top of page

2000.05 – Để Cho Người Khác Thở

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 21 min read

Hội Nghị Trung Ương CSVN lần 9 khóa XIII đã kết thúc bằng những chấm than mở toang toác. Hội nghị về Đại Hội Đảng Bộ Các Cấp mang chủ đề học tập chính yếu cho toàn đảng là lời kêu gọi khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, trong không khí thê lương không thua đám tang Phạm Văn Đồng.


Báo cáo chính trị cho Đại Hội Đảng khóa IX còn đang được gò lại những con số khốn kiếp. Dự thảo “Chiến lược kinh tế” ngũ niên mới là tập hợp những hòn cuội Mác-Lê-Hồ chêm bánh một cổ xe tuột dốc không phanh. Đó là nét chính của thời sự Việt Nam tháng qua.

Lỗi Lầm Là Nhân Bản


Lễ kỷ niệm 25 năm ngày 30 tháng Tư ở Việt Nam đã được tổ chức trong khuôn khổ “tiết kiệm”. Ngay vào lúc bộ ngoại giao CSVN chật vật đối phó với những tuyên bố thẳng thắn của Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain, thì cái gọi là UBND ở Sài Gòn đã phải “họp báo” trần tình về lý do khoanh gọn buổi tổ chức trong vòng rào dinh Độc Lập. Nội dung chính là: “rất quan tâm đến việc kêu gọi ý thức công dân giữ gìn an ninh trật tự của người dân thành phố trong những ngày này”.


Một ngày trước đó, cựu Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng nhắm mắt lìa đời. Các bình luận gia quán cóc đúc kết sự kiện này thành một kinh nghiệm thực tiễn: Có nhắm mắt hay không cũng như nhau. Mà không chỉ riêng đương sự, vốn bị lòa. Ý nói là dàn lãnh đạo cũ mới đều thế cả, có mở mắt cũng chẳng thấy gì sất. Một cuộc thăm dò dư luận bán chính thức đã tung câu hỏi: Ông/bà, cô/bác, anh/chị nhớ gì nhất ở cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng? Kết quả: 26% trả lời rằng nhớ nhất những lời tự thán “là một thủ tướng lâu nhất và bất lực nhất” thế giới; 74% còn lại bảo nhớ nhất là ông Đồng đã ký hiệp định Genève năm 1954 để nhuộm đỏ nửa nước theo chân Liên Xô, và ký luôn công hàm năm 1958 dâng đảo của ta ngoài biển Đông cho Trung Cộng. Đã quá đủ! Người đi qua đời dân, không thấy gì sao người?


Một ngày sau đó là lễ Lao Động quốc tế. Bài xã luận trên báo Nhân Dân kêu gọi “Phát huy truyền thống giai cấp công nhân”, để gia tăng xuất khẩu, chận đứng mức tụt hậu cả nước. Bằng cách “phải đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động, đổi mới về tổ chức và cán bộ, khắc phục bệnh quan liêu hành chính, cách vận động quần chúng bằng sự hô hào chung chung…”. Đọc ngược lại, rõ ràng, đất nước này tụt hậu là bởi một chế độ cai trị tồi tệ về cả nội dung, hình thức và phương thức hoạt động, về cả tổ chức lẫn cán bộ. Tức là không còn thiếu bất kỳ một yếu tố nào. Thánh Augustine từng bảo: “Lầm lỗi là nhân bản. Ngoan cố trong lầm lỗi là quỷ sứ“. Dân nghe xong hỏi nhau: “Vậy, đảng này là gì?”.

Tính Kiên Cường Oan Nghiệt


Nhân kỷ niệm lần thứ 182 ngày sinh Các Mác được đánh dấu sơ sài chiếu lệ. “Nhà tư tưởng” xuống cấp Hoàng Tùng chỉ có thể lặp lại một số điều căn dặn của Hồ Chí Minh, rằng: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”.


Mấy chữ dần dần hiểu được mà Hồ Chí Minh nói đó, đã được đảng CSVN đeo đuổi hơn nửa thế kỷ qua, với kết quả thực tế là một Việt Nam ở mức tận cùng bi đát ngày nay, nhưng dường như lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa thể hiểu. Bài trường luận này mang tựa đề “Chủ nghĩa Mác là vô địch vì nó đúng”.


Tháng Năm năm nay cũng là dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh V.I.Lênin. Bài xã luận trên báo Lao Động đã ngợi ca rằng: “Ngày nay, nhìn vào những quyết sách lớn của Đảng ta về con đường phát triển của Việt Nam thấy cũng không ngoài những đường nét do Lênin vĩ đại vạch ra… Giai cấp công nhân và tổ chức CĐVN tự hào đã, đang và sẽ là đội tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp mà Đảng ta đã vạch ra theo con đường Lênin vĩ đại đã chỉ bảo. Đó là con đường duy nhất đúng”.


Con đường đó được Hồ Chí Minh du nhập về nước, từng đưa nhân dân miền Bắc vào tình cảnh hàng ngày bẻ đôi hột muối suốt mấy thập niên, rồi đưa cả nước xuống cuối bảng xếp hạng của thế giới vào thập niên 80, và hiện vẫn khoanh giữ Việt Nam trong số 13 nước đói nghèo nhất thế giới.


Con đường đó đã nối liền Việt Nam vào khối G77 của thế giới thứ ba hiện đang kêu gào các cường quốc phải nhìn ra “bổn phận” cho tiền. Dân tộc Nga trên đất nước của Lênin đã nhất trí lựa chọn một con đường tự trọng hơn, và vẫn đang bị Hà Nội rủa xả: “Có thể ở đâu và lúc nào đó ngọn cờ Lênin còn bị sương mù che khuất, còn bị những làn gió phản tiến bộ lấn át, nhưng ở Việt Nam ngọn cờ đó luôn được giương cao, như ngọn hải đăng soi đường cho chúng ta đi…”. Từ đáy vực này sang hố thẳm khác.

Không chỉ vô địch vì nó đúng. Đó là hiện tượng duy nhất đúng!

Kiên cường thay một đội ngũ có hơn hai triệu Phạm Văn Đồng, nhất quyết đè bẹp 78 triệu dân, chỉ để vỗ béo nhau nhà lầu xe cúp.


Trong quyển “Người Trung Quốc Xấu Xí” (bản dịch của Nguyễn Hồi Thủ, Văn Nghệ xuất bản), tác giả Bá Dương đề cập thoáng qua ở trang 83-84 một điểm rất đáng suy ngẫm:

Một vấn đề nổi bật thật khó hiểu là tại sao đến bây giờ người Trung Quốc không thể hùng mạnh? Trong khi chúng ta thật ra có đủ các điều kiện để trở nên hùng mạnh. Thế thì nhất định các điều kiện cản trở sự hùng mạnh của ta phải vượt xa các điều kiện giúp chúng ta hùng mạnh”.

Hà Nội đang là cố làm đồ đệ “chân truyền” của Bắc Kinh, với những lực cản to hơn gấp bội. Đứng đầu là dàn lãnh đạo đảng oan khiên.

Từ Búa Liềm Sang Lò Xo Đỏ


Đến dịp kỷ niệm ngày sinh Hồ Chí Minh, bài diễn văn của Lê Khả Phiêu thể hiện những nắm tay đập bàn về lề lối sinh hoạt của đảng CSVN: “Công việc còn mang nặng hình thức, nói nhiều, tổ chức thực hiện kém hiệu quả, lười học, lười đi cơ sở, lười tổng kết thực tiễn”. Vì đâu?


Trên tạp chí Xây Dựng Đảng, số 5-2000, ủy viên Thanh Bình đã thành khẩn khai báo: “Có hiện tượng khá phổ biến trong các chi bộ nông thôn hiện nay là một số đảng viên hay vắng sinh hoạt, nghĩ ra nhiều lý do, trong đó có lý do đi sinh hoạt không được gì“. Bài viết dẫn chứng bằng một lời trần tình tiêu biểu: “Sinh hoạt chẳng có gì mới, không đi thì thiếu, đi thì thừa… Đến ngồi từ đầu tới cuối, thuốc nước xong là về, có được gì đâu”. Bài viết còn bật ra một hiện tượng phổ cập là “giữa buổi họp đồng chí báo cáo về… trông nhà cho bà cháu đi chùa!”. Chỉ một đoạn ngắn của một bài viết “động viên” đã lột tả được hết cả sự rời rã của guồng máy đảng:

  • Một là lãnh cảm với sinh hoạt chi bộ.

  • Hai là những chờ đợi “Phải Có Gì Mới”.

  • Ba là sự xác nhận niết bàn nhà Phật gần gủi hơn …thiên đường cộng sản.

Trên một bài “học tập” khác, ủy viên Tuấn Dũng đã bàn về đề tài “Nên sinh hoạt chi bộ thế nào?”. Nhận định “dứt khoát” của tác giả này về tình hình chung các chi bộ cũng không mấy khác: “Trước hết đảng viên đi sinh hoạt thường muộn giờ quy định, có người thường vắng mặt, nếu đến thì cốt để ‘trình diện’ một lúc rồi kiếm cớ rút lui… Phần học tập và phê bình bị coi nhẹ… Đã thế phê bình khuyết điểm chung chung chẳng cụ thể vào ai bởi tư tưởng tránh né, sợ …mất đoàn kết”. Nếu bảo rằng chiến dịch “phê & tự phê” của Lê Khả Phiêu là một ê chề thất bại thì đã hẳn. Nhưng nếu cho rằng đảng viên hạ tầng chẳng chịu học tập phê bình thì tác giả có quá lời chăng? Bởi ngay trong Hội Nghị Trung Ương, phần phê bình Ngô Xuân Lộc, Trần Xuân Giá, Đinh Hạnh, Đinh Trung, Hoàng Văn Nghiêm v.v… cũng nào có khác gì!


Lại nữa, “Nếu đảng viên nào nhận rõ trách nhiệm xây dựng Đảng mà thẳng thắn phê bình một đồng chí nào đó có sai sót dù với thái độ chân thành, đúng mực, cũng không ai đóng góp thêm bởi sợ mếch lòng. Đồng chí được góp ý bật lò so, tự ái, đem lòng hậm hực, mâu thuẫn với đồng chí đã góp ý”. Mà đâu phải chỉ ở cấp chi bộ. “Nhân Văn-Giai Phẩm” không từng góp ý về tệ quan liêu tham nhũng bừng bừng từ thời cuối thập niên 50 đó sao? Nhóm “Xét Lại” chẳng từng góp ý về chủ nghĩa và con người thi hành chủ nghĩa đốn mạt đó sao? “Quan Điểm & Cuộc Sống” cũng chẳng từng góp ý về hệ thống đảng và đảng viên gian manh lừa lọc đó sao? Lê Đức Thọ và Mai Chí Thọ đã không từng bật lò so đến thừa chết thiếu sống với họ đó sao? Nguyễn Văn Linh đã không từng bật lò xo với ông Nguyễn Hộ và nhóm Kháng Chiến Nam Bộ đó sao? Đỗ Mười đã không từng bật lò xo với ông Hà Sĩ Phu và nhóm Đà Lạt đó sao? Gần nhất, hãy đọc lại bản “Kết Luận” của đại diện bộ chính trị Phạm Thế Duyệt đối với những kiến nghị của các ông Trần Độ và Hoàng Minh Chính, tất rõ. Hãy nhìn cách bật lò xo của “trung ương” đối với các vị cách mạng lão thành vừa kể, tất càng rõ hơn.


Ngắn gọn về tình hình đảng viên hiện nay, bài học tập đúc kết: “rượu chè, tổ tôm, bài lá hết ngày… không đọc một cuốn sách, một tờ báo đảng nào nhưng lại tự cho mình là hiểu biết, cất tiếng là bảo thủ, tự kiêu, chẳng chịu tiếp thu ý kiến của ai…”. Nghe cứ như tác giả Tuấn Dũng đang phê bình… “bọn” thái thượng hoàng cố vấn! Mà lại phê bình thiếu “sâu sát”. Vì chỉ cần vế thứ nhất (rượu chè, tổ tôm, bài lá hết ngày) là đã đủ ý cho cả câu. Vế thứ hai (sách, báo đảng) tương đối thừa. Bởi hệ thống sách báo đảng chỉ rặt nói lấy được và tưởng sẽ được, nếu có đọc kỹ nhớ dai thì cũng chỉ cao lắm là phát biểu “tầm cỡ” như …tổng bí Khả Phiêu, chứ đâu hẳn là để có hiểu biết, bớt bảo thủ, bớt tự kiêu, hay sẽ tiếp thu ý kiến của ai. Bằng chứng ư? Ai bảo là chính trị bộ VC ít đọc sách báo đảng?


Vậy mà chỉ một vài ý kiến chân tình trong sáng của các ông Hà Sĩ Phu và Nguyễn Thanh Giang đã đủ khiến bộ chính trị bật lò xo cho các vị ấy chuyển vào “tù nội trú”, nói theo nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Thế thì còn bảo chờ ai, cấp nào? Đề nghị cán bộ Tuấn Dũng nên “triển khai” đề tài này sâu rộng thực tiễn hơn, rằng: Muốn hiểu biết và tiếp thu ý kiến người khác, trước tiên và ít nhất là phải chấp nhận tư nhân ra báo tự do.

Vai Trò Lịch Sử Trêu Ngươi


Cũng trong bài diễn văn trên, Lê Khả Phiêu nói tiếp: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, hình ảnh những người cộng sản mãi mãi phải là hình ảnh đẹp đẽ và cao thượng…”. Thực tế, những bài viết ngay trên báo Nhân Dân và Lao Động đã tới tấp tát ngược vào mặt tổng bí thư.


Theo ký giả Vũ Mai Hoa Sơn, vấn nạn bằng cấp giả hiện đang phổ biến tràn lan trong hàng ngũ đảng viên khắp nước: “Chúng bất tài nhưng lắm thủ đoạn để luồn sâu, leo cao hòng trục lợi đục khoét và chèn ép những nhân tài”. Bài báo dẫn ngược độc giả về gốc gác của vấn đề từ thời có những du sinh đầu tiên của Hà Nội sang học bên Liên Xô, với “Đôm 5” nổi tiếng về tình trạng “thợ viết thuê” cho rường cột của guồng máy nhà nước hiện nay.


Không ai thống kê nổi tỷ lệ số cán bộ mải mê buôn bán làm giàu ở khu Đôm 5, “bỏ tiền ra thuê bạn làm bài, viết báo cho tạp chí khoa học và viết luận văn tốt nghiệp. Cả hai cùng tự an ủi đó chẳng qua chỉ là sự phân công, tiền viết thuê cùng là sự phân phối lại mà thôi!…”. Ca dao một thời của đảng là “Con ơi nhớ lấy lời cha, Một năm xuất ngoại bằng 30 năm kéo cày!”. Cả cha già lẫn cha non đều nói thế. Vừa có tiền, vừa có bằng bảo kê cho các chiếc ghế cao cấp khi về nước. Tất cả đã thành nếp. Bình thường như vệ sinh buổi sáng.


Bài báo dẫn xuôi về những “ổ bằng giả” trong nước bị khám phá gần đây. Hà Nội phanh phui 2 “ổ nhóm” chuyên làm bằng như thật vào năm 1998. Hai “ổ nhóm” khác ở Thanh Hóa cũng được phát hiện hồi đầu năm nay. Hơn 100 sinh viên cao đẳng của Học viện Ngân hàng bị đuổi vì… chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Hiện tượng bằng giả “đặc biệt xảy ra nghiêm trọng đối với các khóa học tại chức mở tại địa phương” cho hàng ngũ cán bộ đảng viên.


Cuộc “kiểm tra thí điểm” hồi tháng 2 đưa ra một số kết quả sơ khởi: Tại lớp Đại học Quản trị kinh doanh của Viện Đại học mở Hà Nội ở Thái Nguyên đã có tới 35,5% số bằng không hợp pháp. Tại Hải Phòng kiểm tra 14 lớp Đại học tại chức thì có tới 13 lớp có sai phạm. Đặc biệt, lớp quản trị kinh doanh do Đại học Hàng Hải mở tại thành phố có tới 23,8% số bằng không hợp pháp…. Theo tác giả bài báo, “vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm, thường xảy ra ở các lớp đào tạo sau đại học. Sự thật-giả ở đây thật khó phát hiện, các “quan thanh tra” không dễ gì phát hiện, nhưng hậu quả của nó lại âm ỉ, kéo dài ở những nấc thang xã hội đa dạng”.


Nêu gương tiêu biểu cho sự văn minh đa dạng đó, bài Điều Tra của ký giả Nguyễn Trọng Thắng cho biết giám đốc Mai Công Hòa của Cty xuất nhập khẩu Thái Bình đã làm “thất thoát” 49 tỉ 181,6 triệu đồng. Tương đương với tổng doanh số thuế nông nghiệp ở Thái Bình trong một năm. “Vậy mà ông giám đốc vẫn ngoài vòng pháp luật (?!)”. Mai Công Hòa chỉ là một đảng viên điển hình.


Cần thêm một vài chứng cớ mới nhất? Viện KSND tối cao của Hà Nội vừa ra công văn số 05/KSĐT-KT yêu cầu Bộ Công an điều tra khởi tố 6 cán bộ Hải quan của TPHCM gồm: Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Quang, Trần Quốc Dũng, Phạm Sơn Lâm và Trương Công Hải về tội buôn lậu. Khởi tố Trần Thị Kim Dung (nguyên GĐ Cty Tây Bắc) về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Khởi tố Hồ Sỹ Đại cùng 3 nhân viên Chi cục Thuế Quận 1 Sài Gòn trong việc trợ giúp Cty Việt Hùng trốn thuế từ 1992 đến 1998 đến hàng chục tỉ đồng. Đó chỉ là những chuyện ăn cắp vặt đã thành tập quán thấm sâu vào máu đảng viên. Đến như Thủy Cung Thăng Long bị khui mà các phó thủ tướng và bộ trưởng vẫn an nhiên tự tại kia là.


Trên một bài phỏng vấn của báo Lao Động, do ký giả Phạm Hiếu thực hiện, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Thị Huệ cho biết tình trạng mãi dâm ở Việt Nam ngày càng leo thang, “Mà một trong những nguyên nhân cơ bản khiến tệ này ngày càng phát triển chính là do ta đã thiếu kiên quyết trong việc xử lý người mua dâm nhất là với những đối tượng mua dâm là cán bộ, viên chức. Theo khảo sát của Công đoàn Viên chức tại một số cơ sở nhà hàng ‘tù mù’ mà dư luận cho rằng có nhiều biểu hiện ăn chơi trác táng gần với mãi dâm thì có tới 68% đối tượng là cán bộ viên chức. Trong nhiều vụ mãi dâm bị phát hiện tại các địa phương thì có tới 70% đối tượng mua dâm là cán bộ (cả cán bộ cơ quan thi hành pháp luật, lãnh đạo doanh nghiệp…)”.


Qua bài phóng sự “Tháng Cao Điểm”, cũng là tháng có nhiều kỷ niệm sinh nhật lãnh tụ cộng sản nhất, hai ký giả Bình Sơn-Trần Khánh cho biết: “Ma túy – nhắc đến bây giờ nghe nhàm tai mà buồn não quá. Nghiện hút, buôn bán, đánh chém, cai nghiện, HIV… thảy đều đủ cả. Cứ lồ lộ như trêu ngươi vậy”. Tất nhiên phải có sự bao che của cán bộ đảng viên. Bằng giả, ăn cắp, mãi dâm, ma túy…. Rõ là cái đạo đức văn minh của Lê Khả Phiêu cứ lồ lộ trêu ngươi.


Trên một phóng sự khác, ký giả Lê Như Giang đề cập đến tâm tư của người dân địa phương trước ngày thông xe cầu Mỹ Thuận. Bài báo cho biết là “hàng nghìn cư dân đã và đang sinh sống bằng nghề mua bán tại khu vực bến phà canh cánh nỗi lo kiếm sống khi sắp tới bến phà Mỹ Thuận sẽ chấm dứt vai trò lịch sử …”. Nhân rộng ra trên cả nước ắt phải có đến hơn hai triệu người canh cánh nỗi lo khi thấy ra đảng CSVN đang đứng trước thời điểm chấm dứt vai trò lịch sử của nó.

Khỏa Ngoài Lấp Trong


Nỗi lo đó không chỉ dành riêng ai, khởi từ bộ phận Tư tưởng-Văn hóa ra tới dàn thông tin tuyên truyền quốc doanh. Trong hai ngày 5 và 6-5, BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa VII đã nhóm họp Hội nghị lần thứ hai tại Hà Nội. Đến ngày 8-5, Thông tấn xã Hà Nội cũng khai mạc “Hội nghị toàn ngành về nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin”, nhằm kết hợp và khai triển Chỉ thị số 10-2000/ct-TTg của Phan Văn Khải ký ngày 26-4-2000 về việc tăng cường quản lý thông tin đối ngoại. Trong dịp này, ủy viên Lê Xuân Tùng đã thay mặt Bộ chính trị, biểu dương “đội ngũ các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã xây dựng TTXVN thành trung tâm thông tin chiến lược quốc gia đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước…”.


Theo tin tổng hợp nhiều nguồn, cả hai hội nghị đều nhất trí những trọng điểm:


Một là thống nhất quyết tâm chỉ so sánh chỉ số tăng trưởng của VN của năm 1999 và 2000 với thời điểm 1976. Để không ai thấy mức tụt dốc kinh khiếp hiện tại. Theo kiểu ký giả Chu Thượng so sánh trên tờ Lao Động: Vào năm 1976, trên toàn miền Nam có cả thảy 634 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. “25 năm sau, tính tới tháng 4-2000, các cơ sở thuộc đủ các thành phần kinh tế tại các tỉnh phía Nam đã lên tới con số 213.000”. Hay theo kiểu ký giả Dương Ngọc trên Thời Báo Kinh Tế: “GDP bình quân đầu người của thành phố HCM năm 1999 cao gấp 3,5 lần năm 1976, bình quân năm tăng 5,6%… Đến cuối năm 1995, thành phố không còn hộ đói và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10,9%. Năm 1998, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,6% (cả nước là 15%). Năm 1999 giảm tiếp được 11 nghìn hộ nghèo”.


Hai là mọi “khó khăn vướng mắc” đều phải được bình luận là do bởi yếu tố khách quan bàng bạc. Theo kiểu ký giả H.D.N. đúc kết tình trạng bỏ học đều khắp: “Nguyên nhân chính được đưa ra là do trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu, giáo viên thiếu, đường sá đi lại xa xôi và khó khăn…”. Hay, tiêu biểu nhất, theo kiểu Nguyễn Tấn Dũng trả lời ký giả Vương Hà phỏng vấn về tình trạng ứ đọng nông phẩm cả nước: “Chúng ta đều hiểu rằng, nông dân chiếm đến 80% dân số, nên khi nói đến đời sống thì trước hết phải là đời sống ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo cũng là ở đây, sức mua cũng là đây và đầu tư cũng là đây. Tôi xin nhấn mạnh, nguyên nhân tồn đọng nông sản chủ yếu là do khách quan”.


Ba là nêu bật vai trò và sức mạnh của khối Phi liên kết G77 thuộc thế giới thứ ba trong tiến trình đấu tranh đòi viện trợ để thành hình một trật tự thế giới mới. Ra điều dù nghèo vẫn mạnh. Dù đói vẫn quyết thắng âm mưu đế quốc qua diễn biến toàn cầu hóa. Theo kiểu phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Tâm Chiến: “Ưu tiên cao nhất đối với các nước không liên kết hiện nay vẫn là kiên trì đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc… , ra sức liên kết những nỗ lực chung vì đối thoại hòa bình, hợp tác bình đẳng, phát triển công bằng”. Hay theo kiểu báo Nhân Dân tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Trần Đức Lương với Fidel Castro: “Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các nước đang phát triển đấu tranh chống cường quyền, phấn đấu cho một thế giới hòa bình, phát triển và bình đẳng giữa các quốc gia”.


Bốn là đẩy mạnh tuyên truyền khả năng rao bán mối quan hệ với khối ASEAN, qua chức vụ chủ tịch UB thường trực của CSVN trong năm tới. Theo kiểu tuyên bố của Trần Đức Lương: “Việt Nam ủng hộ Ukraine tăng cường quan hệ với các nước ASEAN và các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Hay theo kiểu Lê Khả Phiêu nhấn mạnh mới đây: “Pháp là nước có vai trò quan trọng trong Liên hiệp châu Âu (EU) và sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch EU từ ngày 1-7-2000. Việt Nam sẽ nhậm chức Chủ tịch ủy ban thường trực ASEAN từ ngày 1-7-2000”.


Năm là tập trung khai thác tin tức đối ngoại để che lấp tất cả khó khăn nội bộ, bằng một tỷ lệ thông tin đáng kể. Đây cũng là một kỹ thuật mà Bắc Kinh thường áp dụng (đối với Đài Loan) và Hà Nội đã “nắm bắt một cách sáng tạo”. Phần ứng dụng bao gồm một số tuyên bố ngoại giao theo kiểu: “Việt Nam ủng hộ mọi biện pháp và nỗ lực hòa bình nhằm thúc đẩy đối thoại, hòa giải và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định lâu dài ở khu vực; ủng hộ nguyện vọng của nhân dân trên Bán đảo Triều Tiên về hòa bình, thống nhất đất nước”. Hay, “Việt Nam cực lực phản đối các dân biểu Mỹ đã xen vào nội bộ Việt Nam và điều đó có thể ảnh hưởng đến mối bang giao giữa hai nước”! Một cách khác nữa là dồn nỗ lực khai thác các chuyến công du của dàn “lãnh đạo” Hà Nội. Cách này tương đối dễ dàng nhất.

Hàm Vẹo Mông Ê


Trên căn bản đó, chuyến đi Pháp đầu đời của Lê Khả Phiêu đã được dàn truyền thông (quốc doanh và độc nhất) cật lực tuyên truyền. Đây là một chuyến đi bị đình hoãn nhiều lần và gặp nhiều trục trặc nhất của Phiêu, từ giai đoạn mớm lời, mặc cả nghi thức… cho tới giai đoạn đối phó với kiều bào và ve vuốt doanh nhân Pháp.


Không khác tình trạng Đỗ Mười đã bị Thủ tướng Úc từ chối tiếp kiến mấy năm trước đây, vì vai trò tổng bí thư đảng không xứng đáng được coi như nguyên thủ quốc gia, lần này, thoạt đầu Lê Khả Phiêu cũng bị nhận một lời từ chối tương tự. Chỉ khác là lần này, Phiêu tận tình mặc cả để được Tổng thống Pháp Chirac chiêu đãi, dựa trên hai căn bản:

  • Một là trọng lượng một số máy bay Airbus mà Hà Nội định mua.

  • Hai là quan hệ cửa ngỏ môi giới làm ăn với khối ASEAN. Và đạt thắng lợi. Không phải thắng Pháp, mà là thắng …Đỗ Mười.

Mối quan hệ chủ khách đã được tổng thống Pháp định rõ từ đầu: “Việt Nam là một trong những nước nghèo đang được Pháp ưu tiên trợ giúp”. Dù nhục, nhưng Lê Khả Phiêu vẫn phải chính thức ngợi ca là “đánh giá cao lập trường của Paris trên vấn đề toàn cầu hóa cũng như vai trò hậu thuẫn của Pháp dành cho các nước …đang phát triển”. Đặc biệt, “Pháp là đối tác rất quan trọng của VN, Pháp đã ủng hộ VN trong sự nghiệp đổi mới, trong việc giải quyết nợ cho VN tại các câu lạc bộ Paris và Luân Đôn”. Hay, “Hoan nghênh cơ quan phát triển ADF của Pháp đã góp phần đắc lực vào việc xóa đói giảm nghèo của VN”.


Cái nhục thứ hai là Chirac chính thức phê chuẩn cho Lê Khả Phiêu một công ước …con nuôi. Phải chăng đấy mới chính là cái quan hệ chủ khách hiểu ngầm? Tất nhiên, những tin tức loại này chỉ được báo chí trong nước nhẹ nhàng đề cập thoáng qua.


Càng kín hơn nữa là tin tức về những đoàn biểu tình chống Lê Khả Phiêu trên đất Pháp. Nổi bật nhất là những biểu ngữ bằng tiếng Pháp được thu hình và chiếu lại trên các kênh truyền hình: “Sự hiện diện của một của một nhà độc tài trên đất Pháp đã xâm phạm đến danh dự của tất cả nạn nhân của chế độ Hà Nội áp bức, và làm nhơ nhuốc hình ảnh của một nước Pháp từng được mệnh danh là quê hương của quyền làm người”. Hay những dòng chữ kẻ đầy trên vách nhà bảo tàng có trưng bày di vật của Hồ Chí Minh ở Montreuil: “Lê Khả Phiêu là tên đồ tể sát nhân” và “Lê Khả Phiêu = Hitler = Pol Pot”. Hoặc, cờ đỏ sao vàng trong sứ quán Pháp bị nhuộm sơn….


Hầu hết các bài báo đều tập trung vào tấm thảm đỏ tại điện Élysée. Cả trên đài phát thanh Hà Nội, cuộc gặp gỡ được mô tả là giữa “Hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước”. Hay nói về chuyến đi này của Lê Khả Phiêu: “Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tới Pháp”. Và lập lại nhiều lần: “Lễ đón chính thức Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức trọng thể theo nghi thức đón Nguyên thủ quốc gia”. Nhiều tờ báo trong nước còn trích đăng vài đoạn báo Pháp, như tờ Les Échos chẳng hạn: “Ông Lê Khả Phiêu được tiếp đón như một Nguyên thủ quốc gia, dù rằng ông không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước hay Thủ tướng”.


Quả là Hội nhà báo và Thông tấn xã Hà Nội xứng đáng được nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam ưu ái tuyên dương. Dựa vào thành quả ngoại giao chính thức của một chiêu “bợp tai-đá đít”, vừa khiến Đỗ Mười vẹo hàm, lại vừa làm ê mông Trần Đức Lương.

Hãy Để Mọi Người Được Thở


Tất cả trùng hợp vào thời điểm chuẩn bị Đại Hội đại biểu toàn đảng khóa IX, dự trù vào đầu tháng 3-2001. Chuẩn bị ở đây có nghĩa vận động cho “phe mình”. Chuẩn bị cũng có nghĩa là triệt hạ “phe nó”. Và chỉ còn một Hội nghị Trung ương lần 10 nữa thôi là hết khóa VIII. Vẫn chưa ai quên Hội nghị Trung ương lần 9 vừa qua có quá nhiều điểm “bất thường”.

  • Một là Hội nghị không công bố diễn văn khai mạc và bế mạc từng được các báo mô tả là “rất quan trọng” trên các bản tin. Đã vậy, Nghị Quyết của Hội nghị cũng được dấu kín bưng. Tuy nhiên, qua một số nguồn “tin chui lọt khe” thì cả ba văn bản này đặt trọng tâm vào việc giải quyết vấn nạn “thiếu thống nhất quan điểm” và một số đề nghị tái phối trí cơ cấu và nhân sự thượng tầng của CSVN, mà chưa đạt sự nhất trí, nên nhất định là không thể phổ biến.

  • Hai là Đào Duy Quát chỉ thông báo nhu cầu cần thêm một Hội nghị Trung ương lần thứ 10 để giải quyết rốt ráo nhu cầu chuẩn bị đường hướng mang tầm “chiến lược”cho Đại hội IX, cộng thêm nhu cầu giải quyết cách vận hành của Bộ chính trị (trung ương bầu ra Thường vụ Bộ chính trị chứ không do BCT chỉ định, có nên tái lập Ban Bí Thư hay không…). Tức là kéo theo nhu cầu hiệp thương quân bình phe cánh.

  • Ba là Phan Văn Khải tung tin từ nhiệm trước Hội nghị lần 9. Rồi ngay trong hội nghị này lại tung ra quyết định tái dụng Ngô Xuân Lộc (đã bị “khiển trách” cảnh cáo 4 tháng trước). Đây là một thách đố công khai giữa các phe trong Bộ chính trị, với nhau và với công luận.

  • Bốn là “khiển trách” Trần Xuân Giá, nhưng đương sự lại được giao phó thêm một chức năng của phó thủ tướng. Tức là phủi sạch chiến dịch phê và tự phê của Lê Khả Phiêu.

Những điểm bất thường đó cho thấy rõ ràng hơn những bế tắc của Hà Nội:


Thứ nhất, cái gọi là “Chiến lược kinh tế tới năm 2000” rõ ràng là một thất bại, khiến cho “Chiến lược kinh tế 2001-2010” khó thành hình trước những vấn đề không giải quyết nổi: gia tăng xuất khẩu, ứ đọng nông sản và sản phẩm công nghiệp nặng, gia tăng đầu tư ngoại quốc, cổ phần hóa quốc doanh, thành lập thị trường chứng khoán, mậu dịch với Mỹ và hội nhập kinh tế toàn cầu….


Thứ hai, bên chính phủ thiếu một kinh tế gia vĩ mô, trong khi bên đảng thiếu một tay phù thủy chính trị có tầm vóc uy tín bao trùm khả dĩ tóm thu quyền lực về một mối, chấm dứt tình trạng “chi phối lẻ” của dàn cố vấn trung ương, và chấm dứt tình trạng bất đồng ngày càng trầm trọng giữa các khuynh hướng.


Dù vậy, điểm bế tắc thứ nhất có thể giải quyết bằng một số khẩu hiệu lên gân nhằm mục đích câu giờ. Cái bế tắc thứ hai mới khó giải quyết. Trông ra các đảng cộng sản còn sót lại, cả Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba đều có điểm chung là tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước. Cách giải quyết của Lê Khả Phiêu sẽ nhắm vào hướng đó chăng? Người ta có thể ức đoán rằng xác suất đó khá cao, nếu ráp vào những sự kiện xảy ra trong chuyến Tây du vừa rồi của đương sự như một cách sử dụng uy thế từ bên ngoài để áp đảo bên trong cho mục tiêu tạo tư thế ăn trùm. Hoặc, ráp vào một sự kiện khác không lâu trước đó, Lê Khả Phiêu đã triệu đại sứ nước ngoài đến gặp và tự xưng là người độc nhất có thể giải quyết mọi việc.


Nếu quả thế thì cả Trần Đức Lương và Phan Văn Khải hẳn phải tâm đắc với khẩu hiệu được dùng trong dịp Việt Nam tham gia Ngày Hen toàn cầu 3-5-2000: “Hãy để mọi người được thở”.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page