2000.03 – Bắc Phong Kỳ Tả Tơi
- LVMỹ-K24
- Feb 27, 2022
- 25 min read

Hai sự kiện “cực kỳ phản động” trong thời gian qua đã xóa sổ uy tín của Hà Nội đối với nhân dân Việt Nam.
Một là vụ cứu trợ bão lụt miền Trung, trong đó, mức quyên góp của cộng đồng người Việt ở hải ngoại lên ngang ngửa với mức cứu trợ của thế giới, và các tổ chức thiện nguyện tự lập trong nước đã vượt qua vòng rào kiểm soát bắt bí ăn chận của hệ thống đảng.
Hai là vụ ký kết hiệp ước thương mại với Mỹ bất thành, do sự “thiếu thống nhất quan điểm” của thượng tầng Ba Đình. Tình hình “lãnh đạo” Hà Nội, trong bối cảnh đó, đã được thi sĩ Trần Tâm lột tả chỉ bằng một dòng xúc tích: “Khoai lang héo cả mặt người tháng ba”.
Lạy Ông Đi Qua…
Trong tháng qua, mục “hoạt động của lãnh đạo” trên báo Nhân Dân ghi nhận một số cuộc du ngoạn đậm đà màu sắc… tẻ nhạt: Phạm Thế Duyệt tham dự lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, và đi thị sát hồ chứa nước ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Lê Khả Phiêu về trấn an “điểm-chưa-nguội” Thái Bình, “bày tỏ tin tưởng ở sự công minh và độ lượng của nhân dân”. Không một bài báo nào dám bình luận về khẩu khí tông “Rề” cực trầm này của tổng bí thư. Sau đó, Phiêu “về làm việc” ở Hải Phòng.
Ngược lại, những cuộc du lịch sôi nổi chung quanh Việt Nam được tuyên truyền rầm rộ hơn nhiều: Nông Đức Mạnh đi Lào và Cam-bốt, tất nhiên là để thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa đảng biểu quốc hội 3 nước Đông Dương. Còn tân ngoại trưởng CSVN Nguyễn Dy Niên cũng xuất hành đi… Cam-bốt, Tàu và Nhật. Tại Bắc Kinh, Niên đã long trọng nhắc lại “16 chữ vàng” của Giang Trạch Dân, và khẳng định thực hiện đúng lời phát biểu của Đường Gia Triền là “hợp tác chặt chẽ góp phần làm giàu thêm truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước” kể từ đầu năm 79 tới nay. Tại Đông Kinh, Niên đã chân thành, tha thiết “bày tỏ mong muốn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn hơn nữa trong thời gian tới”. A-ri-ga-tồ.
So ra, cuộc du lịch xa nhất và thú vị nhất trong tháng là của Cù Thị Hậu, Chủ tịch Tổng LĐLĐ CSVN, sang Mỹ từ ngày 13-17-3-2000. Trong dịp này, Hậu đã tranh thủ gặp gỡ được Công đoàn AFL-CIO, và quan trọng nhất là ban lãnh đạo Cơ quan Hỗ trợ Đầu tư Tư nhân Mỹ (OPIC).
Nói về Mỹ thì vụ “Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội khai trương trụ sở thứ hai“ thật ra chỉ là việc nhỏ. Chuyện lớn là tình hình quan hệ với Mỹ có nhiều chuyển biến phức tạp:
Thứ nhất là Báo Cáo Nhân Quyền của Hoa Thịnh Đốn đã khiến Hà Nội “phật lòng” không ít. Thứ nhì là, ngay trong không khí Hà Nội chuẩn bị cho kỷ niệm 30-4 thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen lại ghé tạt trong chuyến đi 11 ngày qua mấy nước Á châu. Dàn lãnh đạo Ba Đình, cả Trần Đức Lương lẫn Phan Văn Khải đều phải tổ chức chiêu đãi linh đình và rầm rộ đào đất bới xương để làm vừa lòng quan khách Mỹ. Đã vậy, thay vì treo một củ cà rốt thì “ngài” Cohen lại quăng ra hai khúc xương to đùng:
Một là đề nghị “hợp tác quân sự song phương” thường xuyên hơn giữa Mỹ với Việt Nam;
Hai là thả trái bóng kêu gọi các quốc gia ASEAN đoàn kết trong mọi đối phó với Trung Quốc, ngay vào lúc quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Hoa Lục đang căng thẳng trước cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan.
Tất nhiên là Hà Nội phải có phản ứng. Trước tiên là một vài bài báo “phân tích” lại nhân quyền theo kiểu định nghĩa của CSVN, tiếp theo bằng lời phát biểu phản bác chính thức từ Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên của bộ ngoại giao Hà Nội. Còn đối với những đề nghị của “ngài” Cohen, Hà Nội long trọng phủ nhận vấn đề hợp tác quân sự với Mỹ, quan trọng hơn, khẳng định tầm quan trọng của “tình hữu nghị gắn bó” với Bắc Kinh, đồng thời lặp lại lần nữa lập trường dứt khoát về “nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất”.
Ghi nhận chính thức là công sức tuyên truyền này không đạt được hiệu năng cần có, ngoài tính khấu đầu hiển hiện. Ghi nhận ngoài luồng thì ngược lại, “ngài” Cohen đã đẩy chính sách đối ngoại của Hà Nội lên tới đỉnh giữa cầu chữ Y, và tại đó, không một ai trong cả hai phe của Bắc Bộ Phủ hiện nay có đủ uy tín và thẩm quyền để quyết định lối rẽ. Tiện nhất là… đường ai nấy đi chăng? Bởi rốt cuộc thì, như Nguyễn Dy Niên phát biểu ở Nhật, cả đám cũng sẽ gặp nhau ở chỗ… Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại?
Trung Thần Nghĩa Sĩ Cả
Về mặt đối nội, tình hình tháng qua cũng không kém phần phức tạp. Trong phiên họp thường kỳ của “chính phủ”, các vấn đề bức xúc cốt lõi được thảo luận gồm có: 1) Giải quyết lao động dôi dư nhiều trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. 2) Xử lý nợ đọng lớn của doanh nghiệp nhà nước. 3) Chương trình phòng chống tệ nạn mại dâm. 4) Chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy. 5) Tháo gỡ các vướng mắc cản trở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. 6) Tạo thuận lợi và tăng tính hấp dẫn để thu hút nguồn vốn nước ngoài, mở rộng khai thác và phát triển sản xuất dầu khí.
Đúc kết buổi họp này là một số nhận định: “Tình hình kinh tế, xã hội hai tháng qua… vẫn chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp… còn gặp khó khăn chưa khắc phục hết. Sản xuất công nghiệp… vẫn tiêu thụ chậm. Khối lượng xây dựng cơ bản đạt thấp. Xuất nhập khẩu… vẫn còn thấp so với các tháng trước. Tai nạn giao thông tăng mạnh, đến mức đáng báo động…”. Riêng phần cuối này thì ký giả Chu Thượng ghi nhận rằng “số vụ tai nạn giao thông tỷ lệ thuận với số tiền cả nước bỏ ra để mở mang, nâng cấp đường sá”. Ẩn nghĩa là càng tháo gỡ thì càng vướng mắc? Nhìn chung, bản đúc kết tháng này vẫn không bớt tệ hơn các bản cùng kỳ năm trước.
Về phần nhân sự, Vũ Khoan được Phan Văn Khải đề bạt lên thay thế Trương Đình Tuyển làm Bộ trưởng Thương Mại và Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế. Song song, Nguyễn Tấn Dũng cũng ký giấy đề bạt tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN, thay cho tướng Trần Hanh vào chức vụ Uỷ viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại. Ở cấp này thì chỉ cần một quyết định của Khải hay của Dũng là giải quyết xong vấn đề người ngợm. Cái khó là ở cấp trung và hạ tầng. Câu hỏi không lời đáp cho nghị quyết đảng vừa qua là “Giải pháp nào để giảm 15% biên chế?”. Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động, Phó trưởng ban Ban Tổ chức-Cán bộ chính phủ Thang Văn Phúc cho biết: “Từ năm 1994 đến hết năm 1998, biên chế ở các cơ quan lại tăng lên.
Nguyên nhân chính là do: Việc tổ chức thực hiện các nghị quyết các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy không nhất quán, thiếu kiên quyết; thẩm quyền và chế độ trách nhiệm của nhiều cơ quan chưa thật rõ, còn chồng chéo; việc phân cấp quản lý biên chế thiếu cụ thể và còn phân tán trong nhiều cấp; còn có xu hướng các đơn vị muốn tăng biên chế để tăng thêm kinh phí… Hiện tại, bộ phận hành chính trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước chiếm 17% tổng biên chế – đây là tỷ lệ bất hợp lý“.
Tức là cứ 100 người làm việc cho nhà nước thì đã có 17 người lo cung phụng tiện nghi cho 83 người còn lại. Được hỏi thêm là làm thế nào để tránh hiện tượng giảm chỗ nọ, phình chỗ kia như đã xảy ra, Phúc thừa nhận: “Đúng là có chuyện giảm đầu mối lớn nhưng lại sinh thêm các tổ chức nhỏ…. Trong các văn bản pháp lý không đặt ra các tổ chức mà chỉ đề ra chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước (nên) khi ban hành thêm luật, pháp lệnh, nghị định… lại có thể phình thêm tổ chức mới”.
Chứng cớ? Theo tân Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan, trong khi chờ Chính phủ quyết định thành lập Cục Xúc tiến thương mại, bộ này đã lập một ban Xúc tiến thương mại tạm thời. Còn ở cấp địa phương? Riêng tỉnh lẻ Sóc Trăng đã có hơn 200 Ban Chỉ Đạo và các Hội Đồng, thập cẩm.
Đó là nói về cơ cấu. Còn nói về mặt chính sách thì trong mục Sổ Tay Kinh Tế trên báo Lao Động, tác giả Phạm Kim Hưng của bài “Thoáng và Thông” đã bộc lộ: “Vừa khấp khởi mừng, với sự thông thoáng của cơ chế ‘tiền đăng hậu kiểm’, các doanh nhân lại vừa ngay ngáy lo cái nỗi ‘tiền buông hậu… hành’ mà họ đã ‘quen’ sau nhiều đận các chủ trương, chính sách thoáng từ trên đã không thông được đến dưới vì chuyện muôn thuở là sự ách tắc ở các cơ quan thực thi”. Lo gì? Theo ký giả Hưng thì đó là nỗi “lo chuyện các công chức cứ mặc nhiên bắt ne bắt nét doanh nhân như thời ‘xin-cho’. Lại lo nữa cái sự ‘hậu kiểm’, hãy còn đấy ‘tấm gương’ một thuở lực lượng thanh tra giao thông công chính bỗng dưng tung hoành ngang dọc tùm lum vì tự gán cho mình cái quyền kiểm soát phương tiện giao thông. Nay mai, nếu cái sự ‘hậu kiểm’ ấy mà trao cho công chức nhiều quyền ‘hành’ doanh nghiệp quá thì liệu cái sự thoáng khi lập doanh nghiệp có còn ý nghĩa..”.
Về mặt khả năng cán bộ, tác giả Lý Sinh Sự tỏ ra thật sự “xúc động” khi hay tin có ông phó giám đốc một công ty ở Sài Gòn bị “kỷ luật” và chuyển sang cơ quan khác vì tội đã mua bằng đại học giả. Theo lời khai của bị can thì lỗi là ở tổ chức đề bạt: “do yêu cầu tổ chức cơ quan nên là Phó GĐ phải mua bằng mới tương xứng chức vụ”. Giải pháp?
Tác giả Lý Sinh Sự đề nghị rằng muốn giảm người mua bằng thì phải… tăng giá bằng giả lên mức 1 tỷ đồng/1 bằng. Bên cạnh đó, cuộc Kiểm tra văn bằng ở bảy tỉnh, thành phố phía bắc, do thanh tra của bộ Giáo dục & Đào tạo CSVN tiến hành, đưa tới kết quả sơ khởi: 10% văn bằng của học viên đại học tại chức là bất hợp pháp. Trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Mạnh Đoan cho biết: “Các loại văn bằng này phần lớn là do tổ chức, cá nhân làm giả. Nhưng cũng có những văn bằng thật, có chữ ký và con dấu thật, nhưng người được cấp bằng không hề qua thi cử, không có tên trong sổ tốt nghiệp…. Một loại khác là văn bằng bị tẩy xóa, thay tên một cách tinh vi, hoặc gian dối qua khâu công chứng…”.
Nơi đạt danh hiệu kỷ lục là lớp quản trị kinh doanh tại Thái Nguyên: Qua kiểm tra 31 văn bằng có tới 11 văn bằng bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 35,5%. Trong một bài báo khác có tựa đề là “Bắt lươn khúc giữa”, ký giả Chu Thượng cho biết là: “Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh đã quyết định từ nay đến hết ngày 20-9-2000 tiến hành kiểm tra, thẩm định văn bằng (tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học chuyên ban, trung học chuyên nghiệp, trung học nghề…) của tất cả sinh viên hệ chính quy đang theo học tại trường”. Tức là một cách bắt lươn đã vượt tắt vũ môn.
Còn về cung cách làm việc của công nhân viên chức nhà nước? Tác giả Út Nổi kể chuyện: “Một nhà báo hỏi nhà thôi miên: – Ông thôi miên mọi người có khó lắm không? – Cũng tùy từng trường hợp. Dễ nhất là thôi miên một công chức. Chỉ cần bảo anh ta hãy nghĩ tới công việc ở sở, là lập tức anh ta chìm sâu ngay vào giấc ngủ li bì“. Có người bảo được vậy thì… đã đỡ. Phổ cập hơn nhiều là tình trạng “hành dân” và biển thủ. Ký giả Lâm Chí Công cho biết mới đây, tại Quảng Trị, “Giám đốc Nguyễn Thị Hoài Nhạn đã lấy hàng trăm triệu đồng từ tiền mua bảo hiểm y tế của người dân, để sắm ôtô con”.
Còn theo ký giả Lam Chi thì “Tình trạng xà xẻo, chiếm đoạt tiền từ các dự án xóa đói giảm nghèo… đã và đang xảy ra ở hầu khắp các địa phương với những mức độ đáng báo động… Không chỉ ăn cắp tiền của các dự án do trên rót về bằng cách cấp thiếu vật tư, tiền vốn, những cán bộ của dự án còn thu thêm tiền của các hộ dân trong vùng hưởng lợi… Thậm chí, nhiều người vẫn được thăng tiến ở những cương vị lãnh đạo cao hơn trong Đảng, chính quyền”.
Theo bài khảo cứu về đảng viên của Tiến sĩ Bùi Ngọc Thanh, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Hà Nội, thì “Một người có thể nhiễm một, hai căn bệnh nhưng cũng có người cùng một lúc nhiễm nhiều căn bệnh và căn bệnh này làm tiền đề cho căn bệnh khác phát sinh và phát triển (đục khoét, vơ vét, tham nhũng, dẫn đến hành vi che mắt, bịt miệng thiên hạ; che mắt bịt miệng người ta thì sinh ra ức hiếp, độc đoán, mất dân chủ…). Hành vi và tác động của họ thật là ghê gớm.
Về vật chất thì vơ vét càng nhiều càng cảm thấy ít; về địa vị thì say mê chức tước, quyền hành đến cực độ ; về thủ đoạn thì cực kỳ tinh vi và nham hiểm; về quan hệ thì bạc tình, bạc nghĩa, vô thủy, vô chung (khi cần thì nịnh bợ, xun xoe, tâng bốc, hối lộ, lấy lòng; khi hết không khai thác được nữa thì lập tức thay lòng đổi dạ, vô ơn với đồng đội, bạc bẽo với đồng chí, xấc xược với lãnh đạo; để đạt được địa vị và quyền lực thì ‘đội trên, đạp dưới, ngang chèn’…); về sinh hoạt thì xa hoa, phung phí, phè phỡn, trụy lạc…”. Không ai còn dám bảo là chưa rõ nữa.
Một chuyện như đời xưa kể rằng: “Nhà Vua vi hành, gặp một ông lão đang cày ngoài đồng. Nhà Vua dừng lại hỏi thăm về ruộng nương, rồi lân la hỏi đến chính sự, tư cách quan trong địa hạt thế nào. Ông lão nói: -Í chà! Các quan ở đây đều là những bậc trung thần nghĩa sĩ cả. Nhà Vua hỏi: – Làm sao mà lão biết? Ông lão đáp: – Tôi xem hát xưa nay, thấy những vai nịnh như Đổng Trác, Tào Tháo đều mặt trắng mà các quan ở đây tôi chưa thấy ông nào mặt trắng như thế bao giờ! Ông nào mặt mũi cũng hồng hào béo tốt cả!”. Với non ba triệu đảng viên hồng hào của một độc đảng cầm quyền như thế, không một ai cần hỏi vì sao Việt Nam đứng sau cả các nước châu Phi.
Lớn Nhanh Trông Thấy
Về mặt xã hội, ký giả L.H. của báo Lao Động loan tin: “Hơn một triệu trẻ em khó khăn không nơi nương tựa, phải làm việc quá sức để mưu sinh”. Bản tin dựa vào kết quả Hội nghị tổng kết “Chăm sóc trẻ em khó khăn có hoàn cảnh đặc biệt” do bộ LĐ-TB-XH tổ chức. Cùng lúc, “toàn bộ các quận, huyện của TP.Hà Nội đồng loạt ra quân. Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Nội và các đơn vị nhận quân đã tổ chức tốt ‘3 gặp, 4 biết’ nên gia đình có con em nhập ngũ và các tân binh yên tâm lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc”.
Ở mặt khác, tình hình giáo dục tháng qua vẫn còn nhiều khúc mắc: Tại Lạng Sơn “hiện vẫn có 1.985 phòng học dưới cấp 4, trong đó có 225 phòng học bằng tranh, tre, lá. Tình trạng lớp học 3 ca tái xuất hiện trở lại ở một số nơi, nhiều nhất là ở huyện Cao Lộc có tới 51 phòng học 3 ca; ở xã Tân Thành (Hữu Lũng) có 18 lớp phải học ca 3…”. Giải pháp tháo gỡ? Nhà nước CSVN đã ban hành chính sách… “Củng cố cơ sở Đảng trong trường học”. Dựa trên căn bản thống kê “Toàn ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn hiện vẫn còn 18 trường phổ thông chưa có đảng viên và 185 trường chưa thành lập được chi bộ Đảng”.
Cũng ở diện giáo dục, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội đồng biên soạn chương trình tin học CSVN Quách Tuấn Ngọc cho biết: “Chủ trương phổ cập hóa tin học ở bậc trung học phổ thông… đang gặp bế tắc với việc xóa bỏ chuyên ban”. Trong khi đó thì “Bộ GD&ĐT đã phải tuyên bố năm học 2000-2001 sẽ cắt giảm 15-20% nội dung các môn học”, chỉ giữ nguyên chương trình giáo dục Mác-Lê! Một vấn đề khác là chuyện chấm thi: “Kỳ thi năm ngoái Bộ GD-ĐT đã phải phúc tra lại 22.000 trường hợp do thí sinh kiện là chấm không chuẩn. Kết quả có 1.538 bài phải sửa điểm…”.
Một mẩu tin khác cho biết tại trường tiểu học Nguyễn Huệ, Q6, Sài Gòn, “các phụ huynh học sinh đã tự nguyện đóng góp mỗi người từ 3 đến 5 triệu để cơi nới thêm 3 phòng học cho con em mình vì lớp cũ quá chật. Thế mới là xã hội hóa giáo dục!”. Nhân hai vụ xà lan đụng gãy chân cầu Bến Lức và An Thạnh, tác giả Lý Sinh Sự còn bàn lan sang chuyện may mắn là “‘dòng sông đào tạo’ chưa có cầu bắc giữa bờ đào tạo sang bờ sử dụng, 70% số sinh viên ra trường chưa có việc làm”. Thế thì nhất định chẳng sợ gãy chân cầu đào tạo!
Về mặt y tế, ký giả Chu Thượng loan báo là bộ Y Tế CSVN đã tìm ra giải pháp: “Thầy Thuốc Biệt Phái”. Theo đề án này, “thầy thuốc biệt phái được cơ quan giữ nguyên các chế độ lương, thưởng, phúc lợi; lại được hưởng thêm trợ cấp của đơn vị, địa phương đến tăng cường; được đề nghị nâng lương trước 6 tháng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Tức là, vừa nâng cao hy vọng giảm thiểu vấn nạn cả nước “còn nhiều nơi đang đỏ mắt mong thầy thuốc”, vừa củng cố lại quyền ban phát ân huệ của đảng. Song song đó, Sài Gòn cũng dẫn đầu một tuần lễ “Vì bệnh nhân thân yêu”, khởi động trên toàn thành phố bằng “Ngày chủ nhật thân ái”. Nói cách khác, sau cuộc cách mạng xuyên tâm liên thì đây là một cách mạng mới trong ngành y học Việt Nam: chữa bệnh bằng khẩu hiệu thần chú.
Về lãnh vực nông nghiệp, theo ký giả Trịnh Xuân, cơ cấu định hướng của lao động nông thôn sau năm 2000 là 50-25-25 (50% nông nghiệp, 25% công nghiệp và 25 dịch vụ).Tuy nhiên đến nay, cơ cấu đó mới chỉ là “giấc mơ trên giấy”. Nói rõ hơn, tổng số lao động có hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn là 11 triệu người thì 35% hoàn toàn chưa được đào tạo. Còn làm nông nghiệp thuần túy thì chỉ có 0,44% đã qua đào tạo, đại đa số còn lại làm ăn từ kinh nghiệm đốt nương làm rẫy… Kết luận? “Trước tình trạng đó, ai cũng biết là phải… dành nhiều ưu tiên cho nông thôn. Tuy nhiên, những ưu tiên đó phần lớn mới chỉ trong giấy tờ…”.
Trên một bài báo khác, ký giả Trần Thanh Tường duyệt lại một vấn đề… không mới: Cách đây 10 năm, “Viện Công Nghệ đã đưa ra con số tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của các loại cây ngũ cốc là 13%-16%. Đến nay, theo ông Nguyễn Kim Vũ – Viện trưởng Viện Công Nghệ Sau Thu Hoạch thì tỷ lệ tổn thất đó vẫn không có gì thay đổi, thậm chí ở một số khâu như vận chuyển, bảo quản lại còn tăng hơn trước đến 2-3 lần”. Tức là qua quá trình 10 năm đổi mới, “người nông dân cứ ngồi nhìn những sản phẩm ‘một nắng hai sương’ của mình chịu thiệt đơn, thiệt kép”.
Về mặt tệ nạn xã hội thì sôi nổi nhất là các thống kê ma túy: “Số vụ và số bị cáo ma túy tăng 10 lần so với năm 1993”. Tại Hội nghị kiểm điểm một năm chống ma túy tổ chức ngày 10-3 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng kiêm Trưởng ban Phòng chống ma túy Trương Hữu Quốc của bộ Công An cho biết: “Bất chấp cả án tử hình, vẫn có tình trạng cả nhà, cá biệt có cả dòng họ, cả bản, cả ngõ phố đều buôn bán ma túy“. Ví dụ cụ thể là gia đình An Thị Hường ở Nghệ An, hay gia đình Nguyễn Văn Đoàn ở Nam Định…
Về mặt giao thông vận tải, những thống kê mới nhất được ký giả Thanh Thủy liệt vào hàng “kinh hoàng”: hơn 7 nghìn người tử nạn vì giao thông trong năm 1999. Trong 2 tháng đầu năm nay đã xảy ra tới 5.096 vụ, làm chết 1.323 người và bị thương 6.027 người. Riêng 727 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 6 ngày dịp Tết Canh Thìn làm chết 149 người, bị thương 853 người, “tăng đột biến 262,5% số vụ, tăng 423% số người chết và tăng 251% số người bị thương so với tháng trước đó”.
Cũng theo tác giả bài báo, “đó mới chỉ là con số thống kê của ngành công an xử lý TNGT trong vòng 24 giờ đồng hồ. Còn những nạn nhân chết sau khi đã cấp cứu 24 giờ thì sao? Số liệu của ngành y tế cao hơn số liệu của công an khá nhiều”. Còn theo ký giả Chu Thượng thì “Nói cho gọn, cứ mỗi ngày trong năm qua có tới hơn 20 người chết vì tai nạn giao thông!… Liệu có hay không việc mua bán bằng lái xe đã là một nguyên nhân góp phần tăng số vụ tai nạn?”. Hỏi nhảm! Bằng tiến sĩ còn rẻ như bèo thế kia…
Có nhiều quan hệ đến các thống kê chết người nói trên là những sinh hoạt văn hóa sôi động của bộ Văn Hóa-Thông Tin: “Tối 15-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ có buổi trình diễn của nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới Lambert Orkis (Mỹ) và nghệ sĩ violon trẻ tài danh Julian Rachlin (Lithuania). Đây là chương trình hòa nhạc thường niên, được tổ chức lần thứ 5 tại Việt Nam, với tên gọi là “Chương trình hòa nhạc Hennessy”. Ai bảo là nội các của “chính phủ Việt Nam” làm việc không đồng bộ tung hứng?
Trên tinh thần đó, hệ thống thông tin của đảng vẫn không ngừng loan tải thành quả của Việt Nam, do báo nước ngoài đánh giá. Gần nhất, bài báo “Một tương lai xán lạn cho Việt Nam” trên tờ “Sự Thật Thanh Niên” ở Nga đã được trích đăng lại trên nhiều báo trong nước: “Trong con mắt người Nga, Việt Nam giờ đây là con rồng nhỏ lớn nhanh trông thấy”. Bằng chứng? “Khách nước ngoài đến Hà Nội có thể nghỉ trong những khách sạn sang trọng không kém gì so với ở Moscow”.
Sắn Đi Rồi Sắn Có Về?
Về mặt kinh tế, tương đương với “công trình tải điện Bắc-Nam” của triều đại Võ Văn Kiệt là một dự án lớn hiện nay, có tên là “công trình Đường Hồ Chí Minh”, khởi sự vào cuối tháng 3-2000. Có ba sự chọn lựa đáng chú ý ở đây:
Thứ nhất, cầu Xuân Sơn ở tỉnh Quảng Bình được chọn là điểm khởi công của tuyến đường. Theo phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Văn Khẩn, bởi vì, “Quảng Bình là tuyến lửa và con đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình đã viết nên bản anh hùng ca tuyệt vời về sự nghiệp hy sinh đổ máu… Đây sẽ là dịp… để lực lượng thanh niên xung kích biểu thị quyết tâm…”.
Thứ nhì là sự chọn lựa “mời Cuba tham gia tư vấn giám sát” toàn bộ công trình. Lý do? “Cuba có kinh nghiệm trong việc xây dựng loại đường bêtông…” và quan trọng hơn hết, “VN – Cuba trong gian khó luôn luôn sát cánh bên nhau. Việc mời các bạn Cuba tham gia tư vấn, giám sát công trình càng khẳng định tình hữu nghị của 2 quốc gia”. Còn chọn lựa thứ ba thuộc về khâu “huy động vốn”: Theo ký giả Huw Watkin của tờ Hoa Nam Bưu Báo, thì dự án này có tầm vóc quốc tế, bởi đây là dịp để đảng và nhà nước CSVN xin tiền thế giới, đặc biệt là Mỹ, nhằm “giải phóng lượng bom mìn chưa nổ” trên toàn bộ tuyến đường. Còn theo chuyên gia gỡ mìn Chuck Searcy thì điều kêu gọi này chưa chắc sẽ được đáp ứng, do đó, kinh phí của dự án có thể gặp giới hạn nửa chừng và khó thể thực hiện đúng kế hoạch hoàn tất vào năm 2003.
Ở mặt khác thuộc lãnh vực kinh tế, ký giả Chu Thượng thẳng thắn đánh giá: “Nếu cần nói thật ngắn gọn về vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thì đúng là chỉ cần dùng mấy chữ: Trọng điểm nhưng chưa mạnh”. Còn “nói một cách nhã nhặn, vai trò của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với cả nước còn hạn chế”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư CSVN Võ Hồng Phúc phân tích: “ảnh hưởng của cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp ở vùng này nặng nề, dai dẳng hơn nhiều nơi khác. Chính thói quen trông chờ, ỷ lại đã cản trở rất nhiều các địa phương trong vùng vươn lên… tức là do chủ quan là chính”.
Lý do ư? Đừng quên đó là khu vực từng hô hào tiến lên XHCN trước miền Nam cả mấy thập niên! Theo số liệu từ Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước Hải Phòng: “có 49 DN lỗ cộng dồn đến đầu năm 2000 tới 266 tỉ đồng. Thành phố quyết định giải thể 17 DNNN thua lỗ kéo dài đã quá 2 năm. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được tại 7 DN ở trong tình trạng phá sản”.
Tại hội nghị giữa Phan Văn Khải với các chủ doanh nghiệp đầu năm 2000 tại Sài Gòn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước CSVN Nguyễn Thị Kim Phụng báo động là “có doanh nghiệp khi kiểm toán có đến hai hệ thống sổ sách kế toán, ngân hàng không biết tin vào hệ thống nào là đúng”. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì than rằng: “Về tình cảm, ý thức của Chính phủ là bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng nếu nói về cung cách quản lý, chính sách và cơ chế thì chưa bình đẳng”. Còn các doanh nghiệp nhà nước thì xin cho “giải quyết khoanh nợ, xóa nợ cho doanh nghiệp, giảm lãi suất… (nhưng) chủ yếu vẫn là giảm thuế tối đa”.
Tổng kết Hội nghị này, Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định: “Thuế và vốn là hai vấn đề nóng của bế tắc kinh doanh”. Các báo không tường trình cách tháo gỡ của nhà nước CSVN. Chỉ thấy Phan Văn Khải lặp lại một khẩu hiệu cổ điển: “Biến thách thức thành cơ hội vươn lên!”, đồng thời, đề ra chính sách huy động ngoại tệ bằng cách: “kể từ 10-3-2000 người Việt Nam nhận tiền chuyển từ nước ngoài gửi về không phải đóng thuế thu nhập”.
Trong khi chờ đợi thì nhiều đại lý xăng dầu tự động ngưng bán ngay khi nhận được quyết định của nhà nước cho phép tăng giá xăng dầu. Nguyên nhân do đâu? Theo Chánh văn phòng Tổng Cty Xăng dầu VN Vũ Thế Bằng thì giá xăng tăng vọt bởi vì “Nước ta nhập khẩu gần như 100% các thành phẩm dầu nên dẫn tới việc các Cty hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu mặt hàng xăng dầu bị lỗ vốn”. Cũng theo Bằng, “việc tăng giá xăng dầu thêm 100đ/lít như hiện nay chỉ là giải pháp trước mắt nhằm hạn chế, giảm lỗ cho các đơn vị hoạt động kinh doanh mà thôi, chứ không phải là biện pháp khắc phục”. Ngoài ra, Vũ Thế Bằng còn thực hiện một giải pháp khác là kêu gọi cán bộ tại các đại lý “không nên ‘thủ lợi’, tạo nên khan hiếm giả” để ép giá. Té ra, đây mới là lý do chính!
Tất nhiên, đối với nhà nước thì sau thiên tai, đây cũng là lý cớ cho mọi sự xuống dốc sản xuất: Hãng Suzuki báo cáo sản xuất giảm 9,3% so với tháng trước. Tại khu vực Sài Gòn, hiện “chỉ có 35% diện tích mía được thu hoạch”. Tại Quảng Ngãi, “mỗi ngày có đến trên 1.000 tấn mía còn tồn đọng tại các huyện trọng điểm mía như Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành. Đã xuất hiện tình trạng “cò mía” trở lại. Nông dân ở nhiều nơi đã phá mía để trồng cây khác do thua lỗ”. Được biết, giá mía bên ngoài đã xuống dưới mức 50.000 đồng/tấn. Cá biệt có nơi chỉ 20.000đ/tấn. Trong thời gian sắp đến, giá mía có thể xuống mức thấp hơn vì diện tích chưa thu hoạch còn quá nhiều, mà mùa mưa đã cận kề.
Một tin ngắn kinh tế khá “phấn khởi” là nhà nước CSVN đã khai mạc “Hội Thảo Sắn Châu Á” lần thứ 6 tại Sài Gòn. Qua đó, Việt Nam được sắp hạng “là nước có sản lượng sắn xuất khẩu đứng hàng thứ tư trên thế giới”. Câu hỏi bên lề hội thảo là từ đây, nông dân sẽ ăn cơm độn với cái gì?
Lâm Tặc và Đảng Tặc
Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý, báo Pháp Luật cùng tạp chí Dân chủ & Pháp luật tại Hà Nội vừa tổ chức xong một cuộc tọa đàm về “Cơ quan tư pháp và vấn đề giữ nghiêm phép nước”. Chủ đề nhằm “tập trung thảo luận 8 vấn đề về phẩm chất, đạo đức của thẩm phán, luật sư, cán bộ thi hành án, vai trò của cơ quan pháp luật trong việc giữ nghiêm phép nước và yêu cầu đặt ra với cơ quan tư pháp”.
Song song, Viện Nghiên Cứu này cũng tung ra thị trường đĩa CD-ROM VN LAW với khả năng lưu trữ nội dung của hơn 10.000 văn bản quy phạm pháp luật của ngành tư pháp từ năm 1945-1999. Theo phóng viên A.X. thì, với đĩa CD-ROM này, “ngành tư pháp sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý, áp dụng các văn bản pháp luật và cho phép việc tra tìm một cách khoa học và nhanh chóng”.
Tuy nhiên, theo nhiều bản tin cùng lúc, thì thực tế luật pháp và cơ quan thi hành luật pháp có vẻ không giống dự toán. Nóng hổi là phong trào “Lâm tặc tấn công công an và cán bộ kiểm lâm”. Tại huyện Krằng Buk, Đắc Lắc: “Trong khi đoàn kiểm tra đang tiến hành xem xét, lợi dụng đêm tối, một tên lâm tặc nép trong bụi đã bất ngờ dùng một thanh sắt đánh mạnh vào chân của đồng chí Hợi công an huyện, làm giập ống quyển, phải đưa đi cấp cứu. 22 giờ cùng ngày, bọn lâm tặc lại ném mìn vào chỗ đoàn đang làm việc…”.
Theo bài phóng sự dài trên báo Lao Động, “ông Đặng Minh Phát là công chức Hạt Kiểm lâm Chư Sê đi xe đò xuống Quy Nhơn chữa bệnh. Ông đi đúng chiếc xe 33H-3059 trước đó đã bị Hạt Kiểm lâm Chư Sê bắt giữ nhiều lần, vì chở gỗ lậu. Nhà xe đã dùng một vỏ chai bia đánh mạnh vào đầu Phát để trả thù, khiến anh ngất xỉu tại chỗ. Hay tại Hạt Kiểm lâm K’Bang, anh Hoàng Hữu Hoàn đã bị lâm tặc lao cả xe chở gỗ lậu nhóm 1 vào người, đi bệnh viện phải cưa một chân, tỷ lệ thương tật là 61%”. Không chỉ thanh niên, “Tại Ayun Pa, hơn 100 người do nữ quái Lê Thị Quyên cầm đầu chống trả quyết liệt đoàn kiểm tra dẫn đến một cuộc xô xát lớn”.
Cũng trên bài phóng sự này, điều đáng ghi nhận là không chỉ thường dân đốt rừng làm rẫy, “Cán bộ nhà nước cũng có thể trở thành lâm tặc…”. Cụ thể? Chủ tịch xã Chư Kray, huyện Kon Chro ký hợp đồng với lâm tặc cho phép khai thác 150m3 gỗ. Chủ tịch xã Hrung, huyện Ia Grai tự tiện ký hợp đồng cho Cty Trung Việt phá 100ha rừng thông 15 tuổi để… chiếm đất. Hay, ở ngay huyện Chư Sê vừa kể, cán bộ huyện đã tùy nghi khai thác 20.000m3 gỗ cà-chít và cẩm-xe, tương đương hơn 1.000ha rừng cẩm-xe bị triệt hạ, để đẽo vỏ lấy lõi làm trụ trồng tiêu.
Cũng trong lãnh vực luật pháp, sở Công an Hà Nội đã tổ chức nghiêm túc trong nội bộ một hội nghị về “Tăng cường kỷ luật và chấp hành pháp luật, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân”. Nội dung nhằm “sẽ tiến hành nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; không để xảy ra oan sai trong bắt, giam giữ; xử lý nghiêm minh những trường hợp sai phạm trong lực lượng; kiên quyết loại trừ những biểu hiện thiếu lễ độ, sách nhiễu, phiền hà… trong công việc và trong quan hệ với nhân dân”. Bên cạnh bản tin hội nghị đổi mới phong cách làm việc này là một bản tin có nhiều liên hệ: Theo hồ sơ vụ án buôn lậu, tham nhũng và trốn thuế tại Cty Việt Hùng, “từ năm 1993 đến nay, 6 công an hải quan Phạm Sơn Lâm, Trương Công Hải, Trần Quốc Dũng, Lê Văn Quang, Nguyễn Văn Nhơn và Nguyễn Thị Sáu đã nhận hối lộ của Lý Lầu Sáng khoảng 1 tỉ đồng để Lý Lầu Sáng nhập một số lượng đồng hồ đeo tay, nhưng trên tờ khai ghi là dây khóa kéo để trốn thuế hơn 50 tỉ đồng”.
Xin Hót Trong Lồng
Hội nghị công an tặc vừa nói chỉ là một. Trong tháng qua, có quá nhiều hội nghị suốt dọc ba miền Việt Nam. Hãy kể đại lược một số:
Trước hết là Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lao động kỳ IV, đánh dấu “Công trình 70 năm Công đoàn Việt Nam”. Có 310 đơn vị công đoàn được tặng cờ thi đua xuất sắc và 3.105 đơn vị được tặng bằng khen. Hội nghị Tổng Liên Đoàn cũng “xác định nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn các cấp thời gian tới là: đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước… tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh”. Có lẽ trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, Cù Thị Hậu cũng đã gợi ý cho AFL-CIO thi đua yêu Hoa Kỳ và dồn sức xây dựng hai đảng Cộng Hòa & Dân Chủ của Mỹ chăng?
Thứ nhì là Hội nghị Nông dân, với chủ đề “Nông Dân VN đi theo con đường bác Hồ đã chọn”. Nhằm tổng kết đường bác đi với tất cả bi đát đã qua và bi đát trước mặt.
Thứ Ba là Hội nghị cán bộ kiểm tra toàn quốc. Nhằm “bàn về chuyên đề giải quyết tố cáo đảng viên”, gồm nhiều mũi nhọn:
Một là, “phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Hai là, “kiên quyết thu hồi vật chất, khắc phục hậu quả của sai phạm”.
Ba là, “phối hợp giữa các ban, ngành trong giải quyết đơn thư tố cáo đảng viên”.
Bốn là, “đề phòng biểu hiện tiêu cực, cơ hội, tố cáo bôi nhọ, tung tin thất thiệt gây phức tạp ở các địa phương và đơn vị”.
Năm là, “phải tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra”. Quan trọng nhất là mũi bốn, sao cho mọi đấu đá đều kín đáo. Còn khó nhất là mũi năm, phải có bao nhiêu tầng để kiểm tra cán bộ kiểm tra?
Thứ tư là Hội nghị Công tác Dân vận Toàn quốc. Tân trưởng ban Dân vận trung ương Trương Quang Được khai mạc hội nghị, nêu lên một số kết quả và những bài học, kinh nghiệm công tác dân vận năm 1999. Đặc biệt là “Việc quán triệt và cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành chính sách liên quan đến dân còn chậm, thực hiện không đồng đều”. Cốt lõi của hội nghị này là ôn tập bài báo “Dân vận” của Hồ Chí Minh cách nay mấy thập niên, và bài “Nhớ ngày 15 tháng 10” mới đây của Lê Khả Phiêu. Nói cách khác, dân vận chỉ là lý cớ. Thực chất đây là một hội nghị đảng vận, nhằm trước tiên kéo đảng viên về gần với đảng.
Thứ Năm là Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 7, sau khi nhà nước đã tổ chức bốn hội nghị báo chí vòng loại ở Đà Lạt, Cần Thơ, Hải Phòng và Hà Nội. Tất nhiên, hai nhân vật làm đơn ra báo vừa qua là ông Trần Độ và Hòa thượng Quảng Độ không thể tham dự. Bởi, nội dung chính của Đại Hội là bình bầu ban chấp hành mới và thảo luận sâu sát về buổi Liên hoan Giọng hát hay toàn quốc giới Báo chí 1999-2000. Xin đừng gọi nhầm đây là Đại Hội Hót kỳ 7. Điều ghi nhận bên lề đại hội là không một ai dám bàn về việc Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Quảng Bình Lê Hồng Tâm vừa ký công văn số 45/TCCQ, cắt toàn bộ biên chế sự nghiệp của Hội Nhà báo QB, “để sử dụng chỉ tiêu biên chế này cho một số cơ quan cần thiết của tỉnh”.
Kẻ nào bảo sợi dây cương trong tay đảng rõ ràng là vu khống.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Commentaires