top of page

1999.09 – Lớp Gạch Già Lõm Mặt

  • LVMỹ-K24
  • Feb 27, 2022
  • 26 min read

Elena Zubtsova – Cựu phóng viên ITAR-TASS , đã viết riêng cho báo Lao Động trong nước một bài nhận định về cộng hòa Nga, mở đầu bằng câu:


Đối với nước Nga, tháng 8 đã được coi là tháng của những thảm họa kinh tế và chính trị”.



Có lẽ cũng không khác mấy đối với Việt Nam, ít ra là kể từ mùa Thu 1945, với tình hình thê thảm kéo dài cho tới hôm nay. Thời sự tháng 8 vừa qua dẫn chứng thêm điều gì về cái thảm họa kéo dài đó?

Mía Gặt Chưa Xong Đã Ế Đường


Báo Thanh niên loan tin Phó Thủ tướng CSVN Nguyễn Công Tạn vừa ký công văn gửi các bộ, ngành liên quan một quyết định của Phan Văn Khải là không triển khai xây dựng Nhà máy Đường luyện Vạn Điểm. Khải cũng yêu cầu: Không xây dựng nhà máy mới và mở rộng các nhà máy đường hiện có; đồng thời yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo các nhà máy đường tập trung phát triển vùng nguyên liệu mía, thay thế giống cũ có năng suất thấp bằng giống mía mới có năng suất, chữ đường cao để bảo đảm nguyên liệu mía cho các nhà máy. Nói chung là để giải quyết nạn đói mía.


Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước đã có 41 nhà máy đường, với tổng công suất là 69.050 tấn mía/ngày. Nếu tính cả đường thủ công sản xuất được 200.000 tấn/năm, thì tổng sản lượng đường trong niên vụ 1998 – 1999 lên đến 752.500 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.


Thực tế thị trường không như Phan Văn Khải dự kiến. Theo phân tích của hai ký giả trong nước là Văn Bằng- Quảng Hà về tình hình thi đua buôn lậu hiện nay thì: “Trên tuyến biên giới phía Bắc, một trong những mặt hàng “rộ” nhất là đường. Theo những thống kê chưa đầy đủ, ở Lạng Sơn đã thu giữ được 66,7 tấn, Bắc Giang – Bắc Ninh bắt được 51,6 tấn. Có vụ chỉ một xe ôtô đã chở tới 7 tấn đường lậu… Đường nhập lậu giá rẻ đã làm các nhà máy đường với sản phẩm yếu sức cạnh tranh của mình thêm phần khó khăn”.


Thực tế chấp hành quyết định trên cũng không như Khải mong đợi. Tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất mía đường toàn quốc niên vụ 1998-1999. Đây là niên vụ thứ 4 kể từ khi thực hiện Chương trình mía đường và cũng là niên vụ mà bộ NN&PTNT phải giải quyết cơn đói mía của cả 41 nhà máy. Thế mà khi cơn đói mía chưa dứt đã lại xuất hiện ngay bệnh bội thực đường.


Theo bộ NN&PTNT, đến niên vụ tới (1999- 2000), cơn đói mía của các nhà máy đường sẽ chấm dứt. Bộ này tính rằng “với 223 nghìn hecta mía, VN sẽ đủ mía để sản xuất 1 triệu tấn đường như kế hoạch và sẽ chỉ còn 1- 2 nhà máy đường chạy 50% công suất còn các nơi khác đều đủ 80% trở lên”. Nỗi lo của người làm mía đường năm nay khác hẳn: Lo ế đường!


Theo dự kiến, nhu cầu đường năm 1999 khoảng 730 nghìn tấn và các nhà máy đường đủ đáp ứng. Thế nhưng từ tháng 1-99, đường nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc với số lượng lớn, giá rẻ hơn đường nội 15-20% đã cạnh tranh gay gắt với đường VN khiến nhiều doanh nghiệp phải hạ giá. Và hạ không nổi thì chịu ế. Hiện nay số lượng đường tồn kho (tính đến 10-7-99) đã là 330 nghìn tấn. Báo Lao Động đặt câu hỏi hóc búa: “Mới sản xuất 750 nghìn tấn đã lo ế thì khi làm ra 1 triệu tấn hỏi sẽ ra sao?”. Biết ra sao ngày sau!


Rõ ràng là định hướng XHCN không đủ sức trả lời cho sự vận hành của kinh tế thị trường: Vụ sản xuất 1999-2000 tới, dự kiến nhu cầu đường cả nước khoảng 750-770 nghìn tấn. Như vậy, nếu không có gì xảy ra thì nghiễm nhiên sẽ ế 200 nghìn tấn đường. Số đường này không xuất được vì đường VN quá đắt: Đắt hơn thị trường thế giới từ gấp rưỡi đến gấp đôi! Giới kinh doanh đường chiết tính rằng mỗi tấn đường nếu xuất sẽ lỗ 180-200 USD. Và kể cả giá đường thế giới tăng lên 50 USD/tấn thì cũng vẫn lỗ trên dưới 150 USD/tấn.


Như thế, nếu xuất 200 nghìn tấn đường thừa, VN sẽ lỗ 40-52 triệu USD! Trong khi đó thì Giám đốc Huỳnh Kim Anh của công ty đường Bình Dương sang Mỹ theo học một khóa tu nghiệp về quản trị thì lại quyết định không về nước, lý do được biết là vì có liên quan đến món tiền vay 50 tỷ đồng. Tháng Tám nhắc nhớ Liên Xô cũ có thời trả lương công nhân bằng giấy toilet thay tiền. Đây cũng là một kinh nghiệm rút tỉa thành giải pháp lớn cho Hà Nội chăng?

Đầu Vào Cứ Vênh Ngược Đầu Ra

Nhìn chung, không phải chỉ riêng công nghiệp đường gánh chịu thảm trạng này, dưới nền cai trị “thiên tài” không thiên tai của CSVN.


Báo chí trong nước báo động: Ba năm nay Công ty Cao su Đắc Lắc rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất. Theo báo cáo của Cty cao su Đắc Lắc thì năm 1997 sản xuất kinh doanh cao su của Cty bị lỗ trên 4,2 tỉ đồng; 1998 lỗ trên 7,3 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 1999 lỗ trên 2,5 tỉ đồng. Tổng cộng từ năm 1997 đến nay Cty đã lỗ trên 14 tỉ đồng. Tờ Nhân Dân phân tích rằng (nguyên văn): “Nguyên nhân thua lỗ: Chủ yếu do giá bán thấp hơn giá thành”. Hai năm rõ mười là cơ quan ngôn luận của đảng không biết phân tích. Giá bán thấp hơn giá thành thì gọi là lỗ chứ đâu phải nguyên nhân gây lỗ.


Giá thành là 600USD/tấn, trong khi giá bán chỉ 500-550USD. Không một ai muốn hay dám tìm hiểu vì sao giá thành quá cao, chưa nói tới làm sao hạ thấp nó xuống. Hệ quả là đến đầu tháng 7-99, Cty còn tồn kho trên 881 tấn, trị giá khoảng 8 tỉ đồng. Định hướng XHCN đã làm cho Cty lâm vào tình trạng khốn đốn. Chỉ riêng tiền lương mỗi tháng khoảng 2,2 tỉ đồng cho hơn 4.500 công nhân đã là một áp lực lớn, khiến nhiều tháng Cty đã phải vay tiền ngân hàng chịu lãi suất để trả lương.


Tính đến ngày 30-6-99, Cty còn nợ ngân sách gần 4,8 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm nay Cty không đóng được bảo hiểm xã hội cho công nhân. Theo ghi nhận của phóng viên Đặng Bá Tiến, “Đến nay gần 1.500 công nhân phải nghỉ thôi việc, nhưng Cty chưa thanh toán được trên 2,3 tỉ đồng tiền thôi việc cho họ. Từ tháng 6-99 đến nay, công nhân ở nhiều nông trường thành viên vẫn chưa được nhận lương. Tình hình tài chính của Cty đang đứng trên bờ vực thẳm”. Tổng dư nợ của Cty đến ngày 30-6-99 đã lên tới 90,22 tỉ đồng, trong đó đa phần đã sắp đến hạn trả.


Theo ký giả Đ.L. của báo Lao Động thì hiện nay Tổng Cty Cao su VN còn dư 2.000 lao động. Bài phân tích này cho biết nguyên nhân dư lao động nhiều là do khi nhận lao động vào khai hoang, trồng mới, các Cty tuyển trên cơ sở 1 lao động-1ha, nhưng khi cao su bước vào khai thác, định mức một lao động lên tới 3ha. Không ai rõ cựu cặp-rằng Lê Đức Anh có đóng góp gì nhiều vào định mức này không, nhưng chắc chắn đây là một kỷ lục lao động đáng được giới thực dân cũ học hỏi và cần ghi vào sách kỷ lục thế giới. Được biết trong 6 tháng đầu 1999, toàn ngành đã giảm được 3.000 lao động, trong đó riêng Cty cao su Đồng Nai giảm 1.000 lao động. Lạy trời cho “lãnh đạo” các Cty này đừng nghĩ đến việc trả lương hay bồi thường thất nghiệp cho công nhân bằng cao su thô.


Về phía công nghiệp dệt, ngày 14-8-99, Phan Văn Khải đã quyết định “Tiếp tục giải quyết khó khăn cho Cty Dệt Nam Định”, bằng cách sắp xếp lại sản xuất, tinh giản và bố trí lại bộ máy quản lý, đồng thời, cho phép xóa sổ nợ vay lãi ngân hàng phát sinh từ năm 1997 về trước hiện chưa trả các ngân hàng thương mại quốc doanh đến ngày 31-5-99”.


Mặt khác, ngày 31-7, Phan Văn Khải đã phải về Quảng Ninh “làm việc” thêm với tỉnh ủy vùng mỏ này. Cùng đi với Khải có môt dàn bộ và thứ trưởng các bộ Công nghiệp, Lao động – Thương binh – Xã hội, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư của CSVN. Lực lượng này đã đến thăm các mỏ Dương Huy, Cao Sơn và Cọc 6. Tại đây, Phan Văn Khải “ghi nhận cố gắng của ngành trong việc đổi mới thiết bị, kỹ thuật, đưa sản lượng than lên hơn 10 triệu tấn”. Tức là đã cố gắng nâng tổng lượng than tồn kho lên 4 triệu tấn. Giải pháp tình thế: Xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện của ngành điện cũng như của ngành than, khuyến khích ngành than xây dựng các dự án liên doanh nhiệt điện hoặc mua thiết bị trả bằng than.


Nhân lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, Trần Đức Lương đã đọc diễn văn: “CĐVN đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, giáo dục và rèn luyện giai cấp công nhân và toàn thể người lao động VN đi đầu trong sự nghiệp cách mạng”. Nên trong dịp làm việc ở vùng than này, Phan Văn Khải cũng “lưu ý tỉnh Quảng Ninh và ngành than cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục truyền thống kiên cường, bất khuất của công nhân mỏ, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn hiện nay”. Điểm khó cho các tỉnh ủy là công nhân mỏ chưa hề được giác ngộ về thứ truyền thống cộng sản kiên cường và đoàn kết đi đầu trong sự nghiệp cách mạng ăn than đá thay cơm.

Trên Tiêu Dưới Cực


Ngày 30-7, theo báo Nhân Dân loan tin, Phan Văn Khải đã đồng ý nội dung chính của Quy hoạch chi tiết “Trung tâm Chính trị Ba Đình” (Hà Nội), phạm vi quy hoạch được giới hạn bởi các đường phố Ngọc Hà, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú. Dự án quy hoạch này được chiết tính chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng.


Cuộc thi “Người mẫu thời trang Hà Nội mở rộng 1999” sẽ được tổ chức trên quy mô lớn trong 2 giai đoạn: sơ khảo từ 3-5-99, chung khảo vào ngày 11-9, với đối tượng mở rộng các thí sinh trong cả nước với độ tuổi từ 15 đến 26. Theo thông báo của ban tổ chức thì những người trúng tuyển vào vòng chung kết sẽ được trở thành thành viên chính thức của Câu lạc bộ Người mẫu thời trang Hà Nội.


Trong tinh thần hưởng ứng thi đua, báo Thanh Niên đưa tin là UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành quy chế về bộ môn giải trí đua chó. Đây là môn giải trí bằng việc tổ chức cho những con chó dòng Greyhound, Ireland chạy đua. Được biết, tham gia “trò giải trí” này, người nuôi, người huấn luyện chó và khán giả đều có cơ hội trúng cược. Theo quy định, môn đua chó chỉ tổ chức tại trường đua trong sân vận động Lam Sơn (Vũng Tàu) và chỉ do Công ty Dịch vụ thể thao giải trí chó đua đứng ra thực hiện. Tất nhiên, từ UBND xuống tới Cty dịch vụ, nguyên tắc làm việc vẫn là Đảng lãnh đạo. Cũng tất nhiên, tất cả đều là chó đảng.


Ký giả Lam Chi đưa tin: Theo ông Nguyễn Văn Mễ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thì 6 tháng đầu năm 1999 cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố điều tra 8 vụ tham nhũng (không giảm so với năm 1998) với tổng số tài sản nhà nước bị thiệt hại, thất thoát khá nghiêm trọng: Gần 1,6 tỉ đồng. Trong số 12 người bị khởi tố có 3 giám đốc và 2 kế toán trưởng. Mặc dù số tiền tham nhũng rất lớn nhưng đến nay chỉ mới thu hồi cho Nhà nước được 36,8 triệu đồng (2,3%). Đó chỉ mới là diện tham nhũng bị phát hiện. Tức chỉ mới là một góc nhỏ của sân chơi phổ cập đều khắp này.


Theo Cục Thuế Hà Nội, 2 quyển hóa đơn VAT đã bị thất lạc trong quá trình cung cấp hóa đơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Được biết, hóa đơn thất lạc có mẫu số 01 GTKT-3LL, ký hiệu CV/ 99-B, từ số 36251 đến 36350. Đồng thời, Chỉ thị số 3824 do Bộ trưởng Tài chính CSVN ban hành ngày 5-8-99 có nội dung ngăn cấm việc thanh toán các loại hóa đơn giả. Theo chỉ thị này, “việc mua, bán, xuất hàng hóa nhất thiết phải có hóa đơn, chứng từ. Khi kiểm tra, thanh quyết toán tài chính, cơ quan tài chính sẽ đối chiếu hóa đơn, chứng từ để phát hiện những hóa đơn giả, hóa đơn không hợp pháp”. Điều này mô tả tình trạng lừa đảo của cán bộ thuế cấp trung ương đã đi vào quy mô lớn.


Cùng lúc đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Sài Gòn vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam Phùng Ngọc Lợi, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, kinh doanh nhập khẩu tổng hợp Long An (LADFECO). Đây là mắt xích chủ yếu trong vụ án lớn móc nối giữa những đảng viên đứng đầu các tổng công ty Nhà nước và ngân hàng cổ phần “để chuyển nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước và vốn của ngân hàng cho cá nhân kinh doanh nhà đất, nhà hàng và việc riêng khác”.


Kết quả điều tra cho thấy, số vốn bị Phùng Ngọc Lợi và các cá nhân liên đới chiếm dụng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Cũng theo báo Nhân Dân, “Vụ án này được bắt đầu điều tra từ hai năm nay, nhưng gần đây mới có điều kiện vượt qua vướng mắc, trở ngại để xúc tiến nhanh hơn”. Tất nhiên, tổng biên tập Hồng Vinh không thể để cho bài báo liệt kê ra các loại vướng mắc, trở ngại đan chéo cực kỳ tế nhị đó.


Ngày 4-8, sau gần 3 tháng làm việc, Hội đồng xét xử vụ án Minh Phụng – EPCO đã kết án tử hình đối với 6 bị cáo là Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Phạm Nhật Hồng, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Tuấn Phúc vì tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu về kỷ lục tử hình, lên tới 61 án tử hình trong một ngày, đồng thời, cũng dẫn đầu thế giới về tình trạng tham nhũng, cao độ là mức ăn chia 18 tỷ USD trong nhóm chính trị bộ. Hà Nội đang theo bén gót các kỷ lục đó chăng? Và cũng đang trực tiếp phản ảnh tình trạng “Cả làm Út chịu” đó chăng?


Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Công Đoàn VN, tờ báo Lao Động được tuyên dương là một trong những tờ báo có thâm niên nhất trong việc chống tiêu cực: “Báo Lao Động số 178, ra ngày 21.5.1952 chính thức mở chuyên mục “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Trang 6, Tòa soạn có đăng lời đề dẫn giới thiệu chuyên mục đồng thời đưa tin: 73 hiện tượng tham ô, lãng phí ở mỏ Bắc Sơn của tác giả V.D.H. làm ví dụ để mời các bộ, các ngành, các cơ quan đoàn thể, các cộng tác viên, thông tín viên… viết tin bài cho chuyên mục”.


Nửa thế kỷ sau ra sao? Cũng chính báo này đúc kết hồi giữa tháng 8-99: “Hiện cả nước có tới 108.602 vụ việc tồn đọng chưa thi hành án với tổng số tiền trên 3.252 tỉ đồng. Hàng ngàn tỉ đồng trong các bản án Tân Trường Sanh, Minh Phụng – Epco khó có khả năng thu hồi. Hiện cả nước có tới 108.602 vụ việc tồn đọng chưa thi hành án với tổng số tiền trên 3.252 tỉ đồng”.


Đó chỉ mới là một vài thời sự tiêu biểu trong tháng về mặt Trên Tiêu, còn Dưới Cực ra sao?

Báo Tuổi Trẻ loan báo một thống kê của vụ Tiểu Học thuộc bộ Giáo dục và Đào tạo CSVN: Trong số 15.000 trường tiểu học trên cả nước hiện mới có 370 trường đạt chuẩn quốc gia, Cũng theo dự kiến của Vụ này thì từ nay đến cuối năm sẽ có thêm hơn 100 trường và hết năm 2000 sẽ có gần 1.000 trường đạt chuẩn. Theo báo Tuổi Trẻ, để đạt được chuẩn này, trường tiểu học phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên, tổ chức – quản lý, cơ sở vật chất – thiết bị, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và chất lượng – hiệu quả giảng dạy. Đây là một bài báo “phản động”, vì đã nêu lên những nhu cầu nằm ngoài định hướng và khả năng giải quyết của Hà Nội, kể cả khẩu hiệu “xã hội hóa giáo dục”, với chủ trương moi tiền dân là thực chất.


Ký giả Bùi Quang Trị viết từ Vĩnh Long: Nhiều nhà vườn bẻ nhãn… bỏ. Với 8.800ha nhãn, mùa này nhà vườn Vĩnh Long thu hoạch hàng trăm nghìn tấn trái, nhưng giá nhãn tuột dốc thảm hại, chỉ còn từ 1.000-1.200 đồng/kg, không đủ bù đắp chi phí. Nhiều chủ vườn thuê người bẻ nhãn, trả công bằng chính số nhãn bẻ được. Không nghe ai nói gì về việc điều tiết thị trường hay công nghiệp trái cây đóng hộp.


Ký giả T.Đăng cho biết là tại Quảng Ngãi đã xuất hiện hiện tượng cầm cố sổ hưu: Trong quá trình phát lương hưu cho một số cán bộ hưu trí ở các huyện Ba Tơ và Trà Bồng, “đã phát hiện nhiều trường hợp sổ nhận lương hưu đã lọt vào tay con buôn. Số cán bộ hưu này đã ‘ký sổ’ với số người buôn lương thực và thực phẩm, nhất là rượu và thế chấp bằng sổ hưu của mình”. Tức là không còn thứ gì khác trên người để bán hay cầm.


Theo phóng viên H.Ph của báo Lao Động, tiến hành nghiên cứu chuẩn mực nghèo đói mới là nhiệm vụ mà Phan Văn Khải vừa giao cho Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thực hiện trong 6 tháng cuối năm 1999. Chuẩn mực này dự kiến sẽ được công bố vào năm 2000. Đến đầu năm nay, theo thống kê mới nhất, Nghệ An còn 113.000 hộ nghèo đói. Đây là một thống kê bôi nhọ sỉ diện quê hương họ Hồ. Do đó, Tỉnh được “trên” chỉ đạo tập trung mọi nguồn vốn, “phấn đấu giảm 20.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống 15% trong năm nay, trong đó xóa hết hộ nghèo đói đối với gia đình chính sách”. Chú thích nhỏ: Gia đình chính sách là diện gia đình có công với Hồ.


Theo báo Lao Động ngày 16-8: “Nỗi đau của người nông dân là khi vụ mùa thất bát. Còn bà con ở làng Thống Nhất xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình thì ngay cả nỗi đau mất mùa cũng không có. 86 hộ với 438 con người ở làng không có nổi một thước đất để trồng khoai, trồng lúa…”. Cần nhớ, Lệ Thủy là một huyện mang danh hiệu anh hùng từng nổi tiếng với một “C” pháo binh nữ, gọi là Xê Gái, đã lập nhiều chiến công và gửi tặng vỏ đạn bắn đắm tàu Mỹ cho Fidel Castro.


Ký giả B.N. của báo Lao Động loan tin: Hội ái hữu đồng hương Trà Vinh tại Sài Gòn đã tặng quà cho dân nghèo ở “Làng bán máu” : Trung tuần tháng 7, Hội phối hợp cùng Tỉnh hội Phụ nữ Trà Vinh và UBND huyện Châu Thành đến ấp Đa Hòa, xã Hòa Lợi, tặng 110 phần quà cho bà con nghèo, mỗi phần 200.000 đồng, tương đương với khoảng 14 Mỹ kim. Ghi nhận1: Chưa có nước nào trên thế giới có loại làng này, kể cả Phi Châu. Ghi nhận 2: Làng bán máu này nằm ngay huyện Châu Thành, tức là tỉnh lỵ, nơi đặt mọi thứ cơ sở đảng cao cấp nhất của tỉnh. Ghi nhận 3: Đã qua thời đảng bán máu dân nuôi mộng, đã đến lúc dân tự bán máu mình nuôi thân.

Vét Tiền Dân Là Chính


Tờ Thời Báo Kinh Tế đưa tin Bộ Tài chính CSVN vừa ra Thông tư hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 1999 theo Nghị quyết số 08/NQ-CP với 10 giải pháp thực hiện, trong đó giải pháp đầu tiên là: “Các bộ, ngành và UBND các cấp chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, khai thác các khoản thu tiềm tàng và các nguồn thu tồn đọng”. Nghị quyết này cho thấy là ngân sách cả nước đang cạn khô.


Chưa hết, ngoài các đợt vận động bán trái phiếu các loại, CSVN còn phải sáng tạo nhiều cách moi tiền khác: Từ ngày 13-7-99, quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được ban hành, nhằm “huy động vốn” từ giới ĐTNN. Được biết, sau một năm thực hiện, đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 154 doanh nghiệp, nâng tổng số đến tháng 7-99 là 186 doanh nghiệp được cổ phần hóa trong tổng số hơn 6000 cơ sở quốc doanh, bình quân mỗi doanh nghiệp có vốn sản xuất là 3,1 tỷ đồng.


Mặt khác, theo báo Đầu Tư, Phan Văn Khải vừa đồng ý cho UBND Sài Gòn “vận dụng Quy chế thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động tại Việt Nam”. Chưa hết, theo báo Nhân Dân, ngày 19-8, Phan Văn Khải còn “ký quyết định về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Quyết định gồm 10 điều, nêu rõ việc áp dụng các điều ước quốc tế; các hình thức chuyển tiền; đối tượng nhận tiền; trách nhiệm các bộ, ngành liên quan”.


Ở mức độ moi tiền thấp hơn, Bộ giao thông vận tải CSVN cũng vừa ban hành quy chế “Tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe máy”. Tức là chính quy hóa việc thu tiền lực lượng xe ôm. Bản quy chế gồm 3 chương, 13 điều, theo đó: “Mỗi lái xe máy tham gia kinh doanh đều phải làm đơn (theo mẫu) được cơ quan có thẩm quyền xác nhận quyền được kinh doanh”.

Chủ Nghĩa Tuyệt Tình


Nhân kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an, Bộ Công an CSVN phát động trong toàn lực lượng phong trào thi đua: “Chủ động nắm tình hình và triển khai thế trận an ninh nhân dân nhằm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.


Trong dịp báo Lao Động tổ chức kỷ niệm 70 năm xuất bản số báo đầu tiên (14-8-1929 – 14-8-1999), Lê Khả Phiêu đã gửi thư chúc mừng với đoạn kết như sau: “Báo Lao Động cần cố gắng nhiều hơn nữa trong việc đổi mới và phát triển tờ báo…, đấu tranh chống các biểu hiện đi ngược đường lối của Đảng”. Nói theo nhà thơ Trần Chính trong bài Đũa Tre, “Tranh nhau phán lời thần thánh” là độc quyền của các ủy viên chính trị bộ.


Về phía quân đội, nhân dịp kỷ niệm 54 năm “Cách mạng Tháng 8”, trong lúc các rạp trình chiếu phim “Tiếng hú nơi hoang dã” , thì, Trần Đức Lương đã ký các quyết định truy tặng, tặng thưởng huân chương họ Hồ, huân chương Độc Lập cho 167 tướng lĩnh, sĩ quan quân đội. Trong đó có Lê Trọng Tấn, Tạ Xuân Thu, Hoàng Sâm và Đặng Tính. Việc truy tặng này xảy ra song song với việc tổ chức tang lễ cho Thượng tướng CSVN Đào Đình Luyện, “đã từ trần hồi 15 giờ 28 phút ngày 3-8-1999 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì mắc bệnh hiểm nghèo”. Được biết, Luyện là một trong những tướng lãnh CSVN đã chính thức lên tiếng ủng hộ bài viết tuyệt mật của Võ Văn Kiệt trước đây đã từng khiến ông mất chức vì “đi ngược đường lối của Đảng”.


Cũng chưa ai quên chính bài viết đó đã khiến ông Hà Sĩ Phu bị tông xe đạp và bắt giam cả năm. Cũng trong tháng 8 vừa qua, “Đảng ủy Quân sự Trung ương CSVN vừa tiến hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng theo kế hoạch 01 của Bộ Chính trị”. Lê Khả Phiêu, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương CSVN, ngồi ghế chủ trì hội nghị, đã phân tích sâu sắc những vấn đề yếu kém còn tồn tại thuộc về quan điểm, nhận thức tư tưởng… và nhấn mạnh khá rõ về các loại bệnh hiểm nghèo.


Một bản tin thời sự khác của ký giả Ng.Thức trên báo Lao Động cho biết vào ngày 12-8-99, Bộ Văn hóa – Thông tin CSVN đã “ra Quyết định số 1552/QĐ-BVHTT thu hồi trong phạm vi cả nước băng hình sân khấu cải lương Tuyệt Tình Ca của tác giả Hoa Phượng – Ngọc Điệp, do Hãng phim Tây Đô thuộc Đài Truyền hình Cần Thơ sản xuất và phát hành năm 1996”. Lý do? Đây là một tuồng cải lương đề cao cách làm việc công tư phân minh của ông Cò Hương thuộc chế độ cũ miền Nam Việt Nam.


Nhìn chung, các bản tin trên đã dẫn người đọc tới một số kết luận sơ khởi:

  • Một là các thế lực thù địch không nằm ngoài đảng;

  • Hai là không một ai có quyền so sánh chế độ hiện hành với bất cứ thời phong kiến hay “mất độc lập” nào trước đây;

  • Ba là, mọi hành vi đi ngược lại đường lối của chính trị bộ đều dẫn tới các căn bệnh tuyệt tình hiểm nghèo.

Ngoại Giao Vườn Thú


Về mặt đối ngoại, thứ nhất, Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị vườn thú Đông Nam Á lần thứ 8 sẽ diễn ra vào tháng 11.1999 tại Sài Gòn. Theo ghi nhận của ký giả Vũ Hùng của báo Lao Động, “tại hội nghị lần này, các thành viên Hiệp hội cùng bàn thảo chủ đề chính là: Vườn thú Đông Nam Á trong cơn khủng hoảng kinh tế và vươn tới thế kỷ 21”.


Thứ hai, Phan Văn Khải đã giao cho Bộ Văn hóa – Thông tin CDVN chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tốt cuộc liên hoan bình chọn thời trang – người đẹp ASEAN và thế giới tại Việt Nam vào quý 3-1999.


Thứ Ba là việc phát động cuộc thi “Tìm hiểu về đất nước Cuba”, chuẩn bị ăn mừng lễ kỷ niệm Quốc khánh Cuba 1-1-2000. Tương tự như cuộc thi tìm hiểu về Trung Quốc hồi tháng trước, nội dung cuộc thi này bao gồm 17 câu hỏi tìm hiểu về “tình đoàn kết hữu nghị thủy chung son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam-Cuba”. Được biết cuộc thi có 40 giải thưởng, trong đó có một giải đặc biệt đi thăm Cuba trong một tuần, một giải nhất và nhiều giải thưởng khác.


Thứ tư là Trần Thị Tâm Đan, ủy viên ủy ban Thường vụ QH CSVN, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đã thăm Cộng hòa Indonesia. Cơ quan ngôn luận của đảng CSVN tường thuật là vào ngày 18-8, Tổng thống Habibie đã tiếp các đoàn đại biểu QH CSVN, Cambodia và Lào. Bài báo đặc biệt nhấn mạnh:”Trong buổi tiếp, Tổng thống Habibie nhấn mạnh hai nước có nhiều điểm tương đồng, cho nên luôn có sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau”. Bài báo này bị đánh giá là có khuyết điểm nêu lên một điều sợ hãi của lãnh đạo Hà Nội về những biến chuyển nóng hổi của Nam Dương gần đây.


Thứ Năm là, theo tuần báo Viễn Đông Kinh Tế, chuyến viếng thăm VN của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William S. Cohen đã bị Hà Nội từ chối, vì lý do để khỏi làm phật ý Bắc Kinh. Bài báo dẫn lời của một viên chức ngoại giao Mỹ tại Hà Nội cho rằng nguyên nhân quyết định từ chối này là vì CSVN e ngại rằng sau chuyến công du VN của Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright vào đầu tháng 9, nếu ông Cohen cũng đến VN trong cùng tháng 9 thì Bắc Kinh có thể khó chịu với nhận định là Hà Nội quá thân thiện với Mỹ.


Điều này làm nhiều người liên tưởng đến trường hợp bất ngờ bay chức của Nguyễn Cơ Thạch mấy năm trước, và cũng cho thấy là những khuynh hướng thân Tàu và thân Mỹ ngày nay ở Hà Nội vẫn găng nhau không khác thời thân Trung Quốc hay thân Liên Xô trước đây. Nghĩa là nói chung, khuynh hướng nào thắng cũng chỉ phản ảnh đầu óc nô lệ bất biến của dàn lãnh đạo Hà Nội dù luôn miệng ca tụng thành quả độc lập bằng xương máu nhân dân. Kể ra, quyết định này của Hà Nội cũng mang tính hợp tình hợp lý, bởi vẫn chưa ai quên chiếc máy bay rớt ở Cánh Đồng Chum bên Lào mới đây, khiến hơn hai tá tướng lãnh “cốt cán” và thân cận với Lê Khả Phiêu bị tan xác, chỉ vì những nạn nhân này từng được mời thăm Ngũ Giác Đài, hay từng được tu nghiệp tại Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Mỹ tại Hạ Uy Di.

Cạnh Tranh Sinh Tử


Về mặt đối nội, mẩu thời sự đáng quan tâm hàng đầu có tựa đề là “Buôn lậu bốn bề”:

Trong bối cảnh nhiều nước có biên giới chung với VN muốn “đẩy” lượng hàng hóa ứ đọng do khủng hoảng sang các nước khác, buôn lậu vào VN trong nửa đầu năm 1999 trên khắp các tuyến biên giới phía bắc, tây, tây nam và trên biển đều diễn ra rất phức tạp. Theo bài báo này, không chỉ số mặt hàng lậu gia tăng đến mức nhà nước không kịp cập nhật danh sách, mà so với hàng nội, chúng “lại luôn có giá rẻ hơn 40% – 50% nên cạnh tranh rất gay gắt”. Bài báo vạch rõ kỹ thuật tinh vi mới của giới buôn lậu là: “Để bảo đảm “tinh thần trách nhiệm” của đám cửu vạn vận chuyển hàng lậu, gần đây dân buôn lậu đã chuyển từ chỗ trả tiền công vận chuyển sang cho cửu vạn vay vốn mua hàng. Dân buôn chỉ việc thu gom lại sau”.


Tức là đám cửu vạn giờ đây cũng là dân buôn, phải tự tìm mọi phương cách tuồn hàng, “và nếu bị phát hiện thì chống trả quyết liệt để giành lại hàng, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu”. Ngoài ra các thủ đoạn như quay vòng hóa đơn, chứng từ, tem hàng nhập khẩu để hợp thức hóa hàng lậu diễn ra ngày càng tinh vi. Theo hai phóng viên Văn Bằng – Quảng Hà, “Điều cần giải quyết ngay hiện nay là cải thiện khả năng cạnh tranh cho chính các ngành sản xuất trong nước bị đe doạ bởi hàng lậu…. Với sức đề kháng như thế này, cho dù có dẹp hết nạn buôn lậu thì các ngành trên cũng sẽ điêu đứng khi nền kinh tế ‘mở cửa’ trong vài năm tới”.


Song song với nguy cơ mất sức cạnh tranh ngay tại nội địa, theo Giáo sư Tiến sĩ Tào Hữu Phùng: “Giảm phát là hiện tượng mới và là nguy cơ có thực, với sức ép tiêu cực ngày càng tăng lên đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, như làm giảm doanh lợi của doanh nghiệp, giảm sút đầu tư, dư thừa công suất, gia tăng nạn thất nghiệp, hàng ứ đọng, nợ khó đòi, nợ nước ngoài và ‘tiêu điều hóa’ các doanh nghiệp Việt Nam và ‘trì trệ hóa’ thị trường Việt Nam ngay trên đất Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có được thêm một số lợi thế phát triển, mà xu hướng chuyển hóa các liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang gia tăng cho thấy rõ điều đó. Biểu hiện tập trung nhất tác động tiêu cực của giảm phát đến nền kinh tế chính là xu hướng giảm sút liên tục GDP và còn tiếp diễn trong thời gian tới”.


Còn theo Phó tiến sĩ Lê Văn Châu thì: “Tình hình kinh tế gần đây cho thấy khủng hoảng khu vực đang tác động đến Việt Nam với áp lực ngày càng tăng. Cộng với những khó khăn và yếu kém bên trong, sự tác động này là yếu tố chủ yếu dẫn tới sự sụt giảm mạnh dòng đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng tiêu dùng nội địa giảm, sản xuất tăng chậm, sức cạnh tranh sản phẩm kém sút, v.v. Trong khi đó, sức ép của quá trình hội nhập khu vực và thế giới đang ngày càng mạnh. Trong bối cảnh như vậy, những thách thức quốc tế và khu vực nói trên đối với Việt Nam càng trở nên gay gắt gấp bội. Chúng đặt Việt Nam trước những ‘thế cờ’ thật sự nan giải”.


“Trong khi phải từng bước tháo gỡ các rào cản thể chế (hàng rào mậu dịch, môi trường kinh doanh, hệ thống hành chính và pháp lý, v.v.) để hỗ trợ cho quá trình tự do hóa và hội nhập quốc tế mà thời điểm thực hiện đang ngày càng gần kề, với xuất phát điểm thấp và sức cạnh tranh chậm được cải thiện, nền kinh tế lại phải đương đầu với hàng loạt nguy cơ”.


Cũng theo ông Châu, Nạn buôn lậu qua biên giới có thể làm suy sụp hàng loạt ngành sản xuất nội. Hoặc, sự yếu kém thể chế trong hoạt động tài chính, ngân hàng và thương mại, tệ quan liêu, tham nhũng đều là điểm “sinh tử” của tiến trình phát triển của nền kinh tế nước ta trước ngưỡng cửa hội nhập, khi các cơn lũ tiềm tàng của quá trình tự do hóa kinh tế – tài chính quốc tế vẫn chưa được chế ngự trong các vòng đai thể chế thích hợp.


Như thời sự tháng 8 chứng dẫn về các loại chính sách nhà nước có chung đặc tính Mía-Đường, trên Tiêu dưới Cực, Vét Tiền Dân Là Chính, Chủ Nghĩa Tuyệt Tình, Ngoại Giao Vườn Thú và Cạnh Tranh Sinh Tử… tất cả là nền tảng của bước đầu Hiệp Thương với Mỹ. Tức là nền tảng đương đầu với một môi trường cạnh tranh không cân sức trên một thị trường không quen biết. Và đương đầu với một sức áp đảo khốc liệt của tài phiệt ngoại quốc ngay tại quê nhà.

Các Anh Lên, Khi Nào Trở Lại?


Ngày 2-8, Đào Duy Quát, Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương CSVN tổ chức hội thảo quốc tế về “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng”. Trong dịp này, Quát đã khẳng định: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lựợng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, không chấp nhận ‘đa nguyên, đa đảng’. Đây chính là sự lựa chọn của lịch sử và dân tộc Việt Nam”.


Đến ngày 9-8 CSVN đã tổ chức Hội nghị lần 7 khóa 8 Ban Chấp hành Trung ương CSVN, với cả sự tham dự của Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt. Lê Khả Phiêu đã đọc bài khai mạc và bế mạc hội nghị. Theo tờ lá nho Nhân Dân, hội nghị đã nêu nhiều vấn đề quan trọng và đã nhất trí thông qua nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách Nhà nước” và nghị quyết “Về việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng”.


Cũng theo bài báo này, “Hội nghị nhấn mạnh: nhìn một cách tổng quát, tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị chất lượng và hiệu quả thấp, còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, tầng nấc trung gian, nhất là trong hệ thống quản lý hành chính Nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm của nhiều cơ quan và người đứng đầu chưa thật rõ cơ chế vận hành và các mối quan hệ còn chồng chéo, bất hợp lý; đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế cả về năng lực và tinh thần trách nhiệm. Tình hình đó làm giảm hiệu quả công tác lãnh đạo, làm yếu hiệu lực quản lý; tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng… tăng lên; trật tự, kỷ cương bị vi phạm…”.


Đến chiều ngày 18-8, Đào Duy Quát lại tổ chức họp báo quốc tế, về những chủ đề: Tinh giản biên chế hành chính trong các cơ quan đảng, nhà nước và đoàn thể ngoại vi; cải tiến chính sách tiền lương, bù đủ mức trượt giá vào lương. Quát nhấn mạnh: “việc cắt giảm biên chế không đồng nghĩa với việc có số người tương ứng thất nghiệp”, và, “không phải cứ tăng lương là giải quyết hết tệ hối lộ, tham nhũng”. Theo Quát, Hội nghị TƯ 6 (lần 2) đã đưa ra một giải pháp đối phó với tham nhũng: “Bộ Chính trị ban hành 19 điều đảng viên không được làm để nhân dân giám sát cán bộ”. Trung bình mỗi ủy viên nêu lên một điều cấm, cho hơn 2 triệu đảng viên các cấp?


Trước đó, Đỗ Quang Trung, Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ CSVN đã trả lời phỏng vấn về vấn đề “Chất lượng, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay”. Trung đánh giá “Thực tế, số cán bộ công chức không đủ năng lực không phải là ít”. Chưa nói tới “hiện đang tồn tại trên 100 tổ chức giúp việc Thủ tướng với nhiều tên gọi khác nhau: Uỷ ban (quốc gia, nhà nước…); ban (chỉ đạo, điều hành…); tiểu ban, hội đồng (xét tặng, nghiệm thu…); tổ (công tác, nghiên cứu…); đoàn (công tác, đàm phán…)”. Cũng chưa kể là tình trạng hiện nay có tới 80% số cán bộ từ vụ trưởng trở lên ở độ tuổi trên 55, tức là sẽ phục viên trong 5 năm tới mà chưa đào tạo lớp thay thế. Tại sao không rời và không tìm người thay? “Các anh lên, khi nào trở lại?” Đó là câu hỏi của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Câu trả lời dân gian tất nhiên rất bình dị và xúc tích:

Đã leo thì phải leo cao

Đã lên không xuống đã vào không ra”.

Lớp gạch già đã hoàn toàn lõm mặt theo chủ nghĩa vô lại đó.


Như vậy, từ căn bản nào để cả đảng CSVN thi hành chủ trương “giảm biên chế”? Có bất ngờ không nếu câu trả lời là thanh trừng phe cánh? Ngòi bút Hai Văn Sáu của báo Lao Động đã kết luận bài Lo Xa như sau: “Cứ vận động rồi kế tiếp tái vận động, nếu không quanh năm vận động thì có gì để vui đâu nhỉ?”.


Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng, ông Võ Quang – Công nhân Cty xi-măng Hải Vân TP.Đà Nẵng đã phát biểu rằng: “Cần đưa ra khỏi đảng những đảng viên thiếu phẩm chất, mất tư cách”. Đúng: Bắt đầu từ Lê Khả Phiêu, dẫn dài cho tới mọi bí thư xã ấp. Sai: Dân không nhận, nên không phải là đưa ra khỏi đảng, mà là đưa ra pháp trường.


Cựu phóng viên ITAR-TASS Elena Zubtsova cho rằng người Nga không sợ ngày tận thế theo sấm truyền của Nostradamus. vì “Họ nhiều lần được chứng kiến sự kết thúc”.


Có lẽ người VN cũng không khác. Họ đang làm một vụ kết thúc.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page