng xe của UNDP cho mọi chuyến di chuyển không giải thích; trả 60.000USD cho khóa học Anh ngữ ở Hà Nội mà không đậu được chứng chỉ cuối khóa; dùng 290.000USD để đi ngoại quốc không rõ mục đích; dùng tiền mặt cần kíp không chứng minh; và trả lố mất 54.000USD cho những nhà thầu phụ.
Viên đại sứ Đức nói trên không hề nói giỡn. Việc cắt giảm viện trợ không phải chỉ là lời đe như bộ chính trị Hà Nội dọa suông đảng viên của họ. Chứng cớ?
Ngày 27-5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư CSVN Trần Xuân Giá đã phải hứa hẹn lần nữa với “các nhà tài trợ lớn” cho Việt Nam về việc cam kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn viện trợ phát triển ODA. Ngày 14-6, Bộ Tài chính ra Thông tư số 73-1999/TT-BTC, thay thế Thông tư số 100/TC/TCT ngày 3-12-1993, quy định giá biểu thu lệ phí cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện thường trú của tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam là 1 triệu đồng (72USD)/giấy phép. Trước đây, giá biểu chính thức cao hơn hàng chục lần. Dĩ nhiên, đó là tỷ lệ so trên văn bản chiêu mãi. Dù vậy, so với mức độ đầu tư ngoại quốc hồi năm ngoái đã tuột dốc thảm hại, mức đầu tư của 5 tháng đầu năm nay lại tuột thêm 45%.
Trong hai ngày 14 và 15-6, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Hội nghị Giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Hội nghị quan trọng này diễn ra tại Hải Phòng, với sự tham dự của 120 đại biểu từ các nước và các tổ chức viện trợ. Tại đây, Phó thủ tướng CSVN Nguyễn Mạnh Cầm khẳng định Hà Nội đặt “quyết tâm rất cao nhằm vượt qua khó khăn, thử thách”, đồng thời, quảng cáo với các đại biểu dự hội nghị về Luật đất đai và Luật doanh nghiệp vừa được sửa đổi, nhằm “tạo môi trường ngày càng thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh”. Đi ngược lại lời phát biểu nói trên, giới đầu tư ngoại quốc tỏ ngay phản ứng bất bình về việc Hà Nội cố ý không thu hồi đạo luật bắt buộc các doanh nghiệp ngoại quốc phải thu dụng nhân viên qua các cơ quan tuyển mộ của Hà Nội.
Theo tờ Thời Báo Tài Chính trong nước, trong thời gian tới, do điều kiện nguồn vốn hết sức khó khăn, giải pháp của Bộ Giao thông vận tải là chỉ tập trung công sức vào các công trình tu sửa đường xá thực sự cấp bách. Đây chỉ là một trong những mẩu tin minh chứng ngân sách cả nước đã kiệt. Và đương nhiên, rất cần ngoại tệ. Chỉ không muốn làm gì thôi!
Cũng ngay trong hội nghị nói trên tại Hải Phòng, các nhà tài trợ lớn đã không dấu sự chán chường: “Có nhiều chứng cớ cho thấy khu vực quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế èo uột này”. Họ chờ đợi Hà Nội đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa quốc doanh. Rõ ràng giới tài trợ và doanh nhân ngoại quốc không nắm vững những vướng mắc của đảng viên CSVN.
Theo bài phóng sự “Cổ Phần Hóa… Vì sao chưa nhân rộng?” của tác giả Băng Châu thì:
Vướng mắc đầu tiên vẫn tập trung ở việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp.
Vướng mắc thứ hai là tài chính công nợ: 90% số doanh nghiệp đều có nợ khó đòi mà con nợ “chưa chết”. Và chẳng có cách gì để lấy lại nợ.
Vướng mắc thứ ba là sau khi cổ phần hóa, phải thanh toán cổ tức cho các cổ đông (trong đó có nhà nước), sau đó mới được chia làm ba quỹ, cho nên quỹ phúc lợi và khen thưởng bị giảm.
Vướng mắc quan trọng nhất là cán bộ, viên chức nhà nước lo rằng sau này công ty cổ phần phát triển, có thể tỷ lệ cổ phần nhà nước thu hẹp, cổ phần ngoài doanh nghiệp tăng cao. Quản trị viên trong hội đồng quản trị lúc đó là những nhà đầu tư mới thì viên chức nhà nước sẽ giải quyết ra sao?
Bán Gạo, Xin Gì?
Trong hai ngày 11 và 12-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sơ kết sản lượng lúa Đông Xuân cả nước đạt khoảng 13,9 triệu tấn, tăng khoảng 300 nghìn tấn so vụ Đông Xuân trước và cao nhất từ trước đến nay. Riêng tháng 5-99, các đơn vị tham gia xuất, nhập khẩu của bộ này đạt tổng giá trị kim ngạch hơn 143 triệu USD. Nội tỉnh Long An trong 5 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu gần 150.000 tấn gạo các loại. Cũng trong 5 tháng qua, Cần Thơ xuất khẩu được 273.711 tấn gạo, trong đó xuất khẩu trực tiếp 221.853 tấn, tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo Tuổi Trẻ, từ đầu năm đến nay, gạo Việt Nam tìm được bốn thị trường mới là Áo, Do Thái, các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Tây Ban Nha. Tính đến cuối tháng Năm, các doanh nghiệp trong cả nước đã xuất khẩu được 1,7 triệu tấn gạo. Trong đó riêng tháng Năm xuất khẩu được 570.000 tấn, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Trong khi các thống kê xuất khẩu gạo được đăng trên trang nhất các báo trong nước, thì vào chiều ngày 16-6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Tài chính CSVN Lê Thị Băng Tâm đã ký biên bản tiếp nhận 25.000 tấn lúa mì (trị giá 3 triệu USD) của Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho nhà nước Việt Nam. Được biết, số lúa mì viện trợ có tính chất nhân đạo này sẽ được: 1) bán, 2) chuyển thành tiền, 3) tài trợ cho các dự án xóa đói giảm nghèo. Việc thực hiện chắc chắn sẽ diễn ra nhanh chóng ở hai bước đầu, và có thể sẽ không bao giờ đến bước thứ ba.
Theo tuần san AsiaWeek ngày 11-6 loan tin, bất kể kỷ lục xuất cảng gạo đứng hàng thứ nhì thế giới, nhà nước VN đã thống kê ra 2,3 triệu người đang bị đứng trước nạn đói ảnh hưởng 15 trên tổng số 61 tỉnh cả nước. Trong đó, 1.3 triệu người đói gay gắt. Sài Gòn là thủ đô kinh tế của cả VN, mà theo báo Tuổi Trẻ thì hiện nay, thành phố còn gần 99.000 hộ nghèo, chiếm 11,82% tổng hộ dân; có 55-303 phường xã trong thành phố được xác định là nghèo, trong đó có 12 xã phường có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 40% hộ dân, 22 xã phường có tỷ lệ 20-40%. Những nơi này đều chưa đủ sáu công trình hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm y tế, nước sinh hoạt và chợ).
Trong khi đó, vào tối 30-5, tại Nhà thi đấu thể thao TP Nha Trang đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các thành phố biển Việt Nam. Đồng thời, báo Nhân Dân cũng long trọng loan tin: Thêm một khách sạn năm sao tại Hà Nội. Đó là khách sạn Hilton Opera Hanoi chính thức tổ chức lễ khai trương tại Hà Nội ngày 15-6. Khách sạn có 269 phòng và một phòng đặc biệt sang trọng, bốn nhà hàng ăn, một hội trường 500 chỗ ngồi, sáu phòng họp, phòng thể dục, bể bơi và bãi đỗ xe ngầm.
Rường Cột Nước Nhà
Tháng Sáu là tháng kỷ niệm 88 năm ngày Hồ Chí Minh lên làm bồi tàu, ra đi từ bến Nhà Rồng, tìm đường đưa đất nước VN vào hoàn cảnh hiện nay. 21-6 cũng là ngày kỷ niệm tờ báo đầu tiên thời tiền thân của đảng Cộng Sản Đông Dương là tờ Thanh Niên, ra đời tại trụ sở của Hội Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng ở 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lenin ở Việt Nam trong những năm 1925-1930. Ngay trên những trang đầu tiên đó, tổng biên tập Hồ Chí Minh đã viết: “Gương Cách mạng Tháng Mười Nga chẳng những là có quan hệ với dân Nam,… với tất cả các dân tộc bị đè nén và giai cấp bị áp bức…, mà đã được nhiều điều kinh nghiệm để làm gương cho chúng ta bắt chước. Cách mạng Nga như đã đắp đường cho chúng ta cứ đường ấy mà đi, và có Lenin. Ông ấy tài năng đã giỏi, đạo đức lại cao, chẳng những là một người lính cách mạng nước Nga mà lại còn biết đem dùng cho cách mạng toàn thế giới, cho nên những dân tộc bị áp bức ai cũng kính ông, như cha, như thầy”. Mới rõ, Tố Hữu chỉ là học trò hạng hai.
Tháng Sáu cũng là “Tháng hành động phòng chống ma túy”, với cao điểm thực hiện từ 1-6 đến 30-6. Theo thông tấn xã nhà nước, trong 6 tháng qua, các vụ sử dụng ma túy phát hiện được đã gia tăng 25%, cùng lúc, số can phạm bị bắt cũng gia tăng 12%. Quả là một sự trùng hợp có ý nghĩa: Tháng Sáu lại cũng là Tháng Hành Động Vì Trẻ Em. Ngoài cuộc thi “Búp Bê Xinh Hè 1999”, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Phó Thủ tướng CSVN Phạm Gia Khiêm cùng Bộ trưởng Chủ nhiệm ủy ban Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em Trần Thị Thanh Thanh đã trao 80 suất quà tặng 80 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Được biết, tổng số thiếu nhi thuộc diện búp bê không thể xinh hiện chiếm non 1-3 dân số cả nước.
Mặt khác, tổ chức ECPAT của Úc (hoạt động nhắm mục tiêu chấm dứt nạn mãi dâm trẻ em) vừa loan báo kết quả khảo cứu rằng: Tại Việt Nam, 1-3 tổng số gái mãi dâm là dưới 16 tuổi, và đang là đích nhắm của giới du khách dục tình. Cũng theo phúc trình này, có nhiều bằng chứng tại Hội An đã xảy ra những vụ mua dâm của du khách quốc tế phái nữ đối với các bé trai Việt Nam dưới tuổi thành niên. Không ra ngoài phạm trù này, một phúc trình khác của Ủy ban Phòng chống Liệt kháng cho biết: Tổng số bệnh nhân nhiễm khuẩn HIV và AIDS sẽ gia tăng từ con số 13.500 hiện thời lên tới 80.000 vào cuối năm nay, và nhân rộng thành 200.000 vào cuối năm tới.
Cũng nhân ngày thiếu nhi, Lê Khả Phiêu đã mở buổi sinh hoạt với các văn nghệ sĩ và nhà báo viết cho trẻ em tại trụ sở báo Nhi Đồng, Hà Nội. Theo Lê Khả Phiêu, “Các nhà văn, nhà báo phải chú ý cung cấp nhiều hơn nữa các món ăn tinh thần cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Trong các món ăn đó, cũng cần thiết phải đề cập tới những căn bệnh đang tồn tại trong xã hội hiện nay như: quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xử sai người, sai tội, tham nhũng… nhưng vấn đề là ở chỗ các nhà văn, nhà báo sẽ nói với các cháu thiếu niên nhi đồng như thế nào để các cháu hiểu đúng chế độ ta”.
Trên thực tế, chỉ cần duy nhất yếu tố tham nhũng là đủ. Và thật ra, cũng chẳng cần nhà báo phải nói, các cháu thiếu niên nhi đồng cũng đã quá thấu đáo về hệ quả của chế độ, qua những thùng đánh giày và các xấp vé số.
Khoảng Giữa Sơn Ca & Thiên Nga
Báo Nhân Dân điện tử vừa mới đi tin tựa lớn: “Hội nghị sáu nước tiểu vùng Mê Công” (nguyên văn). Theo đó, vừa qua, tại Thái Lan đã diễn ra hội nghị về dự án phát triển kinh tế “hành lang đông-tây” trong khuôn khổ chương trình hợp tác sáu nước tiểu vùng Mê Công (GMS) với sự tham dự của đại diện Căm Bốt, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản cùng đại điện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
Theo bài Xã luận trên báo Nhân Dân: “Ngày 21-6, Chủ tịch nước CHXHCNVN Trần Đức Lương thăm hữu nghị chính thức Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào. Đây là cuộc gặp cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng phấn đấu đưa quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, có hiệu quả cả về chiều rộng lẫn bề sâu, hướng tới thế kỷ 21”.
Được biết, cả hai nước hiện đều có tên trong bảng sắp hạng các quốc gia lạc hậu nghèo đói hàng đầu trên thế giới vào cuối thế kỷ 20. Ngày 21-6 cũng là ngày kỷ niệm truyền thống báo chí VN. Bài xã luận nói trên rõ ràng đánh dấu tính chất trước sau như một của truyền thống mông lung trên dàn báo tuyên truyền của đảng CSVN. Bản tin về các “nước tiểu” nói trên càng cho thấy truyền thống dùng chữ chính xác của giới làm báo đảng.
Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật báo chí một lần nữa khẳng định: Củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành được phân công quản lý báo chí. Sau đó, vào ngày 1-6, Phan Văn Khải đã ra quyết định nêu rõ: “Ngoài kinh phí tài trợ, đặt hàng, trợ giá hằng năm, trong hai năm 1999-2000, Nhà nước tài trợ cho các văn nghệ sĩ, nhà báo thông qua các hội văn học-nghệ thuật-báo chí khoảng 10 tỷ đồng/năm”…. Đây cũng là một truyền thống khác của nền báo đảng: Đặt hàng và Trợ giá.
Bản tin AP ngày 7-6-99 trích dẫn nhật báo Hưng Yên cùng ngày, loan rằng Bộ Chính Trị quyết định cấm tiệt mọi đảng viên phát biểu không theo đúng nghị quyết của đảng, kể cả việc kiến nghị hay cáo trạng chống tham nhũng. Cả hai sự kiện vừa nói có thể hỗ trợ thiết thực cho những phân tích nồng nàn của ký giả Chu Thượng trên tờ Lao Động ngày 20-6: “đội ngũ các nhà báo VN hiện có trên 9.500 người, biên chế hòm hòm một sư đoàn. Dẫu có đôi ba trường hợp yếu đuối thì thuỷ chung 74 năm nay vẫn là một đoàn quân tiên phong trăm trận trăm thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và bởi vậy, tự thấy yếu đã là mạnh lên”.
Theo Hồ Dzếnh: “Có hai tiếng hát thánh thót nhất, đó là tiếng chim sơn ca hót trước bình minh và tiếng con thiên nga hót trước khi nhắm mắt lìa đời”. Không ai biết khoảng giữa là con gì. Chỉ biết, khoảng giữa đó ắt phải là thời hót đảng. Có thể nào hiểu thêm thâm ý Chu Thượng: Tự thấy hèn đã là dũng cảm? Trước khi nhắm mắt lìa đời?
Đèn Đỏ Như Cờ
Xét tin thời sự tháng qua, về mặt đối ngoại, Hà Nội đã liên tục té ngã:
Một là, trong suốt hai tháng qua, CSVN đã huy động nhiều đoàn thể ngoại vi của đảng trong nước lên tiếng ủng hộ Tổng thống Nam Tư Milosevic. Cao điểm là lời hứa hẹn gửi quân tình nguyện sang chiến đấu tại Kosovo cho Milosevic. Gần nhất, Hội Luật gia Việt Nam vừa ra tuyên bố về việc Tòa án hình sự quốc tế quyết định truy tố Tổng thống Milosevic và bốn nhà lãnh đạo khác của Cộng hòa Liên bang Nam Tư, đồng thời, cực lực lên án NATO vi phạm chủ quyền Nam Tư. Một tuần sau đó, Milosevic quy thuận triệt thoái quân đội ra khỏi lãnh thổ Kosovo, sau khi NATO tăng cường mức độ oanh tạc từ 200 lên 600 phi vụ một ngày.
Hai là, trong chuyến công du Cam Bốt, Lê Khả Phiêu đã phải đọc quá nhiều biểu ngữ phản đối của nhân dân xứ Chùa Tháp. Các hãng thông tấn quốc tế loan tin rằng phần lớn các biểu ngữ nhắc lại vai trò lãnh đạo của Phiêu trong cuộc xâm lăng Kampuchia hồi cuối năm 1978. Một số biểu ngữ yêu cầu Phiêu ngưng ngay mọi ý đồ chi phối nước này. Hai sinh viên Căm Bốt xé lá cờ máu CSVN trong một cuộc biểu tình và hô to khẩu hiệu chống Lê Khả Phiêu.
Ba là, lần đầu tiên hải quân Căm Bốt đã bắt giữ 2 tàu đánh cá và 27 ngư phủ Việt Nam trên hải phận Căm Bốt, gần đảo Koh Tang, cách cảng Shihanoukville khoảng 35 dặm về phía Tây-Nam, ngay sau khi hoàng thân Ranaridhh thăm Hà Nội và Lê Khả Phiêu thăm Nam Vang. Đó cũng là một bằng chứng Lê Khả Phiêu tuột hạng quyền lực từ hàng 34 xuống hàng 46, theo kết quả sắp hạng của tạp chí AsiaWeek mới đây.
Bốn là, Lê Khả Phiêu khẳng định: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một quyết tâm vun đắp tình đoàn kết truyền thống và quan hệ hữu nghị anh em Việt Nam – Cu-ba”. Đồng thời, bày tỏ mong muốn “sớm đi thăm đất nước Cu-ba anh hùng và thân thiết với nhân dân Việt Nam”. Phiêu đã chứng tỏ là VN đã đạt khả năng làm bạn với các nước nghèo đói hàng đầu trên thế giới.
Năm là, vòng đàm phán thứ 8 về Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã kết thúc vào ngày 18-6, với kết quả do báo Nhân Dân loan tải là: “Thu hẹp nhiều vấn đề tồn tại”. Đại diện VN Nguyễn Đình Lương tỏ ý mong muốn phía Mỹ thể hiện sự hiểu biết thực sự và có đánh giá đầy đủ hơn về những nỗ lực của phía Việt Nam. Nói cách khác, đó là một thất bại.
Sáu là, lần đầu tiên, CSVN phải nhượng bộ áp suất quốc tế, chính thức công bố 16 trang chi tiết ngân sách quốc gia trên 117 hạng mục, ngoại trừ quốc phòng. Không mấy người tin tưởng trọn vẹn vào những con số đó, nhưng đều đồng ý rằng đây là một bước lùi khá lớn của Hà Nội, khi phải bạch hóa một vấn đề xưa nay vẫn từng được coi là “chủ quyền quốc gia”. Điều đáng ghi nhận trong vụ này là không một ai bị bắt về việc cầm, giữ, đọc hay trao tay văn bản bí mật nhà nước nói trên.
Bảy là, cuộc họp các nước G7 hồi cuối tháng qua đưa tới một quyết định ra ngoài dự trù của Hà Nội: trong danh sách 36 nước được G7 tha nợ không có Việt Nam.
Còn về mặt đối nội, Hà Nội cũng tuột tay ở một số mặt:
Một là, sau hơn hai thập niên bị đàn áp triệt để, 160 đại biểu đại diện các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở các tỉnh miền Tây đã tổ chức Đại Hội lần thứ nhất vào sáng 26-5, tại An Hòa Tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, An Giang. Đại hội đã cử ra Ban đại diện PGHH để chăm lo công việc đạo sự. Cho dù một phần nhân sự trong Ban đại diện kỳ này là đảng viên CSVN, sự kiện này cũng đánh dấu một bước đấu tranh thắng lợi tất yếu của đồng đạo PGHH trong nước.
Hai là, Ban tổ chức chính quyền Sài Gòn nại lý do đặc điểm riêng, đã thu hồi con dấu của các phòng ban trực thuộc UBND quận, huyện. Mỗi UBND quận, huyện chỉ xây dựng một quy chế và chủ tịch UBND là thủ trưởng cơ quan, nghĩa là hoàn toàn khác với hướng dẫn của Ban tổ chức cán bộ chính phủ. Điều này cho thấy sức kiểm soát của cái gọi là trung ương đã hoàn toàn bất lực.
Ba là, về những vấn đề đặt ra khi thực hiện quy chế dân chủ ở xã. Theo bài phân tích của Trần Quang Nhiếp trên Tạp chí Cộng sản, thì trong thời gian gần đây, tình hình khiếu kiện của nông dân ở nhiều nơi đã trở thành “điểm nóng”. Theo Nhiếp, sự đòi hỏi của nông dân VN có thể tập trung vào một số điểm: 1- Công khai hóa những khoản tài chính liên quan trực tiếp đến nhân dân, cả tiền mặt lẫn đất đai. 2 – Nâng cao mức sống ở nông thôn, giải quyết nạn lao động dư thừa nhiều, cơ sở hạ tầng chậm đổi mới. 3- Giải quyết tình trạng khoảng cách chênh lệch quá xa về thu nhập giữa cán bộ và nông dân. 4- Giảm thiểu thủ tục hành chính bớt rườm rà, nặng nề; tổ chức bộ máy gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ rõ ràng. Ngày nào đảng chưa giải quyết được những đòi hỏi nói trên, sự ổn định xã hội vẫn sẽ còn là một dấu hỏi lớn. Nói cách khác, những nhượng bộ của Hà Nội tại khu vực Thái Bình chưa gọi là đủ.
Bốn là, vào ngày 12-6, thẩm phán Phạm Cáp bị bị cáo Nguyễn Hữu Thọ “đấm thẳng vào mặt” ngay giữa trụ sở của Toà phúc thẩm – Toà án Nhân dân Tối cao (222D Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu cho những phản ứng của dân trước một nền công lý không ra chi của đảng.
Năm là, nương theo phong trào vận động hưởng ứng chỉnh đốn đảng, nhiều ý kiến đã được nêu lên, một số được đăng báo. Đáng để ý là ngoài những câu rào đón, phần lớn những ý kiến này nêu bật vấn đề dân xa đảng; tố cáo số cán bộ, đảng viên “lên đời” nhanh, “xây nhà lầu bằng lương rất giỏi”; phê phán tình trạng trạng các đảng ủy câu giờ để “xem thế nào” đối với cấp trên; và sau cùng là những ý kiến đòi hỏi:
Tử hình bọn tham nhũng.
Công khai hóa việc sử dụng tài sản công.
Nâng cao ý thức và trình độ của cơ quan thi hành pháp luật.
Khai trừ mọi đảng viên thoái hóa. Riêng ý kiến thứ tư này khó được chấp nhận, bởi lẽ lấy ai khai trừ đảng viên cuối cùng?
Dẫu sao, cuộc vận động này đã mài sắc cả hai lưỡi của con dao.
Tin tức sau cùng trong tháng cần quan tâm là nhu cầu hiện đại hóa đường sắt. Hiện nay toàn mạng đường sắt Việt Nam dài gần 3.000 km, với 3 khổ đường (1 m; 1,435 m và lồng). Phương tiện gồm 400 đầu máy và 5.400 toa xe nhiều chủng loại. Tốc độ chạy tàu bình quân 30 – 50 km/giờ. Nếu so với số liệu năm 1939, trong cuốn “Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam” của tác giả Lê Quốc Sử (NXB chính trị quốc gia – Hà Nội 1998), thì trong 60 năm qua, Đường Sắt VN mới chỉ nhích được… vài mét: Năm 1939, ĐSVN đã có tổng chiều dài là 2908 km, với 300 đầu máy và 3450 toa xe. Tàu suốt Hà Nội – Sài Gòn thời đó bảo đảm tốc độ trung bình 40 km/giờ và hành trình chỉ mất 45 giờ.
Xin ngừng lại ở đó. Đừng ai so sánh với sức tiến của đảng CSVN. Họa chăng, chỉ nên đọc thơ Diệp Minh Tuyền: Ngả Tư Đời Đèn Đỏ, dưới bảng hiệu XHCN.
Và, đèn sẽ chẳng bao giờ xanh, ngày nào còn đảng CSVN nằm đó.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments