1999.12 – Thiên Tai Thế Kỷ
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 20 min read

Cái đòn gánh Trung Phần Việt Nam vẫn tiếp tục cong oằn suốt chiều dài thế kỷ, sau biết mấy trận chiến kinh hoàng đổ nát, qua bao nhiêu thứ áp bức vây bủa hàng ngày, và dưới từng cơn bão lụt hàng năm.
Đến đoạn cuối 100 năm khổ ải thứ 20, Quảng Trị và Huế vẫn chìm trong nước mắt với nước mưa.
Năm nay, trận thiên tai này lại mang sức công phá dữ dội nhất thế kỷ, và trở thành lý cớ cuốn trôi chủ đề hội nghị trung ương đảng CSVN kỳ 8. Đó chính là điểm gút của thời sự tháng qua tại Việt Nam.
Máu Chảy Ruột Giòn?
Tin bão lụt đã chiếm gần trọn trang nhất các báo trong nước suốt mấy tuần qua. Các phóng sự bằng hình làm chùn lòng người còn chạy tràn vào các trang trong. Mọi chương trình truyền hình đều phát liên tục cảnh tang thương màn trời chiếu đất. Một số đoạn băng hình vidéo còn được chuyền lên lưới thông tin điện tử toàn cầu. Mọi thông tin đều đính kèm theo một lời kêu gọi lá lành đùm lá rách. Các quỹ cứu trợ thống kê tổng số hiện kim và hiện vật hàng ngày. Nhiều mẩu tin tuyên dương các gương hy sinh dũng cảm cứu người, hay các trường hợp lá rách đùm lá tả tơi. Bản tin Reuters loan báo con số thiệt hại vật chất tuy chỉ vào khoảng trên 200 triệu mỹ kim, nhưng đặc biệt nhấn mạnh rằng đó là “sự thiệt hại lớn lao của những tỉnh nghèo nhất thuộc một quốc gia nghèo nhất thế giới”! Mọi sứ quán nước ngoài đều được gõ cửa.
Sự hưởng ứng cũng khá lạc quan. Tính bằng trị giá mỹ kim, bảng sơ kết cho đến giữa tháng 11 trên báo Nhân Dân liệt kê những tặng phẩm đầy tình người:
Hồng Thập Tự Quốc Tế: 1.000.000;
Chính phủ Úc: 650.000;
Chính phủ Mỹ: 600.000;
Chính phủ và Bộ Ngoại Giao Đức: 370.000;
Chính phủ Nhật Bản: 80.000;
Chính phủ Pháp: 50.000;
Chính phủ Thái Lan: 30.000;
Sứ quán Hòa Lan: 50.000;
Quỹ Nhi Đồng UNICEF 20.000;
Hoàng Hậu Thái Lan: 20.000;
Sứ quán Pháp: 3.400;
Sứ quán Hàn Quốc: 3.000;
Sứ quán Lào: 1000;
Sứ quán Cam Bốt: 1000;
Sứ quán Ba Tây: 100;
Sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ: 75;
Sứ quán Do Thái: 75;
Sứ quán Slovakia: 50 v.v….
Riêng đồng bào Việt Nam tại hải ngoại, qua các chiến dịch nô nức cứu trợ và qua những trợ giúp thân nhân bằng ngả gia đình, ước lượng là trong tháng qua đã đạt được con số tương đương với tổng trị giá hiện kim của tất cả các nước nói trên cộng chung lại. Tất cả đã thể hiện tình tương thân cốt nhục. Tất cả đã tự nguyện xẻ chia miếng cơm manh áo với đồng bào hoạn nạn trong nước. Tất cả đã đau chung nỗi đau tai ương tang tóc mà bà con mình gánh chịu, lại còn thấm sâu biết bao cái nỗi nhục đất nước “nghèo nhất thế giới” như Reuters đánh giá. Trên báo San Jose Mercury News ngày 12-11, Deborah Aronson, giám đốc hãng xe Ford tại VN còn so sánh rằng hiện nay, “Việt Nam là Thái Lan 20 năm trước, và là Đài Loan 30 năm trước”.
Cái “nghèo nhất” đó không chỉ nằm trên các thứ chỉ số bình quân của những kinh tế gia thế giới, nó còn nằm chình ình trên cả hàng tá lề thói hành xử đê tiện của đảng và nhà nước CSVN.
Đê tiện một: Chưa ai quên vụ lụt khủng khiếp trên vùng hạ lưu Hắc Giang bên Tàu vừa qua, với tỷ lệ 3000 nạn nhân chết đuối được coi là “không đáng kể” so với mấy trăm triệu người lâm nạn. Cách thông tin ở Việt Nam về trận thiên tai thế kỷ này cũng chỉ là một sự “triển khai” đường lối đó: Có 591 người chết, 50 người mất tích, trên tổng số 7 triệu nạn nhân. Không một ai chờ đợi con số tử vong đó cao hơn. Người ta chỉ ngờ là dàn lãnh đạo Hà Nội cố tình bưng bít con số thật, nhằm mục đích tuyên truyền đánh bóng một thứ khả năng không có của đảng về việc giảm thiểu tử vong lũ lụt, và nhằm vào việc quản lý khối lượng hiện kim cứu trợ khẩn cấp cho con số thổi phồng 7 triệu người lâm nạn.
Đê tiện hai: Báo Nhân Dân đưa tin Lê Khả Phiêu đi thăm vùng lụt, đề cao lãnh tụ rằng: “Đến đâu TBT cũng hỏi người dân: Nhà còn có gì để ăn không?”. Thực tế, nhà còn không có, có gì ăn? Sau đó, so với nỗ lực tuyên truyền về thành quả gần 4 triệu rưỡi tấn gạo xuất khẩu năm nay, “Trung ương chi viện” 1000 tấn gạo (tính tới ngày 9-11) cho tỉnh Thừa Thiên-Huế, là nơi có “212.299 hộ ngập sâu trong nước từ 1,5m đến 4m”. Trung bình mỗi hộ được gần 5 ký gạo, và có nhiều xác suất rằng đây là chi viện duy nhất của trung ương!
Đê tiện ba: Đã vậy, một bản tin trên Net cho biết thủ tục cứu trợ của tư nhân cũng không phải đơn giản: “Tất cả các hội thiện nguyện dân sự hay cá nhân muốn giúp đỡ đồng bào bão lụt miền Trung đều phải đăng ký với Ủy ban MTTQ từ cấp xã trở lên. Mọi hành động tự ý không giấy phép đều bị tịch thu sản vật và tạm giam người phân phát để chờ điều tra”. Chính qua thủ tục này, Hòa thượng Huyền Quang đã bị bắt giam từ vụ cứu lụt ở miền Tây mấy năm trước.
Đê tiện bốn: Cũng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, một sắc lệnh địa phương đăng trên báo Lao Động đã làm nao núng nhiều tấm lòng vàng: “UBND tỉnh đã cảnh báo các ngành, các địa phương…. bất kỳ một hiện tượng tham ô, xà xẻo nào trong lượng hàng cứu trợ chuyển đến dân cũng sẽ được xử lý nghiêm khắc ngay, không thương tiếc, dù là cấp nào, ngành nào”. Rồi trong chuyến kinh lý của Lê Khả Phiêu, báo Nhân Dân nhấn mạnh thêm “TBT đề nghị: không được phép xà xẻo hàng cứu trợ”. Rõ là rận cùng chăn nhẵn mặt. Ở mọi cấp. Khẩu hiệu cũ: Sống và xà xẻo theo hiến pháp và luật pháp! Khẩu hiệu mới: Không thương tiếc kẻ đơn phương xà xẻo?
Đê tiện năm: Chính vì vậy mà ngay cả cán bộ cứu trợ trong nước cũng phải cảnh giác cao độ rằng “Hàng đến nhưng phải tới”. Một ký giả của báo Lao Động, trước khi nhận trách nhiệm đưa chuyến xe hàng cứu trợ ra Huế đã hỏi đồng nghiệp Lâm Chí Công : “Phân phối thế nào?”. Công nói gọn lỏn: “Giao tận tay!”. Kết quả? Bản báo cáo này nêu rõ “khi Quỹ Tấm lòng vàng yêu cầu giao tận tay hàng cứu trợ đến dân, đã không ít địa phương ngỡ ngàng, thậm chí ‘khó chịu’…”. Tất yếu thôi, vì hàng cứu trợ không qua tay đảng.
Đê tiện sáu: Lê Khả Phiêu, trong cuộc kinh lý vùng lũ lụt từ Quảng Bình vào tới Quảng Nam, đã nhấn mạnh từng nơi hai “ý kiến chỉ đạo”, được trang trọng đăng trên trang nhất báo Nhân Dân như sau:
Thứ nhất, “Đây là điều kiện tốt để đẩy mạnh cuộc Vận động Xây dựng Chỉnh đốn Đảng”. Hóa ra, trận lụt thế kỷ đã là một điều kiện tốt cho đảng CSVN. Lợi hại thật! Nói rộng ra, chân lý là: cái gì càng hại cho dân thì càng lợi cho đảng? Không máu chảy ruột giòn thì là gì?
Thứ nhì là phải tập trung hướng dẫn để tạo điều kiện cho dân “Sống Chung Với Lũ”.
Tất cả các địa phương đã coi đây là một định hướng mới, dẫn từ vùng Đồng Tháp Mười ngang qua Quảng Trị ra tới đồng bằng sông Hồng. Chỉ tội cho nông dân Việt Nam phải tập thêm một lối sống “chan hòa” mới với lũ lụt, trong khi còn đang chết dở với… lũ cướp.
Đê tiện bảy: Chưa hết, về phía chính phủ, trước cảnh màn trời chiếu đất của bảy triệu nạn nhân, Phan Văn Khải đã “có Công văn gửi Ủy ban Nhân dân các địa phương… về việc liên quan đến các biệt thự đã mua của Nhà nước theo Nghị định 61/CP”. Cũng vẫn bão lụt là một điều kiện tốt để giải quyết các biệt thự còn vướng mắc? Hay theo sách xưa gọi là lo trước cái lo của dân?
Đê tiện tám: Cũng trong cảnh màn trời chiếu đất đó, Hà Nội đã tổ chức trọng thể “Ngày Hội rượu vang Pháp” (Beaujolais Nouveau ‘99) vào sáng 18-11 tại Câu lạc bộ Báo chí Hà Nội, vào sáng 19-11 tại khách sạn Sofitel Plaza Sài Gòn và Hội chợ Nông nghiệp Cần Thơ. Nghĩa là Hà Nội ưu tiên một. Uống cho người trôi nhà mất cửa chăng?
Đê tiện chín: Trong lúc lượng mì gói, gạo và muối hột còn thiếu hụt trầm trọng cho miền Trung, tuần lễ “Nghệ thuật ẩm thực Phần Lan” cũng được tổ chức rầm rộ tại khách sạn năm sao Hilton Hanoi Opera, từ 20-26-11. Được biết, đầu bếp nổi tiếng Pekka Parssinen đã giới thiệu “một thực đơn độc đáo của xứ tuyết được chế biến từ cá hồi trắng, cá hồi cầu vồng, thịt tuần lộc, thịt nai anxet…”. Vẫn Hà Nội chiếm ưu tiên duy nhất.
Đê tiện mười: Ngay giữa lúc con nước dâng lên tới mực cao nhất miền Trung, Bộ Văn Hóa Thông Tin Hà Nội đã phấn đấu tổ chức buổi chung kết cuộc thi “Hoa hậu Việt Nam lần thứ nhất 1999” vào tối 5-11 tại Sài Gòn. Vòng sơ khảo 2 của “Liên hoan bình chọn Thời trang – Người đẹp ASEAN và thế giới” cũng được tổ chức tại Sài Gòn vào đêm 11-11. Đến tối 17-11, Vòng chung kết của “Liên hoan bình chọn Thời trang – Người đẹp ASEAN và thế giới” đã diễn ra sôi động tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Hà Nội. Kết quả, giải Hoa hậu Hữu Nghị ASEAN rơi vào tay hoa hậu Thái Lan K.Jongkol, còn hoa hậu VN 1999 của Bộ Văn Hóa Thông Tin đã trúng giải Á hậu 2 của cuộc Liên Hoan Bình Chọn quy mô ở tầm “lịch sử” này. Bộ đã trao khá nhiều vòng cườm cho các người đẹp đeo trên tóc. Có vòng cườm nào được gửi đến gia đình 600 người chết đuối chăng?
Đê tiện mười một: Cuộc thi “Hẹn gặp nhau tại Trung Quốc năm 2000” kết thúc với lễ trao 66 giải thưởng chính thức đã diễn ra vào sáng 12-11 tại Hà Nội. Để nối tiếp, một cuộc thi khác vừa được phát động rầm rộ, mang tên “Kỷ niệm sâu sắc gắn với văn hóa và đất nước Nga”, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN-Liên Bang Nga. Thời hạn nhận bài từ 30-11-99 đến 30-4-2000. Được biết, nạn nhân vùng lũ được đặc miễn bưu cước khi gửi bài tham dự.
Đê tiện mười hai: Ngoài ra, về mặt vui chơi cùng lũ cũng có mấy chương trình đặc sắc đáng ghi nhận:
Một là, dàn nhạc giao hưởng Vienna Volksoper (Áo) đã “làm rộn rã nhà hát Sài Gòn” và “Sôi nổi Máu Vienna” với “Đêm nhạc cổ điển TOYOTA” vào tối 3-11 vừa qua.
Hai là, chương trình hòa nhạc giao hưởng “Giai điệu mùa thu”, dưới tài điều khiển của André Raoult, được tổ chức ngày 13-11 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.
Ba là Chương trình nghệ thuật “Tình khúc Tháng Mười”, tổ chức tại nhà hát Sài Gòn vào tối 7-11, bao gồm nhiều điệu múa, bài hát Nga như: Ca-chiu-sa, Chiều Mạc Tư Khoa, Kéo thuyền trên sông Vôn-ga, Cuộc chiến tranh thần thánh, Đỉnh núi Lê-nin, và đặc biệt nhất là bài Nước Nga – Tổ quốc tôi….
Tác giả Lý Sinh Sự của mục Nói Hay Đừng trên báo Lao Động đã nhận định như sau: “Khi tổng kết, đau đớn nhất là chỉ mất có 591 nhân mạng, còn thiệt tài sản là 3.700 tỉ đồng. Cũng chỉ tương đương một vụ án tham nhũng bậc trung chứ mấy. Chả mấy chốc dân mình lại khởi sắc. Nói thật với các vị, lũ lịch sử như đợt này cũng phải bốn năm chục năm mới bị một lần, còn các vụ án tham nhũng đang xếp hàng chờ tòa cả dãy…. Thiên tai xưa nay vẫn thua… nhân tai mà!”.
Uống Nước Nhớ Gì?
Tháng 11 cũng có một số lễ kỷ niệm. Đáng kể là kỷ niệm 69 năm thành lập Hội Phản Đế Đồng Minh, sau đổi tên thành Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất, tiền thân của Mặt Trận Tổ Quốc (11-1977). Đây là một cái vó thu gom tất cả các thứ Hội quốc doanh ngoan ngoãn trong nước, được hình thành cùng năm và bởi chỉ thị của đảng CS Đông Dương, từ ngày 18-11-1930.
Ngày 12-11 cũng là dịp kỷ niệm “Ngày Truyền Thống Thợ Mỏ”. Chủ yếu là mỏ than. Trong dịp này, các vấn đề của ngành công nghiệp nặng than đá đã được mổ xẻ lại, với vấn nạn bất khả giải quyết được đặt tên là giai đoạn “khủng hoảng thừa”, khiến cho hàng chục ngàn thợ mỏ khốn đốn vượt truyền thống. Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn trên báo Nhân Dân về vấn đề khủng hoảng thừa thì, “Về cơ bản, đó là một dấu hiệu tốt đẹp”, còn “Về thực chất, đây là một thành tích rất đáng được trân trọng”!
Tháng 11 cũng là thời gian phát động chiến dịch “Vận động người sản xuất và tiêu dùng ủng hộ Hàng VN chất lượng cao”. Đây là một công tác khác của Bộ Văn Hóa Thông Tin CSVN, ngay sau chiến dịch Bình Chọn Hoa Hậu Thời Trang 99. Điểm tương đồng giữa hai chiến dịch nói trên là cả Hoa Hậu lẫn hàng lậu đều đến từ Thái Lan. Điểm tương đồng kế nữa là dù có tổ chức bình chọn rầm rộ hay không, Hà Nội đều không đủ khả năng cạnh tranh cả hai mặt hàng Thái vừa nói ngay trên lãnh thổ VN.
Song song với lượng thông tin về trận thiên tai thế kỷ ở miền Trung, các báo trong nước cũng nô nức loan tin về cuộc bầu cử “Hội Đồng Nhân Dân” các cấp trên toàn quốc vào ngày 15-11. Tỷ lệ chính thức là cứ một người rưỡi được đảng “đề cử” thì sẽ có một người “trúng cử”. Tỷ lệ số người tự ra ứng cử và may mắn qua được vòng loại của MTTQ là 20/5333, tức 0,26%. Trong đó, nhiều nhất là ở Sài Gòn 7 người; Phú Yên 3 người; Lai Châu 2 người; còn ít nhất là Tây Ninh, Hà Tĩnh, Cà Mau, Bình Định, An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, và Hà Nội, mỗi nơi 1 người. Dù biểu kiến, nhưng vì phải có hay có còn hơn không?
Theo số liệu tổng hợp của Ban Tổ chức, đến 15 giờ ngày 15-11, đã có 38.828.938 người tham gia bỏ phiếu, tức đã đạt tỷ lệ 98,79%, kể cả khu vực 7 tỉnh lũ lụt. Trong đó 40 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt từ 98 đến 99,98%. Huyện Hải Lăng chìm trong biển lũ Quảng Trị cũng đạt kết quả 99,8% cử tri bỏ phiếu. Đây là một tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới. Có hai giới đã biết rõ kết quả trước khi đảng công bố kết quả chính thức:
Một là các ứng viên tự lập, và
Hai là các ”lãnh đạo” đương nhiệm.
Bằng chứng? Ngay giữa cơn lũ thế kỷ, Võ Văn Kiệt được trao tặng “Huy hiệu 60 tuổi Đảng”. Đồng thời, “Huân chương Hồ Chí Minh” cũng được trao tặng cho Võ Trần Chí (53 tuổi đảng) cùng Trần Văn Giàu (69 tuổi đảng, và là kẻ có liên quan mật thiết tới vụ ám hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo ở Kinh Đốc Vàng). Về phía quân đội cũng được đảng bổ nhiệm, thăng cấp quân hàm cho 47 sĩ quan, trong đó, đáng quan tâm nhất là Phạm Thanh Ngân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội CSVN, được thăng cấp quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng. Nhiều nguồn dư luận cho rằng việc thăng cấp vội vàng này nhằm chuẩn bị cho tiến trình thay thế Phạm Văn Trà ở ghế quốc phòng trong những xáo trộn nhân sự trung ương sắp tới.
Cũng trong chiều hướng biểu diễn sinh hoạt “dân chủ tập trung”, kỳ họp lần thứ 20 Ban chấp hành các Thông tấn xã Châu Á – Thái Bình Dương (OANA) đã được tổ chức vào cuối tháng 10 tại Hà Nội, tất nhiên là có mặt Thông tấn xã CSVN. Theo Phó thủ tướng CSVN Phạm Gia Khiêm, “chủ đề ‘Thách thức trước các hãng thông tấn thành viên OANA trong thế kỷ 21’ của Kỳ họp Ban chấp hành OANA lần thứ 20 này là rất có ý nghĩa”. Riêng đối với Hà Nội, ý nghĩa đầu tiên là thành quả triệt tiêu một thách thức nội tại, bằng cách bác bỏ đơn xin ra báo của ông Trần Độ và Hòa thượng Quảng Độ.
Ý nghĩa thứ hai là các cơ quan thông tấn trong nước đã nhân dịp kỷ niệm cuộc cách mạng Nga, thách thức cả thế giới nói chung và nước Nga nói riêng bằng bài viết của Văn Tạo: “Sắc lệnh về hòa bình của V.I. Lenin – Dấu son lịch sử của thế kỷ 20”. Tác giả đã tự lùi sâu vào hang hốc riêng để khẳng định rằng: “Cho đến nay, tư tưởng hòa bình của Lenin, của Cách mạng Tháng Mười Nga thể hiện qua Sắc lệnh về hòa bình vẫn còn nguyên giá trị”.
Điều này khiến nhiều người nhớ tới một mẩu đối thoại xưa:
“Cô chủ và con sen đi đò. Con sen ăn trầu thế nào nhỡ tay đánh rơi cái ống vôi bạc của cô chủ xuống sông. Sợ cô chủ mắng nó mới lập mưu hỏi: – Thưa cô, cái gì mà mình biết nó ở đâu rồi thì có cho là mất được không ạ? Cô chủ vô tình trả lời: – Sao lại hỏi lẩn thẩn thế? Đã biết nó ở đâu rồi còn gọi là mất thế nào được. Con sen nhanh nhảu: – Thế thì cái ống vôi của cô không mất!”.
Không ai biết tên tác giả của chuyện này. Văn Tạo hay các cán bộ Văn Hóa Tư Tưởng trung ương? Đã đành là “Uống nước nhớ nguồn”, nên mới phải ra công bảo vệ. Chỉ mong sao dàn lãnh đạo Hà Nội đừng cố uống nước… tè!
Cộng Sản Còn – Công Sản Mất
Về mặt đối ngoại trong tháng không có gì đáng kể. Phan Văn Khải đã tiếp đại diện các Tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nhân ngày Liên Hiệp Quốc 24-10. Trần Đức Lương đón tiếp tân Tổng thống Nam Dương Apduraman Wahid và phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam không chính thức ngày 9-11. Một tuần sau, Phan Văn Khải đón tiếp ông Jan Trojborg, Bộ trưởng Ngoại giao của Đan Mạch sang thăm Việt Nam. Nguyên tắc đối ngoại chung? Cứ đi đúng bài bản đói nghèo là không thể nào chệch hướng!
Về mặt đối nội, nhà nước CSVN đã có nhiều buổi họp trong tháng 11 nhằm đúc kết tình hình “vướng mắc khi thực hiện làm việc 40 giờ/tuần”. Hai thành quả kinh tế “lộc vãi” được tuyên truyền rầm rộ trong nước vào tháng 11 là:
Thứ nhất, trong “mười tháng đầu năm, Vietsovpetro đã khai thác 10.042.344 tấn dầu, khai thác đưa vào bờ một tỷ 244 triệu m3 khí”. Và
Thứ nhì là “Khả năng năm 1999 lượng gạo xuất khẩu đạt 4,4 triệu tấn, trị giá gần 1 tỷ USD”.
Nói chung là số lượng có tăng, nhưng thu hoạch quy ra mỹ kim bị giảm, do nạn trượt giá toàn cầu, cả dầu lẫn gạo.
Ngược lại, một bài phân tích tổng hợp trên báo Nhân Dân cho biết: “nhiều ngành công nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đang gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm”.
Thứ nhất là ngành Than.
Thứ hai là ngành Thép cũng rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Thứ ba là ngành Điện tử – Tin học, được coi là nhiều triển vọng, có thị trường rộng lớn đang trên đà “phát triển” cũng lâm vào thế bí.
Thứ tư là ngành Nhựa, nhiều chủng loại sản phẩm tiêu thụ tiêu thụ thấp, chỉ bằng 54,3% so với cùng kỳ như: tấm lợp, ván nhựa, ống nhựa PVC, bao bì nhựa, két nhựa và bình xịt…
Thứ năm là ngành Da giày và ngành Dệt – May cũng chịu chung bất lợi…. Cùng lúc, ngành cao su cũng đang trong tình trạng điêu đứng “Bế tắc đầu ra!” với “lượng cao su xuất được sang Trung Quốc chủ yếu bằng hình thức buôn lậu qua biên giới”.
Về phía công nghiệp nặng thủy điện, dự án Hàm Thuận – Đa Mi bị “Lùi tiến độ đến giữa năm 2001”. Nhân đó, lãnh đạo công trình đã tùy nghi nợ lương công nhân từ 3 đến 9 tháng. Còn ngành cơ khí báo động là có 33 dự án ưu đãi đầu tư về sản xuất quạt điện, xe đạp, máy động lực nhỏ và đóng tàu biển… vẫn còn chờ vốn. Báo động thứ nhì của ngành này là sản phẩm cơ khí và máy động lực liên tục mất thị trường, “hiện chỉ còn chiếm khoảng 10% thị trường trong nước, trong khi sản phẩm cùng loại của Trung Quốc chiếm đến 75%, thậm chí các loại máy ‘bãi’ (máy cũ phế thải, bán xôn ở bãi) của Nhật cũng đang chiếm đến 15% thị trường”. Chỉ số tăng trưởng cao của ngành công nghiệp nặng, oái oăm thay, lại nằm ở thống kê tai nạn lao động: 26% cao hơn năm ngoái.
Trong tháng 11, việc tổng kết thực tiễn cổ phần hóa quốc doanh cũng được mổ xẻ qua các buổi họp cấp trung ương. Theo Nguyễn Văn Huy, Phó ban Đổi mới Quản lý Doanh nghiệp Trung ương, thì trên tổng số gần 7000 xí nghiệp quốc doanh, “Đến nay, cả nước đã cổ phần hóa được tổng cộng 252 doanh nghiệp Nhà nước”, với tổng số vốn “chỉ bằng 0,78% số vốn của toàn thể các DNNN”. Được hỏi: Sự chậm chạp diễn ra ở khu vực nào là chính? Câu trả lời là: “Tại các tổng công ty 91. Vì phần nhiều các tổng công ty này ngại ‘mất’ các công ty thành viên”. Nói cách khác là sợ vuột tay vơ vét. Tỷ lệ quân đội chủ quản trong số các tổng công ty 91, được coi là cái khung sườn kinh tế của định hướng XHCN, cũng không phải là nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân chính yếu của quyết định tung hê hiệp ước mậu dịch với Mỹ, dù đã hoàn thành tám chặng đàm phán trong nhiều năm qua.
Riêng báo cáo của Nguyễn Tấn Dũng về khu vực tài chánh thì do “thiếu hiểu biết và kinh nghiệm vận hành trong cơ chế thị trường nên hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã không tránh khỏi những thiếu sót và bất cập cả về xây dựng khuôn khổ pháp lý, kiện toàn tổ chức, đào tạo cán bộ, chất lượng hiệu quả trong quản lý cũng như trong kinh doanh…. Cơ chế điều hành theo hệ thống dọc vẫn còn khiếm khuyết. Các quan hệ ngang trên địa bàn lãnh thổ chưa được xử lý, phối hợp có hiệu quả. Sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong chính sách tài chính, tiền tệ có mặt còn thiếu chặt chẽ“. Nếu tra kỹ vào chi tiết của bản báo cáo này, Dũng hẳn phải vô cùng vất vả. Vì thiếu kiến thức. Nhiều xác suất là Lê Đức Thúy sẽ thay thế vai trò Thống đốc NHNN của Nguyễn Tấn Dũng trong thời gian tới.
Nhìn chung thì hầu hết các ngành đều có nỗ lực nêu bật các thứ vướng mắc. Sự thiếu vắng nằm ở khâu giải pháp. Không có, hoặc có thì cũng rất mơ hồ. Thí dụ điển hình là đứng trước tình trạng thất nghiệp vượt quá 20% ở thành thị và còn cao hơn rất nhiều ở nông thôn, thì “ý kiến chỉ đạo” của Phan Văn Khải ghi trong thông báo số 202, ngày 9-11-99 là phải… “Dạy cho sinh viên biết tự tạo việc làm”!!!
Kể cũng khó, khi mà báo Nhân Dân còn tiếp tục xiển dương tinh thần lao động vinh quang theo kiểu cụ ông 92 tuổi vẫn tiếp tục đạp xích lô ở Hà Nội, hay cụ bà Phạm Thị Tý 107 tuổi ở phố Lao Động, phường Hà Lầm – TP.Hạ Long, vẫn ngày ngày nhặt than phỉ. Vì vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi thấy sinh viên y khoa ra trường đi bán thuốc lá, hay sinh viên tốt nghiệp sư phạm nộp đơn đi “lao động hợp tác” cho Đài Loan.
Nhìn toàn cảnh thì đây là một loại khủng hoảng 1985 tái sinh, theo điều kiện của 1999. Trong tình trạng khủng hoảng giải pháp lớn của đảng và nhà nước CSVN thì ngay chính cán bộ của đảng và nhà nước này cật lực khai thác sự bế tắc đó và tinh vi hóa các giải pháp lẻ, để thi đua trốn thuế.
Điển hình Một là kỹ thuật chuyển tên từ “bia” sang “nước giải khát có ga” để khỏi đóng khoản thuế tiêu thụ đặc biệt.
Điển hình Hai là cấu kết với hải quan, đội lốt xe đông lạnh nhập khẩu (thuế 10% trị giá) để trốn thuế xe tải (thuế 60% trị giá).
Điển hình Ba là việc sử dụng chứng từ, hóa đơn giả.
Ký giả Chu Thượng của tờ Lao Động báo cáo rất rõ: “Theo đánh giá của Cục Công sản thuộc Bộ Tài chính, tổng giá trị tài sản cố định của Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp lên tới 280.000 tỉ đồng, trong đó có tới 29% không được phản ánh trên sổ sách kế toán. Cũng có nghĩa số đất đai không đủ hồ sơ, tài sản nhà nước được đem cho thuê, cho mượn, tự dùng không đúng mục đích hoặc chia cho cán bộ, nhân viên sử dụng … trị giá tới 81.000 tỉ đồng, cũng coi như mất tích!”. Quả là tác giả Lý Sinh Sự không nói ngoa, khi phải so với con số 3.700 tỷ đồng thiệt hại của các tỉnh miền Trung trong trận lụt thế kỷ năm nay.
Ra Ngõ Về Không
Ngay sau khi cuộc họp trung ương 8 của đảng CSVN bế mạc, và đã có khá đủ dữ liệu cần thiết, văn phòng “Quốc hội” Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa X dự trù khai mạc vào ngày 18-11 và kéo dài hơn một tháng. Mục tiêu chánh sẽ là hợp thức hóa các quyết định của non hai mươi đầu đảng trong câu lạc bộ chính trị Ba Đình vừa qua. Đáng quan tâm nhất là sự xáo trộn thành phần nhân sự bên phía “chính phủ”, với sự “hạ cánh” của những tay trùm tham nhũng Ngô Xuân Lộc, Cao Sĩ Kiêm, Phan Văn Dĩnh v.v….
Cũng ngay sau cuộc họp trung ương 8, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đã tổ chức họp báo về kết quả Hội nghị quan trọng nói trên vào ngày 16-11. Đào Duy Quát, Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư giới thiệu “nội dung cơ bản của Hội nghị T.Ư 8. Hội nghị T.Ư 8 đã xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả lũ lụt vừa qua ở các tỉnh miền trung là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của toàn Đảng, toàn quân và dân”. Tất cả những chủ đề “chiến lược” khác đều trở thành chuyện vặt.
Có hai điểm đáng chú ý trong cuộc hội nghị trung ương quan trọng này.
Một là những dấu hiệu thanh toán nhau công khai, với Ngô Xuân Lộc (Phó thủ tướng đương nhiệm) và Cao Sĩ Kiêm (cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) là những con dê mới, tiếp theo Phan Văn Dĩnh vừa bị tước mất chức trùm hải quan vào tháng trước. Điều này sẽ dẫn tới những đấu đá kịch liệt hơn trên chiến trường “quốc hội” đang diễn ra, và sẽ gây ra những tranh giành giữa các phe trong vụ xáo trộn nhân sự phía bên chính phủ sắp tới.
Hai là vấn đề hiệp ước mậu dịch với Mỹ, không được coi là một điều cần thiết bàn thảo trong nghị trình, ngay vào lúc Bắc Kinh được hưởng quy chế gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới.
Theo bài phân tích của Sheri Prasso đăng trên tờ BusinessWeek ngày 15-11, thì quyết định bất ngờ bãi bỏ việc ký kết hiệp ước mậu dịch với Mỹ là bởi một nhân sự 82 tuổi đứng trên chính trị bộ Hà Nội và nằm dưới áp lực của Bắc Kinh: Đỗ Mười. Quan sát viên Robert Templer cho rằng Bắc Kinh không nhất thiết buộc Hà Nội phải ngưng, nhưng chỉ vì Hà Nội cảm thấy cần làm vui lòng đàn anh vĩ đại.
Những nhận định này có thể đúng, nhưng chưa chắc đủ. Bởi áp suất của Bắc Kinh khó thể đủ lớn để buộc Hà Nội ngưng ngang việc ký kết bản hiệp ước đó, nếu so với cái khủng hoảng nội tại giữa các thành phần trong chính trị bộ Hà Nội. Đàng sau Đỗ Mười còn có Võ Văn Kiệt nắm trong tay phần lớn dàn xí nghiệp quốc doanh là trì lực khủng khiếp của điều kiện đổi mới. Còn đàng sau Lê Khả Phiêu cũng có không ít giới tướng lãnh quân đội cầm chịch một hệ thống kinh tế ăn chia. Tất cả đều không rõ cách thực hiện hiệp ước. Quan trọng hơn, tất cả đều nơm nớp lo sợ hệ quả của việc thi hành hiệp ước. Sau cùng thì nguyên tắc sống còn của đảng vẫn là quả cân to nhất, mặc cho nhân dân có bị thiệt hại ra sao.
Nhạc sĩ Trần Tiến trong nước mô tả hệ quả của tình trạng đó bằng hai ca khúc “rap” mới nhất trong dĩa nhạc “Ra ngõ cuối thế kỷ” là: “Ra ngõ một mình” và “Ra ngõ về không”. Điều mà người dân Việt Nam có thể cảm được từ cái gọi là tư tưởng Lênin là một lời tiên đoán: “Giành chính quyền đã là khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Trong cuộc đấu đá mới giữa các thành phần của chính trị bộ Ba Đình, người ta đã có thể dự kiến thêm một số kết quả, dựa trên cách chữa của bệnh viện Bình Dân đối với bệnh nhân Trương Phi Trường trong tháng 9 vừa qua: Mổ thận xong mất luôn lá lách.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments