top of page

2000.12 – Rồi Sẽ Có Ngày…

  • LVMỹ-K24
  • Feb 26, 2022
  • 19 min read

Tin tức từ Hà Nội gia tăng khá rõ trong tháng qua trên báo chí thế giới. Ngoạn mục nhất phải kể là trò xiếc đu dây đối ngoại của dàn lãnh đạo CSVN, trong dịp Tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ Bill Clinton ghé Việt Nam vào trung tuần tháng 11, nhân chuyến phó hội thượng đỉnh APEC tại Brunei.


Rước Thù Về Với Quê Hương


Dư luận quốc tế tương đối xôn xao về chuyến đi Hà Nội của ông Clinton. Ngược lại, dàn truyền thông quốc doanh trong nước được chỉ thị im lặng và phải ra vẻ như “chuyện không có gì là ầm ĩ” về chuyến thăm viếng mà báo chí ngoại quốc cho là “lịch sử” này. Theo ký giả Nayan Chanda của tờ Viễn Đông Kinh Tế thì vào cuối tháng 10, dàn cố vấn Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt đã gửi thư khuyến cáo Lê Khả Phiêu về “sự lãnh đạo yếu kém” trong thời gian qua. Đến cuối tháng 10,


Ủy viên chính trị bộ Phạm Thế Duyệt tung chỉ thị cho cả đảng “không được quá hồ hởi” trong dịp đón tổng thống Mỹ, đồng thời, phải đề cao cảnh giác vì “Hoa Kỳ vẫn chưa từ bỏ chính sách diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Ủy viên chính trị bộ Lê Xuân Tùng còn nói rõ hơn trên tạp chí Cộng Sản: “Các thế lực thù địch công khai tuyên bố mục tiêu “diễn biến hòa bình” chuyển hóa chế độ ta từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản”….


Do vậy, tin tức về lễ đón ông Clinton chỉ được chính thức phổ biến 2 ngày trước khi chiếc AirForce One của Mỹ đáp xuống phi trường Nội Bài. Về phía nhà nước CSVN, lễ đón tại đây được mô tả là khá… nhạt, bằng sự hiện diện của bộ trưởng ngoại giao CSVN. Ngược lại, giới trẻ Hà Nội xôn xao chào đón đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ từ chiều ngày 16-11, rồi lại túa ra đường lúc giữa đêm để chào mừng tổng thống Mỹ. Những ngày kế tiếp trong chuyến viếng thăm VN của ông Clinton vẫn tiếp diễn kiểu đó. Nhà nước càng tỏ vẻ miễn cưỡng lạnh nhạt thì người dân, đặc biệt là giới trẻ, lại càng sôi nổi nồng nhiệt.


Thậm chí, phóng viên Mort Rosenblum của hãng thông tấn AP còn cho biết là nhiều người đã cao giọng gọi “Uncle Bill” để chào mừng tổng thống Mỹ. Lại càng thấy là bài diễn văn của ông Clinton tại trường đại học Hà Nội tế nhị biết bao khi tác giả nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tương lai VN và tuổi trẻ VN. Chưa nói tới một khích lệ nhiệt thành sau đó: “Xu hướng tiến tới tự do tại VN là một tiềm thế không thể đảo ngược được nữa”.


Lê Khả Phiêu, trong bài phát biểu nhân dịp đón tiếp tổng thống Mỹ ngày 18-11 tại trụ sở T.Ư. đảng CSVN, đã cực lực lên án “chủ nghĩa đế quốc” của Mỹ, và đã thay mặt toàn đảng khẳng định rằng: “Tương lai của VN là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Cốt lõi câu nói này phải được hiểu là “chủ quyền lãnh thổ”, cái mà đảng CSVN đã dùng làm chiêu bài để huy động và sẵn sàng hy sinh hàng triệu sinh mạng người Việt trong cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi VN. Giới trẻ VN nghĩ sao về điều đó? Cũng theo bài báo của Mort Rosenblum, một sinh viên 21 tuổi, thuộc phân khoa sinh ngữ Triều Tiên tại đại học Hà Nội, không dấu nổi sự háo hức đón đợi ông Clinton: “Tôi nôn nóng được gặp ông ấy. Trước đây người ta thường nghĩ về việc bảo vệ biên giới lãnh thổ. Nhưng ‘Bác Bill’ đã tạo được ấn tượng là sự giao cảm giữa hai dân tộc quan trọng hơn ranh giới giữa hai nước rất nhiều”.


Hóa ra, một cách trực tiếp, người dân VN đã “trả lời” các chỉ thị “đừng quá hồ hởi” của đảng bằng hành động tự ý tràn xuống đường đón tiếp tổng thống Mỹ và gọi ông Clinton bằng từ ngữ mà đảng chỉ muốn viết hoa để dùng riêng cho đầu lãnh Hồ Chí Minh. Còn gián tiếp, cô sinh viên nói trên đã chẳng nhẹ nhàng nghiền bột luận điệu lưỡi gỗ (mục) của Lê Khả Phiêu đó sao? Nói cách khác, không phải tuổi trẻ VN đã có sự chọn lựa riêng đó sao?


Từ đó, cho dù giới truyền thông trong nước lại được chỉ thị “im lặng” về chủ đề nhân quyền trong bài nói chuyện của ông Clinton tại đại học Hà Nội, nhưng không ai ngạc nhiên khi thấy ngay sau khi ông Clinton rời VN, chính trị bộ Hà Nội phải họp đột xuất để “tổng kết thực tiễn” về thái độ của nhân dân. Tất nhiên, như thông lệ, kết quả vẫn là sự giản nở của lằn ranh phân hóa ở thượng tầng lãnh đạo CSVN, như nhà báo Nayan Chanda nhận xét. Chưa đủ tin ư? Hãy đọc bài luận văn trên trang nhất báo QĐND ngày 19-11 của Trung tướng tổng tham mưu trưởng quân đội CSVN kiêm thứ trưởng bộ Quốc phòng Hà Nội Lê Văn Dũng về “quyết tâm dập tắt mọi mưu toan đảo chánh và diễn biến hòa bình”, khắc rõ.

Ăn Hại Đẻ Ăn Mày


Đó không phải là một mối bất đồng giữa giới lãnh đạo Hà Nội. Đó là một khối bất đồng nhiều mối. Hình ảnh mờ nhạt của Phan Văn Khải trong mấy ngày Clinton đến VN, không xuất hiện trong cả bữa ăn tối do đảng và nhà nước CSVN chính thức khoản đãi quốc khách, chỉ là chuyện nhỏ. Thư khuyến cáo của dàn cố vấn gửi cho tổng bí thư CSVN cũng vẫn là chuyện nhỏ. Cái lớn là …theo Mỹ tới đâu? Nguồn gốc của nó không phải mới đây, mà từ thời Nguyễn Cơ Thạch còn nhắm một mắt khi ngủ, tức là trước cả thời nạn nhân của Bắc Kinh này mở trừng hai mắt khi chết. Giám đốc viện nghiên cứu Bắc Mỹ ở Hà Nội Nguyễn Thiết Sơn đã tóm gọn rằng: “Thiên đường hãy còn quá xa, nhưng Trung Quốc thì lại quá gần”. Sợi dây đu xiếc của các phe lãnh đạo Hà Nội nằm ngay đó.


Một tuần trước khi Clinton ghé VN, Giang Trạch Dân đã vi hành thăm viếng Lào và Miên, hai chư hầu tí hon và nghèo đói mạt hạng của Hà Nội. Tờ Trung Hoa Nhật Báo mô tả chuyến đi đó là “một bước quan trọng để đẩy mạnh sự yên vị sâu sắc của tình hữu nghị giữa Trung Quốc với hai nước láng giềng anh em ở phương Nam”. Theo ký giả Catherine McKinley của hãng thông tấn Dow Jones thì chuyến thăm “Đông Dương” của họ Giang chỉ nhằm nhắc nhở cho Hà Nội về vị thế của quốc gia có 1,2 tỷ dân đối với toàn khu vực: “Bắc Kinh phải quân bình tầm ảnh hưởng chính trị của Hà Nội đối với các nước kia, đồng thời, làm cho Hà Nội phải tựa vào thế lực của Trung Quốc”. Ngay vào lúc Hà Nội đang đóng vai chủ tịch hiệp phối ASEAN, với Lào và Miên là hai thành viên trong nhóm Đông Dương. Quan trọng hơn, ngay vào lúc một cánh lãnh đạo của Hà Nội có nhiều chỉ dấu thắng thế trong việc bắt tay với Mỹ, từ Hiệp ước Mậu dịch tới chuyến thăm của Bill Clinton.


Rồi chỉ mấy ngày trước khi tổng thống Mỹ ghé Hà Nội, thành phố này đã tiếp đón trọng thể một phái đoàn Tư tưởng-Văn hóa của Bắc Kinh sang làm việc dưới nhãn hiệu “Hội thảo về Chủ nghĩa xã hội – kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc”. Trưởng phái đoàn TT-VH Tàu là Lý Thiết Ánh. Trưởng đoàn VN là Nguyễn Đức Bình. Chưa ai quên rằng Nguyễn Đức Bình đã sang khấu tấu Lý Thiết Ánh một tuần trước khi Vũ Khoan đi Mỹ ký kết Hiệp ước Mậu dịch mấy tháng trước. Nay, hai bên gặp lại nhau tại Hà Nội trước khi tổng thống Mỹ sang VN, hẳn không phải là một trùng hợp tình cờ. Càng khó ngẫu nhiên hơn khi báo Nhân Dân đi tựa lớn: “Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Lạy mẹ con đi lấy chồng?


Trong bài học tập trên tạp chí Cộng Sản mang tựa đề “Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng trong cách mạng Việt Nam hiện nay”, Ủy viên chính trị bộ Lê Xuân Tùng đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Tiến tới cách nào? Theo phương pháp phiên âm của tạp chí Cộng Sản, tác giả dẫn lời của tiến sĩ A-lếch-xăng Li-lốp nào đó bên Nga, rằng: “Tương lai của CNXH trên phạm vi thế giới phụ thuộc ở mức độ quyết định về những cuộc cải cách của CNXH ở Trung Quốc và Việt Nam”. Điều đó có nghĩa rằng, đằng sau đống vôi gạch Liên Xô, tất yếu Bắc Kinh và Hà Nội phải là trụ cột của quy luật tiến hóa cho toàn nhân loại? Nhờ đâu? Tùng diễn giải: “Tính chất của thời đại hiện nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, tuy tiến trình lịch sử phải đi vòng hơn so với khi còn Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu”.

Trọng tâm thảo luận của cuộc họp Hoa-Việt trước khi tổng thống Mỹ tới VN chính là lộ đồ quanh co “đi vòng hơn” đó chăng? Chưa hẳn. Nếu Bill Clinton chưa ghé VN. Chứng cớ?


Cũng trên bài học tập đó, Tùng khẳng định thêm: “Thực tế cho thấy không phải Mỹ và đồng minh muốn làm gì cũng được”. Thì ra, đây là một buổi Hội Thảo Trấn An. Đâu phải vô lý khi giới truyền thông ngoại quốc cho rằng bài phát biểu chào mừng Clinton của Lê Khả Phiêu ngày 18-11 cần được dịch ra tiếng Quan Thoại vì chính thực là để nói cho thính giả Bắc Kinh? Theo phóng viên Owen Brown ở Bắc Kinh thì chính vì vậy, “Mặc cho những sự kiện khó chịu về ảnh hưởng đối với Miên và Lào, các quan sát viên đoán rằng Hà Nội sẽ không sàng lắc con đò hữu nghị với Tàu bằng cách chiêu mãi những nhượng bộ chánh trị hay kinh tế đối với Hoa Kỳ trong tuần này (khi Clinton ghé VN)”.


Ngược lại, cũng đâu phải bỗng dưng đại sứ Mỹ Pete Peterson ngẫu hứng tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ không hề có xu hướng hay mong muốn chen vào giữa hai đối tác của khu vực (Hoa-Việt)”. Phải hiểu rằng Mỹ cũng có nhu cầu xoa nắn Hà Nội, khi Giang Trạch Dân hạ cố sang thăm Vạn Tượng và Nam Vang. Tình hình ở hai nước này vốn đã có nhiều “chuyển biến phức tạp” đối với Hà Nội từ nhiều tháng nay, như cách đưa tin của báo Nhân Dân.


Thực tế, tầm ảnh hưởng của CSVN ngày càng mỏng đối với Miên Lào. Nếu phải đu dây giữa Hà Nội và Bắc Kinh, nhiều phần là Vạn Tượng và Nam Vang sẽ ngã gần Hoa Lục hậu hĩnh hơn. VN hiện chỉ “hợp tác” với hai nước láng giềng ở các dự án cấp thấp, trong khi các dự án lớn hầu như được chuyển vào tay thương gia Quảng Tây, Thượng Hải. ASEAN cũng không muốn nhìn thấy một “cục bướu Đông Dương” trong Hiệp Hội. Nhiều quốc gia Âu, Úc và cả Mỹ lại đang ngầm ủng hộ Hoàng Gia Lào để tạo áp suất tách rời chính quyền nước này ra khỏi vòng tay Hà Nội nhằm mục tiêu “trung lập hóa” vương quốc Lào. Rồi ngay cả chuyến viếng thăm Nam Vang của Trần Đức Lương nhằm giúp Hun Sen “khỏi chệch hướng” đối ngoại, dự trù vào hai ngày 27 và 28-11, cũng đã bị hủy bỏ sau một biến cố quân sự sôi động vừa qua tại thủ đô Chùa Tháp….


Như vậy, nếu gọi 1979 là một “bài học” sắt máu của Bắc Kinh khi Hà Nội tung quân xâm chiếm Cam Bốt, thì 2000 cũng là một “bài học” khác cho Hà Nội, êm thắm hơn, nhưng cũng nhằm “khai nhãn” cho Hà Nội thấy rằng thắng một trận đánh chưa có nghĩa là thắng cả cuộc chiến. 1975 hay 1979 đều thế. Ngược lại, Hà Nội rõ ra cũng chỉ e sợ Bắc Kinh chứ không hề muốn ngã về phía này. Đặt cả hai kẻ cựu thù lên bàn cân, Hà Nội có hận mấy cũng phải nhận rằng Mỹ vẫn là tay hào phóng hơn nhiều.


Rốt cục, thông điệp duy nhất mà Hà Nội gửi gắm được cho Hoa Thịnh Đốn một cách an toàn đối với “bọn bá quyền phương Bắc” là nội dung chính trong bài phát biểu của Trần Đức Lương. Theo đó, tổng thống sắp mãn nhiệm Bill Clinton sẽ (phải) “nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của Mỹ trong việc giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tìm kiếm thông tin về số người Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh; hỗ trợ cần thiết cho những nạn nhân của chất độc màu da cam; tẩy rửa chất độc hại ở các căn cứ quân sự cũ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam; hỗ trợ tháo, gỡ, rà soát và vô hiệu hóa số bom mìn trên lãnh thổ Việt Nam”. Chuyển ngữ ngắn gọn là “Dollars, please”! Ai bảo vô sản không sinh vô lại, ăn hại chẳng đẻ ăn mày?

Thị Trường Là Chiến Trường


Hãy thử làm một “tổng kết thực tiễn” sau chuyến ghé thăm VN của ông Clinton, theo cách nhìn dân giả:


Thứ nhất, về mặt tuyên truyền? Qua số lượng chỉ thị và bài học tập trong hai tuần đầu tháng 11, mọi người đều biết là dàn lãnh đạo Hà Nội mong mỏi rằng chuyến đi này sẽ rất “chìm” ở trong nước và khá “nổi” ở nước ngoài, đặc biệt là đối với giới doanh nhân Mỹ. Kết quả đầy đủ cả chìm lẫn nổi, chỉ rất tiếc là chúng tự ý xoay ngược. Ở ngoài, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lại bỗng dưng đi vào bước ngoặt gay go chưa từng thấy, đã cuốn hút sự chú tâm theo dõi của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng. Bài báo của hãng UPI ngày 18-11 viết về lần đặt chân lên Hà Nội của ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher hồi năm 1995 rồi so cùng lần này, với kết luận không mấy vui là lần này “nobody back home cared”, “không ai bên nhà để ý tới”! Ngược lại, báo chí ngoại quốc tường thuật khá rõ về trường hợp phóng viên của đài Á Châu Tự Do bị Hà Nội từ chối cấp chiếu khán. Hay trường hợp ký giả của báo Tuổi Trẻ, dù được bà Charlene Barshefsky (Đại diện Mậu dịch Hoa Kỳ) đồng ý cho phỏng vấn về Hiệp ước Mậu dịch, và được nhân viên phái đoàn Mỹ cặp kè “hộ tống”, vẫn bị công an VN ngăn chận không cho vào khách sạn….


Lại rất tiếc là, bên trong nước, quả bóng Tiger của đội tuyển VN bị xẹp quá nhanh ở vòng bán kết trên sân đấu Songkla, khiến quần chúng trong nước mất động lượng cá cược, phải xoay mối quan tâm qua đề tài Clinton và đâm ra thích thú. Đây cũng là cơ hội hiếm quý để các nhân sĩ đối kháng trong nước lên tiếng. Đã có nhiều thư tay gửi cho tổng thống Mỹ. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng đã chuyển ra hải ngoại một Tuyên Ngôn kêu gọi đoàn kết để dân chủ hóa VN.


Càng “đáng tiếc” hơn nữa, khi thông tấn Deutsch Presse-Agentur loan báo rằng dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez, nhân tháp tùng chuyến ghé thăm VN của ông Clinton, đã cùng 2 ký giả Mỹ và một nữ chuyển ngữ viên đến viếng thăm các nhân sĩ đối kháng Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính và Phạm Quế Dương ở Hà Nội…. Cả bốn nhân vật này tụ họp sẵn một nơi, như thể đã được chu đáo tổ chức từ trước. Nhà địa vật lý Nguyễn Thanh Giang đã bày tỏ sự ủng hộ Hiệp ước Mậu dịch Việt-Mỹ và hoan nghênh chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ, nhưng cho rằng việc thực thi Hiệp Ước cần phải đi kèm với tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do bầu cử ở VN. Nhân dịp này, dân biểu Sanchez cũng đã chuyển tận tay các nhân vật đối kháng những lá thư và quà nhờ trao từ ông Tổng thư ký Liên Minh Việt Nam Tự Do.


Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn nói trên, bà Sanchez chỉ khiêm nhượng: “Chúng tôi cần gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, rằng nhân quyền là một vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ”.


Thứ nhì, về mặt xã hội? Ký giả Oliver Baube của hãng thông tấn AFP tường thuật chuyến thăm viếng của ông Clinton, cho rằng không thể nào vị quốc khách này có thể hình dung ra tiêu lệnh sôi nổi đồng loạt đóng cửa các tiệm xoa bóp và đuổi gái giang hồ trên các hè phố tại VN, nhằm chuẩn bị “làm tốt cuộc đón tiếp”. Đặc biệt, tổng thống Mỹ càng không thể thấy hay nghe được cuộc tập họp của nông dân nhiều tỉnh kéo về biểu tình đòi giải quyết khiếu kiện và chống cường hào tham nhũng, ngay trước trụ sở nhà nước CSVN trên đường Lê Duẩn, chỉ cách Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn non cây số. Người dân khá rõ là nhà nước chỉ có thể đưa tổng thống Mỹ đi ngả khác, chứ, nói theo nhà báo vừa tạ thế Vũ Huy Cương, không thể “ăn cả con đẻ của cách mạng” ngay trước mặt quốc khách. Người dân cũng nắm vững rằng đây là cơ hội tốt để “trả lời” với nhà nước và cho thế giới thấy rõ vụ việc “5 phái đoàn công tác chính phủ” đi nhậu quanh 15 tỉnh để gọi là “giúp địa phương giải quyết khiếu kiện” vừa qua thực sự chỉ là trò xoa bóp của CSVN trước sức ép của các điểm nóng bắt đầu liên kết lại.


Cũng về mặt xã hội, trong Kỳ họp thứ 8 khóa 10 của Quốc hội Hà Nội diễn ra cùng lúc với cuộc thăm viếng của Bill Clinton, báo cáo của hai ngành Tòa án Nhân dân và Kiểm sát Nhân dân cho biết là: “So với cùng kỳ này năm trước, loại tội phạm này đã giảm về số vụ án nhưng thực tế thì tội tham nhũng không giảm mà các thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, có sự móc nối giữa một bộ phận có chức có quyền trong cơ quan nhà nước và với bọn gian thương ngày càng chặt chẽ hơn”. Rồi nhân kỷ niệm 55 năm truyền thống ngành thanh tra nhà nước ngày 23-11, Phan Văn Khải cũng đã nhấn mạnh: “Ngành thanh tra cần tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng và buôn lậu”. Trung tướng CSVN Lê Quang Bình, thuộc tiểu ban An ninh-Quốc phòng của quốc hội Hà Nội, bất đồng ý kiến với lời báo động đảo chánh của tướng Lê Văn Dũng nói trên: “Tôi không nắm chắc thứ hạng về tham nhũng của VN trên toàn thế giới nhưng biết chắc nó đã xóa mất lòng tin đối với đảng và nhà nước CSVN…. Chỉ có tham nhũng mới xóa sạch lòng tin đó mà thôi”. Hóa ra, Lê Khả Phiêu, Lê Xuân Tùng và dàn lãnh đạo Ba Đình lại lãnh thêm một cú tát tóe lửa về lời dọa “diễn biến hòa bình”.


Không ai thấy Mỹ nguy hiểm bằng tham nhũng. Đảng viên lại thấy rõ hơn lãnh đạo đang tranh nhau bắt tay với Mỹ và bỏ túi riêng tiền Mỹ.


Thứ ba, về mặt kinh tế? Theo bài học tập của Lê Xuân Tùng trên tạp chí Cộng Sản, nguy cơ hàng đầu hiện nay là “Tính chất quyết liệt trong cuộc cạnh tranh về kinh tế đòi hỏi ta phải cố gắng vượt bậc, nếu không chúng ta sẽ bị ‘đánh bại’ ngay ở thị trường trong nước, nhất là khi các hiệp định kinh tế song phương và đa phương mà ta tham gia có hiệu lực”. Tùng nhái ngược câu nói của một cựu thủ tướng Thái Lan để kết thúc sự nhấn mạnh về nguy cơ hàng đầu đó: “Ngày nay ‘thị trường là chiến trường’!”. Nếu đúng thế thì Hà Nội hiện có rất đông kẻ thù. Gần là Thái, Tàu. Xa là Âu, Mỹ. Và quả đáng lo biết bao, khi thông tấn xã Hà Nội loan báo là thâm thủng mậu dịch của VN tăng gấp 6 lần so với 11 tháng cùng kỳ năm ngoái, từ 113 triệu mỹ kim lên 790 triệu mỹ kim. Dầu thô xuất khẩu có tăng nhưng không kịp sức tăng 91% của giá dầu tinh lọc nhập khẩu. Ngược lại, ngũ cốc và cà phê xuất khẩu nhiều hơn nhưng thu vào ít ngoại tệ hơn vì bị “trượt giá toàn cầu”. Bài báo của ký giả Đ.B.T cho biết riêng “TCty Càphê Việt Nam: 10 tháng lỗ trên 70 tỉ đồng”.


Còn điều quan trọng hàng đầu là doanh nhân Mỹ và các dự án đầu tư, sau chuyến ghé thăm VN của Clinton, ra sao? Theo ký giả Owen Brown thì khi được hỏi Hiệp ước Mậu dịch Việt-Mỹ có sẽ đưa Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hay không, một cán bộ của Viện nghiên cứu Chiến lược Phát triển Kinh tế tại Hà Nội đã lắc đầu: “Nó không mang lại lợi ích thiết thực nào tức khắc, khi mà sản phẩm VN chưa cải tiến được chất lượng để cạnh tranh trên thị trường Mỹ”. Non hai tuần sau khi tổng thống Mỹ hồi loan, Phan Văn Khải và Trần Xuân Giá rón rén tổ chức một buổi tọa đàm với doanh nhân ngoại quốc tại Hà Nội, đặc biệt nhắm vào doanh nhân Mỹ.


Bản tin của Reuters ngày đầu tháng 12 đi tựa lớn là “Hà Nội thú nhận có vấn đề…”. Theo đó, Phan Văn Khải thú nhận có quá nhiều “trở ngại nghiêm trọng” trong tiến trình tạo hấp lực cho giới doanh nhân ngoại quốc, nguyên nhân là tình trạng vô trách nhiệm và trốn tránh trách nhiệm của cán bộ nhà nước CSVN ngày càng kéo dài và làm phức tạp hơn việc giải quyết các vấn đề của doanh nhân ngoại quốc. Khải cũng thừa nhận các điểm yếu của VN nằm trong các lãnh vực kỹ thuật, viễn thông, tài chánh, bảo hiểm và kiểm toán, “những yếu kém và vướng mắc này đã tạo ra nhiều hệ quả tiêu cực trên tình hình đầu tư ngoại quốc tại VN”.


Cả Khải lẫn Giá đều không có câu trả lời cho việc giải quyết những điều vừa thú nhận. Cả hai chỉ có thể xoa bóp cử tọa bằng khẩu hiệu lúc chia tay: “Thất bại của các bạn chính là thất bại của chúng tôi”. Hoặc ngược lại, đều đúng trong một “nền kinh tế bong bóng”, theo cách gọi của Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Hiên. Kể từ đỉnh cao 2,7 tỷ mỹ kim trên giấy phép đầu tư năm 1997, đến nay, Ngân hàng Thế giới dự kiến là VN chỉ có thể có trên giấy tờ trung bình 1 tỷ mỹ kim đầu tư ngoại quốc mỗi năm trong suốt 5 năm tới, tức vào khoảng một nửa mơ ước của Hà Nội, nếu CSVN không nhanh chóng đẩy mạnh cải tổ và có một chính sách kinh tế minh bạch.


Như vậy, nếu đọc lại cả hai bài phát biểu của Lê Khả Phiêu và Trần Đức Lương nhân dịp đón tiếp tổng thống Mỹ, rồi so với “nỗ lực” thầm lặng của Phan Văn Khải, người ta càng thấy rõ hơn một phía theo Mỹ để xin viện trợ và phía kia theo Mỹ để câu doanh nhân. Hóa ra, chẳng có phe giáo điều hay cấp tiến gì sất?


Và hóa ra, chuyến viếng thăm đó chẳng là “chiếc đũa thần” gì sất để đẩy thêm doanh nhân Mỹ vào VN, khi mà chính đảng viên CSVN đã và đang tiếp tục nỗ lực tróc nã và trục xuất doanh nhân ngoại quốc bằng nhiều phương thức tinh vi hơn văn bản chỉ đạo của chính trị bộ. Lê Xuân Tùng nói đúng. Ngày nay, thị trường là chiến trường! Giữa đảng viên cộng sản với nhau.


Cái mà ký giả H.T. của báo Lao Động gọi là những “ê-kíp tư lợi”. Còn Lý Sinh Sự thì gọi là hành động “chụp giựt, đánh quả, cốt vơ đầy túi”.

Tai Mắt Của Trên?


Trong bối cảnh “chụp giựt, đánh quả” đó, đảng CSVN đã long trọng tổ chức “Đại Hội Thi Đua Toàn Quốc Lần VI”. Lời khai mạc của Trần Đức Lương nhận định tình hình chung là “đang đứng trước những khó khăn thách thức to lớn”. Báo cáo của Phan Văn Khải trong dịp này cũng nhấn mạnh “chúng ta thẳng thắn nhìn nhận đời sống xã hội hiện nay còn nhiều hiện tượng tiêu cực, trì trệ; trong bộ máy Nhà nước, bệnh quan liêu và tệ tham nhũng còn nặng”. Quan trọng nhất, “Nguy cơ tụt hậu xa hơn vẫn đang là thách thức lớn đối với dân tộc ta”….


Tiêu biểu cho những “anh hùng thi đua” lần này, Khải đã nêu thành tích “bà Đỗ Thị Kim Hồng, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, từng bị liệt hai chân và một tay, nhưng đã kiên trì tập luyện đi lại được bình thường; trong 10 năm liền đã tích cực cùng với người thân của liệt sĩ và đồng đội lăn lộn nơi núi rừng, vượt qua bao khó khăn gian khổ để quy tập được trên 300 hài cốt liệt sĩ”. Hoặc, “Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Đấu ở ấp 3, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã dành trọn số tiền trợ cấp theo chính sách để xây dựng cây cầu xi-măng cho các cháu đi học thuận tiện”. Bài xã luận trên báo Nhân Dân lặp lại lời phán của Hồ Chí Minh, gọi đó: “những người thi đua là những người yêu nước nhất”!


Trên thực tế, việc thi đua của đảng viên CSVN nằm trên một bình diện khác. Phóng viên Thanh Nam viết về “Vụ tiêu cực lớn nhất Đà Nẵng” là cán bộ “ngang nhiên coi các công trình xây dựng lớn có nguồn vốn đầu tư nhiều tỉ đồng như những ‘chùm khế ngọt’… Từ nhà máy, cầu, văn phòng đại diện đến công tác phí đều bị phù phép biến thành của riêng”. Một tiểu tựa của bài viết này in đậm: “Tham ô… trên mọi nẻo đường”.


Bài báo của ký giả Lam Chi viết về tình hình khó hiểu tại công ty Thạch cao Ximăng Quảng Trị là bỗng dưng ”Biến mất một tháng thuế”…. Đó chỉ là những điển hình nhỏ của bức tranh “thi đua toàn quốc”. Đơn khiếu kiện của dân chất cao như núi, khắp nơi. Trả lời câu hỏi của báo Lao Động: “Khi giải quyết những vụ án ‘dân kiện chính quyền’, tòa án có gặp khó khăn gì không?”, Chánh án toàn án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương trả lời rằng: “Giải quyết vụ án hành chính là một vấn đề hết sức phức tạp vì trực tiếp đụng chạm đến các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành chính cùng cấp với tòa án địa phương”.


Nhân dịp kỷ niệm 55 năn ngành thanh tra, Phan Văn Khải lặp lại “lời dạy” của Hồ Chí Minh rằng “ngành thanh tra phải là ‘tai mắt của trên, người bạn của dưới’”. Rõ ràng đó là mấu chốt của mọi khuyến khích tham nhũng có hệ thống.


Kể cũng lý thú, có hay không có chuyến đi VN của Bill Clinton, nghệ sĩ Lê Khanh và Lan Hương vẫn nổi tiếng trong vở diễn “Bến bờ xa lắc”. Thêm nữa, chỉ hai ngày trước khi tổng thống Mỹ đặt chân lên Hà Nội, hãng phim truyền hình Sài Gòn đã xuất khẩu sang Mỹ cho Công ty Planet Entertainment 40 phim tài liệu và duy nhất 1 phim truyện. Tựa đề của nó là “Sống bên bờ vực”. Ai dám bảo rằng đó là lời nhắn gửi chân thành? Tác giả Lý Sinh Sự hoàn toàn có lý khi phán rằng

“Rồi sẽ có ngày phải kiến trúc lại thủ đô…”.


Lực Đinh Lương Văn Mỹ

Commentaires


  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2022 by Lương Văn Mỹ K24. Proudly created with Wix.com

bottom of page