1999.11 – Sóng Ở Đáy Sông
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 20 min read

Tháng Mười năm nay ở Việt Nam không mang ý nghĩa ngày mùa, sau khi bản hiệp thương với Mỹ đã bị bộ chính trị CSVN quẳng gánh giữa đường.
Tháng Mười cũng đã hết là tháng kỷ niệm cách mạng rậm rật.
Nhưng lãnh đạo Hà Nội vẫn không thôi rậm rật, khi phải chuẩn bị gấp rút hàng loạt cuộc thi hoa hậu đều khắp.
Dù vậy, cái gút thời sự tháng Mười không nằm ở nỗ lực tuyển chọn hoa hậu ở các câu lạc bộ xã hội bên ngoài, mà là cuộc bình bầu nảy lửa các mầm non mới cho câu lạc bộ chính trị ở bên trong thượng tầng trung ương đảng CSVN.
Từ Điện Biên Tới Dior
Báo Lao Động dẫn đầu thông tin chiến dịch Hoa Rộ bằng hàng tựa lớn với tính kích thích cao độ: “Lần đầu tiên Bộ VH-TT tổ chức thi hoa hậu toàn quốc”, chính thức tuyển chọn ba danh hiệu: “Hoa hậu VN”, “Hoa hậu Hữu nghị” và “Hoa hậu Du lịch”. Tất cả là nhằm cật lực chuẩn bị cuộc Liên Hoan Bình Chọn “Thời trang-Người đẹp ASEAN và thế giới” sắp được tổ chức vào tháng 11 này tại VN. Song song và có phần nô nức hơn đợt phê bình chỉnh đảng, chiến dịch “Tìm kiếm người đẹp thời trang ‘99” cũng được khởi động rầm rộ. Vòng sơ khảo tổ chức tại Hà Nội. Vòng chung kết tổ chức tại Hải Phòng.
Cũng trong không khí thi đua tổ chức ăn chơi, ngày 17-10, Nhà văn hóa Hà Nội đã khai mạc “Liên hoan tiếng hát người cao tuổi Hà Nội lần 1”. Đặc biệt là tiết mục hợp xướng của hơn 100 cụ cao tuổi thuộc huyện Đông Anh, khá gần với địa danh Kim Nỗ, Thọ Đà. Theo phóng viên A.X. của báo Lao Động thì liên hoan này nhằm “khơi dậy các hoạt động của phong trào Tuổi già nhưng trí không già”. Tất nhiên, chẳng một nhà báo nào bình luận “sâu sát” rằng đây là phong trào do Đỗ Mười sáng tác.
Được phát động từ tháng 4-99, cuộc thi thiết kế thời trang “Vietnam Collection Grand Prix’99”, được coi là “giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực thiết kế thời trang Việt Nam”, đã kết thúc với vòng chung khảo và lễ trao giải long trọng tối 17-9 vừa qua tại khách sạn Rex, Sài Gòn. Tuần lễ “Thời trang quốc tế Paris – Xuân hè 2000”, quy tụ 20 nhà tạo mốt quốc tế, đứng đầu là Chanel, Louis Vuitton, Yohji Yamamoto, Yves Saint Lauren… cũng vừa kết thúc ngày 10-10. Theo ký giả Hương Thu, “lần đầu tiên, Yamamoto xuất hiện với những bộ váy voan mỏng nhẹ như tơ…”.
Chiều ngày 9-10, tại câu lạc bộ Báo chí – 59A Lý Thái Tổ, Hà Nội, bộ Văn hóa Thông tin CSVN cũng đã long trọng tổ chức cuộc triển lãm ảnh “Một trăm năm thời trang Paris 1860-1960”. Theo báo Hà Nội Mới, triển lãm mở cửa đến 18-10, với “60 bức ảnh trưng bày tại triển lãm thể hiện các sáng tác của những danh tài thời trang nổi tiếng thế kỷ 20 như Worth, Redfern, Callnot, Rouff, Fath, Balmain, Dior…”.
Thời khoảng nói trên cũng vo tròn một thế kỷ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, kể từ lúc chiến hạm của Rigault de Genouilly kéo ra đánh hạ thành An Hải và Tôn Hải rồi chiếm Đà Nẵng vào tháng 7 năm 1858. Không ai rõ 60 bức ảnh triển lãm đó có khuất lấp được chăng chiếc áo the sờn của cụ Hoàng Hoa Thám, chiếc áo ngắn đẫm máu của anh hùng Nguyễn Thái Học, hoặc những chiếc áo cánh thủng đạn Tây của biết bao con dân Việt trong suốt một trăm năm chống Pháp. Chỉ hay, từ chiến hào Điện Biên 1954 tới váy ngắn Dior 1960 quả là một khoảng cách không xa.
Những Vỉa Hè Độc Lập
Nếu Hà Nội sử dụng ngân sách quốc gia vào các cuộc vui ngắn ngày tại chỗ như vừa nói thì thành phố Sài Gòn xài tiền cách khác: Thông qua quyết định của Phan Văn Khải số 891/ TTg ngày 20-9-1999, dự án thiết kế khu du lịch – giải trí bờ sông Sài Gòn đã được khởi công để xây dựng 194 biệt thự (?!), nhà chung cư cao cấp 12 tầng (?!), Trung tâm dịch vụ thương mại 15 tầng(?!), trên một diện tích 21 mẫu Tây, thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Tổng mức đầu tư khoảng 252,79 tỷ đồng.
Trong khi đó, cũng chính phóng viên A.X. (tường thuật liên hoan người già ca hát nói trên) đưa tin là hiện có tới 70% số sinh viên không có chỗ ở trong ký túc xá. Bản tin này viết theo tài liệu của bộ Giáo dục- Đào tạo CSVN là: “Trong năm học mới, các trường đại học đã tiếp nhận khoảng 370.000 sinh viên. Tuy nhiên, ký túc xá các trường đại học chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nhà trọ cho 30% sinh viên”, chủ yếu là đối tượng được ưu tiên như “con em gia đình chính sách”. Đỗ Xuân Thụ – Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ của bộ Giáo dục-Đào tạo CSVN còn cho biết thêm: “Nhiều nơi giáo viên vẫn phải dạy vượt giờ, học sinh vẫn phải học 3 ca do thiếu phòng học…”.
Trên một bài báo khác của tác giả Hai Văn Sáu, hiện tượng vắt dân “xã hội hóa giáo dục” diễn ra vô cùng sôi nổi: Các trường phổ thông đều yêu cầu phụ huynh đóng góp từ 1 tới 5 triệu cho mỗi học sinh. Dù vậy, “Trường thì chật chội, học sinh xếp hàng ra cả ngoài đường, sân vườn cây cối dụng cụ chơi… chẳng có. Lớp thì cửa giả long lở, nóng như rang… Năm nào cũng có trường thu hàng đống tiền mà học sinh lớp 1 đến lớp 5 vẫn ngồi cùng một loại bàn ghế. Đứa 6 tuổi bò dài người, vươn cổ mới chạm bàn, đứa 12 tuổi lại chân cẳng lộc ngộc không biết để vào đâu…”.
Theo báo Người Lao Động, đại diện bộ Giáo dục-Đào tạo CSVN đã phát biểu tại hội thảo của Viện Công Nghệ Á Châu AIT (Vọng Các, Thái Lan): “Theo con số tổng hợp từ 23 bộ, ngành, từ năm 1999 đến 2005, Việt Nam có nhu cầu đào tạo hơn 2.590 tiến sĩ và 4.740 thạc sĩ ở nước ngoài”. Ký giả Dương Ngọc của tờ Thời Báo Kinh Tế còn làm bản tổng kết về “Trình độ học vấn trong các hộ gia đình” như sau: “Qua khảo sát trình độ của người từ 15 tuổi trở lên trong các hộ gia đình, cho thấy 9,5% chưa bao giờ đến trường…. Chưa tốt nghiệp tiểu học vẫn còn tới 25,4%…. Có trình độ văn hóa tiểu học còn 25,3%…. Có trình độ trung học phổ thông chỉ là 6,9%…. Có trình độ công nhân kỹ thuật, sơ cấp chỉ là 3,1%…. Có trình độ trung học chuyên nghiệp là 4,4%…. Có trình độ đại học chỉ là 2,35%…. Có trình độ thạc sĩ mới đạt 0,04%… Có trình độ tiến sĩ, phó tiến sĩ, nếu của thành phố là 0,07% và của nam giới là 0,04% thì nông thôn và nữ gần như bằng 0”.
Hệ quả của trình độ học vấn và nhu cầu cấp bách như trên là gì? Chưa có một thống kê chính thức nào cho biết tỷ lệ công nhân sản xuất so với lực lượng đánh giày-bán vé số chênh lệch ra sao. Chỉ biết là trong thời buổi thi đua tìm kiếm hoa hậu, thiết kế thời trang và thiết kế khu giải trí hiện nay, một tựa tin thời sự nóng hổi là “Người bán vé số cũng phải nộp thuế thu nhập”, dựa trên Thông tư số 100-1999/TT của bộ Tài Chính có hiệu lực kể từ ngày 1-9-99.
Theo điều nghiên phân tích của phóng viên báo Lao Động thì “các tay bán vé số dạo dù có ‘mòn đường, chết cỏ’ mỗi ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 20.000đ”. Tức 1,4USD, mà vẫn phải nộp thuế lợi tức. Còn theo thống kê của Công đoàn Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thì: “Hiện tại các nông lâm trường chỉ thực hiện được mức lương tối thiểu 120.000đ/tháng/người”. Tức tương đương với 8,3USD, chưa tính thuế thu nhập.
Một bài viết khác của tác giả Lý Sinh Sự còn đưa tin rằng: “Phòng LĐ-TB-XH quận 6 TPHCM cho biết ở khu vực quanh chợ Bình Tây, Chợ Lớn có kiểu thu tiền… ngủ vỉa hè, mỗi đêm 2.000đ, ngày Tết 4.000đ”. Quả là cho tới trước thềm thế kỷ 21, vẫn không có gì quý hơn… độc lập, khi cả nước được tự do ngồi xổm trên vỉa hè thế giới, miễn phí.
Xích Lô Hóa Toàn Quốc?
Bài phóng sự của ký giả Chu Thượng về công nhân mỏ than Núi Béo, Quảng Ninh, cho biết một hình thái sinh hoạt “độc lập” khác “từ xưa đến nay chưa hề có”. Đó là việc công nhân tự đóng góp tiền mua trang thiết bị bổ sung cho mỏ này có thể duy trì hoạt động trong thời buổi than đá thặng dư hàng trăm ngàn tấn hiện nay. Tổng cộng trong năm nay, số tiền do công đoàn mỏ huy động được lên tới 860 triệu đồng. Tức là tương đương với con số lẻ của dự án thiết kế khu du lịch – giải trí bờ sông Sài Gòn nói trên.
Cũng nằm trong chiến dịch vắt dân “xã hội hóa giáo dục” và nhằm khơi dậy các hoạt động “độc lập”, báo chí trong nước liên tục đưa tin về những tấm lòng vàng hiến đất cất trường trên cả nước trong mấy tháng qua. Riêng tỉnh Cà Mau ở cuối miền đất nước không thôi cũng được tổng kết là tính đến ngày 6-10, đã có “248 hộ dân hiến 282.904 m2 đất xây trường học, trạm xá. UBND tỉnh vừa công bố như trên và cho biết sẽ mở đợt biểu dương, khen thưởng”.
Theo lời bàn của “bình luận gia” Lý Sinh Sự thì đó là một bài học chia sẻ cho dân thành thị, nơi mà “tranh nhau một hòn gạch là có thể dẫn đến… hình sự”. Có kẻ nhiều chuyện, nêu lên câu hỏi thiếu nghiêm túc rằng: “Bác Lý nói hay quá nhỉ. Sao không tiến thêm bước nữa lý sự rằng trong lúc dân Hà Nội đang cố vượt lên cái mức 4m2/đầu người thì khối ông khối bà có năm bảy nhà lầu, sao không thu bớt mà chia cho người thiếu?”. Thì, câu trả lời của bình luận gia họ Lý là:
“Phải có cách khác, không thể cào bằng thế được. Tôi đi xe đạp 2 bánh, anh đi xe 4 bánh, cào bằng nhau để mỗi anh có 3 bánh là thành tất cả… đạp xích lô à?”.
Tư Cách Bốn Bánh
Tất nhiên là không thể cào bằng như đề nghị nói trên. Có điều là cũng đừng ai bảo rằng đảng tịch thu đất của dân bằng giấy tuyên dương. Cũng đừng ai hỏi thăm tình hình đất công ra sao. Những vụ tiếm đoạt đất công xảy ra hàng bữa. Được biết tới nhiều nhất là vụ đê Yên Phụ có Phạm Thế Duyệt dính líu, và vụ án Thủy Cung Thăng Long, với Ngô Xuân Lộc. Còn gần hơn nữa là vụ án sơ thẩm “Làng kiến trúc phong cảnh Võng Thị”. Kết quả? Cả hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy và Trịnh Hồng Triển đều chối tội. Nhân chứng Trương Tùng là người ký giấy cấp đất cũng cả quyết: “Mọi việc đều làm đúng theo văn bản pháp lý”. Nhờ vậy mà cả ba đều không khác Phạm Thế Duyệt hay Ngô Xuân Lộc: thuộc diện đi xe bốn bánh.
TCty Xây dựng cầu Thăng Long và TCty Xây dựng Công trình Giao thông 1 vừa mới trúng thầu xây dựng cầu Đuống mới, với mức thầu gần 250 tỉ đồng. Công trình mới bắt đầu thi công phần cọc móng thì đã xảy ra sự cố 4 cọc khoan nhồi bị phát hiện không có cốt thép. Tổng số thép bốc hơi chỉ vào khảng 200 triệu đồng, nhưng phải làm 4 cọc mới với giá trị lên tới hàng tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra không phải là ban lãnh đạo hai TCty này đi xe con hiệu Mỹ hay Nhật, mà là trên cả nước đã có bao nhiêu cầu thiếu cốt thép kiểu này nhưng chẳng ai phát hiện?
Tại tỉnh Đắc Lắc, Chủ tịch UBND và lãnh đạo một số ngành chức năng của tỉnh đã lấy tiền ngân sách gửi ngân hàng để lấy lãi và sử dụng tiền lãi tùy tiện, theo kiểu “thích cho ai thì cho”… Số tiền cho ngân hàng tỉnh vay là 110 tỉ đồng, thu lãi 5.562.666.666 đồng, tiêu xài 1.782.693.976 đồng không chứng từ.
Tại Sài Gòn, theo báo cáo của Cục Thuế, hiện có nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng hóa đơn giả để bán cho các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có số lượng hóa đơn giả đầu vào điển hình là: Cửa hàng điện máy thuộc Cty Bách hóa Sài Gòn có 15 hóa đơn giả, trị giá trên 800 triệu đồng, Cty dệt Việt Thắng có 390 hóa đơn giả trị giá trên 2,1 tỉ đồng, Cty cổ phần Thực phẩm Bình Tây có 39 hóa đơn giả trị giá trên 2 tỉ đồng, Xí nghiệp Colusa có 3 hóa đơn giả trị giá trên 600 triệu đồng.
Tại Đà Nẵng: Trong số 223 công trình, hạng mục xây dựng cơ bản của TP.Đà Nẵng năm 1998, có tới 155 công trình, hạng mục có những vi phạm như: Các bên thi công đã nâng khống khối lượng, đơn giá nhân công, vật liệu… Cục Đầu tư Phát triển Quảng Nam – Đà Nẵng đã không chấp nhận quyết toán cho chủ đầu tư của những hạng mục, công trình có vi phạm trên; tổng số tiền không được quyết toán lên tới trên 10 tỉ đồng. Đặc biệt, trong số này có 20 công trình vi phạm có số tiền vượt trên 100 triệu đồng.
Tại Yên Bái, chương trình xóa đói giảm nghèo chậm triển khai do vốn dự toán vượt quá khả năng. Ví dụ: một đoạn đường dài 7 km kế hoạch đầu tư 200 triệu nhưng thiết kế dự toán lên 4,4 tỉ đồng; công trình thuỷ lợi Nong Xa kế hoạch là 700 triệu, thiết kế dự toán 2,4 tỉ đồng; công trình thủy lợi Mông Xi vốn 500 triệu đồng, thiết kế dự toán 2,1 tỉ đồng… Không ai rõ AI là tác giả sự chênh lệch đáng ngại như trên.
Tại cửa khẩu Lao Bảo, công an tỉnh Quảng Trị đã phát hiện Phạm Trương Công Hoàng và Nguyễn Thị Hiền vận chuyển trái phép 73.750USD, 2.900DM (Đức), 120 bảng Anh, 10.300 francs (Pháp), 1.000 dollars Canada, 112.600.000 đồng, 10.000.000 đồng tiền ngân phiếu VN và 84 miếng vàng khoảng trên 3kg.
Tháng rồi, Trung tâm Thông tin Phòng ngừa Rủi ro của Ngân hàng Công thương đã đưa ra một khuyến cáo: “Hãy cảnh giác với các hoạt động tẩy rửa tiền thông qua quan hệ doanh nghiệp – ngân hàng!”. Những vụ án kinh tế lớn thời gian qua khi bị phanh phui đã cho thấy dấu hiệu của tội phạm rửa tiền. Khuyến cáo này cho hay: “Hoạt động tẩy tiền thường theo một chu trình tam giác: Những đồng tiền có nguồn gốc bất hợp pháp (tiền bẩn, do buôn lậu, lừa đảo, ma tuý… mà có) được chuyển sang mua tài sản, gửi ngân hàng, mua cổ phần, chứng khoán, cho vay…, sau đó, tiền sẽ quay lại chính kẻ đã tạo ra những đồng tiền ấy. Việc tẩy rửa tiền được hoàn tất ở vị trí thứ 2 này”. Ngoài ra, những khoản “tiền bẩn” sẽ tiếp tục được chuyển ra nước ngoài bằng các hợp đồng kinh tế hợp pháp, phần lớn có sự tiếp tay của các nhân viên ngân hàng.
Tội Tri Hô!
Trong tháng qua cũng có một số ngày kỷ niệm cần ghi chú. Trước tiên là kỷ niệm “50 năm Ngày thành lập Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”. Qua đó, ủy viên bộ chính trị Nguyễn Đức Bình đã cùng Lê Khả Phiêu nhấn mạnh nhiệm vụ của Học viện trong thời kỳ mới: “đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.
Kế tiếp là kỷ niệm “45 năm tiếp quản thủ đô”. Cựu chính trị viên Tiểu đoàn 18 Vũ Huy Hậu đã nhắc lại một kỷ niệm hào hùng ngày 8-10-54: “Tại ga Hà Nội, tình hình khá căng thẳng, anh em phải phân công nhau canh giữ chiếc đồng hồ nhà ga suốt ngày đêm, không để địch lấy đi…”. Cũng trong dịp này, Chủ tịch UBND Hà Nội Hoàng Văn Nghiên rà soát lại tốc độ tăng trưởng của thủ đô là “thấp nhất trong 5 năm qua”, do bởi “bộ máy hành chính của thành phố cồng kềnh quan liêu, trì trệ đùn đẩy việc cho nhau, hành lẫn nhau và hành dân”.
Tại Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, Báo Phụ Nữ tổ chức thi “Thời trang tuổi 40” lần đầu tiên nhằm “góp phần định hướng thẩm mỹ trong cách ăn mặc cho chị em đứng tuổi”. Bên cạnh đó là lễ kỷ niệm 69 ngày thành lập Nông Hội Đỏ, tiền thân của Hội Nông Dân, được tổ chức trong vòng thân mật và không có trình diễn hay thi đua thời trang định hướng thẩm mỹ cho nông dân trong không khí thắng lợi xóa đói giảm nghèo.
Sau nữa là kỷ niệm 50 năm bài viết “Dân Vận” của Hồ Chí Minh, dưới bút hiệu X.Y.Z. Theo đó, tác giả đã nhận xét từ nửa thế kỷ trước rằng: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận…. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc”.
50 năm sau tình hình ra sao? Ông Nguyễn Đan Quế và Nguyễn Thanh Giang đồng loạt ra thư ngỏ tố cáo đảng CSVN khủng bố con cái của họ vì hai ông đã ôn hòa bày tỏ ý kiến khác với lãnh đạo đảng này. Bốn tôn giáo lớn ở VN cùng ra chung một Lời Kêu Gọi đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do hành đạo. Còn về phía đảng? Tư cách bốn bánh của giới đảng viên CSVN như vừa nêu trên chỉ là những thí dụ điển hình qua mớ thời sự ghi nhận trong tháng. Nạn nhân của tình trạng đó chính là nông dân và công nhân. Thắc mắc khiếu nại ư?
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng phòng Tổng hợp-Hành chính Hoàng Trọng Phiến của cơ quan Ban Tổ chức Chính quyền (TCCQ) tỉnh bị xếp vào ngồi trong một… nhà kho đã 9 tháng nay và không được làm bất cứ một việc gì cả. Lý do? Đương sự đã có những góp ý, phê bình trước những việc làm vi phạm nguyên tắc tài chính kế toán, quy chế làm việc của lãnh đạo Ban TCCQ tỉnh.
Tại Quảng Trị, nhà báo Nguyễn Hoàn – Phó trưởng ban biên tập, Trưởng phòng nội chính báo Quảng Trị viết bài tố cáo đảng viên Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc nhà khách UBND tỉnh QT trong vụ án hình sự “đoạt tiền ngân sách” gần 10 tỷ đồng để cấp bù cho chi phí nhập khẩu xe Dream qua cửa khẩu Lao Bảo năm 1995. Xử lý những sai phạm của Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Bường, ngày 24-9-98, bộ chính trị T.Ư đảng đã ra Quyết định số 525/QĐ-NSTW do Phạm Thế Duyệt ký, phạt “kỷ luật cảnh cáo” đương sự.
Đến ngày 11-10-99, trong một phiên xét xử dân sự không có công tố viên và bị đơn, tòa án nhân dân địa phương đã tuyên buộc nhà báo Nguyễn Hoàn phải viết bài cải chính, xin lỗi và bồi thường “tổn thất tinh thần” 6 triệu đồng cho Nguyễn Văn Sơn! Chưa ai quên vụ ký giả Nguyễn Hoàng Linh trước đây đi tù về tội tố cáo hải quan mua tàu vượt giá. Và đây chỉ là một câu hỏi lặp lại: “Liệu đang có một thế lực bao che cho kẻ tiêu cực, đồng thời muốn bẻ gãy ngòi bút của những nhà báo trung thực?”. Xem ra, chiến dịch phê và tự phê của đảng đã đi tới hồi kết.
Sao Vui Mừng Làm Người Cúi Xin?
Về mặt đối ngoại, bộ Ngoại giao CSVN cho biết đã chính thức chấm dứt 22 hiệp ước, hiệp định ký giữa Việt Nam – Liên bang Nga; và chỉ 2 hiệp định tiếp tục còn hiệu lực: Khai thác dầu khí (3-7-80) và Hợp tác xây dựng công trình đặc biệt (7-3-87). Hiện tại, quan hệ kinh tế Nga – Việt vẫn ở mức thấp, khối lượng lưu chuyển hàng hóa giữa hai bên không vượt quá 350 triệu USD. Dù vậy, trong cuộc gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin, Nguyễn Mạnh Cầm đã tuyên bố rằng: “Có quá nhiều vấn đề và nhiều lực lượng chủ trương xây dựng một thế giới đơn cực bởi vì họ muốn kiểm soát và chi phối sự kiện xảy ra trên nhiều khu vực bằng một góc nhìn…. Chúng tôi ủng hộ cho một thế giới đa cực…”.
Sau vụ hiệp thương với Mỹ bất thành, những hoạt động đối ngoại của CSVN tập trung vào việc khấu tấu phía Bắc. Đầu tiên là Đoàn đại biểu Hội Nhà báo VN do Phan Quang, Chủ tịch Hội, dẫn đầu, đã thăm viếng Trung Quốc từ ngày 15 đến 25-9. Kế đến là “Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập nước CHND Trung Hoa” tại Hà Nội, với sự tham dự của đại sứ TQ Lý Gia Trung, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN, Hội Hữu nghị Việt-Trung, và Uỷ ban Nhân dân TP.Hà Nội.
Sau đó, Chủ tịch Trung ương MTTQ Phạm Thế Duyệt đã dẫn một phái đoàn viếng thăm hữu nghị chính thức TQ từ ngày 8 đến 15-10. Tại đây, Phạm Thế Duyệt khẳng định lập trường nhất quán của đảng CSVN: TQ là một, Đài Loan là một bộ phận không thể chia cắt của TQ. Ngược lại, từ ngày 11-10, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản TQ do ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng CSTQ Chu Thanh Đào dẫn đầu, đã sang thăm Hà Nội. Tại buổi tiếp, ủy viên chính trị bộ CSVN Nguyễn Phú Trọng “đánh giá cao việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước”…
Ngoài ra, Phan Văn Khải đã đưa vợ đi thăm chính thức 4 nước Bắc Âu. Tại Thụy Điển, Khải đã nhận một số viện trợ trên nhiều lãnh vực tổng cộng 12,5 triệu USD. Tại Phần Lan, Thủ tướng Paavo Lipponen, cũng là đương nhiệm Chủ Tịch Cộng Đồng Âu Châu (EU), đã tuyên bố rằng: “Nhân quyền và hợp tác công lý là chìa khóa bang giao giữa EU và VN”. Tại Na Uy, Khải đã nhận viện trợ hỗ trợ xây dựng dự án luật Thủy sản Việt Nam trị giá 1,3 triệu USD. Ngay trong cuộc họp báo sau đó, Phan Văn Khải long trọng loan tin tổng số viện trợ các nước Bắc Âu lên gần 14 triệu mỹ kim, và hân hoan nhấn mạnh rằng: “Chính phủ Na Uy đã đồng ý đưa Việt Nam vào danh sách các nước nhận viện trợ thường xuyên”.
Có lẽ tay nhạc sĩ đòi sống giùm tôi phải hát lại điệp khúc
“Anh chị này, sao vui mừng làm người cúi xin?”.
Bởi ngay vào lúc Phan Văn Khải mặc com-lê lên Bắc Cực ăn xin thì báo Lao Động trong nước dự toán rằng: “Theo ước tính của các chuyên gia ngân hàng, tổng số tiền do người VN ở nước ngoài chuyển về VN cho thân nhân và bạn bè có thể đạt tới 1,2 tỉ USD trong năm 1999”, tức là gấp non 100 lần tổng số viện trợ của 4 nước nói trên.
Hoạt động đáng kể sau đó của Phan Văn Khải là tham dự cuộc họp thượng đỉnh Việt Nam-Lào-Cambodia tại Vạn Tượng vào ngày 19-10, “nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết láng giềng truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam, Lào và Cambodia hướng tới thế kỷ 21” để tiến tới hình thành một “tam giác phát triển” . Điều đáng ghi nhận là trong đó, Ngoại trưởng Căm Bốt Hor Namhong khẳng định rằng: “Đã qua rồi cái thời Đông Dương. Cambodia, Lào và Việt Nam là 3 quốc gia riêng biệt”. Lời tuyên bố này đi tiếp theo phản đối của chính quyền Căm Bốt mới đây về vấn đề VN xâm phạm lãnh thổ nước này ở hai tỉnh Takeo và Prey Veng.
Thống Nhất Quan Điểm?
Về mặt đối nội, Chính phủ CSVN đã họp phiên thường kỳ tháng 9. Nhận định chung của phiên họp này là: “Một số mặt yếu kém trong nền kinh tế Việt Nam trong năm 1999 vẫn còn khá nặng nề, kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu không đạt dự kiến đầu năm. Sức mua giảm sút và chưa khắc phục được những khó khăn nội tại về thị trường, công nghệ, tổ chức quản lý. Đầu tư xây dựng cơ bản chưa có chuyển biến rõ rệt, đầu tư nước ngoài giảm, đầu tư của khu vực doanh nghiệp và dân cư vẫn ở quy mô nhỏ”.
Đáng quan tâm nhất là sau vụ hiệp thương với Mỹ bị bỏ lửng vì chính trị bộ CSVN không thể nhất trí, Phan Văn Khải và Nguyễn Mạnh Cầm đã nhân buổi họp thường kỳ này, “nhấn mạnh một số vấn đề cần thống nhất quan điểm khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế”. Cả hai đều là ủy viên chính trị bộ và đã phải ngậm bồ hòn trong quyết định ngưng ký kết với Mỹ hồi tháng 9 vừa qua, nay lại phải dùng diễn đàn chính phủ để phản công.
Song song đó, một buổi “Hội thảo về cải cách hành chính” cũng được tổ chức tại Sài Gòn về “những bất cập trong thủ tục hành chính hiện nay, cho rằng: còn những thủ tục do cơ quan hành chính Nhà nước tự đề ra là rườm rà, không cần thiết”. Theo Phó giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất Đỗ Phi Hùng thì khẩu hiệu: “3cầu, năm hóa” (rộng-sâu-đồng bộ và pháp lý hóa, hợp lý hóa, mẫu biểu hóa, công khai hóa, hiện đại hóa) vẫn chưa đáp ứng được. Còn Giám đốc trường Hành chính Quốc gia Nguyễn Ngọc Hiến cho rằng “cái vướng lớn hiện nay là sự chưa đồng bộ giữa Trung ương và địa phương”.
Một vấn đề khác nằm trong cốt lõi của nghị quyết bộ chính trị vừa rồi cũng được nêu bật: “Nan giải cải cách tiền lương”. Theo các chuyên gia soạn thảo đề án bớt người và tăng lương thì, “riêng dự kiến nâng lương tối thiểu lên 180.000 đồng/tháng vào đầu năm 2000 sẽ khiến cho trong năm tới Ngân sách Nhà nước phải bố trí thêm khoảng 4.500 tỷ đồng… có thể dẫn đến giảm chi cho đầu tư phát triển, tăng bội chi ngân sách…”.
Cũng theo các chuyên gia này, thực tế cho thấy “phần lớn “những nguồn thu nhập thêm để chia nhau” đều nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan tài chính nhà nước”. Giải pháp? Bộ Tài chính CSVN dự kiến sẽ triển khai chủ trương “xã hội hoá” một số hoạt động thuộc các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa nghệ thuật, khoa học, thể dục thể thao, báo chí, truyền hình v.v…. Xã hội hóa có nghĩa là… bắt dân đóng góp.
Theo tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, vấn đề Tăng trưởng chậm của VN có hai nguyên nhân:
Một là chính sách tiền tệ và ngân sách thắt chặt.
Hai là sự sút giảm đầu tư và hiệu suất đầu tư. Năm 1998, vốn cam kết đầu tư chỉ còn 1,7 tỷ USD so với 4,4 tỷ USD năm 1997 và 7,7 tỷ USD năm 1996.
Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1998 chỉ là 800 triệu USD so với 2 tỷ USD năm 1997 và 1,9 tỷ USD năm 1996. “Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), có đến 60% các doanh nghiệp quốc doanh bị lỗ trong đó có 16% là thua lỗ triền miên. Tình trạng các xí nghiệp tư doanh cũng không khá hơn.
Trong năm 1998 và sáu tháng đầu năm 1999, đã có hàng ngàn xí nghiệp thua lỗ phải đóng cửa, trả giấy phép”. Thí dụ Cty dầu khí Saigon Petro mỗi tháng bình quân lỗ 9,4 tỉ đồng! Hay, Vinalines đã vay 300 tỉ đồng để mua tàu chở dầu Pacific Falcon trọng tải 60 nghìn tấn (được xem như một sự kiện lịch sử của ngành để chở dầu thô xuất khẩu) nhưng để rồi lại đi chở thuê cho nước ngoài…. Giải pháp mà bài phân tích này đề nghị là cần có một quyết tâm hành động mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ nhằm củng cố niềm tin để các doanh nghiệp lại sẵn sàng đầu tư, trong niềm hy vọng chung là “Suy thoái rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc”.
Một cách cụ thể, CSVN đã thành lập “Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia” gồm có 17 thành viên, do Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch. Đồng thời, theo quyết định ghi ngày 12-10-99, Phan Văn Khải chính thức cách chức Tổng cục trưởng Hải quan Phan Văn Dĩnh, thay bằng Nguyễn Đức Kiên (sinh năm 1948), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Còn theo Nghị định số 145 cũng của Phan Văn Khải, Tổng cục Đầu tư Phát triển sẽ được giải thể từ ngày 1-1-2000.
Nhìn chung, thời sự tháng qua chuyên chở hình ảnh một quả bóng xẹp. CSVN bị đè bẹp bởi quá nhiều loại áp suất: Bên ngoài là Mỹ, Tàu, EU, WTO, IMF, WB, ODA, đầu tư của ngoại quốc, và ngay cả… Cam Bốt. Bên trong là đối kháng, tôn giáo, cạn ngân, giảm phát, bội chi, hàng lậu, quốc doanh thua lỗ, thất nghiệp tràn lan, hàng hóa tồn đọng, buôn lậu, tham nhũng, biển lận, trốn thuế, và hàng vạn thứ tệ nạn xã hội. Bên trong cùng là thiếu tư tưởng, trung ương và địa phương bị đứt rời, quân đội bất mãn, nghị quyết trung ương bất khả thi, và trên cùng là thiếu thống nhất ở cấp chính trị bộ.
Song song với vở kịch nói “Ảo Vọng” mới diễn tại Nhà hát kịch Hà Nội, Fafilm VN cũng ra mắt khán giả bộ phim video “Sóng Ở Đáy Sông” . Cả hai đều trùng hợp vào việc chuẩn bị cho cuộc họp rất căng của bộ chính trị Hà Nội vào đầu tháng 11 này.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments