2000.01 – Ngẩn Ngơ Xác Pháo
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 25 min read

Thời sự sôi động trở thành đề tài bàn tán nhiều nhất ở Việt Nam vào đầu năm 2000 là hiện tượng Phở ướp xác. Tên văn hoa cách mạng là Phở Hồ-Mao. Tên khoa học là Formaldehyde Noodle.
Từ Hà Nội, thuốc phoóc-môn khử trùng giữ xác được giới kinh doanh sử dụng một liều lượng tổng cộng tương đương với độ tẩm ướp Hồ Chí Minh để pha vào bột tráng bánh mỗi ngày.
Công thức bí mật rẻ tiền này, giống như các loại “bí mật quốc gia” ở mọi tầm cỡ “tối, tuyệt” khác, đã nhanh chóng lan ra cả nước. Bí mật duy nhất còn sót lại là khách hàng cả nước không thể biết rằng từ lúc nào mình đã từng xì xụp tự ướp xác thân qua hành trần nước béo?
Từ Lăng Ra Quán
Theo hai phóng viên Hà Liên – Trần Quý của tờ Tin Tức Buổi Chiều thì “Bánh phở có thuốc ướp xác” là câu chuyện cửa miệng ở nhiều nhà, nhiều chợ… Trang nhất các báo đều dành ưu tiên một cho việc tìm hiểu về chất phoóc-môn. Các “viện nghiên cứu” ở Hà Nội cũng cật lực làm việc. Bà Huỳnh Hồng Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết là: “Theo kết quả kiểm tra của Viện Dinh dưỡng có tới 90% loại tương ớt dùng phẩm mầu độc hại. Nước dùng phở cũng có nhiều nguy cơ, vì để có mầu đẹp người ta thường cho vào đó loại hóa chất vàng sắt… Không loại trừ những hóa chất kể trên cũng được dùng trong chế biến bún, miến, bánh cuốn, xôi gấc…”.
Theo tổng kết của ký giả Chu Thượng của báo Lao Động, “Kết quả kiểm tra tại 10 trong 43 cơ sở sản xuất bánh phở cho thấy: 9/10 cơ sở không có giấy phép kinh doanh; 10/10 cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; cũng cả 10/10 không có giấy đăng ký chất lượng sản phẩm bánh phở….. Kiểm tra tiếp mẫu bánh phở ở 35 chợ thuộc 7 quận của Hà Nội thì ở cả 7 quận đều phát hiện có formaldehyde trong bánh phở”. Điều oái oăm là ở phố Nguyễn Tuân, nhà văn nổi tiếng về bài ngợi ca phở, thì hàm lượng formaldehyde trong bánh phở nơi đây lại thuộc loại cao nhất (0,12mg/kg).
Theo cán bộ cao cấp Trần Yến của Học Viện Hậu Cần thì: “Thực tế ở Việt Nam đang tồn tại một thị trường thực phẩm lộn xộn không thể quản lý nổi. Từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chín đến thực phẩm đóng hộp… tất cả đều có thể vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chẳng cần đi đâu xa, ở ngay thủ đô Hà Nội, ai cũng có thể nhìn thấy những phản thịt ruồi bu đen, bán ở vỉa hè vào giờ tan tầm; thịt quay được bôi phẩm mầu vô tội vạ ở bất cứ chợ nào, còn đồ hộp quá hạn sử dụng hay sản phẩm đông lạnh không bảo đảm chất lượng cũng rất dễ dàng bị mua nhầm”. Chỉ ba dòng đầu của bài nghiên cứu này, người đọc có thể rút tỉa được:
Thứ nhất là khả năng của nhà nước không quản lý nổi, bởi sự lộn xộn không chỉ riêng trên lãnh vực thực phẩm.
Thứ nhì là tiêu chí so sánh ở ngay thủ đô Hà Nội, nghe như thử cái gì ở Hà Nội cũng toàn bích và vụ thực phẩm độc hại chỉ là một thứ tai nạn.
Thứ Ba là không phải chỉ thịt quay được bôi phẩm màu. Hầu hết các chính sách của đảng và nhà nước CSVN đều được bôi phẩm đỏ, và cũng đều Vô Tội Vạ.
Trần Yến chứng dẫn bằng số liệu của Sở Y tế Hà Nội là “chỉ có 1.805 trong tổng số 6.185 cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh ăn uống của thành phố được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…. Những vụ ngộ độc thực phẩm lên đến hàng nghìn người chứ không còn dừng ở con số vài chục, vài trăm như trước…”. Dù vậy, căn cứ vào ghi nhận thứ ba nói trên thì thực tế tỷ lệ ngộ-độc-miệng hàng nghìn người quả là không đáng kể, so với ngộ-độc-đầu trên hai triệu đảng viên. Hệ quả cái chủ nghĩa phoóc-môn của Hà Nội mới chính là thứ ung thư di căn trên nhiều thế hệ Việt Nam.
Hai tác giả Hà Liên và Trần Quý kêu gọi “Hãy trả lại uy tín cho phở Hà Nội!”. Nghe không khác Đào Duy Quát và Nguyễn Đức Bình kêu gọi đảng viên các cấp hãy trả lại uy tín cho chính trị bộ Ba Đình. Việc thứ nhất tương đối dễ làm, chỉ cần loại bỏ thuốc ướp xác. Việc thứ nhì mới khó: Phải vất bỏ cái gọi là tư tưởng của xác ướp Hồ Chí Minh. Họa sĩ Chóe vẽ một tranh phiếm thời sự về phở ướp xác như đính kèm. Đố ai tìm ra sáu điểm giống nhau giữa người bệnh trong hình với đám đệ tử của Hồ!
Vẫn Từ Lăng Ra Quán
Lần này không phải quán phở, mà là các sứ quán. Thời sự đối ngoại của Hà Nội vào đầu năm 2000 tập trung vào chủ đề “Nửa thế kỷ hợp tác hữu nghị” với các nước bạn bè truyền thống. Nguyễn Mạnh Cầm bắt đầu bài diễn văn chào mừng Hội nghị Ngoại giao 22 này bằng lời tri ân thê thiết: “Cách đây tròn 50 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân, vì độc lập, tự do của Tổ quốc bước vào một giai đoạn mới thì Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgary, Anbania chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm nay chúng ta kỷ niệm sự kiện trọng đại này trong hoàn cảnh đặc biệt của năm giao thừa giữa hai thế kỷ… Chúng ta mãi mãi biết ơn nhân dân các nước bạn về sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu…”.
Thực tiễn VN cho thấy là “nhờ” sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu đó mà dàn lãnh đạo Hà Nội từ bần cố nông trở thành tài phiệt đỏ, trong khi cả nước VN lọt vào danh sách thế giới thứ ba. Nói cách khác, đường lối đối ngoại cong gối cúi đầu của CSVN cũng từng được ướp phoóc-môn suốt 50 năm qua. Cho dù là vào thời điểm này, số bạn bè truyền thống vừa kể đó chỉ còn lại hai: Trung Quốc và Bắc Hàn.
Tình hình Bắc Hàn hiện nay… không đáng nhắc. Riêng Trung Quốc thì khác. Cặp vợ chồng Chu Dung Cơ vừa mới viếng thăm Hà Nội bằng tư cách tể tướng quốc vụ viện mẫu quốc, và được Bắc Bộ Phủ rạp mình chiêu đãi theo đúng nghi thức dành cho đại diện thiên triều. Diễn văn chào mừng cảm động của Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải đều long trọng nhắc nhở lời nhận định của đệ nhất quốc khách họ Chu lúc xuống sân bay Nội Bài: “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời”. Chu Dung Cơ cũng đã lặp lại nhận định này với Nông Đức Mạnh hôm sau: “Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải”, như một định hướng không thể khác. Người thuộc sử đều hiểu đó là truyền thống hữu nghị được đánh dấu cụ thể từ thời cột đồng Mã Viện cho tới các tượng đài nghĩa trang liệt sĩ ở Cao Bằng-Lạng Sơn gần đây.
Phan Văn Khải đánh giá và hy vọng rằng “chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng đưa sự hợp tác Việt-Trung lên tầm cao hơn nữa trong thiên niên kỷ mới”. Theo báo Nhân Dân tường thuật, “Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chân thành cảm ơn nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh cách mạng” đồng thời nhắc lại điều cam kết với Giang Trạch Dân về phương châm 16 chữ là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Còn theo báo Lao Động, “Cố vấn Đỗ Mười chân thành gửi lời thăm hỏi sức khoẻ Chủ tịch Giang Trạch Dân, Lý Bằng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc”. Trong phần đáp từ, họ Chu đã bày tỏ sự “vui mừng nhận thấy Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế”. Không một ai hiểu rõ thành tựu nhất định đó là gì, nếu không nắm vững độ rơi tự do của chỉ số tăng trưởng kinh tế VN hai năm qua.
Nhìn chung thì hầu như toàn thể dàn lãnh đạo Hà Nội đều chen chân đón rước họ Chu. Chỉ trừ Trần Đức Lương (đi Ấn Độ) và Võ Văn Kiệt (không rõ lý do). Đặc biệt là trong Nam có đại tài phiệt Trương Tấn Sang “tổ chức chiêu đãi trọng thể” tể tướng mẫu quốc, một ngày trước khi Chu Dung Cơ ra Hà Nội.
Trong thời gian thăm viếng VN, Chu Dung Cơ đã tổ chức họp báo về kết quả các cuộc đàm phán biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc: “Tất cả các vấn đề tồn tại về biên giới trên bộ Việt – Trung đã được giải quyết”, chuẩn bị cho việc ký kết bản hiệp ước giữa Đường Gia Triền và Nguyễn Mạnh Cầm vào những ngày cuối của năm 1999. Ngược lại, báo Nhân Dân đi bài xã luận cho đảng viên học tập: “Chúng ta chia sẻ với nhân dân Trung Quốc niềm tự hào chính đáng về những thành quả to lớn đưa Trung Quốc vào hàng các nước đang phát triển mạnh, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế mới”.
Giun già có họ với rồng con chăng? Lạ thay những kẻ chống đa nguyên luôn hy vọng vào một trật tự đa cực kiểu chiến tranh lạnh!
Kết thúc chuyến viếng thăm VN của họ Chu vào ngày 4-12-99, dàn lãnh đạo Hà Nội lại nhung nhúc chen chân nhau lần nữa để… phát biểu cảm tạ. Tất cả đều hy vọng “Quan hệ kinh tế – thương mại Việt – Trung không ngừng được đẩy mạnh”. Thống kê Hà Nội gộp chung tổng số đầu tư của Hoa Lục và Hương Cảng làm một để phô trương thành quả “Kim ngạch buôn bán hai chiều chín tháng đầu năm nay đạt 888 triệu USD”, với dự kiến là cả năm sẽ đạt con số vượt một tỷ USD, tức tương đương với lượng ngoại tệ Việt kiều gửi về giúp thân nhân trong nước năm ngoái.
Qua thành quả đó, Lê Khả Phiêu xin thượng khách họ Chu “chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe tới Tổng Bí Thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân và các cán bộ lãnh đạo khác của Trung Quốc; đồng thời bày tỏ mong muốn được đón Tổng Bí Thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân và các lãnh đạo khác của Trung Quốc sang thăm Việt Nam”. Ngược lại, Chu Dung Cơ “đã phát biểu ý kiến cảm ơn Đảng, Chính phủ, QH và nhân dân Việt Nam về những tình cảm, sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu dành cho Đoàn”, bằng tiền thuế tróc nã nông dân VN.
Bên cạnh biến cố sôi nổi Chu Dung Cơ, các hoạt động đối ngoại khác đều có vẻ mờ nhạt. Việc tham dự “Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước nói tiếng Pháp” của Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Đình Bin là điều không đáng đề cập, ngoại trừ những nụ cười dành cho các câu Pháp ngữ của đầu ngành ngoại giao Hà Nội.
Chuyến thăm VN của Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Jose Armando Guera Menchero trở thành tiểu tiết. Báo Đầu Tư chỉ đăng đôi dòng biếm nhẽ: “Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm bày tỏ vui mừng trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Cuba đã giành được trong quá trình khôi phục kinh tế”. Không khác nào Bắc Kinh ca tụng thành quả kinh tế xuống dốc đứt phanh của Hà Nội. Một tin nhỏ bên cạnh là “Ủy ban hòa bình Việt Nam đòi Mỹ trao trả bé Êlian Gônxalêt cho Cuba”.
Tiếc là thế giới chưa có tòa án nhân dân và viện kiểm sát tối cao để tình hữu nghị VN-Cuba thêm phần thắm thiết. Chuyến công du của Trần Đức Lương sang Ấn Độ và An-giê-ri cũng rơi tòm vào đáy giếng truyền thông. Đáng ghi nhận chăng chỉ là lời khẳng định của Lương về nỗ lực hợp tác “trong phong trào Không liên kết cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác và cùng với các nước khác phấn đấu vì một trật tự thế giới công bằng và hợp lý”. Tức là vẫn không thôi hy vọng và tưởng là có thể dự phần vào một trật tự thế giới mới như xưa.
Chuyến viếng thăm Hà Nội của Thủ tướng nước Cộng hòa Tiệp Milos Zeman được Phan Văn Khải chiêu đãi khá lạnh nhạt, cho dù Cộng hòa Tiệp là nước Đông Âu duy nhất viện trợ phát triển cho VN và là đối tác đầu tư đứng thứ 35 vào VN với tổng số vốn là 24 triệu USD. Còn đối với các nước Tây Âu thì tất nhiên Hà Nội vẫn giữ nguyên bài bản đói nghèo trên quy luật xin-cho được tuyên truyền thành bổn phận. Và mỗi khi được cho thì báo chí đi tin tựa lớn: Các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam xxxUSD!
Chính từ lề thói tuyên truyền đó mà tuần san Economist ngày 14-1-2000 mới có bài phân tích kinh tế tựa đề Chúc Việt Nam Ngủ Ngon, trích dẫn câu trả lời của một ông lão 60 tuổi, bị bắt tại chỗ khi lấy cắp hàng siêu thị:
“Sao lại làm khó nhau thế? Tôi chỉ lấy của tư bản ngoại quốc chứ có lấy của nhà nước VN đâu nào?”.
Nhìn chung, đáng quan tâm về mặt đối ngoại của Hà Nội trong thời gian qua là ba dữ kiện có liên quan tới cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Thứ nhất là trong “Hội nghị ngành ngoại giao lần thứ 22”, Nguyễn Mạnh Cầm đã nhấn mạnh nhu cầu “Chú trọng hơn nữa tới công tác vận động và bảo vệ lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài”.
Thứ nhì là nhân dịp tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài được trao tặng “Huân chương Độc lập”. Nguyễn Dy Niên, qua vai trò chủ tịch ủy ban này, đã đón nhận phần thưởng trong niềm hy vọng lớn lao được đề bạt từ thứ trưởng lên làm bộ trưởng ngoại giao của Hà Nội trong thời gian tới.
Thứ Ba là Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại Sài Gòn đã tổ chức lễ trao huân chương “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” hạng nhất cho Huỳnh Trung Đồng (chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp) và Đỗ Tấn Sĩ (chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước tại Bỉ).
Riêng Trần Trường ở phố Bolsa Nam Cali và một vài con rối linh tinh khác dù có công khuấy đục cộng đồng người Việt hải ngoại nhưng được đánh giá còn thiếu tiêu chuẩn. Cả ba sự kiện này cho thấy là người Việt hải ngoại sẽ cần cảnh giác nhiều hơn khi CSVN đòi bảo vệ lợi ích chính đáng cho họ.
Câu Ma Chếnh Choáng Ngỡ Câu Thần
Nếu đường lối đối ngoại của Hà Nội trước sau như một dựa trên căn bản xin-cho, thì ngay bên trong nước, cơ chế xin-cho cũng là nền móng của mọi loại hoạt động. Trong một bài phỏng vấn mới nhất trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương của Hà Nội đã tái khẳng định “nước ta vẫn là một trong những nước nghèo”.
Doanh đánh giá thực tiễn trong thế kỷ 20 ở châu Á có ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã từ nghèo nàn lạc hậu và vị thế bị chèn ép vươn lên trở thành những nước phát triển, có đời sống cao và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. “Trung Quốc tuy chưa làm được như vậy nhưng đã có những bước tiến rất quan trọng và đang phát triển rất nhanh, sớm hay muộn Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc kinh tế và có nền khoa học và công nghệ phát triển. Bước sang thế kỷ thứ 21 Việt Nam phải làm được sự nghiệp thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu”. Nói cách khác, theo viện trưởng nghiên cứu Lê Đăng Doanh thì Hà Nội phải noi gương Bắc Kinh, hay ít nhất, phải sán bám ruột rồng?
Được hỏi điều gì đáng lo âu nhất trước xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới, Doanh nhấn mạnh rằng: “Hiện nay khoảng cách giữa nước ta và các nước trong khu vực đang tiếp tục giãn ra chứ chưa thu hẹp lại… rõ ràng là đổi mới của chúng ta đang chậm so với yêu cầu phát triển. Cái đã đạt được chưa phải là cái có thể và cần đạt được”. Đây là một trần tình khá can đảm dựa trên mức độ trung thực. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam đứng hạng 48-53 về năng lực cạnh tranh ở Á châu, ăn đứt Miến, Miên, Lào, trong khi Singapore liên tục được xếp hạng 1-53 suốt mấy năm qua. Nhận định về các lãnh vực gọi là cải cách chưa đủ tập trung, Doanh liệt kê ba mặt: “cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống ngân hàng, và cải cách hành chính”. Thế là toàn diện.
Phóng viên Đoàn Khắc Xuyên nhấn sâu thêm vào các nguyên nhân, Doanh cho rằng “Có nhiều cấp độ của nguyên nhân: về nhận thức, quan điểm, về năng lực thiết kế chính sách và về động lực và năng lực tổ chức thực hiện… Cỗ xe kinh tế của ta động lực chưa đủ mạnh nhưng thắng cũng không tốt nên cải cách chưa mạnh. Đây là vấn đề có tính hệ thống, không phải là vấn đề kỹ thuật hay riêng lẻ của một ngành, một lĩnh vực”. Không ai biết là còn thêm yếu tố tiêu cực nào khác ngoài những nhận xét của Doanh về cái hệ thống kém cỏi liên đới đó:
nhận thức yếu, quan điểm tồi, thiết kế sai và tổ chức rườm.
Một chế độ như thế đáng gọi là gì?
Trên cùng một tần số, Phan Văn Khải đã báo cáo trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Hà Nội vừa rồi là có ba trở ngại lớn đối với việc phát triển.
Một là, một mặt còn phân biệt đối xử với kinh tế tư nhân, mặt khác lại không kiên quyết xử lý các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ;
Hai là, còn níu kéo, duy trì cơ chế xin-cho và nhiều hình thức hành chính bao cấp;
Ba là, do dự trong hội nhập kinh tế thế giới, biểu hiện qua việc bảo hộ và đòi bảo hộ quá mức (hay ngưng ký hiệp ước mậu dịch với Mỹ?).
Doanh đồng ý với Khải: “Phải đẩy mạnh quá trình sắp xếp lại, cổ phần hóa, giao, bán khoán và hình thành một thể chế mới cho các doanh nghiệp Nhà nước…. Chưa có nước nào phá sản vì tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới cả, họ có chịu một số thua thiệt do điều chỉnh cơ cấu nhưng tất cả họ đều được lợi và tiến nhanh hơn. Nếu không đặt lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp lên trên lợi ích của 78 triệu dân Việt Nam thì bài toán sẽ có lời giải”. Như thế thì không thể phủ nhận được sự giằng co đấu đá trong chính trị bộ CSVN giữa hai khuynh hướng hội nhập và sợ hội nhập.
Cũng khó lòng phủ nhận cái “lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp” mà Doanh ám chỉ đó đã đưa tới quyết định ngưng ký kết hiệp ước mậu dịch với Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. Ngược lại, thông điệp phản đối của Khải, qua miệng của Doanh, chính là: “Phải bỏ qua những đường vòng không cần thiết. Cần phải đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để không bị lỡ chuyến tàu của nhân loại đi vào kỷ nguyên phát triển của trí tuệ trong thế kỷ thứ 21”.
Thoảng nghe không khác mấy những kiến nghị của ông Trần Độ. Chủ nghĩa xin-cho nào có khả năng gọi tàu dừng lại, xin-chờ? Không ai ngạc nhiên khi mạng truyền hình trong nước đưa tin là từ nay đến hết tháng 4 năm 2000, Vườn Quốc Gia Cúc Phương sẽ mở rộng thêm khu vực nghiên cứu, nuôi giữ và chăm sóc… các giống rùa.
Công Nghệ Biển Thủ
Trong lúc nhìn xem đoàn tàu nhân loại lướt nhanh vào thế kỷ mới thì sinh hoạt đảng ở trong nước vẫn tiến triển bình thường. Ở hàng “lãnh đạo”, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Thị Bình và các phó thủ tướng lần lượt đến tặng hoa, chúc mừng cố vấn Lê Đức Anh… lướt nhanh vào tuổi 80.
Cùng lúc với bản tin quốc hội Hà Nội thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước năm 2000 Phát động phong trào “thắt lưng buộc bụng” và thực hành tiết kiệm, một tin nóng hổi có nhiều liên hệ với dàn lãnh đạo Hà Nội là “Bia sâm chuẩn bị vào thị trường”. Theo các chuyên gia cho biết, ngoài các thành phần của bia thông thường còn được bổ sung một số yếu tố vi lượng của sâm Hàn Quốc, sản xuất bằng dây chuyền công nghệ của Pháp trị giá 9,5 tỉ đồng, đặc biệt là không gây phản ứng phụ khi dùng chung với phở ướp xác.
Ở những sinh hoạt thường nhật khác, ký giả P.V. của báo Lao Động nêu hiện trạng ngang tầm thời đại là “Môi giới đưa và nhận hối lộ”. Trong tinh thần “Nối vòng tay lớn”, như tên một bài nhạc vừa đoạt giải bình chọn ca khúc “Một thời tuổi trẻ”, ký giả Huy Hà báo cáo hoạt động của Trung tâm Công nghệ Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với tính phổ cập: “sử dụng tiền sai mục đích, chi tiêu vô nguyên tắc, mập mờ trong quyết toán”. Bài báo kết luận rằng “ở đây không những có công nghệ giáo dục mà còn có cả công nghệ… biển thủ tiền dự án”. Ắt phải là thuộc diện… công nghiệp nặng.
Ký giả Phạm Thu Phong đưa tin Thanh tra Bộ Tài chính báo cáo “Phát hiện 577,2 tỉ đồng quản lý, sử dụng sai chế độ nhà nước”, đặc biệt là ở một số trường đại học thuộc bộ Giáo Dục Đào Tạo. Cả hai tin này được loan cùng lúc với bài phân tích trên báo Giáo Dục Thời Đại của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn: “trong một nước còn rất nghèo như Việt Nam, tiền của của Nhà nước rót vào cho đại học, nếu tính theo đầu người sinh viên, vẫn còn thua xa ngay so với các nước trong vùng”. Bên cạnh những biển thủ của ngành giáo dục, 449 tỉ đồng khác là các khoản thu ngoài ngân sách không được tổng hợp vào báo cáo quyết toán tài chính với ngân sách nhà nước tại các cơ quan thuộc bộ Y Tế và bộ Thủy Sản.
Ông Nguyễn Minh ở Hà Nội viết “Thư Công Dân” đăng báo, phàn nàn tình trạng cán bộ thi đua “Nghĩ cách tiêu tiền Nhà nước”, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, phải thanh toán sạch ngân sách nhà nước. “Triển khai” mạnh mẽ nhất trong bộ môn này là các hình thức hội họp, tổng kết, hội nghị tại những địa điểm danh thắng có casinô ở ngoài vùng trách nhiệm. Còn ký giả Thanh Thủy lại ghi nhận thắng lợi bước đầu của chiến dịch cấp “sổ đỏ” nhà đất ở Hà Nội: trong 6 năm đạt được… 3%. Cho tới nay, hành dân là chính vẫn được gọi tắt là hành chính.
Trong mục “Câu chuyện quản lý” của báo Lao Động, ký giả Phạm Đỗ Thiều Quang đã ghi nhận rằng… cuối cùng, Luật Doanh nghiệp đã không thể thực thi theo hiệu lực từ 1-1-2000 như đã ban hành. Cũng về mặt luật pháp, vụ án “Bút kim xanh” còn là một đề tài gay cấn khác. Đây là trò cam kết “bảo hiểm bài thi tốt nghiệp” cho sinh viên Luật tại chức tại Hải Phòng để thu tiền 1 triệu đồng/môn. Điểm đặc thù của vụ án này, theo ký giả Cẩm Văn, chính là: “án đã tuyên – chứng cứ còn chưa rõ”.
Qua tình hình luật pháp và “đào tạo” cán bộ tư pháp kiểu đó, chẳng ai lấy làm lạ vì sao trong năm qua, các tòa án nhân dân cấp tỉnh đã hủy 581 án, sửa 2545 án, tuyên bố không tội cho 28 người. Tòa phúc thẩm tối cao cũng đã ra quyết định hủy tới 110 bản án, sửa 1530 án, tuyên bố không tội cho 6 người. Theo ông Lê Quang Đãng – Vụ trưởng Vụ Quản lý tòa án địa phương, bộ Tư pháp Hà Nội, thì “năng lực và trình độ của một số thẩm phán vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu xét xử”, đặc biệt, “trên thực tế, từ trước tới nay ở Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật nào quy định một cách cụ thể về trách nhiệm của thẩm phán”.
Còn theo ông Hà Mạnh Trí thì thực trạng đáng ngại là “ngành ngành, phường xã đều đua nhau ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Tha hồ, tùy ý. Ở cấp trung ương ngành tư pháp cũng không khác. Báo Lao Động ngày 19-11-99 có bài “Thông tư bác… Nghị định” cho biết: “Thông tư số 399/PLDSKT ra ngày 7-4-99 của Bộ Tư Pháp có những điểm chưa phù hợp với Nghị định 69/CP, Nghị định 89/CP của chính phủ ban hành năm 1993 và 1996, gây ra nhiều ách tắc trong công tác thi hành”.
Ngược lại, ký giả Lê Thanh Huyền ghi nhận rằng “theo báo cáo của ba ngành: Kiểm sát, Tòa án và Công an, tính đến đầu tháng 12-1999, toàn quốc còn 5.027 người bị tòa án phạt tù còn đang tại ngoại”. Còn trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án Minh Phụng-Epco nổi tiếng cả nước, bị can kiêm tử tù Nguyễn Ngọc Bích đã nêu lên một câu hỏi hóc búa: “Tại sao chỉ mình tôi chịu trách nhiệm?”.
Với lỗ hổng hai đầu của khẩu hiệu “sống và làm việc theo hiến pháp và luật pháp” giăng khắp nước, Nguyễn Thị Hương, tổ trưởng tổ kiểm soát Cty bưu chính và phát hành báo chí tỉnh Lào Cai đã liên tục suốt 11 tháng ung dung bòn rút 3,462 tỉ đồng từ két bạc bưu điện để… đánh đề! Theo phóng viên Thái Vũ thì kỹ thuật đơn giản của đương sự là lập chứng từ khống để chuyển “chịu” số tiền do Hương đề nghị tới địa chỉ là người nhà và chỗ quen biết. Có ba điều đáng ghi nhận ở đây:
Một là đương sự chỉ mới ở cấp tổ trưởng bưu chính;
Hai là theo Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài chính CSVN thì “ở các tỉnh nhỏ, ngân sách cả tỉnh có khi chỉ đủ mua một cầu thủ bóng đá!”;
Ba là tổng số tiền biển lận này ở Lào Cai chỉ mới tương đương với mức thiệt hại của dăm ba tỉnh nhỏ miền Trung trong trận lụt thế kỷ vừa qua.
Hãy Yên Lòng Mẹ Ơi
Theo số liệu do cơ quan đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hà Nội công bố ngày 2-12-99, “tỷ lệ số người nhận không đủ lương thực và các mặt hàng thiết yếu là 37% trong năm 1998. Số người sống dưới mức nghèo khổ là 15%… Cho đến năm 1998, 75% số người nghèo là nông dân”. Theo thống kê của Công Đoàn Xây dựng VN: Đến tháng 11-99, riêng số lao động nữ toàn ngành không có việc làm là 7.800 người, chiếm 39,8% so với tổng số lao động dôi dư của ngành. Theo ký giả Q.C., “Năm 1999, thu nhập của công nhân lao động ngành công nghiệp giảm 10%”. Theo Đỗ Đức Ngọ – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – qua chuyến khảo sát thực tế tại Lâm Đồng thì: “Tình trạng công nhân trở thành nông dân đang phổ biến!”.
Ký giả Nguyễn Phương Thảo của báo Tuổi Trẻ viết bài phóng sự “Nông dân giúp nhau tìm việc làm”, nội dung trình bày sự tự lực bắt buộc của giai cấp được đảng đề cao hàng đầu nhưng nghèo nhất Việt Nam. Một bài phỏng vấn trên báo Lao Động cho biết: Hơn 2/3 số dân vạn đò ở Thừa Thiên-Huế có thu nhập dưới 2.000đ/ngày/ người, tương đương với 15 xu Mỹ. Hơn 80% người dân ở đây bị mù chữ, gần 70% trẻ em không được đến trường, đang bị “cô lập với nền văn minh” ngay giữa lòng thành phố. Một mẩu đối thoại nghe giống như chuyện vui cười:
“- Tỉnh anh ra sao. Số hộ đói, nghèo còn lại bao nhiêu phần trăm? – Đã thanh toán xong. – Bằng cách nào? – Đưa họ đi vùng kinh tế mới ở tỉnh khác!”.
Thế còn thành tích đáng nói? Tham dự Giải vô địch bắn súng Đông Nam Á – SEASA lần thứ 23 tại Thái Lan, Việt Nam đã giành được 3 Huy chương vàng, 9 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng. Đói nhưng quyết không run tay bóp cò là thế.
Theo một bản tin khác của VASC nhân ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS thì “mỗi ngày Việt Nam có từ 50 đến 100 trường hợp mới nhiễm HIV và gần 80% trong số này là thanh niên dưới 30 tuổi”. Tác giả bài báo vi vu văn nghệ đầy đảng tính rằng… “HIV có xu hướng trẻ hóa”: Tại Hà Nội, 94% người nhiễm HIV dưới 30 tuổi, có em mới chỉ 13 tuổi. Theo bác sĩ Chí Quốc Ân – Phó văn phòng ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS thì thái độ và hành vi tình dục an toàn của đại bộ phận dân cư còn thấp là yếu tố gây bùng phát dịch trong thời gian tới: “Hàng năm có hơn 300.000 ca nạo phá thai, trong đó khoảng 120.000 người dưới 18 tuổi”.
Theo ký giả P.A:
“Tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới”.
Ông Nguyễn Vi Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Dược VN đã thông báo con số thống kê của bộ Y Tế Hà Nội: “tiền thuốc bình quân đầu người VN trong năm 99 là 5,8USD/năm”, tương đương với giá một tô phở ở phố Bolsa. Giữa bức tranh tổng thể đó, ban Biên tập hai tờ báo Nhân Dân và Tiền Phong đã tổ chức họp báo vào chiều 30-12-99 tại Hà Nội, công bố việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước phồn vinh tiến vào thế kỷ 21”. Hội đồng chỉ đạo cuộc thi do Nguyễn Phú Trọng, ủy viên bộ chính trị, phụ trách công tác Tư tưởng – Văn hóa – Khoa giáo trung ương và là chuẩn ứng viên tổng bí thư khóa tới trách nhiệm.
Chưa kể hậu quả trận lụt kinh hoàng vừa qua, người dân Việt Nam đón năm 2000 và Tết Canh Thìn trong bối cảnh đói bệnh tràn lan và thi đua nhớ ơn đó. Có lẽ vì vậy nhà thơ Nguyễn Bảo Chân mới buông vần: “Ngẩn ngơ xác pháo còn chưa kịp buồn”. Tết là của Đảng, khổ là của dân. Quy luật XHCN đã định như thế. Tất cả đều… không đáng kể, như tên một ca khúc khác cũng vừa đoạt giải “Một thời tuổi trẻ” nói trên: “Hãy yên lòng mẹ ơi”. Dường như tựa đề bài nhạc dư ba chữ đầu và một chữ cuối. Thiếu cả vài dấu chấm đàng sau. Mẹ… nó.
Con Phượng Thì Múa Con Nghê Thì Chầu
Quốc hội Hà Nội, trong kỳ họp thứ 6 khóa X đã tổng kết thực tiễn: “Nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm, hiệu quả, năng lực cạnh tranh còn thấp. Sản phẩm tiêu thụ khó khăn, sức mua giảm, thị trường kém sôi động. Vốn tồn đọng còn lớn. Cơ cấu đầu tư có những mặt không hợp lý, còn dàn trải, hiệu quả thấp. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước chuyển biến chậm. Lao động thiếu việc làm còn nhiều. Tệ nạn xã hội và tội phạm còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng”.
Trong phiên họp thường kỳ cuối năm, Phan Văn Khải cũng đánh giá tổng thể: “mức tăng trưởng kinh tế còn thấp; các hoạt động dịch vụ kém sôi động; công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường còn yếu; hoạt động văn hóa xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc; tỷ lệ chưa có việc làm còn lớn và đang tăng lên; tệ nạn xã hội không giảm, một số loại tội phạm tiếp tục gia tăng; tâm lý xã hội ở một số vùng và bộ phận dân cư còn diễn biến phức tạp…”.
Xã luận trên báo Nhân Dân cũng ghi nhận: “nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 đến nay; nhiều sản phẩm khó tiêu thụ, tồn kho tăng, sản xuất cầm chừng…”. Giải pháp đưa ra tập trung vào một vài trọng điểm: Cố xin thêm viện trợ, đẩy mạnh công nghệ du lịch, khai thác kiều bào….
Tuy nhiên, tất cả những điều đó không đáng gọi là quan tâm lớn. Hai nỗ lực chính có ưu tiên cao nhất của chính trị bộ Ba Đình hiện nay là:
Thứ nhất, xuyên qua Nghị quyết của quốc hội Hà Nội “Về nhiệm vụ năm 2000” nhấn mạnh trọng tâm cho cả đảng: “Thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn và đối phó kịp thời , có hiệu quả với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra. Tiếp tục xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang”.
Thứ nhì, và có tầm vóc sinh tử, là nỗ lực củng cố chính trị bộ. Để giải quyết ưu tiên sống còn này, Hà Nội phải tiến hành cùng lúc hai mặt vận động:
Một mặt là phải thay đổi nhân sự sao cho ít tỏ lộ chỉ dấu đấu đá nội bộ nhất và làm giảm được phần nào áp suất chống tham nhũng. Phạm Thế Duyệt coi như đã bị hạ tầng công tác. Ngô Xuân Lộc đã chính thức “bị kỷ luật”. Phan Diễn về Đà Nẵng để tự củng cố các trương mục riêng sau một thời gian dài làm việc hành chánh-tổ chức không mấy béo bở. Trương Tấn Sang phải ra Hà Nội để chính trị bộ dễ kiểm soát và ngăn chận bớt thế lực bao trùm kinh tế miền Nam. Nguyễn Minh Triết không thuận thảo lắm với Mặt Trận Tổ Quốc thì nên rời ghế dân vận để về lại Sài Gòn. Trương Quang Được từ Đà Nẵng sẽ ra thay vào chỗ dân vận. Tô Huy Rứa làm việc ở viện nghèo lâu nay cũng cần ra Hải Phòng để gia tăng thu nhập, đồng thời trám chỗ cho nguyên tỉnh ủy về thay thế Phan Văn Dĩnh bị cách chức trùm công an hải quan.
Đó là phía đảng. Về phía nhà nước thì còn cần thông qua cái loa của quốc hội trong thời gian tới để chính thức hóa một số chức vụ phó thủ tướng, bộ trưởng và thứ trưởng nhiều bộ, quan trọng nhất là các bộ quốc phòng, ngoại giao, công an. Sao cho thích nghi đúng đắn là Con phượng thì múa, con nghê thì chầu. Vẫn còn “may” là qua vụ xáo trộn nhân sự sơ bộ vừa rồi, Phan Văn Khải chỉ mới bị tai biến nhẹ mạch máu não (chữ của nhân viên ngoại giao Mỹ phúc trình là mild stroke). Tức là vẫn có thể tiến hành một số xáo trộn ngoạn mục kế tiếp. Đại sứ Peterson cũng vừa mới tiến hành cuộc gặp gỡ Đỗ Mười.
Mặt khác là mở chiến dịch kêu gọi đoàn kết. Trong thư gửi báo Nhân Dân và báo Đại Đoàn Kết nhân dịp đầu năm, Lê Khả Phiêu đã thú nhận: “Ở một số cấp ủy, một số ban thường vụ hoặc giữa đồng chí bí thư và đồng chí chủ tịch có sự mất đoàn kết, kèn cựa địa vị… Do bon chen danh lợi mà nói xấu lẫn nhau, dựng chuyện để bới móc nhau…”. Rồi kế tiếp, trong bài phát biểu tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc lần thứ hai, khóa V, Lê Khả Phiêu lại nêu nguyên nhân phân hóa: “những hiềm khích, chia rẽ, thù hận… chính là do bàn tay của các kẻ thù xâm lược, các thế lực thù địch…”.
Thế thì tội của Mỹ nặng lắm. Do đó, phải vượt qua mọi xung đột nội bộ trong vụ ký kết hay không ký kết hiệp ước mậu dịch với Mỹ vừa rồi, đừng để chúng xé to thêm, ít nhất là cho tới kỳ đại hội đảng khóa kế. Dù chưa nhất trí thì cũng phải nhất quyết là chính trị bộ không thể “bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở dưới cổ, bước lui thì đạp nhằm cái đuôi mình” như con sói già của thành ngữ lang bạt kỳ hồ trong Kinh Thư. Kết luận? Một khẩu hiệu mới toanh cho toàn đảng và đặc biệt cho chính trị bộ chính là: “Mùa xuân này là mùa Xuân đại đoàn kết dân tộc”.
Một bản tin vắn trên báo Người Lao Động loan rằng trong mấy ngày đầu năm 2000, bà Lê Thị Cấu, 60 tuổi, ở ấp Tân Tiên, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi đã đào được củ khoai lang nặng nặng 14 kg. Ông Nguyễn Quý Thu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Làm vườn ở Sài Gòn, cho biết: “Đây là hiện tượng đặc biệt, trước nay chưa từng có, cần được nghiên cứu nghiêm túc”. Riêng đối với người Hà Nội thì không lấy gì làm lạ cả. Ở Bắc Bộ Phủ có cả 19 củ nặng trên 60 kg mà chưa ai biết là củ chi, thì đã sao?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments