top of page

2000.11 – Vé Số Da Cam

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 20 min read

Năm nay, không mấy ai nghe nhắc đến tháng Mười Liên Xô cũ. Qua bài “Đôi Khi”, tác giả Ý Nhi thả nhẹ một tứ thơ: “Nào ai có thể bám vào khoảng không?”. Đúng quá đi chứ! Thành thử, tháng Mười năm nay ở Việt Nam khá… yên tĩnh. Các ngày “kỷ niệm” khác trong tháng cũng chỉ là những dịp lặp lại cho có, hàng năm.


Hay, vẫn nói theo Ý Nhi, ”… như đứa trẻ bán hủ tiếu rong, tay cứ gõ hoài hai thanh gỗ mỏng, rồi lắng nghe cái âm thanh khô giòn, quen thuộc ấy”…. trong khi chờ đợi trúng giải độc đắc tấm vé số màu Da Cam.

Dân Xoay Ngang, Đảng Vồ Thẳng


Kỷ niệm 25 năm ngành dầu khí, Hà Nội ăn mừng “đã khai thác 100 triệu tấn dầu quy đổi; ký kết trên 40 hợp đồng tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD”. Trong dịp này, Nông Đức Mạnh đã mạnh dạn bày tỏ niềm hy vọng là “ngành dầu khí lớn mạnh xứng đáng với vị trí mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân”, cho dẫu quốc dân không hề biết kết toán khai thác 100 triệu tấn dầu vừa nói đã đi đâu, về đâu.


Tiếp đó là Kỷ niệm 55 năm ngành địa chất. Theo báo Lao Động thì ngành này đã vinh dự được “đồng nghiệp” Trần Đức Lương gửi thư chúc mừng, với “Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư cùng nhiều quan chức, nhiều cán bộ địa chất lão thành đã tới dự”. Chỉ thiếu nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang. Theo định hướng XHCN thì sau 55 năm tìm kiếm tài nguyên, thành tích của ngành là “các mỏ vàng, ăngtimoan, phốtphorít, sắt, mănggan”… đo đếm được. Còn con người không đáng kể, bởi vốn chỉ là cát bụi?


Rồi tới… Đại Hội Thi Đua Khuyến Học, tổ chức ngay tại Hà Nội. Được biết trên toàn quốc có 36 Hội khuyến học địa phương hoạt động trên 61 tỉnh thành. Đây là những hội từ thiện cứu tế do dân tự lập tự quản để phần nào giải quyết tình trạng trẻ bụi đời cơ nhỡ tại địa phương. Nhiều nơi, như tại Quảng Nam Đà Nẵng, hội khuyến học do một số sư cô đảm trách phần giáo dục, lại kiêm nhiệm cả chức năng của một viện mồ côi. Khi hoạt động của những Hội Khuyến Học các nơi bắt đầu đi vào nền nếp với những quỹ cứu tế do nhân dân quyên góp đã tương đối ổn định, đảng CSVN liền cho thành lập “Hội Khuyến Học Việt Nam”, như một thứ tổng hội, bắt đầu lên phương án quản trị các tài khoản địa phương và tổ chức… thi đua.


Trong dịp thi đua lần này, Lê Khả Phiêu cũng đã tranh thủ có đôi lời giáo huấn: “Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập và hoạt động trong một thời gian chưa dài nhưng… đang từng bước tạo nên …một phong trào khuyến học góp phần thực hiện đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước…. đã thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục đi vào cuộc sống. Hội đã bước đầu khẳng định vai trò và sự cần thiết của mình trong xã hội như chỉ thị của Bộ Chính trị đã khẳng định”. Trên cùng một âm giai, báo Nhân Dân cũng khẳng định là “Các hình thức hoạt động khuyến học đã dần biến các nghị quyết của Đảng thành hiện thực”.


Còn Nông Đức Mạnh thì ca ngợi rằng: “đó là những bông hoa đẹp… phản ánh sinh động việc thực hiện đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước”! Khi dân tự nguyện góp tiền dạy dỗ trẻ em đường phố thì đảng lập tức vồ lấy, biến sự tự nguyện đó thành… bổn phận, qua nghị quyết “xã hội hóa giáo dục”. Vì vậy, không ai nghe dân chúng bình luận gì nhiều về “chính sách khuyến học” mới tinh này của đảng, ngoại trừ những so sánh với cách Khoán Ruộng của dân Long An hồi thập niên 80 đã mau chóng biến thành “Chính Sách Khoán” thời bắt đầu “đổi mới”, của đảng.

Đánh Bóng Đồng Nát


Nếu lấy chuẩn mực láu cá của Hồ Chí Minh để đo lường, thì quả thật, cả Nguyễn Văn Linh lẫn Đỗ Mười đều không đáng xách dép cho Lê Khả Phiêu. Thử nhớ mấy câu thơ Hồ ví von “bác bác tôi tôi” với anh hùng Trần Hưng Đạo, mới thấy cách lên ngôi vua của Lê Khả Phiêu là tinh vi qua nhiều thủ thuật. Đừng kể đến lần soán đoạt ấn tín trong Đại Hội Giữa Nhiệm Kỳ mấy năm trước. Cũng đừng kể chuyến Tây du bắt tay Chirac vừa qua hay sửa soạn bắt tay Clinton sắp tới. Hãy theo dõi “Lễ hội 990 năm Thăng Long – Hà Nội”, khắc rõ.


Theo báo Tuổi Trẻ: “Viện Kỹ thuật phòng không – không quân… đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt do Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ giao: tham gia màn trình diễn “rồng bay” trong đại lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long tổ chức đêm 8-10 tại sân vận động Hà Nội. Viện đã nghiên cứu thiết kế và sản xuất hai con rồng thể hiện hai cảnh: rồng bay lên trong ngày vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long và rồng VN bay vào thế kỷ 21”.


Tức là, nếu trước đây, Hồ chỉ mới sánh với danh tướng Hưng Đạo Vương, thì nay, Lê Khả Phiêu tự sánh với vua Lý Thái Tổ. Có phần còn trội hơn vua xưa, qua “nắm bắt sáng tạo” theo nhịp thời đại là cho rồng VN… bay vào thế kỷ 21! Được biết, cả hai con rồng thời Lý hưng (dài 21m) và thời Lê mạt (dài 27m) của Viện kỹ thuật phòng không này đều có xương làm bằng tre và song mây, da bằng nilông mỏng rắc vảy phản quang, ruột là những túi khí nhẹ helium, mắt và miệng rồng có cài đèn pin viễn khiển.


Ngoài ra, cũng theo tờ Tuổi Trẻ đưa tin thì thừa dịp làm rồng theo lệnh “trên” vừa nói, “Viện Kỹ thuật PK-KQ còn thực hiện màn tái hiện ‘chiến thắng Điện Biên Phủ trên không’ với mô hình những chiếc máy bay B52 của đế quốc Mỹ bị ‘rồng lửa’ VN bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972”. Phần biểu diễn đặc biệt này xảy ra hơn một tháng trước ngày tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Bill Clinton ghé Hà Nội.


Có người bảo rằng đó là một cách nhắc nhở cho “bọn cầm đầu đế quốc Mỹ” liệu hồn, đừng quên mình là kẻ bại trận chiến tranh VN sắp ghé thăm một quốc gia đầy “rồng lửa”. Có người lại bảo rằng đó là cách biểu diễn trấn an các quan thầy Bắc Kinh khi sắp sửa rạp mình mời chào kẻ thắng trận chiến tranh lạnh từng vang danh hào phóng lắm đô. Lại có người cho rằng chẳng có ý nghĩa gì sất, ngoài việc “tự trấn an chính mình” bằng kỹ thuật đánh bóng đồng nát của ngành phòng không Hà Nội, tương tự như các công trình gọi là quảng diễn chủ nghĩa Mác-Lê và “tư tưởng Hồ Chí Minh” của ngành Tư tưởng Văn Hóa. Kể cũng có lý. Nhưng, hóa ra, giờ này vẫn còn lắm kẻ cố “bám vào khoảng không” chăng?


Hẳn vậy. Nếu không thì chắc Lê Khả Phiêu chẳng cần nhắc tới “truyền thống Bộ Đội Cụ Hồ” trong dịp đọc diễn văn chào mừng Đại hội Thi đua Quyết thắng Toàn quân lần thứ VI do Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội ngày 17-10 vừa qua. Ý nghĩa cốt lõi của bài diễn văn này là: “Mỗi chiến sĩ không thể bị chi phối bởi tiền tài, danh lợi, ích kỷ, báo cáo hay, chạy theo thành tích bề nổi, làm việc trái đạo đức và pháp luật”. Cho dù cả đảng đã thế và đã dìm VN xuống vực sâu nghèo đói, “quân đội nhân dân Việt Nam” vẫn phải tỉnh táo trước nhiệm vụ… bảo vệ đảng. Trung tướng, Phó giáo sư CSVN Nguyễn Đình Ước đã viết như vậy trong bài minh họa dự thảo báo cáo chính trị của đảng dưới nhan đề “Tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc”.


Theo Ước thì khác với các văn kiện đại hội đảng trước đây, báo cáo chính trị lần này đã làm rõ khái niệm mới về bảo vệ Tổ quốc XHCN: “Là bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân”. Đó là thứ tự tuyệt đối bất khả thay đổi. Đó cũng là nhiệm vụ hàng đầu của quân đội, một khi phần III của dự thảo báo cáo chính trị của đảng đã sáng tạo đường lối phân tích hoàn toàn mới: “Ngày nay, …cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN diễn ra trong điều kiện mới, với những nội dung mới và những hình thức mới….


Nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh giai cấp là thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa theo định hướng XHCN, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch…”. Đặc biệt, trong hoàn cảnh “xu thế toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, ngày càng có nhiều nước tham gia, đang bị chủ nghĩa đế quốc, các nước phát triển, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia chi phối”.


Để làm sáng tỏ hơn ý nghĩa to lớn đó, tác giả bài động viên minh chứng: “Bài học của Nam Tư cho ta thấy rõ điều này”. Nỗi khổ nhiều tập của Hà Nội là các bài học liên tục: Cứ hễ lớn tiếng ủng hộ hoặc bảo vệ “chuyện nội bộ” của chế độ nào là y như phe đó thua. Từ phòng không Iraq tới du kích Nam Tư. Trong lúc Hà Nội vẫn phải đứng trước quá nhiều loại kẻ thù rình rập. Gần nhất, về kinh tế là Mỹ, về địa dư là Tàu, còn về nội tại là… đảng, có ra sức đánh bóng mấy thì cũng …giờ đây đã nát càng thêm nát!

Cơ Thể Việt Nam


Nhiệm vụ minh họa dự thảo các loại văn kiện đại hội toàn đảng nhất định không chỉ của riêng Nguyễn Đình Ước. Nó là kết quả của hàng chục đại hội đảng bộ các cấp quận, huyện, tỉnh, thành… và cả hội nghị cán bộ lão thành. Tất nhiên, các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà… đều không thể hội đủ tiêu chuẩn tham dự. Bởi, theo một đoạn tin được viết dưới dạng văn phạm phát triển ở trình độ thấp của Thông tấn xã Hà Nội, “Hầu hết các đồng chí lão thành cách mạng cho rằng các dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị công phu, biên tập súc tích, có nhiều điểm mới, bày tỏ sự nhất trí với nhiều quan điểm chủ trương chính sách và các giải pháp trong các dự thảo văn kiện”. Nhìn chung là công tác đảng vận đã đạt được ngần ấy bước đầu, trên giấy.


Mặt khác, thuộc phạm vi dân vận, các chiến dịch vẫn được mô tả là “còn nguyên độ khó”. Nhân dịp buổi “Gặp mặt Truyền thống 70 năm Công tác Dân vận của Đảng” vào sáng ngày 12-10, uỷ viên thường vụ, thường trực bộ chính trị CSVN, “sau khi chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác dân vận cần được đi sâu nghiên cứu để khắc phục, đồng chí Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh: Công tác dân vận cần phải phối hợp và giúp Đảng, Nhà nước tháo gỡ những bức xúc nảy sinh từ thực tế cuộc sống hiện nay”.


19 năm sau ngày phát động công tác dân vận, Hồ Chí Minh đã viết trên báo Sự Thật: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém”. Nửa thế kỷ tiếp sau đó, lật ngược câu nói ấy là thấy ngay quả thật công tác dân vận của đảng ngày nay… quá kém, như chủ tịch Tổng công đoàn Cù Thị Hậu nhận định: “phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn; tình trạng thất nghiệp không thể tránh khỏi; lối sống cá nhân, thực dụng, vụ lợi, ích kỷ làm xói mòn truyền thống nhân ái của dân tộc, làm suy giảm tình hữu ái và đoàn kết giai cấp…”.


Dù vậy, một sáng tạo bất ngờ của Hà Nội là, theo báo Lao Động, trong dịp Gặp Mặt Truyền Thống này, Ủy ban Dân vận Trung ương CSVN đã “trao tặng Kỷ Niệm Chương ‘Vì sự nghiệp Dân vận’ cho các đồng chí: Đỗ Mười, Phạm Thế Duyệt, Trương Mỹ Hoa, Vũ Oanh…”. Có người góp ý là nên đổi tên các “Kỷ Niệm Chương” đó thành : Vì sự nghiệp dùng tiền viện trợ của Hàn Quốc, hay, Vì sự nghiệp cấp đất trên đê Yên Phụ…. Có người bảo danh sách đó còn ngắn, lẽ ra nên trao kỷ niệm chương cho Trương Tấn Sang về thành tích dân vận… bà Võ Thị Thu Hồng nữa chứ! Lại có người phản đối: nếu thế thì phải sản xuất đại trà các loại kỷ niệm chương và trao tặng cho tất cả đảng viên đã chủ động nâng cấp lên cao điểm phong trào nhân dân khiếu kiện toàn quốc.


Gì thì gì, trước đó một ngày, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức cuộc họp với tổng biên tập các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương để trao đổi bàn việc phối hợp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách đại đoàn kết dân tộc. Trong dịp này, Tổng Thư ký UBTƯ MTTQVN Trần Văn Đăng long trọng thông báo: “Được sự nhất trí của Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN và các tổ chức thành viên MTTQ quyết định lấy ngày 17-10 hàng năm là ‘Ngày Vì người nghèo’ và tổ chức lễ phát động cuộc vận động ‘Ngày Vì người nghèo’ vào ngày 17-10-2000”.


Theo tác giả Hai Văn Sáu thì điều đó rất đáng băn khoăn: “Chỉ tính từ 1995 ta đã có nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo, tức là có đến ngót 3.000 ngày đêm đánh nhau với đói – nghèo, nay thêm một ‘ngày vì người nghèo’ liệu có…”. Còn theo tác giả Lý Sinh Sự thì “- Nước mình từ ngày đổi mới, sự giàu nghèo càng thêm rõ nét…. – Khoảng cách giàu nghèo bây giờ nó vời vợi lắm bác ạ. Một bữa nhậu của các đại gia đủ cho nhà nghèo ăn cả năm. Tôi có cảm tưởng như là ngày xửa, ngày xưa bọn quan lại phong kiến thì sống xa hoa thừa mứa, còn dân nghèo thì vẫn đói rét… – Vì thế nên… Ngày 17-10 này chỉ nên hiểu là ngày để chúng ta nhớ đến người nghèo…”. Vậy, 364 ngày còn lại trong năm sẽ “Vì người nhờ đảng vượt nghèo” chăng? Ai bảo là chính sách đại đoàn kết của đảng chưa bắt kịp trào lưu thời đại?


Nhân buổi họp nói trên của MTTQ, Phạm Thế Duyệt lại ban huấn từ: “Tôi đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng hết sức quan tâm và có kế hoạch tổ chức tốt việc tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930) với nội dung phong phú, tăng thời lượng phát sóng và số lượng các tin bài. Tôi cũng đề nghị các đồng chí đề xuất các sáng kiến phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ VN xây dựng chiến lược truyền thông về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất…”. Hướng nhắm chính yếu hẳn phải là những khúc ruột tượng xa ngàn dặm đầy ắp đô-la, nhằm “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” chăng?


Còn trong nước, trong việc biểu dương tinh thần đại đoàn kết vừa nói, thành ủy Hà Nội quyết định không bắn pháo hoa nhân dịp lễ hội 990 năm Thăng Long, gọi là để …tỏ tình gắn bó với nạn nhân lũ lụt miền Nam. Được biết, lễ hội này đã được tổ chức “hoành tráng, kỳ vĩ” vào ngày 3-10 tại … Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Trong dịp này, Lê Khả Phiêu đã “nhấn mạnh và biểu dương vai trò đặc biệt quan trọng của thủ đô, đồng thời thông báo: Vì những thành tích to lớn trong quá trình phấn đấu phát triển, Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng”.


Theo bài tường thuật của phóng viên Thanh Bình, Lê Khả Phiêu đã ân cần căn dặn: “Hà Nội phải tiếp tục phấn đấu trở thành tấm gương cho cả nước noi theo… Hà Nội phải phấn đấu để trở thành một con rồng bay và phải vươn lên bay cao, bay xa đến bến bờ XHCN… và với tinh thần đó, tôi xin tặng thêm thủ đô hai chữ Hà Nội của trí tuệ và là trái tim của cả nước”. Lê Khả Phiêu xứng đáng được trao tặng kỷ niệm chương về cơ thể học, hạng nhất. Dù nghĩ vậy, chẳng ai dại miệng cho rằng tổng bí Khả Phiêu vừa tranh đoạt vị thế nguyên thủ quốc gia qua chuyến Tây du vừa rồi, hiện đang tranh đoạt luôn chức chủ tịch nước, lại vừa ra sức tranh đoạt cho cả vị trí của Hà Nội trên lằn ranh phân hóa Nam-Bắc trong đảng. Cũng chẳng ai nỡ hỏi: Vậy chứ hơn nửa thế kỷ nay Hà Nội là gì trên/trong thân thể Việt Nam?

Ru Ta Ngậm Ngùi


Hầu hết mọi người tham dự lễ hội Thăng Long đều rạp mình trước lời tặng của Phiêu. Chỉ trừ Trần Đức Lương khéo léo phát biểu là Hà Nội cần “thực hiện thật tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ‘Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp’…”. Đừng vội bàn đến động cơ phát biểu của Lương (trước nguy cơ mất chức) mà có khi vào tù không ngày đặc xá. Hãy thử tìm hiểu nội dung cơ sở của lời phát biểu thẳng thắn đó: Không mấy ai đếm xuể những bài phóng sự về tình trạng phóng uế công khai quanh các bờ hồ Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Bảy Mẫu và Hồ Tây. Chưa ai quên hiện tượng ứ rác nhiều ngày của Hà Nội hồi mấy tháng trước, hay nguyên nhân làm tàu hỏa trật bánh mới đây vì lượng nước thải đổ ứ đường ray. Cũng không mấy người lương thiện dám hay muốn tha thẩn quanh các công viên Hà Nội vào giờ sụp tối….


Đã có thời Hà Nội được báo chí ngoại quốc tặng cho danh hiệu ô nhiễm nhất nhì Đông Nam Á. Theo số liệu của Sở Khoa học-Công nghệ-Môi trường Hà Nội thì tình hình ô nhiễm môi trường tại đây hiện khá nghiêm trọng: Nồng độ các khí độc hại như CO, SO2 lớn hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 1,8 lần; nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép 1,4 lần. Trong đó lượng khí CO và CO2: 17 m3/người/ngày đêm; SO2: 0,146 m3/người/ngày đêm; bụi các loại: 0,92kg/người/ngày đêm.


Ngay bên cạnh bài tường thuật về danh hiệu Thủ Đô Anh Hùng, một bài chuyên mục cuối tuần của Quang Hiệu-Thùy Phương cũng phần nào tóm gọn được khung cảnh Hà Nội ngày nay: “Đường Đặng Tiến Đông đẹp là vậy mà hiện nay nước thải từ các hộ dân cứ tràn cả ra, làm ứ đọng trên mặt đường gây nên mùi hôi thối khủng khiếp”…. “Hơn 100 hộ dân ngõ 195 Minh Khai đang từng ngày, từng giờ phải sống chung với mùi xú uế do nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ những năm 1960”…. ”Còn hàng trăm ý kiến khi trao đổi với chúng tôi, người dân cũng bộc bạch quan điểm tương tự. Và thậm chí cảm thấy ‘khó chịu’ về cung cách làm việc của một số cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết quyền lợi cho họ. Tuy nhiên do khuôn khổ tờ báo, chúng tôi không thể viện dẫn hết ra đây”….


Một phóng sự khác của Phương Liên cho biết thêm ngay trên tựa đề: 62% nhà ở Hà Nội hư hỏng nặng phải sửa chữa, cải tạo. Tác giả nêu ra một số nguyên nhân chi tiết: “ngoài nguyên nhân do người sử dụng tự cơi nới, đục phá mối nối để neo dầm thép làm chuồng cọp, đeo ‘balô’, xây bể nước… ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, còn có nguyên nhân về mặt kỹ thuật… Nền đất yếu, chất lượng xây dựng, sử dụng không đúng quy trình… Nhà hư hỏng nặng… chủ yếu là các nhà trong khu phố cổ, phố cũ nội thành, những khu nhà tập thể cao tầng được xây dựng từ những năm 1960-1970 đã lún, nứt nặng. Đặc biệt, nhiều nhà chung cư lắp ghép tấm lớn tầng cao đã bị gỉ phần lớn cốt thép mối nối. Số diện tích cần dỡ bỏ lên tới 5% và nhà hư hỏng nặng phải sửa chữa cải tạo chiếm 62% quỹ nhà ở hiện có, chỉ còn khoảng 1/3 quỹ nhà là còn đảm bảo an toàn sử dụng”.


Đâu phải ngẫu nhiên mà Chương trình Ca nhạc Đặc sắc Kỷ niệm 990 năm Thăng Long lại chọn hai bài nhạc tiêu biểu làm nòng cốt: “Ru ta ngậm ngùi” và “Thiên đường mong manh”? Trần Đức Lương phản đối nhẹ nhàng nhưng …có lý đó chứ!

Chia Nước Với Cửu Long


Tình hình lũ lụt miền Tây Nam Bộ đã trở thành cơn nhói tim của người Việt Nam, cả trong lẫn ngoài nước. Ngay trong nước, đồng bào ta không dư thừa gì, ngoài tình bầu bí, nên cùng góp nhặt giúp nhau trong hoạn nạn chung, trên tinh thần Kẻ khó ít giúp người khó nhiều, hay, Lá rách đùm lá tả tơi. Nhưng không phải mọi việc đều trơn tru. Dường như mọi khâu trắc trở không từ dân, mà từ đảng.


Trong bài “Băn khoăn mùa lũ”, tác giả Lý Sinh Sự nêu lên một điểm ưu tư: “Cách đây gần 2 tháng rộ lên việc thiếu nhân công gặt lúa chạy lũ. Hàng nghìn hécta lúa chín bị ngập…. Đến bây giờ lại là chuyện lúa gặt rồi không bán được, bị mọc mầm không ít. Trên báo, trên tivi có hình ảnh những đống lúa xếp bên đường quốc lộ cao như núi. Riêng 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tồn đọng 200.000 tấn lúa. Giá lúa lại sụt xuống còn có nghìn mốt nghìn hai. Vậy mà năm nay ta định xuất 4 triệu tấn gạo, quyết giữ vị trí thứ nhì trên thế giới, như chiếc huy chương bạc độc nhất ở Xít-Nây. Ấy thế mà lúc người làm ra lúa lao đao lại chưa thấy các nhà xuất khẩu ra tay tế độ…”. Hẳn là các quan xuất khẩu đang bị hơi… bận giao tế chăng?


Rồi liên tục hàng tuần liền, ngay vào cao điểm cuồng lưu, là các bản tin các nhóm cứu trợ bị ngăn chận, đặc biệt là các nhóm cứu trợ Phật tử Thiện nguyện. Ngược lại, bên Nam Vang, lãnh tụ đối lập Sam Rainsy đã cùng dân xuống đường biểu tình tuyệt thực chống tham nhũng hàng cứu trợ lũ lụt bên đó. Phía Việt Nam tình hình không mấy khác.


Báo Lao Động đăng tải ý kiến của bạn đọc Nguyễn Phúc Hiệp từ Châu Đốc, An Giang gửi ra Hà Nội: “Có những đơn vị hỗ trợ vài chục triệu đồng, nhưng cũng tổ chức cả một đoàn đi từ miền Bắc vào. Số tiền chi ra cho tiền đi lại, ăn nghỉ của đoàn có khi cũng lên đến cả chục triệu đồng. Có đoàn vào cứ dứt khoát phải gặp bằng được lãnh đạo tỉnh, rồi đề nghị tỉnh phải bố trí đưa đến điểm này, điểm kia để trao quà, chụp ảnh… Nhưng một phần cũng do có địa phương tiếp nhận trước đây đã để lại những tai tiếng: Tiền và hàng cứu trợ bị thất thoát chứ không đến tận tay người dân”.


Trong dịp viếng thăm đồng bào nạn nhân lũ lụt ở An Giang, chính Lê Khả Phiêu cũng tuyên bố: “Mọi hành động lợi dụng lũ lụt để tăng giá, hoặc cắt xét hàng cứu trợ là tội ác”. Đó chỉ là định nghĩa, nên nghe đâu vẫn lắm người định viết trường thiên ký sự “Lạy giời, nước nữa lên”. Dân góp tiền “chia nước với Cửu Long”. Đảng viên chia tiền nhờ con nước lên trên sông Cửu Long. Đến giải hoa hậu 2000 còn lọt vào tay thí sinh Phan Thu Ngân kia mà! Theo tác giả Hai Văn Sáu: “đối với một số cán bộ giàu đủ thứ nhưng lại nghèo tri thức, nghèo lương tri… thì, phải xóa mấy cái nghèo ấy mới mong xoá đói giảm nghèo cho người nghèo”.


Trong mục “nhật ký phóng viên vùng lũ”, ký giả Cao Hùng ghi một bài viết ngắn về tình hình cứu trợ lũ lụt ở An Giang: “Đã có người dân ta thán…. Khi lên danh sách, các hộ dân được cứu trợ, huyện chỉ đạo xã, xã lại dựa vào ban tự quản nhân dân. Nhưng có không ít vị nằm trong ban tự quản thiên vị tình cảm, lên danh sách các hộ dân nhận hàng cứu trợ không đúng diện cứu trợ, người khó khăn lại không được, trong khi người chưa đủ tiêu chuẩn lại được nhận hàng cứu trợ…”. Ngay cả những chuyến “vi hành” của Lê Khả Phiêu hay Trần Đức Lương tại vùng lũ cũng không khác: hầu như những người được thăm và tặng quà đều thuộc diện mẹ liệt sĩ, người có công với cách mạng, hay “thuộc diện chính sách”.


Cũng cùng mục Nhật ký vùng lũ này, phóng viên Trung Phương viết rằng: “Mỗi ngày có hàng chục đoàn cứu trợ từ các nơi đến với vùng lũ, san sẻ miếng cơm manh áo cho người khốn khó. Thật cao cả và cảm động…. Tuy nhiên, có điều cần phải nói ra là có một số người bám theo các chuyến cứu trợ để… đi chơi. Họ muốn tham quan cho biết mùa lũ ở vùng sâu.


Chính vì vậy mà có những đoàn cứu trợ có số đông khủng khiếp. Chi phí đi lại, ăn ở, nghỉ ngơi nhiều hơn tiền cứu trợ. …Tôi nhớ năm ngoái, đi cứu trợ miền Trung, có chuyến phải mang hàng đi ngược sông Hương vào một bản xa xôi, có đội công tác xã hội của địa phương tình nguyện đi gùi hàng. Đến giờ hẹn ở bến tàu, chúng tôi chưa kịp đưa hàng xuống thuyền thì hàng chục cô cậu quần dài, áo rộng, mang giày cao gót đã ùa xuống ngồi chật cứng. Thì ra họ muốn kết hợp đi… tham quan”. Tiết mục này có tên là “dã ngoại miễn phí”.


Mục “Phản ánh nhanh” trên báo Lao Động ghi nhận: “Trong ngày 27-9 có nhiều phản ánh của bạn đọc gửi đến, trong đó đa số ý kiến đều chia sẻ với đồng bào vùng lũ. Nhiều bạn đọc đến tận Tòa soạn báo Lao Động với mong muốn: Mọi sự hỗ trợ đều phải đến được tận tay đồng bào đang gặp hoàn cảnh khó khăn một cách nhanh nhất. Bạn Nguyễn Hữu (Cty Hải Hà-Kotobuki) nêu vấn đề: Rất cần phải có cơ chế kiểm tra để nguồn cứu trợ cho vùng lũ không bị thất thoát”. Rồi thêm ban thanh tra cơ chế kiểm tra, và bộ phận soát xét ban thanh tra…


Về mặt thông tin chính thức, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương thì “Tính đến ngày 3-10, đã có 242 người chết, trong đó có 194 trẻ em, hơn 760 nghìn hộ bị ngập; trong đó, có 500 nghìn hộ bị ngập sâu từ 0,5 đến 2,5 m; hơn 11.800 phòng học bị ngập và hơn 722 nghìn học sinh phải nghỉ học, 249 trạm y tế bị ngập, hư hỏng; hơn 900 km đường bộ liên tỉnh và hơn 7 nghìn km đường huyện, xã bị ngập, gần 40 nghìn ha lúa hè thu và lúa vụ ba bị mất trắng; hơn 58 nghìn ha rau màu và cây ăn trái bị ngập và hư hại. Ước tổng thiệt hại khoảng 2.551 tỷ đồng”. Phản ứng cứu nguy khẩn cấp của “chính phủ” CSVN ra sao trước tình hình đó?


Ngày 27-9, Theo Thông tấn xã Hà Nội, chính phủ quyết định trích quỹ 26 tỷ đồng (tương đương một phần trăm mức thiệt hại) và xuất 3.000 tấn gạo (một phần ngàn của 3,2 triệu tấn gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2000) để cứu trợ nạn nhân lũ lụt trên toàn miền Tây Nam Bộ. Cùng ngày, Phan Văn Khải cho thành lập Ban Chỉ đạo việc sử dụng tiền và hàng cứu trợ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lụt, bão gây ra ở các địa phương, với nhiệm vụ chính yếu là “Theo dõi số tiền và hàng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, cứu trợ đồng bào vùng bị lụt, bão; Căn cứ vào mức độ thiệt hại của từng tỉnh, chỉ đạo việc phân phối tiền và hàng cứu trợ đã nhận được cho các địa phương, thông báo cho các cơ quan tiếp nhận (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Ban Quản lý và tiếp nhận viện trợ Bộ Tài chính) để thực hiện…”.


Ngày 4-10, Chi cục Dự trữ TP.Hồ Chí Minh thuộc Chi cục Dự trữ quốc gia đã mở hai kho Mỹ Quý và Tam Nông, xuất cho 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo. Theo ông Bùi Thành Nhơn – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Tháp – thì chậm nhất là trong vòng 5 ngày, Đồng Tháp sẽ phân phối xong số gạo nói trên đến các hộ thiếu ăn trong vùng lũ.


Đến ngày 5-10, Phan Văn Khải cùng Nguyễn Công Tạn chủ trì Hội nghị bàn các biện pháp khắc phục lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long. Ký giả Thanh Thủy đã ghi nhận trong dịp rà soát này là các dự án nhà ở cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long “sống chung với lũ”, khởi từ 1995 tới nay đều… “vẫn ì ạch, không hiệu quả, thậm chí có đề án cứ ở mãi dạng thí điểm”… Không một ai trả lời được câu hỏi là việc điều nghiên thử nghiệm ba công trình nhà nổi liên hoàn của đề án sẽ kéo dài đến bao giờ. Mà nếu có xong thì liệu người nông dân nào có khả năng mua một căn hộ 70m2 với giá 70 triệu đồng? Nói cách khác, ưu đãi này dành cho riêng những ai?


Dự án “Nhà nhựa cho người nghèo”, được “đánh giá cao” trong Hội thảo “Giải pháp nhà ở cho người dân ĐBSCL” do Bộ Công nghiệp tổ chức hồi cuối năm ngoái, “vậy mà, cho đến nay chương trình vẫn chưa tìm được cách tiếp thị với các địa phương để giới thiệu sản phẩm”. Trong mục “câu chuyện quản lý” trên báo Lao Động, ký giả Minh Thư từng đặt ra câu hỏi “Dự án… hay dự ăn?” là do thế. Và cứ thế, người ta đang lên chương trình họp cho mùa lũ năm sau. “Đôi khi chợt ứa tràn nước mắt”. Thi sĩ Ý Nhi kết thúc bài thơ nói trên như vậy.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Comments


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page