top of page

1999.08 – Cưới Chạy Tang

  • LVMỹ-K24
  • Feb 27, 2022
  • 25 min read

Thời sự tháng 7 được khai thác ồn ào nhất trên các trang báo trong nước là Hiệp Ước Mậu Dịch Trên Nguyên Tắc được ký với Hoa Kỳ vào ngày Chủ nhật 25-7-99. Sự kiện này làm chìm mất một số kỷ niệm long trọng trong tháng: ngày Phụ nữ ASEAN 5-7; ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27-7; 70 năm Công Đoàn Đỏ 28-7; 37 năm thành lập Lực lượng Công an VN; 46 năm Lực lượng Vũ trang Cuba đứng dậy; phát động cuộc thi Tìm Hiểu Về Trung Quốc; Hội nghị thi đua khen thưởng toàn quốc v.v….

Chủ Nhà & Nhà Khí Tượng


Trên báo Lao Động, bài phóng sự của Vũ Điều về thợ mỏ vùng than Quảng Ninh viết rằng: “Dương Huy là mỏ làm cả hầm lò và lộ thiên, cũng là mỏ có khó khăn nhất ở khu vực Cẩm Phả. Tiền lãi phải trả ngân hàng lớn hơn tiền lương của công nhân. Trước khi đặt chân đến mỏ chúng tôi nghe nói, gần 1.000 lao động nữ không có việc làm và họ sắp bị đẩy ra đường. Đầu tháng bảy, trời nóng như đổ lửa, tại công trường chế biến than Mỏ Dương Huy mọi người vẫn cặm cụi rửa than trong những cái bể con xây tạm. Hỏi lương chị em được bao nhiêu? Họ bảo: – Tháng 4 và tháng 5 chưa được lĩnh, mới được tạm ứng tháng 6. Người nhiều là 200 nghìn đồng”. Tức tương đương với khoảng 3 tô phở ở phố Bolsa, nơi Trần Trường muốn treo cờ máu với hình Hồ.


Trên tuần san Time Asia, Anthony Spaeth ghi lại những mẩu phỏng vấn nhỏ với công nhân vùng mỏ Mao Khê. Ngay dưới tấm bích chương to ghi đậm hàng chữ: “Sản xuất than để công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, chị Hiền là một trong hàng chục ngàn công nhân thất nghiệp, đã tâm sự với tác giả bài báo rằng: “Tôi chả biết làm cách nào để kiếm ra tiền”. Chị nghĩ cả đến cách bán thân nuôi miệng, nhưng lại than rằng: “Sẽ không một ai muốn tấm thân này”. Anthony có nhắc đến những cuộc đấu tranh đòi quyền lao động của thợ mỏ hồi năm 1936 dưới thời thực dân Pháp, một thợ mỏ bị ngưng việc ở Cẩm Phả đã lắc đầu: “Ở mọi nước khác, hẳn đã có những cuộc đình công và biểu tình, nhưng ở đây, chúng tôi sẽ bị bắt giam thẳng thừng ngay tức khắc”.


Hãy đọc lại lần nữa hai mẩu đối thoại ngắn vừa trích, người ta sẽ tức khắc nhận ra toàn cảnh bức tranh một xã hội được định hướng theo xã hội chủ nghĩa. Trong đó, để có miếng ăn ngay sau giai đoạn tem phiếu lương thực và đang bước qua thời đại kinh tế thị trường có định hướng, con người vẫn tiếp tục nghĩ đến giải pháp khai thác chút vốn tự thân: lấy lổ làm lời – bán trôn nuôi miệng, cho chính những cán bộ đảng viên theo chân lãnh đạo hô hào các loại khẩu hiệu hiện đại hóa. Suy nghĩ bình thường. Bày tỏ bình thường. Với cả người ngoại quốc. Như giải pháp duy nhất mà vẫn không đạt.


Cũng trong xã hội đó, ngay chính giai cấp tiền phong của chủ nghĩa cũng phải tự khép mỏ, nếu không muốn vào tù vì “khẩu nghiệp”. Không phải chỉ tới lúc bị đuổi việc. Những đòi hỏi lẽ ra đã phải được nêu lên và được đáp ứng trong lúc công nhân còn đang lặn lội dưới mỏ sâu. Anthony đã cất công ghi nhận các điều kiện lao động tồi tệ dưới lòng quặng, mà theo tác giả đánh giá, đó là những điều kiện lao động tồi tệ nhất thế giới: Những hầm sâu cả hai cây số dưới lòng đất hoàn toàn mang tính cổ đại. Dụng cụ cứu cấp chỉ ở mức tối thiểu. Hệ thống cứu hỏa và cứu thương không đáng kể. Hệ thống thông khí hoàn toàn thiếu. Tai nạn là chuyện hàng ngày.


Tháng Giêng vừa qua, khi công nhân Nguyễn Mạnh Diên bắt đầu ca làm sáng tại mỏ Mao Khê, một luồng khí ép dưới lòng quặng phát nổ. Anh Diên chỉ kịp nhìn thấy một luồng sáng hất tung anh lên trần. Nhóm bảo vệ lôi anh ra khỏi hầm mỏ hai giờ đồng hồ sau đó. Mười chín thợ mỏ đã chết trong vụ này.


Trong tình hình đó, và “Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công Đoàn VN, Tổng Liên đoàn Lao động CSVN đã xét tặng huy chương ‘Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức CĐ’ cho 5.004 cán bộ CĐ chuyên trách và không chuyên trách, các cán bộ thuộc cơ quan Đảng, Nhà nước…”. Đồng thời, Chủ tịch Tổng công đoàn Cù Thị Hậu cũng đã phát biểu: “Nhân ngày lễ vẻ vang này, thay mặt Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, tôi xin gửi tới các đồng chí cán bộ công đoàn lão thành, anh chị em cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cả nước lời thăm hỏi thân thiết, lòng biết ơn chân thành về những cống hiến của các đồng chí đối với phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”.


Than đá Quảng Ninh là nền tảng của công nghệ CHXHCN Việt Nam, được dùng để bao cấp bằng giá rẻ mạt cho các công nghệ điện, thép, giấy và xi măng. Tất cả đều quốc doanh. Do chính sách bao cấp công nghiệp nặng kiểu XHCN này mà giá lương “cống hiến” của công nhân ngành than là 30USD/tháng, với thời biểu làm việc 48giờ/tuần. Tức 18 xu Mỹ một giờ.


Kể từ 1997, tổng lượng sản xuất than đá được nâng cao lên mức 11 triệu tấn hàng năm để xuất khẩu 1-3 sang một số quốc gia châu Á, ngay vào lúc cơn bão tài chánh đổ ập xuống các nước này. Đó là lý do khiến lượng than bị tồn kho lên tới 4 triệu tấn hồi đầu năm nay, ảnh hưởng nặng nề lên đời sống của 74.000 công nhân ngành than và 250.000 thân nhân của họ.


Theo bản tường trình của Jonathan Birchall từ Cẩm Phả, thì chị Minh, vợ của một trong hàng chục ngàn công nhân thất nghiệp phải xoay sang nghề bán thuốc lá độ nhật, đã phát biểu rằng: “Tôi chỉ mong cho đất trời nổ tung, để khỏi phải lo sợ về vấn đề kiếm việc”. Một số khách hàng của chị so sánh rằng ngay dưới thời Pháp thuộc, họ cũng chưa từng trải qua tai ương như phải gánh chịu hiện giờ.


Giải pháp thứ hai, sau giải pháp bán dâm cho cán bộ, chính là ăn cắp than trong mỏ để bán chui ra ngoài, với mức thu nhập 10.000 đồng tiền Việt mỗi ngày, tương đương với 70 xu Mỹ. Báo Nhân Dân gọi đây là loại “than phỉ”. Bộ chính trị CSVN đang cật lực đối phó với tình trạng than phỉ này hơn là với nạn thất nghiệp của hàng chục ngàn công nhân tại đây.


Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 32, tổ chức tại Singapore vào ngày 23-7, Phó Thủ tướng CSVN Nguyễn Mạnh Cầm đã kêu gọi đoàn kết ASEAN để thực hiện “Tầm nhìn 2020”.


Song song với bản tin về tầm nhìn 20 năm đó, một mẩu chuyện của tác giả Q.Văn, đã được đăng trên mục “Tủm Tỉm” của báo Lao Động, nội dung như sau:

Sau mỗi trận mưa là nhà bị dột, nước chảy lênh láng khắp nhà. Đã thế, cửa sổ thì vỡ kính, bản lề gỉ không đóng được cửa. Người thuê nhà chịu không được, đến gặp chủ nhà để than phiền về những sự việc trên: – Tôi sẽ chịu đựng tình trạng này đến bao giờ? – Ơ hơ, tôi làm sao biết được. Tôi chỉ là chủ nhà chứ có phải là nhà khí tượng học đâu?”.

Nghị Quyết Lãng Mạn


Than đá Quảng Ninh không phải là ngành công nghiệp đứng chựng duy nhất. Cũng trên báo Lao Động trong tháng, mục “Nói hay Đừng” của Lý Sinh Sự có một mẩu đối thoại ngắn: “Hay tin bộ Công nghiệp vừa kiến nghị CP ngừng đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất thép vì ngành thép VN đã có khả năng sản xuất 2,5 triệu tấn thép/năm, đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ trong nước, ông Sự than thở: – Thép làm ra đủ xài rồi, lại còn nhập khẩu tùm lum nữa thì ế là đúng…. – Nghe nói anh đường, anh giấy, anh xi-măng, rồi các chị vải, xe đạp, quạt, phích… cũng lâm vào tình trạng như anh thép…”.


Và trong khi nhà nước CSVN giải quyết nạn thất nghiệp ở Quảng Ninh bằng cách thành lập các công ty may mặc tại đây, thì, các mẩu tin thời sự trong tháng cho biết rõ chi tiết: “Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt – may thua lỗ. Mặc dù sản xuất tiếp tục phát triển với giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 1999 đạt tăng 8% so với cùng kỳ 1998, song Tổng Cty Dệt-May VN vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Trong số các đơn vị thua lỗ có 8 DN dệt, 2 DN cơ khí, 1 DN len và 1 DN may. Một số DN thua lỗ nhiều như: Dệt 8-3 lỗ 7 tỉ, dệt Vĩnh Phú lỗ 2,3 tỉ, dệt Nam Định và dệt lụa Nam Định lỗ 1,5 tỉ”.


Hoặc, ở một mũi nhọn công nghiệp khác: “Tồn kho gần 14.000 tấn cao su. Do giá cao su tiếp tục giảm và lượng khách mua hàng ít nên tính đến hết tháng 6-99, lượng mủ tồn kho của 21 Cty thuộc Tổng Cty Cao su VN vẫn còn tới gần 14.000 tấn. Trong đó một số Cty tồn từ trên 2.000 tấn trở lên như Phước Hòa, Dầu Tiếng, Đồng Nai. Đáng chú ý, có 4 Cty thua lỗ là Đồng Phú, Mang Yang, Quảng Trị và Chư Sê II”.


Rà soát lại tình hình công nghiệp ở Hà Nội, hiện nay Hà Nội có năm khu công nghiệp (KCN) mới được cấp giấy phép là: Sài Đồng B, Nội Bài, Hà Nội-Đài Tư, Daewoo-Hanel và Bắc Thăng Long. Hai KCN Sài Đồng B và Nội Bài đã đi vào hoạt động. Ba KCN còn lại vẫn tiếp tục trăn trở trong hộc tủ suốt mấy năm nay. Theo báo Nhân Dân phân tích, “dự kiến KCN Hà Nội-Đài Tư đi vào hoạt động, tiếp nhận các nhà máy vào xây dựng là điều khó thực hiện….


KCN Daewoo-Hanel lại nảy sinh vấn đề mới đó là phía tập đoàn Daewoo đang có vướng mắc về chủ trương đầu tư vào KCN này. Điều đáng quan tâm hơn cả là cứ với đà phát triển như hiện nay, hết năm 1999 KCN này không triển khai xây dựng hạ tầng dẫn đến nguy cơ bị rút giấy phép đầu tư…. Riêng KCN Bắc Thăng Long gặp thực trạng giải phóng mặt bằng chậm, cho nên khó xác định được thời điểm giao mặt bằng cho nhà đầu tư”.


Còn ở thủ đô công nghiệp Sài Gòn, Trong ba ngày từ 15 đến 17-7, Hội đồng nhân dân tại đây đã tiến hành kỳ họp thứ 15 đánh giá tình hình: “Sáu tháng qua ở thành phố, tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, không đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra”. Trước đó 2 ngày, Phan Văn Khải và Ngô Xuân Lộc cùng nhiều bộ trưởng, thứ trưởng các ngành hữu quan đã làm việc với các ban, ngành, đoàn thể của thành phố này. Kết quả ghi nhận là “lượng khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng gấp hàng chục lần so cùng kỳ năm ngoái…”.


Trong khi đó, “tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố giảm sút lớn(23,6%)….Thành phố còn nhiều mặt yếu kém, bức xúc, cần tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục ngay trong sáu tháng cuối năm, trong đó đáng chú ý là: Chưa ngăn chặn được tình trạng giảm sút về tốc độ tăng trưởng; chậm trong đổi mới thiết bị công nghệ. Sức mua thị trường nội địa giảm mạnh. Về mặt xã hội cũng còn nhiều mặt tồn tại, trong đó nổi bật là: Tệ nạn ma túy; Trật tự, an toàn giao thông; Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm trên hệ thống kênh rạch…”.


Ở một góc khác, về mặt công nghệ thông tin, Trần Đức Lương đến dự hội nghị về loại công nghệ xương sống này tại Sài Gòn vào sáng ngày 12-7, đã phê bình nước đôi rằng: “Tình hình phát triển CNTT ở Việt Nam vừa nhanh nhưng lại vừa chậm, vừa đáng mừng nhưng cũng đáng lo trong bối cảnh nhận thức xã hội chưa ngang tầm với trình độ ứng dụng và vận hành hệ thống CNTT trong sản xuất, quản lý nhà nước và trong đời sống”.


Để đánh giá chung tình hình công nghiệp trên cả nước, Phan Văn Khải đã ký Nghị quyết số 07-1999/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-1999, nhận định như sau: “Tình hình kinh tế – xã hội cũng bộc lộ nhiều mặt yếu kém, nổi lên là: tốc độ tăng GDP đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm, lượng hàng hóa tồn kho tăng, thị trường trong nước kém sôi động; đầu tư xây dựng cơ bản chưa có chuyển biến tích cực, đầu tư của Nhà nước triển khai chậm, đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm mạnh, đầu tư của doanh nghiệp và của nhân dân vẫn trì trệ; số người không có hoặc thiếu việc làm tiếp tục tăng; một số tệ nạn xã hội, nhất là nạn ma túy, mại dâm, tiếp diễn phức tạp; tình trạng vi phạm trật tự, kỷ cương, pháp luật còn khá nặng trong đời sống xã hội”.


Báo Lao Động ghi nhận chi tiết hơn: “Nhịp độ tăng trưởng kinh tế vẫn giảm, từ mức tăng GDP 8,8% trong sáu tháng đầu năm 1997 xuống còn 6,2% trong sáu tháng đầu năm 1998 và 4,3% trong sáu tháng đầu năm nay. Điều đáng lo ngại là xu hướng giảm sút của ngành công nghiệp, nhất là chưa có khả năng chặn đứng đà đi xuống và chưa tạo khả năng phục hồi trở lại mức tăng trưởng như dự kiến của công nghiệp quốc doanh. Các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP vẫn đang có xu hướng giảm sút nhanh. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, tuy có biểu hiện khá hơn, nhưng không vững chắc. Thu ngân sách giảm 1,3% so cùng kỳ; sức mua và mức tiêu dùng của các tầng lớp dân cư vốn thấp lại đang bị thu hẹp; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế kém, không khí hồ hởi, phấn khởi làm ăn, đầu tư sản xuất, kinh doanh của các tầng lớp dân cư kể cả các doanh nghiệp Nhà nước giảm sút hơn trước; đầu tư nước ngoài giảm mạnh; nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trong lĩnh vực xã hội chưa được giải quyết, tệ nạn xã hội có nguy cơ tăng…”.


Trong bối cảnh chung đó, và cũng theo nghị quyết của Phan Văn Khải, việc thực hiện kế hoạch sáu tháng cuối năm và cả năm 1999 sẽ dựa vào bảy nhóm giải pháp lớn, là:

  1. Các giải pháp “kích cầu” đầu tư và tiêu dùng nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.

  2. Các giải pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu.

  3. Các giải pháp về tài chính và tiền tệ.

  4. Các giải pháp về ổn định môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.

  5. Các giải pháp tập trung chỉ đạo công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn.

  6. Các giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy hoạt động trên các lĩnh vực xã hội.

  7. Các giải pháp về chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ kinh tế – xã hội từ nay đến cuối năm…

Đọc kỹ từng giải pháp nhỏ của bảy nhóm giải pháp lớn, nhiều người thấy ra toàn cảnh của một nền kinh tế khủng hoảng và một xã hội băng hoại. Trong đó, có người đánh giá việc nêu các nhóm giải pháp này là… nghe như thơ. Nhà thơ Lê Trung Nguyệt cũng vội ra một bài tương ứng:

Cứ mỗi ngày, ta lại bỏ thêm vào chiếc hộp của mình

Một hạt đậu mơ ước

Ta yên tâm về sự giàu có của linh hồn

Đâu ngờ những hạt đậu chết lịm trong ngột ngạt và tăm tối

Đến một ngày chiếc hộp con rách nát

Những hạt đậu rơi ra mục ruỗng lăn xuống đất

Những con mọt đậu béo mầm ngọ nguậy bò đi

Hóa ra bao ước mơ tươi xanh được cất kỹ

Đã thành sâu mọt

Tự cắn tan những mầm sống.

Bài thơ có tựa đề là “Viết cho những phút lãng mạn”.

Công Trái Với Nghĩa Trang


Về mặt đối nội, tin tức trong tháng qua tương đối phong phú trải rộng trên nhiều lãnh vực.


Thứ nhất là phiên tòa ở An Giang xét xử vụ buôn lậu gần bốn tấn vàng và 44 triệu mỹ kim xuyên qua biên giới VN-Cam Bốt. Tội danh được định sẵn cho các bị cáo là “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” theo khoản 2 điều 158 Bộ Luật Hình sự. Nếu xử đúng luật này thì hẳn Hà Nội phải cực kỳ lúng túng trước những tay trùm quyền lực tham nhũng trong các bản cáo trạng Yên Phụ và Thủy Cung Thăng Long gần đây. Trong khi đó, vụ án Minh Phụng-Epco vẫn đang tiếp diễn, với những con dê tế thần đang được chuẩn bị phanh ngực hứng đạn: viện Kiểm Sát đề nghị 6 án tử hình, 8 án tù chung thân.


Thứ nhì là Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức phát động “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo báo Nhân Dân, ở Việt Nam, các vụ ngộ độc và số người bị ngộ độc gây ra các năm qua đã lên tới con số đáng lo ngại. Nhưng đây không phải là sự lo ngại duy nhất. Hãng thông tấn AFP loan đi bản tin cảnh báo của ông David Satcher, thứ trưởng Y tế Hoa Kỳ, về con số tử vong tại VN vì tai nạn xe cộ lên tới 3000 người trong 6 tháng đầu năm nay, chưa kể số người thiệt mạng vì hỏa hoạn, chết đuối và ngộ độc. Ngoài ra, VN vẫn đang giữ chức vô địch thế giới về nạn phá thai. Và theo ký giả Huw Watkin tường trình từ Hà Nội, 47% trẻ em VN dưới 5 tuổi đang thuộc diện thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Bên cạnh đó, số người nhiễm vi khuẩn HIV được dự kiến là gia tăng lên mức 200.000 vào năm tới. Báo Lao Động cũng cho đăng bức hình Ma túy bán công khai trên đường Loong Toòng (TP Hạ Long) “Cuộc sống càng khó khăn, người thất nghiệp càng nhiều, ma túy càng phát triển”.


Đó là nhận xét của thượng tá Nguyễn Duy Nhiễm – nguyên Trưởng CATP Hạ Long – về thực trạng tệ nạn này… Còn về mặt ngân sách: Tổng nguồn lực của ngành y tế năm 2000 sẽ không vượt quá 5 nghìn tỉ đồng. Dự kiến nguồn ngân sách nhà nước cấp cho ngành y tế vào năm 2000 là 3.000 tỉ đồng, thu từ bảo hiểm y tế 800 tỉ đồng, thu từ viện phí 500 tỉ đồng. Nguồn ODA sẽ vào khoảng 60 triệu USD. Với số tiền trên, sẽ chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành y tế.


Thứ Ba là vụ bằng giả ở Sở Tư pháp Ninh Bình. Được biết, tất cả những người sử dụng bằng giả tại đây đều là người nhà của ông Bùi Văn Thuận – nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình. Theo Lý Sinh Sự của báo Lao Động, vấn đề không phải là bằng giả. Đó là bằng thật, chỉ người sử dụng là có trình độ giả. Đây là hiện tượng phổ biến khắp nước chứ không phải chỉ riêng Ninh Bình. Chưa nói đến trường hợp Phạm Văn Đồng tố cáo trình độ tổng giám đốc các công ty VN chỉ mới qua lớp 7 trung học. Hoặc trường hợp của xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, Đắc Lắc, có tất cả vợ cán bộ xã đều được hưởng quy chế… thương binh. Theo Chu Thượng trong bài Kinh Doanh Danh Nghĩa đăng trên báo Lao Động thì tầng lớp “lãnh đạo” này đã liên tục sử dụng vị trí quyền lực để tha hồ công du và phung phí tiền bạc của nhân dân. Tất cả họp lại thành một thảm họa kéo dài cho cả dân tộc Việt Nam.


Thứ tư là Hội nghị tổng kết năm học 1998-1999 vào ngày 21-7, với kết quả ghi nhận là: 1) Học sinh tiểu học giảm 1,79% ở tất cả các vùng, trừ Đông Nam Bộ; 2) Cơ cấu giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa có chuyển biến đáng kể; 3) Đến nay, cả nước vẫn còn khoảng 700 lớp tiểu học, gần 200 lớp trung học cơ sở phải học ca 3. Còn về trình độ: “Ở một trường phía Nam, trong số 1.800 em được phỏng vấn thì 44% không biết vua Hùng là ai, 39% không biết Trần Quốc Toản là ai. Có em còn bảo Trần Quốc Toản hình như là …liệt sĩ chống Mỹ”.


Thứ Năm là về chiến dịch vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, anh Khương Xuân Trường – công nhân Nhà máy xi-măng Sông Đà – Hòa Bình đánh giá: “Rầm rộ nhưng hiệu quả chưa rõ”. Theo ký giả Huw Watkin, đảng CSVN phải khai trừ 200 đảng viên trong vòng nửa đầu tháng 7-99. Riêng Sài Gòn đã loại bỏ 54 đảng viên và kỷ luật 255 đảng viên khác. Dù vậy, theo ký giả này, đảng CSVN vẫn được tiếp tục coi là một bộ máy bất sỉ diện nên không thuyết phục được ai. Cũng trong chiều hướng đó, hai cái chết được đảng thổi phồng trong tháng của Lê Quang Đạo và Bok Núp (nhân vật Núp trong tác phẩm Đất Nước Đứng Lên của nhà văn Nguyên Ngọc) chỉ là đề tài khai thác của giới cầm quyền. Tương tự như mục tiêu của Hội nghị thi đua khen thưởng toàn quốc, tổ chức vào ngày 23-7 tại Hà Nội. Ta đã chán lời vu vơ, giả dối. Hót lên! Dù đau xót một lần thôi… Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đúc kết ngắn gọn như thế.


Thứ Sáu là kết quả cuộc vận động bán công trái với tổng số thu công trái cả nước đạt gần 4.500 tỷ đồng. Theo số liệu Bộ Tài chính công bố chính thức, “nhiều tỉnh có số thu công trái trong khu vực dân cư đạt tỷ trọng cao từ 41 đến 57,5% trong tổng số thu, như Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Tây, Quảng Bình”. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có diện tích 4.592 km2, dân số vẻn vẹn hơn nửa triệu người, nhưng hiện có hơn 60 nghìn mộ liệt sĩ, 16 nghìn thân nhân liệt sĩ, 10 nghìn thương bệnh binh, 72 nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài hai nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 do tỉnh quản lý, tám nghĩa trang do các huyện, thị xã quản lý, 62 nghĩa trang còn lại do các xã quản lý, chăm sóc. Có những xã như Trung Hải (Gio Linh) quản lý, chăm sóc tới ba nghĩa trang liệt sĩ. Hoặc xã Hải Phú (Hải Lăng) cả xã chỉ có ba nghìn dân nhưng đã tổ chức quy tập về nghĩa trang hai nghìn liệt sĩ.

Tấm Huân Chương 3000 Tấn


Về những sinh hoạt đối ngoại, thời sự tháng qua cũng có một vài sự kiện đáng ghi nhận:


Thứ nhất là cuộc họp vòng thứ 15 giữa Việt Nam và Hoa Lục, kéo dài suốt tháng qua, nhằm giải quyết 76 vụ tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trên một biên giới chung kéo dài 1306 cây số giữa hai nước. Theo đại diện phía VN là Vũ Khoan, thì bước đầu thắng lợi là Ủy Ban Biên Giới Vụ của Bắc Kinh đã đồng ý họp lại vào tháng 8-99. Nghĩa là chẳng đi tới đâu.


Thứ nhì là chiến dịch Phát Động Cuộc Thi Tìm Hiểu Về Trung Quốc. Theo Thông tấn xã Hà Nội, “Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc, Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam phát động cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa Trung Quốc.


Cuộc thi mang tên “Hẹn nhau tại Trung Quốc năm 2000” gồm 55 câu hỏi về lịch sử, địa lý, văn hóa Trung Quốc và quá trình hình thành, phát triển quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Các câu hỏi được trả lời theo phương pháp trắc nghiệm. Cuộc thi có một giải đặc biệt gồm có một tủ sách văn học nghệ thuật Trung Quốc, một đĩa CD âm nhạc Trung Quốc và một chuyến đi thăm Trung Quốc 7 ngày vào đầu năm 2000”. Điều chắc chắn là người dự thi sẽ không cần phát biểu về tháng Giêng năm 1979 và tháng Sáu năm 1989.


Thứ Ba là Hà Nội nhanh chóng bày tỏ lập trường khi Tổng thống Lý Đăng Huy tuyên bố Đài Loan không tiếp tục chấp nhận chánh sách “Một nước Tàu” và khẳng định Đài Loan sẽ ứng xử với Hoa Lục trên căn bản quốc gia với quốc gia. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hà Nội đã long trọng xác nhận: “Lập trường của Việt Nam về vấn đề Đài Loan đã được nhiều lần nói rõ: Việt Nam công nhận Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc; Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc”. Nếu cần, sẽ tính cả Hoàng Sa?


Thứ tư là phái đoàn của Phạm Văn Trà sang Mạc Tư Khoa. Theo báo Nhân Dân đưa tin, thì Nguyên soái Igor Sergeyev của Nga, trong buổi tiếp đón phái đoàn, đã trao đổi đến tình hình an ninh khu vực Á châu Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng: “Đây là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đầu tiên thăm hữu nghị chính thức đất nước chúng tôi, kể từ khi LB Nga tuyên bố độc lập. Chuyến thăm của Đoàn là mốc quan trọng, đánh dấu quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt ngày càng được củng cố và phát triển giữa nhân dân và quân đội hai nước”. Chắc chắn việc củng cố đó là điều cần thiết. Bởi, theo ký giả Huw Watkin tại Hà Nội, một bản phúc trình về quân đội CSVN cho thấy là:

  • a) 200.000 bộ đội của Hà Nội hiện thiếu thốn điều kiện vận chuyển, pháo binh và thiết giáp yểm trợ;

  • b) các đơn vị bộ đội của Hà Nội đã được lệnh phải tự chăn nuôi trồng trọt lấy lương thực và hiện đã bị cắt mức cấp dưỡng xuống còn 60-70%;

  • c) 100.000 bộ đội biệt phái làm kinh tế do quân đội chủ quản hiện đang bị cắt giảm ngân sách;

  • d) mọi chương trình hiện đại hóa quân đội đều bị đình chỉ ngay trên lý thuyết, chưa nói tới việc thực thi;

  • e) ngân sách quốc phòng và quân số của Hà Nội cùng bị tuột giảm 50% trong thập niên qua;

  • f) Hà Nội vừa chính thức sáp nhập hai binh chủng Phòng không và không quân làm một;

  • g) sau cùng, mối lo sợ quá lớn về một sự đối phó với quân đội Hoa Lục đã khiến Hà Nội phải tăng cường liên hệ với cả Lào lẫn Miên.

Theo một chuyên gia quân sự trong khối phi liên kết, thì, tướng Choumaly Chaiyasorn, bộ trưởng Quốc Phòng Lào, đã bí mật thực hiện chuyến viếng thăm Hà Nội hồi tháng trước, nhằm mục tiêu là tiếp nối cuộc trao đổi về chiến lược đối phó chung với sự đe dọa của Trung cộng. Theo nhà phân tích này, “Quân đội cả hai nước đều không đủ khả năng phòng vệ biên giới. Chiến lược chung hiện nay trong trường hợp đối phó với một cuộc xâm lăng của Trung cộng là phải hy sinh các thành phố lớn và tiến hành cuộc chiến du kích trong vùng rừng già của Lào”. Đi vào chi tiết hợp tác giữa quân đội VN và Nga, qua cuộc công du của Phạm Văn Trà, dù không ai muốn nói ra là để chống ai, người ta được biết là đôi bên đã có một số rà soát về những phạm trù:

  1. giảm giá huấn luyện quân sự cho VN;

  2. bảo trì các chiến đấu cơ Mig-27;

  3. trang bị quân dụng vũ khí cho quân đội CSVN;

  4. bán cho VN loại chiến đấu cơ tối tân SU-27;

  5. tái định giá quân cảng Cam Ranh và tân trang hải quân VN.

Thứ Năm là Nông Đức Mạnh viếng thăm hữu nghị Cộng hòa Hồi giáo Iran. Chiều ngày 3-7, tại Trụ sở Quốc hội Iran, Nông Đức Mạnh đã dự buổi hội đàm với chủ tịch quốc hội Nouri của Iran. Tại đây, theo báo Nhân Dân đưa tin, Nông Đức Mạnh “nêu rõ Việt Nam coi trọng việc giữ gìn và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước Đông – Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương và các nước ở các khu vực trên thế giới, trong đó có Iran, một nước có vị trí quan trọng trong khu vực và Phong trào Không liên kết”. Không có một ký kết nào đáng nói trong chuyến công du này của Nông Đức Mạnh, dù Iran được VN coi là có vị trí quan trọng.


Thứ Sáu là Chủ tịch Thượng nghị viện Cambodia Chea Sim viếng thăm Hà Nội vào ngày 20-7. Cùng đi với ông Chea Sim có Chủ nhiệm ủy ban Nội vụ, Quốc phòng, Điều tra và Truy quét; Chủ nhiệm ủy ban Tài chính và Ngân hàng; Thư ký ủy ban Y tế, Xã hội, Lao động và Nữ công; Tổng Thư ký Thượng nghị viện và các đại biểu khác. Chuyến viếng thăm hữu nghị này xảy ra ngay tiếp sau khi Lê Khả Phiêu sang thăm Nam Vang và bị nhân dân Cambodia biểu tình phản đối về việc CSVN xua quân xâm lăng nước này hồi năm 1979.


Thứ Bảy là Lê Khả Phiêu lên đường thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Cuba vào ngày 8-7-99. Theo báo Nhân Dân bình luận, “Bất chấp những thay đổi tình hình thế giới và những khó khăn, thách thức đối với cách mạng hai nước, từ đầu thập kỷ 90 đến nay tình cảm đoàn kết, thủy chung, trong sáng Việt Nam – Cuba vẫn không ngừng được củng cố và mở rộng”. Được biết, vào tháng 6-93 Võ Văn Kiệt đã đến Cuba, tháng 9-95 Lê Đức Anh cũng đã đến đây, rồi tới tháng 12-95 Fidel Castro đã tới Hà Nội.


Sáng 8-7-99, Lê Khả Phiêu hội đàm với Fidel Castro về các biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai Đảng và hai nhà nước Việt Nam – Cuba. Tối cùng ngày, Fidel Castro thay mặt Nhà nước Cuba trao tặng huân chương Jose Marti cho Lê Khả Phiêu. Đáp lại, Lê Khả Phiêu đã quyết định “lại quả” cho Fidel Castro 3.000 tấn gạo. Đây là dịp tốt để báo Nhân Dân giương cao khẩu hiệu “Việt Nam – Cuba đoàn kết nhất định thắng”, “Cuba – Việt Nam mãi mãi là anh em trong đấu tranh và thắng lợi”. Theo xã luận của tờ báo lá nho này, “Đoàn kết và ủng hộ CuBa là lương tâm, trách nhiệm thiêng liêng của Đảng CS Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cực lực lên án và đòi Mỹ phải hủy bỏ ngay chính sách bao vây phong tỏa kinh tế và các hành động thù địch đối với Cuba”. Đồng thời, khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo vệ vững chắc được độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước chân chính phải kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân”.


Dựa trên căn bản suy nghĩ đó, bản Tuyên bố chung của Cuba và Việt Nam trong dịp viếng thăm hữu nghị này kết luận: “Hai bên khẳng định trung thành với những nguyên tắc của chủ nghĩa Marx – Lenin, chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Jose Marti, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, góp phần tích cực hơn nữa vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.


Vào tháng 9-95, Việt Nam và Cuba đã ký hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Đến tháng 4-96, hai nước ký hiệp định thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác. Kỳ này, Cuba đề nghị gia tăng xuất khẩu đường mía sang Việt Nam, mặc cho thống kê Hà Nội loan báo liên tục về lượng đường tồn kho quá tải của VN. Báo Lao Động đã đi tin tựa lớn sau đó: “Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về tới Hà Nội”. Nghe không khác bản tin về các đoàn múa rối đi trình diễn ở nước ngoài đã trở về đầy đủ, không một ai đào tỵ.


Thứ Tám là Việt Nam không được hưởng viện trợ Miyazawa. Tin tức chính thức từ phía Nhật Bản cho biết là VN không được hưởng viện trợ từ chương trình viện trợ Miyazawa. Trong chuyến ghé thăm chớp nhoáng tại Hà Nội, Miyazawa đã thông báo cho Phan Văn Khải biết là Hà Nội chỉ có thể vay 160 triệu trong tổng số 30 tỷ mỹ kim của chương trình này, với một số điều kiện là VN phải: a) mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân; b) bình đẳng hóa điều kiện doanh thương cho công ty ngoại quốc; c) định lại hạn ngạch nhập khẩu trong một số lãnh vực; d) cải thiện thủ tục hải quan; e) thực hiện lời hứa kiểm kê lại 100 xí nghiệp quốc doanh đầu bảng trong nước.


Thứ Chín là chuyến viếng thăm Hà Nội hồi giữa tháng 7-99 của Đặc sứ lưu động về Tín ngưỡng Robert Seiple và Phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Nhân quyền Bennett Freeman của Hoa Kỳ. Phái đoàn đã được tiếp đón bởi Trưởng ban Tôn giáo trung ương Lê Quang Vịnh và đặc biệt là Thứ trưởng thường trực bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn. Theo thông tấn Reuters, phía Mỹ đã thông báo và giải thích về đạo luật tự do tôn giáo quốc tế được Quốc hội và Tổng thống Mỹ thông qua vào tháng 10-1998. Phái đoàn còn cho biết thêm là đã trao cho phía VN một danh sách tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm lên tới 150 người với yêu cầu là nhà cầm quyền CSVN phải phóng thích.


Được biết đây là chuyến viếng thăm đặt vấn đề trực tiếp với Hà Nội, ngay sau bản phúc trình của Quốc hội Hoa Kỳ về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN được công bố vài tháng trước. Bản tin Reuters còn ghi nhận rằng theo giới phân tích thời sự, đây cũng là một áp suất lớn từ phía Quốc hội Mỹ, và dựa trên kết quả của nó, Quốc hội Mỹ sẽ có quyết định chấp nhận hay không bản hiệp ước mậu dịch lúc đó còn đang trong vòng đàm phán thứ tám.

Giữa Hai Màn Kịch


Thời sự đối ngoại và đối nội trong tháng 7-99 như vừa kể, cộng thêm các bài phân tích về “Xuất khẩu gạo năm 1999: Thị trường không yên tĩnh”, hoặc, “Bộ Tài chính tìm hiểu khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài” ngày 20-7 tại Sài Gòn, và “Hội thảo về hợp tác đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ” ngày 22-7 tại Hà Nội… đã là nền tảng thê thảm của VN trong việc ký kết trên nguyên tắc Hiệp Ước Mậu Dịch với Hoa Kỳ. Tất nhiên, chủ đề phân tích về bản giá thú của một đám cưới chay tang này thuộc về một bài báo khác.


Điều mà nhiều người có thể ghi nhận được ngay là: Theo nhận định của viên Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Richard Fisher, cuộc đàm phán kéo dài vòng thứ tám vừa qua đã gặp khá nhiều vướng mắc không thể tháo gỡ, do phía Hà Nội cầm cự cho tới tối thứ Bảy, mà thời biểu của Richard là phải rời Việt Nam vào ngày Chủ nhật 25-7-99. Đó là lần thứ nhì trong tuần, Richard yêu cầu được gặp riêng Nguyễn Tấn Dũng. Sau hai “sự cố” gặp riêng đó, chính Richard đã hết lời khen ngợi Dũng một cách bất ngờ: “Nguyễn Tấn Dũng đã đóng một vai trò sinh động trong những cuộc đàm phán này. Anh ta là một tay đáng cảm kích”. Hãng Reuters đi bản tin này với một số ghi nhận từ giới ngoại giao tại Hà Nội. Theo đó, Dũng đã khẳng định được vị trí trong chính trị bộ Hà Nội, và có xác suất thăng tiến lên tới chức vụ cao nhất của nhà nước CSVN.


Cái nhìn của người dân Việt Nam có thể đồng ý phần nào về trọng lượng quyết định của Dũng cao hơn phái bộ Hà Nội trong cuộc đàm phán. Tuy nhiên, nếu quan tâm về diễn tiến cuộc đàm phàn nhiều hơn, người ta có thể thấy:

  1. áp suất dời việc ký kết đến sau năm 2000 quá lớn đối với mọi thứ mặc cả của Hà Nội;

  2. lằn ranh thương thuyết mà chính trị bộ đã vạch ra cho phái đoàn Hà Nội chỉ có thể xóa bởi chính những người vạch, mà Dũng chỉ là một, và lại là kẻ “dễ bảo” nhất trong bọn;

  3. sự kiện Dũng hoặc bất kỳ ai khác trong chính trị bộ vượt qua lằn ranh mặc cả đó là một sự kiện đương nhiên không thể khác;

  4. Cả Richard và Dũng đều phải đóng kịch với nhau;

  5. sau cùng và quan trọng nhất là người Việt Nam không hề quên trò chơi chấm điểm của Mỹ đã từng xảy ra nhiều nơi, nhiều lần, kể cả ở miền Nam Việt Nam từ thời 1963, 1973….


Kết luận 1: Có nhiều xác suất chính trị bộ Hà Nội đang có những lằn rạn nứt mới toanh.

Kết luận 2: Nhà thơ “hai đầu Trường Sơn” Phạm Tiến Duật đã viết :


Bóng đêm ở Việt Nam

Là khoảng tối giữa hai màn kịch.


Kết luận 3: Phải dẹp bỏ các ban kịch chính trị diễn tuồng bóng đêm trên tương lai Việt Nam.

Bản tin sau cùng đáng quan tâm là: Singapore tặng hai con hổ cho Thảo cầm viên Sài Gòn vào chiều ngày 2-7. Lắm người thắc mắc vì sao Singapore phải tặng thêm? Khi biết rằng theo thống kê chính thức, hiện ở Việt Nam ước còn gần 200 con hổ Đông Dương hoang dã. Tất cả đang nằm trong Ban chấp hành Trung ương đảng CSVN.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page