2000.02 – Sông Không Bờ Bến – Đâu Nơi Đậu Thuyền?
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 18 min read

Những năm Thìn cận đại đáng nhớ nhất đối với chế độ Hà Nội không hẳn là Bính Thìn, năm Chu Ân Lai qua đời, mà là Mậu Thìn 1988, năm Gorbachev khởi động phong trào Glasnost & Perestroika, dẫn đến tiến trình dân chủ hóa thành trì cộng sản Đông Âu và Liên Xô cũ.
Năm nay, Canh Thìn 2000, thời sự Hà Nội cũng có nhiều điểm đáng ghi nhận, với hai “quốc khách” xông đất Việt Nam là Lý Thiết Ánh và Igor Ivanov.
Một Rẽ – Là Mãi Khuất
Theo báo Hà Nội Mới, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã chính thức đón Đoàn xiếc tỉnh Vân Nam – Trung Quốc sang Việt Nam xông đất đầu năm, biểu diễn tại công viên Lenin, Hà Nội, từ ngày 8-2 đến 20-2-2000. Được biết, một vài tiết mục nổi tiếng của đoàn xiếc này là Đi dây và Leo cột.
Cũng trong tinh thần hướng dẫn “đi dây” và “leo cột” đó, Lý Thiết Ánh, trưởng đoàn đại biểu Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, đã sang thăm Hà Nội, và được Lê Khả Phiêu đích thân đón tiếp nồng nhiệt vào sáng ngày mùng 6 Tết Canh Thìn vừa qua, tức là ngay hôm sau lễ Tết Đống Đa. Theo báo Nhân Dân, Lê Khả Phiêu “đã nhờ đồng chí Lý Thiết Ánh chuyển lời chúc mừng năm mới tới đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân và các vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước Trung Quốc”, đồng thời, nhấn mạnh nỗi mong ngóng “tăng cường hợp tác, cùng nhau phối hợp nghiên cứu, làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước”.
Không khéo thì tay bí thư riêng chuyên viết diễn văn cho Lê Khả Phiêu sẽ được lãnh đạo dán nhãn “cộng tác” với báo Việt Nam Dân Chủ, nếu đoạn phát biểu vừa kể được Bắc Kinh diễn giải là Hà Nội chính thức “tiết lộ bí mật xuyên quốc gia” rằng con đường đi lên CNXH của cả hai nước vừa không thể giống nhau, lại vừa còn… vô cùng mù mịt.
Ba ngày sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Igor Ivanov lần đầu tiên sang thăm Hà Nội trong hai ngày 13 và 14-2 và cũng được Lê Khả Phiêu đón tiếp trọng thể. Nhân dịp này, hội trường Ba Đình đã tổ chức một buổi lễ long trọng để Igor Ivanov trao tặng Huân chương Hữu nghị của LB Nga cho Nguyễn Thị Bình, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Mạnh Cầm, “vì những đóng góp trong việc phát triển quan hệ Việt Nam – LB Nga”, đúng vào mùa kỷ niệm 50 năm Liên Xô cũ công nhận một nửa nước Việt Nam thành chư hầu cộng sản.
Tiếp xúc với báo giới trong nước, Igor Ivanov đã nhắc lại nội dung bản tuyên bố chung Nga-Việt nhân chuyến thăm LB Nga của Trần Đức Lương hồi tháng 8-1998. Igor Ivanov cũng trang trọng nhấn mạnh rằng “Việt Nam và Nga có lập trường giống nhau về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, dù thời gian qua trên thế giới đã có nhiều đổi thay sâu sắc. Hai bên cùng có lập trường về việc xây dựng một thế giới đa cực không có bạo lực”. Tuy nhiên, “Nga đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ các hành động tiêu diệt quân khủng bố (?) ở Chechnya và chống lại các sức ép từ bên ngoài đối với nước Nga”.
Về mặt kinh tế, Igor Ivanov nhận định rằng “lĩnh vực mà hai nước đang hợp tác rất có hiệu quả là thăm dò và khai thác dầu khí“. Ngoại trưởng Nga dẫn chứng bằng sức khai thác độc quyền 75 triệu tấn dầu thô của Liên doanh dầu khí Việt-Xô, bên cạnh các dự án “khai khoáng” và đặc biệt là xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên ở VN có công suất 6,5 triệu tấn/năm. Ngược lại, điều bất hài lòng của ngoại trưởng Nga là “kim ngạch thương mại song phương hiện nay mới chỉ đạt ở mức 300 – 400 triệu USD/năm”.
Theo Igor Ivanov thì đó là điểm cần cải thiện hàng đầu trong khi “Nga có các sản phẩm công nghiệp nặng, máy móc, vật liệu”, chưa kể MIGs và tiềm thủy đỉnh! Tuy nhiên, cũng theo Igor Ivanov thì bù lại, ngoài quân cảng Cam Ranh, “Nhờ sự giúp đỡ tích cực của VN trong thời gian qua, chúng tôi đã thiết lập được mối quan hệ đối tác tốt với ASEAN… Chúng tôi cũng biết VN là một quốc gia có ảnh hưởng trong Phong trào Không liên kết. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với VN trong các vấn đề quốc tế chủ yếu”. Tờ Lao Động đã tóm gọn cuộc viếng thăm này trên bản tin có tựa đề in đậm: “Liên bang Nga và Việt Nam ủng hộ một thế giới đa cực”.
Hóa ra, nhà thơ Trần Ninh Hồ đã “hơi bị bi quan” về các loại hình hữu nghị “đi dây leo cột” chăng, khi bảo rằng
“Một rẽ – là mãi khuất. Một bước – ngàn dặm xa!...” ?
Thi sĩ Hoàng Vũ Thuật có lẽ cũng cùng tần số đó khi viết
“Tôi chờ sao mai, Chưa nhìn đã khuất”.
Chứng cớ ư? Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam vừa tổ chức trao thưởng văn học nghệ thuật năm 1999 cho 15 tác phẩm của các tác giả cao tuổi. Trong đó, đứng đầu là quyển: “Không có một thời như thế” của cán bộ tư tưởng văn hóa Hà Xuân Trường. Nhiều người đang chờ đọc tác phẩm kế tiếp của cùng tác giả: Không có một thời như thế… với Tàu.
Nửa Đường Chân Lý
Trên mục Nói Hay Đừng của báo Lao Động, tác giả Lý Sinh Sự đã kể trong bài “Chuyện Nhãn Mác” một mẩu đối thoại ngắn: “Em có mua một chiếc quần xà lỏn có tới 7 nhãn mác: 2 cái 2 bên đùi to đùng, 2 cái in ở 2 túi sau mông, 1 cái ở cạp quần, 2 cái may ở đường chỉ trong. Tất cả đều là nhãn mác ngoại, nhưng cô bán hàng rong lại thật thà bảo đây là hàng chợ, quê cô ta làm”.
Ở mức độ kinh tế vĩ mô cấp trung ương, mọi chuyện đều không khác. Mô hình cải cách “made in China”. Câu lạc bộ Tài Trợ Paris-London. Dầu khí Vietsovpetro. Đô-la xanh in ở Mỹ. Tối huệ quốc của Nhật. Viện trợ không hoàn lại của ODA, IMF, WB… Cái khó là cho dù có gia công trang trí thêm chục cái mác ngoại khác đi nữa, toàn bộ tác phẩm kinh tế đó vẫn là… một chiếc xà lỏn.
Hai năm qua, chiếc xà lỏn đầy nhãn mác đó lại ngày càng teo rút đến mức thập thò cái chủ nghĩa xã hội: Chỉ số tăng trưởng có muốn lòe thiên hạ đến mấy cũng không thể nói quá 5%. Các mặt hàng công nghiệp nặng nội hóa bị ối đọng khủng khiếp. Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập khắp nước không thua gì trận lũ vừa qua trên các tỉnh miền Trung. Đầu tư ngoại quốc rơi tự do ở độ gia tốc rùng rợn….
Do vậy mà dù ở cấp rất thấp, Chủ tịch Công đoàn CSVN Cù Thị Hậu, trong dịp viếng thăm Cty liên doanh làm thuốc diệt trừ ruồi muỗi MOSFLY, cũng phải trịnh trọng nhắn leo: “Công đoàn VN luôn ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài“. Giai cấp công nhân Việt Nam đừng hỏi tại sao liên đoàn lao động ủng hộ phe chủ nhân lắm đôla! Còn ở cấp chính phủ, Phan Văn Khải long trọng phát biểu trong buổi họp UNCTAD ở Vọng Các rằng:
Một là, “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của các nước phát triển thực hiện chương trình xóa nợ và giãn nợ cho các nước nghèo”;
Hai là, “chúng tôi đánh giá cao vai trò của UNCTAD, cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ mà các nước thành viên UNCTAD đã dành cho Việt Nam trong những năm qua”; và
Ba là, “Việt Nam luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài“. Giới hành khất Việt Nam có cần bầu cử lãnh đạo không?
Nhìn chung thì đó vẫn là nỗ lực tìm thêm nhãn mác cho chiếc quần xà lỏn, trong lúc không một tay ủy viên nào của chính trị bộ Hà Nội có khả năng hay đủ dũng lược đứng ra nhận làm một thứ gì khác. Rốt cục thì vẫn miệng hô nới lỏng kinh tế, tay khóa chiếc cùm chính trị. Điều gì đáng ghi nhận tại chỗ? Đó không phải là một chọn lựa, lại càng không phải là một chọn lựa nhất quán của dàn chính trị bộ Ba Đình.
Chứng cớ? Hàng loạt xáo trộn nhân sự của Bắc Bộ Phủ mới đây thể hiện rõ nét một khuôn thức chưa từng thấy:
– Bí thư thành ủy của các thành phố lớn nhất VN bị triệu hồi đồng loạt về trung ương, gồm Trương Tấn Sang (từ Sài Gòn về lo Kinh tế TƯ), Lê Xuân Tùng (từ Hà Nội về lo Tư tưởng Khoa giáo TƯ), Trương Quang Được (từ Đà Nẵng về lo Dân vận TƯ) và Ngô Hai (từ khu gang thép Thái Nguyên về làm trợ lý trưởng ban Tư tưởng TƯ)….
– Ngược lại, các ủy viên chính trị bộ hay BCH/TƯ lại lũ lượt tràn về địa phương, gồm Nguyễn Minh Triết (Dân vận TƯ về Sài Gòn), Nguyễn Phú Trọng (Tư tưởng Khoa giáo TƯ về Hà Nội), Phan Diễn (Kinh tế TƯ về Đà Nẵng), Tô Huy Rứa (Học viện Chính trị HCM về Hải Phòng), Phan Thế Hùng (Nội chính TƯ về Vĩnh Phúc), và Hồ Đức Việt (BCH/TƯ về Thái Nguyên)….
Có người cho rằng khuôn thức sắp xếp đó là phản ảnh tất yếu của tình trạng bất đồng gay gắt giữa các ủy viên chính trị bộ VC và giữa trung ương với loạn sứ quân các miền. Đồng thời, đó cũng là sự chuẩn bị cần thiết của CSVN cho các đại hội đảng bộ địa phương sắp tới, đặc biệt là cho kỳ đại hội đại biểu toàn đảng vào năm 2001. Nhiều người khác cho rằng nhu cầu củng cố quyền lực trung ương (bằng cách triệu hồi để kiểm soát các sứ quân) chỉ là một lý cớ. Lợi dụng nhu cầu đó để hoán chuyển nhân sự về các vùng béo bở mới là sự “công bình” nêu bật tính chuẩn mực của trung ương. Gì thì gì, cái gốc của màn xáo trộn nhân sự còn kéo dài này vẫn là sự bế tắc của dàn lãnh đạo Hà Nội trước con đường cùng của định hướng XHCN, trong đó, không một ai đồng ý với ai về cách thức giải quyết chiếc quần xà lỏn.
Chân lý đã không giống nhau trong thời buổi này, do hoàn cảnh quyền lợi không thuần nhất giữa các ủy viên. Đường đi tới chân lý, bởi đó, không thể nào giống nhau, chưa nói tới cách đi. Từ đầu thập niên 90, Trần Xuân Bách đã trả giá đắt cho quan điểm “không thể đi khập khiễng” và Nguyễn Cơ Thạch cũng gánh lấy hệ quả của lời tuyên bố “không thể ngủ một mắt”. Việc triệt hạ cả hai nhân vật này không tháo gở được nùi chỉ đỏ của vấn đề nửa vời, lơ lửng. Thi hào Tagore có một câu hỏi để đời:
“Nếu đóng cửa với mọi sai lầm thì chân lý sẽ vào nhà bạn bằng lối nào?”.
Đến thời điểm đầu năm 2000, nùi chỉ càng rối thêm với chiến dịch “phê và tự phê” đang tới hồi tẩu hỏa nhập ma. Và trong khi chờ đợi báo cáo chính trị 2001 đưa ra định nghĩa mới về Chân Lý, người ta chỉ có thể nhắc nhau một danh ngôn của Goethe:
“Có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm, nhưng không thể đi nửa đường chân lý“.
Yếu Địa Lý? Càng Tốt!
Về mặt xã hội, năm Canh Thìn bắt đầu ở Việt Nam trong một bối cảnh ảm đạm. Bài xã luận trên báo Nhân Dân nhận định tình hình chung của đa số bà con trong nước chính là khoảng cách giữa mùa vật lý với mùa tâm lý rằng: “Đối với họ, mùa Xuân đang về, nhưng rõ ràng Tết thì chưa đến!”. Lý do có nhiều. Nhưng căn cứ vào nỗ lực nghiên cứu của Hà Nội thì tất yếu là do bởi… thiên tai, và tình trạng tuột dốc kinh tế toàn quốc. Còn vì đâu tuột dốc thì… chỉ có thể phân tích trong B14 hay A20. Nhìn chung thì qua nội dung sâu sắc của bài xã luận đó, người ta thấy ra kết cục Tết chỉ đến với giai cấp lãnh đạo và quản lý… ngân sách. Từ đó, vấn đề của đảng sẽ thu nhỏ lại trong phạm vi gìn giữ thể diện cho đảng bằng… sự kín đáo.
Ghi nhận tại chỗ về mặt chính sách là Chỉ thị số 02-2000/CT-TTg của Phan Văn Khải về việc “dùng tiền của thuộc công quỹ của Nhà nước và tập thể để biếu xén, quà cáp”. Trên thực tế thì dù không có chỉ thị nói trên, truyền thống đậm màu bản sắc đảng này cũng đã từ lâu đi vào nền nếp… khoa học.
Nhà báo Thanh Thảo đã tự sự trong bài “Mã Hoá” như sau:
“Về nghĩ lại, tôi càng thấy cái từ mã hóa thật thâm thúy, nó kín đáo, lại có vẻ khoa học, thích hợp với thời đại chứ không lồ lộ như cái từ phong bì, dù nói phong bì cũng đã có phần kín đáo rồi. Tôi nghe người ta kháo nhau là ông quan chức này được đàn em ‘mã hoá’ cho một cái nhà to đùng, ông nhà báo nọ được đối tác ‘mã hoá’ cho cái Mercedes bệ vệ…. Càng nhẹ thì càng nặng, càng nhỏ thì càng lớn, ấy là nói về những phong bì và những gì được chứa đựng trong những phong bì ấy”….
Tính khoa học này đã được Đào Duy Quát quảng diễn rộng thêm trong một bài phân tích ngày 2-2-2000 có tựa đề “Nguồn sức mạnh vô tận của Đảng”.
Phóng viên Vũ Bình Minh, sau khi tham dự hội nghị tổng kết đảng bộ của một thành phố lớn, đã tóm tắt sự trao đổi giữa các “cán bộ lãnh đạo chủ chốt” trong bài viết tựa đề “Ngũ Chứng Nan Y”, tức 5 chứng bất trị:
Một là “Bệnh hội họp, tổng kết”, với đặc tính “đủ mâm, đủ bát, đủ phong bì”. Đó là lý do mà “người ta phải chạy xô (show) đi dự tổng kết”.
Hai là “Bệnh lạm phát danh hiệu lao động giỏi”, với phương châm “chả mất gì của ai, cứ vui vẻ cả”, nên cứ tuần tự bình bầu lẫn nhau.
Ba là “Bệnh thưởng”, có mục đích “lạm dụng thưởng để chia chác tiền của Nhà nước”.
Bốn là “Bệnh ăn nhậu”, ở mức độ “Tiền một bữa nhậu của một người nhiều khi bằng gia đình một nông dân 5 người ăn cả tháng, nửa năm” mà không một ai phải trả bằng tiền túi.
Năm là “Bệnh chúc Tết cấp trên”, với đặc tính công phu: “Cho người dò la, nghe ngóng xem cấp trên thích thứ gì, đang thiếu cái gì, có nhu cầu ra sao, vợ cấp trên tính tình thế nào, nên đi vào ngày, giờ nào… để chuẩn bị chút ‘cây nhà, lá vườn’, ‘đặc sản quê hương’.
Nhiều khi người ta phải chầu chực, xếp hàng nhiều giờ mới gặp được gia chủ. Cùng với chút quà ‘đặc sản quê hương’ là chiếc thiếp ‘Chúc mừng năm mới’. Bên trong chiếc thiếp đó có gì thì chỉ có ‘gia chủ’ mới biết tường tận”. Cứ tình hình đó thì đào, quất vào dịp Tết chỉ mọc được ở các dãy phố lầu bêtông. Nhà thơ nghiệp dư Tú Nhốp nhân đó làm một câu đối Tết cực kỳ thực tiễn:
“Bia chục thùng, rượu vài can, Tết lãng phí khiến buồn nghĩa Tết
Bài suốt tuần, chơi suốt tháng, Xuân bê tha thêm khổ đời Xuân”.
Tác giả Lý Sinh Sự của mục “Nói Hay Đừng” trên báo Lao Động lại dựa vào số liệu của Chương trình 135 (QĐ 1232/QĐ-TTg) đầu tư cho 1.870 xã đặc biệt khó khăn, để ghi rõ nhịp tăng 870 xã khó khăn đặc biệt so với năm 99. Đồng thời, nêu một thống kê riêng ngay tại “thủ đô” Hà Nội: “tôi để ý thấy cứ 1 bịch rác ném vào thùng ít nhất có 2 người đến bưới tìm xem có kiếm chác được gì từ cái vứt đi của người khác”. Theo bài nghiên cứu khoa học xã hội của Hữu Thọ, nếu như GDP cả nước năm 1999 đạt bình quân 363 đôla Mỹ một người thì ở 17 tỉnh miền núi chỉ có 135 đôla. Một năm! Nói kiểu văn nghệ thì theo Hà Văn, “Năm nay cũng thế,… Hai chữ ‘Tết mới’ chỉ đơn thuần là chuyện lo lắng, bận rộn”.
Còn nhìn chung một cách bình dị, người ta nhắc nhau một bài ca dao cũ của người Mường vẫn còn mang tính thời sự trên cả nước:
“Ước gì mẹ có mười tay, Tay kia bắt cá, tay này bắt chim, Một tay chuốt chỉ luồn kim, Một tay đi rẫy, tay tìm hái rau, Một tay bồng bế con đau, Tay đi vay gạo, tay cầu cúng ma, Một tay quay sợi guồng xa, Một tay bếp núc, cửa nhà, nắng mưa, Một tay đi củi, muối da, Một tay để van lạy, để bẩm thưa đỡ đòn, Tay nào mẹ ẵm lấy con, Tay nào lau nước mắt, mẹ còn thiếu tay”….
Từ đó, Lý ta phân tích khoảng cách phân hóa như sau: “Phe ‘đổi mới’ hoan nghênh chơi sang, dân có giàu nước mới mạnh. Phe chín chắn hơn lại nói nước phải mạnh rồi dân mới giàu được… Phải xem rõ thực chất chơi sang bằng tiền nhà hay tiền chùa rồi hãy nói. Cứ như tôi hiểu dân ta vốn có tính tằn tiện. Từ khi có cơ chế tiền chùa mới có chuyện chơi sang. Tìm được ông bà nào bỏ tiền túi ra đãi nhau bữa vui vẻ hàng triệu cũng khó đấy”.
Thế đã là tiến bộ, khi nhà nước vượt ngưỡng từ cơ chế xin cho lên cơ chế tiền chùa! Càng khó tin hơn là một mẩu đối thoại thoảng nghe như chuyện vui cười: “Cô giáo nói với phụ huynh học sinh: – Con trai anh học rất yếu môn địa lý. – Càng tốt! Nó sẽ không tìm thấy chỗ chúng tôi giấu tiền!”.
Trò Chơi Của Quỷ
Tháng Giêng năm nay là dịp kỷ niệm “40 năm Đồng khởi”.
Lê Khả Phiêu gửi thư khích lệ đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhắc nhở tình hình bi đát thời đó: “Đảng bộ miền Nam bị tổn thất hết sức nặng nề, tổng số đảng viên 10 phần, chỉ còn 1. Đảng bộ Bến Tre chỉ còn 162 đảng viên, Tiền Giang còn 92 đảng viên, Gia Định, Biên Hòa, mỗi nơi chỉ còn 1 chi bộ Đảng….” . Đáp lại, phó chủ tịch tỉnh Bảy Hoàng đề nghị “dấy lên phong trào ‘đồng khởi mới’ toàn dân đoàn kết, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn”.
40 năm sau Đồng Khởi, xã luận của Tạp Chí Cộng Sản vẫn điềm nhiên phân tích: “Bước vào năm 2000, đất nước ta vẫn còn phải đối đầu với những khó khăn, thách thức lớn lao mà năm 1999 để lại: đó là xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục, sức mua của các tầng lớp dân cư tăng chậm, hàng hóa ứ đọng còn nhiều, giảm giá kéo dài liên tục, các tệ nạn xã hội và tệ quan liêu, tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi, công tác tổ chức chỉ đạo đưa Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống và thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước… vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém”. Nói ngắn gọn, kết quả gần nửa thế kỷ đồng khởi là vẫn… chẳng ra chi.
Trong “Năm khúc hát viết bên bờ Trường Giang”, nhà thơ Trần Nhuận Minh cất tiếng:
“Đã im tiếng sóng
Lửa trận tàn rồi….
Chỉ nỗi đau muôn dân là còn đến nay thôi
Trường Giang cuồn cuộn trôi, đưa máu và nước mắt ra biển
Đừng hỏi vì sao biển mặn đến bây giờ”.
Lý do? Mỏ Cày là huyện phía Nam của Bến Tre, nằm giữa hai dòng sông Hàm Luông và Cổ Chiên, từng là “căn cứ cách mạng” của tỉnh, cũng là nơi xuất tích huyền thoại “Đội quân tóc dài”, hiện nay ra sao? Một bí thư xã của huyện này tổng kết tình hình 40 năm sau Đồng Khởi: “Kinh tế của xã chưa có mặt nào bứt phá tạo đà phát triển chung, chưa có đầu ra ổn định cho 600 ha dừa và gần 200 ha mía, chợ cũng chưa được quy hoạch; 60 ha vườn cây ăn trái và 110 ha mặt nước đang được định hình từng bước các loại cây và con; tốc độ phát triển nói chung không cao”. Ngay giữa cái lõi đồng bằng châu thổ Cửu Long mà đã thế thì cần gì hỏi thăm về những huyện anh hùng Ngư Thủy (Quảng Bình), hay Ngả Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)!
Tháng Giêng cũng là dịp ôn nhớ về điểm nóng Thái Bình. Trong một bài phỏng vấn mới nhất, người ta được biết thêm Thái Bình “có 1,8 triệu dân mà hơn 40 vạn người đi bộ đội, 4 vạn liệt sĩ, gần 3 vạn thương binh, 1.820 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Cũng trong bài phỏng vấn này, Phạm Thế Duyệt tiết lộ: “sai sót chính là do sự lãnh đạo. Đầu tiên phải nói là do quan liêu, mất dân chủ, rồi dẫn đến tham nhũng. Cán bộ tuy gần mà xa,… Đặt ra 20 – 30 thứ thuế. Thu không công bằng lại hà lạm…. Nông dân hai sương một nắng, cả năm được vài tấn thóc. Tham nhũng của họ 5-7 triệu, họ biết ngay, không phải đi thẩm tra, thẩm vấn…. Trong 285 xã ở tỉnh thì 242 xã có vấn đề”.
Thi sĩ Trần Nhuận Minh viết tiếp bên bờ Trường Giang một đoạn khác:
“Tên các anh hùng dài như núi
Những mảnh thành vỡ cô đơn, cao vòi vọi
Những tấm biển chỉ chiến trường xa, giết mấy chục vạn người
Có lắm anh hùng, đất nước bình yên là một điều vĩ đại
Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn bình yên,
còn vĩ đại hơn nhiều”.
Thế nhưng, lãnh đạo CSVN sính làm thơ chứ ít khi chịu đọc thơ nhân dân, nên nhân ngày 14-1, Lê Khả Phiêu đã viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng bằng những tấm biển chỉ chiến trường mới như sau: “Để càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, càng đánh bản chất cách mạng càng sáng ngời,… đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào, thủ đoạn nào…”. Đáp lại, vào chiều 28-1, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy Quân sự T.Ư tổ chức trọng thể lễ trao tặng Lê Khả Phiêu huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Nhân đó, thượng tướng Phạm Văn Trà đã hết lời ca ngợi Lê Khả Phiêu dù xuất thân từ gia đình cực kỳ nghèo khổ nhưng đã sớm giác ngộ theo đảng và được mọi thứ như ngày nay.
Vì vậy không ai ngạc nhiên khi ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã trao thưởng giải B cho một tác phẩm sân khấu của soạn giả Trần Văn Ngọc. Tựa đề vở diễn là Trò chơi của quỷ.
Xé Chăn Làm Vó
Năm 2000 được Hà Nội đặt tên là “Năm Thanh Niên”. Phóng viên A.Xuân của báo Lao Động cho biết là vào ngày 19-1, “BCH T.Ư Đoàn TNCS HCM ra tuyên bố: Phát động Phong trào thanh niên tình nguyện… Trung ương Đoàn đưa ra khẩu hiệu: Thi đua là yêu nước; Thanh niên xông pha đi đầu; Tất cả… hãy tích cực tham gia các đội thanh niên tình nguyện: Xóa đói giảm nghèo”.
Bước ngoặt thời đại chuyển từ thanh niên tải đạn sang thanh niên xóa đói. Một câu hỏi có thể nêu tại đây là: Hiện trạng thanh niên trong nước trong toàn cảnh xã hội Việt Nam ra sao? Lại phải chịu khó đọc báo đảng… Ở tỉnh Đắc Lắc có “9.969 hộ, gồm 48.790 người đang bị thiếu ăn giáp hạt”. Đó là thông tin do Giám đốc Sở LĐTB&XH Đắc Lắc cung cấp cho phóng viên báo Lao Động ngày 18-1. Ở một diện khác, ký giả T.B. của báo Lao Động cho biết: “Theo con số thống kê chính thức được công bố ngày 30.1, đến nay vẫn còn 7,7% số dân nước ta (6,8 triệu người) từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường. Trong đó có 5,3 triệu người hoàn toàn không biết chữ”. Riêng ở tỉnh Nghệ An, vấn đề “Tồn tại của muôn thuở” là thiếu giáo viên. Theo “Số liệu từ ngành GD-ĐT: Năm học 1999-2000 cần 12.103 cán bộ giáo viên THCS. Nhưng soát xét lại thì năm học này toàn tỉnh có 3.447 giáo viên cấp 2. Không chỉ riêng ở các huyện miền núi thiếu mà ngay cả ở các huyện miền xuôi vẫn thiếu”.
Còn phương pháp sư phạm? Tác giả Lý Sinh Sự tỏ ra khá bất bình khi biết tin “Trong 3 hình thức kỷ luật tự xử do bà Hiệu trưởng Dương Thị Dung, Trường cấp I,II Bạch Đông, Bình Thạnh, TPHCM nêu ra với hơn 60 học sinh yếu kém trong lễ chào cờ sáng thứ hai 10.1.2000, thay vì nhận hình thức đuổi học, phạt đứng dưới cờ, tất cả ‘phạm nhân’ đã nhận hình thức thứ ba: Tự tát vào mặt mình. Thật là ngoạn mục! Hơn 800 học sinh và các thầy cô đứng nhìn ‘người yếu kém’ liên tục hai tay tự vả mình (!)”.
Sau cùng, kết quả mặt nổi của đào tạo là gì, nếu không là học hàm, học vị? Tác giả Hai Văn Sáu chứng minh ngược lại bằng thí dụ tiêu biểu nóng hổi: “- Trên trăm độ… Có ông nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai đem bán bằng tốt nghiệp phổ thông cho một số vị chức sắc ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận) với giá 150 – 200 nghìn/cái. – Tôi đâu kêu đắt, nghe nói ông phó bí thư huyện Hàm Tân còn được biếu không cơ. Bằng thật hẳn hoi, nhân dịp hôm ông giám đốc sở kia vào Bình Thuận… mua gỗ”. Thật sự cũng chẳng có gì là lạ, nếu ta cùng đọc ca dao của Dao-Inox:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu thì nở ra dòng liu điu
Còn quan tham nhũng hẩm hiu
Sinh ra một lũ quậy liều, chơi ngang.
Thế mới biết nỗi vất vả phấn đấu của tuổi trẻ trong nước giữa một bối cảnh giáo dục đào tạo như thế, dựa vào quá khứ Thanh Niên Tải Đạn để mở ra một tương lai Thanh Niên Xóa Đói. Ai xé chăn làm vó? Đó là rường cột của nước nhà. Đó cũng là niềm kỳ vọng của đảng CSVN, căn cứ vào lời phát biểu của uỷ viên chính trị bộ Trưởng ban Tư tưởng Kho giáo TƯ Nguyễn Phú Trọng, nhân Hội nghị toàn quốc về công tác tư tưởng văn hóa của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải xử lý một loạt vấn đề tưởng như mâu thuẫn và nghịch lý: Phải làm sao xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta trong điều kiện chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, bị các thế lực phản động tiến công từ mọi phía?”
“Đêm qua em mơ gặp bác Hồ” là tựa đề một bài nhạc học trò trong nước đều phải thuộc.
Ắt hẳn từ đó mới có mức gia tăng chóng mặt của căn bệnh “ướt giường đêm” chăng?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments