top of page

2000.10 – Dân Thiếu Công Tắc Đèn

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 19 min read

Cách đây không lâu, chuyến viếng thăm VN đôi ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ William Cohen đã đủ khiến Hà Nội tất tả ngược xuôi. Có tin là Lê Khả Phiêu phải sang tận Bắc Kinh mật tấu cho các bác Giang, Lý, Chu “kính yêu” yên lòng trước khi tiếp khách Mỹ. Đận này, chính Tổng thống Mỹ đương nhiệm Bill Clinton bắn tin sẽ ghé thăm Hà Nội, nhân dịp sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu – Thái Bình Dương (APEC) tại Brunei vào trung tuần tháng 11 tới đây.


Thời sự VN, vì vậy, dù không muốn, vẫn phải tập trung vào các “mũi nhọn” chuẩn bị dư luận, cả hướng Bắc lẫn hướng nội.

Bắc Tấu Chính Cương


Không phải dễ dàng gì để có ngay một đối sách hoàn hảo đối với hai kẻ cựu thù vĩ đại mà nay đều là “đại gia” có khả năng bố thí hay đe dọa, nhất là khi cả hai vẫn đang gờm nhau từng miếng. Cho nên, nỗ lực trước tiên, tất nhiên, vẫn là trấn an cẩn tấu và thu nhận huấn từ của “người anh cả” Trung Quốc. Đã có ít nhất 3 phái đoàn Hà Nội chính thức công khai sang Tàu trong tháng. Đầu tiên là nhóm Trần Đình Hoan, Chánh văn phòng T.Ư. đảng CSVN, dẫn “Đoàn Đại Biểu T.Ư. Đảng CSVN” sang gặp Vương Cương, Tăng Khánh Hồng và “làm việc với Đoàn Đại Biểu T.Ư. Đảng CSTQ” về nhiều chủ đề trọng đại. Thứ nhì là nhóm Trương Mỹ Hoa, gọi là thay mặt cho Quốc hội Hà Nội đi Bắc Kinh để “học hỏi tận mắt về các mô thức tăng cường an ninh xã hội”, như lời Chủ tịch Quốc hội TQ Lý Bằng nhận định.


Nhóm thứ ba, quan trọng và đông đảo nhất là “Đoàn Đại Biểu Chính Phủ CSVN” do Phan Văn Khải cầm đầu, sang “gặp gỡ và làm việc với Đoàn Đại Biểu Chính phủ Trung Quốc” của Chu Dung Cơ. Theo tường thuật của báo Nhân Dân, Chu Dung Cơ đã “nhiệt liệt hoan nghênh” Phan Văn Khải sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, “cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước”. Tất nhiên, phải biết mối tình thắm thiết đó tùy thuộc khá nhiều và trồi sụt hàng tháng theo mức độ liên hệ giữa Hà Nội với Hoa Thịnh Đốn, kình địch muôn đời của Bắc Kinh. Tốt nhất là Hà Nội nên “góp phần quan trọng vào việc tăng cường hữu nghị” bằng cách thưa trước, kính trình duyệt xét và thỉnh ý các bác Giang, Lý, Chu về các mối liên hệ đáng ngờ nói trên. Trên tinh thần gọi dạ bảo vâng cần thiết đó, trong phần đáp từ,


Phan Văn Khải cũng đã “nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu mà nhân dân Trung Quốc anh em đã đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa, phát triển kinh tế, xã hội, chúc nhân dân Trung Quốc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 15 của Đảng CS Trung Quốc, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, nâng cao vai trò và uy tín của nước CHND Trung Hoa trên trường quốc tế, đưa đất nước Trung Hoa vĩ đại vững bước vào thế kỷ 21”.


Cũng theo báo Nhân Dân thì họ Chu và họ Phan đã thảo luận rốt ráo về nhiều vấn đề lớn, cần hiểu là bao gồm và đứng đầu là các đối sách với “đế quốc Mỹ”. Đồng thời, “nhất trí giao cho các ngành, các cấp và các công ty nhanh chóng triển khai” các vấn đề nhỡ và nhỏ, chẳng hạn như “biên giới trên biển”, hay “hợp tác kinh tế”…. Được biết, tổng kim ngạch trao đổi kinh tế hàng năm giữa hai nước hiện nay chỉ vào khoảng 1,5 tỷ USD, tức thấp hơn cả tổng số tiền người Việt hải ngoại gửi về giúp đỡ thân nhân trong nước. Được biết thêm, theo báo Lao Động, Chủ tịch nước (cuối cùng?) của Hà Nội là Trần Đức Lương đã chu đáo bắn tiếng trước rằng sẽ sang “thăm viếng” Bắc Kinh vào khoảng tháng 12, tức là ngay sau khi Bill Clinton rời khỏi Việt Nam.

Thảm Đỏ & Lũ Man Rợ


Đó chỉ mới là phần chính thức khấu tấu làm vui lòng kẻ cựu thù “Bá Quyền Phương Bắc”. Hậu thuẫn cho các chuyến đi đó còn là nhiều trò xiếc ngoạn mục ngay tại Hà Nội. Đầu tiên, đó là một thái độ hồ hởi vừa phải đối với chuyến viếng thăm Hà Nội đầu tiên của một đương nhiệm nguyên thủ Hoa Kỳ. Từ trung ương ra tới địa phương, mọi đánh giá đều được tiêu chuẩn hóa sẵn trước. Đại loại, ra điều rằng đó là “chuyện chẳng có gì là ầm ĩ”. Tiêu biểu, theo báo Lao Động, khi “trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters và AFP, ông Lê Dũng – Vụ phó Vụ Báo chí – Thông tin Bộ Ngoại giao – khẳng định: ‘Nếu Tổng thống Clinton đến thăm VN, ông sẽ được hoan nghênh’”. Thế thôi?


Thôi thế quái nào được! Bản tin Reuters ngày 19-9 ghi nhận: “Các phân tích gia nói rằng dàn lãnh đạo Hà Nội coi việc thăm viếng Bắc Kinh như là phương cách dùng để điều chỉnh cho quân bình các quan hệ đối ngoại trước chương trình thăm viếng của Clinton, nhằm tỏ ra không dựa quá sát vào bất kỳ một cường lực nào. Để nhấn mạnh điều đó, Nguyễn Mạnh Cầm đã hoan hô chiến thắng ‘đế quốc Mỹ’ trong trận chiến Việt Nam và lên án Hoa Kỳ đã sử dụng những biện pháp man rợ trong suốt cuộc chiến”.


Trên thực tế, đó là nội dung bài diễn văn của Nguyễn Mạnh Cầm khai mạc cuộc “Hội thảo quốc tế Việt Nam trong thế kỷ 20”, do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia cùng Đại học quốc gia Hà Nội đồng tổ chức vào ngày 19-9. Cầm chịch đường hướng của cuộc hội thảo này là Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư CSVN, kiêm thí sinh con thoi mới vừa tốt nghiệp khóa bồi dưỡng tư tưởng với sư phụ Lý Thiết Ánh ở Bắc Kinh, ngay trước khi Vũ Khoan đi Mỹ ký tắt Hiệp Ước Mậu Dịch Mỹ-Việt.


Không phải do ngẫu nghiên mà Hà Nội tung tiền ra mời hàng loạt “anh em bầu bạn” một thời ở khắp nơi trên thế giới tề tựu về Hà Nội để nghe 232 bài đọc thuộc tám chuyên đề VN trong thế kỷ 20, trong đó, chính yếu trụ cột là chuyên đề “Hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước”. Bài diễn văn khai mạc của Nguyễn Mạnh Cầm đã nêu rõ ra ý chính đó: “Đối với dân tộc Việt Nam chúng tôi, thế kỷ 20 là một chặng đường rất lắm chông gai, rất nhiều thử thách, song cũng là một chặng đường rực rỡ chiến công…”. Theo Cầm, chiến công oanh liệt nhất lịch sử VN là “cả dân tộc đã (được bác đảng) ‘đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải’ tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ ròng rã suốt hơn 30 năm chống lại các thế lực đế quốc thực dân xâm lược hung bạo, …làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai chống đế quốc Mỹ, …nhân dân ở cả hai miền đất nước đã hợp đồng tác chiến đánh bại cuộc chiến tranh cực kỳ ác liệt bằng vũ khí hiện đại và bằng những chủ trương, biện pháp cực kỳ man rợ…”.


Cũng không phải do ngẫu nhiên mà 232 bài đọc thuộc tám chuyên đề VN trong thế kỷ 20 lại bỏ sót cuộc chiến ngắn ngày nhưng khốc liệt đến trắng xương ngập máu với “bọn bá quyền phương Bắc” hồi đầu năm 1979, khi Bắc Kinh muốn “dạy cho Hà Nội một bài học” về quyết định tung quân xâm chiếm Campuchia vào dịp lễ Giáng Sinh 1978. Nhất là khi có Tề Kiến Quốc, Đại sứ của Bắc Kinh tại Hà Nội thân hành đến dự hội thảo. Như vậy, có quá đáng lắm chăng khi có người cho rằng cuộc hội thảo đình đám này là một biễu diễn của Hà Nội nhắm vào đối tượng khán thính giả Trung Quốc, trước khi trải thảm đỏ đón tiếp tổng thống của bọn “chủ trương cực kỳ man rợ”?

Liu Điu Hóa Rồng Thế Kỷ?


Không chỉ đơn giản đến vậy. Cuộc hội thảo rùm beng này còn nhiều mục tiêu lớn nhỏ khác. Đối sách với Tàu là điều quan trọng, nhưng cũng quan trọng không kém là đối sách với nội bộ đảng, từ đỉnh chóp Bắc Bộ Phủ xuống tận cơ sở cấp ấp. Điều này được gói ghém vào chuyên đề thứ tám nhằm kết thúc hội nghị: “Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. Vai trò gì, hiện nay?


Trước hết, đó là vai trò cầm cân đổ tội: “Tuy giành được thắng lợi hoàn toàn nhưng cơ sở nghèo nàn của một nước nông nghiệp lạc hậu cùng với những tàn dư của chủ nghĩa thực dân và hậu quả nặng nề của bao năm chiến tranh đã chất lên vai dân tộc Việt Nam một gánh nặng vô cùng to lớn khi bước vào thời kỳ khôi phục và xây dựng kinh tế. Thêm vào đó, chính sách bao vây về chính trị, cấm vận về kinh tế của các thế lực thù địch, những biến động phức tạp của tình hình thế giới đã làm cho khó khăn càng thêm chồng chất, trong khi đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài”. Nguyễn Mạnh Cầm nói thế. Tức là, đảng bần cố độc tài ngu dốt cầm quyền không hề làm đất nước lụn bại, thui chột con người! Chính lũ côn đồ man rợ từ bên kia Thái Bình Dương mới làm cho VN trở thành một trong vài ba nước nghèo đói lạc hậu nhất trên toàn thế giới chăng?


Thứ nhì là vai trò vơ công đếm của: “Gần mười lăm năm qua, dù cho trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phải khắc phục để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, nhưng những thành tựu giành được trong công cuộc đổi mới là rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng, qua đó bè bạn trên khắp năm châu hiểu được cốt cách và năng lực của con người Việt Nam”. Cốt cách của đảng đã được báo chí ngoại quốc hằng nhắc nhở, qua hình ảnh mò sò của đại sứ Hà Nội tại Mỹ, qua những nụ cười ngớ ngẩn ngu ngơ của đại biểu Hà Nội trong các hội nghị quốc tế, hay qua nỗ lực của các sứ quán Hà Nội tại các nước Tây phương nhằm tranh giành địa bàn thu gom đồ phế thải để chuyển tải về nước. Cốt cách đó, theo Lý Sinh Sự của báo Lao Động, còn phản ảnh qua các “dòng chữ nhắc nhở về trang phục, cho áo trong quần, không đi dép lê…” trên giấy mời đảng viên đi dự các cuộc mít-tinh quan trọng. Còn năng lực của người Việt Nam, phải nói rõ cái ý nghĩa quan trọng của nó là các hình thái đấu tranh toàn diện để tự đào thải chôn vùi mọi chính sách bát nháo của đảng như ngăn sông cấm chợ, cải tạo tư thương, hợp tác xã… rồi sau đó, tự khởi động phương thức kinh tế Khoán, mà đảng vơ lấy làm nền cho “chiến lược đổi mới” như là tiền thân của nền kinh tế tối nghĩa dài sọc “nhiều thành phần theo định hướng XHCN, lấy quốc doanh làm chủ đạo, dưới sự điều tiết vĩ mô của đảng…”.


Thứ Ba là vai trò “kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”. Giải nghĩa việc gắn chặt đến mức nô lệ Liên Xô một thời này, Nguyễn Mạnh Cầm, cựu đại sứ của Hà Nội ở Mạc Tư Khoa, bảo đó là “huy động tối đa sức mạnh của dân tộc và biết gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong chiến đấu cũng như trong xây dựng hòa bình. Thắng lợi đó cũng là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế của nhân dân thế giới…”. Dựa vào tình đoàn kết phất phơ còn sót lại của một quốc tế đã rã đó, Phan Văn Khải cũng vừa công du sang Nga, chiết khấu tiền cho thuê Cam Ranh và xin khất lại hơn 10 tỷ USD chiến phí mà Liên Xô cũ đã cho vay trên căn bản sức mạnh thời đại, hồi đó.


Thứ tư, và quan trọng hơn cả, là vai trò tiếp thị, quảng cáo chiến công. Quan trọng nhất là vì trong bối cảnh hiện thời, đảng và nhà nước CSVN không còn bất kỳ một thứ gì khác để gắn liền đảng viên với nhau, và để biện minh cho vị trí cầm quyền. Quốc tế cộng sản đã mồ xiêu mả xẹp. Chủ nghĩa xã hội đã rác mục tro tàn. Cái gọi là tư tưởng Hồ thì chỉ rặt một thứ nhặt lời cóp ý. Cái gọi là lãnh đạo thì quả “không hơn một hội cúng đình”, như cách nói của ông Bảy Trấn. Cái gọi là thành quả “đổi mới” từ chỉ số tăng trưởng zero lên đến 8% hàng năm nhờ vào tiền đầu tư ngoại quốc một dạo, hiện đang tuột dốc thảm hại, khi mà doanh nhân ngoại quốc lũ lượt khăn gói kéo nhau đi xứ khác làm ăn…. Nói cách khác, đảng và nhà nước CSVN không thể làm những thống kê so sánh với thời 1996, mà phải quay ngược lại thời 1976, để nhắc đến mức nghèo đói tận cùng của cả nước thời đó, sau mấy thập niên dài bẻ đôi hột muối quyết chiếm miền Nam cho mục tiêu bành trướng chủ nghĩa cộng sản. Không chỉ thế, vài chục vạn thanh niên Việt Nam cũng đã đóng xương góp máu cho đảng lập nên một “kỳ tích” khác là xâm lăng và Việt hóa cả xứ Chùa Tháp. Theo bài đọc của Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội CSVN Lê Hai tại buổi hội thảo đình đám nói trên, thì cuộc xâm lăng đó cần được đánh giá theo kiểu: “Cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng,… đó là sự nghiệp quốc tế cao cả… của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20”. Tức, cũng là một loại chiến công dẫn tới chuyện kẻ thù phương Bắc san bằng các tỉnh Cao Bằng Lạng Sơn…, và bị thế giới tẩy chay, cấm vận cả thập niên kế tiếp.


Thứ năm và sau cùng là vai trò …thầy bói xin xăm. Hiện trạng Việt Nam, nhìn rõ ra, như Reuters trích dẫn lời nhận định của Võ Nguyên Giáp: “Bất kể chiến thắng oanh liệt 25 năm trước, Việt Nam ngày nay vẫn là một nước đói nghèo lạc hậu”. Công bình tới đâu khi có kẻ đổ hết tội vạ cho Mỹ: man rợ trong chiến tranh, thâm độc trong hòa bình, và dù thua trận, vẫn còn nguyên khả năng nhận chìm kẻ chiến thắng xuống tận đáy khủng hoảng suốt 25 năm? Không! Chắc gì đế quốc Mỹ đã có khả năng thần thánh đó! Nhưng nhất định không thể vì lãnh đạo đảng tồi đến mức chỉ có thể ngụp lặn dưới đáy vực sâu mà Võ Nguyên Giáp vừa đề cập. Lãnh đạo đảng phải có khả năng tiên đoán. Lê Khả Phiêu tuyên bố chắc nịch là dù Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhưng “chủ nghĩa xã hội nhất định thành công”, để từ đó khẳng định đảng CSVN sẽ “tiếp tục đi theo con đường đã chọn, dù 50 năm, 100 năm hay lâu hơn nữa, chúng tôi cũng không bao giờ nao núng”. Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã mạnh dạn tiên tri nhân dịp mở đầu cuộc hội thảo VN trong thế kỷ 20, rằng: “thế kỷ 21 là thế kỷ của Rồng thiêng cất cánh”.


Cũng không nhất thiết ngẫu nhiên, bức thư trên báo Lao Động của độc giả Bùi Ngọc Minh (Nhân Chính, Từ Liêm, Hà Nội), viết chung với một số phụ huynh học sinh trường Phan Đình Phùng, đã khiến lắm người suy nghĩ: “Chương trình Lễ hội Trăng rằm tổ chức vào tối 11-9 tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội do Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội tổ chức đã gây thất vọng cho người tham dự…. Lũ trẻ ngơ ngác hỏi nhau: 990 chiếc đèn ông sao đâu; con rồng thế kỷ dài 990 mét đâu(?). Chúng tôi rất cố gắng mới tìm thấy dải lụa vàng mong manh vắt vẻo trên dãy bàn học sinh đặt tại góc triển lãm – được gọi là con rồng thế kỷ…”. Tòa soạn Lao Động đặt tựa cho bài báo là “Thất vọng vì Lễ Hội Trăng Rằm”. Hãy “nhân rộng” ra để hiểu thêm các nỗi thất vọng khác. Dải lụa vàng mong manh vắt vẻo kia vẫn mỏi mòn chờ ai đó bấm nút cây quạt máy Panasonic để trở thành Rồng Thiêng Cất Cánh! Còn chưa thì cứ coi như một loại liu điu ngọ nguậy chờ thời phun nọc vậy.

Cầm Đèn Chạy Trước Ôtô


Không ai phải chờ lâu. Những dữ kiện về chùa chiền ở Huế mới đây, về các giáo đường Tin Lành bị giật sập trong nước, đi cùng những bản tin AFP, Reuters, BBC, AP về phiên tòa tuyên án các cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo… đã làm rõ hơn nữa tính chính xác của bản phúc trình thường niên về tình trạng chà đạp quyền Tự do Tín ngưỡng của Quốc Hội Mỹ: “Việt Nam là một trong những chế độ độc tài toàn trị”. Gần nhất là những nhận định của bà Charlene Barshefsky trong buổi điều trần của Hạ viện Hoa Kỳ ngày 21-9. Chính xác hơn cả có lẽ là nhận định ngày 19-9 của Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen thuộc tiểu bang Florida: “Việt Nam là một trong vài quốc gia đàn áp thô bạo nhất trên toàn thế giới”.


Theo học giả Zachary Abuza, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại đại học Simmons ở Boston, người ta cứ nhìn vào thực tế sẽ hiểu ra ngay: “Sau vụ biến động nông dân biểu tình tố cáo cán bộ tham nhũng cửa quyền ở Thái Bình vào năm 1997, nông dân bị bỏ tù nhiều hơn là số đảng viên tham nhũng. Chắc vậy rồi! Cả nước có 1000 đảng viên bị khai trừ trong năm qua, nhưng đó chỉ là đỉnh chóp nhỏ nhoi của một khối băng sơn vĩ đại, và gần như là chưa có một lãnh đạo nào bị cách chức”. Zachary phân tích rốt ráo hơn: “Tham nhũng chỉ là hệ quả tất yếu của một đảng độc tài cầm quyền. Lê Khả Phiêu có thể liên tục phát động những chiến dịch chống tham nhũng, khai trừ hay kỷ luật 1000 đảng viên khác, đọc thêm diễn văn về tệ nạn chủ nghĩa cá nhân, và động viên mọi người về đạo đức cộng sản, nhưng tham nhũng sẽ tiếp tục hoành hành cho tới khi nào đảng CSVN chịu chia quyền lực và biết nhận trách nhiệm trước quần chúng”.


Theo ký giả Huw Watkin của tờ Hoa Nam Bưu Báo, chiến dịch phê và tự phê do Lê Khả Phiêu khởi động 18 tháng qua đã mất hẳn động lượng: “Báo cáo của Công an cho thấy là tội phạm hình sự trong giới lãnh đạo các xí nghiệp quốc doanh hay cơ quan nhà nước gia tăng cao độ kể từ ngày chiến dịch phê và tự phê đó được thực hiện”. Bản báo cáo đó còn nêu rõ là có tổng cộng 14.200 vụ buôn lậu và trốn thuế bị phát hiện, nhưng chỉ có 79 vụ được đưa ra tòa.


Cụ thể thực tế, bài báo của phóng viên Hạnh Phương cho biết: “Thị trường thuốc lá sau nửa năm dán tem vẫn không ngăn được thuốc lá nhập lậu”. Theo bài điều tra của ký giả Ngọc Trản, tại Công ty du lịch và thương mại Thủ Đô (bị thua lỗ liên tục trong 3 năm 96, 97, 98), ông Hoàng Hội – Giám đốc Cty – tố cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên phó quyền Trưởng phòng tài vụ – kế toán, biển thủ 800 triệu đồng, rồi tự ý bỏ việc 4 tháng, vi phạm Pháp lệnh Kế toán thống kê. Ngược lại, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng tố cáo ông Hoàng Hội mắc tội vu khống, vi phạm Pháp lệnh Kế toán thống kê, sử dụng sai công quỹ…. Trên một bài điều tra khác, lãnh đạo Công ty Phát triển Tiếp vận Số 1 đã áp dụng chiến lược “lỗ tự nguyện” để chờ nhà nước bù đắp, kết quả là chỉ riêng trong năm 1998, công ty khai lỗ 3,78 triệu USD.


Những dự án trồng cây thí điểm ở Quảng Ngãi cũng rất đáng quan tâm. Nhà báo Trần Đăng có khá nhiều ghi nhận trong bài viết có tựa đề là “Sự phá sản được báo trước?”: Chẳng hạn như các công trình “trồng dâu nuôi tằm” trở thành “trồng dâu nuôi… bò”. Rồi tới cà phê, cả tỉnh có 1000ha cà phê với số tiền đầu tư hơn 10 tỷ đồng, đến năm 2000 chỉ có 26ha đi vào kinh doanh.


Thủy điện Sơn La là một dự án liên bộ khá lớn, dự trù khởi động vào trung tuần tháng 10. Thế nhưng, theo phóng sự của ký giả Nam Bằng, tới gần cuối tháng 9, “bỗng dưng người ta phát hiện ra phương án đường giao thông cho công trình (đường công vụ) xem chừng chưa ổn, cái gì cũng thiếu…. Thậm chí phương án giao thông tổng thể cũng còn rất sơ sài. Hệ thống đường mới chỉ ‘phác họa’ chứ chưa định hình do ‘vị trí tuyến công trình chính… chưa được xác định’! Việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng cho công trình trong báo cáo nêu trên cũng chỉ đề cập đến số kiện hàng nhưng không hề nêu phương án vận chuyển…. Ngay cả sự tính toán lưu lượng xe vận chuyển các loại hàng hóa trên QL 6 cũng không khớp nhau về số liệu…”. Riêng phần kinh phí thì tất nhiên có đầy đủ cả. Theo Nam Bằng, làm dự án kiểu này chẳng khác nào vẽ nhà quên cổng. Chỉ nhớ đô?


Theo tin từ Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, “từ đầu năm đến giữa tháng 9 mới có 216 đơn vị thực hiện cổ phần hóa so với kế hoạch 692 đơn vị phải triển khai trong năm 2000”. Tức chỉ mới đạt 1/3 yêu cầu. Lý do? Bình luận gia Lý Sinh Sự cho là vì: “Các doanh nghiệp quốc doanh của ta vẫn còn muốn giữ cái gốc bao cấp, dựa vào vốn nhà nước, sản xuất lại không theo kịp thị trường nên công nhân viên chức có làm mà đôi khi chẳng có ăn…. Bao giờ chuyển hết các doanh nghiệp thành Cty TNHH và Cty cổ phần, lúc đó chúng ta sẽ chỉ có một luật chung và doanh nghiệp nào làm ăn thua lỗ thì giám đốc, lãnh đạo các cấp phải chịu trách nhiệm, nếu 2 năm liền thua lỗ thì phải miễn nhiệm…. Chứ cứ ‘dở giăng dở đèn’ như hiện nay, có nơi công nhân phải nghỉ việc còn ba vị lãnh đạo vẫn lĩnh lương đều đều, đi làm xe đưa xe đón, tiếp khách vẫn linh đình thì khó chơi lắm”.


Trong toàn cảnh nháo nhào đó, những tiên đoán lên dây cót và những lời kêu gọi thống thiết của Lê Khả Phiêu xem ra không khác cung cách một tay bợm già cầm đèn chạy trước ô-tô.

Ngủ Hai Mắt Nhắm


Cũng trong toàn cảnh nháo nhào đó, đồng bào miền Tây lại phải gồng mình “sống chung với lũ”. Nạn lụt lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại đây hiện đã khiến hàng triệu nông dân trắng tay, màn trời chiếu đất. Ngày 20-9, Trần Đức Lương đã viết thư, “Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi gửi đến nhân dân trong vùng bị ngập lụt lời thăm hỏi ân cần nhất, chia sẻ những khó khăn lớn mà đồng bào đang phải đối phó và vượt qua”. Hôm sau, ngày 21-9, Trần Đức Lương đã “đi thăm, kiểm tra một số cơ sở, công trình chào đón 990 năm Thăng Long – Hà Nội” như Công ty Kim khí Thăng Long, Công trường xây dựng cầu Đuống, Công ty cổ phần Thức ăn gia súc Phúc Thịnh, và làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội: “Chủ tịch đến một số gia đình làm đồ gỗ chạm khảm thôn Thiết úng, chăm chú xem xét các sản phẩm và hỏi thăm tình hình sản xuất, thu nhập của bà con”…. Thế thì đừng hỏi sao nhân dân bực mình, nổi nóng.


Trong 5 Đoàn công tác Liên ngành đã về 15 tỉnh địa phương để giải quyết các vụ khiếu kiện, tin tức ghi nhận được từ các nơi khá sôi nổi. Ký giả Chu Thượng mô tả là “không khí tại các địa phương nơi đoàn đến giải quyết khiếu nại cũng rất ‘nóng’ …. Ở Hà Tây, dân phẫn nộ trình bày với giọng gay gắt, đặt thẳng với đoàn kiểm tra một câu hỏi khá là hóc búa: ‘Sợ mất dân hay sợ mất cán bộ?’. Ở Đà Nẵng, một đại diện nguyên đơn trong 6 vụ khiếu kiện nổi cộm đã vừa nói vừa đập bàn…”.


Các điểm nóng Kim Nỗ, Thái Bình đã giúp đảng và nhà nước nhìn ra những nắm tay của quần chúng, và phải dịu giọng. Kết quả sơ khởi của các đoàn công tác liên ngành vừa nói lại khiến đảng tiếp tục bước lùi: Hà Nội đang quảng cáo là sắp thông qua một đạo luật mới nhằm hợp pháp hóa việc cho phép người dân được biểu tình. Theo Nguyễn Công Tạn, Phó thủ tướng CSVN, thì “Đã qua rồi cái thời mà lãnh đạo muốn làm gì tùy thích. Khi mà dân bất bình và khiếu nại, lãnh đạo phải biết lắng nghe. Mọi người muốn tập họp biểu tình chỉ cần đăng ký trước địa điểm và thời điểm”. Hãy cho là Tạn nói thật. Như thế thì quả thực, 25 năm sau chiến thắng bốn cuộc chiến trắng xương ngập máu kéo dài hơn 3 thập niên, nhân dân Việt Nam “đã được phép” phát biểu ý kiến tập thể. Nghe hay không chưa tính. Giải quyết hay không lại còn là chuyện khác nữa. Tất nhiên.


Còn trước mắt? Theo ký giả Huw Watkin thì các cuộc biểu tình rất hiếm xảy ra ở VN, họa hoằn lắm mới có một cuộc tụ tập các công dân khiếu nại về một sự kiện bất công nào đó, nhưng thường thì giới truyền thông không được làm tin và cũng thường bị giải tán rất sớm. Bên cạnh đó, người dân còn bị khủng bố liên tục: “Nhân sự tham dự vào ngay cả những cuộc biểu tình êm thắm cũng gặp nguy cơ bị công an làm khó dễ khi cần được chứng nhận là người tốt trước khi xin việc làm”. Nói cách khác, anh chị vẫn được biểu tình đấy, nhưng sau đó có bị thất nghiệp chết đói thì rán chịu. Đã thế thì có được hợp pháp hóa hay không, quyền biểu tình vẫn hiện là một xa xí phẩm của nhân dân, cho đến khi nào công an trước tiên có đầy đủ phong cách hành xử của một công dân. Cuộc biểu tình hợp pháp đầu tiên ắt phải nhằm để đòi giáo dục công an chăng?


Nhân dịp hội thảo VN trong thế kỷ 20, Lê Khả Phiêu tâm sự với anh em bầu bạn phương xa rằng: “Chúng tôi hiểu rõ khoảng cách giữa nền kinh tế của chúng tôi và nền kinh tế của những nước phát triển trên thế giới…. Một dân tộc dốt, một dân tộc đói nghèo là một dân tộc yếu…”. Nhìn ra được cái yếu của dân tộc VN như thế thì cũng đáng gọi là không mấy ..đui. Tuy nhiên, Phiêu nói đúng nhưng chưa đủ. Không chỉ là khoảng cách kinh tế. Cái khoảng cách bao trùm làm gia tăng mọi thứ khoảng cách khác chính là thể chế hành chánh pháp quyền. Ngày nào chưa giải quyết xong cái gốc độc đảng độc tài, ngày đó mọi khoảng cách đều còn xa đối với ngay cả những nước láng giềng. Có bói toán xin xăm mấy đi nữa cũng chẳng thể làm ai tin rồi đây liu điu sẽ hóa rồng. Có hô hào mấy đi nữa thì cũng chỉ là vỏ ngoài sơn phết. Có bắt tay tổng thống Mỹ đi nữa thì cũng chỉ để nuốt nhục, nếu mọi người vẫn nhớ tới Nguyễn Cơ Thạch ngủ yên hai mắt nhắm…


Sau cùng, có lẽ nhà báo Lý Sinh Sự nhìn rõ hơn tổng bí Lê Khả Phiêu: “Đằng sau cái bao bì và những lời quảng cáo vẫn là vùng tối. Chúng ta cần người có trách nhiệm bật đèn lên soi rõ thật giả bên trong. Bởi vì, nhân dân không có công tắc đèn”.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page