2000.08 – Lời Thật Đầu Đời
- LVMỹ-K24
- Feb 26, 2022
- 19 min read

Thời sự tháng qua là một chuỗi sự kiện “đáng phàn nàn” về thực tế tiêu cực cả trên hai bình diện đối ngoại lẫn đối nội.
Tất cả đều có vẻ không thể khác, sau “chữ ký lịch sử” của Vũ Khoan trên văn bản “diễn biến hòa bình” hồi tháng trước.
ASEAN-troika
Qua nỗ lực tường thuật của hệ thống báo chí trong nước tháng qua, trọng tâm đối ngoại của Hà Nội là… chư hầu Lào quốc. Nguyễn Thị Bình đã đón tiếp ủy viên T.Ư. đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongsy Inthavong và Đoàn đại biểu Tòa án tối cao của nước này sang thăm Hà Nội. Sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải CSVN Lê Ngọc Hoàn cũng đón tiếp Bộ trưởng GTVT – Bưu điện và Xây dựng Lào, cùng nhau đánh giá “về tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường nối thông hai nước”.
Ngược lại, Bộ trưởng CSVN Chu Tuấn Nhạ đã được Thủ tướng Lào Sisavat Keobounphanh tiếp thân mật. Song song đó là một Hội nghị song phương về hợp tác phòng chống ma túy lần thứ hai giữa Việt Nam và Lào đã được tổ chức tại tỉnh Savanakhet, do Lê Thế Tiệm dẫn đầu. Rồi tới cuộc “hội thoại về kinh doanh” giữa Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Miến Điện, đã được Hiệp hội các nước nghèo Nam-Nam của Mã Lai tổ chức tại Kuala Lumpur.
Theo “nhận định” của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cát và Thạc sĩ Ngô Kim Anh, thì, “Lào và Campuchia gia nhập ASEAN, 3 nước Đông Dương tăng cường đoàn kết, thống nhất nhận thức, đã nâng cao được vai trò và địa vị trong ASEAN. Có đóng góp xứng đáng trong việc củng cố sự đoàn kết của phong trào Không Liên Kết”…. Nay, cộng thêm Miến Điện, bộ tứ độc tài độc đảng này đã vạch hẳn một lằn ranh mới trong khối ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 33 (AMM-33) đã được tổ chức tại Vọng Các.
Bộ trưởng ngoại giao Phi Luật Tân Domingo Siazon, qua văn kiện “E-Agreement”, đề xuất việc khuếch trương một “ASEAN điện tử” nhằm “rút ngắn khoảng cách về công nghệ giữa các nước thành viên”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Dy Niên đã nhấn mạnh ý kiến của Việt Nam là phải hỗ trợ việc xóa đói giảm nghèo để “thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các nước thành viên”; thành khẩn “kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình kết nạp Việt Nam, Lào và Campuchia”. Lý luận căn bản là hãy cố nuôi du côn ăn hút để nó khỏi xách dao đi ăn cướp?
Qua bài tham luận kỷ niệm 55 năm ngành ngoại giao của Hà Nội, Nguyễn Thị Bình đã nhiệt liệt đề cao tinh thần đó đáng được mệnh danh là “Ngoại Giao Nhân Dân, một sáng tạo độc đáo của đảng ta”! Một số tham luận ít tên tuổi khác gọi đó là “đặc trưng và bản sắc ngoại giao Việt Nam”! Còn theo Lê Khả Phiêu, cũng phát biểu trong buổi hội thảo nhân dịp kỷ niệm này, thì đó là “phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh”!
Cũng trong Hội nghị AMM-33 nói trên, Nguyễn Dy Niên đã “cam kết VN sẽ nỗ lực cao nhất để đảm nhiệm thành công lần đầu tiên giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN vào thời điểm quan trọng đối với VN và ASEAN”. “Trọng trách” này còn đồng nghĩa là một “thời cơ” lớn của Hà Nội trong định hướng khai thác “cửa ngỏ ASEAN”. Trong nền kinh tế “nhiều thành phần-một định hướng” của Hà Nội, người ta vẫn hỏi khó nhau là con gì làm ra tiền nhiều nhất? Có người thực tế bảo đó là con tôm xuất khẩu. Có kẻ kém ý thức trả lời là… con gái. Còn giới hiểu biết đều đồng ý rằng đó là… con dấu. Con dấu chủ tịch ASEAN chắc chắn không thể nhỏ.
Sau đó, một Hội nghị Hậu AMM-33 cũng được tổ chức tại Vọng Các với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao mười nước ASEAN và “mười bên đối thoại” gồm: Úc, Gia Nã Đại, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Liên Minh châu Âu, Nga, Nam Hàn, Tân Tây Lan và Ấn Độ (ASEAN + 10). Tại đây, các bộ trưởng trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực như: sự khôi phục kinh tế, các vấn đề tài chính và mạng lưới an ninh xã hội; sự hợp tác nhằm thúc đẩy hội nhập của ASEAN; phát triển nguồn nhân lực, phát triển khu vực Cửu Long và hành lang Đông-Tây; cũng như các xu thế chính trị và kinh tế toàn cầu. Đây là những đề tài lớn, thậm chí, quá lớn.
Theo báo Nhân Dân, ở cương vị “thường vụ ASEAN”, Nguyễn Dy Niên đã “hoàn toàn chia sẻ ý kiến của các đồng nghiệp”. Tức là không có gì để góp ý, ngoài việc lặp lại đề nghị “các bên đối thoại” tập trung hợp tác và giúp đỡ ASEAN trên lĩnh vực “thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên”.
Chính từ đó, các nước đã nhiệt liệt hoan nghênh đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Surin Pitsuwan về một cơ chế mới là ASEAN-troika (gồm ba nước đã, đang và sẽ làm chủ tịch ASEAN) nhằm liên kết điều phối công việc thường vụ của khối. Diễn nghĩa rộng đàng sau những từ ngữ ngoại giao, cái chân vạc mới tinh đó thể hiện sự ngờ vực cao độ của các nước về “khả năng điều hướng” của Hà Nội trong vai trò tân chủ tịch ASEAN. Đặc biệt là về các vấn đề an ninh khu vực, về quy tắc ứng xử Biển Đông, về mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc và ASEAN-Hoa Kỳ.
“Nội Lực Quan Trọng”
Ở mặt khác, trọng tâm “chính sách đối ngoại” của Hà Nội là …o bế Việt kiều. Vào đầu tháng 8, Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Minh Triết tổ chức cuộc gặp gỡ Việt kiều. Kết quả của hội nghị này là một danh sách dài về lề lối nhũng nhiễu ở những cơ quan mà giới lãnh đạo Sài Gòn phải “dành nhiều thời gian ‘xem xét nhiều’“, đặc biệt là Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính- Nhà đất, Sở Xây dựng, Cục Thuế….
Theo Việt kiều Hoàng Minh từ Mỹ về điều nghiên một dự án liên doanh ở An Phú Đông thì, dù đã có quyết định giao đất của Phan Văn Khải, nhưng 4 năm qua vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: “Chỉ với diện tích 37.500 m2 mà cơ quan chức năng tiến hành đo đạc đến 7 lần. Chi phí đo đạc chỉ tốn khoảng 2,5 triệu đồng, nhưng các ‘chi phí khác’ đã tốn đến 20 triệu đồng”… Việt kiều Đỗ Đắc Vọng ở Đức than phiền việc truy cập mạng Internet tại VN cứ liên tục bị tắc nghẽn. Phó chủ tịch UBND Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận: “việc tắc ở đường truyền không chỉ là tắc về viễn thông mà là tắc về kinh tế”. Rõ là chỉ vì muốn bưng bít thông tin liên hệ tới quyền lực đảng, nhà nước CSVN đã rào kín cả hệ thông tin kinh tế. Dù chỉ thuộc diện doanh nhân cò con so với các đại công ty ngoại quốc, giới Việt kiều cũng cảm thấy chán nản không kém và phần lớn đã theo chân cuộc triệt thoái đầu tư ồ ạt ra khỏi VN.
Điều đó dẫn tới nỗi lo lắng không nhỏ cho dàn “lãnh đạo” của thủ đô kinh tế Sài Gòn. Có người đã nêu trường hợp Việt kiều Nguyễn Hạnh có 12 dự án điều nghiên với tổng vốn đầu tư trên lý thuyết là 100 triệu USD, rồi hồ hởi cho rằng “với 100 người như thế thì có thể đem về nước đầu tư 10 tỉ USD”, tức gần phân nửa tổng sản lượng cả nước, chưa nói tới chất xám và kỹ thuật cao. Theo con số thống kê của năm 1998, lượng kiều hối đổ về Việt Nam qua hệ thống ngân hàng đến 1,2 tỉ USD, trong khi tổng sản lượng xuất khẩu nông sản trong cùng năm 1988 của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là 981 triệu USD.
Từ đó, kết luận của hội nghị này là: “Đóng góp của Việt kiều về cho gia đình, đất nước là nguồn nội lực lớn chưa được khai thác hết”, nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc gia cạn kiệt bởi định hướng thi đua bòn rút của đảng CSVN. Nghị quyết? Theo Nguyễn Minh Triết, “Vấn đề quan trọng nhất là làm sao tập hợp phát huy, kêu gọi Việt kiều về xây dựng đất nước dưới mọi hình thức”. Không ai ngạc nhiên vì sao Nguyễn Dy Niên, vốn là Trưởng ban Người Việt ở Nước ngoài, đã được đề bạt lên làm bộ trưởng ngoại giao của Hà Nội.
Số Phận Giữa Trời
Vẫn trong lãnh vực đối ngoại, Hà Nội đã phải chật vật đối phó với tác dụng ngược của nỗ lực tuyên truyền về cái gọi là “diễn biến hòa bình” trước việc ký kết hiệp ước mậu dịch với cựu thù “đế quốc Mỹ”. Bài diễn văn của Bộ trưởng Công an CSVN Lê Minh Hương đã gây nên sự chú ý đặc biệt đối với giới truyền thông quốc tế là “lực lượng CAND đã tiến hành cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khó khăn… đập tan âm mưu phá hoại thâm độc của đế quốc Mỹ và tay sai”. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, Hà Nội công khai nêu rõ danh tính của những tổ chức người Việt ở hải ngoại “được các nước đế quốc và các thế lực thù địch làm hậu thuẫn và hỗ trợ mọi mặt… liên tục tổ chức các ‘chiến dịch’ đưa người và vũ khí về nước để hoạt động lật đổ chính quyền cách mạng”.
Trong một bài diễn văn khác nhân dịp này, Phan Văn Khải cũng đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược ‘diễn biến hòa bình’ nhằm xóa bỏ các nước XHCN còn lại. Trong khi đó, tình hình kinh tế, xã hội trong nước có nhiều khó khăn gay gắt, các phần tử thù địch bên trong ráo riết hoạt động chống phá cách mạng”. Đây cũng là lần đầu Hà Nội thú nhận cao trào chống đảng ngay từ bên trong Việt Nam. Vẫn trong tinh thần công khai bày tỏ nỗi lo sợ đó, Lê Khả Phiêu đã phát biểu trong dịp này: “Lực lượng công an phải tiếp tục đấu tranh để giữ vững chế độ… phải kiên quyết để giải quyết tốt đẹp các tình huống”.
Không chỉ công an. Điều khó hiểu cho giới truyền thông ngoại quốc là việc ngăn chống các “thế lực thù địch” đó còn là nhiệm vụ của… thông tấn xã Hà Nội. Bài diễn văn chính trong dịp kỷ niệm 55 năm thành lập cơ quan thông tấn này có đoạn ca ngợi thành tích: “tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra gay gắt với các thế lực thù địch, chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’”. Theo bộ chính trị Hà Nội thì vẫn còn đó nguy cơ của “cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt trong bối cảnh CNXH đứng trước những khó khăn trên quy mô toàn thế giới…”. Do vậy, dàn “lãnh đạo” Ba Đình đã tha thiết kêu gọi và cẩn thận răn đe “Người làm báo phải tuân thủ nghiêm ngặt định hướng thông tin của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chiến đấu cao…”.
Gộp chung những lời phát biểu “nặng ký” nói trên, ngay vào thời điểm Hà Nội vừa bị ép vào chỗ đặt bút ký bản thương ước với “đế quốc Mỹ”, người ta thấy ra những gì?
Một là có quá nhiều tổ chức cả trong lẫn ngoài nước đều “ráo riết chống đảng”.
Hai là tính liên kết giữa những tổ chức đó, với nhau và với xu thế dân chủ hóa của thế giới, càng ngày càng chặt chẽ đến mức đáng ngại.
Ba là, việc thực thi bản thương ước không hẳn đã quan trọng bằng việc ngăn chận “tác dụng tiêu cực” của nó đối với quyền lực đảng.
Bốn là không phải chỉ đáng ngại những thế lực ở ngoài nước, hay ngoài đảng, mà là ngay trong đảng: Nếu có một bộ phận trong thượng tầng đảng đã thắng thế trong việc ký kết thương ước, thì lại có nhiều bộ phận khác đang khơi gợi sự manh nha của các “tác dụng tiêu cực” và chực chờ tấn công địch thủ từ giờ cho đến khi bản thương ước được chính thức thực thi, tức là kéo dài vài ba năm sau đại hội 9 sắp tới.
Hình ảnh Trọng Thủy-Mỵ Châu đang được thường xuyên nhắc lại trong nước để mô tả việc ký kết văn bản “diễn biến hòa bình” với “đế quốc Mỹ” vừa qua. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đi trước một bước qua bài Xúc Xắc Mùa Thu:
“Lông ngỗng bay như số phận giữa trời,
Trọng Thủy đứng suốt đời không hết lạ.
Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xóa
Có ai hay thăm thẳm giếng khôn cùng”.
Độc Đảng Ký Sinh Mơ Một Cửa?
Ngược lại, tình hình đối nội trong nước vẫn chưa có chỉ dấu nào đáng gọi là khả quan. Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay chỉ có 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép, vốn đầu tư 1 triệu USD. Trong lúc thành phố này lại có khá nhiều dự án khác bị đề nghị rút giấy phép đầu tư. Tại KonTum, báo cáo mới nhất ở đây cho biết là 5-6 xí nghiệp quốc doanh được lựa chọn ban đầu từ năm 1998 đã “không thể thực hiện được” việc cổ phần hóa, trong lúc xí nghiệp thứ 6 vẫn chưa qua được “khâu định giá”. Còn ở cấp “trung ương”, báo Đầu Tư đăng tin: “Theo các quan chức của Tổng công ty Khoáng sản, trong thời gian tới, cán bộ, công nhân viên chức của Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên có nguy cơ lâm vào tình trạng thiếu việc làm. Nguyên nhân là do các mỏ cũ sắp cạn kiệt tài nguyên, trong khi mỏ mới chưa được khai thác”. Tình thế không khác nào chính sách đối ngoại phải nhắm tới Việt kiều như đã nói bên trên.
Tại Hà Nội, Bí thư thành ủy CSVN Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết tình hình thủ đô trong kỳ họp thứ 3 HĐND khóa XII như sau: “Tốc độ phát triển TP chưa vững chắc. Thị trường có biểu hiện trầm lắng; đầu tư nước ngoài giảm mạnh, thu ngân sách từ khu vực ngoài quốc doanh đạt thấp. Công tác giải ngân vốn đầu tư chậm. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp sau chuyển đổi còn nhiều lúng túng. Trật tự xây dựng đô thị, vệ sinh môi trường còn nhiều yếu kém. Tình trạng úng ngập nội bộ vẫn còn; trong khi nhiều khu vực thiếu nước sạch thì tỷ lệ thất thoát nước sạch lại lên tới 50-60%. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xây dựng không phép, vi phạm hành lang an toàn lưới điện còn phổ biến. Công tác giải phóng mặt bằng triển khai chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các dự án. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đề ra. Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, vẫn đang là những vấn đề phức tạp và nhức nhối. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Bên cạnh đó, thành phố vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý lao động ngoại tỉnh. Cải cách hành chính tiến hành chậm, đơn thư khiếu nại chưa giảm, vấn đề dân chủ cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức. Một số cán bộ trực tiếp giải quyết công việc của cơ sở chưa tích cực, đôi lúc còn vi phạm các quy định của Nhà nước”.
Đó là tình hình chung ở thủ đô chính trị, luôn được coi là khuôn mẫu của cả nước. Còn ở thủ đô kinh tế Sài Gòn? Phan Văn Khải đã “có buổi làm việc” hồi cuối tháng trước với giới hữu quan Đỗ Quang Trung, Võ Văn Cương và Võ Viết Thanh. Qua đó, “Công tác triển khai thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực thuộc các ngành như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao cũng cần được nhân rộng hơn nữa”. Tất nhiên, phần “xã hội hóa” đã từ lâu thành nền nếp truy nã tiền của nhân dân, và nay đang trên đà định hướng đục khoét sâu rộng thêm.
Đặc biệt về lãnh vực “tinh giản biên chế”, theo Khải, “Việc khoán biên chế, khoán quỹ lương mà thành phố đang làm thí điểm là một hướng tiến bộ, cần tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm”. Có người phê bình ngay là nếu trước đây nông dân đòi nhà nước khoán ruộng chờ đến mùa thu thóc, thì nay, đảng khoán biên chế chỉ có thể thu về… bã trà, tàn thuốc. Nếu không tin hãy nghe tác giả Đồ Long kể chuyện đời thường: “Phó giám đốc đến nhà giám đốc chơi, bà vợ giám đốc rót nước mời: – Nhà tôi đi vắng. Mời anh ngồi chơi xơi nước. – Thôi chị ạ! ở cơ quan ngày nào chúng tôi cũng vậy cả rồi!”.
Đó là chưa kể tinh giản cách nào, chuyển cơ chế quản lý đi đâu! Theo “bình luận gia” Hai Văn Sáu của mục Nói Hay Đừng trên báo Lao Động, bình quân một cán bộ của sở ở Sài Gòn phải kiêm nhiệm tới… 35 chức vụ. Được hỏi họ kiêm nhiệm những chức gì mà nhiều dữ vậy? Sáu trả lời cái một: “Thí dụ, một cán bộ cấp sở còn kiêm trưởng ban, phó ban, chủ tịch, phó chủ tịch, hoặc uỷ viên các hội đồng kiểu như: xóa đói giảm nghèo, bài trừ ma túy, chỉ đạo phòng chống HIV, chống lụt bão, giáo dục từ xa, kiểm tra bằng cấp, kế hoạch hóa gia đình, cả giám khảo karaoke v.v và v.v…”. Tất nhiên, cán bộ trung ương ở Hà Nội còn vượt xa về khả năng kiêm nhiệm.
Tuy nhiên, đó chưa phải là ưu tiên giải quyết. Theo Khải thì cái gút mắc hàng đầu của vấn đề là “không để ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm và đời sống đối với các đối tượng tinh giản biên chế”. Đây là một diện thời sự của phương ngôn “Ai Thắng Ai” trong nội bộ đảng chăng? Trong bài phiếm “Săn đầu người”, bình luận gia Lý Sinh Sự phán rằng: “Tìm người có năng lực cao thì không khó lắm nhưng chỉ ra những cái đầu ‘thấp’ để thay thế lại không dễ”.
Nói cách khác, không dễ gì dứt bỏ thành phần kém khả năng mà không thể vượt qua ngưỡng cái “máu công trạng” đã thành truyền thống ký sinh của đảng từ hơn nửa thế kỷ qua. Ông Hà Sĩ Phu đã phân tích công phu về tính ký sinh truyền thống đó, tưởng chẳng cần phải nói thêm. Chỉ tạm ghi nhận tại chỗ là cái cơ chế “một cửa, một dấu” mà Khải hy vọng Sài Gòn làm điểm khởi cải cách hành chính cho cả nước đó còn khó hơn cả ước mơ của người dân về một chính thể đa đảng đa hiệu cho đất nước. Cả hai chỉ có thể thành sự thật ngày nào không còn lá cờ búa liềm trên lãnh thổ VN.
CNXH Trên Bàn Ăn
Trong khi chờ đợi, hãy tạm tham dự diễn đàn với chuyên đề “thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp” lần thứ 2, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, với Phan Văn Khải trực tiếp chỉ đạo. Chủ đề trao đổi lần này vẫn không ngoài những điều đã đề cập lần trước: “Tình trạng mập mờ trong các văn bản về thanh tra, kiểm tra; nạn nhũng nhiễu của một số cán bộ thanh tra…”. Theo bà Phó chủ tịch VCCI Phạm Chi Lan, không chỉ là sự mập mờ, mà còn là tình trạng “tràn lan” trong việc thanh tra, kiểm tra. Nói rõ ra, cán bộ thanh tra các cấp có toàn quyền hạch sách xí nghiệp tùy thích, không nhất thiết bao nhiêu lần trong năm.
Vẫn theo bài phỏng vấn của báo Lao Động, “các doanh nghiệp (DN) được quyền từ chối khi các đoàn thanh tra, kiểm tra không thực hiện đúng quy định của pháp luật, song thực tế hình như không có đơn vị nào dám chống lại quyết định của đoàn KT. Phải chăng do ‘có tật, giật mình’ nên DN mới không dám thực hiện quyền ‘từ chối’ của mình?”.
Thế là rõ, Cắp gặp Cướp thôi! Điều đáng nói là cả cắp lẫn cướp đều đứng “chung một bóng cờ”. Hãy nghe bà Lan thổ lộ: “Tôi thừa nhận là, thực tế có không ít DN sợ thanh tra vì họ có những sai sót, vi phạm trong hoạt động…. thậm chí họ còn dùng tiền để ‘mua kết luận thanh tra’…. Doanh nghiệp có thể từ chối tiếp thanh tra, nhưng ngay sau đó họ sẽ phải chấp nhận những khó khăn, những cản trở hoạt động kinh doanh của mình từ nhiều phía. Đó là chưa kể đến việc có cán bộ thanh tra thiếu công minh, cố tình đưa ra các bản kết luận thiếu trung thực, thiếu khách quan khiến doanh nghiệp lao đao, khốn đốn”. Lê-nin nói “chủ nghĩa xã hội trên bàn ăn” hẳn là thế? Tác giả Lý Sinh Sự còn minh họa truyền thần hơn nữa bằng tên gọi “tham nhũng phát-phút” (fast-food: thực phẩm làm gấp, ăn nhanh). Mới biết tư duy thời Lê-nin quả cực kỳ lạc hậu.
Sau rốt, điều đáng suy ngẫm nhất trong 2 cuộc hội thảo VCCI này là gì? Theo bà Lan, “Thực tế hiện nay là, DN sai thì đủ các lực lượng thanh tra, thuế vụ, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế… vào kiểm tra, nhưng khi Thanh Tra sai thì chẳng thấy ai bị xử lý”. Hẳn là bà Lan không cố tình ám chỉ Ngô Xuân Lộc, Trần Xuân Giá, hay bất kỳ ai khác. Bởi, nói theo báo Nhân Dân, cứ nhân rộng cái thực tế ấy ra thì sẽ thấy tình trạng cả nước: Dân sai thì đi tù hay cả nhà chịu đói, còn “lãnh đạo” sai thì giữ nguyên ghế để …điều nghiên việc sửa sai!
Xem ra, chiến dịch 2 năm Xây Dựng Đảng bằng phê và tự phê của Lê Khả Phiêu đã bị thuộc hạ đào thải ở mọi cấp, đến mức trở thành trò cười. Tố Hữu, nguyên ủy viên Bộ chính trị kiêm cựu Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư., trong một buổi phỏng vấn hồi tháng qua về vấn đề công tác tư tưởng hiện nay, đã nhận định rằng: “Nếu cán bộ lãnh đạo mà cũng tham nhũng, làm giàu bất chính thì làm sao đoàn kết được nội bộ…. Tôi cho rằng, nếu không kiên quyết xóa bỏ tệ nạn này trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước thì đó là một nguy cơ khôn lường”.
Hóa ra đã có một liên hệ “hữu cơ máu thịt” giữa tư tưởng-văn hóa XHCN với tham nhũng-làm giàu bất chính, trong đảng và trong bộ máy nhà nước? Cũng theo Tố Hữu, “Đảng cầm quyền dễ quan liêu, ban phát quyền lực, mệnh lệnh”. Ai cũng hiểu đó là nguyên nhân. Có điều, về cái nguy cơ khôn lường, thì ngay cả Trần Đăng Khoa cũng không ngờ được rằng đây là lần đầu đời, Tố Hữu nói thật!
Ba Bằng Đại Học
Theo phóng viên Thùy Trang, năm nay toàn quốc trúng mùa… hội thảo. “Chỉ tính ở một số địa phương và ở 30 bộ, ngành, từ ngày 15.1 đến 30.6.2000, có khoảng 240 hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức tại VN, nhưng chỉ có 29 cuộc làm thủ tục đúng quy định”. Dù không mang tầm vóc quốc tế, nhưng các buổi hội thảo về Tư tưởng-Văn hóa nhân dịp kỷ niệm 70 năm “truyền thống” ngành này quả là có mặt nổi bề thế hơn cả trong tháng qua.
Tại Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Trần Văn Tuấn nhấn mạnh là “đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, công tác tư tưởng-văn hóa cần nâng cao để ngang tầm nhiệm vụ”. Nói nôm na là hiện quá thấp. Cũng tại Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Đào Duy Quát cùng các đại biểu “tham gia cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm với chủ đề: Truyền thụ lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ”. Có nghĩa là giới trẻ ngày nay chẳng màng để ý đến những điều mà Hà Nội “khuyến mãi” trong khi cả thế giới đồng loạt đào thải.
Nhân dịp này, báo Nhân Dân lục đăng lại một số bài cũ, điển hình là huấn từ của Nguyễn Văn Linh thời chưa chuyển hộ khẩu về Mai Dịch: “Dừng lại ở những hiểu biết lý luận cũ thì nhất định sẽ không tiếp thụ được những quan điểm mới… và không cắt nghĩa nổi những diễn biến mới của thực tiễn cách mạng”. Lúc đó, Linh đã thấy ra mọi thứ lỗi thời mà không thể cắt nghĩa nổi xu thế sụp đổ đồng loạt của Đông Âu và thành trì cộng sản Liên Xô. Vậy mà cho tới nay, tờ Nhân Dân phải cho đăng lại. Điển hình khác là huấn từ của Đỗ Mười vào ngày 24-11-1993: “Cán bộ làm công tác lý luận… phụ trách công tác tư tưởng phải được bố trí đi thực tế, hoặc trực tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ sở để nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, trên cơ sở thực tiễn phong phú và sinh động…”.
Có phải cho tới nay, giới tư tưởng-văn hóa Hà Nội vẫn còn mơ ngủ trong tháp ngà rã móng? Thêm một điển hình khác nữa, cho đủ “bộ tam sên”, là huấn từ của Lê Khả Phiêu hồi năm 1998: “Hơn lúc nào hết, công tác tư tưởng-văn hóa phải đổi mới để thật sự nâng cao chất lượng…”. Vẫn là một cách bảo rằng công tác này xưa cũ quá, chất lượng còn thấp quá. Vậy mà cho tới tháng 8 năm 2000, báo Nhân Dân vẫn không tìm ra được điều gì mới hơn để đăng tải hầu động viên đảng viên các cấp.
Ngoại trừ, tất nhiên, trong cuộc gặp mặt lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Truyền Thống, trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương Hữu Thọ đã trang trọng thăng chức cho Hồ Chí Minh “luôn luôn là vị ‘tư lệnh’ tư tưởng của đảng”. Sau đó, Lê Khả Phiêu phát biểu thêm cho sáng tỏ vấn đề: “Công tác tư tưởng văn hóa trước hết phải bám sát đường lối quan điểm của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, khẳng định niềm tin và kiên định vào lý tưởng của Đảng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để giáo dục chính trị và tuyên truyền cổ động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động, sản xuất”.
Càng khổ cho nông dân VN, chỉ qua “lời phát biểu chỉ đạo” của Phiêu mà phải gánh vác thêm nhiều cuộc “thi đua tham dự” do Ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư Hội Nông Dân tổ chức: “Nông dân Việt Nam đi theo con đường Bác Hồ đã chọn”; “Nông dân với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”; “Văn nghệ nông dân toàn quốc”, “Nhà nông đua tài”… Bên cạnh đó vẫn thường xuyên là các cuộc thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo…. Tức là hình ảnh nối dài của các phong trào “ba sẵn sàng”, “ba xung phong”, “ba đảm đang”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “sản xuất giỏi và chiến đấu giỏi”, “tiếng hát át tiếng bom”… suốt nửa thế kỷ qua.
Tổng kết dịp kỷ niệm ngày truyền thống lần đầu này, theo Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Hà Đăng, “đổi mới tư duy, về nội dung, có nghĩa là đổi mới quan niệm về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… nhưng không có nghĩa là phủ định sạch trơn”…. Theo đương kim Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Hữu Thọ, “Những người làm công tác tư tưởng – văn hóa phải vững niềm tin ở mục tiêu lý tưởng, ở nền tảng tư tưởng, để nói ra, viết ra bằng sức mạnh ‘dấn thân’ của niềm tin. Rồi lại phải luôn luôn trau dồi kiến thức; rèn luyện nhân cách, đạo đức. Tôi còn nhớ, trước đây đồng chí Tố Hữu đã có lần dặn anh chị em chúng tôi, đại ý: phải chuẩn bị để mỗi người có ba bằng đại học: đại học chính trị, đại học văn hóa, đại học đường đời…”.
Để hồi đáp, trong bài “Vài ý kiến về công tác tư tưởng-văn hóa của đảng”, cựu trưởng ban TT-VH Tố Hữu đã trả lời phỏng vấn của báo Lao Động rằng: ”… Anh nói, anh viết, anh diễn giải, mà chính anh không tin những điều anh nói, anh viết thì ai tin được? Trình độ dân trí bây giờ rất cao, không ai lừa dối được!”. Không ai rõ Tố Hữu tự phiếm về ba bằng đại học thượng dẫn, hay đang “bực mình” về cách nói bâng quơ, cách làm mơ màng của giới TT-VH hiện đại. Chỉ biết, quả thật, khó ai lừa được người dân thời nay. Và đây là cũng là lần đầu trong đời, Tố Hữu nói đúng.
Lực Đinh Lương Văn Mỹ
Comments