top of page

2000.04 – Chuyện Vặt!

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 20 min read

Thời sự tháng qua ở Việt Nam được đánh giá là tất bật và băn khoăn.


Tất bật là việc “lãnh đạo” thi đua du lịch và đón tiếp các “quốc khách”.


Còn băn khoăn là chuyện đối nội. Trong đó, trọng tâm là bốn buổi “đại hội” : nhà báo, nhà văn, nhà “tư tưởng” và …nhà cầm quyền trung ương đảng CSVN.


Hãy Đoàn Kết Lại…


Xem ra, chiến dịch quảng cáo du lịch “VN-Điểm Đến Thiên Niên Kỷ” đã có một vài thắng lợi bước đầu. Theo báo Lao Động đưa tin chi tiết: “Vượt nhiều những trắc trở về thủ tục giấy tờ và khó khăn về phương tiện di chuyển”, rốt cuộc, ba chú cá heo cùng một sư tử biển của Nga đã đến Việt Nam, chuẩn bị cho một chương trình xiếc dài hạn tại đây.


Cũng thuộc hàng “quốc khách” nhưng không phải cá heo, chí ít không phải là cá, đã có Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (Bắc) Triều Tiên Pec Nam Sun. Trong dịp này, Trần Đức Lương đã “bày tỏ vui mừng về quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Triều Tiên ngày càng được củng cố”. Về phần hữu nghị thì đúng là truyền thống bầu bạn. Còn về hợp tác kinh tế thì cả hai nước phải bắt đầu từ số không của VN và số âm trên nạn đói triền miên của Bắc Hàn.


Dù vậy, tân Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Dy Niên vẫn “nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu của nhân dân Triều Tiên đã giành được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chân thành chúc nhân dân Triều Tiên anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên do ông Kim Châng In làm Tổng Bí thư,… nhằm xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Điều phật lòng của khách là xếp lớn Kim Chính Nhật không được gọi là “đồng chí”, và cũng không được coi là xứng đáng để có tĩnh từ “kính mến” đi sau như thuở Hà Nội nói về bố Kim Nhật Thành của ông ta.


Cũng trong khoảng cuối tháng Ba, Phan Văn Khải “đã tiếp thân mật Đồng chí Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Lào Xổmxàvạt Lềngxàvắt”. Trong dịp này, Khải đã nêu rõ rằng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn Lào về việc… “chọn các cây, con nuôi trồng để xuất khẩu”. Đồng thời, sẽ “tìm ra những khó khăn, thiếu sót để cùng tháo gỡ, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp”. Nghĩa là mối liên hệ giữa quan thầy mạt và chư hầu nhí hiện giờ vẫn còn phức tạp lắm. Cho dù là mới đây, Hà Nội đã mở ruột tượng lép kẹp để viện trợ 38 tỉ đồng Việt Nam cho Lào xây dựng công trình thủy lợi Đông-phô-sy thuộc ngoại thành Vạn Tượng.


Trong cùng thời khoản này, dàn lãnh đạo Hà Nội cũng tưng bừng đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes. Mục tiêu chuyến viếng thăm có tính quân sự này là do sự mời mọc để trình bày về khả năng du kích chiến của bộ quốc phòng chủ nhà. Đàng sau đó còn là những mồi chài mua bán vũ khí mà đôi bên cùng quan tâm.


Tiếp ngay sau đó, Trần Đức Lương đã đón tiếp long trọng và chiêu đãi trọng thể vợ chồng ngài Denis Sassou N’Guesso – Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “nước Cộng Hòa Congo tươi đẹp”. Ngày hôm sau, 31-3, Lê Khả Phiêu khẳng định lần nữa, rằng: “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam… luôn biết ơn sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Congo” trong nghĩa vụ bành trướng chủ nghĩa trước đây. Trong một buổi gặp gỡ khác cùng ngày, Phan Văn Khải đã nhấn mạnh 3 điểm tương đồng: “Hiện nay, Việt Nam và Congo đều là những nước đang phát triển, thành viên phong trào không liên kết và Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp, vì vậy chúng ta sẽ cùng đoàn kết bên nhau xây dựng đất nước, bảo vệ lợi ích chung của các nước nghèo”. Nói theo Mác-Lê thời nay: Hỡi giai cấp quốc gia vô sản hãy đoàn kết lại!


Đến sáng ngày 12-4, “hoạt động của lãnh đạo” Hà Nội tập trung vào “lễ đón chính thức Chủ tịch (thượng viện Pháp) C.Poncelet và Đoàn”. Theo báo Nhân Dân, Nông Đức Mạnh đã “trân trọng và đánh giá cao các khoản viện trợ của Pháp như là một nước hàng đầu về đầu tư phát triển ở VN”. Đây là một câu tối nghĩa trong làng báo Hà Nội, dù ai cũng thông cảm cho sự bức bách cần phải dài hơi thổi ống đu đủ vào túc từ “Pháp”.


Ngày hôm sau, Nông Đức Mạnh lại tiếp đón Đoàn đại biểu QH New Zealand do ông G.Hunt, Chủ tịch QH dẫn đầu. Tin các báo không đề cập nhiều đến cuộc gặp này. Tờ Lao Động chỉ đăng mấy dòng tiểu sử của ông G.Hunt. Điều chắc chắn là không phải vì lỗi của Tân Tây Lan mà Hà Nội ngưng ký kết Hiệp ước Mậu dịch với Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. Hai cuộc viếng thăm khác cũng không kém phần mờ nhạt là của Phó thủ tướng Tân Gia Ba Lý Hiển Long và Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Mã Lai Tan Sri Zahidi.


Nhìn chung thì sau nửa thế kỷ theo đuổi chủ nghĩa cộng sản, Hà Nội đã có biến chuyển rõ rệt qua sức tiến nhanh từ nỗ lực hô hào giai cấp nhân dân vô sản lên cao điểm đưa đất nước kết đoàn vào giai cấp quốc gia vô sản. Trong đó, việc kêu gọi các nước nghèo đói đoàn kết là việc dễ. Còn thuyết phục các nước giàu đô-la thấy ra cái “bổn phận” phải cho tiền thì coi bộ vẫn còn lắm điều “rất đáng băn khoăn”.

…Hỡi Các Nước Chí Phèo!


Vào hạ tuần tháng Ba, tân trưởng ban Kinh tế Trung ương Trương Tấn Sang đã sang dự Đại hội lần thứ 30 của đảng Cộng Sản Pháp. Cả đoàn đã tỏ ra thất vọng về những thay đổi “xa nguồn” hay “đánh mất bản sắc” và cả vị trí “khiêm nhường” của đảng CS Pháp trong tình hình chính trị của Pháp và của thế giới ngày nay. Không có một khẳng định nào được ghi nhận giữa đôi bên vì xét ra cũng chẳng có giá trị gì. Để khuây khỏa phần nào, đoàn đã đổ ào xuống phố mua sắm và nhân tiện ghé tham quan những cơ sở hạ tầng mà cậu lỏi Nguyễn Tất Thành từng cặm cụi rửa chén trong thời lêu bêu nhảy tàu đi xin học trường Tây nhưng bị bác đơn.


Song song với cuộc Pháp du của Thứ trưởng Quốc Phòng CSVN Lê Văn Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Chu Tuấn Cáp cũng đã du lịch tham quan các nước Anh, Đức, Pháp từ ngày 20-3 đến 30-3. Mục tiêu là để “gặp giới doanh nghiệp và một số cơ quan có quan hệ hợp tác với Việt Nam”. Đầu tiên là để chống đỡ nạn doanh nhân cuốn gói tháo chạy khỏi miền đất (chỉ) hứa VN.


Đến đầu tháng Tư, Nguyễn Dy Niên đã thực hiện một chuyến du lịch ra mắt Bộ trưởng Ngoại giao Tân Gia Ba. Trong buổi hội đàm, Niên đã “đánh giá cao những thành tích kỳ diệu… đưa đất nước Singapore từ một quốc gia nhỏ bé lại nghèo về tài nguyên trở thành một trong những nước phát triển nhất trong khu vực”. Tất nhiên, không thể quên ca ngợi sự trợ giúp của Tân Gia Ba, dù chỉ là biểu kiến trên thực tế, và cũng tất nhiên là phải ngoại trừ những lời khuyên mất lòng của Ngài Lý Quang Diệu.


Sau đó, Nguyễn Dy Niên lại tháp tùng với Trần Đức Lương đi tham quan Cộng hòa Ukraine, “nhằm tăng cường mối quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt“. Không ai rõ Hà Nội có định mua thêm các duyên tốc đỉnh phế thải của nước này nữa không. Chỉ biết, Trần Đức Lương đã chính thức khẳng quyết là “Việt Nam ủng hộ Ukraine tăng cường quan hệ với các nước ASEAN và các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Đã có cò nhà, cò đất, cò giấy phép… ở VN. Nay lại thêm cò ASEAN nữa chăng?


Đến ngày 4-4, Đoàn đảng biểu quốc hội Hà Nội, do Nông Đức Mạnh dẫn đầu, đã lên đường khấu tấu Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, Mạnh đã triều kiến Giang Trạch Dân và Lý Bằng, hết lời “chân thành cảm ơn sự giúp đỡ to lớn và quý báu nhân dân Trung Quốc”, từ sau đận 1979. Theo báo Nhân Dân thì mục tiêu triều kiến là để “một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam công nhận CHND Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc”. Ngược lại, Mạnh đã đuợc Lý Bằng tích cực hướng dẫn về một chiến dịch lớn mà Trung Quốc “triển khai trên phạm vi cả nước ba vấn đề chú trọng (học tập, chính trị và chính khí)” để nâng cao sức chiến đấu của đảng.


Đến giữa tháng Tư, Trần Đức Lương đi thăm hữu nghị chính thức Mông Cổ. Theo báo Nhân Dân thì “Việt Nam và Mông Cổ đã có quan hệ hữu nghị truyền thống từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, mức độ quan hệ kinh tế và thương mại hiện vẫn còn rất ít ỏi”.


Quan trọng tầm cỡ nhất trong cuộc thi đua du lịch tháng qua là chuyến viếng thăm Cuba của Trần Đức Lương từ ngày 8-4, đính kèm bằng món quà “tư vấn giám sát xây dựng đường Hồ Chí Minh”. Theo báo Nhân Dân thì kết quả cuộc gặp gỡ là Fidel Castro và Lương “đã có sự nhất trí cao về các vấn đề quốc tế được đề cập đến trong hội đàm”. Hà Nội đã chẳng từng chính thức kêu đòi Mỹ phải trả em bé thuyền nhân sống sót Elian Gonzalez về cho Cuba đó sao?


Cũng trong hai ngày 8 và 9-4, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Phong trào các nước không liên kết (NAM) lần thứ 13 đã được tổ chức tại Colombia. Trong dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Felipe Perez Roque kêu gọi các nước nghèo đói phải biết “toàn cầu hóa tình đoàn kết”. Nhân đó, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Tâm Chiến cũng đã phát biểu: “Hơn bao giờ hết,… Phong trào NAM cần có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, khẳng định Phong trào kiên quyết không liên kết với áp đặt về chính trị và kinh tế trong quan hệ quốc tế; không liên kết đói nghèo và bệnh tật”.


Trên căn bản tách riêng đói nghèo và bệnh tật đâu ra đó, đến ngày 12-4, Trần Đức Lương đã sẵn sàng “tham dự Hội nghị cấp cao Nam-Nam lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô La Habana”. Tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh G77 này là “việc tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các nước đang phát triển đấu tranh chống cường quyền”. Tất yếu là chống G7, với Mỹ đứng đầu.


Thay mặt cho giai cấp quốc gia nghèo đói tận cùng bằng số, nhà lãnh đạo Cuba đã căn cứ trên thống kê dân số nhóm G77 chiếm 85% nhân loại để ví “toàn cầu hóa như một con tàu biển mà trên đó chỉ một số ít hành khách ngồi trong các khoang sang trọng, còn 85% hành khách phải chen chúc trong khoang bẩn thỉu với những điều kiện khốn khổ…. Giờ đây, các nước G77… không được tự ti hay chia rẽ nội bộ, mà phải lấy lại tinh thần đấu tranh, tinh thần đoàn kết và gắn bó để bảo vệ những đòi hỏi của mình”. Dựa trên hình ảnh Titanic rất đỗi đe dọa đó, Fidel Castro cũng đã dõng dạc “yêu cầu các nước phát triển xóa nợ cho các nước nghèo”. Theo Fidel, “nợ nước ngoài không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị, do đó đòi hỏi phải có một giải pháp chính trị”. Thế thì đối với nhân dân Hoa Kỳ, nhất định chính trị gia hàng đầu của Mỹ đích thị phải là Visa, MasterCard!


Trên cùng một băng tần, Trần Đức Lương khẳng định “Chúng ta cần tiếp tục lên án và đòi xóa bỏ ngay mọi hình thức áp đặt cường quyền, bao vây cấm vận và phân biệt đối xử trong quan hệ quốc tế”. Tất nhiên, một khẳng định khác cần phải đính kèm: Nhân quyền là việc nội bộ của từng nước trong xã hội loài người! Trên tiền đề đó, Lương nêu lên một số đề nghị cho NAM cùng đòi hỏi:

  1. Các nước phát triển không được “sử dụng các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, xã hội… làm biện pháp trá hình để hạn chế và triệt tiêu sức cạnh tranh kinh tế của các nước đang phát triển”. Đã nói đây là việc nội bộ!

  2. 2“Tăng nguồn vốn ODA đạt mức 0,7% GDP mà các nước phát triển đã cam kết dành cho mục tiêu này. Đồng thời tăng thêm các điều kiện ưu đãi cho vay cũng như loại trừ những ràng buộc phi lý”. Đã nói đây là một bổn phận!

  3. Mở rộng “những ưu đãi về chuyển giao công nghệ” cho các nước đang phát triển. Đã bảo ở đời muôn sự của chung!

  4. “Gia tăng sự hỗ trợ cho các nước đang phát triển và chậm phát triển”. Tức là phải bao cấp, nếu không muốn các điểm nóng liên kết thành vùng nóng!

  5. “Ngăn ngừa đầu cơ tiền tệ làm hại cho các nước phương Nam”. Còn chuyện ngân hàng nhà nước cho vay bất cập cũng hoàn toàn là việc nội bộ của chúng tôi!

  6. “Xem xét và thực hiện nhanh chóng việc cơ cấu lại nợ, giảm nợ cho các nước đang phát triển và xóa nợ cho các nước chậm phát triển”. Trước khi bị quỵt nợ!

  7. “Tăng cường dân chủ hóa và tính minh bạch trong hoạt động và trong quá trình ra quyết định của các thể chế kinh tế – tài chính – thương mại quốc tế”. Bất kể chính phủ các nước nghèo đói có tôn trọng dân chủ và có minh bạch hóa việc cai trị của họ hay không!


Riêng đối với điểm sáu, Nhật Bản đã dang cánh tay Thị Nở của khối G7, tuyên bố “sẽ giảm gánh nặng nợ nần cho 40 nước nghèo nhất thế giới”, ngoại trừ các khoản nợ ODA. Tổng số tiền xóa nợ sẽ là 140 tỉ yen (1,3 tỉ USD). Tuy nhiên theo giới Chí Phèo ăn vạ trong chiến dịch giảm nợ trên toàn cầu mang tên Jubilee 2000, thì “hành động của Nhật là chưa thích hợp”. Tức là bát cháo hành đó vẫn được coi là “không người lái”. Họ đòi Nhật phải xóa cả các khoản vay ODA.


Tiếc là nhà văn Nam Cao không có điều kiện tham dự đại hội này để hoàn thành một đại tác phẩm Chí Phèo Tầm Cỡ, cấp quốc gia.

Vẻ Vang Dưới Gậy


Theo báo Nhân Dân, “Chiều 25-3, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập và 75 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam”. Qua diễn văn mang tiêu đề “Nửa thế kỷ vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam”, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa VI) Phan Quang đã khẳng định: “Niềm tin cậy và kỳ vọng của Đảng đối với những người làm báo và với Hội Nhà Báo là nguồn động viên chúng tôi làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình” !


Quảng diễn rộng ra trên Tạp Chí Cộng Sản, ủy viên Tiến Hải đã có bài “Bàn Thêm về Phẩm Chất, Năng Lực của Nhà Báo”. Mở đầu, tác giả tái khẳng định: “Báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp”, xong, trân trọng nhắc lại huấn từ của Lê Khả Phiêu: “các nhà báo phải học tập, rèn luyện để trở thành những nhà chính trị, am hiểu nghề nghiệp, am hiểu thực tế và rèn luyện phương pháp tư tưởng đúng đắn”. Cụ thể ra là phải quán triệt rằng: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng”; “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam không chấp nhận đa nguyên, đa đảng”; “Phải biết sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng” v.v… Theo tác giả Tiến Hải, “Thiếu những thứ đó, nhà báo không thể có tư duy độc lập, sáng tạo, không thể có quan điểm, lập trường đúng đắn, càng không thể có cách nhìn biện chứng, khả năng phân tích các sự vật, hiện tượng một cách chính xác”.


Bài phân tích kết luận:

  1. “Báo chí cách mạng đòi hỏi phải có đội ngũ nhà báo thật sự là những chiến sĩ cách mạng, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng”.

  2. “Đối với âm mưu ‘diễn biến hòa bình’ của địch các nhà báo phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác và phải chủ động tiến công, kiên quyết tiến công”.

  3. Đảng phải “Quản lý chặt chẽ đội ngũ những người làm báo. Quản lý toàn diện, về tư tưởng, đạo đức, lối sống và cả quá trình hành nghề báo chí”.

Từ đó, báo Nhân Dân đã tường thuật là đại hội nhà báo lần này đã “thành công tốt đẹp”. Cùng lúc, ký giả Sylvaine Pasquier của tờ L’Express cũng bị bắt giam và trục xuất về nước, vì tội tiếp cận “thành phần phản động”. Vẻ vang!

Ái Hữu Thị Mầu


Đến giữa tháng Tư, “Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn VN” được triệu tập tại Hội trường Ba Đình, quy tụ 423 nhà văn được chọn làm đại diện cho gần 700 hội viên của hội. Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động, nhà văn Y Ban cho biết: “Vui thì có thể, nhưng hay thì chưa chắc!”. Nhà văn Võ Thị Hảo thì bảo rằng “Càng ngày, càng có cảm giác tính nghề nghiệp của Hội nhạt đi… Dường như có quá nhiều sự dè dặt, dè chừng”.


Trong các bài tham luận, nhà văn Nguyễn Đình Kính đánh giá rằng: “Tiểu thuyết gần chục năm qua chưa làm người đọc hài lòng. Nó bàng bạc, sường sượng. Nhiều mà nhạt!”. Còn theo thi sĩ Ngô Văn Phú thì: “Thơ lạm phát! Chất lượng xuống, tìm tòi ít mà dông dài nhiều”. Nhà thơ Hữu Thỉnh làm thêm mớ tổng kết thành quả của 18 “trại sáng tác” trong 5 năm qua. Phần còn lại là bầu bán ban chấp hành mới và trao nhận phong bì. Bấy nhiêu đã đủ để lãnh đạo đảng CSVN hài lòng: Minh họa vẫn là đường hướng. “Chủ nghĩa đề tài” vẫn là pháp lệnh. Phải đạo vẫn là phép xử thế. Sợ hãi vẫn là cung cách sống. Giấy phép nhiều tầng nhiều cửa vẫn là biện pháp ngăn ngừa báo chí, xuất bản tư nhân. Công an văn hóa vẫn là một lực lượng mũi nhọn. Tất nhiên, lưỡi gỗ vẫn phải là thành quả. Phần lớn hội viên của cả hai nhóm nhà báo và nhà văn đều ngoan ngoãn để đảng cầm tay tập viết. Hoặc tự do tập đồ.


Họa hoằn lắm mới đọc được một vài tìm hiểu có cơ sở về nền văn học cung đình. Trước đây đã có bài nhận định sâu sắc và thách đố về “Cái Hèn Của Người Cầm Bút”. Mới đây, qua truyện ngắn “Con mèo hoang và nhà thơ có gia cư“, tác giả Trang Thế Hy đã gián tiếp giải đáp một số vấn nạn bức bối của nhà văn nhà thơ trong nước. Đó là “nỗi cô độc bi thảm của người cầm bút nuôi nhiều tham vọng lớn bằng một tài năng nhỏ và muốn thu hoạch sự mến mộ của người khác bằng những xúc động giả của chính tâm hồn mình, nói nôm na là bằng sự lường gạt”. Gốc gác của sự lường gạt? Gốc gác của tài năng nhỏ? Đã bảo là lãnh đạo phải hài lòng! Rõ chứ?


Từ đó, nhận xét về tiến trình tô hồng chuốt lục cho giai cấp bần cố của đa số nhà văn, tác giả Trang Thế Hy nêu bật ra một điểm khác biệt đau buốt: “Vì cô gái ăn mày và em bé đánh giày ngày xưa là ruột gan ông ta moi ra đặt trên trang giấy, còn cô công nhân quét rác hôm nay là sản phẩm của một công trình xào nấu lại những tứ thơ cũ, động cơ xào nấu không phải là một xúc động có thật, mà là một ý đồ lường gạt”. Nhiều phần là ông Trang Thế Hy không thể dự đại hội khi mà trong một truyện rất ngắn đã hai lần nhắc đến tính lường gạt của đa số nhà văn dưới cây gậy chỉ đạo lường gạt của đảng. Hơn nữa, đại hội cũng chẳng có nhu cầu phân tích sự lường gạt, dù của từng nhà văn hay của Hội nhà văn, đừng nói là của đảng.


Chỉ một điều bên lề rất đáng ghi nhận là nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả quyển “Chuyện kể năm 2000” (vừa bị đảng ra sức tịch thu trên toàn quốc), đã đến dự đại hội và được rất đông bằng hữu niềm nở đón chào. Tất nhiên, ông không thể có lời phát biểu nào trên bục. Dù vậy, so với thời xiết lại dây trói 1989, thì sự niềm nở ngày nay của số đông bằng hữu đối với tác giả có sách bị đảng tịch thu đã cho thấy là tỷ lệ của nhóm cúi đầu phải đạo, dù chiếm đa số, nhưng khó thể là đa số tuyệt đối.

Năm Chạy – Một Ngoi


Vào ngày 3-4, Hà Nội linh đình tổ chức Hội nghị Tổng kết Công tác Tư tưởng – Văn hóa Toàn quốc. Sau phần nghi thức khai mạc, Phó trưởng Ban Thường trực Đào Duy Quát đã đại thể tóm lược: “Công tác tư tưởng – văn hóa chưa thật đi sâu vào các đối tượng, giai tầng, nhất là chưa đi sâu nghiên cứu dự báo tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, các cơ quan tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp; dự báo tình hình tư tưởng có lúc không kịp thời, thiếu chiều sâu, chậm trễ, lúng túng“. Nói chung là “binh chủng làm công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng” dường như chỉ lo làm… việc khác.


Trong dịp tham dự này, Lê Khả Phiêu đã mạnh dạn đề nghị đẩy mạnh “công tác tư tưởng bám sát đường lối, quan điểm của Đảng làm cho toàn Đảng… có tiếng nói thống nhất, hành động thống nhất, không hoài nghi, chao đảo…”. Mặc dù hài lòng về việc toàn đảng tổ chức học tập bài diễn văn của mình tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng vừa qua (và hiện được in thành sách “Đảng Cộng sản Việt Nam 70 năm xây dựng và trưởng thành”), Phiêu vẫn thấy có nhu cầu nhấn mạnh lại lần nữa trong đại hội tư tưởng toàn quốc này là phải “tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng”. Vì sao?


Thời sự những tháng qua đã phản ảnh trung thực và đầy đủ về tình trạng thiếu thống nhất ý chí và hành động trong toàn đảng CSVN, từ hạ tầng lên tới thượng tầng chính trị bộ và giữa các tầng với nhau. Về mặt định hướng, rõ nhất là quyết định ngưng ký kết Hiệp Ước Thương Mại với Mỹ sau tám vòng đàm phán gay go. Về mặt giềng mối thì các tổ chức cứu trợ “ngoài luồng”, cấu kết với các tổ chức người Việt ở hải ngoại, đã vô hiệu hóa hệ thống tranh phần ăn chia của đảng qua vụ bão lụt kinh hoàng vừa rồi.


Tác giả Hai Văn Sáu viết rõ trong mục Nói Hay Đừng: “Anh chỉ hay phê bình phía… dưới. Dễ tưởng trên kỷ cương thống nhất lắm?”…. Về mặt sinh hoạt học tập thì chiến dịch “phê và tự phê” của Lê Khả Phiêu đã gãy rời nhiều đoạn, đến mức phóng viên của Dow Jones đã phê bình rằng: “Mọi ngón tay đều nằm trong chiếc bánh, nên chẳng có ngón nào chỉ được ai”, ngoại trừ khi cần phải phấn đấu loại bỏ địch thủ ngang tầm cùng cơ quan….


Còn về mặt tổ chức, tác giả Mai Ninh trên Tạp Chí Cộng Sản số 587 đã diễn đạt sự phân tích của “một cán bộ lâu năm trong cơ quan tổ chức vĩ mô”. Đó là tình trạng “khó vào khó ra”, cũng là tựa đề của bài báo. Tay ủy viên tổ chức vĩ mô tâm sự rằng: “Người ta thấy nhan nhản những cán bộ ‘5 chạy’ : chạy chỗ, chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy tội… Cứ cái kiểu chạy như thế này thì người hiền tài khó lòng lọt được vào biên chế của ta. Lại còn chuyện những anh ba bị, trong biên chế không làm được việc gì, chỉ chuyên gây rối, thế mà khi bị buộc thôi việc thì đơn từ khắp nơi, làm cho những người xử lý ăn không ngon, ngủ không yên… có khi buộc cơ quan sa thải phải nhận lại. Thế chẳng phải là khó vào và khó ra sao ?”.


Tác giả bài báo đồng ý: “Trong đấu tranh nội bộ… người tốt bị gạt ra, kẻ xấu không chỉ yên chỗ mà còn ngoi lên. Cán bộ khi đã lên được một ngôi thứ nào đó rồi thì khó lòng hạ xuống !”. Kết luận của Hội Nghị Tư Tưởng Toàn Quốc? Áp dụng vào trường hợp “năm chạy-một ngoi” của đảng viên các cấp, quả là định luật vật lý của Newton hoàn toàn… sai bét.

Chuyện Vặt Vĩ Mô


Trong bối cảnh chung vừa kể, Hội Nghị ban Chấp Hành Trung Ương CSVN kỳ 9 khóa 8 đã được tổ chức liên tục 10 ngày, kể từ ngày 10-4. Đây là một phiên họp kín. Ít nhất là kín hơn các phiên họp trước. Các bài “phát biểu quan trọng” khai mạc và bế mạc của tổng bí thư đảng được đóng dấu tuyệt mật. Mọi thảo luận kém thân mật cũng được niêm kín. Nhất quyết không để báo VNDC trích dẫn “làm hại uy tín lãnh đạo”. Một số tin trong luồng tuồn được ra ngoài chỉ tổng quát cho biết đại hội đã gây nhiều giao động về mặt thay đổi nhân sự khóa tới, với ít nhất 1/4 ủy viên lão thành bị đào thải:


Về mặt guồng máy đảng, hội nghị đã bàn thảo sôi nổi một số điểm sửa đổi, bổ sung cho Bản Điều Lệ Đảng. Về mặt tư tưởng làm nền cho bản dự thảo Báo Cáo Chính Trị khóa IX thì chỉ là sự lặp lại đại hội tư tưởng vừa nói bên trên. Còn để làm nền cho bản dự thảo Báo Cáo Chiến Lược Kinh Tế sắp tới, thì cơ bản là dựa trên bản Kết luận của Phan Văn Khải tại Hội Nghị Vùng Kinh Tế Trọng Điểm Bắc Bộ vừa qua. Theo đó, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng chậm. Trong sản xuất, kinh doanh còn trì trệ, thiếu năng động, sức ép về dư thừa lao động, không có việc làm ngày càng tăng. Trong đầu tư chưa tập trung cho ngành kinh tế mũi nhọn… Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự án đầu tư của từng địa phương chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển Vùng, còn trùng chéo, chưa có sự phối hợp, cân đối chung, hiệu quả thấp. Sự phối hợp giữa Trung ương với địa phương chưa hài hòa, rõ ràng, chưa thể hiện sự tập trung cao…. Những yếu kém trên, không hoàn toàn do yếu tố khách quan, mà chính là do yếu tố chủ quan”.


Nhìn chung, theo Dennis de Tray, đại diện IMF tại VN, thì Hà Nội mải so sánh VN với quá khứ của chính nó, trong khi trên thực tế thì đang bị đứng sau quá xa so với các nước cần cạnh tranh trong vùng. Tuy nhiên, đối với hội nghị kỳ 9 khóa 8 thì yếu tố chủ quan mà Khải đề cập là… không đáng kể, cho dù chính nó là nguyên nhân làm doanh nhân ngoại quốc cuốn gói….


Điểm cần tập trung là giải pháp trọng điểm. Ngày nào mà giải pháp trọng điểm chưa tìm ra thì vẫn được coi thuộc hàng thứ yếu cấp thấp mọi chấn động theo kiểu “Vụ mua bán trẻ em quy mô nhất ở Ninh Bình”, “Thống kê chống buôn lậu gia tăng về mặt nghiêm trọng”, “Xử lý nạn sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả”, “Thanh niên tình nguyện xóa đói giảm nghèo”, “Vì đường Trường Sơn thân yêu”, “Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” v.v…. Tất cả đều là chuyện vặt. “Festival Huế 2000” với sức phát triển du lịch trên nền văn hóa ngủ đò cũng chỉ là chuyện vặt.


Ngay cả việc “khiển trách” Đinh Trung, Hoàng Văn Nghiêm và Trần Xuân Giá cũng hoàn toàn là chuyện vặt. Ngô Xuân Lộc chẳng mới được tái thăng quan đó sao? Và Trần Xuân Giá cũng chẳng mới được lên tước Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước Dự án Thủy Điện Sơn La, vốn là chức năng của Phó Thủ Tướng, đó sao?


Cuối cùng, Hội Nghị đã tập trung trí tuệ và sức sáng tạo để khai phá một giải pháp diệu kỳ: Quân bằng sức phát triển cho cân xứng, bằng cách hạn chế sức phát triển khu vực Đồng Nai-Sài Gòn để tạo sức vươn lên cho vùng trọng điểm Bắc Bộ. Từ đại hội VII, chức năng này đã được ghi vào nghị quyết hẳn hoi, gọi là Điều Tiết Vĩ Mô. Đừng ai nôm na gọi là giật gấu vá vai hay vắt mũi bỏ mồm.


Các ủy viên trung ương vui vẻ bế mạc đại hội sau khi đã bỏ mồm cái khác.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page