2000.07 – Hoa Cuối Mùa Sặc Sở Đến Lo Âu
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 26 min read

Từ rất lâu trước khi Hà Nội ký bản Thương Ước với Hoa Thịnh Đốn, nhà thơ Olga Bergon đã viết như vậy. Nghe ra không khác một lời tiên tri.
Thời sự tháng qua ở Việt Nam là những trang phản luận đầy thuyết phục giữa thực tiễn vô vàn lo âu với mớ tuyên truyền hoa hòe sặc sở.
Ai Mua Băng…?
Tháng Bảy là mùa thi cử. Có cả thảy 2642 học sinh “được chấp nhận tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng”, tương đối vừa sít với con số cán bộ đầu não các ngành. Một triệu rưỡi thí sinh còn lại đều phải “đăng ký thi tuyển trong cả hai đợt”, kéo theo khoảng vài ba triệu bố mẹ bỏ sở để thấp thỏm đón đưa. Tính riêng khoản tiền lệ phí phải đóng đã lên tới 75 tỷ đồng. Tính tổng cộng tiền chi cho một mùa thi mà “nhà nước và nhân dân cùng tốn” là khoảng 200 tỷ đồng, tức 1/7 ngân sách giáo dục cả nước trong một năm.
Tác giả Hoàng Điệp ở Đà Nẵng cho biết là cách tổ chức cuộc thi quá sức nhiêu khê cho sĩ tử cả nước. Không kể tình trạng “ách tắc giao thông” khắp nơi mà các báo đều đi tin, nhiều sĩ tử đã chết ngay trên đường ứng thí. Cụ thể là 5 học sinh ở tỉnh Hòa Bình đi cùng xe vào Nam phó hội, chỉ 1 em sống sót sau vụ xe tuôn xuống hố. Hai tai nạn rùng rợn khác tại Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng giết mất hàng chục thí sinh.
Ở mặt khác, bản tin sơ khởi của bộ Giáo dục Đào tạo cho biết trong đợt 1 đã “Có 184 trường hợp bị khiển trách, 165 trường hợp bị cảnh cáo, 494 thí sinh bị đình chỉ thi… 3 cán bộ coi thi của Trường Cao đẳng Kiểm sát bỏ phòng thi ngồi nói chuyện đã bị đình chỉ“. Đó chưa phải tổng kết. Đến đợt hai, “Mặc dù số lượng dự thi thấp hơn đợt I, song số lượng thí sinh vi phạm tăng hơn. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối ngày 12.7 đã có 564 thí sinh bị khiển trách, 664 thí sinh bị cảnh cáo, 2.830 thí sinh bị đình chỉ thi… Tổng số thí sinh vi phạm quy chế (kể cả cảnh cáo và khiển trách) tại Hội đồng thi đại học Quốc gia Hà Nội (khối C) chiếm xấp xỉ 10% số thí sinh dự thi”.
Lại có 1714 thí sinh tại 3 điểm thi của Trường Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp ở Sài Gòn chịu hậu quả nghiêm trọng vì đề thi sai. Hội đồng Tuyển sinh và Ra đề đã ghi “nhầm” 400 gam thành 400 kýlôgam, và dây UAB thành dây UAM. Khi thí sinh phát hiện các điểm sai, hội đồng này khẳng định là không sai và buộc các em phải tiếp tục làm bài. 2-3 thí sinh bỏ ra về. Hội đồng này xứng đáng được tuyên dương là khuôn mẩu “phản ảnh” đúng cách ứng xử thường xuyên của lãnh đạo đảng: Lỗi thuộc về khâu đánh máy!
Tại Quy Nhơn lại có cô giáo Nguyễn Thị Cẩm, đang lúc coi thi, nhân tiện làm bài giúp học trò. Cô bị “kỷ luật” chuyển đổi khỏi trường cũ. Tại “thủ đô”, thí sinh Trịnh Thu Thúy bị thí sinh ngồi cạnh buộc phải cho “mượn” bài. Em Thúy từ chối thì bị người hỏi mượn giật lấy bài và xé tan ra trước giờ nộp. Hẳn là gia đình người mượn bài phải ở dãy biệt thự quanh khu Ba Đình mới có đầy đủ tác phong lãnh đạo như thế. Tại phòng thi của Học viện Quan hệ Quốc tế, một thí sinh khác cũng hỏi “mượn” bài như trên và đã gạch chéo vào bài thi của thí sinh không chịu cho mượn.
Xem ra, mối quan hệ quốc tế đã định hình ngay từ ngày đầu thi cử của các nhân viên ngoại giao XHCN tương lai. Nếu chẳng thế thì dễ gì đào tạo ra được những đợt đại sứ mò sò như Lê Văn Bàng ở Mỹ.
Cao hơn một bậc, một thí sinh đe dọa người ngồi cạnh tại phòng thi trường Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội, bị giám thị lập biên bản, bèn biểu diễn ngay “bề dày nhân cách” XHCN: giằng xé tờ biên bản và toan hành hung cả giám thị. Lúc được “công an can thiệp” còn tuyên bố rằng “đằng nào cũng chẳng có gì để mất cả!”. Biện pháp? Giám thị được khuyến khích viết “nhật ký phòng thi” để bàn giao lại ca sau những trường hợp đáng nghi.
Lại có trường hợp những thí sinh vào phòng thi “trông già hơn ảnh trong album phòng thi”. Hoặc 1 người lấy 2 thẻ dự thi cùng giờ cho 2 ngành khác nhau. Và rất nhiều trường hợp thi hộ rất tinh vi. Riêng ở đại học Luật tại Hà Nội, có thí sinh đã nhờ tới hai người trùng tên đi thi hộ, “vụ việc” chỉ được phát giác khi cả hai người này cùng lều chõng vào giành một ghế. Ngành Luật ở Hà Nội bắt đầu như thế đấy. Nên mới đủ sức phát minh ra loại bản án dành cho các ông Lê Hồng Hà, Nguyễn Xuân Tụ, Mai Thái Lĩnh….
Nhìn chung, tình hình thi cử hàng năm không mấy khác nhau. Sĩ tử cả nước phải tranh nhau với tỷ lệ 1 trên 10. Gay go là vậy, nhưng sau bốn năm đại học sẽ được gì? Ông Vũ Khắc Thái, TGĐ Cty may Đồng Nai cho biết: “trên tổng số 25.000 lao động… có 10 cử nhân các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh làm công nhân trực tiếp sản xuất”. Báo chí ở Hà Nội còn gióng chuông báo động sinh viên đại học Y khoa tốt nghiệp xong đi bán thuốc… lá. Trong khi “một số không ít cán bộ” có thu nhập cao của các ngành đang sử dụng bằng giả: “Tính đến hết tháng 5-2000, theo báo cáo của 55 tỉnh, thành phố và 150 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đã phát hiện 2457 văn bằng không hợp pháp”. Rõ là Phi thương bất phú! Riêng tại Sài Gòn, trong số 2992 văn bằng được “kiểm sát đối chiếu” đợt đầu, đã có 274 văn bằng bất hợp pháp, kể cả tại trường Luật.
Tác giả Tương Lai, một nhà xã hội học tại Hà Nội đã nhận xét: “Xưa dứt khoát phải có thi rồi mới cử. Ngày nay, đa số cán bộ lại được cử rồi mới thi. Thế mới có chuyện các kiểu chạy: chạy thầy, chạy hội đồng thi, chạy điểm, chạy bằng… Bởi vậy mới có tình trạng người có bằng giả thì ngồi đấy, người có bằng thật thì thất nghiệp….Bởi thế mới có đến 65% giám đốc và tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của xứ ta không có khả năng đọc và hiểu được quyết toán tài chính hàng năm”.
Lại nhìn chung lần nữa, hệ thống giáo dục đào tạo của CHXHCNVN đã “đạt nhiều bước thắng lợi” về mặt chính sách, cả hai đầu vào lẫn đầu ra, với một khẩu hiệu mới: Học tài, Thi tiền, vẫn kém Bằng mua. Hàn Mặc Tử, nếu còn sống, ắt đã phải “hiệp thương” cùng thi sĩ Bút Tre, rao lại: Ai mua băng (bằng), tôi bán băng (bằng) cho….
Dân Nghèo Tại Dân? Nước Lụn Tại… Nước?
Hệ quả của những bước thắng lợi liên tục đó là gì? Hãng thông tấn AP vừa đi một bản tin về 193 ca tham nhũng ở Hà Nội, gắn liền 309 cán bộ với 124 tỷ 840 triệu đồng, 38.623 m2 đất mặt tiền quý như vàng và gần 4 triệu USD tiền mặt. Tầm vóc nhất trong số cán bộ cao cấp đó là những “cây đại thụ” Ngô Xuân Lộc, Trần Xuân Giá, Cao Sĩ Kiêm….
Phổ quát hơn trong dân là tình trạng loạn phí. Tại VN hiện có 9-10 loại thuế, nhưng phí và lệ phí có đến 60 nhóm. Ở một số tỉnh, thành phố, số khoản phí, lệ phí đã lên trên 100. Ấy cũng chỉ là áng chừng. Bởi theo chuyên viên thuế vụ Huỳnh Huy Quế, “Thực trạng phổ biến phát sinh là hầu như khi người dân có việc phải nhờ đến cửa quan, từ cấp xã đến một số ngành ở Trung Ương, thì thủ tục đầu tiên mang tính công khai là phải nộp một khoản ‘phí dịch vụ’ với nhiều tên gọi khác nhau và mức thu chẳng biết căn cứ vào đâu mà định”. Chưa tính các phong bì không công khai và không tên gọi. Còn theo Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngân hàng và các Tổ chức Tài chính Phạm Thị Tuất: “Nhiều loại phí, lệ phí thu không đủ cơ sở pháp lý, không có đạo lý, áp đặt, gắn với thủ tục phiền hà. Nhiều cơ quan thu phí, lệ phí sử dụng không đúng chứng từ thu phí nhằm giấu nguồn thu, tránh kiểm tra”. Nghĩa là cứ đè dân ra mà tróc nã rồi bỏ túi riêng.
Cũng từ đầu ra thắng lợi của ngành đào tạo ưu việt nói trên, Cty Quản lý Phát triển Nhà của quận Bình Thạnh đã gõ đũa thần vào 13 ngàn thước vuông đất nông nghiệp ở số143-16 Xô Viết Nghệ Tĩnh, biến thành đất thổ cư, chia lô ra bán, “để ẵm vài chục kilôgam vàng” (không đánh máy nhầm). Sau đó tới phiên khu đất 19 ngàn m2 ở phường 25, rồi tới 3307m2 ở số 346 Phan Văn Trị. Sau cùng là khu đất 22 ngàn m2 mang số 3B Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc quận Bình Thạnh, và khu đất 12.346m2 ở số 97 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức. Vẫn ở cấp huyện, UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã lấy 880.000m2 đất Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú cấp cho hàng loạt cán bộ từ cấp tỉnh đến xã. Riêng Đỗ Quan Phú Cường, phó chủ tịch UBND xã Thuận Quý, người tích cực thực hiện các quyết định “chia đất” của UBND huyện, được cấp tổng cộng đến 69.650m2 đất, và sau đó vẫn ung dung ứng cử vào HĐND xã nhiệm kỳ 1999-2004.
Lên cấp tỉnh, theo báo cáo ngày 5-7-2000 của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Trị, cho đến nay, sau hơn 10 năm vay tiền với kỳ hạn vay 5 năm, tại QT vẫn còn 116 cán bộ cấp tỉnh không trả nợ vay của ngân sách tỉnh với số tiền nợ vượt quá 265 tỷ đồng. Còn ở mức “cá thể”, chủ tịch UBND Hoàng Công Kỳ của xã Cam An, huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị – đã để ngoài sổ sách kế toán số tiền lên tới trên 250 triệu đồng và đã “chi phí tiếp khách” hết 41,8 triệu đồng. Theo báo Lao Động, “Để có tiền ăn nhậu, tiêu xài,… ông Kỳ đã ‘chủ trương bán đất trên giấy’ và thu của dân gần 80 triệu tiền đặt cọc”. Đặc biệt, quán nhậu trước cổng trụ sở UBND xã được hạch toán tổng số tiền phải nộp vào ngân sách xã là trên 19 triệu đồng. “Thế nhưng, UBND xã chỉ thu 2.400.000 đồng, số tiền còn lại trên 17 triệu đồng UBND xã để lại… trừ tiền ăn nhậu”. Được biết, ông Kỳ hiện đang kiêm nhiệm chức Trưởng công an xã Cam An – người canh giữ pháp luật toàn xã. Mới biết cái tiện khi tự sắm hai vai.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ngọc Thảo tên là Trần Thị Hiếu. Không một ai biết chắc đương sự đã từng thi cử lần nào chưa. Nhưng nếu có ắt phải đậu hạng tối ưu, căn cứ vào “tài” chiếm đoạt 295,5 tỷ đồng và hơn 3 triệu USD từ các ngân hàng có các giám đốc treo đầy bằng thật/giả trên vách. Tương tự, bốn “chiến sĩ Hải quan Hồng Lĩnh” đã thành công lớn trong vụ buôn lậu 5612 xe gắn máy qua cửa khẩu Cầu Treo – Hà Tĩnh, với tổng trị giá trên 4 triệu USD. Trung bình mỗi người 1 triệu, biến thành “4 triệu phú hải quan”.
Ký giả Chu Thượng tổng kết toàn bộ thắng lợi của ngành giáo dục đào tạo CHXHCNVN bằng bài viết về “Những tội danh mới”. Theo đó, bộ luật hình sự 1999 có khoảng 33 tội danh mới hoàn toàn so với BLHS ban hành năm 1985. Trong đó, các tội danh không bị áp dụng hình phạt tử hình nữa là các tội Buôn lậu (vận chuyển trái phép hàng hóa , tiền tệ qua biên giới, môi giới hối lộ, trộm cắp tài sản…). Bên cạnh đó, theo Quyết định số 77-2000/QĐ-TTg của Phan Văn Khải, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu & gian lận thương mại (còn có tên là Ban Chỉ đạo 853 T.Ư) đã chính thức ngừng hoạt động kể từ ngày 13-7.
Đầu ra của hệ thống giáo dục & đào tạo nói trên còn sản xuất đại trà hàng loạt những tác giả nghị quyết thập loại. Ở cấp xã ấp có những “nghị quyết hội nghị liên tịch”. Chủ tịch Phùng Hữu Sáng của xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, vừa mới tung ra một nghị quyết hội nghị liên tịch quan trọng, với nội dung chính là phải tiêu hủy bằng hết số vịt do dân trong xã đang nuôi thả rong. Điểm 2 của bản nghị quyết lịch sử đó viết như sau: “Phải tổ chức liên tục, triệt để và xử lý tiêu hủy, không giải quyết phạt và không cho xin lại”. Ngay hôm sau, đích thân Chủ tịch xã lại ký một quyết định không số, trong đó Điều 2 cũng ghi rõ: “Số vịt tịch thu phải được tiêu hủy”. Thế là dân quân cả xã thi nhau lùa đập đầu vịt. Báo Lao Động đặt tên đó là “nghị quyết đập chết vịt” (đọc là chết dịch?). Cứ thế nhân lên, tới cấp trung ương sẽ thành nghị quyết Bộ chính trị. Dường như đã có lần ông Hà Sĩ Phu viết về một đàn vịt quần chúng nhân dân thì phải?
Một bài phân tích khác của ký giả Điệp Hoa có tựa đề “Dân trí hay quan trí ?”. Theo tác giả bài báo thì đừng quy trách ngay mọi vấn đề của đất nước cho tình trạng dân trí, bởi “càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy dân trí mới chỉ là một phần của vấn đề, mà phần còn lại cũng cực kỳ quan trọng, đó là nâng cao ‘quan trí’“. Những ví dụ cụ thể đưa ra cho thấy tình trạng phổ biến là “quan” này làm, “quan” kia phá, với tỷ lệ làm ít phá nhiều, “rốt cục sức người, sức của bỏ ra đều hóa công cốc”. Đó là chỉ mới bàn về môi trường. Chưa nói tới con người. Hay dân tộc. Để bổ túc thêm, phó chủ tịch Quốc hội CSVN Mai Thúc Lân tổng kết sinh hoạt của toàn bộ quan chức đảng viên: “Chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi bổ nhiệm cán bộ; chạy chỗ trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân chia ngân sách, xét duyệt dự án đầu tư, cấp quota…; và chạy tội khi bị điều tra, thanh tra, truy tố, xét xử…”.
Trong một bài phỏng vấn của báo Lao Động về sự kiện “giải mã thành công gene người”, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Trương Nam Hi trình bày về một số hướng ứng dụng của thành tựu khoa học mới mẽ này. Kết luận? “Sau khi nghiên cứu ra bộ gene, người ta thấy rằng, thực ra loài người chúng ta giống nhau tới 99,9% và đều xuất phát từ một nguồn gốc. Có nghĩa là: Tiềm năng của con người không khác nhau về vật liệu di truyền, bản năng di truyền, mà chính là do điều kiện giáo dục và môi trường ngoại cảnh”. Điều kiện giáo dục của VN thì như mới nói qua bên trên. Còn môi trường ngoại cảnh chính là cái chủ nghĩa xã hội phế thải mà Hà Nội đang cố đeo đuổi. Phỏng có cần hỏi đất nước mình lụn bại vì ai?
Cho Nó Biết Tay!
Trong tình trạng lạc hậu nghèo đói đó, toàn bộ guồng máy đảng và nhà nước đang ra sức vơ vét, và khoán trắng tương lai quốc gia cho… Lực lượng Thanh niên Xung phong. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng này, Phan Văn Khải đã đánh giá đó là “Lực lượng nòng cốt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nửa thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã khởi sự khai thác xương máu thanh niên miền Bắc cho mục tiêu phục vụ chiến dịch biên giới Cao Bằng – Lạng Sơn. Nhiệm vụ chính là đắp đường, cõng gạo, tải thương. Kéo dài qua cuộc chiến nhuộm đỏ miền Nam, xâm lăng Cam Bốt và chống trả Bắc Kinh. Lực lượng này chỉ trở thành đội ngũ đào mương dẫn nước cho các “công trình thủy lợi” trong thời hậu chiến. Hiện tại, theo Khải, “thanh niên xung phong đã đến những nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa tham gia phát triển kinh tế, xã hội”. Cụ thể là hiệp thương với “Chiến dịch Tình nguyện Mùa hè Xanh”, huy động sinh viên học sinh làm dân công đắp lại đường mòn Hồ Chí Minh thành xa lộ, kiến tạo một “công trình để đời” cho hai trào thủ tướng Kiệt-Khải.
Cũng với tinh thần đó, Lê Khả Phiêu khai mạc “Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ” vào tối 9-7, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đặc biệt, về dự Đại hội còn có cả đại biểu thiếu nhi “cháu ngoan” thuộc các nước Lào, Cam Bốt…. Nhân dịp này, Lê Khả Phiêu đã kêu gọi thiếu nhi phải “dũng cảm vượt qua khó khăn, trở thành những tài năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để kết luận, Phiêu nhấn mạnh: “Tổ quốc, Đảng, nhân dân và gia đình đặt niềm tin vào các cháu”. Cũng nhân dịp này, hầu hết các báo trong nước đều “tình nguyện” đục bỏ mọi thứ tin tức liên hệ tới các vụ đua xe gắn máy, hoặc những tin liên quan tới tổng lực lượng thiếu nhi bụi đời, ăn xin, đánh giày, bán báo, bán vé số và bới rác trên toàn quốc.
Đến ngày 18.7, tại Hà Nội, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư. Hữu Thọ đã “thông báo một tin vui” là trước nguy cơ mất chỗ đứng của toàn ngành, “Thường vụ Bộ Chính trị chuẩn y lấy ngày 1 tháng 8 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành công tác tư tưởng của Đảng”. Như vậy, theo ký giả Chu Thượng, nếu tính từ “Ngày Quốc Tế Đỏ 1-8” của năm 1930, thì ngày 1-8-2000 này sẽ là dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống đó, cho dù quốc tế đỏ đã từ lâu keo tan hồ rã. Tác giả bài báo bình luận là “Đúng quá đi chứ… Nói cách khác, đó là một vinh hạnh… không phải chỉ để nhớ lại, mà còn là để làm tốt hơn trách nhiệm của người làm công tác tư tưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong cuộc sống hôm nay”.
Rõ nhất của vị trí quan trọng đó là khóa học của Nguyễn Đức Bình tại Bắc Kinh vừa qua. Kết quả của nó là cả một thay đổi lớn trong toàn bộ triều đình thời Lê mạt: Hội nghị lần 10 khóa 8 được triệu tập. Bài tham luận “Đôi điều suy nghĩ về vận mệnh của chủ nghĩa xã hội” của Nguyễn Đức Bình được phổ biến.
Trước tiên, câu hỏi hóc búa nhất được bài lý luận này đặt ra là “phải chăng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung?”. Tất nhiên, câu trả lời “phải đạo” nhất sẽ là: “dù quanh co, phức tạp như thế nào thì lịch sử cũng tìm ra con đường đi cho mình và cuối cùng tương lai nhân loại nhất định thuộc về chủ nghĩa xã hội “(!)
Thứ nhì, khi Trung Quốc chủ trương “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, thì tất yếu đảng CSVN chủ trương “chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện và những đặc điểm Việt Nam… (với) Trọng tâm chú ý phải đặt vào những vấn đề mà các nhà kinh điển chưa thể dự kiến được và do đó các vị không để lại một lời nào rõ rệt cả”.
Thứ ba: thời đại ngày nay là gì và giai cấp nào đang đứng ở trung tâm thời đại? Theo Bình, “Thời đại chúng ta, về cốt lõi mà nói, vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại”. Do đó, “Phải nói rằng sự sụp đổ Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa là một trong những tổn thất lớn lao nhất của loài người trong cuộc đấu tranh cho tự do, là thất bại đau đớn nhất của phong trào xã hội chủ nghĩa… Bài học lịch sử ở đây có thể nói cải tổ là tất yếu nhưng sụp đổ lại không là tất yếu nếu có đường lối đúng, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin sáng tạo chứ không phải xa rời, phản bội lại học thuyết cách mạng của giai cấp vô sản” (!)
Thứ tư, “Sau khi tạm thời thắng thế trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản đang chuyển mạnh sang giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản độc quyền mà có người gọi là giai đoạn ‘chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa’… về cơ bản đó là quá trình tư bản độc quyền bành trướng ra phạm vi toàn cầu. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ, chúng ta, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thái độ và cần hành động như thế nào trước quá trình toàn cầu hóa? Câu trả lời của chúng ta là: ‘hội nhập’, ‘mở cửa’, dĩ nhiên trên cơ sở những nguyên tắc của chúng ta, vì lợi ích của chúng ta… (và) phải luôn nhớ hội nhập mà không hòa tan”. Vì sao? Theo Bình, không lo âu sao được, khi mà cả VN lẫn TQ, “ngoài độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia còn có con đường xã hội chủ nghĩa mâu thuẫn với toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối, khống chế, với sức ép đi con đường tư bản chủ nghĩa bằng tự do hóa, tư nhân hóa kinh tế, từ đó đi đến chuyển hóa về chế độ chính trị”.
Thứ năm, “Ngày nay, điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội của những nước chậm phát triển như Việt Nam khác rất nhiều so với thời Lê-nin, song tư tưởng của Lê-nin về vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn có giá trị phổ biến. Đương nhiên sự vận dụng những tư tưởng về thời kỳ quá độ của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin phải đặc biệt linh hoạt, sáng tạo và cần được bổ sung, phát triển thêm nhiều cái mới… Lại có người nêu ra đã lâu rằng: chúng ta chưa có đủ ‘tiền đề vật chất’ để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng cũng theo lối nói của Lê-nin, chúng ta có cách giải quyết, đó là ‘mượn tiền đề từ các nước tư bản phát triển’ “(!)
Tất nhiên, bài trường luận của Nguyễn Đức Bình không chấm dứt ở đó, mà còn chuyên chở khá nhiều những tượng tượng cực kỳ phong phú khác. Tuy nhiên, chỉ cần kết quả của khóa học Bắc Kinh, với lý luận thứ tư (hội nhập, mở cửa) và thứ năm (mượn tiền đề hay chỉ mượn tiền không đề) vừa nói thì cũng đủ để Vũ Khoan được bật đèn xanh cho chuyến đi Mỹ ký kết hiệp định thương mãi với Hoa Kỳ. Tất cả mọi vấn đề cơ cấu (ban bí thư hay thường vụ bộ chính trị) hoặc vấn đề nhân sự (tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước) vân vân… đều có thể tạm gác lại hạ hồi phân giải.
Quan trọng hơn hết, đủ để cho Phan Văn Khải tuyên bố trong dịp họp báo của Văn phòng Chính phủ CSVN vào chiều ngày 19-7 là “Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng rất thận trọng nhưng kiên quyết”. Ít nhất là cuộc “đấu tranh nội bộ” cũng phải có kết quả gì đó sau bốn năm thương lượng và nhất là sau một năm trời ký tắt rồi… tắt. Franklin Roosevelt đã từng để lại danh ngôn cho đời: “Điều đáng sợ nhất không phải là thất bại. Điều đáng sợ hơn là không dám làm gì”. Nghe ra có vẻ đập quỵ đám ngập ngừng được lắm.
Trong một bài phiếm ngắn tựa đề “Đường ôtô”, tác giả Lý Sinh Sự kể rằng: “Hôm vừa rồi tôi định liều mình làm một cuốc tắc-xi, mặc cả mãi tay súp-phơ vẫn khăng khăng: Quy định 2km đầu 14 nghìn, từ cây sau 6 nghìn, không đi thì đi xe ôm. Tức mình tôi cuốc bộ cho nó biết tay!”. Thực tế, tay “súp-phơ” chưa chắc biết tay, nhưng họ Lý hẳn đã tự …biết chân. Một năm cuốc bộ của Lê Khả Phiêu và bộ chính trị CSVN, kể từ đận ký tắt bản thương uớc, xem ra cũng không mấy khác.
Thật Là Có Ý Chí!
Hãy hiểu rằng đó không phải là một năm… “giản đơn”, nói theo báo Nhân Dân. Tổng mức đầu tư lý thuyết của ngoại quốc đổ vào VN (được coi là hàn thử biểu của chỉ số tăng trưởng kinh tế cả nước) chỉ tương đương với 1-4 số tiền Việt kiều gửi về giúp đỡ thân nhân và về thăm gia đình. Có quá nhiều lãnh vực mà “những người làm công tác quản lý kêu rằng…’lực bất tòng tâm’“. Đến mức, trước khi về chầu Mác, Phạm Văn Đồng đã từng cảnh báo rằng “tình hình nguy kịch không thể coi thường”…. Do đâu?
Trong nghị quyết số 10-2000/NQ – CP, Phan VănKhải đã nhấn mạnh:
Một là “Tình hình khiếu nại, tố cáo trong quý II có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp hơn, một số vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, mang tính tập thể, vượt cấp, gây ảnh hưởng trật tự xã hội”.
Hai là: “Việc tiêu thụ một số nông sản chủ yếu còn nhiều khó khăn, đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt thấp và phân tán”.
Ba là: “Tiến độ giải ngân chậm, đầu tư nước ngoài giảm sút”.
Bốn là: “Những bức xúc về mặt xã hội vẫn còn lớn…”.
Trong huấn từ bế mạc hội nghị BCH/TƯ lần 10 khóa 8 vừa qua, Lê Khả Phiêu cũng đã thú nhận: “Bốn nguy cơ mà Đảng đã cảnh báo là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, ‘diễn biến hòa bình’ và tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Đó là những khó khăn và thách thức lớn. Đặc biệt cần phải nhấn mạnh thách thức lớn nhất có tính chất cơ bản, lâu dài mà chúng ta phải đương đầu vẫn là tình trạng thấp kém của nền kinh tế, khoảng cách về trình độ phát triển giữa nước ta với nhiều nước trên của thế giới còn rất lớn, trong khi đó đất nước ta đi lên trong điều kiện cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt; trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đang diễn ra tệ quan liêu, tham nhũng và sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm nhức nhối xã hội…”.
Về chiến dịch phê và tự phê do Lê Khả Phiêu trực tiếp phát động 2 năm qua, ủy viên thường vụ thường trực bộ chính trị CSVN Phạm Thế Duyệt đã thẳng thắn đúc kết trong cuộc họp báo của Ban tư tưởng-Văn hóa Trung Ương vào sáng ngày 5-7 là: “Kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn đảng cho đến nay chưa đạt yêu cầu đặt ra”. Chính Lê Khả Phiêu cũng đồng ý trong diễn văn bế mạc hội nghị 10 vừa rồi: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức là nghiêm trọng… Tình trạng kèn cựa địa vị, tranh giành danh lợi, ‘chạy chức’, ‘chạy quyền’, mất đoàn kết nội bộ còn nặng nề ở nhiều nơi. Một số nơi để xảy ra căng thẳng giữa cán bộ với nhân dân… quan hệ giữa cán bộ với công nhân, nhân viên ở một số nơi chưa tốt. Sự thiếu thống nhất về tư tưởng, nhận thức, quan điểm, việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết Đảng và pháp luật Nhà nước chưa nghiêm… Công tác lý luận, tổ chức, cán bộ còn nhiều yếu kém… Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân phát triển,… còn mắc bệnh ‘nói nhiều, làm ít’, ‘nói nhưng không làm’, ‘nói một đàng làm một nẻo’…”.
Về Hội nghị BCH/TƯ lần 10 khóa 8 kết thúc với bốn vấn đề bế tắc cực kỳ đáng âu lo:
Đánh giá bối cảnh quốc tế và trong nước, thời cơ, thách thức và nguy cơ của đất nước (ở đây có nghĩa là đảng) trong những năm đầu của thế kỷ XXI;
Chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu;
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và mâu thuẫn hội nhập kinh tế quốc tế; và
Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Đảng trong tình hình mới (thương ước xóa chủ nghĩa). Chưa hết, toàn bộ dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2001-2010) và dự thảo Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm (2001-2005), dự thảo Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng trình Đại hội IX…. đều cần được gò lại theo hoàn cảnh đã ký kết vào bản thương ước với Mỹ mà một cố vấn của dàn ủy viên chính trị bộ CSVN có lần đã mỉa mai gọi đó là “văn bản giấy trắng mực đen của diễn biến hòa bình”.
Đó là chưa kể những dự phóng chỉ tiêu rùng rợn cho 2 kế hoạch ngũ niên kế tiếp:
Thứ nhất, “Đến năm 2010, tổng thu nhập quốc dân (GDP) sẽ tăng gấp đôi năm 2000, tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế đạt 30% GDP; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 50%;… về cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện nay”.
Thứ nhì, “Trong 5 năm 2001-2005 phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao và bền vững, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng rõ chất lượng về sức cạnh tranh của hàng hóa; tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát huy nhân tố con người, phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo; giải quyết vấn đề bức xúc về việc làm, cơ bản xóa đói, giảm mạnh hộ nghèo, ổn định và cải thiện vững chắc hơn đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc. Phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP ít nhất khoảng 7% một năm”.
Về mặt cắt xén guồng máy hành chánh, Phan Văn Khải đã vừa phải “Điều chỉnh, phân công nhiệm vụ của các phó thủ tướng” theo tinh thần thông báo số 77/TB-VPCP, lại vừa phải “Giải thể và chuyển giao nhiệm vụ của 22 tổ chức” theo tinh thần quyết định số 79-2000/QĐ-TTg. Theo tờ Tin Tức, đáng kể và có ý nghĩa “nguy kịch” nhất trong số tổ chức bị giải thể lần này là Ban Chỉ đạo xây dựng “Tầm nhìn đến năm 2020”; Ủy ban Quốc gia về An ninh lương thực; Ban Chỉ đạo Trung Ương dự án “Khôi phục hệ thống thủy lợi và chống lũ”; Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu Quốc gia xóa đói giảm nghèo; Ban chủ nhiệm Chương trình mục tiêu Quốc gia về Việc làm; Ban Chỉ đạo xây dựng điều hành “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; Ban Chỉ đạo của Chính phủ về Tổng rà soát và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật; Ban Chỉ đạo Trung Ương về Chính sách nhà ở và đất ở; Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm; Ban Chỉ đạo Trung Ương thí điểm thành lập quỹ tín dụng nhân dân….
Về một thị trường chứng khoán có quá nhiều trục trặc sau bao đận dời ngày khai trương. Theo ông Bùi Quang Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Cty phát triển đầu tư công nghệ (FPT), “Trở ngại lớn nhất là chế độ kế toán nghiệp vụ chứng khoán của nước ta chưa định hình, chưa rõ ràng, chưa ổn định, nhiều chi tiết nghiệp vụ thường xuyên bị thay đổi”, nên rất khó cho các nhóm thảo chương hoàn tất mọi đòi hỏi đúng thời hạn. Còn theo ông Nhữ Đình Hòa – Phó trưởng phòng nghiệp vụ III (Cty cổ phần chứng khoán Bảo Việt) thì: “Một trong những khó khăn rất lớn đối với người đầu tư hiện nay là phần lớn công chúng đầu tư đều chưa có khả năng đọc hiểu được bản tài chính công khai của các doanh nghiệp”. Ngược lại, “Các Cty Chứng Khoán cũng sẽ gặp khó khăn khi các nhà đầu tư ‘khó tính’ yêu cầu cung cấp toàn bộ cáo bạch của công ty họ quan tâm”.
Về hai chuyến khấu tấu phụ trội sau Nguyễn Đức Bình:
Thứ nhất là ủy viên bộ chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Minh Triết, dẫn đầu một phái đoàn sang “thăm hữu nghị” Bắc Kinh từ ngày 6-7.
Thứ nhì là Thượng tướng Lê Minh Hương, ủy viên bộ chính trị kiêm bộ trưởng Công An CSVN, làm Trưởng đoàn “thăm hữu nghị chính thức” Bắc Kinh từ chiều 11-7.
Giữa toàn bộ những điều “không giản đơn” đó, Hà Nội bị đẩy sát chân tường, ở vào thế không thể không ký bản thương ước với Mỹ mà họ từng lo sợ suốt một năm đình hoãn vừa qua.
Có lẽ chỉ độc nhất Lê Khả Phiêu là kẻ không thể tự hãm được các cơn lo, ngay từ hôm bế mạc hội nghị 10. Hãy nghe lại một câu ngắn trong bài diễn văn bế mạc của đương sự, khắc rõ: “Ban Chấp hành Trung Ương cũng đã thảo luận về một vấn đề rất hệ trọng là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta khẳng định và nhất quán chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm bảo đảm lợi ích của nước ta và để giữ vững độc lập, tự chủ về kinh tế; tranh thủ các thời cơ để hội nhập. Xác định độc lập, tự chủ, kinh tế là nền tảng vật chất cơ bản, bảo đảm sự bền vững của độc lập, tự chủ về chính trị; do đó phải có đường lối, chính sách kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên nguyên tắc bao trùm là bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường; hợp tác bình đẳng cùng có lợi, chống lại sự áp đặt không công bằng, không bình đẳng”. Chưa bao giờ người dân được cả dàn lãnh đạo đảng thường xuyên nhắc đến những từ ngữ “độc lập, tự chủ, bình đẳng và hội nhập quốc tế” dính liền và liên tục đến vậy.
Nếu quả thế thì cũng có lẽ chỉ độc nhất Lê Khả Phiêu hiểu rõ Niccolo Machiavelli hơn ai hết: “Khuyết điểm thành thói quen của con người là không thấy trước giông bão trong lúc đẹp trời”. Lý do?
Triển vọng xuất khẩu của một số mặt hàng Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới gồm có: Hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm da, hàng gốm sứ, cà-phê, hải sản, thực phẩm chế biến…. và cả rau cải, quả và hạt ăn được, hạt tiêu, chè, quế, gia vị, hay sản phẩm làm từ ngũ cốc…
Nhưng ngược lại, Hà Nội phải thực thi những điểm cam kết thuộc lãnh vực “cấm kỵ” xưa nay của trường phái XHCN: Tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư doanh. Tư hữu hóa quốc doanh. Đứng đắn thi hành và triệt để áp dụng luật pháp. Tôn trọng bản quyền theo tiêu chuẩn WTO. Kết toán sổ sách đúng tiêu chuẩn quốc tế và công khai minh bạch. Mở rộng thị trường đầu tư cho doanh nhân Mỹ vào các ngành truyền thông, tài chánh, pháp lý, xây cất, giáo dục, y tế du lịch…. Bãi bỏ dần chế độ giấy phép đầu tư hiện hành. Phổ biến luật lệ rộng rãi và chấp nhận quyền kháng cáo của công dân Hoa Kỳ, v.v… Tức là gần toàn bộ những yếu tố mà bài tham luận của Nguyễn Đức Bình đề cập: “sức ép đi vào con đường tư bản chủ nghĩa bằng tự do hóa, tư nhân hóa kinh tế, từ đó đi đến chuyển hóa về chế độ chính trị”. Không lo sao được?
Dù vậy, trên mặt trận tuyên truyền, việc ký kết này bắt buộc phải được hô hào thành một “bước đầu thắng lợi”, như thường lệ. Trong tinh thần đó, Vũ Khoan đã lên tiếng: “Cần khẳng định rằng việc ký kết hiệp định là thành tựu của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Đảng và Nhà nước ta”. Để nâng cao tính chủ động, Vũ Khoan còn hướng dẫn thêm: “Có hiệp định là điều cần nhưng chưa đủ. Điều quyết định nhất là chủ động tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả ba cấp độ, đồng thời các doanh nghiệp của ta cần phát huy tinh thần ‘tiến công’, không ngồi chờ mà chủ động thâm nhập thị trường Hoa Kỳ”.
Cũng không kém, chỉ non 10 tiếng đồng hồ im lặng sau giờ ký ở Hoa Thịnh Đốn, Phan Văn Khải đã khởi sự họp báo ở Hà Nội: “Hiệp định Thương mại vừa được ký kết là kết quả của những nỗ lực kiên trì của cả hai bên qua bốn năm thương lượng… Đây cũng là bước có ý nghĩa quan trọng trong quá trình Việt Nam hội nhập nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới”…. Rõ là sặc sở đến lo âu. Nhưng vẫn cứ phải tô màu thăng tiến, thắng lợi.
Võ Đức Biệc có 1 chuyện vui ngắn trên báo Lao Động: “- Tôi bắt đầu sự nghiệp từ chỗ thấp và nay đã leo đến đỉnh cao. – Thật là có ý chí, thế anh làm nghề gì? – Bắt đầu là đánh giày và giờ đây là hớt tóc”. Ắt hẳn đấy là thành quả đổi mới?
Xin tặng ý này cho ban tư tưởng T.Ư. CSVN được chăng?
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments