top of page

2000.06 – Đỉa Đi Bằng Mồm

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 26 min read

Dựa trên khẩu hiệu trong nước, tháng Sáu là Tháng hành động phòng chống ma túy, Tháng hành động Vì trẻ em, Tháng Phát động chiến dịch Mùa hè thanh niên tình nguyện… Trong xã hội, đó là Tháng thi cử, Tháng Euro 2000… Nhìn ra ngoài, tháng Sáu cũng là dịp ưu tư về quyết định gia hạn quy chế thương mại của Mỹ, hay quyết định của giới tài trợ quốc tế.


Đặc biệt năm nay còn là mối lo toan về sự bất ổn của Lào và nỗi ưu tư về tiến trình thống nhất của Nam Bắc Hàn. Quan trọng hơn cả, đó là tháng cao điểm của những bản cáo trạng, cùng lúc với nội tình rối rắm ở Ba Đình sóng đôi với các bài học đường lối khó nuốt của Bắc Kinh.

Trướng Vàng, Kim Cô Đỏ


Kỷ niệm “75 năm báo chí Việt Nam” rơi vào ngày 20-6. Theo bản tin trên tờ Lao Động, Lê Khả Phiêu đã tặng cho báo giới quốc doanh một bức trướng được mô tả là mang “25 chữ vàng”: “Báo chí cách mạng Việt Nam: Trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ký giả Chu Thượng đã tận tình minh họa là những chữ đó là đáng được “đúc bằng vàng ròng”. Mới thấy ra hết cái đặc tính đáng suy ngẫm mà Lê Khả Phiêu gửi gắm vào loại hàng đầu: Trung Thành.


Cũng sẽ thấy ra hết vì sao ông Nguyễn Thanh Giang tất yếu bị trù dập, với bài viết Tôi Chỉ Làm Tay Sai Cho Cái Đầu Của Tôi. Thực tế, với đặc tính trung thành màu vàng tươi của Lê Khả Phiêu, thì tất cả những điều theo sau nó trên bức trướng ô nhục vừa nói đều tự động biến thành …màu nâu khô. Bởi, phỏng có giá trị gì một thứ đoàn kết ngậm đuôi cho dài hàng? Có giá trị gì một thứ trí tuệ nô lệ suốt 75 năm chỉ nghĩ theo điều người khác bảo? Và hô hào đổi mới gần đây chỉ vì đồng đô-la chia chác, như tựa quyển tạp bút mới nhất của Lê Giang: “Gặp Gì Ăn Nấy-Xin Mời”?


Không chỉ tự nguyện trung thành, để có ăn. Nỗi nhục “vĩ đại” nhất nằm ở chỗ thi đua trung thành, để ăn tràn họng. Bằng chứng? Hồi cuối tháng Năm, Ban Tổ chức Trung ương đảng CSVN và Hội Nhà báo Việt Nam đã “tổ chức trọng thể lễ trao giải thưởng Cuộc thi báo chí toàn quốc ‘Về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và công tác xây dựng Đảng’ đợt 1 (từ ngày 25-5-1999 đến 19-5-2000) và phát động đợt 2 của cuộc thi (19-5-2000 đến 3-2-2001)“.


Chính tên gọi của cuộc thi đã phô diễn toàn bộ mục tiêu của nó là cật lực vẫy đuôi ca ngợi đảng. Tất nhiên, giải A lọt vào tay Tổng biên tập của Tạp chí Cộng Sản, “Cơ quan lý luận chính trị của trung ương đảng CSVN”, và giải B vào tay một cán bộ trụ cột của tờ Nhân Dân, “Cơ quan trung ương của đảng CSVN, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam” (?!). Các thí sinh khác đều phải “phấn đấu” trung thành hơn nữa theo gương của hai cơ quan trung ương vừa nói.


Điều đó không phải dễ dàng gì. Điều kiện khó nhất, theo Hữu Thọ, tổng biên tập tờ Nhân Dân kiêm Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư thì: “Nhà báo trước hết phải là một công dân biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”. Với điều kiện đó thì ắt là trước tiên, nhà báo đúng nghĩa trong nước không thể nào là đảng viên CSVN. Cũng theo Hữu Thọ thì điều kiện thứ nhì không kém phức tạp: “Có những vấn đề khi thông tin chúng ta phải cân nhắc cả về thời điểm, mức độ phản ánh cũng như phương pháp thể hiện”. Tức là phải có bản lãnh dọ ý “lãnh đạo” và gò chữ đúng ý “lãnh đạo”.


Góp ý thêm, theo Nguyễn Đức Hiển, cột trụ của tờ Pháp Luật ở Sài Gòn, thì cái khó thứ ba là: “những bài điều tra chống tiêu cực rất dễ trở thành công cụ mà các ‘phe cánh’ lợi dụng để đấu đá vì lợi ích cục bộ”. Tức là phải rành rẽ nội tình trung ương, và cực kỳ cẩn trọng để khỏi bị trở thành ruồi muỗi nạn nhân của các vụ trâu bò húc nhau chí tử. Điều kiện thứ tư, theo ngòi bút trụ cột của tờ Pháp Luật, chính là đừng tin các cơ quan …Luật Pháp: “Biết đâu những xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật là chưa đúng và họ ‘mớm’ hồ sơ cho báo chí, dùng báo chí để ‘dọn đường’ dư luận theo ý họ“. Với bốn điều kiện sơ khởi đó, quả là cái vòng kim cô của Tôn Ngộ Không ngày xưa còn lỏng vô cùng. Còn, với bức trướng mới, các thợ viết VN ngày nay ắt đều dùng loại ngòi bút… lưỡi câu.

Lều Chõng Hiện Đại


Tháng Sáu là mùa thi tuyển vào đại học. Tuyển thẳng là dạng học sinh ưu hạng ở trung học phổ thông, được vào thẳng đại học. Trên thực tế, phần lớn đó là băng đảng 5C, “con cháu các cụ cả”, nên dù có đua xe tối ngày cũng đương nhiên thuộc “đầu vào” của các trường đại học, không cần qua hệ khảo thí lôi thôi. Ký giả Trần Đăng xác nhận rằng “Nếu xem kỳ thi tú tài là phần 2 của cuộc ‘chạy đua’ vào trường đại học mà không phải thi thì phần 1 của nó là cuộc ‘chạy đua’ xin điểm để được… giỏi. Buồn thay, người tiếp tay cho những chuyện phi giáo dục ấy lại là những người thầy”.


Theo tác giả Lý Sinh Sự thì số thí sinh (tuyển vòng?) còn lại tranh nhau bằng tỷ số 1/10 chưa phải là điều khó nhất. Cái khó nhất là tranh với đám 5C vừa nói, bởi có khi không còn chỗ để tranh. Hậu quả? Không ai lường được là “đầu ra” của các đại học ở đây thế nào, khi đã có 34,99% sinh viên tuyển thẳng có học lực “trung bình” và 3,4% học “kém”.


Đó chỉ mới là một khía cạnh rất nhỏ của nền giáo dục hiện đại ở VN. Nhìn chung, tác giả Kim Dung đã đúc kết một số đặc tính nổi bật:

  • Thứ nhất, chủ trương giảm tải chương trình, nội dung giáo dục phổ thông hiện tại chỉ là hậu quả của một cách làm cải cách giáo dục, và chỉ được coi như “Lại thêm một giải pháp tình thế”.

  • Thứ nhì, “Cách làm chương trình, nội dung, cách triển khai đều theo kiểu ‘ăn xổi, ở thì’”.

  • Thứ ba, có tới “23% số giáo viên chưa đạt chuẩn…. Ngay cả đội ngũ giáo viên đào tạo đạt chuẩn… cũng có tới 1/3 không đáp ứng yêu cầu“.

  • Thứ tư, theo Phó vụ trưởng Giáo dục phổ thông Nguyễn Đăng Thìn, “mục tiêu đào tạo đặt ra cho ngành là rất lớn… trong lúc điều kiện để thực hiện đã là không cân xứng… Thậm chí, càng thực hiện, càng thấy mục tiêu đào tạo đặt ra là ‘duy ý chí’“.

  • Thứ Năm là “tình trạng nhiều trường ‘làm giả’, ‘báo cáo thật’“.

  • Thứ Sáu là “thiếu một ‘kiến trúc sư’ tài năng thiết kế hoàn chỉnh hệ thống, mục tiêu, điều chỉnh từ quy hoạch lớn đến quy hoạch nhỏ, bậc học, môn học từng cấp, từng ngành… (nên cả bộ) chỉ loay hoay vào việc tìm cách cải thiện điều kiện giáo dục nhiều hơn là xem xét lại chương trình!”.

  • Thứ bảy, “Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều chương trình tiểu học, học sinh thành vật thí nghiệm của quá nhiều chương trình. Giáo viên thì không theo kịp vì sách hướng dẫn giáo viên không có“.

  • Thứ tám, chương trình nặng nề cho ra vẻ, khiến “giờ tập làm văn, học trò chỉ làm mỗi viêc sao chép…. Còn kỹ thuật đan lát, trẻ có làm đâu. Chỉ bố mẹ làm hộ hoặc ra chợ mua nộp chấm điểm”.

  • Thứ chín, cũng do sự tham lam đó, “Một số phần lý thuyết không thiết thực đối với học sinh hiện nay. Những nội dung đã trở nên lạc hậu so với sự biến đổi về kinh tế – xã hội, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật”.

  • Thứ mười, nói thẳng, “ngành GD – ĐT quá thiếu bản lĩnh, chỉ loay hoay đối phó và che chắn trước dư luận xã hội“.

Tác giả Kim Dung kết luận: “Chiến lược giáo dục là một tập hợp… những giải pháp tình thế? Giảm tải vẫn giảm tải, Bất cập vẫn bất cập!“. Điều này có thể đúng 100% với thực tế. Tuy nhiên, nếu bảo “do hoàn cảnh lịch sử, chương trình cải cách giáo dục đã mang trong bản thân nó sự bất cập, sự mâu thuẫn nội tại với điều kiện thực hiện”, thì e rằng hoàn toàn thiếu công bằng với …lịch sử. Lý do? Lịch sử không tự ý đẻ ra một băng đảng xâm lăng láng giềng, ăn xin bên ngoài, ăn cướp bên trong, và luôn miệng đổ thừa cho chiến tranh mọi thực trạng đói nghèo lạc hậu của dân tộc.


Lịch sử cũng không hề tự ý sản sinh ra một hệ thống đảng viên cán bộ (cả trong lẫn ngoài ngành giáo dục) chạy-điểm cho con cháu, hay tự chạy-bằng cho chính mình: “tỷ lệ sử dụng văn bằng chứng chỉ có nguồn gốc bất hợp pháp ở các lớp đại học tại chức cao hơn nhiều so với chính quy, người sử dụng chủ yếu là cán bộ đương chức“. Đến ký giả chuyên ngành minh họa Chu Thượng cũng không dấu nỗi bất bình: “Chứng cớ là đã phát hiện hàng nghìn văn bằng chứng chỉ bất hợp pháp, tỷ lệ đó ở các địa phương là 10-20% mà người sử dụng (đáng buồn thay) đa số là các cán bộ đương chức theo học một số lớp đào tạo tại chức“. Tay nhà báo quốc doanh này tán đồng ý kiến “công khai hóa” danh tính “bọn” xài bằng giả. Nếu đây là bước đầu của tiến trình “công khai hóa” mọi thứ thì quả là …nên lắm, và cần công khai hóa cả “bọn” xài lậu bằng cấp chiến công “đánh Tây, chống Mỹ”. Được như vậy, mới họa may có điều kiện thực hiện đề nghị thiết thực của “bình luận gia” Hai Văn Sáu trên tờ Lao Động: Hãy thôi bảo ‘sai thì sửa’. Hễ sai thì phải xử. “Xử tắp lự, xử nặng, thì điệp khúc sống mãi với thời gian ‘sai thì sửa’ ấy may ra mới chịu đứt?”. Chỉ mong sao dàn chánh án, thẩm phán lo việc “xử tắp lự“ đó đều không một ai bị phanh phui là …cũng xài bằng giả.

Đảng Tình Tang, Dân Tình Nguyện


Tháng Sáu năm nay là dịp Hà Nội kỷ niệm tròn bảy năm “triển khai Tháng hành động Vì trẻ em“. Số khẩu hiệu của mỗi năm càng tăng. Khẩu hiệu tiêu biểu của năm nay là: “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc trẻ em” và “Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất mình có”, với chủ đề “Môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em”. Nghĩa là, nói chung, phần đặc quyền đặc lợi là của toàn đảng, còn cái gì thuộc “phạm trù nghĩa vụ” thì đương nhiên là do “toàn dân” vét cạn tất cả những gì tốt đẹp nhất mình có mà đóng góp. Nói theo cánh “tư tưởng” thì điều đó gọi là xã hội hóa, chẳng hạn như: “trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường thì được học tập trong các lớp học tình thương, lớp học linh hoạt“, do dân tự lập ra và nuôi dưỡng, quản trị lấy.


Thế thì đảng và nhà nước lo việc gì? Trước tiên, đó là việc phân tích: “Hiện nay, do nghèo khó, hàng vạn trẻ em đang phải lang thang kiếm sống ở các đô thị, hàng vạn em khác đang làm thuê trong các cơ sở sản xuất, dịch vụ; một bộ phận phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại. Tình trạng ngược đãi trẻ em, mua bán, lạm dụng tình dục trẻ em, lôi kéo trẻ vào con đường phạm tội, nhất là tội phạm ma túy… đang diễn ra phức tạp”. Rồi kế đó là một số kết luận bâng quơ: “Nhiều trẻ em còn thất học, nhất là ở miền núi, vùng cao. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn tới 36,7% (1999) trong khi mục tiêu của Chương trình quốc gia 1991-2000 là dưới 30%, khó có thể đạt được…”.


Sau cùng và quan trọng nhất là …phát động những chiến dịch. Từ chiến dịch các “kế hoạch nhỏ” như nhặt rác, lượm lon… cho tới làm thủy lợi, đắp đường, tải đạn, tải thương, cõng gạo, đi “B” v.v…. Tất cả đều là tình nguyện …có chỉ tiêu và tất nhiên, phải có khẩu hiệu. Hai khẩu hiệu tình nguyện ghê rợn và đẫm máu nhất lịch sử nước nhà là “sinh Bắc tử Nam” và “cứu Kampuchia diệt chủng”.


Tháng Sáu này, Hà Nội linh đình tổ chức phát động chiến dịch “Mùa hè thanh niên tình nguyên năm 2000”. Mục tiêu gần là tuyên truyền Xóa đói giảm nghèo, tất nhiên. Còn mục tiêu xa và vĩ đại hơn? Đó là “tham gia chi viện các lực lượng đang làm việc trên tuyến đường Hồ Chí Minh”. Như một cách tiếp nối truyền thống bao thế hệ thanh niên từng phơi thây trên đường mòn Hồ Chí Minh suốt mấy thập niên trước đây bằng khẩu hiệu sinh Bắc tử Nam. Nay tiếp tục trải tuổi xanh làm đường bê tông vinh danh “công trạng” của đảng, cho lãnh đạo chia tiền dự án.

Đầu Gấu Đông Dương?


Con đường mòn trắng xương ngập máu đó ngày xưa chạy dọc theo phía Đông lãnh thổ Lào. Cho đến nay, sau 25 năm “hòa bình”, vẫn trắng xương ngập máu. Theo hãng thông tấn AFP, CSVN đã tung quân sang vùng Xiêng Khoang trong tháng qua để giúp “bầu bạn” CS Lào chống trả với các lực lượng H’mong tại đây. Theo nguồn tin tổng hợp của báo Tin Việt ở Bắc Cali thì CSVN đã huy động hai sư đoàn vượt biên cứu nguy cho quân đội Lào cộng đã bị tổn thất nặng nề trong khu vực. Nhìn chung, tình hình Lào khá bất ổn. Các sứ quán ngoại quốc đã đồng loạt khuyến cáo du khách của họ hãy cẩn trọng trong quyết định viếng Lào. Tờ Nation ở Vọng Các tường thuật một vài nguồn tin của “nhà nước” Lào cộng về việc tố cáo Thái Lan hỗ trợ cho các lực lượng của tướng Vàng Pao.


Ngược lại, ngày 5-6, phát ngôn viên Phan Thúy Thanh của bộ ngoại giao CSVN đã cật lực phản đối các bản tin của AFP, cho rằng: “Những tin trên là hoàn toàn bịa đặt và được tung ra với dụng ý xấu nhằm xuyên tạc tình hình và phá hoại mối quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào”. Phan Thúy Thanh còn đi xa hơn một bước, đưa ra nhận định: “Trong những năm gần đây, tình hình chính trị xã hội ở Lào tiếp tục ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, kinh tế có bước phát triển tốt, đời sống nhân dân Lào được cải thiện“. Nghe cứ như Nguyễn Thị Bình nhận định về tình hình… Bến Tre.


Bên cạnh đó và cùng ngày, một số tin trên báo Nhân Dân và Lao Động cũng khiến lắm người suy nghĩ:


Thứ nhất là “Ngày 5-6, tại Nghĩa trang Nầm, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trọng thể lễ đón nhận, truy điệu, mai táng 93 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Viêng Chăn”. Trong dịp này, đại diện Tỉnh uỷ, UBND Hà Tĩnh đã “đánh giá cao những cống hiến to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào và khẳng định tiếp tục tăng cường tình đoàn kết, quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Viêng Chăn nói riêng và CHDCND Lào nói chung”.


Thứ nhì là: “Ngày 13.6, tỉnh Quảng Bình đã long trọng tổ chức lễ đón nhận và cải táng 48 hài cốt liệt sĩ trở về từ rừng Lào”.


Thứ Ba là kể từ ngày 6-6-2000: “Phương tiện vận tải qua lại giữa hai nước không phải thay đổi biển số của nước mình khi hoạt động trên lãnh thổ nước kia”, qua 8 “cửa khẩu” dọc biên giới Lào-Việt, gồm Tây Trang, Pa Háng, Na Mèo, Keo Na, Nậm Cắn, Chưa Lo, Lao Bảo và Bờ Y.


Thứ tư là: “Đoàn cán bộ lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND Lào do Trung tướng Khăm-phuông Chăn-thạ-phôm-ma, ủy viên BCH T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm trưởng đoàn sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam đã đến Hà Nội chiều 15-6”. Được biết, đoàn “cán bộ lãnh đạo” Lào đã được Phạm Thanh Ngân đón và Phạm Văn Trà đích thân sinh hoạt.


Thứ Năm là đến ngày 20-6, chính Lê Khả Phiêu đã nhấn mạnh mục tiêu “củng cố sự hợp tác quân sự giữa hai quân đội (Việt-Lào) để chống lại hành động phá hoại của các thế lực thù địch từ bên ngoài”. Giới ngoại giao tại Hà Nội đánh giá rằng sự nhấn mạnh đó, ngay trong thời điểm có rất nhiều tin tức về sự tổn thất của quân đội CSVN trên đất Lào, hoàn toàn không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Thứ Sáu là, chỉ mấy ngày sau đó, một chiếc trực thăng của Lào bị rơi trong khu vực bất ổn cách Vạn Tượng 150 cây số về phía Bắc, không rõ lý do.


Tổng hợp loạt dữ kiện “gắn bó hữu cơ” trên đây, giới theo dõi thời cuộc đã tạm nêu ra một vài nhận xét:

  • Một là, Lê Khả Phiêu đang đóng vai tư lệnh chiến trường Lào, không khác thời xâm chiếm Kampuchia hồi cuối thập niên 70.

  • Hai là, thanh niên Việt Nam lại được đảng “tình nguyện” phơi xương đổ máu cho một vùng đất lợi nhuận cao của “lãnh đạo” dính liền với khu tam giác vàng.

  • Ba là, nguyên tắc “nội bộ” được Hà Nội chính thức hóa đối với cả hai chư hầu Nam Vang-Vạn Tượng.

  • Bốn là, lằn ranh Đông Dương trong khối ASEAN càng ngày càng rõ nét, qua đó, Hà Nội đã trở thành một loại ma-cô đầu gấu rao bán một loại cửa ngỏ cho mọi khai thác của ngoại quốc trên cả ba lãnh thổ Việt-Miên-Lào.

Kỷ niệm 5 năm VN gia nhập khối ASEAN vào ngày 28 tháng 7 tới đây, do đó, cũng “đậm đà màu sắc” lưu manh hơn chăng?

Diễn Xuất Hai Vai


Chủ trương rao bán “cửa ngỏ ASEAN” này đã được Hà Nội nhất quán áp dụng. Đầu gấu Trần Đức Lương đã lớn tiếng “mại dô” khi sang Ukraine và với cả Congo. Đầu gấu Lê Khả Phiêu cũng nhiều lần nhấn mạnh trong chuyến Tây du vừa qua: “EU có thể thông qua Việt Nam làm cầu nối quan hệ với châu Á nói chung”. Ngoài một số ảnh hưởng tuyên truyền bên trong đảng CSVN, đó là chuyến đi đầy thất bại của Phiêu. Đề nghị trọng yếu của Phiêu “cần phải làm sao giúp các nước đang phát triển và chậm phát triển có thể phát triển“ đã được chính giới Âu Tây đánh giá không khác một cách xòe tay, ngửa nón. “Đại diện một công ty tư nhân xuất khẩu 50 triệu USD sang EU” mà Phiêu hai lần nhắc đến đã làm Thủ tướng Pháp Jospin tròn mắt ngạc nhiên, bảo là “chưa từng nghe nói bao giờ!”.


Những bào chữa kiểu “cơ chế chính sách gây khó dễ cho các nhà đầu tư… đã khắc phục“, hay “bệnh quan liêu nhũng nhiễu, chúng tôi đang quyết tâm tiễu trừ…” tương đối khá nhàm tai. Không một hiệp ước ra hồn nào được ký kết. Không trống kèn đưa tiễn. Ngay cả bên trong đảng CSVN, ảnh hưởng tuyên truyền đó cũng chỉ giới hạn nhỏ hẹp trong một cánh và gây bất bình cực điểm cho nhiều cánh khác.


Ngay cả những “tên ký giả dám giả ký tên” trung thành của “nhà vô địch sợ địch vô nhà” Lê Khả Phiêu, dù có đi theo đoàn hay không, cũng nhận chân ra những tủi hổ ngỡ ngàng cho kẻ tự xưng là tay “lãnh đạo cao nhất nước”, xuyên qua những điều phải viết và những điều tự kể, hoặc xuyên qua những so sánh với “đồng nghiệp” nước ngoài: Không một bài phân tích tầm vóc nào của báo giới Âu châu đề cập tới chuyến đi này. Ngay cả những tuần báo nổi tiếng của khu vực Á châu cũng …im lặng vô tuyến.


Ấy vậy mà tuần san Viễn Đông Kinh Tế, số ra ngày 22-6-2000, đã có bài bình luận về chuyến khấu tấu của “đoàn Tư Tưởng Trung Ương” Việt Nam. “Hai mươi mốt năm trước, hàng ngàn hồng quân Trung cộng đã đổ vào VN để dạy cho xứ này một bài học về cuộc xâm lăng Kampuchia vào dịp lễ Giáng Sinh 1978. Tuần này, 16 ủy viên thâm niên nhất của CSVN, kể cả ủy viên chính trị bộ Nguyễn Đức Bình (kiêm trưởng ban Tư Tưởng của CSVN), đã nhất tề sang Trung Quốc để lãnh hội một bài học không công khai và thuộc một dạng khác, là làm thế nào để cải cách nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà đảng không bị tước mất quyền lực”. Ký giả Nayan Chanda đã mở đầu bài báo bằng đoạn trực dẫn như trên.


Không mấy ai rõ những phát biểu của Lê Khả Phiêu trong chuyến Âu du vừa qua, nhưng nay thì cả thế giới đều được đọc một tuyên bố “dập đầu” của đương sự với một phái đoàn Bắc Kinh qua Hà Nội mới đây, cũng do Nayan Chanda trích dẫn bằng hàng chữ đậm cỡ lớn in rời cạnh bài báo: “Nếu Trung Quốc thành công trong những cải cách của họ, chúng tôi sẽ thành công. Nếu Trung Quốc thất bại, chúng tôi sẽ thất bại theo”. Tức là vận mệnh của đất nước và tương lai của dân tộc đang được CSVN đặt trọn vào canh bạc bịp của một quan thầy từng bị Hà Nội cực lực lên án trong suốt giai đoạn 1979-1991 là “kẻ thù truyền kiếp”. Không một ai ngạc nhiên khi tờ Viễn Đông Kinh Tế cho đi tựa bài báo này ngoài bìa là “Việt Nam: Ngủ Với Kẻ Thù”.


Bài báo phân tích tiếp về nguyên ủy của lời trần tình nhất bộ tam bái đó, về sinh hoạt của đoàn tư tưởng VN qua hai ngày học tập lý thuyết và mấy ngày tham quan tiếp theo do các sư phụ Bắc Kinh giảng dạy, hướng dẫn. Đáng quan tâm là tình hình “giao lưu” giữa hai nước. Năm 1998 có tổng cộng 148 cuộc tiếp xúc song phương, với 52 lần ở cấp thứ trưởng trở lên. Năm 1999, số lần tiếp xúc cao cấp đó tăng lên con số 80, kể cả chuyến đi của Phiêu sang bái kiến Giang Trạch Dân và bái lãnh “16 chữ vàng” hữu nghị. Giới “quyền chức” trong nước còn cho biết là Phiêu đã thân hành khấu tấu Bắc Kinh trong một chuyến đi “tối mật” hồi đầu năm nay để cẩn báo về trường hợp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William Cohen viếng thăm Hà Nội.


Tất cả đã xảy ra song song với tiến trình Trung Quốc thụ hưởng quy chế tối huệ quốc của Mỹ và chuẩn bị gia nhập WTO. Cùng lúc đó cũng là giai đoạn nảy sinh quyết định của Bắc Bộ Phủ ngưng ký kết hiệp ước mậu dịch Hoa Thịnh Đốn-Hà Nội lẽ ra được thực hiện hồi tháng 9 năm ngoái tại Tân Tây Lan. Đối với giới “hữu quan” bên trong VN thì quyết định đó bắt nguồn từ sự lo sợ bị mất quyền lực vì thiếu hiểu biết và thiếu khả năng thi hành hiệp ước mậu dịch với Mỹ. Đối với giới bình luận ngoại quốc thì VN nhất định không thể qua mặt quan thầy. Cho đến sau khi Bắc Kinh đạt được quy chế tối huệ quốc vĩnh viễn với Mỹ, Vũ Khoan liền được Hà Nội đề bạt lên thay thế Trương Đình Tuyển trong chức vụ bộ trưởng Thương Mại, như thể là một “con người mới”. Quan trọng hơn, sau khóa học của Nguyễn Đức Bình vừa rồi, Hà Nội lập tức tổ chức Hội Nghị Trung Ương Đảng lần 10 khóa 8, và Vũ Khoan được chính thức cử sang Hoa Thịnh Đốn để gầy lại cuộc đàm phán với Mỹ vào đầu tháng Bảy này. Rõ ràng là sự “thống nhất quan điểm” không phải chỉ đơn thuần là của nhóm câu lạc bộ chính trị Ba Đình. “Sợi chỉ đỏ xuyên suốt” có đầu mối dài tận Trung Nam Hải, Bắc Kinh!


Nói theo kiểu “ngủ với kẻ thù” của Nayan Chanda, toàn đảng Ba Đình đang thủ cả hai vai, vừa ma-cô vừa gái-gọi. Nhưng đâu đã hết. Hội Nghị Trung Ương lần 10 khóa 8 còn là dịp cuối của đảng này để chuẩn bị nhân sự cho Đại Hội Khóa 9. Trong đó, Lê Khả Phiêu cũng đang chập chờn ý định thủ diễn hai vai. Điều chưa rõ chinh là khả năng “hiệp thương” để tóm thâu quyền lực của Phiêu: Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, như Tàu; hay, để làm “lịch sử”, biết đâu Phiêu lại ngấp nghé ghế Tổng bí thư kiêm …Thủ tướng?

Chân Dung Người Cộng Sản


Khuynh hướng kiêm nhiệm đó có thể là điều khó hiểu đối với nhiều người. Tuy nhiên, nhu cầu tóm thâu quyền lực lại không có gì cần phải minh chứng thêm.


Hồi cuối tháng 5 vừa qua, đại học Trinity của Mỹ vừa trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự cho ông Nguyễn Xuân Oánh, một kinh tế gia xuyên chế độ của Việt Nam, trước đây được biết nhiều qua tiếng tăm của vợ là nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng. Theo tin tức báo chí trong nước thì tiến sĩ Oánh là người VN đầu tiên được nhận văn bằng này, “do những đóng góp của ông về lý luận sách lược phát triển kinh tế trong thời gian qua”. Tuy nhiên, dường như tình hình kinh tế VN không làm sáng tỏ mấy tài năng của ông. Hay đúng hơn, chế độ chính trị hiện tại không giúp ông hoặc bất kỳ ai khác có thể phát huy được hết tài năng. Chứng cớ?


Phan Văn Khải đã chủ tọa phiên họp thường kỳ của “chính phủ” hồi đầu tháng, với những báo cáo khó khăn như “phim bộ nhiều tập” về các mặt tình hình ứ đọng hàng công nghiệp, đầu tư ngoại quốc tiếp tục tuột dốc, địa phương chậm giao nộp ngân sách,” đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn chậm, giá cả tiếp tục giảm, đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, một số tệ nạn xã hội còn chưa khắc phục có hiệu quả… Trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, một bộ phận không nhỏ công chức Nhà nước có liên quan vẫn chưa thay đổi kịp về tư duy cũng như cách thức làm việc phù hợp”…. Trong dịp họp thường kỳ này, phó Thủ tướng CSVN Nguyễn Công Tạn đã nêu hai đề nghị rất vui:

  • Một là “mỗi người sản xuất đều có trách nhiệm tìm ra giải pháp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ”; và

  • Hai là “phải chuyển từ cung cách ‘làm ra để ăn’ sang ‘làm ra để bán’”.

Những đề nghị vui đó, dù không làm gia tăng uy tín của tác giả, nhưng dẫu sao, cũng tương đối “vô thưởng vô phạt” trên đấu trường chính trị của đảng. Và dẫu sao, mọi khó khăn kéo dài nhiều tập kể trên cũng chỉ là …chuyện nhỏ. Thế thì chuyện lớn nằm ở đâu?


Trên một bài phóng sự của tờ Lao Động về tình hình thiếu gạo ở tỉnh Gia Lai, phóng viên Nguyễn Thịnh đã báo động mức độ “đói gay gắt” ở đây suốt 3 tháng qua, ngay sau mùa gặt Đông-Xuân: “Rất nhiều vùng người dân phải ăn củ rừng, phải bán non sản phẩm, phải mua gạo hạng bét với giá ‘nhà giàu’, đến 5.500 đồng/kg. Và hàng nghìn học sinh nông thôn đã phải bỏ học…”. Tác giả tổng hợp thực tiễn tại chỗ rồi “nhân rộng” ra cả nước để kết thúc bài báo như sau: “Rõ ràng trong chiều sâu thực trạng, Gia Lai ‘không thiếu gạo’ mà thiếu sự vận hành hiệu quả từ cỗ máy công quyền”.


Xem ra đã có Phan Văn Khải đồng ý. “Kết Luận” của Khải vào cuối cuộc họp thường kỳ nói trên là phải: “Tăng cường kỷ luật hành chính, thực hiện nghiêm các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm trật tự, kỷ cương và tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy Nhà nước”. Xem ra cũng khá gần với ý kiến của Lê Khả Phiêu. Đầu mối chính là giới đảng viên đang là cán bộ thượng tầng lẫn hạ cấp trong cỗ máy xôi thịt đó.


Cũng có nghĩa là ống thông giữa đảng và nhà nước bị tắt ở mọi chặng: Đảng không “chỉ đạo” được nhà nước. Ngược lại, nhà nước không thể quyết định và cũng không “điều” được đảng viên. Đã vậy, ở cấp cao nhất của đảng vẫn còn giăng mắc lắm thứ tròng chéo phức tạp. Ngay chuyến Âu du vừa rồi của Lê Khả Phiêu vẫn còn phải “quân bình nhân sự” bằng tình trạng hiện diện vô tích sự của Nguyễn Tấn Dũng, vốn được coi là “gà của Kiệt”, “đệ tử của Oánh”, lại được tiếng với Mỹ là sốt sắng giải quyết mọi trở ngại cho phái đoàn thương thuyết ký kết sơ bộ về hiệp ước mậu dịch hồi tháng Bảy 1999. Hay, Nguyễn Đức Bình, sau khóa “Bắc Kinh 2000” do sư phụ Lý Thiết Ánh tôi luyện, đã về nước với bản phúc trình tốt nghiệp hoàn toàn in đậm dấu ấn của Đỗ Mười…. Tức là phải vô tâm lắm người ta mới có thể …thiếu thông cảm với tổng bí Khả Phiêu.



Đâu chỉ các ông Nguyễn Hộ hay Trần Độ mới phải than rằng đảng bây giờ đã khác xưa? Hơn ai hết, Lê Khả Phiêu mới là kẻ đại diện tầm vóc của trường phái “hoài cổ”. Chứng cớ? Các ủy viên trụ cột Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa vừa mới “Tổ chức nghiệm thu đề tài ‘Làm người cộng sản trong giai đoạn hiện nay’“. Theo báo Nhân Dân thì sau 25 năm “thống nhất”, “Đây là lần đầu tiên vấn đề đảng viên được tổ chức nghiên cứu một cách cơ bản, có hệ thống trong khuôn khổ một đề tài, chương trình cấp Nhà nước, cho nên ít kế thừa được các kết quả nghiên cứu trước, nhiều vấn đề phải đi từ gốc, nhưng không thể né tránh những vấn đề bức xúc đặt ra trong công tác đảng viên hiện nay”. Vấn đề gì?


Nhỏ là buôn lậu, cửa quyền, tham nhũng, biển thủ, bán đề thi, xài bằng giả, phá rừng, bán đất công, trộm thuế, làm chứng từ giả v.v… Cụ thể là vụ “Ăn cắp công quỹ hàng chục tỉ để đánh đề“ ở Hà Giang tháng trước. Hay mới nhất là vụ “Đục khoét gần 2 tỉ của huyện nghèo đói để mua nhà cho vợ bé” ở Cần Giờ…. Còn lớn là “bấp bênh tư tưởng”, ôm giữ quốc doanh, cho vay bất cập, sứ quân cát cứ, bất chấp nghị quyết v.v…. Hoặc, kéo bè kết cánh thanh trừng lẫn nhau. Tiêu biểu như vụ Ngô Xuân Lộc, Trần Xuân Giá mấy tháng trước, và gần nhất là vụ “Tổng Cục 2 (TC2) của bộ Quốc Phòng”, chẳng hạn.


Một bản cáo trạng ký ngày 29-11-1999 bởi “Một số cán bộ TC2-BQP chưa nghỉ hưu, đang sống và làm việc tại những thành phố lớn” gửi tới QH, đại biểu ĐH8 đảng CSVN và Viện lịch sử VN, yêu cầu làm rõ nhiều điều liên quan đến TC2:

  • Một là các vụ tham nhũng ở Vụ tài chánh của TC2, nêu đích danh Vũ Quốc Bằng thực hiện “chuyến du lịch thế kỷ xuyên lục địa” tốn mất hàng trăm nghìn USD.

  • Hai là bộ máy TC2 đã trở thành cơ quan của gia đình ủy viên Vũ Chính với đặc tính chung là “xôi thịt, nhố nhăng, kệch kỡm, thô bỉ, lố bịch, nhu nhược”…

  • Ba là bất kỳ ai nêu ý kiến xây dựng đều bị “trù úm, vùi dập, đẩy về hưu, vô hiệu hóa”.

  • Bốn là “tư tưởng hoài nghi bao trùm và lo sợ, dễ dẫn đến độc tài, thâu tóm quyền lực”, và tại sao TC2 được làm bản “Tin Riêng” và dùng để phục vụ lợi ích cá nhân nào?

  • Năm là “không để quân đội chỉ huy đảng”, càng không để TC2 chỉ huy đảng.

  • Sáu là “Cấp trên phải tập nói ‘KHÔNG’ khi TC2-BQP đưa tiến quà đến ‘kính biếu’“.

  • Bảy là “Ráng khắc phục nạn tùy tiện, thô bạo. Nên từ bỏ thói ‘bề trên’, ‘ban ơn’“.

  • Tám là “kiên quyết xóa cho được tệ nạn ô dù, bao che, vin cớ giữ gìn ‘uy tín’ cho lãnh đạo cao cấp, thực chất là dung túng cho tội ác”.

  • Chín là “Khắc phục bệnh háo danh, khoe khoang… chạy chọt xin huân chương, xin danh hiệu anh hùng”.

  • Mười là “Chúng tôi lên án tình trạng vô chính phủ, thói tắc trách. Đồng thời lên án hành vi độc tài, tệ gia đình trị, kiểu ‘phong kiến tập quyền’“.

  • Mười Một, “Yêu cầu… trước hết là cán bộ cao cấp hãy dũng cảm… nhìn thẳng vào sự thật, thừa nhận sai lầm, khuyết điểm và xử lý phù hợp”.

  • Mười Hai, “Đề nghị anh 6 Nam, anh Lê Khả Phiêu hãy dũng cảm nêu cao trách nhiệm trước đảng và nhân dân, không nên làm ô dù, bao che…”.

Tiếp theo cáo trạng đó, mấy bản “kiến nghị” mới nhất của “những cán bộ hết lòng bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng”, ký vào tháng 4-2000, đã lột truồng hết cả mọi vùng tối ám cung đình CSVN qua hàng loạt câu hỏi vì sao làm đau đầu “lãnh đạo”: TC2 là công cụ siêu quyền lực của riêng Lê Đức Anh và Đoàn Khuê? TC2 đã xài 10 triệu USD để lập mạng truy quét điện thoại di động VMS? TC2 thay thế cho Ban bảo vệ Nội bộ để dứt điểm Ngô Xuân Lộc? Có thật Nguyễn Cơ Thạch, Ngô Điền, Trần Huy Chương là những kẻ bán nước? Có thật Võ Thái Hòa, Hoàng Ngọc Nhất, Đặng Tính, Nguyễn Khánh Toàn không biết làm an ninh? Có thật Lê Đức Anh không thích Phan Văn Khải nên dùng Nguyễn Thái Nguyên để phá phe “chính phủ”? Có thật Lê Đức Anh và Vũ Chính đã dùng Đặng Hà làm mỹ nhân kế để “khống chế Lê Khả Phiêu”? ….


Chỗ nào lửa, chỗ nào khói? Điều đó có thể khó phân biệt tận tường, nhưng nhìn chung, cả bản cáo trạng lẫn hai bản kiến nghị vừa nêu đã vẽ truyền thần một mẫu chân dung tiêu biểu của hàng ngũ những “người cộng sản trong giai đoạn hiện nay”, đứng đầu là Lê Khả Phiêu.

Tàu Hỏa Trật Bánh


Mới hay, cuộc đảo chính giữa nhiệm kỳ hồi 1997 của Lê Khả Phiêu không êm xuôi theo kiểu “đầu đi đuôi lọt” như người ta tưởng. Càng rõ ra nữa là chuyến Tây du vừa rồi của Phiêu, cứ ngỡ sẽ dùng được uy thế bên ngoài để trấn áp bên trong, không ngờ chẳng thấm thía gì! Bởi, còn ai rõ Phiêu hơn Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh? Cả ba tay “cố vấn” này chưa hẳn đã chung phe, nhưng cùng có hai điều chắc chắn:

  • Một là cả ba đều còn khá đông thuộc hạ, kể cả thuộc hạ quân đội.

  • Hai là cả ba đều có “gà nhà” cho mọi cuộc tranh đua vào khóa 9.

  • Ba là, quan trọng nhất, cả ba đều thuộc phía đối đầu với tay tổng bí trẻ “soán ngôi”.

Đó chỉ mới là các cánh “nội thành”. Phía ngoại thành, người ta không thể quên “anh Văn” Điện Biên Võ Nguyên Giáp. Cũng còn đông thuộc hạ, nhất là hàng ngũ bộ đội cựu trào. Cũng có “gà nhà” cấp trung ương đảng. Và cũng không mấy ưa tay tướng trẻ của chiến trường Kampuchia. Mới đây, nhân một cuộc hội thảo ở Hà Nội, bài tham luận “Nắm vững quan điểm thực tiễn” của Võ Nguyên Giáp được ghi nhận là có nhiều nhận định đúng, thẳng, và mô phạm:


“Chúng ta vẫn phải nắm vững quan điểm thực tiễn, một lần nữa dũng cảm nhìn vào sự thật, thấy rõ rằng nước ta vẫn còn là một nước lạc hậu và nghèo nàn trên thế giới. Thu nhập đầu người còn thấp hơn hàng mấy chục lần so với các nước trong khu vực và hàng trăm lần so với các nước tiên tiến. Trình độ công nghệ so với các nước trung bình thì còn lạc hậu hơn mấy thập kỷ, so với các nước tiên tiến thì gần cả trăm năm. Trong khi các nước phát triển đã đi qua hai cuộc cách mạng công nghiệp và bước vào nền kinh tế tri thức thì nước ta mới bắt đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa. Sự phát triển siêu tốc của cách mạng khoa học công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa dưới sự chi phối của một số siêu cường và tập đoàn tư bản xuyên quốc gia như một cơn lốc đang lôi cuốn cả hành tinh…. Rõ ràng nước ta đang đứng trước những thách thức cực kỳ quyết liệt”.


Ai thách ai? Phần đất còn sót lại của chiến tranh lạnh là bán đảo Triều Tiên cắt đôi dường như đang dính lại với nhau bằng những cái bắt tay. Kim Đại Trung chính thức Bắc du. Kim Chính Nhật bỏ thói lên gân, lại thường pha trò cho Đại Trung phu nhân cười mỉm. Hai Kim vá một nước. Thực phẩm Nam Hàn trên đường Bắc tiến, mở đường cho sản phẩm công nghiệp cao. Kế hoạch đoàn tụ thân nhân (và nạn nhân) hai miền đang được lên khung. Lằn ranh vĩ tuyến ô nhục ở đây đang được xóa nhòa bằng những nụ cười, như bức tường Bá Linh của 10 năm trước đây bị phá tan bằng búa tạ. Mới hay sức nặng của những nụ cười nghìn lượng đã án ngữ các kho đạn hạch nhân. Cùng hàn gắn hai nửa Đại Hàn là xu thế không cưỡng lại được nữa, khi toàn thế giới đã chú mục vào điểm nguội Đông Bắc Á. Hoa Kỳ cởi bỏ một phần cấm vận Bình Nhưỡng và tặng thêm gạo bắp. Cả Bắc Kinh lẫn Mạc Tư Khoa đều hể hả kể công góp phần hóa giải thế đối đầu. Hai nhóm vận động viên Nam-Bắc Hàn sẽ cùng diễn hành chung một đoàn tại Thế Vận Hội 2000 ở Sydney…. Hạnh phúc cứ như từng đợt sóng tràn qua eo biển Triều Tiên.


Ngoảnh lại Việt Nam. Nhẩm tính cái giá “cắt chia” và “thống nhất” đất nước. Hóa ra hàng mấy triệu con người ngả gục trước đạn thực dân là để Phạm Văn Đồng ký vào hiệp định Genève chia đôi đất nước. Rồi sau đó, hàng mấy triệu thanh niên khác được đảng tình nguyện cho sinh Bắc tử Nam là để có ngày nay “nước ta vẫn còn là một nước lạc hậu và nghèo nàn trên thế giới. Thu nhập đầu người còn thấp hơn hàng mấy chục lần so với các nước trong khu vực và hàng trăm lần so với các nước tiên tiến”, hay, “rõ ràng nước ta đang đứng trước những thách thức cực kỳ quyết liệt”, như người hùng Điện Biên nhận định!


Tờ Tin Tức trong nước loan tin tai nạn đường sắt ngày 2-6-2000: “tàu Thống Nhất trật bánh ở Quảng Bình, một người chết, 14 người bị thương”. Thật ra, đoàn tàu lớn của Việt Nam, cũng mang tên Thống Nhất, đã trật bánh từ 1975 và cho tới nay vẫn còn chạy không ray. Số người chết và bị thương không đếm xuể.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page