top of page

1999.10 – Rác Lắm Thành Phần

  • LVMỹ-K24
  • Feb 27, 2022
  • 22 min read

Khu vực Ba Đình tưởng chừng như nhật thực, vào ngày nữ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright ghé tạt qua Hà Nội trên đường tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh APEC ở Tân Tây Lan.


Không chỉ kéo lê thê cái tang khí gọi là kỷ niệm Hồ Ướp Xác nhắm mắt 2-9, chuyến ghé thăm này đã phủ trùm lên Hà Nội một thứ xung khí kình chống bức bối giữa các phái chủ trương theo hay chống hiệp thương Mỹ-Việt.



Sau rốt, việc ký kết ở Auckland bất thành. Ông Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William S.Cohen chưa nên viếng thăm Việt Nam là phải. Chưa bao giờ chính trị bộ Hà Nội bị cổ phần hóa đến phân lìa tứ tán như lần này. Đó là cái gút thời sự của tháng qua ở Việt Nam.

Tình Tang Là Cuộc Phiêu Lưu Tuyệt Vời


Trong Bài Ca Phiêu Lưu (tập “Bụi”, Nxb Hội nhà văn), thi sĩ “nhìn từ xa…” Nguyễn Duy đã viết như vậy. Ứng vào thời sự kinh tế tháng qua, ngay vào thời điểm một bản hiệp thương với Mỹ đang có nhiều hy vọng được ký, người ta thấy ra hết cả những “tình tang tuyệt vời” của định hướng XHCN trên nền công nghiệp VN.


“Sản xuất sa sút, thị trường co hẹp, chi phí cao, lỗ ngày càng lớn, lao động bị cắt việc làm, quan hệ giữa các đối tác rạn nứt…”. Đó là hiện trạng của Công ty liên doanh chế tạo máy biến thế ABB, qua kết luận của Đoàn kiểm tra liên bộ do Phan Văn Khải chính thức thành lập và giao cho Thứ trưởng Bộ công nghiệp CSVN Nguyễn Xuân Chuẩn đứng đầu. Theo báo cáo tài chính của Cty có xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập, đến tháng 5-99, lỗ lũy kế của Cty là 95 tỷ 201 triệu đồng. Theo báo Nhân Dân đưa tin: “Nguy cơ thua lỗ ngày càng tăng đang đẩy Cty vào tình trạng cực kỳ khó khăn về tài chính”.


Ngày 18-7-98, Bộ Công nghiệp CSVN chấp thuận cho Công ty Thép Miền Nam (viết tắt SSC, thuộc TCty thép VN) nhập khẩu 20.000 tấn thép phế liệu, để phục vụ kế hoạch sản xuất thép năm 1999. Trớ trêu thay, nay đã bước sang quý III-99, tức hơn một năm sau, 20.000 tấn thép phế liệu nói trên vẫn chưa thể cặp cảng. Tình trạng SSC kêu gào đang “đói” thép phế liệu trầm trọng đã khiến chính phủ CSVN ra sắc lệnh cho cặp cảng tức khắc. Trong khi đó, toàn ngành thép VN tồn đọng 160.000 tấn không bán được cho ai…


Ngày 17-8-99, ở chợ Trần Chánh Chiếu Sài Gòn, giá bán nhiều loại đường giảm 50-200 đ/kg. Đặc biệt, lượng đường RE của Trung Quốc và Thái Lan đưa về chợ tăng mạnh, giá bán khá rẻ so với đường VN: đường RE Trung Quốc chỉ có 4.820 đ/kg, còn đường RE Biên Hòa, Bourbon Tây Ninh, Khánh Hội vẫn ở mức 6.000-6400đ/kg.


Theo báo Lao Động: “Có bao nhiêu thứ hàng từ biên giới phía Bắc tràn vào VN, từ cái kim, sợi chỉ, cái chân gà, quả trứng… cho đến tiền VND giả, nhưng vải, quần áo “xịn” TQ nhập lậu với số lượng lớn, giá rẻ như bèo”. Bản tin này chỉ dẫn cho các chủ sạp hàng lậu ở Sài Gòn có thể mua sỉ tới con số hàng vạn áo sơ mi TQ, vài vạn quần Jean nữ thun và cũng có thể yêu cầu hàng vạn cái quần kaki TQ, giao hàng ngay sau 1 ngày, hàng “nghiêm” hẳn hoi. Bản tin nói rõ các chủ hàng Bắc Kinh nói trên là một nhóm chừng gần chục thiếu nữ 18-25 có hộ khẩu thường trú ở… Kinh Bắc. Theo nhận xét của một chuyên viên thị trường Công ty may Việt Thắng thì với giá bèo của hàng lậu chỉ bằng 1-3 giá hàng nội, Việt Thắng phải bù lỗ cả tiền vải, chứ chưa nói đến tiền công may, lương công nhân dệt vải, khấu hao máy móc và nộp thuế.


Công ty khai thác khoáng sản quý hiếm tại mỏ vàng Pắc Lạng 392 Cao Bằng, thuộc bộ Công Nghiệp, đã “thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các cấp các ngành” bởi sự thua lỗ triền miên, bởi thảm cảnh nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Và giờ đây, khi đứng trước số tiền không có khả năng thanh toán lên tới 4 tỉ đồng, người ta mới “sực nhớ” ra hàng loạt các vấn đề sai phạm trong công tác quản lý, điều hành…. Ký giả Phạm Hiếu cho biết, đến nay, Cty 392 đã hội đủ những yếu tố đúng theo quy định để phá sản. Tuy nhiên, chưa một cơ quan nào nêu lên câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm về hàng loạt sai phạm kéo dài từ nhiều năm qua trong “công tác điều hành quản lý” dẫn đến sự phá sản đó.


Cũng trên cơ quan ngôn luận của Tổng công đoàn VN, Công đoàn Xây Dựng hiện đang tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc như: Xin thêm kinh phí đặc cách giải quyết thôi việc cho 4.330 lao động đã bị nghỉ việc; tìm giải pháp tạo việc làm và định cư cho 5.000 công nhân ở Thủy điện Yaly hiện nay; giải quyết kinh phí lán trại để làm nhà cho công nhân xây dựng….


Thống kê mới nhất của ngành công nghiệp điện khí VN cho biết: 60% công suất của ngành điện được sử dụng cho việc thắp sáng, 30% điện năng được sử dụng cho sản xuất công nghiệp và 10% còn lại được sử dụng cho nhu cầu khác. Ông Nguyễn Thường – chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” – cho rằng đây là tỷ lệ sử dụng năng lượng bất hợp lý, phản ảnh mức sản xuất yếu kém của nền công nghiệp VN.


Ban chỉ đạo phát triển Công Nghiệp Thông Tin VN vừa công bố là tính đến tháng 8-99, riêng tại thủ đô kinh tế của VN là Sài Gòn, 1900 trên 2500 tổng số máy tính trong các cơ quan, đơn vị khối hành chính sự nghiệp bị ảnh hưởng sự cố năm 2000, chiếm 75%. Bản công bố này còn cho biết thêm là cũng đến thời điểm trên, tiến độ khắc phục của Sài Gòn đạt khoảng 50%.

Theo hãng thông tấn Asia Pulse, hai hãng xe gắn máy Honda và Suzuki đang điêu đứng trước tình trạng thu hẹp thị phần. Riêng Honda chỉ ráp/bán được 40.000 chiếc trong 7 tháng đầu năm, so với chỉ tiêu 120.000 chiếc cho 1999.


Ký giả Chu Thượng làm nhanh một đúc kết trên báo Lao Động: “Khó khăn rất nhiều: Giá một số mặt hàng giảm mạnh, một vài thị trường truyền thống chao đảo, các nước trong khu vực tăng sức cạnh tranh…”. Theo tác giả bài báo này thì gút mắc của vấn đề cạnh tranh dữ dội đang là một bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp. Những trở ngại cần khắc phục còn rất nhiều để không chỉ đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD trong năm nay mà còn kéo dài trong những năm tới.


“Cạnh Tranh” hiện đang là thứ ngôn ngữ thời trang trong nước. Cạnh tranh giữa các mặt hàng nội với nhau. Cạnh tranh với hàng nhập lậu lẫn không lậu. Cạnh tranh với hàng nước khác và hàng bản địa tại các nơi xuất khẩu. “Gay gắt, khắc nghiệt, khốc liệt”… cũng là loại tĩnh từ thời trang trong nước. Nhưng, tất cả chỉ là chuyện nhỏ. Cạnh tranh quyền lực giữa những kẻ đứng đầu trước sức cạnh tranh kinh tế “dữ dội” đó mới là trọng tâm vấn đề của một bản hiệp thương lơ lửng.

Tình Tang Ăn Xổi Còn Hơn Ở Thì


Theo báo Lao Động ngày 23-8-99, Phan Văn Khải và Ngô Xuân Lộc đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành và Tổng Công ty Nhà nước: “Hội nghị nhằm đánh giá sát đúng… các nguyên nhân ứ đọng sản phẩm làm cho sản xuất phải thu hẹp dẫn đến tốc độ tăng trưởng đang giảm liên tục trong 3 năm qua”. Phóng viên Thanh Thủy cho biết là cũng tại hội nghị này, “Theo báo cáo của các TCty, lượng tồn kho 6 tháng đầu năm 1999 rất lớn, riêng 17 TCty 91 giá trị tồn kho tới 4.164 tỉ đồng. Trong đó, ngành than có số lượng tồn kho 3,2 triệu tấn, tương đương 900 tỉ đồng; đường ăn tồn 330 nghìn tấn (khoảng 1.700 tỉ đồng); xi-măng tồn 1,325 triệu tấn sản phẩm (200 tỉ đồng); ngành dệt-may còn tồn đọng một lượng vật tư hàng hóa từ nhiều năm dồn lại trị giá 100 tỉ đồng; TCty Thép tồn 160 nghìn tấn (640 tỉ đồng); TCty Càphê VN tồn kho 8.500 tấn (160 tỉ đồng); TCty Giấy tồn 22 nghìn tấn (220 tỉ đồng); TCty Cao su tồn 18.000 tấn (150 tỉ đồng) v.v…”.


Nhân dịp này, Phan Văn Khải đã mạnh dạn nhắn nhủ với các ủy viên khác trong chính trị bộ qua kết luận hội nghị là: “Không có chiến lược thì như đi mà không thấy đường”. Tất nhiên, lời phát biểu đúc kết của viên thủ tướng đương nhiệm này không hề có ý trêu chọc cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bởi ngay đó, Khải ban hành mười nhiệm vụ cấp bách. Đáng chú ý là một huấn từ thân ái: “Đối với các tổng công ty Nhà nước muốn thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, thì phải làm giỏi hơn, hiệu quả hơn các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Giới phóng viên báo chí ngoại quốc tỏ ra ngạc nhiên vì không thấy Khải hướng dẫn làm cách nào để “làm giỏi hơn”, hoặc nếu không thể giỏi hơn thì có nên thay cái vai trò chủ đạo đó không? Còn một số người quan tâm khác thì ngược lại, bảo rằng cái “giỏi hơn” họ đã có sẵn: ăn cắp của công!


Sau đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 8-99 của Chính phủ, Phan Văn Khải tái đánh giá: “Sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mức tăng trưởng vẫn chậm; đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm 1998; vốn đầu tư từ ngân sách và vốn tín dụng đầu tư Nhà nước triển khai chậm, giá cả hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ giảm; các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng chưa có tác động đến giá cả thị trường…”.


Công ty Thông Tin và Xếp hạng Đầu tư Nhật bản vừa công bố một bản phúc trình về xác suất rủi ro đầu tư tại các nước Đông Nam Á. Theo đó, Thái Lan và Nam Triều Tiên là hai nơi có xác suất thấp hơn cả. Riêng trong lãnh vực đầu tư vào ngành y tế thì 7-10 các công ty đổ vốn vào VN đã báo cáo lỗ nặng. Đó là lý do khiến các doanh nhân nhạy bén đã chuyển vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam.


Bài nghiên cứu của tạp chí Anh ngữ Vietnam Investment Review trong nước, số tháng 9-99, đã ghi nhận mức tuột giảm đáng ngại mối giao thương giữa VN và Hoa Kỳ trên cả hai chiều trong suốt năm nay. Căn cứ theo thống kê của hải quan VN, trong 8 tháng đầu năm 99, mức xuất cảng sản phẩm VN sang Mỹ chỉ đạt 250 triệu USD. Trong đó, quế, trà, rau quả và hàng thủ công chỉ chiếm 5 triệu USD, còn gạo và cà phê tụt thấp thảm hại, với lượng gạo xuất khẩu sang Mỹ trong 8 tháng đầu chỉ bằng 3,3% của 1998. Trong suốt năm nay, Mỹ chưa hề nhập khẩu 1 giọt dầu thô nào từ VN. Ngược lại, cũng trong 8 tháng qua, chỉ có 6 dự án đầu tư của doanh nhân Mỹ được ký giấy phép, với tổng số vốn là 53 triệu USD, tức tương đương phân nửa năm ngoái và 1/5 của năm 1997.


Bài xã luận trên tờ Asian Wall Street Jounal ngày 6-9-99 trích dẫn lời nhận định của Robert Templer, tác giả quyển Bóng và Gió: “Mỗi doanh nhân đến Việt Nam đều đi kiếm một công ty nhà nước trong sáng (để liên doanh). Nhưng chưa một ai tìm thấy”. Bài báo này kết luận rằng đó là nguyên nhân của một cuộc cuốn gói vĩ đại.


Theo báo Quân Đội Nhân Dân thì sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Nhóm điều phối tư nhân ODA” gồm 6 thành viên tiến hành chuyến khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về tình hình thực hiện các dự án viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản từ 13 đến 19-9. Được biết, “Nhóm điều phối tư nhân ODA” gồm đại diện những người dân Nhật Bản đóng góp vào viện trợ ODA được Chính phủ Nhật Bản cử sang các nước nhận viện trợ để khảo sát và đánh giá việc sử dụng viện trợ.


Nhìn chung thì đó là toàn cảnh một bức tranh nền tảng của VN thời tiền hiệp thương với Mỹ. Tất cả đều có thể xuống hố. Trừ đảng. Dân có thể chết, nước có thể nghèo, nhưng chính trị bộ thì phải “xanh mãi cây đời”. Hãy nhìn ở diện rộng: Gương Đông Âu-Liên Xô còn đó, đừng dại dột vác thân vào giữa tâm bão của một diễn biến hiệp thương. Hãy nhìn ở diện vừa: Roi Hoa Lục-Bắc Kinh còn đây, chớ ngu muội mở đường thoát khỏi thâm tình máu xương môi hở răng lạnh. Sau cùng, hãy nhìn ở diện hẹp: Có ai ở Bắc Bộ Phủ hiểu rõ những điều khoản sắp sửa ký kết và việc thực hiện nhiêu khê hay dự kiến nổi cái hậu quả khốc hại của nó không? Chưa nói là sao lại để cho mấy đứa đi gần “kẻ thù cũ” hưởng hết “thành quả” và dựa vào đó để dìm chết đám đông còn lại đang ôm chặt con gà đẻ trứng vàng quốc doanh?


Riêng về thành phần doanh nghiệp nhà nước, nói nôm na là quốc doanh mà Khải đánh giá “nhất là” trong mọi thứ khó khăn, tình trạng cầm cự sinh tử không phải là nỗ lực quân bình đầu vào với đầu ra, mà là làm sao để thoát nạn cổ phần hóa. Đó cũng chính là mối xung khắc có độ tăng trưởng nhanh nhất, giữa cánh quân đội với phe chính phủ. Cách ngôn thời đại: Thà không “ở thì”, để còn được “ăn xổi”.

Lũ Bán Nước Chết Chìm?


Trong buổi Đại hội đảng biểu lần thứ 5 của tổ chức tay chân Mặt Trận Tổ Quốc vào ngày 27-8-99, sau phần nghi thức tưởng niệm Lê Quang Đạo đã nhập mạng MaiDịch.com, Phan Văn Khải long trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Từ một nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, lại phải tiếp tục giải quyết nhiều khó khăn do cuộc chiến tranh để lại và những yếu kém vốn có của nền kinh tế từ cơ chế cũ chuyển sang cơ chế mới… ngày nay, nước ta vẫn thuộc số các nước nghèo trên thế giới”.


Trong tình hình không mấy sáng sủa nói trên, nhiệm vụ của MTTQ mới được rà soát lại là: “Đẩy mạnh tuyên truyền, động viên để nâng cao ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí tự lực, tự cường, tăng cường sự nhất trí về chính trị”. Cộng thêm vào đó là một số nhấn mạnh trong bài phát biểu của Lê Khả Phiêu về tác dụng của sự thống nhất: “Nó kết thành Một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi hiểm nguy khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.


Kết quả cụ thể là ủy viên thường vụ, Thường trực bộ chính trị CSVN Phạm Thế Duyệt được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, thay thế cho Lê Quang Đạo vừa mới vĩnh viễn ra đi đúng lúc. Nhân dịp này, Phạm Thế Duyệt trình bày hy vọng rằng: “Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ tiếp tục có những quyết định cần thiết để các cấp ủy đảng, chính quyền và mặt trận các cấp triển khai thực hiện những điều đã được nêu trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thủ tướng Phan Văn Khải”.


Kẻ vỗ tay uể oải nhất sau những bày tỏ cắn cỏ ngậm vành nói trên là Nguyễn Minh Triết, cựu thành ủy nổi tiếng tham nhũng ở Sông Bé, hiện là ủy viên chính trị bộ đặc trách dân vận và đang ngắm nghé vị trí đó. Còn, nhiệt thành vỗ tay to nhất là… Nguyễn Tấn Dũng. Bởi không ai dấu được rằng việc “đề bạt” Phạm Thế Duyệt, ủy viên thường vụ đứng hàng thứ 5 trong chính trị bộ, bị “nhấn chìm” xuống chức chủ tịch MTTQ là một “quyết định cần thiết” tại chỗ, để:

  • Một là cắt đứt cái đuôi lòng thòng vô tích sự của Đỗ Mười trong hàng ngũ chính trị bộ hiện nay;

  • Hai là dứt điểm bớt một chân vạc “kỵ Mỹ”, tức là phe chống hiệp thương mất bớt nhân lực để đám còn lại dễ đấu tay đôi;

  • Ba là hóa giải phần nào tầm ảnh hưởng sâu rộng của những bản cáo trạng về thiên tài tham nhũng ăn luồn chằng chịt từ thời đương sự làm thành ủy Hà Nội nên không thể nào công khai xét xử, tức là cách bao che đầy sáng tạo ở cấp cao nhất đảng;

  • Bốn là hình thức “kỷ luật” nhẹ nhàng này cũng giúp cho Hà Nội đỡ phải giải thích về những hậu quả đấu đá, tránh được tiếng thanh trừng nội bộ;

  • Năm là thượng tầng đảng khỏi phải phê và tự phê lôi thôi mà vẫn có thể răn đe phường hàng tổng;

  • Sáu là đối với thế giới, đây cũng là phương cách biểu diễn vị trí quyền lực của đảng đối với bộ phận trung gian chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động xã hội là MTTQ.

Giữ Cho Nhau Sống Đã Là Phiêu Lưu


Tại Hội nghị ban chấp hành Trung ương CSVN kỳ 7, Phan Văn Khải đã đọc bài phát biểu có đoạn:


“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cả nước vào chủ nhật ngày 14 tháng 11 năm 1999. Để tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này, tôi đề nghị các đồng chí cần làm tốt các việc sau đây: …Phải làm cho cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp lần này trở thành cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng của các tầng lớp nhân dân trong cả nước”.


Thoáng nghe qua, nhiều người nghĩ là đã tới lúc CSVN mở rộng cửa chính trị, và bàn ngay đến hiệu quả của những áp suất kinh tế. Thực tế không giống như điều chờ đợi của trường phái lấy kinh tế khai mở chính trị cho Việt Nam. Bài diễn văn bế mạc Hội nghị này của Lê Khả Phiêu, dù ngắn gọn, cũng chứa cả thảy 23 chữ “phải”. Phải thế này. Phải thế khác…. Tất cả là để tập trung nhấn mạnh cho 5 lần lập lại trong bài này mục tiêu “tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng”. Các hãng thông tấn ngoại quốc đều ghi nhận và trích dẫn lời khẳng định của Phiêu: “Lịch sử, thời đại và nhân dân ta không cho phép chia sẻ quyền lực chính trị cho một thế lực nào khác. Mọi luận điểm tuyên truyền về ‘dân chủ tuyệt đối’, về nhân quyền cao hơn chủ quyền, đa nguyên, đa đảng v.v… đều là dối trá, lừa bịp”.


Cũng theo Lê Khả Phiêu, “Yêu cầu kiện toàn bộ máy, tổ chức là phải tạo ra cho được một sức mạnh về chính trị”. Một mặt, đó là sự thú nhận khoảng trống quyền lực mà đảng CSVN đang trực diện. Nhưng ở mặt khác, nó nhắn nhủ với nhiều người là đừng hòng trông chờ Hà Nội bày tỏ “thiện chí”, hay hiểu lầm mọi chữ dân chủ của họ dùng ít nhiều mang cùng định nghĩa như cả thế giới vẫn hằng đinh ninh. Ngay chính Phan Văn Khải kết luận bài phát biểu trong Hội nghị 7 nói trên về nhiệm vụ của MTTQ là: “làm tốt việc hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo của đảng”.


Vấn đề gai góc của cái “cơ sở” không nền móng đó là:

a) Bộ phận lãnh đạo đảng đang nằm trong tay 19 ủy viên chính trị bộ đang gờm nhau. Trên thực tế là các ủy viên này không tự ý riêng lẻ đi thăm nhau để tránh tiếng cấu kết. Công tác cụ thể của Phạm Thế Duyệt, sau khi được điều qua MTTQ là… đi kiểm tra tình hình chuẩn bị công tác bầu cử HĐND các cấp tại tỉnh Quảng Ngãi. Các đối tượng cần triệt hạ khác được nhắm tới sau Duyệt là tay chân của Võ Văn Kiệt, với hồ sơ đen chằng chịt của bà Cầm (vợ Kiệt) đang nằm gọn trong tay Lê Minh Hương và Nguyễn Văn Hưởng.


Một số bộ trưởng có thể được hoán chuyển vị trí trong thời gian tới, với chỉ dấu vận động Phạm Văn Trà sang nắm Công an, thay cho Lê Minh Hương sang bộ Ngoại giao. Nhiều nguồn tin “trong luồng” cũng dè dặt loan báo rằng Lê Phú Trọng đang chuẩn bị dự tranh ghế tổng bí thư, và Nguyễn Tấn Dũng đang ngắm nghé ghế thủ tướng.


b) Bộ phận thiếu thống nhất và cực kỳ thiếu khả năng nói trên lại đang phiêu lưu nắm giữ toàn bộ vận mệnh Việt Nam. Tương lai của Việt Nam đã, đang và sẽ không là gì cả so với tương lai của từng đứa trong nhóm chính trị bộ đó. Bà Madeleine Albright ghé Hà Nội trên đường sang dự hội nghị APEC tại Tân Tây Lan trong bối cảnh tạp nhạp vừa kể, nên không ai ngạc nhiên khi nghe bà tuyên bố: “Chỉ hy vọng nhưng không chờ đợi bản hiệp thương được ký kết tại Auckland”.

Cần Chỉnh Hay Đốn?


Đó chỉ mới là cái “cơ sở” thượng tầng. Còn hạ tầng ra sao?


Ký giả T.L. của báo Lao Động cho biết là tại Quảng Bình đã xảy ra một hiện tượng lạ. Đạo chích Phan Anh Hòa cạy cửa các công sở, trộm cả thảy là 72 triệu đồng và 100 mỹ kim, khi ra tòa nhận là có trộm tiền của các giám đốc, nhưng không một giám đốc nào nhận là có bị mất tiền. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 20.8, tất cả các giám đốc được triệu tập với tư cách là người bị hại, đã không đến hầu toà. Đạo chích có chìa khóa e sợ loại đạo chích cạy cửa chăng?


Cũng ở Quảng Bình, ký giả Nguyễn Quang Vinh tường thuật vụ nhân tai sau thiên tai: Trong quá trình tiếp nhận kinh phí để mua sắm ngư lưới cụ cứu trợ cho các hộ dân Quảng Bình bị thiên tai năm 1998 do Tổ chức nhân đạo Cộng đồng Châu Âu (ECHO) trợ giúp, bà Hà Thị Riên, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Quảng Bình đã bỏ túi riêng hàng trăm triệu đồng trong tổng số tiền cứu trợ là 2,3 tỉ.


Trang Sổ Tay Văn Hóa trên báo Lao Động tháng rồi, ký giả Nguyễn Kim Phượng cũng ghi nhận tình hình “Văn hóa bia rượu… nợ”: Trong 2 quyển sổ nợ của một quán cơm trong thành phố, lãnh đạo Tỉnh Đoàn tỉnh N. đã tự tay hạ bút ký sổ tới 47 lần (ứng với số tiền nợ gần 10 triệu đồng), gồm cả các cuộc hát karaoke có “em út” phục vụ. Tính đến hết quý II-1999, Tỉnh Đoàn tỉnh này vẫn còn nợ các quán xá, khách sạn, nhà nghỉ trong thành phố tổng cộng gần 50 triệu đồng.


Cũng tại tỉnh này, trong một cuộc họp giao ban, một anh Bí thư Huyện Đoàn huyện V.N đã đứng dậy phát biểu về chuyện giải thưởng cuộc thi Hành Trang Vào Thế Kỷ Mới có điều phi lý: Tiền giải thưởng được công bố từ đầu trị giá 70.000 đồng. Song, khi các em mở gói phần thưởng ra thì chỉ là một lô kẹo (cộng cả tiền đóng gói và bao bì) cũng trị giá không quá 40.000 đồng. Anh nói: “Đây là ý kiến của các em thiếu nhi miền núi, vùng xa, xin được đề đạt lại với các anh, chị ở Tỉnh Đoàn. Xin các anh, chị đừng đối xử với thiếu nhi như vậy”. Từ đó, một bài thơ nổi tiếng trong nước đã được chính thức biến cải:

Chỉ có rượu mới hiểu, bụng mênh mông nhường nào.

Chỉ có bụng mới biết, rượu đi đâu, về đâu”.


Tại Phân viện Khoa học Vật liệu Nha Trang, kỹ sư Phạm Tảo đã tự ý bỏ việc từ cuối năm 1996 và đến nay không ai biết đương sự đi đâu, làm gì. Nhưng, chẳng những phân viện không báo cáo lên cấp trên mà vẫn cứ hạch toán trả lương hàng tháng. Ngoài ra còn có 3 trường hợp đã nghỉ việc từ năm 1995 nhưng phân viện vẫn sử dụng quỹ lương để chi hợp đồng cho… các bộ phận khác.


Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Địa chính, đến nay cả nước đã cấp được hơn 5 triệu giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất ở nông thôn – vẫn gọi là “sổ đỏ”. Đùng một cái, ngày 29.4.1999, lại có quy định: Mẫu giấy chứng nhận theo Nghị định 60/ CP lại là giấy màu “hồng”. Hai loại giấy này hoàn toàn khác nhau về cả nội dung và hình thức. Ông Bùi Xuân Sơn – Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính đã phải tốn thêm giấy mực gửi công văn đi khắp các tỉnh để trả lời cho bàn dân thiên hạ rõ về việc cả hai loại GCN (màu “đỏ” và “hồng”) đều có giá trị như nhau khi thực hiện 6 quyền sử dụng đất. Vậy là 12 triệu hộ nông dân cả nước, trong đó có hơn 5 triệu hộ đã được cấp GCN màu “đỏ”, Nhà nước đã tốn hơn 100 tỷ đồng. Bây giờ lại bảo cấp thêm hay thay bằng mẫu giấy màu “hồng” thì liệu phải làm thêm con tính mới thế nào đây?


Tại Hải Phòng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương quận Hồng Bàng Nguyễn Văn Thắng vừa bị bắt giam về tội gây thất thoát lớn tiền của nhà nước. Chỉ riêng một khách hàng của nhà băng này là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Hà, giám đốc đã chạy trốn, cuỗm mất số tiền vay gần 19 tỉ đồng.


Theo phóng viên N.T.H., chỉ 5%-6% cán bộ trong các ngành chủ yếu của thành phố Đà Nẵng có trình độ đại học. Ngoài ra trong số 230 cán bộ chủ chốt tại các xã, phường cũng có đến 31,7% chưa học hết cấp trung học và 32,6% là do cán bộ hưu trí kiêm nhiệm. Đà Nẵng là một thành phố loại 2 trực thuộc trung ương.


Hội nghị Tổng kết về tổ chức và hoạt động của HĐND – UBND Sài Gòn khóa V, nhiệm kỳ 1994 – 1999, đã thừa nhận: Trong thời gian qua, trên địa bàn TP đã xảy ra nhiều vụ án kinh tế lớn tích tụ trong nhiều năm trước đây, đã gây tổn thất hàng ngàn tỷ đồng cho nhà nước mà thực chất là của nhân dân.


Tại Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Đồng Nai, bốn cán bộ thuộc đội 4 đã bắt giam xe chở khô mực xuất khẩu, yêu cầu xe đậu vào 1 quán càphê để… thương lượng. Điều kiện nếu chịu chi ra 6 triệu đồng thì cho xe đi, còn không sẽ đưa xe về đội phạt 20 triệu đồng! Tài xế và áp tải vét sạch túi mới chỉ có được 3,7 triệu đồng. Điều kiện kế tiếp sau khi trả hàng xong, trên đường về trả nốt “số nợ” 2,3 triệu đồng thì sẽ được trả giấy tờ xe, đồng thời còn cho số điện thoại di động để dễ liên lạc!


Tại công ty xuất nhập khẩu Kiên Giang, lớn nhất trên địa bàn tỉnh, cũng vừa xảy ra vụ án tham nhũng lớn nhất ở đây. Các bị cáo Tăng Bình, Lâm Hổ Hiệp, Trần Chí Việt, Trương Bích Thuận, Phan Công Lý, Nguyễn Trung Hiếu, Trần Văn Thanh, Huỳnh Minh Chương, Huỳnh Anh, Huỳnh Văn Minh đã đổ lỗi cho nhau về tội chiếm đoạt tài sản XHCN, tham ô, cố ý làm trái lên tới 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phóng viên P.V. của báo Lao Động thì dư luận rất ngạc nhiên vì sao thẩm vấn các bị cáo trong phần tội danh cố ý làm trái, chi sai nguyên tắc tài chính, như tiếp khách, quà biếu gần 600 triệu đồng… mà không thấy Hội đồng xét xử thẩm vấn chi cho ai, tiếp khách nào.


Ngày 6-9, Phòng Cảnh sát điều tra Sài Gòn đã khởi tố khởi tố 3 bị can gồm: Nguyễn Hữu Thanh (nguyên phó giám đốc Cty TNHH dược phẩm Kỳ Hòa), Nguyễn Ánh Tuyết và Nguyễn Văn Viễn. Với chức vụ là phó giám đốc khi mua 40 xe hơi trị giá 360.000USD của Cty liên doanh Việt Nam – Suzuki bằng phương thức trả chậm, Nguyễn Hữu Thanh đã sử dụng toàn bộ số tiền này vào các mục đích chi tiêu cá nhân.


Tại Quảng Ngãi, những “khoản chi bất thường” của chương trình trồng rừng theo dự án PAM lên đến gần 4 tỉ đồng. Trong đó đã có khoản chi cho 13 cán bộ chủ chốt của tỉnh xây nhà và đi tham quan học tập nước ngoài trong 3 đợt.


Tại Đồng Tháp, qua một số cuộc thanh tra vừa kết thúc cho thấy việc quản lý vốn cho vay XĐGN và tôn cao nền nhà khá lỏng lẻo, dẫn đến 5,8 tỉ đồng đã không đến tay đúng đối tượng hoặc sử dụng vốn vay vào việc khác.


Theo báo Tuổi Trẻ, bộ Tư pháp CSVN đã hoàn tất dự thảo về “Quy chế đạo đức hành nghề thẩm phán”, cấm thẩm phán không được tiếp bị cáo ngoài giờ và tại nhà riêng; không được nhận quà biếu, tặng phẩm…; không được kinh doanh, dịch vụ có ảnh hưởng đến nghề nghiệp; không được tham gia một số công việc như giám đốc, cố vấn, thành viên hội đồng quản trị…


Báo Lao Động số 138 ngày 28-8 đăng bài “Phú Xuyên – Hà Tây: Huyện – xã liên kết tham nhũng” bằng thủ đoạn cung cấp bảy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hồ sơ giả), gây thất thoát 764 triệu đồng.


Theo báo Lao Động ngày 24-8 thì Nông Đức Mạnh, chủ tịch quốc hội Ba Đình, trong chuyến tham quan vùng lũ ở Lâm Đồng đã tặng nạn dân lũ lụt 15 triệu đồng bằng tiền riêng. Ngày hôm sau, báo này lên tiếng đính chánh theo yêu cầu của người tặng rằng: “số tiền đó không phải là tiền riêng của đồng chí Nông Đức Mạnh”. Xem ra, bản cáo trạng Đỗ Mười tặng dân bằng tiền chi viện của Nam Triều Tiên vẫn có kết quả gián tiếp.


Sau cùng, để đúc kết thành quả chiến dịch chỉnh đảng rầm rộ trên toàn quốc, ký giả Lam Chi của báo Lao Động đã long trọng loan báo: Đảng viên Lê Văn Dũng, 37 tuổi đảng, 74 tuổi đời, đã bị chi bộ Thẩm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khai trừ để làm “trong sạch đảng” vì đã vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình bởi đã sinh tới người con thứ năm. Được biết thêm, cũng trong khí thế chỉnh đảng, huyện Hải Lăng cũng đã khai trừ tổng cộng 6 đảng viên về cùng tội có trên 3 con.

Biết Thải Về Đâu?


Cách đây đúng 50 năm, tờ Cứu Quốc đăng liên tiếp 4 bài viết của Hồ Chí Minh, dưới bút hiệu Lê Quyết Thắng, về 4 chủ đề: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, để rèn quân chỉnh cán. Bài mở đầu như sau:

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa, thì không thành Trời.

Thiếu một phương, thì không thành Đất.

Thiếu một đức, thì không thành Người.


Nay, chỉ với một số thời sự tiêu biểu của tháng qua như thượng dẫn, ai cũng có thể đặt câu hỏi: Đảng viên của Hồ là gì?


Tin tức sôi động hàng đầu được các báo ghi nhận và đi tựa lớn trên trang nhất là: “Không nơi thải rác”. Các báo đưa tin rằng “Trong suốt hai ngày 11 và 12-9-1999, hầu như toàn bộ rác thải ở nội thành Hà Nội đã không được dọn”. Nguyên nhân là bởi người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của huyện Sóc Sơn đã ngăn chận không cho xe rác tập kết vào bãi rác lớn nhất toàn quốc hiện nay, rộng 13,5 hecta.


Lý do? Xí nghiệp quản lý chất thải Nam Sơn, thuộc Cty Môi Trường Đô Thị Hà Nội, sau 4 tháng đưa vào hoạt động, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của 37 hộ dân nơi đây, vì xí nghiệp này gây ra nạn ô uế, mà không được xử lý hay bồi thường xứng đáng theo đúng quy chế bồi thường do ô nhiễm môi trường. Xin chú ý rằng đây chỉ là sự phản đối của vỏn vẹn 37 hộ dân.


Các báo mô tả rõ “Những đống rác tú hụ nằm chềnh ềnh trên rất nhiều đường phố lớn đã làm xấu bộ mặt của thủ đô…. Đi trên bất cứ đường phố nào cũng đều gặp những đống rác to, nhỏ nằm rải rác, nhất là những phố đông dân cư, khu chợ, rác ùn thành đống to”. Điều chắc chắn là đống to nhất chính là Ba Đình. Biết thải về đâu?


Không phải do ngẫu nhiên mà đạo diễn Doãn Hoàng Giang và kịch tác gia Lê Chí Trung đồng chung sức dàn dựng một vở diễn nổi tiếng cho Đoàn kịch nói Hà Tây tham dự Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp 99 với nhan đề “Bóng đen còn đó” .


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comentarios


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page